Nếu nói về nét đẹp của đôi bàn tay thì anh có đôi bàn tay cực đẹp. Những ngón tay dài thẳng, hồng hào; đầu móng tay nhòn nhọn như mũi viết. Nếu chỉ nhìn đôi bàn tay của anh đặt trên mặt bàn, người ta dễ lầm lẫn đó là đôi tay của một cô gái nhà giàu. Thuở nhỏ, có người cầm bàn tay trái của anh, nói: “ Các ngón tay dài, thon, nhọn; đốt tay suôn thẳng, giống tay con gái. Con trai mà có bàn tay như vầy không phải làm lao động vất vả mà vẫn có nhiều tiền. Nếu tâm không tốt, dễ trở thành một cao thủ trong làng móc túi !”
Có lẽ ấn tượng về lời tiên đoán ấy đã ghi dấu ấn trong tâm trí của cậu bé những điều không hay. Cậu tự nhủ, nếu trời đã ban cho mình đôi bàn tay xinh đẹp, mình không thể làm những nghề lao động tay chân vất vả. Tại sao mình không thử tập những nghề chỉ cần sử dụng đôi tay khéo léo để kiếm sống? Ví dụ như ảo thuật, cờ bạc và móc ví ?
Từ đó, cậu bé bắt đầu tập luyện các ngón tay của mình trở thành mềm dẻo, uyển chuyển và nhanh nhẹn. Đặc biệt là ngón trỏ và ngón giữa , cậu đã luyện thành đôi đũa thần, gắp đâu trúng đó.
Cậu bé còn nhớ rõ lần ra tay đầu tiên trong đời. Hôm đó cậu cắp sách đến trường nhưng không có đồng nào trong túi để mua quà ăn sáng. Cơm nguội cũng hết, mẹ cậu lại không có tiền để cho. Cậu chẳng biết mẹ làm nghề gì mà thường vắng nhà ban đêm, còn tiền thì khi có khi không. Mẹ cậu nói : “ Lo cho mầy đi học đã là khó. Ráng mà lo học cho biết chữ nghĩa với người ta!”. Cậu vẫn đi học mỗi ngày, nhưng thỉnh thoảng mới đến lớp, còn thường ngày cậu xách cặp đi lang thang trên đường phố. Mẹ cậu ở nhà vẫn tưởng là con mình siêng năng chăm học.
Đến cổng trường, cậu đứng xớ rớ phía trước, đảo mắt tìm mấy đứa bạn quen. Nếu gặp đứa nào có dư tiền, cậu sẽ mượn nó để mua một khúc bánh mì ăn sáng. Nhưng những đứa bạn học cậu quen hôm nay chưa thấy đến. Mấy đứa khác, nhóm con nhà giàu, chơi chung với nhau, không thèm chơi với những đứa con nhà nghèo như cậu. Tụi nó, bọn con trai thì rụt rè, bọn con gái chảnh chọe, chúng thường ăn sáng ở nhà hoặc ở đâu đó, ít ăn bánh mì rẻ tiền trước cổng trường.
Có mấy đứa con gái đứng vây quanh chiếc xe bán bánh mì chờ mua. Tụi nó vừa chỉ chỏ vừa cười nói inh ỏi. Nhưng cậu bé không chú ý tới tụi con gái. Mùi bánh mì và mùi nhưn chả thịt đọng lại trong khứu giác làm cậu cảm thấy đói cồn cào. Mắt cậu sáng rực khi thấy cái túi áo bà ba của bà bán bánh mì căng phồng tiền. Hai ngón tay trỏ và giữa của bàn tay phải run run, động đậy. Cậu hồi hộp, rón rén đến sát bên cạnh bà bán bánh, nhưng miệng lại la lớn :
“Bà bán cho tôi nửa ổ bánh mì chả lụa”.
“Chờ một chút. Xong liền!”. Người đàn bà miệng nói, tay thoăn thoắt huơ đôi đũa gắp nhưn.
