Trong con hẻm dài, khá yên tĩnh và tương đối rộng rãi (bề rộng hơn bốn mét), có hai người mẹ cùng sinh con trai, một ngày, chỉ khác là người thì buổi sáng, người buổi tối.
Người mẹ thứ nhất ở trong căn nhà mà ngoài cổng có lùm hoa giấy, đặt tên con là Tôn Sách, vừa có ý là Sách được làm thành từ giấy và Tôn Sách là tên một nhân vật làm quân sư cho Bao Công, tên đầy đủ là Công Tôn Sách, đã phò giúp cho Bao Công rất đắc lực trong các vụ kỳ án tưởng chừng như không thể phá nổi! Đặt tên con là Sách ấy là người cha và người mẹ trẻ tuổi đều vừa tốt nghiệp trường Đại học Luật, đều mới vào làm việc ở một tổ Trọng án thuộc Phòng cảnh sát điều tra…
Người mẹ thứ hai ở trong căn nhà đối diện với căn nhà có lùm hoa giấy, là căn nhà có cây bằng lăng, đặt tên con là Bằng Lăng, chỉ với một lý do là cả hai vợ chồng đều thích hoa bằng lăng. Hai vợ chồng ở trong căn nhà có cây bằng lăng này sống bằng lợi nhuận của một tài khoản khá lớn ở một ngân hàng nước ngoài…
Có điều khá đặc biệt là, tuy chỉ cách nhau một khoảng cách hơn bốn mét nhưng những người ở hai căn nhà đối diện nhau nhưng chưa bao giờ tiếp xúc với nhau, cũng giống như rất nhiều người ở trong các căn nhà khác, họ hầu như không hề biết đến những người “Hàng xóm” – đó là điểm khác biệt khá phổ biến giữa nông thôn và thị thành. Song, tuy họ không quan hệ với nhau, nhưng có một sợi dây vô hình của định mệnh lại cứ muốn ràng buộc họ với nhau, mà số phận của hai cậu bé Tôn Sách và Bằng Lăng là một ví dụ.
*
Hai mươi năm sau, khi cả hai cậu bé Tôn Sách và Bằng Lăng sắp tròn hai mươi tuổi…
Bên căn nhà có lùm hoa giấy, cả bố và mẹ của Tôn Sách đều đã trở thành những nhà điều tra tài ba và có chức vụ cao. Cậu bé Tôn Sách, vì là con một, cho nên phải gánh trọng trách rất lớn và nặng nề của song thân: nối nghiệp danh gia! Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, câu bé Tôn Sách đã được “Cài đặt” trong một chế độ giáo dục đặc biệt và rất nghiêm khắc: đó là cậu phải tiếp thu ở mức cao tất cả các tri thức cũng như khả năng của con người! Bởi cả bố và mẹ cậu đều cho rằng, muốn trở thành một nhà điều tra giỏi, có thể tóm cổ bất cứ loại tội phạm nào thì phải hơn hẳn người bình thường, là Siêu nhân thì càng tốt! Song, dường như mọi cố gắng của bố và mẹ Tôn Sách đều thu được những kết quả chệch hướng, thậm chí ngược lại với mong muốn ban đầu. Chẳng hạn như cho Tôn Sách học võ thuật từ lúc năm sáu tuổi là để cho cậu bé có sức khỏe tốt và một bản lĩnh cao cường thì cậu lại không chuyên tâm rèn luyện theo những bài bản chuẩn mẫu mà chỉ thích học theo những chiêu thức có tính chất bạo lực và sớm có tính cách ngông cuồng, thích gây gổ đánh lộn! Hoặc cho cậu tiền để mua sách, báo thì chỉ thấy cậu tha về những
cuốn sách bạo lực hoặc truyện ái tình nhảm nhí, có cả những tập tranh, ảnh khiêu dâm! Trang bị máy vi tính từ rất sớm (từ khi mới học lớp ba) để cậu nhanh chóng hội nhập thế giới @ thì cậu chỉ mải mê với những trò chơi bạo lực và những trang Web bẩn!...
