Từ bao đời nay, người dân làm nghề biển giã rất sùng kính cá Voi, coi đó là một vị thần tối cao luôn cứu giúp họ khi gặp hoạn nạn trên biển cả. Trong các đình làng biển ở Khánh Hòa, ngoài bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền còn có bàn thờ Ông Nam Hải (tức cá Voi). Vào tháng 3 hoặc tháng 7 âm lịch hàng năm, ngư dân thường tổ chức lễ hội cầu ngư với mục đích cầu Ông Nam Hải ban cho một mùa cá bội thu và phù hộ dân làng được bình an, mạnh khỏe.
Nguồn gốc sâu xa của lễ hội cầu ngư là tín ngưỡng thờ cá Ông (cá Voi) của ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung và Nam bộ. Xưa nay, những truyền thuyết, giai thoại về Ông Nam Hải lưu truyền trong dân gian luôn xuất phát từ việc cá Voi cứu giúp người bị nạn ngoài biển khơi những khi sóng to gió lớn, đồng thời ban cho ngư dân được lắm tôm nhiều cá. Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép:“Cá Voi có tục danh là cá Ông Voi, đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai chĩa như đuôi tôm, có tánh từ thiện, hay giải cứu cho người khi qua biển mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên là Nhân Ngư, đầu niên hiệu Tự Đức đổi lại Đức Ngư”. Sách “Gia Định Thành Thông Chí” của sử gia Trịnh Hoài Đức cũng chép: “Thần là con cá nhân ngư... Ngư phủ giăng lưới đánh cá, thường hô là thần mà cầu khấn thì nhân ngư đuổi cả bầy cá chạy vào lưới, ngư phủ rất cảm ơn. Có khi nhân ngư lầm vào trong lưới, thì ngư phủ mở một mặt lưới kêu mà dẫn ra, nhân ngư ắt theo cửa ấy mà ra”. Nhà nghiên cứu Lê Quang Nghiêm, trong sách “Tục thờ cúng của ngư phủ lưới đăng Khánh Hoà”, ghi lại một truyền thuyết mang đậm sắc thái Phật giáo về nguồn gốc cá voi như sau: “Theo huyền thoại, xưa kia Đức Phật Quan Âm trong lần tuần du đại hải, Bồ Tát ngậm ngùi đau xót cho số phận của người trần bị chết chìm ngoài biển khơi, nên xé chiếc áo cà sa làm muôn mảnh thả trên mặt biển làm phép thành cá Ông, lấy bộ xương voi ban cho để cá Ông có thân hình to lớn, lại ban phép thâu đường để lội thật mau hầu làm tròn trách nhiệm cứu vớt người lâm nạn”. Trong tác phẩm “Nếp cũ hội hè đình đám”, học giả Toan Ánh cũng ghi nhận: “Những người dân sống ở biển cả đều cầu nguyện đến cá voi mỗi lần lâm nạn. Theo ngư dân ven biển Bình Thuận, họ có 12 câu nguyện gọi là Thập nhị đại nguyện. Tương truyền là của đức Quan Thế Âm truyền cho họ để họ cầu lên kêu cứu với Nam Hải đại vương trước mọi tai nạn”.
Các lão ngư kể lại rằng, khi lâm nạn hoặc khi thuyền giăng lưới ngoài khơi, người ta thường van vái xin “Ông” giúp đỡ. Ông như nghe được lời cầu khẩn mà phun nước phì phì lùa cả bầy cá vô lưới, chở khẳm thuyền chưa hết. Nhiều khi “vui” mà quên mất lối ra, người ta phải mở lưới, kêu và dẫn Ông ra ngoài. Ông đi rồi ai cũng ngậm ngùi đưa tiễn!
Từ đức tin ấy, cá Voi đã trở thành một vị Phúc Thần trong đời sống tâm linh của cư dân ven biển, được dân gian thành kính gọi bằng nhiều danh xưng trân trọng: Ông Lớn, Ông Sanh, Ông Khơi, Ông Lộng, Ông Nam Hải…, được các vua triều Nguyễn sắc phong tước hiệu là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, trong cái bài văn tế cúng lăng thường gọi bằng thần hiệu Đông Hải Đại vương hoặc Nam Hải thủy thần.
