Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
709
123.238.009
 
Nếm người
Quỳnh Linh

Sẽ có một ngày, người ấy sẽ đến. Và em sẽ nói: Có phải anh đã tìm ra em? Người ấy cười: Và đúng là em đã đợi? Vâng! Vậy thì còn gì hơn? Vậy thì cần gì phải chờ đợi nữa? Xáp vô đi cưng!

Lần nào gặp, Nhưng cũng diễn giọng ca ấy với Huyền. Có chán không nhỉ? Huyền cũng không biết nữa. Vì thực ra với Nhưng, Huyền đâu có tính đến chuyện thích và xác định mãi bên nhau vì chữ yêu? Chỉ có hai lý do để gần gụi là con gái không nên trống trải ở tuổi này và Huyền thấy dễ chịu với tên gọi không có dấu. Thế ư? Nhưng hỏi. Sao không? Huyền tưng tửng đáp. Thử đặt cái dấu đi. Thử đội mũ chống gậy ị đùn đi! Sao Huyền nói bạo miệng thế? Bạo gì, thêm dấu huyền, dấu sắc, dấu hỏi, hay nặng vào mà xem. Rồi ra Nhừng, Nhứng, Nhng, Nhựng ư? Chả hay ho gì. Ừ thì Huyền nói cũng đúng, nhưng tên Huyền có dấu chả hay hơn Huyên à, Huyên thuyên. Vậy thì gọi Huyền . Đừng có Hạ Huyền, Hạ Huyền nghe mà mệt tai.

 

Cưng ơi, anh thích cưng từ cái chỗ kiêu kiêu sang sang, mờ mờ ảo ảo của cái tên ấy đấy. Đừng để anh mất đi cái thú vị đó trong đời. Đời anh đã nhạt vị lắm rồi. Thì ra, chúng ta cũng tìm ra được điểm chung là cùng thích cái tên của nhau đấy nhỉ? Mà đời anh làm sao? Mới quen làm sao Huyền hiểu được. Cứ để đấy đi rồi ra vị gì chả biết. Nhưng Huyền nói thật nhá. Hạ Huyền, với cái giọng điệu giật cục của  Nhưng nó như Hạ Huyệt ấy.

 

Ai chết đây? Nhưng chết, nếu Huyền còn nói cái giọng ấy. Nhưng yêu Huyền, Nhưng sợ một ngày Huyền bỏ Nhưng ra đi. Sao lại là bỏ? Tôi lấy Nhưng khi nào? Thì bạn bè vẫn coi chúng ta là một cặp đấy thôi. Không nhé, Nhưng tin vào thiên hạ à? Dại thế. Ngay cả Huyền nói cũng đừng tin, tin vào bản thân mình thôi. Huyền còn định nói, nếu tin vào thiên hạ thì Huyền không phải con mẹ Huyền, may là kìm được. Sao Huyền lạnh lùng vậy? Cực đoan quá. Thôi nhá, Nhưng đừng đẩy Huyền vào chỗ tranh luận. Tuổi thanh niên chúng mình tranh luận, tìm hiểu, khám phá, vấp ngã là chính, chứ làm được bao nhiêu?

 

*

Được bao nhiêu? Ừ nhỉ. Nhưng với Huyền quen nhau chưa lâu. Sẽ chung đường được bao ngày nữa, Huyền cũng kệ. Bữa nọ mẹ bảo: Con nhớn, vào tuổi yêu rồi, đừng để nó ảnh hưởng đến học tập. Dễ dãi là nát đời. Là con gái chớ quen thân con trai sớm. Huyền thả rơi người xuống đệm. Mẹ à, con có thằng bạn trai! Hả? Mày còn gọi bạn trai là thằng thì yêu làm sao được. Thế phải gọi nó bằng gì? Bằng tổ cha cô. Bằng nô lệ, bằng trung tâm của sự chú ý, cội nguồn của sự rắc rối chứ nhất quyết không phải là thằng. Hay quá, con sẽ đợi. Chả phải gỗ đá. Đàn ông chưa thành. Đàn bà cũng chưa đến. Hai thứ ấy dễ mà thành thuốc nổ. Cứ đi với nhau là yêu hả mẹ? Không hẳn. Tuy nhiên dễ ngộ nhận, đối cả người ngoài và người trong. À, ra thế.

