Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.152.447
 
Ngồi đờn xuống thung lũng
Kiệt Tấn

vùi chôn trí nhớ đầu ghềnh

hồn nhiên hạnh phúc lênh đênh cũng gần

 

Sau ba chục năm tròn xa xứ, lần này từ Paris trở về ngay giữa tháng Sáu, tôi đem tới cho Đà Lạt một tai họa: Mùa Mưa!  Mưa gì mà mưa không dứt hột!  Sáng mưa trưa mưa chiều mưa tối mưa khuya mưa.  Mưa thúi đất.  Lần đầu tiên lên thăm thành phố cao nguyên này lúc vừa mới đậu xong Tú Tài hai, thời kết tình với Tuyết quán nước.  Cái cảm giác ám ảnh tôi thời đó là trời Đà Lạt nhiều mây xám tới mức khiến tôi ngất ngư lâm bịnh.  Mình mẩy tỏa nhiệt hừng hực. Buổi sáng có sương mù gây gây lạnh. Trai gái chưng diện đẹp đẽ, áo dài, veston, khăn quàng quấn cổ co ro. Mấy cô nho nhỏ má đỏ hồng hồng - nốt ruồi ngay mặt nhiều chồng không sai! Nhà cửa thưa thớt. Tiếp tiếp dốc lên dốc xuống lung tung. Đồi cỏ, đồi cỏ, đồi cỏ. Thoáng mát, bao la.  Nhựt đèo tôi trên xe Lambretta, Lộc anh tôi phóng Vespa kèm theo sát bên, cười cười nói nói, tay đưa lên cao khoa múa huyên thiên.

 

Thời đó, Lộc theo học đại học sư phạm năm đầu tiên mở ra tại Đà Lạt, ban Triết. Nhựt thi hỏng tú Hai ở Sài Gòn vì mê nhảy hơn mê học nên bị má mình đày lên Đà Lạt, những mong nơi đèo cao heo hút, chàng mê nhót sẽ bị bó giò, đành phải hồi chánh mà trở lại với đèn sách.  Dè đâu Đà Lạt cũng có tiệm nhảy, cũng có ca ve. Tối tối Nhựt la cà ở vũ trường, tay cầm maracasse lúc lắc tỉ tê với ban nhạc tới khuya, mon histoire c'est l'histoire d'un amour.… Nhựt cặp bồ với Hương, một em ca ve rất rành sáu câu tango, dọn về ở chung. Chàng và nàng bèn mở lớp cấp tốc tại gia để dạy cho tôi múa lèo vì tôi sắp lên đường sang Canada du học.  Em bé quê học quá giỏi nên được cấp học bổng Colombo, xin ngả nón chào và xá em một cái!  Mang chuông đi đấm xứ người mà không biết giựt be bop, lạng tango, ẹo cha cha, quay valse, sụm boléro là kể như ăn mày nơi đất khách và may tay dài dài chịu trận. Ối thôi là phăng-ta-xi đủ kiểu hết: quay ngược, quay xuôi, giựt qua, giựt lại, dùng dằng, dục dặc, à terre, bật ngửa rờ đất, đá gió lên trời, lâu lâu lại hét lên một tiếng như sư tử hống ! Ậy !  Vậy chớ một khi đã qua tới Québec rồi là mấy em bé Còi québecoise hậu phương cứ trầm trồ ngó hai cái cẳng dẻo nhẹo như cứt mũi của Kiệt tui mà chết mê chết mệt. Chỉ nằng nặc đòi theo thụ giáo và xin làm em nuôi đại ca. Em nuôi gì mà lắc boléro cái đít cứ õng ẹo õng ẹo thấy phát ghét !  Chân quê dẻo nhẹo dông dài/   Mua vui cũng đặng một vài trống canh.

 

Nhưng lần này, năm hai ngàn lẻ mấy, tôi chỉ về Đà Lạt có mình ên. Lộc đã mổ tim và hiện cắm dùi ở Canada, Montréal. Nhựt thì đã cắt bỏ bớt một lá phổi, hiện đứng bán thuốc Tây lẻ ở Mỹ, Sacramento. Cùng đôi lứa bên trời lận đận. Tôi từ lâu đã xếp hết bút nghiên, quăng hết cày bừa nên liên tiếp mấy năm vừa qua có chán vạn thời giờ để cà nhổng chống xâm lăng. Thiệt tình mà nói, ngay cả trong thời kỳ « toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến », tôi cũng vẫn chỉ cà nhổng chống xâm lăng mà thôi. Ở xứ mình: chống! Qua xứ người: vẫn tiếp tục chống! Lập trường chính trị rất vững. Ba chục năm chiến tranh, từ 1945 tới 1975, hết giặc Tây, giặc Mỹ tới, hầm bà lằng sắn cấu (sấu cắn). Chết liệt địa! Còn sống sót được tới ngày hôm nay phải kể như là có chân mạng đế vương. Đã có biết bao nhiêu bạn bè tôi, thân lao lý đến bao giờ, nước non tàn một cuộc cờ trắng tay! May mắn không chết vì bom đạn tù đày, sang xứ người lại lăn ra chết vì ung thư, đái đường, đứng tim hay tai biến mạch máu não. Thảng như còn ngáp ngáp ngoi lên sống sót được thì cũng ba trợn khật khùng vô ra nhà thương điên đều đều như tôi. Vậy mà tôi vẫn hằng tin như (Chúa bị) đóng đinh là mình đã được đời đãi ngộ rất nhiều. Nhứt là khi lâm nguy vẫn có mấy em (Đức Mẹ) đưa tay mềm xuống hằng cứu giúp. Và hơn nữa, lại còn phơi ngực trần ra cho thằng nhỏ lâm nạn nếm thử thương đau. Maria hỡi! Linh hồn con ớn lạnh! Con chỉ còn nước « đành quỳ hai gối chống hai tay » như tiền nhân Trạng Quỳnh mà đón nhận Ánh Sáng Phúc Âm. Ô kìa! Bóng nguyệt trần truồng tắm, Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

 

ngồi đây đợi nắng bình dương

tương tư phố nhỏ bụi hường lao xao

xanh xanh xanh gọi nắng vào

nghiêng nghiêng nghiêng trắng lượn chào vàng lên

vùi chôn trí nhớ đầu ghềnh

hồn nhiên hạnh phúc lênh đênh cũng gần

 