Cá Voi thường được ngư dân gắn với sự ấm no, hưng thịnh của vạn chài. Những lúc cá Voi bị mắc cạn, ngư dân tìm mọi cách đưa “Ông” về với biển. Khi Ông lị (chết), xác trôi dạt vào bờ, ngư dân dựng lán che nắng, canh giữ, đợi tới khi thịt rã hết, lấy rượu lau khô hài cốt rồi cho vào hòm, tổ chức nghi lễ hết sức trang nghiêm, chu đáo, rước hài cốt về nơi trang trọng nhất trong lăng của thôn hoặc xã địa phương để phụng thờ. Họ tin rằng thôn làng nào được Ông vào lị thì sẽ làm ăn phát đạt, đánh bắt an toàn.
Văn hóa đình - lăng là mảng văn hóa lớn ở Khánh Hòa: đình của làng nông nghiệp, lăng của làng ngư nghiệp. Cá Voi với người vốn gắn bó, nên khi sống cá được tôn kính, khi chết cá hiển linh thành Thánh, được ngư dân tôn làm thượng đẳng thần, xây lăng tẩm thờ cúng. Nếu là cá Voi đực chết già gọi là lăng Ông, chết trẻ gọi là lăng Cậu. Cá Voi cái chết già gọi là lăng Bà, chết trẻ gọi là lăng Cô. Hàng ngày có người hương khói, hàng năm lấy ngày Ông lị làm giỗ chung gọi là cúng lăng. Lệ xưa, người đầu tiên gặp Ông lị phải để tang Ông ba năm như tang cha mẹ và lo việc cúng giỗ hàng năm, như ghi chép của sử gia Trịnh Hoài Đức vào đầu thế kỷ XIX: “Dân miền biển đến kính lễ, thấy thây cá voi này trôi dạt, dân chài lưới góp tiền mua vải hòm liệm chôn, người trưởng trong ngư hộ đứng làm tang chủ, cất đền phụng sự”.
Dọc theo các làng xã ven biển Khánh Hoà đều có lăng thờ Ông Nam Hải với mật độ khá dầy đặc. Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có 50 lăng phân bố đều khắp các huyện, thị, xã, phường ven biển và hải đảo. Thường mỗi xã, phường có 1 lăng, cũng có xã có đến 2, 3, 4 lăng, thậm chí có đến 6 lăng do mỗi thôn đều có một lăng.
Lăng Ông được xây dựng để làm nơi thờ cúng đồng thời phục vụ các nghi thức tế lễ, các cuộc sinh hoạt cộng đồng, biểu diễn nghệ thuật. Lăng thường được xây bên cửa lạch hướng ra biển cả, trên khoảng đất cao ráo, thoáng mát. Chung quanh lăng xây tường bao, rộng hàng nghìn mét vuông. Kết cấu chính gồm Chánh điện chứa quách đựng ngọc cốt (bộ xương cá Voi). Có lăng nhiều quách, vì có khi cả quần thể cá vào lị cùng một lúc. Quách có quách Ông, quách Bà, quách Cô, quách Cậu. Hai bên tả hữu chánh điện thờ Bà Vạn Lạch và Thiên Y Thánh Mẫu. Gian lớn thờ Tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ, kế đến là gian để đãi khách trong ngoài vạn lạch ăn uống, sau nữa đến gian bếp. Đối diện với chánh điện vài chục mét là võ ca, tức sân khấu để hát bộ. Sân khấu rộng khoảng 20 - 25m2, trang hoàng lộng lẫy, ba mặt tiếp giáp với khán giả, phía sau là bàn thờ tổ Tuồng được thiết lập khi có tế lễ.
Có những nơi đình làng và lăng Ông được xây chung trong một địa điểm, gọi là “đình lăng hợp nhất”. Trong trường hợp này bao giờ dân làng cũng dành gian chính giữa của phần Hậu điện làm điện thờ Ông Nam Hải.
Hiện nay, người dân làm nghề biển ở Khánh Hòa vẫn duy trì tục thờ cúng cá Ông dưới hình thức lễ tế Ông Nam Hải hay còn gọi là lễ hội cầu ngư. Ngày xưa “xuân thu nhị kỳ”, xuân cúng đình, thu cúng lăng. Nay hợp nhất đình lăng cúng một lần. Việc cúng tế, năm nào vạn lạch cũng làm lễ dâng hương, còn cúng lớn thì thông lệ 3 năm 1 lần, song vạn lạch nào làm ăn giàu có thì cứ mỗi năm 1 lần vào ngày “Ông” lị (chết), hoặc do các bô lão trong lạch định ngày rồi hàng năm cứ vào ngày ấy, giờ ấy mà tế lễ. Thời gian tế lễ kéo dài khoảng 3 ngày, với sự tham gia của hàng nghìn người, với nhiều hình thức nghi lễ, trò diễn dân gian… diễn ra nhộn nhịp và trang trọng. Đặc biệt có rước đoàn hát bộ về hát cúng lăng và trình diễn phục vụ bà con suốt mấy ngày đêm.
