Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.162.219
 
Ngày xửa ngày xưa
Trần Quang Vinh

Chiều mùa đông mưa phùn lất phất. Mấy cô gái vừa đi làm cỏ về đang rửa chân tay ở con ngòi đầu làng, ríu rít té nước chọc nhau. Bỗng thấy một thanh niên mặc quân phục, đội mũ cối, lưng đeo ba lô con cóc, xuất hiện trên đường làng. Mọi con mắt đổ dồn về phía ấy.

- Ai như anh Lai chồng mày đấy, Đào ơi!

Cô Đào tưởng như thót tim, rướn cổ đăm đăm.

- Đêm nay tan xác rồi em nhá!

Cả bọn xô đẩy, đấm lưng nhau cười hinh hích. Trong lúc mọi người đang hồi hộp đoán già, đoán non thì anh bộ đội rẽ vào nhà bà Năm.

- Hình như anh Tành con bà Năm, Trúc ạ!

Đào kéo tay Trúc làm bộ rên rỉ:

- Tranh thủ biết mùi đời … kẻo bỏ phí tuổi xuân, em của chị ơi!

Hai gò má ửng đỏ, Trúc bẽn lẽn rúc vào lưng Đào bảo, chị cứ đùa! Em với anh ấy đã có gì đâu!

Buổi tối người ta kéo đến nhà Tành đông nghịt. Bà Năm gượng cười bảo, cháu nó bệnh, rồi tự mình rót nước chè xanh mời bà con chòm xóm.

 

Liên tiếp mấy ngày sau Tành vẫn không gặp mặt ai. Thế là cả làng xì xầm bàn tán. Sao thế nhỉ? Ở chiến trường trở về mà cứ ru rú? Không khéo lại bê quay thì nhục nhã cả làng!

Ngày ấy vào miền Nam chiến đấu gọi là đi Bê. Còn những người bỏ ngũ trở về là bê quay. Gia đình nào có người bê quay thì nhục lắm, buồn lắm! Thậm chí bị cả làng xa lánh như con hủi.

Đến ngày thứ mười, đồng chí bí thư chi bộ cùng đồng chí xã đội trưởng đến nhà Tành thăm. Bà Năm nói mãi Tành mới chịu gặp.

Đồng chí xã đội chìa tay bắt:

- Khỏe chứ? Tành ngượng ngập gật đầu.

- Đồng chí được xuất ngũ hả? Tành rụt rè vâng, dạ. Đồng chí xã đội tỏ vẻ nghi ngờ nhắc khéo, nhớ nộp quyết định xuất ngũ để bố trí công tác! Địa phương đang cần cán bộ trẻ, đã thử thách rèn luyện .

Ra khỏi ngõ đồng chí xã đội bảo, cậu này coi bộ không bình thường. Có lẽ phải cử người điều tra. Đồng chí bí thư ậm ừ không nói gì.

 

Đồng chí xã đội từng tham gia chiến dịch Điện Biên. Phục viên làm xã đội trưởng. Tuy đã ngoài năm mươi nhưng gan góc năng nổ. Trận mồng 5 tháng tám, máy bay phản lực Mỹ bay thấp qua đồng làng, bất ngờ tập kích bến cảng. Nghe tiếng gầm rú của nó nhiều người khiếp đảm. Vậy mà ông ngang nhiên xách khẩu súng trường cũ, chạy lên gò cao, đứng sừng sững ngắm bắn. Dân làng lè lưỡi khâm phục.

 

Tuy vậy đồng chí xã đội cũng có điều khó xử. Ấy là chuyện nhập ngũ của Cảo, con trai ông. Đành rằng ông là thương binh, có một con trai duy nhất, thuộc diện chính sách. Dưng mà vẫn thấy thua kém người ta. Ông lên huyện đội, xin cho con tòng quân. Cảo không chịu. Nó bảo, thế là bố hâm! Thành tích như bố giỏi lắm  đến chức xã đội trưởng! Chẳng qua là anh đầu sai chứ sang trọng gì. Láo toét! Ông tức điên mà không dám làm to chuyện. Sợ vạch áo cho người xem lưng.