Bình Dương. Địa danh y như tên của một người đàn bà đẹp. Người Đẹp Bình Dương! Nghe tên đã muốn cắn ngập răng vào trái măng cục. Bẻ vỏ tím (thương nhớ) ra, bày lộ mấy múi măng trắng phau tươm ngọt. Đặt lưỡi thèm muốn lên đó mà… « Anh ơi anh ơi! Nếm thử thương đau… khi hạnh phúc qua mau ». Xưa Thủ Dầu Một (tại sao Một mà không phải là Hai?) Nay Bình Dương. Giờ lại phục hồi Thủ Dầu Một. Miền đất có nhiều trái cây thơm phức, nhiều sông ngòi quanh co nước ngọt. Con gái mới lớn miền đất này mủm mỉm trắng tươi. Yêu nhau cảm động dường nào, Anh về đất rộng cúi chào Bình Dương.

 

Thành phố còn thiêm thiếp trong hơi mát um tùm sáng chúa nhật. Ngày của Chúa. Ngày nghỉ của Chúa. Một ngày nghỉ của rất nhiều người trên thế giới, trong đó có dân Việt Nam. Nhưng ở đất nước nhiều nắng, nhiều mưa và nhiều cuộc binh đao này, chiến tranh không biết chúa nhật là ngày gì hết.

 

Dậy sớm bửng trong một ngày chúa nhật trễ nãi ở thành phố nhiều cây. Những hàng sao cao vút rì rào trò chuyện bâng quơ đợi nắng. Trâm, Tân, Lộc và tôi ngồi ở sân thoáng mát sau nhà. Im lặng. Đợi nắng. Bốn ly rượu vang trắng Alsace vơi nửa chừng, hậu vị dịu ngọt. Tôi vừa đi học thêm ngành định chuẩn sáu tháng ở Pháp và Bỉ mới về, cái lạnh xứ người còn tồn đọng tê tê trong da thịt. Thỉnh thoảng vẳng lên từ xa xa mấy tiếng đại pháo gầm gừ dọa nạt. Bến Cát, Lái Thiêu, Cát Lái hay Lai Khê? Lộc làm hiệu trưởng trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương, thường lui tới nhà Trâm khá thân nên dắt tôi lên chơi ngày thứ bảy. Nhậu nhẹt tưng bừng ở quán nhà sàn không có tên dựng bên sông Bình Dương. Ngất ngư. Ngủ lại đêm ở miền đất màu mỡ, cây lá um tùm.

 

Trâm có chồng từ lúc còn học ở Pháp. Sau đó ly dị. Hiện sống với hai đứa con gái và một trai tại Bình Dương. Tánh tình tự nhiên, cởi mở, biết uống rượu và có thể cầm cự được tới khuya - còn khuya mới giã từ vũ khí! Lần đầu tiên mới gặp tôi mà Trâm nói dường như là gặp gỡ lại một người quen, quen lắm, đã quen rất lâu. Phần tôi, tôi cũng cảm thấy như vậy. Kỳ lạ lắm. Mà cũng chẳng lạ lùng chút nào. Mới mở lời mà tưởng chừng như tiếp nối lại một câu chuyện đang nói dở dang tối hôm qua, tuần rồi, tháng trước, năm ngoái. Vừa nói nửa chừng, đã hiểu.

 

Bàn về dự tính, Trâm hỏi tôi có dự tính gì không. Tôi nói tôi có dự tính thủ tiêu trí nhớ. Người ta cần có trí nhớ để tiếp tục, nhưng cần phải lãng quên để sống. Một bận nọ ở Bagnolet say quên trời quên đất, tôi té gục bên lề đường dưới trời mưa buốt giá. Một người đàn bà trẻ tình cờ đi ngang vội vàng vực tôi dậy và chở về tận nhà. Cô ta kể lại rằng trong lúc hết còn biết gì nữa, tôi vẫn cứ lảm nhảm : « Je veux détruire ma mémoire… Je veux détruire ma mémoire… Tôi muốn hủy diệt trí nhớ…… Tôi muốn hủy diệt trí nhớ…» Cô đoán có lẽ tôi đang đau khổ tột cùng nên mới thốt lời như vậy. Có phải lần này, thêm một lần nữa, Bồ Tát Quán Thế Âm lại thị hiện trong đời tôi? Cũng như Trâm bây giờ. Tôi đang chịu trận một cơn khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Tôi đang bị yêu nữ vây kín trong một thành phố bị bom đạn vây kín trên một đất nước bị chiến tranh vây kín. Càng dẫy dụa, những vòng tay lụa bạch càng siết chặt, những vòng kẽm gai trùng trùng càng siết chặt.

 

Muốn phá vòng vây, cắt bỏ hết, chặt bỏ hết. Thèm được sống hồn nhiên, cười hét, la giỡn, tắm trong nước đục, lăn trong cát, vùi trong bùn. Hình như Chúa nói chỉ những đứa con nít hồn nhiên mới vào được nước Chúa. Tôi không ham muốn vào nước Chúa. Tôi chỉ muốn được sống hồn nhiên ngay bây giờ và ngay tại đây, giữa nắng nôi gió nước phù sa lồng lộng nầy, giữa trời đất bao la tự tại nầy. Khi nắng mọc lên trên đầu ngất ngưởng của các ngọn sao ở Bình Dương, tôi đã viết cho Trâm mấy vần thơ ngụ ý « Ngồi đây đợi nắng Bình Dương… »

 

Ngồi lẻ loi một mình đờn xuống thung lũng. Sáng bữa nay, sau cơn mưa lâm râm lúc bình minh, trời Đà Lạt đãi cho một buổi nắng tuyệt vời. Vàng! Vàng khắp nơi nơi. Vàng leo lưng đồi, vàng trợt thung lũng, vàng trèo ngọn thông, vàng đậu bông giấy, vàng rớt trong sân, vàng bò ngõ vắng.