 

Đáp vậy không có nghĩa là hiểu. Mẹ sẽ phải kể con nghe chuyện tình yêu thôi. Của ai? Sao bảo, với những đứa con, câu chuyện tình yêu dẫu ngọt ngào hay cay đắng mà nó được biết đầu tiên bao giờ cũng là cuéc tình của những người đã sinh ra chúng, dù muốn dù không, dù vô tình hay hữu ý. Tuy nhiên bố mẹ đâu có tình yêu? Với những gia đình không có tình yêu họ sống với nhau bằng tình gì? Tình nhẫn nại. Mỗi người ráng một tí. Chả thấy ai nói đến cái thứ tình nhẫn nại bao giờ. Mày lơ ngơ lắm. Anh con bác Huyền bảo: Dầu sao không có tình yêu vẫn đẻ ra con. Và đứa con vẫn có thể là một đứa xinh đẹp, hiền ngoan như Huyền. Anh ấy còn khuyên, em đi thi hoa hậu được đấy!

*

Hoa hậu? Cô gái nào trong con mắt người đang yêu cũng là hoa hậu. Huyền đấy, chả thi vẫn cứ là hoa hậu, hoa hậu trong lòng Nhưng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thôi đi. Cứ nói kiểu ấy thì Nhưng lui ra nhé. Tự dưng Huyền cáu. Đang đến kỳ kinh phải không? Thô bỉ! Sao thô bỉ? Người đàn ông lịch sự thời nay là phải biết ngày bạn gái mình đến kỳ kinh nguyệt. Phải hoàn toàn thông cảm khi bạn gái “đến tháng”, vì nhiệt độ cơ thể cô ta sẽ tăng lên không phẩy năm độ. Ai dậy đấy? Nhà có mỗi mẹ là phụ n, mà mẹ th× không dậy cái đó rồi, tự tìm hiểu thôi. Nhưng ý mà, Nhưng mong có ngày mỗi người mẹ đều có thể tự tin nói với con trai mình về tình dục, bố và con gái cũng thế.

 

Sao có lúc Nhưng lãng mạn mà có lúc đến tởm! Buồn nôn lắm, đi ra đi! Dẫu gì cũng để Nhưng tiêu hết số tiền trong túi chứ. Sao cứ phải tiêu? Mẹ Nhưng dặn: Làm thằng đàn ông phải biết tiêu tiền mới biết làm ra tiền. Vả lại, với Huyền, ®ời Nhưng còn chả tiếc tiếc chi tiền. Huyền cần gì cứ gọi. Thôi đi. Chào. Huyền chơi với Nhưng không phải vì tiền. Thôi thì cũng phải để Nhưng đưa Huyền đến trường nốt buổi chiều nay. Muộn học rồi, trời lại nắng thế kia. Ừ thì… nốt vậy.

*

Bố cũng nói “nốt vậy” vào một buổi chiều không nắng mà mưa. Mưa tầm tã. Bố muốn về nhà quá mà chưa đủ tiền xe đò để về quê thăm bà ốm. Định dấn nốt một chuyến xích lô làm thêm này nữa thôi, nên bè đã định lắc đầu lại chợt ngồi lên đệm xe, di di mông rồi mới nhẩy xuống đỡ một khách hàng xinh đẹp. Chu đáo thế, cẩn thận lắm mà lại ngã, ngã đau. Đường trơn bánh trượt. Cô khách bị hất ngược qua đầu bố, vỡ hông. Bố số cao thế nào mà lại chỉ sây sướt nhẹ, lồm cồm bò dậy, đưa khách hàng đi viện và đó liền hai tháng trời. Bố cô gái không cần tiền, chỉ cần ngồi trông nom. Nhà bố nghèo, đành lấy công sức để đền, để chuộc tội, gột sự cắn rứt tâm can. Đi đi lại lại, mọi người dần tưởng họ là một đôi tình nhân. Bố cô gái quen mắt liền tận dụng luôn. Vả lại còn lo: Đàn bà quan trọng nhất cái bản mặt với bốn gò đồi mông và vú, giờ bị thế liệu có thằng nào theo đến tàn phai?