Việc vào đại học của Tôn Sách, chính vì thế mà không thể thuận buồm xuôi gió như bố mẹ cậu. Vì cả bố và mẹ Tôn Sách đều có bằng Tiến sĩ Luật và đều tham gia giảng dạy ở trường Đại học Luật cho nên người ta hy vọng sau này, lớn lên chút nữa, cậu sẽ thay da đổi thịt mà trở lại là “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, có được chút di truyền của cha và mẹ là những Luật gia giỏi, cho nên đã cho cậu được “đỗ vớt” đặc cách vào trường Đại học Luật, cùng với sự “Bảo lãnh” của cả bố và mẹ. Song, gần hết năm thứ nhất thì Tôn Sách lại gây ra một “cú đúp” về tội lỗi: đánh trọng thương một bạn trai và cưỡng bức một bạn gái! Song thân cậu lại phải một phen “gỡ rối” và “bảo lãnh” cho cậu, nếu không cậu đã bị đuổi học! Gần đến ngày sinh nhật tròn 20 tuổi, Tôn Sách đã được lên năm thứ ba, trong sự lo lắng từng ngày của cả bố và mẹ. Song sự lo lắng của song thân Tôn Sách đã chuyển sang một chút hồi hộp, hy vọng khi có ông thầy Tướng số nói rằng, khi tròn 20 tuổi, số phận Tôn Sách sẽ có sự đột biến rất lớn!
Khi tròn 20 tuổi, số phận sẽ có đột biến lớn, cũng là câu thầy Tướng nói với bố mẹ Bằng Lăng khi nói về số phận của Bằng Lăng, ở căn nhà có cây bằng lăng, đối diện với căn nhà có lùm hoa giấy là nhà Tôn Sách. Song, những diễn biến khác của cậu bé Bằng Lăng từ khi sinh ra cho đến gần ngày sinh thứ hai mươi thì lại khác hẳn cậu bé Tôn Sách. Ngay từ khi cắp sách tới trường, cậu bé Bằng Lăng đã là một học trò giỏi đặc biệt và suốt trong thời gian học ở bậc Trung học phổ thông, cậu bé Bằng Lăng luôn luôn là một học trò giỏi toàn diện. Bố và mẹ Bằng Lăng đều quá “say sưa” với những “phi vụ” làm ăn lớn nhỏ khác nhau, liên tục không ngưng nghỉ như những “canh bạc khát nước”, cho nên thường là không để ý tới chuyện học hành của con cái. Cho nên Bằng Lăng và hai người em gái đều “tự thân vận động”, Bằng Lăng thi đỗ vào trường Đại học Y Dược, còn hai cô em gái xinh đẹp và nổi tiếng ăn chơi sành điệu thì đều “thi đỗ” vào “Trường Đời”: cô chị đã là một người mẫu thời trang đắt giá còn cô em đang là một diễn viên điện ảnh nổi danh như cồn cát!
*
Cận kề ngày sinh thứ hai mươi của Tôn Sách và Bằng Lăng, ở cả hai căn nhà có lùm hoa giấy và cây bằng lăng đều có những sự biến động lớn…
Ở căn nhà có lùm hoa giấy, ông bố và bà mẹ Tôn Sách bồn chồn không yên, “Như đứng đống lửa như ngồi đống than”! Ông chồng nói với vợ: “Không biết sự đột biến này theo hướng nào, tốt hay xấu đây?”. Bà vợ cố kìm nén, che giấu đi nỗi lo bời bời của người mẹ, nói giọng đầy lạc quan mà vẫn còn run rẩy: “Tất nhiên là hướng tốt rồi! Người ta nói quá tam ba bận, nó đã làm cho chúng ta hơn ba lần thất điên bát đảo rồi, chẳng lẽ lại còn nữa, lấy đâu ra mà nhiều xui xẻo thế?”. Ông chồng cười méo mó: “Thế bà không nhớ câu “Họa vô đơn chí” à? Tai họa chẳng bao giờ đến đơn lẻ mà luôn có bè đảng, băng nhóm như bọn tội phạm mafia!...Tôi luôn có cảm giác bất an!”. Bà vợ nói ngay: “Vậy sao ông không đi lễ chùa xin bùa cầu an? Ông phải thành tâm cầu cúng thì Bồ Tát mới phù hộ độ trì!”. Ông chồng thở dài: “Bà là nhà khoa học mà mở mồm là nói chuyện cúng vái! Tôi đã nói với bà là không có Bồ Tát gì hết mà lúc nào cũng…”. Ông chồng định nói gì nữa thì như là có cái gì chẹn ngang cổ họng, ú ớ không nói được nữa! Bà vợ thấy vậy thì hốt hoảng, đỡ ông chồng ngồi xuống chiếc sa-lon rồi vừa day huyệt cho ông vừa nói: “Đã bảo là ông đừng có cậy học cao, nhiều bằng cấp mà báng bổ thần linh! Ông mà nói lung tung lần nữa là Ngài làm cho ông méo mồm, cụt lưỡi đó nghe không?”