 

ôi! nắng vàng sao mà nhớ nhung

có ai đàn lẻ để tơ chùng

 

Chợt có tiếng hát cất lên hòa điệu với tiếng đàn của tôi. Một tiếng, hai tiếng rồi bốn năm tiếng liên tiếp chen nhau vọng qua từ bên hàng xóm. Tiếng hát rất quen thuộc mà hòa âm lại rất lạ tai. Cò két... cò két... cò két... Tiếng hát của đàn ngỗng đứng trong sân đất đỏ bên hàng xóm, cất cổ hợp ca xuống thung lũng vang vọng. Năm con ngỗng, hai con lớn (đực?), ba con nhỏ (cái?). Trọng Thủy Mỵ Châu? Không. Không phải ngỗng trắng, không phải thiên nga, không phải hồng hạc. Những con ngỗng màu hường hường xen lẫn những chiếc lông xám trên cánh, cổ dài lúc lắc trên cao cái đầu nhỏ tròn tròn chấm dứt bằng chiếc mỏ đen ngắn. Ngỗng tuy không lớn mà kêu lại rất lớn. Tiếng kêu uy hiếp nặng nề tiếng đờn của tôi... Cò két... cò két... cò két... Rõ ràng khi không bị giành dân lấn đất bất chấp công pháp quốc tế, tôi bèn đờn mạnh hơn và lớn hơn. Mà càng đờn lớn hơn thì đàn ngỗng lại càng kêu lớn hơn, chiến tranh leo thang vụt vụt, vũ lực ào ào bùng nổ. Khúc đâu Hán Sở chiến trường, Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau... Cò két... cò két... Từng tưng từng tưng... Cò két... cò két... Khúc đâu Tư mã Phượng cầu, Nghe ra như oán như sầu phải chăng? Quá quan này khúc Chiêu Quân...

 

Xóm này rất kỳ cục. Nhà cửa lèo tèo lụp xụp, đường nhựa không có, đường trải đá cũng không. Chỉ có những ngõ đất, trúng nhằm mùa mưa thúi đất ở Đà Lạt thì hết chỗ chê! Không cần thước dây gì hết, tôi đã nhiều phen giang nguyên con ra mà đo chiều dài của ngõ vắng không tên không đèn ngập nước lầy lội giữa đêm khuya. Bịch một cái! Ôm trọn vào lòng nguyên hết lịch sử của trái đất, kể từ thuở khai thiên lập địa. Chợt ngộ ra được cái uyên thâm của mấy chữ «  vũng lầy của chúng ta ». Ấy vậy, có thể nhờ đó mà ít có dân chuyên môn cắm dùi ẩu, ít có bọn lăm le giành dân lấn đất léng phéng, ngoại trừ mấy trự ngỗng. Bởi lẽ đó mà ngôi nhà của Toàn mới còn được cái may mắn ngó xuống một thung lũng trống vắng dấu người. Xa xa bên kia hai ngọn đồi thông nối nhau vươn lên cao ngó trời xanh mây trắng, những ngày không có mù sương hoặc mưa dầm.

 

Toàn là đứa con độc nhứt của anh Hai tôi, nhỏ hơn tôi mười tuổi. Bẵng đi một thời gian đằng đẵng hơn hai mươi năm tôi bặt tin Toàn. Lần đầu tiên về thăm Việt Nam, nó ra đón chú Sáu tận phi trường Tân Sơn Nhất. Chú cháu lâu ngày mới gặp lại nhau, ôm cứng ngắc, mừng hết lớn. Nó xơ xác, ốm nhom.

 

Lần về thứ hai, Toàn đưa tôi đi thăm am mây Huyền Ân ở miệt Hắc Dịch gần Bà Rịa. Am dựng lên giữa mấy mẫu đất lớn chi chít những cây bạch đàn, đào lộn hột và bưởi xanh - bưởi thứ thiệt chớ không phải bưởi Biên Hòa, làm chú Sáu hụt ăn, buồn hiu, tức dội! Lúc đó tôi mới tá hỏa: Toàn bây giờ lại đổi binh chủng, trở thành tu sĩ đạo Phật, thăng chức Đại Đức trụ trì am mây. Tu theo kiểu Mật Tông Tây Tạng, khi lạy nằm sấp úp mặt nguyên người xuống đất. Tôi về lần này, Toàn đã xuất tu, hoán chuyển lên Đà Lạt, dựng nhà gạch trên thung lũng xóm nghèo. Gác trên phía trước giành một khoảng để thờ các vị Thần và Đạt Lai Tây Tạng, phía sau trải nệm ngủ ngay trên sàn. Tầng trệt có gắn internet, Toàn giảng dạy qua mạng lưới. Các đệ tử ruột phần lớn ở Mỹ. Đệ tử nào tới thỉnh ý tại gia thì sau khi thuyết pháp xong, thỉnh thoảng thầy trò lại kéo nhau đi karaoké để giải lao và chứng nghiệm. Cũng ô-kê! Cũng được! Gì chớ kéo thêm chú nó theo nữa là chú nó lại càng ô-kê gấp gấp. Kéo ai cũng vậy, kéo chú, chú cám ơn! Tu với yêu nữ bảo đảm mau thành chánh quả là cái chắc. Không đắc đạo cũng đắc cái khác, lo gì. Thực tập tại chỗ. Test tại chỗ. Hỏng thì trở lại cải tạo tiếp tục. Nếu đậu ra trường, kể như hỏng bét!

 

Xóm đã nghèo mà người lại cũng chẳng giàu gì hơn. Chợt nhớ một cậu học trò đã tả cái cảnh nghèo thê thảm của gia đình mình: « Nhà em thì rất nghèo. Ông nội em nghèo, bà nội em nghèo. Ba em nghèo, má em nghèo. Người đầu bếp nghèo, người làm vườn nghèo, anh tài xế nghèo, cô giúp việc nghèo. Tới ba con chó bẹt giê giữ nhà cũng nghèo luôn! » Nghèo chi mà nghèo tận mạng. Nghe tả muốn rớt nước mắt. Mới biết trên cõi trần gian ô trọc này còn có nhiều người rất nghèo hơn mình. Nghĩ vậy xong, bèn sướng ran!