Nhanh như chớp, cậu giả vờ làm rơi cuốn vở đang cầm trên tay xuống đất. Mọi con mắt của tụi con gái đứng bên cạnh đều nhìn xuống vật bị rơi. Cậu cúi xuống nhặt cuốn vở bằng tay trái. Khi đứng lên, cậu dùng cuốn vở che tầm mắt mọi người, và bằng hai ngón tay phải cậu gắp tiền trong túi áo của bà bán bánh mì. Sau đó, cậu lẫn ra ngoài, vô một cái quán bún bò ăn sáng rồi vào lớp học ngồi cho đỡ run. Một mảnh giấy vở gấp làm tư ló ra từ hộc bàn chỗ cậu ngồi. Có mấy dòng chữ con gái viết nguệch ngoạc gửi cho cậu :
“Tôi đã thấy hành động của bạn làm. Không đẹp lắm ! Nhưng phải đãi tôi một chầu. Hẹn gặp . . .”
Tự nhiên, mồ hôi trên mặt và trong người cậu vả ra như tắm.
*
Kỷ niệm về tuổi học trò đi qua như một giấc mơ đẹp. Nhưng cuộc sống của anh, hình như những điều tốt đẹp chỉ xảy ra trong mơ. Còn thực tế, anh thấy cuộc sống sao toàn màu xám ngắt.
Anh đã bỏ học, bỏ nhà sống lang thang từ năm mười lăm tuổi, sau khi phát hiện mẹ anh đã dẫn khách về nhà ngủ qua đêm. Anh thấy tủi nhục khi phải làm con của một người đàn bà làm điếm. Mẹ anh giải thích, bây giờ người ta xem đây là một cái nghề để kiếm sống. Nếu vậy, móc túi, cờ bạc, chém giết hay làm những việc xấu xa khác cũng là một cái nghề để kiếm sống sao ? Mẹ anh khóc, nói, con đừng bỏ đi, mẹ chỉ có mình con, mẹ sẽ đi giúp việc nhà cho người ta để nuôi con ăn học. Nhưng anh đã dứt khoát. Mình không thể sống được với một người mẹ mà mình không còn tôn trọng.
Nỗi thất vọng và cơn giận dữ đã đẩy anh ra khỏi nhà, dù chưa biết mình sẽ đi đâu, sống thế nào. Sống chung với mẹ, dù sao anh còn có một nơi chốn để trở về, nương tựa. Còn bây giờ, tất cả mọi việc đều phải tự mình lo liệu lấy. Nhưng mình là con trai, sợ gì…
Với một cái ba lô vải màu đựng quần áo và những vật dụng cần thiết mang sau lưng, cậu bắt đầu đi lang thang trên đường. Hình ảnh lõa thể của người mẹ nằm bên người khách lạ trong ngôi nhà ấy đã làm cậu nhờm tởm về cơ thể đàn bà. Có lẽ dấu ấn ấy cậu không xóa được, như một vết khắc khoét sâu trong da thịt suốt đời.
Đầu tiên cậu nghĩ đến là mình phải có tiền. Có tiền, mình muốn ăn gì có nấy, muốn làm gì cũng được, không ai la mắng mình. Còn ở thành phố mà không có tiền, con người dễ biến thành con vật. Nhưng tiền ở đâu ra và làm sao để kiếm tiền, đó là điều cậu đang suy nghĩ.
Trong lúc đi lang thang trên đường phố, suy nghĩ vẩn vơ, cậu bỗng nhớ lại buổi gặp gỡ với đứa con gái học trò đã phát hiện cậu móc túi bà bán bánh mì trước cổng trường.
Đứa con gái ấy có cơ thể khá gầy, nước da đen, mái tóc ngắn hoe hoe vì nắng cháy, nhưng nó có đôi mắt sáng và bàn tay thon dài, những ngón tay gầy guộc. Khi gặp cậu vào giờ tan học buổi chiều, nó nói :
“Tôi chỉ thích chơi game ở cái tiệm đằng kia. Bạn bao tôi nhé !”.
“Bao thì bao ! Tôi vẫn còn tiền ! Nhưng lần sau đừng có viết giấy bỏ trong hộc bàn tôi nữa”.