. Rồi bà lại bên cái bàn thờ có tượng Quan Âm Bồ Tát bằng ngọc, lầm rầm khấn vái rất lâu!... Tuy nhiên, lời khấn của bà mẹ Tôn Sách dường như không đến được tai Bồ Tát, cho nên đúng ngày sinh thứ 20 của Tôn Sách, lúc cả nhà đang chờ Tôn Sách thổi tắt 20 ngọn nến cắm quanh cái bánh Ga-tô ba tầng rất hoành tráng tỏa mùi thơm phức, thì có hai cảnh sát mặc đồng phục tới đưa lệnh bắt người cho bố Tôn Sách. Ông bố nhìn nhanh lệnh bắt, định đọc lên nhưng cái miệng bỗng bị méo xẹo, lưỡi cứng đơ! Bà vợ giật lấy tờ giấy lệnh bắt, đọc nhanh: “…ra lệnh bắt tội phạm Tôn Sách với tội danh vừa hành hung vừa cưỡng bức bé gái mười tuổi là…”, rồi ngất xỉu!
Trong khi ở căn nhà có lùm hoa giấy, Tôn Sách đã bị bắt tạm giam và cả bố và mẹ Tôn Sách đều phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện thì bên căn nhà có cây bằng lăng, bàn tiệc cho lễ mừng sinh nhật Bằng Lăng tròn hai mươi tuổi đã được bày biện không thiếu thứ gì, nhưng nhân vật chính của buổi lễ vẫn chưa thấy đâu?
Chàng trai trẻ Bằng Lăng – nhân vật chính của buổi tiệc mừng sinh nhật 20 tuổi - , lúc này đang trong vai trò Bác sĩ Watson bên cạnh Thám tử Sherlock Holmes trẻ tuổi là cô bạn Như Luật, sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Luật. Cô bạn gái Như Luật của Bằng Lăng là bạn học với Bằng Lăng suốt 12 năm học ở Trung học Phổ thông. Những tưởng hai người sẽ cùng vào Đại học Y Dược nhưng bố mẹ Như Luật nói: “Bố đặt tên con là Như Luật có nghĩa là muốn con trở thành nhà thám tử lừng danh như Sherlock Holmes. Con không nên phụ lòng mong mỏi của cha mẹ và đó cũng là số phận của con đã được bàn tay Tạo hóa sắp đặt, không thể cưỡng lại được. Còn việc con và người bạn Bằng Lăng muốn cặp kè bên nhau suốt đời thì bố cũng không phản đối vě cậu ta lŕ người tốt và thông minh. Hai đứa thiếu gì cơ hội bên nhau “trên từng cây số”? Con không thấy là Thám tử Sherlock Holmes phá án thành công còn do có sự đóng góp không nhỏ của người bạn là Bác sĩ Watson sao? Anh ta ở bên cạnh con trong vai trò Bác sĩ Watson là rất…đẹp đôi!”. Nghe bố nói vậy, cô gái Như Luật vui như mở cờ trong bụng và quả nhiên, ba năm nay, họ đã bên nhau như là Thám tử Sherlock Holmes và Bác sĩ Watson! Cô sinh viên Trường Luật Như Luật đang phải làm nhiệm vụ “Tập sự” trong một vụ án kinh tế lớn mà tổ Trọng án đã tiến hành hơn hai năm nay. Các nhân viên của tổ Trọng án dường như đã thu thập được gần đủ chứng cớ phạm tội của một đường dây buôn lậu lớn, có liên quan đến nhiều quan chức cỡ bự và một trong những “mắt xích” quan trọng lại là vợ chồng nhà doanh nghiệp ở trong căn nhà có cây bằng lăng, tức bố và mẹ của “Bác sĩ Watson” Bằng Lăng! Ngày hôm nay, là ngày sinh thứ hai mươi của Bằng Lăng, “Thám tử Sherlock Holmes” Như Luật chưa muốn cho người bạn của mình xem cặp hồ sơ tài liệu điều tra về “Vụ án buôn lậu xuyên quốc gia” mà cả bố và mẹ của Bằng Lăng đều là những đối tượng “cộm cán”, bởi cô bạn gái lo sẽ làm ngày sinh nhật mất vui! Nhưng chính “Bác sĩ Watson” Bằng Lăng lại chủ động hẹn gặp Như Luật để nói cho cô bạn biết những phán đoán của mình về hai nhân vật của vụ án là bố và mẹ cậu.