 

Có ngày, bố Huyền say rượu, đã đai đi đai lại câu: Ngày ấy tưởng mình may không bị làm sao hóa ra là rủi, còn sống thẳng lưng vậy cho nó còng đời ra. Huyền còn nhỏ, chả hiểu gì. Lớn mới biết, vào một đêm “đóng hộp”, mẹ thành người của bố. Cả hai đến với nhau như là sự giải thoát tội lỗi và hoán đổi nguy cơ chậm chồng. Bảy năm sau thì có Huyền. Mẹ kể chuyện này c tửng tửng như nói về chuyện người khác, sau lần Huyền chứng kiến bố mẹ cãi nhau bắt đầu từ câu than của mẹ, lúc mẹ ngồi trang điểm: Tôi có đến nỗi nào mà lại phải lấy cái thằng anh cơ chứ. Bố đốp: Phải, bây giờ không sao nhưng hồi đấy thì có chuyện. Cô duyên, cô xinh. Cô soi cái bản mặt vào gương đi, sẽ thấy đúng là xinh, nhưng vô hồn, xinh mà nhạt nhẽo.

*

Xinh mà nhạt nhẽo? Nhan sắc mà cũng có vị ư? Mình cũng xinh nhưng sao chưa thấy nhỉ. Làm sao để nếm được vị mình. Nhìn thái độ những người sống quanh mình mà coi. Mẹ được mọi người ưa, nhẹ nhàng, tốt bụng. Chắc là vị ngon rồi, thơm lắm. Bố lắc đầu. Đấy, ngon ngọt sao mà  người gần nhất lại không chịu nổi. Cứ từ mẹ mà ra thì đã thành chuyện đời, rặt người được thiên hạ ưa thì gia đình lại không chịu đựng được.

 

Bố với mẹ không mặn mà từ ngày Huyền còn nhỏ nên giờ cứ biền biệt xa Huyền cũng chả thấy chạnh lòng. Người không khổ là người không biết mình khổ. Bố đấy, cứ hở ra là lại đi. Hết vùng này sang vùng khác, hồ nọ tới núi kia. Tìm mỏ quặng to khai thác tài nguyên nhỏ. Thông cảm đi con, bố làm nghề địa chất mà. Mẹ nói thật thẽ thọt trước mỗi lần bố khoác túi lên đường. Điều ấy dù không thật lòng nhưng qua đôi môi xinh vẫn thật dễ chịu.

 

Cho mỗi lần bố ra đi, mẹ và con tự giả dối thảnh thơi, dối nhiều đến quen, không biết thế nào là tâm trạng thực, và bố cũng có chút níu kéo vào những lúc trống trải lại quay về, trong cuộc hành trình đi tìm cho đời vị người, vị đời.

 

Huyền cũng sẽ ra với đời. Cô muốn ra với đời nhưng không phải để nếm vị người khác mà để có thể cảm nhận rõ nhất bản thân mình. Hình như tuổi trẻ ích kỷ, chỗ nào cũng trám hình ảnh mình vào. Không được sao Nhưng? Nhưng bảo: Đời chả biết thế nào, trừ cái chuyện Nhưng sẽ mãi thích Huyền. Cho dù Huyền có xấu hơn, béo ra già đi chứ gì? Yêu mà không dám một lần ôm Huyền trong vòng tay? …thì…Nhưng sợ… Nhưng ra vẻ lúng túng. Huyền nhìn, cười, nụ cười như suối….

 

Suối chảy đến cổng nhà thì gặp sông. Mừng quá đi bố ơi. Con tưởng cuối tuần bố mới về như mọi khi. Chào con, đừng vít cổ bố như vậy. Hơi nóng từ mặt bố phả vào mũi Huyền. Ơ sao bố đỏ mặt? Cánh cửa nhà đóng  sập. Mẹ không chịu nổi cảnh hai bố con có vẻ tình cảm.