Con nhỏ chơi game khá nhuần nhuyễn, nhưng cậu cũng không phải là tay vừa. Hai đứa đánh nhau bất phân thắng bại sau hơn một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, cậu rủ nó đi ăn phở. Nó mừng rỡ ra mặt, cười toe toét nói :
“Bạn chơi sộp. Tôi thích bạn. Tôi chúa ghét những đứa con trai keo kiệt !”.
“Có nhiều bạn trai ?” Cậu hỏi lấp lửng, vì không biết xưng hô với nó thế nào.
“Không. Tôi tên là . . . , học dưới một lớp, cứ kêu tôi là em, vì nhỏ tuổi hơn anh”.
“OK ! Mình kết nghĩa anh em đi !”
“Có họa cùng chia, có phúc cùng hưởng, nhé !”
“OK ! Quyết định như vậy đi !”
Ăn phở xong, ra đường, trước khi chia tay, đứa con gái ôm chầm lấy cậu, rối rít :
“Cảm ơn ông anh trai ! Hẹn gặp lại !”
Cậu hơi ngượng, bối rối gỡ vòng tay đứa con gái ra. Khi về nhà, thay đồ, cậu mới phát hiện chỗ tiền còn lại trong túi quần đã biến mất.
*
Bây giờ, anh đã là một cao thủ trong làng “tay nhám”, sau mười năm lăn lộn trong giới giang hồ. Bọn đàn em thán phục tài nghệ đánh đâu thắng đó của anh, xưng tụng anh là đại ca Nhị-Dương-Chỉ, vì hai ngón tay trỏ và phải của anh gắp đâu trúng đó như đôi đũa thần. Anh chỉ cần vung tay ra hoặc búng nhẹ, cái ví trong túi của người bị anh va chạm không cánh mà bay. Để đạt được ngón nghề tinh xảo này, anh phải vào tù ra khám vài lần, học thêm nhiều ngón nghề của các bậc đàn anh trong tù chỉ dạy. Anh thấy nhà tù như một trường dạy nghề lớn. Nơi đó, người ta đào tạo thêm những điều xấu xa và tội ác. Rất ít người sống lương thiện sau khi ở tù ra.
Làm đại ca của một khu vực thì sống sung sướng thật.Tiền bạc có, gái có, rượu có . . . nhưng sao anh vẫn cảm thấy buồn. Ở tuổi anh, người ta đã có gia đình, vợ con đầm ấm, công việc đàng hoàng. Còn anh ? Không gia đình, không chỗ ở ổn định và hình như anh đã đánh mất niềm tin trong cuộc sống.
“Anh Hai ! Địa bàn mình hôm qua có một con nhỏ lạ hoắc ở đâu tới phổng tay trên !”
“Vụ gì vậy ?”
“Một cái laptop trên ba ngàn đồng !”.
“Coi thử nó từ đâu lại, em út của ai rồi báo cho tao biết !”.
“Nó biến lẹ như chớp, nhưng tụi em sẽ tìm !”
“Còn việc gì nữa không ?”
“Có một con nhỏ khá xinh mới mười tám tuổi, học trò bỏ nhà đi bụi, em muốn đem tới cho anh Hai thư giãn . . .”
“Tụi mầy có đứa nào mần thịt nó chưa ?”
“Dạ ! Đâu dám anh Hai ! Anh ưu tiên số 1 rồi mới tới tụi em !”.
“Thôi được 6 giờ chiều đem nó lại đây ! Bây giờ tao còn đi . . .”
“Dạ. Anh Hai có cần tụi em theo không ?”
“Không cần. Việc riêng, một mình tao giải quyết được rồi !”.
Nói xong, anh khoát tay cho tên đàn em đi ra khỏi phòng. Anh dỡ gối, lấy gói tiền đã gói sẵn vào giấy báo bỏ vào một hộp sữa lớn. Anh bỏ nó vào bao nylon với những quả trái cây đủ loại. Anh móc bao nylon lên xe gắn máy, lao thẳng đến nhà người mẹ.
