Vào Việt Nam (1533-1659),Công Giáo đã Tăng Rất Mau và Rất Đông Số Giáo Dân Vì Giáo Lý Hợp với Tâm Tình Việt Nam
Đạo Công giáo được các giáo sỹ rao giảng ở Đàng Ngoài từ năm 1533. Nhưng trong thời gian đầu, từ 1533 đến 1627, số giáo sỹ, phần thì thưa thớt, phần thì bất đồng ngôn ngữ, kết quả về số người theo đạo thật không đáng kể.
Nhưng từ năm 1615 đến năm 1659, trong khoảng thời gian 45 năm truyền giáo, các cha Dòng Tên đã thâu nhận một kết quả ngoài sức tưởng tượng : 100.000 tín hữu ; 20.000 trong Nam ; 80.000 ngoài Bắc [1], qui tụ chung quanh 340 nhà thờ [2]. Dĩ nhiên, trước nhất đó là nhờ Ơn Chúa, nhờ các giáo sỹ trách nhiệm. Nhưng lý do chính yếu là vì Tin Mừng ấy hợp với lòng người Việt Nam.
1. Số giáo hữu tăng rất mau và rất đông
Ở Đàng Trong, từ năm 1615, với giáo sĩ Dòng Tên François Buzomi, số lương dân trở lại đạo đã rất khả quan. Trong cuốn « Hành trình và truyền giáo », cha Đắc Lộ dã cho biết kết quả truyền giáo của cha Buzomi ở Đàng trong vào những năm đầu tiên của ngài như sau : « Những người đầu tiên được sai tới giảng cho xứ này biết Chúa Kitô, trước kia chưa bao giờ nghe tới, đó là cha Francois Buzomi, người thành Napoli, vị tông đồ đích thực của Đàng Trong, người đã tận tuỵ lo việc truyền giáo, hoạt động trong hơn hai mươi năm với một sức kiên trì đáng được khen lao ca tụng; người bạn đồng hành của ngài là cha Diego Carvaillo, người Bồ, từ đó đã đi Nhật và chịu tử đạo.
Cơ hội tiên khởi để bắt đầu việc truyền giáo này là Ferdinand de Costa đức ông người Bồ, đã về Macao sau khi tới Đàng Trong. Ông tới tìm các cha và kể những sự ông đã thấy cùng nói tới triển vọng tốt đẹp về việc truyền giáo cho đất nước này. Cha Buzomi, sau khi nghe biết, liền đến quỳ dưới chân bề trên, xin cho phép đi tới đất nước mà Chúa kêu gọi ngài. Lời xin liền được chấp nhận. Thế là ngài trẩy đi ngay đầu năm 1615 và tới nơi vào ngày lễ thánh Phêrô lập tòa ở thành Rôma 18 tháng giêng. Ngài nghĩ ngay đến việc cất một nhà nguyện ở cửa Hội An, nơi tàu đưa ngài tới chính ngày lễ Phục sinh. Ngài long trọng dâng thánh lễ đầu tiên và rửa tội cho mười người tân tòng.
Từ bến này ngài đi hoạt động ở khắp miền lân cận, năm thứ nhất, được ba trăm giáo dân tân tòng. Ngài cất thêm một nhà nguyện thứ hai cho đủ chỗ thờ phượng. Vì có một mình nên lúc thì ngài ở nhà nguyện trên, khi thì ở nhà nguyện dưới. Nhưng rồi ngài nhận được trợ lực từ Macao, đó là cha Francois Barret và Francois de Pina, cả hai đều là những thợ làm việc không bao giờ biết mệt mỏi. Sau ít lâu đã thu được kết quả rất đặc biệt nơi các dân ở đây.