 

Con à, không phải bố về. Bố đi đây. Sao thế? Mai này con sẽ hiểu. Con lớn rồi mà. Bố lắc đầu gạt tay Huyền ra. Hẫng hụt, lần đầu tiên Huyền thấy hẫng hụt khi bố ra khỏi cổng. Cô linh cảm ngày bố về sẽ ở rất xa. Bố làm như con chả biết gì cả! Huyền hét lên.

 

Suối bị chặn dòng đứng ngẩn ngơ đưa con mắt đầy ẩn ức nhìn theo dòng sông quyết tách dòng. Bố sẽ oà vào biển lớn hay ngược về đầu nguồn?

*

Những tưởng mẹ sẽ không buồn ăn uống gì cả. Nhưng mà, đời cần phải sống. Mẹ nói gằn. Trước kia, ông ấy chu cấp mọi thứ dù thường xuyên vắng nhà. Giờ, một mình mẹ lo liệu cho con, đang khốn khổ khốn nạn đây này, con đừng có giống thằng cha đẻ, cái thằng lang bạt kỳ hồ.

Lang bạt kỳ hồ nhưng nuôi được cô. Bố từng nhấm nhẳn. Nhưng nếu không có gia đình tôi nuôi anh ăn học phụng dưỡng mẹ già, anh có được như bây giờ. Thì nói cô đau mông mãn tính tôi thay cô còn chi?

 

Huyền vào buồng ôm chặt lấy chiếc gối nằm giương mắt lên trần nhà. Cô muốn khóc mà không khóc được. Đọc sách thấy bảo, làm thế có thể vơi đi nỗi niềm. Nhưng Huyền đâu có nỗi niềm, bố đi rồi bố sẽ phải về, Huyền đã quen thế. Chả có gì phải rơi lệ nhất là khi với cô có muốn cũng không được. Lạ thế. Điều này có lần bố đã bảo Huyền giống đặc mẹ. Ừ, hay không khóc được nên không nếm được vị đời? Bố thì cực dễ rơi nước mắt. Nhìn thằng ăn cướp giật ví mình cũng khóc. Khóc vì thương sao đời có người khổ vậy. Mà sao bố dễ động lòng thế mà không xót xa cảnh nhà? Gia đình với những đường khúc hng hờ, đi cạnh nhau mà mỗi người khao khát theo đuổi những ước vọng riêng. Đồng sàng dị mộng?

 

Mẹ bắt đầu hay đi. Mẹ nói ở quán nước, cũng mệt vì đi xin việc bị người ta xét nét từ z về a, nhưng có vẻ bà chả thấy buồn. Hình như vậy. Bố không cho Huyền khả năng nhậy cảm để nhận biết nỗi buồn.

 

Huyền bắt đầu nhận tiền của Nhưng, chủ yếu lo chi phí học tập để không quấy rầy mẹ nhiều. Tự an ủi rằng dù sao cũng là tiền tiêu hộ, tiêu nhờ không phải ăn chặn ăn cắp của ai. Đổi lại, Huyền cãi Nhưng ít đi và bỏ ý định tìm hiểu kỹ xem thực ra Nhưng là sao, bố mẹ thế nào, nhà ở đâu? Thì như Huyền đấy, càng biết rành rẽ càng thấy ớn lạnh.

 

*

Nhưng mới mở lại quán cà phê. Khi nào muốn Huyền đến làm cho Nhưng đi. Nhớ báo trước nhé. Nhưng níu áo Huyền nằn nèo. Để nhận tiền của Nhưng cho dễ dàng hơn chứ gì? Đừng nghĩ vậy. Nhưng cố thuyết phục. Nhưng là của Huyền. Dầu sao thì Huyền cũng cần có việc làm.

Tối. Trời mưa đổ. Huyền khoác áo mưa giấy đi ra phố, vừa lội bộ vừa nhớ câu “Sẽ có một ngày, người ấy sẽ đến. Và em sẽ nói: Có phải anh đã tìm ra em?” của Nhưng. Nghĩ, khỉ gió thật, trông thô một cục mà lãng mạn ra trò chả bù cho Huyền. Đang bù đấy thôi. Huyền khẽ cười cái mặt nhềnh nhệch của Nhưng thoáng hiện trong đầu.