Cứ vài tháng một lần, anh vẫn mang tiền về cho mẹ anh. Việc này, anh giấu bọn đàn em nên không đứa nào biết. Khi lớn lên, va chạm nhiều với cuộc sống, anh nghĩ lại mà cảm thấy thương mẹ mình vô cùng. Bà làm công việc hèn hạ ấy cũng vì muốn anh ăn học như bao đứa trẻ khác. Chồng bỏ, buồn chán, không nghề nghiệp, bà đi làm mướn nuôi anh lớn lên, cho anh đi học với mong mỏi cuộc đời anh sau này sẽ đỡ khổ nhờ có chữ nghĩa. Nhưng khi anh lớn, nhu cầu vật chất càng ngày càng nhiều, số tiền làm mướn không thấm vào đâu nên bà đã làm liều. Anh thấy mình có trách nhiệm trong tội lỗi của mẹ. Nếu không có anh, có thể bà đã lập gia đình lần nữa, sống cuộc sống êm ấm hơn.
Hiện giờ mẹ anh đã bỏ nghề cũ. Bà mở cái quán tạp hóa tại nhà, bán thêm cà phê buổi sáng cho mấy người đàn ông làm nghề lao động trong xóm. Nhờ dành dụm số tiền anh đưa, mẹ anh có chút vốn liếng để buôn bán, đỡ cực tấm thân.
Anh về tới nhà vào buổi chiều. Mẹ anh đang lui cui nấu ăn một mình. Trông bà già đi, nhiều nếp nhăn xuất hiện quanh đôi mắt. Mái tóc có nhiều sợi bạc.
“Con ở lại ăn cơm với mẹ chứ ?”
“Không, con còn phải đi. Có tiền bỏ trong hộp sữa. Nhà có việc gì lạ không mẹ ?”
Người mẹ nhìn anh với ánh mắt trìu mến :
“Mẹ tính nói với con chuyện này . . .”
“Chuyện gì vậy mẹ ? Đứa nào ăn hiếp mẹ à ?”
“Không, đâu có ! Nhưng mẹ thấy con lớn rồi, cũng nên lấy vợ. . . có dâu, có cháu cho mẹ vui, chớ sống hoài một mình buồn quá !”.
Anh thấy cảm động khi nghe mẹ nói điều đó. Anh cười giả lả :
“Đâu có ai thương con đâu ?”
“Trong xóm có con nhỏ đẹp gái lắm, tính tình lại nết na. Nó làm nghề may, thường may đồ cho mẹ tính giá rất rẻ. Năm nay nó chừng hai mươi tuổi. Dân miền Tây”.
“Thôi để từ từ đã. Mẹ đừng hứa gì. Khi nào con gặp cô ấy, con sẽ quyết định”.
“Sơm sớm nghe con ! Con gái đẹp dễ bị người ta rinh lắm !”
“Dạ. Con đi nghe mẹ ! Tiền bạc mẹ nhớ cất cẩn thận.”
“Mẹ biết rồi. Cảm ơn con !”
Ra tới đường, anh suy nghĩ điều mẹ anh vừa nói. Nếu lấy vợ, anh phải bỏ nghề chôm chỉa và gần như đánh mất tự do của mình. Còn nếu không, chả lẽ cả đời mình cứ sống lông bông vô định ?
Anh về tới phòng, tắm rửa xong bỗng nghe tiếng gõ cửa.
“Vào đi !”
Một cô gái trông dáng vẻ nữ sinh, tóc ngắn, da trắng, mặc áo trắng còn đính phù hiệu nhà trường, jupe-sérrée màu xanh đen, ngại ngùng bước vào phòng, len lén nhìn anh, mỉm cười gượng gạo :
“Anh Hai kêu em ?”
“Ngồi đi ! Em tên gì ?”
“Dạ . . .”
“Sao em bỏ nhà đi bụi ?”
Cô gái trả lời ngập ngừng :
“Dạ . . . Em học không vô nữa !”
“Em nghĩ là đi bụi sẽ sướng hơn đi học sao ?”
“Dạ. không. Nhưng em không thích sống trong ngôi nhà mà không ai quan tâm tới ai ?”
“Em còn ba mẹ chứ ?”
“Dạ, còn mẹ. Ba em mất từ lúc em còn nhỏ. Em sống với mẹ và ông dượng.”
“Em bỏ nhà đi bao lâu rồi ?”
“Dạ, mới một tuần”.