Được thành công mỹ mãn, dĩ nhiên thù địch chính là ma quỷ phản kháng. Một cơn hạn hán đã xảy đến làm cho mất hy vọng gặt hái. Lương dân liền đổ tội cho các thầy phù thuỷ mới, lấy cớ dạy đường lên trời, nhưng đã phá phách cõi đất. Thế là tin theo lời vu oan, dân chúng tới gây gỗ, đuổi các cha ra khỏi nhà nguyện và bắt phải trốn vào rừng thiếu thốn đủ mọi thứ, trừ niềm tin vào Chúa.
Vì thế Chúa không bỏ. Cha Buzomi được lòng quan trấn tỉnh Quy Nhơn, ông này được chúa tin cậy, và vì thế ngài được toàn cõi vị nể. Được tin người ta đã xử tệ với bạn thân của mình, ông liền cho mời ngài vào tư dinh, giữ ngài ở đó và tiếp đãi thịnh tình trong năm tuần lễ, rồi sửa soạn cho ngài một nhà khá tươm tất, cho voi long trọng rước ngài tới ở. Tuy được tiếp đãi nồng hậu như thế, ngài đã ngã bệnh sau thời gian bị đày ải và chịu nhiều cực khổ. Bề trên ở Macao sợ mất ngài nên gọi ngài về để săn sóc và bồi dưỡng. Ngài vâng lệnh không dám sai, nhưng Chúa đã cho ngài hồi phục trước ngày ngài bắt đầu trẩy đi. Thế là ngài chỉ còn nghĩ tới hoạt động ngay mà thôi.
Năm 1618 ngài đảm nhận trụ sở ở tỉnh Quy Nhơn cùng với cha Francois de Pina. Cả hai khởi công thành lập một giáo đoàn mới, nhưng hòa bình chẳng được bao lâu. Ma quỷ lại bày mưu tìm kế, số là lương dân tự ý bẻ tay đánh gẫy chân mấy tượng thần rồi đem ra chiềng dân chúng nơi công, tố cáo giáo dân đã phạm tội ác. Dân chúng cả tin và nổi giận chống đối các cha, dùng võ lực đối với mấy người giúp việc và bắt giam tù. Cha Buzomi liền kín đáo vào tư dinh, phân bua minh oan, rồi trở về đem lệnh chúa truyền để cho các cha và giáo dân sống yên hàn.
Trong mấy năm sau, 1620, 1621 và 1622, dòng đã phái liên tiếp những thợ mới đến làm vườn nho đẹp đẽ này, vườn nho bắt đầu lan ra khắp đất nước. Cha Emmanuel Porgez cũng tới. Tôi sẽ không kể tên các cha khác, sợ quá dài dòng. Như vậy cũng đủ nói lên rằng đã có mấy người kiên trì hoạt động và trong ít lâu đã thành lập được mấy giáo đoàn » [3].
Ở Đàng Ngoài, từ năm 1627, với hai giáo sỹ dòng Tên là cha Dắc Lộ và cha Pedro Marques, biết nói tiếng Việt, thì kết quả khác hẳn. Số giáo hữu tăng rất mau và rất đông. Ngay ngày đầu tiên, ngày 19/03/1627, khi vừa tới Cửa Bạng ở Thanh Hóa, cha Đắc Lộ đã giảng một bài ngắn và đã được hai người xin theo đạo. Cha kể : « Thế là ngày 12 tháng 3 năm 1627, tôi rời Macao và sau tám ngày trên biển với một cơn bão lớn tưởng nguy tới tính mạng, chúng tôi may mắn cập bến cửa Bạng ở tỉnh Thanh Hóa, ngày 19 tháng 3, lễ thánh Giuse (28), Đấng tôi nhận là quan thầy trong công trình lớn lao này. Chúng tôi liền đặt tên cho cửa biển này và từ đó gọi là cửa thánh Giuse.