 

Ôi cô em ngon lành quá. Cho anh thử cái. Hai thằng trai lướt đến. Đứa ngồi sau chộp phụp vào ngực Huyền. Nó cố bóp ngẫu một cái rồi mới rồ máy lao đi, để lại cho Huyền tiếng cười he hé. Tất cả diễn ra quá nhanh, Huyền chỉ kịp thoáng thấy ánh đèn nhay nháy nơi gót giầy của đứa ngồi sau. Cái đau ngấm tự trong lòng. Huyền rẽ vào quán lá bên đường, kêu một cốc sấu nóng. Nỗi bc tủi bốc hơi nhỏ giọt ngượng ngùng nghe tiếng rúc rích to nhỏ của những đôi tình nhân đây đó.

 

Đêm, được vào đời có thú vị không? Sao cứ hỏi mãi thế? Ừ thì đây, nói yêu là nhớ mà lại. - Ôi cái giọng đàn bà nhằng nhặng, cái giọng con trai trèo trẹo ở ô vải ngay cạnh có gì quen quen. Huyền định quay lại ngó rồi lại thôi, lòng tự hỏi, sao quán sá người ta cứ chia ngăn, căng vải vậy nhỉ. - Này, phải có gì mới sống để nhớ được. Lại cần tiền hả? Đây! Ừ thì cầm, Ừ thì..nhìn kìa, trông quán cà phê cũng phải ghi kỹ thế này à, cứ như thời phân phối. Ừ thì…Thời phân phối là thời nào? Thời tuổi trẻ của tôi, đằng ấy không phải trải qua. Ừ thì…bỏ đi, không nói đến chuyện thời gian, có điều, không ghi thì bồi bàn lấy hết à. Mỗi ngày chỉ vài ly, một tháng có hơn tháng lương rồi. Huyền ngồi như tượng. Cái giọng phát ra từ cái mồm quen từ “Ừ thì…” vẫn trèo trẹo. Giờ thì Huyền đã biết ai cấp tiền, ai dậy cho Nhưng đếm kỳ kinh con gái.

 

Sao lại nhâm nhi lẻ hả? Một thằng đàn ông bước tới quệt ngón tay trỏ vào má Huyền rồi đưa lên môi hôn chụt một cái. Huyền gạt tay. Bao nỗi lòng uất nghẹn dồn cả vào cùi trỏ. Cốc nước đổ lênh láng. Tao tưởng gái cà phê? Ở đây không có gái cà phê! Cà phê cái đốn mạt nhà mày! Cả chiếc cốc thủy tinh nhằm mặt người đàn ông lao tới. Máu rớt trên nền gạch trong nhập nhòa ánh đèn nơi gót giầy. Các đôi uyên ương trong quán vẫn an vị. Duy nhất có một người đàn bà nhô lên từ ô vải ngay cạnh bàn Huyền. Kìa ai can đi chứ! Này, m yêu, chuyện thường ý mà. Một bàn tay kéo bà ta xuống rất nhanh. Huyền kịp nhìn thấy mái tóc bồng bềnh hay cài cặp đá đỏ. Mẹ! Huyền buột miệng gọi. Người đàn bà bỏ chạy ra cổng. Huyền lao theo. Nhưng ngó ra từ ô vải rồi lại chui vào.

*

Không theo kịp mẹ, Huyền rẽ về nhà. Chả có ai đợi Huyền ngoài tiếng chuông điện thoại. Bố đấy. Mẹ bảo lại cần tiền gấp à? Có gì cứ báo cho bố nhé. Con qua công ty của bố đi. Im tiếng vậy? Hay bố gửi vào thẻ? Tài khoản mẹ hay con? Không, bố cứ lo đời bố đi. Huyền ném chiếc điện thoại vào góc nhà, đổ ụp người xuống ghế sôpha. Sao đầu mình nặng thế nhỉ, cứ u u mê mê, như ăn phải nấm ngủ vậy. Ngoài cửa có người bấm chuông rất gấp gáp.