 

Rồi ông tính, để Cảo học một trường trung cấp chuyên nghiệp nào đó cho khuất mắt. Nhưng nó không dám đi xa. Cứ loanh quanh xó làng, khiến ông xấu hổ với bà con.

Cuộc chiến mỗi ngày thêm quyết liệt. Con trai bước vào tuổi mười bảy, mười tám đã lên đường tòng quân. Ở làng toàn ông già, thương binh, với đàn bà, con gái. Thanh niên khoẻ mạnh như Cảo cực kỳ quí hiếm, thường gọi là mì chính cánh.

 

Đã thế, Cảo còn có nhiều tài lẻ. Hát hay, nói năng hoạt bát. Lại còn viết báo, làm thơ. Đài truyền thanh huyện thường đọc bài của tác giả Kim Cảo. Đại loại như, Ngọn cờ phân bắc, phân xanh. Phong trào chị em khơi mương chống hạn... Còn tổ thông tin tuyên truyền của xã thì đêm nào cũng đọc thơ ca, hò vè của Kim Cảo.

 

Vác cày ôm súng theo trâu/ Quyết đánh thằng Mỹ bươu đầu mẻ tai/ Ba không chẳng nói với ai/ Miệng câm như hến mới tài hỡi cô

 

Cảo trở thành cục nam châm của đám gái làng. Cô nào được Cảo để mắt tới là sướng mê li. Chỉ có đồng chí xã đội là lo lắng, bất an. Sợ nó quan hệ giăng gió, lăng nhăng. Dính vào vợ bộ đội thì khác nào bôi gio trát trấu vào mặt ông. Có lần ông nghiêm giọng bảo, muốn lấy đứa nào hỏi cưới đàng hoàng. Vớ vẩn là không xong với tao đâu! Không ngờ Cảo buồn bã thở dài, bố làm như dễ lắm đấy! Muốn lấy chắc gì người ta đã chịu. Đồng chí xã đội chột dạ! Chẳng lẽ gái làng này dám chê con trai ông? Sau dò hỏi ông mới biết, Cảo phải lòng cô Trúc, bí thư chi đoàn thôn Ba. Mà nghe đâu con Trúc yêu thằng Tành.

 

Vô lý! Nó là thằng nào mà dám sánh với con ông? Thằng Tành là dân ngụ cư. Lý lịch không trong sạch. Bố xỏ nhầm giày tây. Sau ngày đình chiến về làm đò dọc. Thuộc loại giang hồ tứ chiếng, năm thê bảy thiếp, loạn xà ngầu. Nghe đồn, một đêm trăng suông, lão uống rượu ngà ngà, vô tình nhìn thấy cô cháu họ tắm truồng. Trắng thễu thện. Lửa lòng rạo rực. Cái của nợ bật lên tưng tưng. Lão ngửa cổ than rằng, chỉ vì mày đời ta khổ! Rồi tụt quần, đặt chim kề mạn thuyền. Cầm con dao phay sắc lẻm chặt phăng! Lão ngã lộn xuống sông Dương. Chết đuối ngay ở chỗ nước lặng, sâu không quá sải tay.

 

Sau ngày tang lễ, Bà Năm, vợ lẽ của lão, dẫn con trai về làng làm nghề đan nón lá kiếm sống. Thời gian ấy bà mới ở tuổi băm. Trắng trẻo, mỡ màng, nhưng không chịu đi bước nữa, ở vậy nuôi con.

 

Theo đám con gái kể lại thì Tành và Trúc mết nhau lắm. Hôm Tành lên  đường tòng quân, Trúc tặng chiếc khăn tay vải pôpơlin trắng muốt, thêu đôi chim câu đấu mỏ quấn quýt với chữ   hoa bình phương.

Chỉ là chuyện vớ vẩn của bọn trẻ, nhưng đồng chí xã đội không vui.