“Sao tụi nó mang em về đây ?”
“Em đi theo một thằng bạn. Hết tiền, nó đuổi em đi. Em đi chôm chỉa ở khu vực này thì bị các anh bắt về. Nghe nói, anh Hai có ngón nghề cao thủ lắm. Em muốn học nghề anh Hai, được không ?”
“Nghề gì ?”
“Móc túi !”
Anh bỗng thấy mình như một con ốc sên bị ai đó chọc vào chỗ mềm trong cơ thể.
“Thằng nào nói với em như vậy ?”
Cô gái nhoẻn miệng cười. Lần đầu anh thấy một nụ cười tươi xuất hiện trên mặt cô gái trẻ.
“Anh nổi tiếng trong giới giang hồ, ai mà chẳng biết! Nhưng trước khi tôn anh lên làm sư phụ, em có thể thử tay nghề cùng anh không ?”
Lần đầu tiên anh nhìn kỹ cô gái. Không phải như một girl mà là một con người. Tự ái anh nổi lên :
“Nếu em thắng, anh sẽ lấy em làm vợ ! Chịu không ?”
“Anh Hai đẹp trai, giàu, giỏi . . . có ngu mới không chịu !”
“Còn thua ?”
“Sẽ làm ôsin cho anh miễn phí ! Đến khi nào anh Hai chán thì thôi!”
“OK ! Quyết định như vậy đi ! Bắt đầu nhé !”
Cô gái lại cười :
“Em đã bắt đầu từ lâu rồi !”
“Sao ?”
“Anh Hai xem thử trong túi sau quần jean anh đang bận có cái ví của anh. Trong ví anh Hai có để tấm hình nhỏ của em không ?”
Anh bỗng bật cười lớn :
“Con nhỏ này là chúa xạo ! Làm gì có chuyện đó ! Trong ví anh làm sao có hình của em ? Anh chỉ để hình của mẹ anh thôi ! Ví vẫn còn trong túi, nãy giờ ngồi nói chuyện, anh đâu lấy ra ngoài để em bỏ vô ?”
“Còn nếu có ?”
“Coi như em thắng cuộc !”
Quả nhiên, khi anh móc chiếc ví cá sấu đựng đầy tiền ở sau quần jean mở ra, một bức hình học sinh của cô gái đã nằm trong khung nhựa chèn lên bức hình mẹ anh.
Anh kinh ngạc móc tấm hình ra. Trong hình, một cô học trò nhỏ nhìn anh cười có vẻ chế nhạo. Anh ngồi thừ trên giường, cầm tay cô gái:
“Em đúng là kỳ phùng địch thủ của anh ! Xem như em đã thắng ! Làm vợ anh nhé ?”
Cô gái cúi mặt xuống hôn lên tay anh, miệng lí nhí :
“Dạ ! Em bằng lòng !”
*
Anh tuyên bố giải nghệ và giải tán luôn băng nhóm của anh. Anh dẫn cô gái về nhà giới thiệu với mẹ anh và nói rõ ý định của mình. Mẹ anh bảo : “Lấy ai làm vợ là do con quyyết định. Nhưng một đời người con gái chỉ có một lần, để mẹ thu xếp dẫn con bé về nhà nó rồi cho người qua thưa hỏi đàng hoàng, sau đó hãy tổ chức đám cưới, để sau này hai đứa khỏi nghĩ ngợi, tủi thân.” Mọi việc được mẹ anh thu xếp chu đáo và cuối cùng cô gái đã chính thức trở thành vợ anh.
Đêm động phòng, anh hỏi vợ :
“Em lấy cái ví trong túi anh bằng gì và khi nào vậy ?”
Vợ anh nở một nụ cười dễ thương :
“Anh dùng tay, còn em dùng chân. Ngay từ nhỏ, em có thể làm mọi việc khéo léo từ đôi chân của mình. Khoảng cách của chân lại dài hơn tay nên người ta không để ý. Lúc anh mời em ngồi lên giường, em đã lấy chiếc ví bằng hai ngón chân, bỏ hình vào rồi dùng tay nhét vào lại. Lúc ấy, hình như anh đang nghĩ về điều gì đó nên không để ý. Anh nghĩ gì vậy ?”