 

Xóm không những chỉ nghèo tiền mà còn nghèo luôn cả người nữa. Đàn ông ít khi thấy, chỉ thấy con nít năm bảy đứa chạy lăng quăng trên đường đất chơi trò cút bắt, liệng banh, đấu kiếm. Đàn bà lại càng hiếm hơn. Đôi khi một hai bà già ngồi phơi nắng trước sân. Đôi khi một hai phụ nữ sồn sồn ngồi giặt quần áo sau nhà. Đôi khi một người đàn bà trong đêm tối gắng gượng xô tiếng ho rũ rượi qua vách lá. Đôi khi... Đôi khi... Đôi khi anh muốn tin ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết, mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em... Thôi thôi! Đừng có mê mớ nữa cha nội! Nghèo mà ham!

 

Trong xóm kiếm không ra một người đàn bà trẻ nào dễ coi, một cô gái mới lớn nào xinh xinh. Bó tay! Ngó vô thấy thằng cháu lom khom chăm chỉ khõ net, ngó ra thấy thằng chú mê mẩn ngồi đờn từng tưng.  Bận nọ trời nắng lâm râm, bước ra cổng thấy đàn ngỗng nằm phơi nắng chùm nhum cuối đường đất. Bỗng một con ngỗng nữ nhỏ đứng lên cất cổ thiên nga yêu kiều buông ra mấy lời đường mật. Một con ngỗng nam bèn đứng dậy đáp lời sông núi, vươn cổ cò két mấy câu huê tình ong bướm. Bên tung bên hứng hồi lâu, chợt ngỗng nam giương cánh lên cao, đoạn rút dưới cánh ra một cây vĩ cầm nho nhỏ rồi niễng đầu kéo lên ra rít mấy cung tơ dìu dặt: « Thu đi cho lá vàng bay. Lá rơi cho đám cưới về... »” Không lẽ! Tôi dụi mắt. Rõ ràng mình đang nằm mơ giữa ban ngày. Năm con ngỗng vẫn im lìm nằm trong những đốm nắng lỗ chỗ. Không gian nín thinh. Tò mò nhè nhẹ bước tới thăm dân cho biết sự tình. Cách năm thước, đàn ngỗng vẫn nằm im lìm. Bốn thước, bắt đầu xao động. Ba thước, con ngỗng lớn nhứt đàn đứng dậy, mấy con kia lần lượt đứng dậy theo. Hai thước, con ngỗng lớn cò két một mình phùng cánh tiến tới (bonjour mông xừ!). Một thước, ngỗng chiến sĩ vụt phóng tới như chớp, vút mỏ đen mổ giữa hai đùi tôi đúng ngay boong phía trên. Tôi phản xạ nhảy lui tránh được đòn điểm huyệt hiểm nghèo trong đường tơ kẽ tóc. Đồng thời, cánh tay phải phần dưới chợt đau điếng: tôi đã thọ thương! Đòn mỏ thứ hai tung ra không kịp ngó thấy. Tuyệt chiêu! Da cánh tay bị tróc, chỗ trúng thương sưng vù lên liền một cục nhỏ xanh dờn. Đồng thời đàn ngỗng cũng từ từ rút lui về hậu cần tử thủ, một con lớn đi rời phía sau tập hậu. Cò két... cò két...  Riêng phần mình, tôi cũng rút lui về căn cứ, lấy dầu cù là trét lên thương tích chiến trường. « Ta thà làm quỷ nước Nam chớ không thèm làm vua nước Ngỗng! ».

 

May thay, đây chỉ là một trục trặc ngoại giao nhỏ, một biến cố quân sự lẻ tẻ độc nhứt giữa loài sống bằng lý trí và loài sống theo bản năng trong thời gian tôi đồn quân  trên thung lũng tại đây. Nhưng trong xóm này không phải chỉ có ngỗng. Nếu rất tiếc vắng bóng mỹ nhơn thì bù lại, xóm này có rất nhiều thú vật. Thú thiên nhiên, thú nuôi nhà. Nhà chú cháu không có con nít mà con nít cứ vô ra nườm nượp, nhà không nuôi thú mà thú cứ kéo tới dìu dặt bướm ong. Thỉnh thoảng, một con kỳ nhong nằm phơi nắng ngoài sân, không mặc bikini. Rồi một con sóc nhỏ lăng xăng lục lọi ở gốc cây phù dung như cao bồi đi tìm vàng ở Cali thời western. Tôi bước ra, nó ngoảnh lại ngó tôi sơ sơ rồi lăng xăng lục lọi tiếp. Coi như pha! Quê nhà xa lắc xa lơ đó, ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay! Tuy nhiên, con kỳ nhông, con sóc chỉ là khách qua đường. Còn khách thường xuyên đếm ra cũng bộn. Đầu tiên là một con chó cái nhiều lứa. Ngày nào đẹp trời, nó cũng lách chách chạy sang, na theo hai hàng vú lểnh thểnh, cặp mắt nhìn hết sức hiền lành, hiền như mắt nai (đồng quê). Xong kiếm một chỗ nắng tốt nằm ngó xuống thung lũng, cái nhìn xa xăm, diệu vợi và vô cùng siêu hình học không gian. Rồi tới hai con chó trẻ, một vàng một xám, ngày ngày lân la sang thăm dò chiến địa để hốt xương. Xương heo, xương cá, xương gà, thức ăn dư, cơm rang, canh thừa, đồ hộp, cái gì cũng good hết! Xương gặm nhẵn gân nhẵn thịt rồi thì hai đứa chơi trò quăng bắt, bên tung bên hứng khúc xương tươi. Còn đòi gì nữa mà không chịu hạnh phúc? Mở ngoặc cho loài sống bằng lý trí: « Tại sao ta phải sống hạnh phúc khi ta có quyền sống đau khổ? Tại sao ta phải sống giản dị khi ta có quyền sống rắc rối? » Xin giở nón chào thua đỉnh cao trí tuệ. Đóng ngoặc.