 

Hơn tháng sau bỗng có tin đồn, vào đến Trường Sơn, đơn vị trúng bom B52. Tành quá sợ nên đã bỏ trốn. Hoá ra là thằng bê quay! Về làng xấu hổ không dám nhìn mặt ai. Thật nhục nhã! Tai tiếng cả làng. Nhưng cũng phải thôi! Bố nó  phần  tử xấu. Mất lập trường ! Đúng là cha nào con nấy.

Chỉ ngày hôm sau Kim Cảo đã sáng tác xong bài vè Bê quay, dài hai trang giấy học trò. Buổi tối tổ thông tin tuyên truyền đọc oang oang khắp làng.

 

Phì phà, phì phạch/ Dao chặt mất chim/ Xách giỏ đi tìm/ Là thằng cu cáy/ Nhát bom tháo chạy/ Chính thằng bê quay… Mỗi lần đọc tới đoạn chặt mất chim,  đám con gái  lại bấm nhau cười rinh rích.

 

*

 

Mấy tháng liền, cả làng bàn tán xôn xao. Đồng chí xã đội tức lắm. Chỉ vì thằng Tành mà mất thành tích của xã ư? Ông đề nghị đưa Tành vào đội lao động cải tạo của huyện. Bí thư chi bộ bảo, phải có giấy của đơn vị thông báo về mới xử lý được.

 

Tành trở thành con người lửng lơ. Không bị truy cứu về tội bỏ ngũ, nhưng chưa được công nhận là công dân ở làng. Nghĩa là không tiêu chuẩn tem phiếu  vải vóc, không được theo công điểm hợp tác xã. Quanh năm bộ quân phục sờn rách bạc màu. Tóc thì tự cắt, bù xù nham nhở. Hàng ngày Tành đeo giỏ, vác cần câu ra sông từ sáng sớm. Chiều về giao cá cho bà Năm mang chợ bán, kiếm sống qua ngày.

Bà Năm vốn ít chuyện trò giao du, nay càng sống tách biệt, câm lặng.

 

Chỉ có Trúc là khóc ròng. Nhiều lần định sang gặp Tành nhưng không đủ can đảm. Vả lại, gặp sao được nữa. Tành đã biến thành con người khác. Ngây ngô, lặng lẽ, âm u. Dù sao thì số phận con người vẫn quá nhỏ bé giữa dòng thời gian mênh mông bất tận. Vật đổi, sao dời.

 

Chiến tranh kết thúc. Những người lính từ chiến trường trở về ngập tràn hạnh phúc. Rồi lại có người đi chiến trường biên giới. Lại đau khổ quằn quại giữa muôn vàn lo toan cám dỗ đời thường.

 

Cái làng Cốc ngày xưa với cây đa, bến nước. Với con đường khúc khuỷu lầy lội. Với những mái nhà tranh khiêm tốn ẩn mình sau luỹ tre xanh … Tất cả đã chìm  vào dòng sông thời gian ào ào cuộn chảy.

 

Và con người cũng không thoát khỏi dòng xoáy nghiệt ngã của thời gian. Lớp bạn bè cùng trang lứa với Tành nhiều người không còn nữa. Số ít rời quê học hành, công tác. Thành giám đốc, bác sĩ, kỹ sư. Có cả những người phiêu dạt sang trời Tây. Thi thoảng về thăm làng với tư cách Việt kiều yêu nước.

 

Còn anh chàng Cảo đã thành doanh nhân kiêm nhà thơ. Chạy mánh có hạng. Nổi tiếng khắp vùng. Kim Cảo cưới Trúc mấy chục năm rồi. Họ đã có với nhau bốn mặt con. Đứa con trai lớn vừa thi đỗ đại học. Gia đình họ thuộc diện triệu phú ở làng. Có xe hơi, nhà lầu, với các loại tiện nghi hiện đại.