Tàu chúng tôi chưa vào tới bờ thì đã thấy rất đông người tụ tập để xem hàng hóa trong tàu. Tôi liền bắt đầu giở hàng hóa của tôi ra và cho họ biết tôi có một thứ hàng quý hơn và rẻ hơn tất cả những hàng khác, tôi sẽ biếu không nếu ai muốn, đó là đạo thật, đường thật ban hạnh phúc. Tôi giảng giải một bài ngắn, bởi vì đạo trong ngôn ngữ của họ có nghĩa là đàng, đường. Chúa cho trong mẻ thứ nhất này, ngay trước khi đặt chân lên đất, có hai người rất thông minh sa lưới và nhất quyết xin chịu phép rửa tội. Tôi đã rửa tội cho họ sau đó ít lâu cùng tất cả gia đình »[4].
Ngày 2-7-1627, hai cha tới Thăng Long và dâng tặng lễ vật lên chúa Trịnh Tráng. Chúa Trịnh xuống lệnh dựng cho các cha một ngôi nhà gần dinh của Chúa. Dân chúng đến học đạo rất đông. Trong số đó có em ruột của chúa, tên là Catarina. Bà Catarina có công khuyên được 17 người trong nhà tòng đạo.
Theo Bản « Tường trình về Đàng Ngoài » của linh mục Antonio Francisco Cardim, thì kết quả truyền giáo của hai cha Marques và Đắc Lộ ở Đàng Ngoài rất tốt đẹp, và có nhiều lý do khiến người Việt Nam Đàng Ngoài theo đạo, mà lý do chính là vì giáo lý công giáo hợp với tâm tình tôn giáo của người Việt Nam.
Ông viết : « Những người đến nhà thờ của chúng ta thì rất đông đến nỗi phải giảng ít là mỗi ngày bốn lần, có khi tới năm lần. Người ta liên tiếp rửa tội cho những người xin chịu phép bí tích thánh và từ khi chúng tôi đến cho tới tháng 5 năm 1628 thì đã có 1500 người chịu phép thánh tẩy. …
Năm 1631 đã rửa tội được 5.727 người, năm 1633 có 9.797, năm 1634 có 9.874, năm 1635 có 8.176, năm 1636 được 7.121, năm 1637 được 9.707, năm 1638 được 9.076, năm 1639 được 12.234, năm 1640 được 10.070 và năm 1641 tất cả những người đã chịu phép rửa thì lên tới con số 108.000. Thêm vào đó, trong những năm này đã được 235 nhà thờ trong nhiều nơi.
Thật là những kết quả lớn lao, nếu xét ra chỉ có một số thợ rất ít được sai tới để gặt hái. Mỗi người phải cai quản tới 12 hay 15 nghìn người về phần mình, và cần phải được mấy đồng sự phụ vào, nhưng sự nhiệt tình và lòng sốt sắng của những tông đồ mới mẻ được ơn Trên giúp đỡ, đã làm tăng thêm sức để làm toại nguyện mọi người thực ra không ít khó nhọc, bởi vì phải đi bộ hơn một nghìn dặm hay qua nhiều thôn xã khác nhau, nơi có những người tân tòng ở, và những khốn khổ nhọc mệt đã đánh ngã hai người, cha Bernardino Reggio và cha Giuse Mauro đã tắt thở vì quá mệt nhọc, làm cho tân giáo đoàn này hết sức nhớ thương » [5].