 

Chưa hết. Có con gà mẹ màu đen đen đỏ đỏ dắt đàn con nhỏ sang bươi quào trong sân kiếm ăn quanh quẩn. Theo hộ tống là một anh gà trống uy nghi, đuôi điều láng coóng, mặt mồng đỏ au như Quan Vân Trường, mê gái nhiều con số một. Kiếm được miếng ngon nào là cứ túc túc gọi má nó tới để bàn giao. Chốc chốc lại vỗ ngực, cất cao cổ gà hét lên thiệt lớn: « Ò ó o... Em bé hậu phương này là của quả nhân! Nghe chưa?... o o o... o o o... ». Rồi lại thêm một anh gà nữa. Gà giò mới lớn, giống gà nòi, ít lông, đùi lõa thể, cổ trụi lủi. Sáng sớm nào cũng chạy sang mổ cộc cộc lên cửa kiếng nhà tôi gọi thức. Đoạn ra đứng hiên ngang ngóng cổ mà gáy cực lớn xuống thung lũng... ò ó o... o o o... o o o..., thách thức thần linh lẫn chú cháu nhà tôi và luôn cả người đàn bà ho gà tối tối.

 

Lòng êm ả, thanh thản. Sống trộn lẫn với chó, mèo, gà, vịt, ngỗng, sóc, kỳ nhông, tôi cảm thấy bình yên và an ổn. Khi có con người xen vào, tôi bất an ngai ngái. Không biết loài có lý trí này sắp « chơi » mình đòn gì đây? Một điều nhầm lẫn rất đáng ngạc nhiên khiến tôi tức mình hết sức: Khi nhìn thấy một quân nhân xích cổ tù binh kéo lê trên mặt đất, vừa làm nhục vừa đánh đập tàn tệ, con người phán: « Đối xử với nhau như loài cầm thú! »”Không! Nhứt định không! Đó mới thiệt là cách hành xử hết sức đặc thù của con người. Chỉ có con người mới làm như vậy. Loài thú chỉ kiếm ăn để nuôi thân - dĩ nhiên kiếm ăn thì phải có sát sinh. Nhìn chung chung, loài thú chỉ có ba hoạt động chánh: kiếm ăn, truyền giống và nuôi con. Con người thì khác. Con người bày đặt ra lắm trò, hay dở là chuyện phải xét lại. Loài thú không bao giờ bắt làm tù binh, không bao giờ tra tấn, không bao giờ làm nhục đồng loại hay một loài nào hết, kể cả loài người. Không phải vậy sao? Và còn vô số nhầm lẫn tương tự khác nữa. Nhầm lẫn vô tình (theo thói quen), hoặc cố tình (ẩn chìm trong tiềm thức).

 

Cái tánh đặc thù nổi bật nhứt của con người là Ác. Nhưng khi con người làm một điều gì cực kỳ độc ác (như dội bom nguyên tử, tàn sát cả một chủng tộc, một bộ lạc, đốt rụi cả một thành phố, vân vân) thì con người lại lôi con thú ra choàng vòng gai lên đầu mà xỉ vả. Con người đã tìm được cách trút lên đầu con thú để chạy tội. Thiệt là vô cùng hèn nhát! Vô cùng đạo đức giả! Vô cùng đểu ác! Vô cùng cynique! Hãy ngó thẳng vào kiếng soi cho rõ bộ mặt thiệt của mình !  Mẹ rượt! Trên bình diện sinh học, con người cũng chỉ là một loài thú như bao loài thú khác. Nhưng than ôi! Con người là một loài thú băng hoại! Con người đang ám sát trái đất và tiêu diệt muôn loài cùng lúc. Nhưng coi chừng! Trời Đất không thể nào và cũng không bao giờ dung dưỡng lâu dài một loài thú băng hoại. Hãy nhớ lấy! Ăn chay nằm đất đi là vừa. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi nhớn chưa tìm được giải đáp: « Sao Trời Đất lại sanh ra chi một loài quái gở như vậy? » Theo truyền thuyết, Thượng Đế đã tạo ra giống homo, giống người y chang theo hình ảnh của Người, xêm xêm. Rồi sau đó Người cho giống người homo tiến hóa không ngừng, mỗi ngày một khá hơn. Khởi từ homo habilis sang homo ergaster, sang homo erectus, sang homo neandertalensis, rồi tới homo sapiens, kế đến homo sapiens sapiens. Và cuối cùng: homo sexuel! Terminus! Trạm cuối, xin giống người homo trả tiền và xuống bến. Bái bai!

 

Thời gian ở Đà Lạt, sớm chiều đờn cho ngỗng hát, chó sủa, gà gáy, tôi tìm lại được phần nào sự hồn nhiên, một thứ hồn nhiên có ý thức. Lòng nhẹ lâng lâng. Hồi nhỏ tôi cũng hồn nhiên, mà là hồn nhiên vô thức, hồn nhiên tự nhiên, hồn nhiên trời cho. Cái hồn nhiên đó dần dà bị vùi dập theo thời gian, cũng như hết thảy mọi người chúng ta. Đa số bị mất tiêu luôn. Ngồi đờn xuống thung lũng một mình, tôi quên đi được rất nhiều phiền muộn. Vùi chôn trí nhớ đầu ghềnh, Hồn nhiên hạnh phúc lênh đênh cũng gần... Có hôm, trong lúc chiều xuống chập choạng, vịn cổng đứng nhìn ra con đường đất nhỏ quanh co bò ra lộ lớn, ngỡ thấy thấp thoáng xa xa bóng dáng thanh thanh của một người con gái với mái tóc đen mun óng ả xõa xuống ngang vai. Rồi bóng của một người con trai xáp lại gần. Hai người nắm tay trò chuyện với nhau gì đó. Một chặp rồi chia tay. Tựa cổng ngó dõi theo mút mắt người con gái cho tới khi khuất bóng, lòng chợt bồi hồi ngơ ngẩn, xao xuyến bàng hoàng.

 

ôi! nắng vàng sao mà nhớ nhung

có ai đàn lẻ để tơ chùng

có ai tiễn biệt nơi xa ấy

xui bước chân đây cũng ngại ngùng...      