 

Chỉ có ngôi nhà của Tành là không thay đổi. Bây giờ nó giống như căn lều hoang nằm giữa khu vườn mít ổi um tùm. Bà Năm gần tám mươi tuổi, mặt mũi nhăn nhóm. Lưng còng xuống bởi gánh nặng cuộc đời.

Người làng hầu như không còn nhớ Tành là bê quay hay anh hùng dũng sĩ. Thế mới biết thời gian tàn nhẫn, kinh khủng! Nó phăm phăm lao về phía trước. Nó sẵn sàng nhấn chìm mọi số phận cũng như niềm vinh, nhục, đắng cay.

 

*

 

Một buổi chiều mùa đông những năm đầu thế kỷ hai mốt, có một người đàn ông đứng tuổi lái chiếc xe hơi màu đen sang trọng về làng Cốc. Ông hỏi thăm nhà ông Tành bộ đội phục viên. Mấy đứa trẻ ngơ ngác nhìn, lắc đầu. Đúng lúc ấy bà Trúc, vợ đại gia kiêm nhà thơ Kim Cảo, từ trong nhà đi ra. Ấp úng mời người khách vào nhà. Ông khách ngắm căn nhà lầu tấm tắc khen, nông thôn bây giờ đàng hoàng chẳng kém gì thành phố. Bà Trúc rót nước mời khách dè dặt hỏi, chắc ông ở thành phố về? Ông khách gật đầu bảo, tôi muốn tìm người bạn chiến đấu, mà cũng là ân nhân cứu tôi thoát chết ở Trường Sơn. Anh ấy tên Tành. Tôi nhớ loáng thoáng có lần anh Tành kể về người yêu tên Trúc…

 

Bà Trúc giật mình, loạng choạng đưa hai tay ôm đầu. Xin lỗi! Tôi hơi mệt. Rồi bà cố trấn tĩnh nghe câu chuyện ông khách kể.

- Mãi gần đây tôi mới tìm được địa chỉ của ân nhân. Nhưng bây giờ nhiều thứ đã đổi thay. Không thể nào tìm ra tung tích anh ấy. Tôi cảm thấy ân hận lắm!

Bà Trúc thở dài bảo, chiến tranh mà! Ông đâu có lỗi.

 

Người khách rầu rĩ bảo, đó cũng là một cách ngụy biện cho lầm lỗi của mình. Lẽ ra sau khi ra viện tôi phải đi tìm Tành. Nhưng chẳng hiểu sao mãi gần đây tôi mới nghĩ đến việc tìm anh ấy. Chỉ vì cứu tôi mà Tành bị thương. Rồi  giải ngũ về quê. Chẳng biết vết thương sọ não của Tành đã khỏi hẳn chưa.

 

Bà Trúc bật khóc tức tưởi. Thì ra là thế! Vậy mà Tành phải chịu tiếng là thằng bê quay. Bị cả làng khinh bỉ. Và cả bà nữa… đã bỏ rơi Tành. Đã phản bội… Nhưng tất cả đã muộn. Sau ngày bà Năm qua đời, Tành  bỏ làng ra đi. Chẳng ai biết giờ sống chết thế nào.

 

Bà Trúc không đủ can đảm  kể với ông khách về những ngày Tành từ chiến trường trở về. Âm thầm đau đớn. Xót xa ân hận. Nhưng bà cũng  như những người bình thường khác, phải bươn bả lo toan cho cuộc sống của mình. Không có lỗi! Chiến tranh mà …/.

 

Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 2144
Ngày đăng: 12.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trộm long tráo phụng - Đỗ Ngọc Thạch
Căn lều của người anh họ - Mang Viên Long
Nỗi lo hậu sự - Việt Thư
Mùa Thu Ẩm Ướt - Âu thị Phục An
Khát Vọng Yêu Thương - Trần Minh Nguyệt
Cha và Dì - Minh Hương
Chuyện ông thiện, ông ác - Khải Nguyên
Giấc Mơ Của Bão - Nguyễn Thị Thanh Bình
Ngôi Nhà Số 11 - Nguyên Minh
Ký ức làm báo - Đỗ Ngọc Thạch