2. Giáo lý công giáo hợp với tâm tình việt nam
Tiếp theo việc tường trình về số lượng giáo dân tăng mau và đông, cha Antonio Francisco Cardim đã nêu lên 6 lý do cắt nghĩa kết quả lạ lùng này. Cha viết : « Số những người được rửa tội có thể là khá lạ lùng và không thể tin được bởi vì rất ít các cha được phái tới đây. Nhưng tôi có thể trả lời và làm thỏa mãn những ngừơi nghĩ tưởng như vậy; tôi đưa ra những lý lẽ vững chãi, ngoài ơn và sự hộ phù đặc biệt của Thiên Chúa là nguyên nhân chính yếu của mọi công việc tốt lành, đó là như căn bản và nền tảng các việc trở lại đạo ta, thì còn những lý do làm cho người ta có thể tin được như sau:
Lý do thứ nhất làm cho lương dân theo đạo ta tại xứ Đàng Ngoài là nhiệt tình không thể tưởng tượng được của họ để học hỏi và hiểu biết các điều tin trong đạo, và lòng ham muốn rất lớn để sau khi đã học thì đi truyền bá và giải thích cho những người khác. Tất cả đều thú nhận là họ không thể tự cầm mình không làm việc này được. Vì thế họ rảo khắp các làng mạc, các thôn xóm lân cận để giảng đạo cho hết mọi người qua lại, và gương sáng của họ thu được hiệu quả hiển nhiên, làm cho lương dân thấy từ những Saolô họ trở nên những Phaolô, và từ sói dữ họ thành chiên lành; thế là nhiều người trở lại đạo và vội vàng chạy đến các cha để chịu lời giảng dạy bổ túc và xin cho được chịu phép rửa tội. Nhiều khi các cha không thể đi được vì quá bận thì sai các thầy giảng, sau đó mới đi một vòng thăm họ, củng cố đức tin của họ bằng lời rao giảng và sự dạy dỗ.
Lý do thứ hai, các quan ngoại đạo đối xử với dân thì rất kiêu căng và ngạo mạn, đến nỗi không thèm nhìn tới dân, nếu có thì cũng là cách cau có; nhưng khi trở lại đạo thì họ hoàn toàn thay đổi cách ăn ở, đối xử rất nhân ái và thân thương, tiếp đón họ lịch thiệp, làm cho lương dân khốn đốn khi thấy sự thay đổi đó thì phải thú nhận Kitô giáo là đạo rất tốt rất thánh; họ cũng nhận thấy sự hiền từ và dịu dàng nơi các Kitô hữu; thế là họ tới tìm các cha để xin học giáo lý và chịu phép rửa tội.
Lý do thứ ba, họ rất tôn trọng vong linh người quá cố, và khi thấy các Kitô hữu làm đám tang cho người đồng đạo qua đời với tất cả danh dự như đưa xác với đuốc sáng, nến thắp và những lễ nghi trang trọng, họ cho đạo ta rất thích hợp với tâm tư của họ.
Lý do thứ tư, vì Thiên Chúa cho phép trong xứ này ma quỷ hành hung rất dữ dằn những người ngoại đạo, không những nơi bản thân họ mà còn làm hại cả nhà cửa tài sản họ, đến nỗi nhiều khi nó bốc người ta lên trên không cho tới mái nhà rồi cho rớt xuống đất một cách rất dữ dằn, làm cho người ta chết. Vì thế để không bị xử hung ác như vậy thì người ta phải dọn cho chúng ăn, bày thịt thà trước cửa nhà và chạy theo các xó nhà cầm gậy lùa chúng cho chúng đến dùng bữa tiệc đã dọn sẵn cho chúng. Nhưng khi thấy các Kitô hữu đuổi tà ma ra khỏi nhà lương dân bằng tràng hạt và nước phép, và nhà cửa của họ không bị quỷ ám ảnh hay hành hung, thì họ đến xin học đạo và chịu phép thánh tẩy. Thế là số Kitô hữu càng tăng lên và số người được tuyển cũng thêm.
Lý do thứ năm, dân đất nước này rất kiêu căng va ngạo mạn như tôi đã nói; các quan và kẻ quyền thế muốn cho người ta phải cúi sâu chào kính mình, thần dân phải sấp mặt tới đất lạy đức quân vương; cũng vậy các môn đồ đối với tôn sư. Lương dân thấy các cha không muốn cho người ta tỏ lòng tôn kính như thế đối với mình, lại còn ngăn cản các Kitô hữu. Thế là họ rất có cảm tình ngay với đạo ta và tự nguyện xin theo. Hơn nữa, họ còn nhận thấy các cha giảng dạy không vì tư lợi mình, nhưng để cho họ chiếm được cõi Trời. Vì thế các cha không nhận cũng không muốn được gì nơi các người nghe, trái lại các ngài phát không cho nhiều ảnh đạo các ngài lấy tiền riêng của mình mà mua, và như ở Ấn Độ người ta không thương lượng một việc vì mà không có lễ phẩm, nên người nào không nhận phẩm vật thì được trọng như một vị thần thánh.