Lúc gặp nhau, Như Luật kinh ngạc vô cùng khi thấy những phán đoán của Bằng Lăng gần như trùng khớp với những gì mà tổ trọng án đã thu thập được mà cô đang có trong tay! Sau khi trình bày xong những suy nghĩ của mình, Bằng Lăng hỏi Như Luật: “Nếu như những gì mình vừa nói đúng như tổ trọng án đã thu thập được thì có thể khởi tố vụ án được không?”. Như Luật ngập ngừng, nói: “Tổ trưởng tổ trọng án có vẻ như còn băn khoăn và nói cho mình thời gian mười ngày để kiểm tra lại tất cả các chúng cứ phạm tội của các đối tượng!”. Bằng Lăng nói: “Có phải ông ta thấy khó xử khi có hai đối tượng là người thân của cậu? Nếu thế thì cho cậu câu “Vì nghĩa diệt thân”!”. Như Luật nói ngay: “Dù sao thì đó cũng là bố và mẹ của cậu! Cậu có thể vì nghĩa diệt thân nhưng tớ lại không đành lòng! Hãy cho tớ thêm thời gian mười ngày xác minh lại, tránh oan sai, mà sự oan sai này lại nhằm vào người thân thì không thể tha thứ được!”. Bằng Lăng suy nghĩ hai phút rồi nói: “Nhưng tớ muốn mọi việc rõ ràng trước sinh nhật, tớ muốn trong buổi tiệc sinh nhật không phải vướng bận điều gì! Chẳng lẽ cậu lại không nghĩ tới cảm nhận đó của tớ?”. Như Luật như muốn bật khóc, cô nói mà như muốn trào lệ: “Sao lại không cảm nhận được? Tớ và cậu đã là “Hai trong một” từ ngày vào đại học rồi cơ mà! Nhưng cậu phải tuân theo thứ tự các bước điều tra. Tổ trưởng tổ trọng án đã nói là cho thêm mười ngày xác minh lại thì cứ tuân lệnh đã!”.