 

 « Anh mong chờ mùa thu. Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai. Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay. Mùa thu quyến rũ anh rồi... » Tháng Tám, Tết Trung Thu sắp tới... Đã thấy bánh trung thu bày bán khắp nơi, trong chợ, trên vỉa hè, sạp báo, quầy thuốc lá, tiệm ăn, tiệm bánh mì. Đà Lạt bây giờ nhà cửa, tiệm buôn, khách sạn mọc lên san sát giống như mọi thành phố lớn khác. Cây cối, thông xanh đã bị đốn đi gần hết. Trời không còn gây gây lạnh. Cái nét nên thơ thần thoại đã từng được ca tụng một thời giờ đã mất. Hồ Xuân Hương, mùa mưa nước đục. Rong xanh quấn lấy chưn cầu bê tông dẫn vào chợ. Nhiều tiệm cà phê nho nhỏ chen lấn nhau trên dốc lên giành giựt khách. Nhạc mở lớn, nhạc thời trang bây giờ bụp bụp ào ào, lời lẩm cẩm, nghe vô cùng vất vả.

 

Tôi và Toàn buổi sáng điểm tâm xong thường ra ngồi ở cà phê Đà Lạt Phố, ngoại vi thành phố. Tiệm trang trí có gỏt, đẹp mắt, ấm cúng mà thoáng mát, nhạc chọn lọc êm dịu vặn vừa đủ nghe. Các cô phục vụ nho nhỏ, tre trẻ, xinh xinh, khép nép như học trò. Bo cho mấy em nhỏ chút đỉnh, mấy em nhỏ mừng lắm, cám ơn cám ơn, miệng cười xinh ngó thấy đến cảm động. Trò chuyện, thỉnh thoảng lạm bàn chút đỉnh với Toàn về giáo lý nhà Phật, về cách đối xử trong đời sống thường nhật. Toàn nhấn mạnh phương cách đi thẳng vào đời sống, thực sự trải nghiệm, đối đãi với nhau cho tử tế. Không chịu lối trả bài kinh điển khơi khơi. Tôi đã chứng kiến nhiều lần Toàn nói chuyện (giảng?) với các tử đệ. Có bận tôi nói với Toàn: « Khi chưa hiểu thì người ta còn nói. Một khi đã hiểu rồi thì người ta không còn gì để nói nữa ». Tịch lặng.     

 

Xét lại dòng họ Lê nhà mình, theo Toàn, có sự trùng hợp liên tục và kỳ lạ. Ông nội Toàn (ba tôi) lúc còn sống đã hành xử nói năng rất là Mật Tông, mặc dù ông bù trất Mật Tông. Tôi thì sống và nghĩ vô tình theo lối Mật Tông mà không hay. Còn Toàn thì sau khi nghiên cứu khá nhiều kinh pháp và thử nghiệm, đã tự ý chọn cho mình con đường Mật Tông. Tôi không rành giáo lý nên chỉ biết ậm ừ cho qua thời buổi. Tuy nhiên, khi quán sát và suy gẫm lại, tôi cũng thấy giữa ba tôi, tôi và Toàn, trong cách sống, có nhiều điểm tương đồng. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Chú cháu nói chuyện rất tương đắc. Thế nhưng, khi lấn cấn bàn qua về tình cảm, về cảm xúc và yêu nữ thì chú cháu lại cãi nhau như giặc.

 

Đêm nọ, khi ngồi chung chiếc taxi nhà để đi về xóm nghèo, chú cháu ngất ngưởng ba ngù đã cãi nhau hung hăng tới mức anh tài xế teo quá phải lên tiếng can gián lia lịa, thiếu chút nữa lạc tay lái đâm bổ vào cột trụ bên đường. Mới sực nhớ dân nhậu ta đã có một câu rất thấm thía để răn đời: « Ăn tim bổ tim, ăn gan bổ gan, ăn phổi bổ phổi, còn uống rượu thì...  bổ cột đèn ». Đêm khác, quá nửa khuya, đứng ngắm trăng sáng vằng vặc một mình thấy uổng quá, tôi bèn leo lên gác nắm chưn Toàn giựt giựt, dựng đầu dậy dắt ra sân bắt ngắm trăng cưỡng bách. Chỉ một ngón tay lên trời, tôi hỏi Toàn có thấy gì không. « Không! », Toàn đáp sật sừ. Đưa chùm dạ lý lên mũi Toàn hỏi ngửi thấy gì không. « Không! » Chỉ xuống thung lũng hỏi Toàn nghe thấy gì không? « Không ! » Huề! Vậy là kể như huề. Cuộc lấy khẩu cung chấm dứt. Chia tay, ai về chốn nấy, hồn ai nấy giữ, cơm ai nấy ăn, giường ai nấy ngủ, mắt ai nấy nhắm.

 

Sực nhớ cái lần tôi cũng đã bị lấy khẩu cung tương tự, hồi ở nhà thương chạm dây Ville Evrard. Không phải bác sĩ tâm lý lấy cung. Hôm đó trời nắng rạng rỡ, tôi ra sân cỏ ngồi trên băng gỗ phơi nắng ấm, luôn tiện phơi luôn cái đầu mad mad của mình với mớ thần kinh hỗn độn rối nùi nhờ mặt trời đốt giùm. Đốt ai cũng vậy, đốt giùm tui tui cám ơn. Lim dim sật sừ. « Bonjour monsieur! » Tiếng chào lớn khiến tôi giựt mình sực tỉnh mở mắt ra ngó. Một gã trai trẻ trắng trắng xám xám cúi đầu lễ phép chào tôi. Có lẽ ngó thấy tôi là người Á Đông vàng vàng xỉn xỉn ngồi yên lặng lim dim rất ư là « Thiền » chí cốt, gã trai trẻ tưởng tôi là Tỳ Kheo sắp đắc đạo nên bước tới bái kiến để thỉnh ý tôn sư. Gã nghiêng mình dâng trình cớ sự: « Tôi luyện võ Nhựt từ hơn ba năm nay. Đọc trong sách võ thuật thấy nói có một vị Võ sư Trưởng phái nọ dạy các môn đồ rằng một khi các con đã luyện được rốt ráo võ thuật của Ta rồi thì các con có thể dời được trăng sao. Ông nghĩ sao về điều này? » Bị hỏi bất ngờ, Tỳ Kheo bí quá bèn đáp hoảng (nói Quảng nói Tiều?): « Trăng sao nó đang ở đó thì thây kệ nó. Mắc mớ gì mà phải dời trăng sao làm chi cho nó mệt? » Gã trai trẻ nghe tôn sư phán như vậy bèn thụt lùi chới với, đưa tay lên đầu gãi gãi, cố gắng động não để giải mã. Câu đáp thiệt hết sức bất ngờ - chính tôi đây cũng còn không ngờ. Đáp có vẻ siêu quá (ba trợn) và trẹo cẳng ngỗng, như tiếng hét của Thiền sư. Ngẩn người ra một hồi, gã trai trẻ buông ra câu kết: « Ông có lý! » Xong cúi đầu cám ơn Tỳ Kheo rồi bần thần lui gót. May quá! Chỉ sợ thằng nhỏ nộ khí xung thiên trổ võ Nhựt ra mà đục cho Tỳ Kheo phù mỏ. Hú vía! Tuy nhiên, gẫm lại lịch sử nhân loại, cái tham vọng làm Siêu Nhân của một vài thằng khốn kiếp nào đó há đã chẳng từng gây ra biết bao là đau thương tang tóc, biết bao là khổ ải lầm than cho con người hay sao?