 

Khi Huyền lồm cồm bò dậy thì trời đã quá trưa. Cô đưa tay lên mút mút rồi lẩm bẩm, đêm qua mình mơ gì ấy nhỉ. Hình như có ai nói: Nói chung thì bố mẹ nếm đã đủ. Nuốt không trôi thì phải nhè ra thôi. Và Nhưng, qua mẹ Huyền để nếm thử vị đời. Nhưng chưa đẫy, cần phải lấy cái cơ hội nọ nuôi cái khát khao kia. Còn Huyền, Huyền phải tự lo đời Huyền, lo thực sự chứ không chấm mút ngón tay, thử hết thứ này đến người khác.

 

Một chiều chạng vạng, Huyền quyết định dẫn Nhưng về nhà, õng ẹo ôm eo thằng con trai bẩn, (Huyền bắt đầu gọi Nhưng như thế) diễu qua trước mặt mẹ: Con xin phép mẹ cho con đi chơi với người yêu! Mặt Nhưng tỉnh bơ. Mắt mẹ muốn đờ. Huyền dứt tai Nhưng. Không đi đi còn đứng đấy ư.

 

Từ đó, Huyền tuyệt nhiên không nhắc lại chuyện yêu đương, và cũng không có mấy cơ hội để gợi nhắc vì mẹ luôn tìm cách lánh mặt Huyền. Hai mẹ con chung nhà nhưng ăn riêng. Mẹ kêu bận việc. Huyền lặng lẽ tìm việc làm thêm ngoài giờ lên lớp. Lần chần mãi mãi mới tìm cách nói chuyện và rủ mẹ theo việc chăm sóc người mắc bệnh HIV ở bệnh viện nhiệt đới. Một công việc ít người làm, nhiều nguy hiểm, nhưng có lương cao. Bạn bè hỏi, con này chắc đang muốn tu hay chán sống? Huyền vẫn cười. Ở đây, Huyền được gặp nhiều người nản hết thảy cũng bắt đầu từ ngày nếm thử vị đời cuốn mình theo những cuộc chơi.

 

Hôm nay, Huyền nhận bệnh nhân mới. Ai đấy như Nhưng ấy nhưng gầy gò, tàn tạ hơn nhiều. Sao mà bỗng nhiên trống trải thế. Huyền nhớ về những ngày đã qua và nhận ra rằng mình vừa mới vào tuổi hai mươi, còn rất nhiều điều ở phía trước. Và dù, có chát đời đến mấy thì Huyền vẫn đôi lúc muốn nghe những lời êm dịu… Sẽ có một ngày…sẽ có một người…Cánh cửa chưa phải đã khép lại. Sẽ có một ngày và một người nhưng không phải là Nhưng. Huyền tự nhủ, dù sao thì Huyền cũng không đến nỗi vô vị.

 

Chỉ có điều, Nhưng mới thấy được ở chót lưỡi đầu môi, nơi thoát ra chữ Hạ Huyền giật cục.

Không cứ buồn là mưa…/.

 

Quỳnh Linh
Số lần đọc: 1980
Ngày đăng: 14.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“I” Ngắn Hay “Y” Dài - Nguyễn Đình Phư
Ngày xửa ngày xưa - Trần Quang Vinh
Hoà thượng Thích Hoan Hô - Huỳnh Văn Úc
Nhắc chi ngày xưa đó - Thụy Vi
Trộm long tráo phụng - Đỗ Ngọc Thạch
Căn lều của người anh họ - Mang Viên Long
Nỗi lo hậu sự - Việt Thư
Mùa Thu Ẩm Ướt - Âu thị Phục An
Khát Vọng Yêu Thương - Trần Minh Nguyệt
Cha và Dì - Minh Hương
Cùng một tác giả
Cái chết biện minh (truyện ngắn)
Đổi đời (truyện ngắn)
Ô cửa hổng (truyện ngắn)
Ô cửa hổng (truyện ngắn)
Nếm người (truyện ngắn)