Bằng Lăng muốn nói gì mà lại không thể nói thành lời? Như Luật lấy một cái khăn lạnh lau mặt. Khi bàn tay cô lướt qua mắt, cô thoáng nhìn thấy khuôn mặt của Bằng Lăng qua kẽ các ngón tay và cô giật mình khi thấy khuôn mặt Bằng Lăng rất giống với một người mà cô đã gặp nhiều lần hồi còn học năm thứ nhất? Phải lục tìm trong trí nhớ? Như Luật thấy đầu óc quay như chong chóng và cô thấy cần phải nhờ Bằng Lăng trợ giúp, cô nói với Bằng Lăng: “Cậu hãy nhắc lại cho tớ một vài người mà chúng ta đã gặp nhiều vào năm học thứ nhất?”. Bằng Lăng ngạc nhiên thấy Như Luật hỏi như vậy, song cũng trả lời ngay: “Năm thứ nhất đời sinh viên khiến ta quan tâm nhiều nhất và mở ra cho ta nhiều bến bờ mơ ước nhất có lẽ là các thầy cô giáo, đó là những người “Khai trí” cho tuổi trẻ của chúng ta!...”. Bằng Lăng chưa kịp ngừng hẳn thì Như Luật đã cướp lời: “Thôi…thôi! Được rồi! Cậu đã giúp tớ nhớ ra một người mà tớ đã gặp rất nhiều vào năm học thứ nhất, đó là thầy giáo dạy tớ giáo trình Lịch sử và đặc trưng của bộ môn Luật hình sự. Tớ bỗng phát hiện ra cậu rất giống ông thầy này. Và có điều lạ là trước đây không hiểu vì sao tớ lại không để ý đến cái chuyện giống nhau này? Tớ cần nói thêm với cậu rằng cậu và ông thầy này rất giống nhau, cứ như là hai bố con!”. Bằng Lăng ngớ người một lúc rồi nói: “Hai bố con? Nếu thế thì trùng khớp với giấc mơ của tớ đêm hôm qua: tớ đã thấy rất rõ một người rất giống tớ, hiện ra trước mắt, nhưng cứ mỗi lần tớ định chạy lại nắm lấy tay ông ta hoặc ôm chặt lấy ông ấy thì ông ấy lại biến mất? Vậy cậu hãy dẫn tớ đến gặp ông ấy ngay!”. Như Luật thoáng ngạc nhiên, nói: “Nhà ông thầy đó ở đối diện với nhà cậu trong con hẻm đó? Chẳng lẽ cậu chưa bao giờ nhìn thấy những người ở trong căn nhà đối diện?”. Lần này thì Bằng Lăng ngạc nhiên thật sự khi nghe Như Luật nói vậy! Đúng là không hiểu vì sao cậu chưa bao giờ để ý đến những người ở căn nhà đối diện và có thể nói hầu hết những cư dân ở trong con hẻm này, cậu không hề biết ai là ai?!
*
Khi Như Luật và Bằng Lăng về tới con hẻm, Bằng Lăng quan sát hai dãy nhà đối diện nhau trong con hẻm và cậu có cảm giác như đây là lần đầu tiên cậu bước vào con hẻm này! Khi đã đứng trước hai căn nhà có lùm hoa giấy và cây bằng lăng, Bằng Lăng còn đang lưỡng lự không biết bước vào căn nhà nào trước thì có một bà lão tóc đã bạc trắng, tay chống cây gậy trúc bóng láng, từ từ đi đến bên cậu và nói: “Ta chính là người bà mụ đã đón con chào đời hai mươi năm trước! Hãy đi theo ta gặp bố đẻ của con!”. Nói rồi bà lão đi về phía căn nhà có lùm hoa giấy. Bằng Lăng nhìn bà lão, sững sờ giây lát rồi chạy vút vào trong căn nhà có lùm hoa giấy. Như Luật nhẹ nhàng cầm lấy cánh tay bà lão, định nói câu gì đó thì bà lão đã nói trước: “Con định hỏi ta tại sao lại như thế phải không? Vì hai mươi năm trước, có nhà doanh nghiệp trẻ đến van xin ta rằng, khi vợ tôi đẻ, bà hãy đổi thằng con tôi cho một người mẹ khác, bởi thầy tướng nói rằng khi lớn lên, con tôi nó sẽ phá tôi đến thân bại danh liệt! Ta đã làm theo lời van xin ấy vì thấy tội cho nhà doanh nghiệp, chứ không phải vì mớ tiền mà ông ta trả ơn cho ta! Song, sau này ta thấy hối hận và lần lữa mãi, hôm nay mới đến để nói rõ sự thật!”. Khi hai người vào tới căn phòng khách
bên trong căn nhà có lùm hoa giấy thì thấy hai vợ chồng Luật gia đang nắn bóp tay chân anh chàng Bằng Lăng mãi không thôi! Và bà vợ thì cứ luôn mồm nói: “Đó! Ông thấy chưa, nhờ tôi cầu Bồ Tát đêm ngày mà điều tốt lành đã đến với chúng ta!... Bây giờ ta làm tiệc thật lớn để mừng sinh nhật cho thằng Bằng Lăng và đón tiếp Bà Mụ!”…/.
Sài Gòn, tháng 5 – 2010