 

Tối qua không ngủ được. Nhớ. Chiều chiều chim vịt kêu chiều. Bâng khuâng nhớ bậu chín chiều ruột đau. Lúc nào không ngủ được, tôi ngồi dậy rửa mặt rồi trở lại ngồi xếp bằng trên giường, lưng tựa gối nằm. Không phải ngồi thiền. Chỉ thử cố gắng cắt đứt dòng điện đang nuôi dưỡng những liên tưởng vớ vẩn hỗn loạn không dứt trong đầu. Một cách nào đó, muốn cúp điện. Nếu không được, tôi tự ý cho trí não mình bị tràn ngập bởi những lời vô nghĩa, không còn chừa một chỗ trống nào cho suy tưởng xen vào. Để cho thân tâm mình được trụ vào hiện tại toàn diện, uyên nguyên.

 

Chiều qua ngồi ở cà phê Đà Lạt Phố, Toàn kể lại một hiện tượng kỳ lạ đã xuất hiện ở vùng Hắc Dịch, nơi Toàn dựng am mây Huyền Ân một thời. Chớm bình minh, lúc trời còn lù mù, sương lam chướng khí còn chìm đọng giữa rừng cây lưa thưa, nhiều chấm sáng lờ mờ được thắp lên cùng lúc. Các ngọn đèn mờ mờ ảo ảo bắt đầu giăng ngang một chặp rồi từ từ di chuyển lặng lẽ quẩn quanh giữa các hàng cây rất lâu. Cho đến lúc mặt trời chuẩn bị mọc lên thì biến mất. Sáng nào cũng vậy. Người trong vùng Hắc Dịch ai ai cũng đã đều chứng kiến hiện tượng kỳ lạ này. Và ai nấy cũng đều rất kinh sợ, không dám bước chưn ra khỏi nhà vào lúc bình minh. Hỏi ra mới biết nơi này khi xưa có bệnh viện dã chiến của du kích quân đào sâu dưới mặt đất. Bệnh viện sơ sài, thuốc men sơ sài, dụng cụ sơ sài, mổ xẻ sơ sài, cưa cắt sơ sài. Rất nhiều du kích quân tuổi hãy còn trẻ tử vong. Thỉnh thoảng người ở Hắc Dịch có rước Thầy tới cúng cô hồn giải oan. Hiện tượng biến mất. Được vài hôm, những ngọn đèn ma xuất hiện trở lại như cũ. Trong trường dạ tối tăm trời đất, Xót khôn thiêng phảng phất u minh...

 

Tối đêm qua, thêm một lần nữa, lại không ngủ được. Tờ mờ sáng, mở toang cửa, ngồi xếp bằng trên nệm ngó qua bên kia đồi. Sương mù từ dưới thung lũng bốc lên rồi bay đi, khi ẩn khi hiện, khi dày khi mỏng. Đàng xa xa, hai cây thông vươn lên đứng tĩnh lặng. Vọng lại tiếng lao xao bất định, như gió lùa, như nước chảy xì xầm. Chợt một bóng trắng từ thân cây ló ra rồi thụt ngay vào. Lại ló ra, lại thụt vào, nhiều lượt. Rồi ngưng. Im ắng, hồi lâu. Bóng trắng lại xuất hiện, dừng lại một chặp, rời khỏi thân cây, di chuyển sang cội thông bên kia, biến mất sau thân cây. Một chặp. Lại xuất hiện, di chuyển ngược sang thân cây bên này, rồi xê dịch qua lại nhiều lần, như hồn ma vất vưởng. Đoạn biến mất sau một lùm bụi um tùm ở giữa. Tim đập mạnh hồi hộp. Hắc Dịch! Hắc Dịch! Khép hờ mắt lại tĩnh tâm. Hồi lâu, mở mắt ra định thần, phóng tầm nhìn ra xa xa. Lay động mơ hồ trong sương mù, một bóng hình gì đó, như thể là... Sương mù cuốn đi, hai cây thông hiện nguyên hình, ngọn thông vươn nhọn lắc lay. Bỗng từ lùm bụi khi nãy, một bóng trắng xuất hiện, la đà mặt đất, dừng lại. Đoạn di chuyển nhanh xuống thung lũng, biến mất. Chặp sau từ dưới thung lũng vọng lên tiếng sủa văng vẳng. Một con chó trắng!

 

Bóng ma xuất hiện khi nãy trước mắt mình, trong tâm tưởng mình chỉ là một ảo giác... « A di rị đô bà tỳ, A di rị đa tất đam bà tỳ... Dà di nị dà dà na. Chỉ đa ca lệ ta bà ha! » Vãng sanh Tịnh độ Thần chú.    