Tôi thêm vào tất cả những lý do này một lý do chính khác, đó là sự bắt bớ ôn hòa của bạo vương; ông đã không muốn rõ ràng tuyên bố cho tới bây giờ rằng sắc lệnh của mình có mục đích chống Kitô giáo, nhưng chỉ cấm không cho thần dân táo bạo theo đạo người chết mà thôi. Ngài có ý hiểu là đạo Kitô, và nhiều viên quan đã bắt đầu cho hành hung họ khi sắc lệnh ban hành; nhưng Thiên Chúa công bố đạo người chết không phải đạo của Người, nhưng là đạo của lương dân, bởi vì đã phát hiện bệnh dịch trong nhiều nơi, có chỗ cả nhà bị bệnh mà lương dân thường thì chết hết, trái lại các Kitô hữu thì tránh khỏi. Thế là ngừng cuộc bắt bớ hành hung, tuy chưa giập tắt hẳn, bắt đầu từ Đàng Ngoài, vì thế nó không làm ngạt đức tin lại còn cho tăng thêm. Chúng tôi tin vào Thiên Chúa nhân từ, bởi vì khu truyền giáo này là khu tốt đẹp nhất trong tất cả những khu miền Đông An dưới quyền các vua chúa ngoại đạo, nên hẳn là Người sẽ hối thúc một người nào đứng ra bảo vệ để mở mang đạo, gìn giữ và làm tăng số các Kitô hữu và những người làm việc trong ruộng nho này. Thật là một việc rất cần thiết bởi vì mặc dầu chúng tôi có trong nước này tất cả là bốn nhà, hai ở trong phủ, một trong tỉnh Thanh Hóa và một trong tỉnh Nghệ An, nhưng có đủ thợ để làm việc vun trồng trong toàn cõi ».
LỜI KẾT
Tin mừng Mathêu, trong những câu chót của chương cuối cùng thuật lại rằng : « Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi giảng dậy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế". (Math. 28, 16-20).
Dậy cái gì : « dạy người lấy sự yêu-mến và tôn-kính Thiên-chúa làm gốc, lấy bụng từ-bi nhân thứ, coi người như anh em ruột thịt làm cốt ».
Dậy về tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu đã dậy như thánh sử Mat Thêu ghi lại : Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dậy họ rằng :
Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ.
Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.
Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.
Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả
Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.
Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.
Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính , vì Nước Trời là của họ.Phúc cho các con khi ngưới ta ghen ghét, bách hại các con và bởi ghét Thày, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời » (Mt, 5, 1-12) ./.
(1) Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2004, tr. 189.
(2) Bentô Thiện viết trong « Lịch sử nước Anam » (năm 1659) rằng : “Nghệ an Xứ những nhà thánh thờ đức Chúa trời được bẩy mươi lăm nhà thánh. Sơn nam Xứ được một trăm tám mươi ba nhà thánh. Hải dương Xứ được ba mươi bẩy nhà thánh. Kinh bắc Xứ được mười lăm nhà thánh. Thanh hoá xứ được hai mươi nhà Thánh. Sơn tây xứ được mười nhà thánh”. Trích trong Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn : Đường mới, 1972, tr. 129.
(3). Dắc Lộ, Hành trình và truyền giáo, 1653 ; ch. 2
http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=136&ict=319)
(4). Ibidem, ch.8
(5). Antonio francisco Cardim - Tường Trình Về Đàng Ngoài (a) ;
Trong : http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=77&ict=624)
(6). Ibidem