Đài truyền hình TPHCM vừa thực hiện chương trình Những cánh chim không mỏi (NCCKM) dành cho NSND Tám Danh.
NSND Tám Danh tên thật là Nguyễn Phương Danh, sinh năm 1901, tại Cần Thơ. Ông mất năm 1976, khi đất nước vừa thống nhất. Đó điều đau xót cho một người con của cái nôi cải lương chưa kịp trả nợ với quê hương... và là điều tiếc rẻ cho vùng đất Nam bộ. Bởi vì, ông là một cây đại thụ của nghệ thuật sân khấu cải lương nhưng học trò của ông đa số là học sinh miền Nam tại đất Bắc hoặc học sinh miền Bắc mới có diễm phúc để ông truyền nghề.
Chương trình NCCKM nói về NSND Tám Danh như một thước phim “quay ngược”, vì các cô-cậu học trò ngày ấy... bây giờ đã “răng long đầu bạc, công thành danh toại” như: Công Thành, Tú Lệ, Lê Thiện, Ca Lê Hồng, Thanh Vy, Thanh Hạp, Xuân Hiểu, Hoàng Khanh...
NSƯT Tú Lệ nói: “Hồi bác Tám Danh còn ở miền Bắc, tôi gầy nhom, ai cũng gọi tôi là con Xẩm, còn anh Công Thành cứ trêu tôi là con Xẩm khùng. Buồn lắm à nhen. Thấy tôi tội nghiệp, bác Tám Danh gọi tôi đến dạy hát cải lương và cho vào vai Võ Thị Sáu, đó là vai diễn đầu tiên của tôi. Sau này giọng tôi yếu quá nên chuyển sang kịch nói Nam Bộ”. NSƯT Thanh Vy vốn là một cô gái Bắc nhưng hát cải lương rất thành công, khi vô Nam đã từng “làm mưa làm gió” với Nàng Xê Đa cùng với ngôi sao giải Thanh Thanh Tâm-Phương Quang trên sân khấu cải lương miền Nam. Thời gian ở miền Bắc, NSƯT Thanh Vy đã có diễm phúc học hát cải lương với thầy Tám Danh và nhờ vai Võ Thị Sáu mà chị đã được Bác Hồ mời diễn cho Bác xem. Đến với chương trình NCCKM của NSND Tám Danh, dù ở vào cái tuổi lục tuần vậy mà diễn vai Võ Thị Sáu tung tăng hái hoa, bắt bướm, bỗng dưng nghe tiếng ngựa xổng chuồng, Võ Thị Sáu vội chạy theo bắt chú ngựa lại... với lối vũ đạo mềm mại, uyển chuyển, NSƯT Thanh Vy đã diễn đạt đến tuyệt vời, người xem nhìn chị diễn mà cứ ngỡ đang bắt ngựa thật. Diễn trích đoạn xong, chị mệt phờ và chỉ kịp nói: “Đó là vũ đạo của thầy Tám Danh đã dạy cho tôi dùng cho tuồng xã hội...”.
Thầy giáo Xuân Hiểu cũng là chàng trai miền Bắc nhưng học ca bằng giọng Nam, lúc nói chuyện giọng Bắc, lúc hát giọng Nam nên ai cũng cười, vì ông hát “khá” quá. Nhưng khá hơn là lúc ông dùng vũ đạo diễn đạt vai con hạc trong vở cải lương “Hạc trắng” mà ngày xưa thầy Tám Danh đã dạy... Cô học trò trường CĐ.SK&ĐẢ diễn vai hạc trắng không ra, ông phải thị phạm lại cho mọi người xem. Mái tóc bạc đốm bạc nhưng từng nét vũ đạo thật điêu luyện, tuyệt vời. Ông nói: “Hồi chúng tôi học, làm gì biết đến ba lê nhưng thầy Tám Danh đã biết dạy cho chúng tôi múa con hạc trắng cho giống Việt Nam, không phải thiên nga. Nghĩa là: dù hạc biến thành người nhưng lúc diễn thỉnh thoảng phải lộ cốt hạc bằng “chiếc mỏ” và “đôi cánh”. Lúc hạc bị thương thì phải vỗ nhè nhẹ vào đôi vai, lúc đi trong đau đớn đôi chân phải kéo về phía sau và bấu xuống sàn diễn như gà bới, vì đó là hạc Việt Nam”. Những hình ảnh mà NSND Tám Danh truyền đạt cho học trò của mình chính là những điều ông gặt hái từ sự quan sát thiên nhiên quanh ông ta, quả là bậc nhân tài. Những năm đầu của thế kỷ 20, làm gì sân khấu của chúng ta có điều kiện tiếp cận với sân khấu thế giới, vậy mà thầy Tám Danh lại soạn ra được một chuyên đề để dạy cho bộ môn cải lương và chúng ta dùng nó ở trường đại học sân khấu Hà Nội cho đến cao đẳng trong Nam. Những danh từ thầy tám Danh dạy như: diễn có thần sắc, bây giờ người ta gọi là tâm lý-hình thể bên trong và bên ngoài, bế chiến là chú ý... Vậy mà từ xưa thầy đã nói nôm na để cho học trò hiểu, còn bây giờ thì khoa học ngôn từ nên thấy khác chứ thật ra là một. Năm 1966, ông còn đề xuất cách tân cải lương bằng cách kết hợp âm nhạc, vũ đạo, nội dung để tạo ra hình thức mới cho cải lương đã tạo nên một cuộc tranh luận dữ dội giữa các nghệ sĩ chuyên môn trong bộ môn cải lương như Út Du. Cuối cùng mọi người yêu cầu dựng thể nghiệm vở Ánh lửa, câu chuyện chưa ngã ngũ thì có lệnh sơ tán đi chiến đấu chống Mỹ... và việc cải cách cải lương cũng bỏ lửng từ đó. Điều này đang được UBND TPHCM chỉ đạo ngành chức năng đưa ra dự án nâng cấp cải lương.
THANH TÚ