Kinh phí trang trải cho lễ hội và đoàn hát do sự đóng góp tự giác và thành tâm của ngư dân trong vùng. Mức đóng góp tùy theo gia đình, tùy kinh doanh lớn bé, tùy thuyền to nhỏ… mà Ban Tổ chức ấn định thu sao cho đủ nhu cầu. Điều kiện vật chất ấy có được là sự thể hiện tình cảm, niềm tin, trách nhiệm, bổn phận của cả cộng đồng vạn lạch.
Lễ hội cầu ngư là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân các làng biển, phát triển từ lễ cúng lăng tức lễ tế Ông Nam Hải. Lễ hội gồm có hai phần: Lễ đình và Hội làng (cũng diễn ra tại sân đình).
Phần Lễ có các lễ sau:
- Lễ rước sắc: Ví dụ lễ hội cầu ngư của Đình Trường Tây (thuộc khóm Tây Hải, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) vào các ngày 16, 17 tháng 7 âm lịch hàng năm. Vị tiền hiền của làng Tây Hải là ông Nguyễn Loan, dưới triều Nguyễn giữ chức Suất đội, quản lý đảo Yến. Trong một trận giao tranh với giặc Tàu Ô, ông đã chiến đấu bảo vệ đảo Yến đến hơi thở cuối cùng. Vua nhà Nguyễn có ban sắc phong, nay vẫn còn lưu giữ tại nhà con cháu trong thôn. Hàng năm cúng đình, các cụ thường làm lễ tại nhà con cháu ông, rồi rước sắc ra đình để tế, sau đó lại rước trả về.
- Lễ nghinh Ông (còn gọi là nghinh Thủy Triều): tức lễ rước linh hồn Ông Nam Hải. Khoảng 5 giờ sáng, đoàn nghinh Ông khởi hành từ đình hoặc lăng Ông đến bãi biển rồi lên 3 chiếc ghe nghề chờ sẵn trực chỉ ra khơi. Ghe đi nghinh Ông phải là ghe tốt, chủ ghe là người có đức độ, làm ăn giỏi, gia đình thuận hoà, êm ấm… Ghe chính lập hương án ở mũi ghe, chở Ban nghi lễ cùng đội nhạc với chiêng trống, cờ phướn, lọng che rất uy nghiêm. Ghe bên trái chở Tổng Mũi và đoàn Bá trạo 8 người, ghe bên phải chở Tổng Lái, Tổng Thương và đoàn Bá trạo 8 người cùng các bậc hào lão, kỳ mục. Theo sau đoàn là các ghe thuyền của dân làng. Chiếc ghe có chủ tế đi đầu, hai ghe tiếp theo đi hai bên đều nhau thành hình tam giác cân, cứ thế đi theo hướng mặt trời mọc ra khơi, đến nơi qui định (vùng cá Ông lị) thì dừng lại. Chiêng trống nổi lên, người chủ tế mặc áo dài khăn đóng nghiêm trang đứng trước hương án bắt đầu vái hương và cầu khấn. Khi lễ cúng hoàn tất, cả đoàn người reo hò vang dậy, ghe đồng loạt nổ máy, quay mũi hướng vào bờ.
Trên đường về, ghe chính đi trước, hai ghe tả hữu đi hai bên, đến gần bờ ghe chính vẫn đi giữa còn hai ghe kia đảo qua đảo lại chạy chung quanh ghe chính ba lần theo kiểu cá Ông bơi lụy vào bờ. Lúc này dân làng tụ tập rất đông trên bến để nghinh đón “linh” cá Ông về. Trong đình đèn nến sáng choang, hương trầm nghi ngút. Khi hương án đã được an vị, đoàn Bá Trạo chuẩn bị ra sân trình diễn. Một đoàn Bá trạo thường gồm 19 người (không kể ban nhạc) chia ra 8 cặp (16 người) làm bạn chèo. Ba người còn lại thì một người đóng vai Tổng Mũi tay cầm nhịp phách chỉ huy đoàn Bá trạo, ở giữa là Tổng Thương (đại diện cho cả ba nhiệm vụ: buôn bán, nấu bếp, tát nước), tay cầm cây trượng đầu trên có chạm hình con cá. Tổng Lái đứng dưới cùng, hóa trang thành một cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm cây chèo dọc lúc “cạy” sang trái, lúc “bát” sang phải giống như đang lèo lái con thuyền. Các trạo phu xếp thành hai hàng, vận sắc phục cổ truyền, vừa hò bài trạo vừa cầm mái chèo thể hiện những động tác nhịp nhàng mô phỏng cảnh sinh hoạt, lao động đánh cá của ngư dân giữa biển khơi. Lễ nghinh Ông kết thúc cùng với trò diễn hò Bá trạo trước điện thờ.