 

*

« Xá lợi tử ! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm ». Lời kinh vô lượng tưới tràn xuống thung lũng như tiếng chim ríu rít đón chào đời sống nóng hổi lúc bình minh. Con chim bay ngang trời rộng rồi không để lại dấu vết, tiếng hót kêu rồi cũng tan loãng mất tích trong không gian mịt mùng. Để lại dòng chữ mực đen trên trang giấy vàng xốp u du :

 

« Thị cố không trung vô sắc thọ tưởng hành thức (…) vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận… » Lời kinh chấn động như tiếng ngỗng kêu vang dội xuống thung lũng ban mai. Tiếng kêu vô niệm. Lời kinh phá chấp. Như kim cương đập tan đá cứng. « vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc ». Con đường tìm kiếm giải thoát khởi từ « khổ, tập, diệt, đạo ». Cuối đường, Tâm kinh Bát nhã đưa tay xóa bỏ hết Tứ diệu đế. Không có gì thực có. Tất cả chỉ là giả danh. Và cũng không còn trí tuệ, cũng không có gì chứng đắc hết cả. Chỉ còn lại chơn không hằng tịch, tự tại muôn đời. Chơn không ở đây không phải là cái hư vô tuyệt tận bất khả tái hồi hiện hữu của triết học tây phương. Trở về chơn không, trở về thật tướng Bát nhã, như giọt nước trở về với đại dương. Và tan biến. Tuy tan biến mà vẫn còn ẩn khuất đâu đó, vẫn còn tiềm tàng đâu đó. Rồi đây, khi duyên hội đủ, sẽ có những giọt nước khác xuất hiện. Và chúng sanh lại trùng trùng duyên khởi.

 

Hành trình khởi từ chơn không, cuối cùng trở về với chơn không, có phải chúng ta đã mộng du trong hoang tưởng ?

 

 « Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi ». Một cuộc binh đao rợp trời quê hương yêu dấu và ngậm ngùi. Nhớ cái thuở đi lính. Đêm nằm kích bờ ruộng, ngủ gục thiêm thiếp… Mùa mưa có những con nhái con mới cụt đuôi nhỏ xíu nhảy tọt vào mũi vào miệng, trôi vào cổ họng, trong đêm tối mơ màng nuốt mất. Mộng mị đứt đoạn, thấy ngôi nhà, thấy bờ sông, thấy người yêu, thấy người chết… Lần này về thăm đất nước, những khúc phim lửa sắt đạn bom vụt quay lại chập chờn chớp tắt trong đầu. Thấy lại hết. Nhớ lại hết. Và bồi hồi. Xác người kẹt trên đồi cao không lấy được. Suốt nhiều ngày. Nắng núi chang chang. Mưa rừng ồ ạt. Tử khí xông lên ngút trời sương phủ… « Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ». Đã qua. Đã qua rồi. Phải quên đi. Nên quên đi …

 

« Người ta cần có trí nhớ để tiếp tục, nhưng cần phải lãng quên để sống ». Tôi hằng nghĩ như vậy. Chiến tranh, ừ thì cũng đành thôi. Một giai đoạn vô cùng khó khăn đã trôi qua trên đất nước. Người chết thì đã chết. Trẻ nít vẫn tiếp tục chào đời. Một thế hệ mới tinh khôi đang hình thành trên cuộc đất nhiều binh đao. Chim chóc, muông thú vẫn tiếp tục đời sống hồn nhiên của mình như từ nguyên thủy, từ đời đời kiếp kiếp nào. Và may mắn thay, không biết oán hận. Không có trí nhớ. Không viết lịch sử. Không dựng tượng tạc bia.

 

Lần này về chơi Đà lạt, sáng sáng đờn cho ngỗng hát, chiều chiều bắc ghế ngồi nghe chim kêu ngắm mặt trời lặn, lòng tôi cảm nhận lại được niềm thanh thản của cái thuở còn là học trò. Thời đó, mùa hè nghỉ học, tôi khoái dạo chơi trên bờ đê quanh co, ngắm nghía ruộng đồng bát ngát, bờ tre rì rào, lùm chuối ngắt xanh, dòng sông quặn khúc, con rạch hiền hậu, ong bướm rộn ràng, tiếng gà gáy trưa thánh thót, tiếng chó sủa thân quen vang vang trong nắng hè hực vàng gay gắt rát da. Hạnh phúc xiết bao ! Hạnh phúc mà không hay biết mình hạnh phúc. Có lẽ nhờ vậy mà hạnh phúc, biết đâu. Lúc nào trong lòng cảm thấy bận bịu, tôi tìm đến một bờ đất trần rượi mát một dòng nước đục nao nao, một nhịp cầu dừa chúi xuống dòng sông trôi chậm. Và lòng mình cảm thấy được an ủi vô cùng. Cần có một chút hồn nhiên như đất sông cây cỏ. Chợt nhớ tới người đàn bà thuở nào ở Bình dương, một buổi sáng chưa tỉnh rượu ngồi ở sân nhà nàng đợi nắng…

 

ngồi đây đợi nắng bình dương

tương tư phố nhỏ bụi đường lao xao (…)

vùi chôn trí nhớ đầu ghềnh

hồn nhiên hạnh phúc lênh đênh cũng gần

 

Phải rồi, người yêu ơi ! Chúng ta cần có một chút  hồn nhiên đểtiếp tục tận hưởng, thưởng thức và yêu thương tất cả những gì mà Đất Trời đã ban cho chúng ta trong đời sống./.

 

Bagnolet, ngoại ô Paris, tháng năm 2006

 

Thơ trong bài này mượn của Kiều, Nguyễn Du, Cung Oán, Hàn Mặc Tử, Bạch Cư Dị, Vương Hàn, Ca dao, Nguyễn Bính, Huy Cận, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, và của chính tác giả.

Lời ca trích từ các nhạc khúc của Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Lê Hoàng Long, Lê Trạch Lựu, Ưng Lang, và Đỗ Lễ.             

Kiệt Tấn
Số lần đọc: 2345
Ngày đăng: 17.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
ChămPa cõi đẹp an lành - Lâm Xuân Vi
Nghìn năm vàng dấu cát - Kỳ 3 - Văn Thành Lê
Nghìn năm vàng dấu cát - Kỳ 4 - Văn Thành Lê
Cỏ vẫn xanh dưới chân Thành Cổ - Minh Tứ
Nghìn năm vàng dấu cát - Văn Thành Lê
Ông bụt ở ấp Ka-liêu * - Phan Đức Nam
Nghìn năm vàng dấu cát - Văn Thành Lê
Xuôi dòng - Lữ Kiều
Tình yêu đầu tiên / Ca khúc đầu tiên - Sâm Thương
Hoài niệm về “Trẻ dáng nâu” - Vũ Quốc Hùng*