“Xem thử nên mần thịt hay nên tha cho em !”
“Yêu nhau đi anh ! Nói thật, em vẫn còn con gái !”
“Chuyện đó không quan trọng. Nhưng cứ tin như vậy đi !”
Hai vợ chồng chung sống khá hạnh phúc. Họ sửa chữa, trang trí quán cà phê. Quán khá đông khách, có lẽ do cô chủ quán xinh đẹp.
Cuộc sống nhàn nhã trôi qua. Mẹ anh có vẻ vui trong tuổi già. Vợ anh sinh cho bà một đứa cháu gái. Con bé bụ bẫm, mặt mày sáng láng, đôi tay chân giống bố mẹ, dài, thon, đẹp.
Một hôm, lúc con bé được mưòi hai tháng tuổi, vợ anh tắm cho nó. Mỗi lần thoa xà bông baby lên người, con bé lại cười rất xinh. Người mẹ cảm thấy hạnh phúc khi có một đứa con bụ bẫm, khỏe mạnh. Sau này phải cho nó ăn học nên người. Có thể chị sẽ đầu tư cho con bé đi vào ngành công nghệ thông tin, vì đã thừa hưởng đôi tay khéo léo của bố. Cũng có thể vào ngành múa, nhờ gen di truyền đôi chân uyển chuyển của mẹ.
Khi tắm xong, chị phát hiện mình vừa mất chiếc nhẫn cưới. Đây là một vật chị rất quý, đang mang chặt chẽ trong ngón tay áp út, không thể nào đánh rơi được. Chị lục lọi mọi chỗ, trong phòng tắm, xó bếp, kẹt giường . . . cố tìm chiếc nhẫn nhưng vẫn không thấy. Mất vật gì thì được nhưng mất chiếc nhẫn cưới, theo chị, đó là điềm gỡ cho hạnh phúc gia đình.
Anh nghe vợ báo tin, đi tìm giúp vợ khắp chỗ nhưng cũng không thấy. Một chiếc nhẫn cưới, mang chặt trong ngón tay làm sao có thể đánh rơi được ? Hay là . . . vợ anh đã chán anh nên không thích đeo nó nữa ? Sau khi có con, cô ấy trông xinh đẹp, trắng trẻo, mơn mởn hẳn ra. Nên xem thử trong đám đàn ông uống café tại quán, cô ấy có để ý đến tên nào không ?
Buổi tối, bận việc, vợ anh giao con cho người bà trông hộ. Một lát, mẹ anh nói cho anh biết : “Chiếc nhẫn cưới được con bé nắm chặt trong bàn tay nhỏ bé của nó !”. Vợ anh cười, ngạc nhiên : “ Không biết nó tháo ra lúc nào mà mình chẳng hay !”
Một hôm khác, hai người đàn bà đều bận việc, anh phải tắm cho con. Anh bỏ nó trong chậu thau lưng nước, tha hồ cho nó vùng vẫy, đùa giỡn với làn nước ấm. Tắm xong, anh mới phát hiện mình mất chiếc nhẫn có gắn đá quý đeo ở ngón tay giữa. Nghi ngờ con bé lấy, anh xòe đôi tay bụ bẫm của nó ra cũng không thấy. Anh nóng nảy tìm kiếm khắp nơi trong phòng tắm, trong giường ngủ vẫn không thấy. Chiếc nhẫn đã không cánh mà bay !
Đến khi vợ anh cho nó ăn bột dinh dưỡng, con bé mới há miệng ra, chiếc nhẫn có gắn đá quý rơi ra trên nền gạch bông.
Anh nhặt chiếc nhẫn, bỗng tức giận tát con bé một cái vào mông thật mạnh rồi bỏ đi. Nhưng con bé không khóc. Căn phòng, cái quán, cả ngôi nhà anh và cả thành phố anh đang bước đi bỗng như được bao trùm lên một sự im lặng đáng sợ trong đêm tối. Anh cảm thấy có một dòng sống đen ngòm đang chảy từ đời anh, vợ anh rồi cuốn phăng đời con bé./.
Ngày 26.9.2008