- Lễ tế sanh: mở đầu phần tế lễ là lễ tế sanh tức mổ heo cúng thần. Vật hiến tế phải là 3 con heo “toàn sắc”, “toàn sinh” tức là loại heo lông tuyền một màu đen hoặc trắng và tế sống nguyên con chứ không chặt xẻ. Trong lễ có nghi thức “ế mao huyết”, sau khi thọc huyết heo, lấy ba chén rượu pha huyết rồi cạo một nhúm lông heo bỏ vào từng ly, đặt lên bàn thờ.
- Lễ tế Ông Nam Hải: Sau lễ tế sanh đến tế chánh. Trong tế chánh thì tế đình (tức tế Tiền hiền) trước, tế Bà Thiên Y Thánh Mẫu sau, cuối cùng tế Ông Nam Hải. Nội dung bài văn tế ca ngợi công đức to lớn của Ông Nam Hải và lời cầu xin quốc thái dân an, tấn tài tấn lợi cho vạn lạch.
- Thứ lễ: phần tiếp theo của tế chánh là hát thứ lễ, tức là hát cúng lăng, cúng Thần do đoàn hát bộ đảm trách. Các vở tuồng thứ lễ phải là tuồng Ông (Ông đây chỉ nhân vật lịch sử Quan Vân Trường sống vào thời Tam Quốc cuối nhà Hán bên Trung Hoa, dân gian thường gọi là Quan Công hay Quan Thánh Đế quân). Hình ảnh vị tướng tài ba Quan Công mặt đỏ, râu dài, tay cầm thanh long đao, cưỡi ngựa Xích Thố trong các lớp tuồng cổ như “Tam Anh Chiến” hay “Phục Huê Dung” đại diện cho những giá trị cao cả của nhân sinh: can đảm, dũng mãnh, tiết tháo, nhân nghĩa, chính trực. Trong tâm thức dân gian, khi hát cúng Ông (Nam Hải) thì phải hát tuồng Ông (Quan Công). Như vậy, việc nhân hoá và thần hóa cá Voi đồng nhất với việc hòa nhập vào một nhân thần hiển thánh có sức mạnh vô biên và đức độ muôn mặt.
Hát thứ lễ chỉ trong 3 đến 4 giờ nhưng là khâu rất quan trọng, “nhất thứ lễ nhì tôn vương”. Đoàn hát phải đến cúng xin Đức Ngài. Nếu trong quá trình biểu diễn có sơ suất thì bị Ban Tổ chức khiển trách, nếu nặng sẽ bị phạt. Nghệ sĩ đóng vai Quan Công phải ăn chay niệm Phật, đêm ngủ trong lăng. Khi xem hát, lúc Quan Công xuất hiện tất cả mọi người phải đứng dậy để tỏ lòng tôn kính. Hát thứ lễ càng nghiêm túc bao nhiêu thì người ta càng tin rằng sẽ gặp được nhiều điều may mắn, tốt lành trong chuyến đi biển sắp tới bấy nhiêu.
- Lễ tôn vương: Tôn vương là phần cuối cùng của lễ tế. Nội dung tôn vương là một hoạt cảnh ca múa dân gian với các điệu múa Tứ linh, múa Chúc rượu, múa Xổ liễn. Người dự thường chỉ là các chức sắc, khách mời, thành viên Ban Tổ chức. Dân làng, trẻ em, những người đang có tang không được vào xem.
Sau phần Lễ là phần Hội. Đó là những giờ hát bộ do các đoàn Tuồng (nghiệp dư hoặc chuyên nghiệp) được Ban Tổ chức mời đến biểu diễn phục vụ dân làng, nên còn gọi là hát đãi, có nơi còn gọi là hát lòng án. Hát lòng án không ấn định như 3 vở tuồng thứ lễ, mà tuồng tích do Ban Tổ chức yêu cầu, đoàn hát phải tuân thủ. Thời gian hát Tuồng phục vụ cho lễ hội cầu ngư thường kéo dài trong suốt ba bốn ngày liền, ban đêm có khi diễn đến tận 2 - 3 giờ sáng nhưng vẫn thu hút rất đông khán giả. Các đêm hát này không dính dáng đến nghi lễ, chỉ mang tính chất giải trí./.