Khi người thợ đào huyệt bủa nhát cuốc đầu tiên xuống nền đất bạc màu, những sợi khói xám mong manh cứ lửng lơ trên mộ không chịu tan. Người thiếu phụ không nhìn theo, nhưng nàng nghe những tiếng khô, rắn gõ xuống mặt đất, như đang gõ xuống tim mình. Nàng buộc lại mái tóc, sửa lại giỏ xách trong đó có cả một bình rượu trắng để dành cho việc bốc mộ, đến nép mình sau một bụi cây. Một con cu đất lẫn trong đám cỏ giật mình bay lên. Một vài trẻ chăn trâu tò mò đứng xem. Giản dị lắm mà, anh nói, có những kẻ chuyên lo việc ấy. Họ làm gọn và nhanh lắm. Hay là để anh lo liệu cho?. Nhưng nàng lạnh lùng bảo, đó là việc của em. Thôi được, anh nói, nhưng khi nào xong việc, nhớ cho anh biết đấy.
Càng đào xuống sâu, đất sỏi ngã sang màu đỏ như pha máu. Khi chạm nắp ván thiên họ gọi nàng mang rượu lại. Họ xoa rượu cho nhau, ướt dầm như tắm, rồi họ ngửa cổ uống một hơi dài. Nắp ván thiên đã ẩm mục, chỉ cần nạy nhẹ là vỡ ra từng miếng để lộ cái poncho màu xám. Cô tránh ra chỗ khác đi, một người thợ nói lớn. Nàng giật mình nhảy thụt ra sau như giẫm phải rắn. Những người thợ túm hai đầu poncho, cùng hự lên một tiếng đã đem lên khỏi lòng huyệt. Họ trải ra trên cỏ, ngồi nhặt từng chiếc xương lẫn trong những miếng vải mục, giống như những người dân biển đang ngồi nhặt những con cá con tôm vừa kéo lên từ một tấm lưới trủ. Bọn họ dùng rượu lau chùi cẩn thận từng lóng xương. Khi lau chiếc đầu lâu, một người cầm lên đưa về phía mặt trời ngắm nghía. Trời ơi, đạn bắn trúng sọ, có một lỗ đạn thấy không. Những tiếng nói dội vào lòng nàng lao xao như tiếng sóng. Chưa bao giờ nàng muốn biết anh đã chiến đấu như thế nào. Chết cho ai, và vì sao anh phải chết? Những câu hỏi lúc nào cũng làm cho nàng ngạt thở. Trời nắng, những mẫu xương của một con người lần đầu tiên được phơi ra dưới ánh mặt trời, trắng đến nhức mắt. Họ làm việc cần mẫn nghiêm trang, ngay cả một sợi tóc cũng nhặt bỏ vào thùng xốp thay cho cái quách nặng nề.
Đến giữa ngọ, mọi việc xong xuôi. Nàng cho thêm tiền yêu cầu bọn họ lấp giùm cái huyệt mộ như cũ. Hãy còn cái bia, coi như anh ấy cũng vẫn còn nằm ở đây. Các anh nhớ làm giùm cho tươm tất. Nàng nói, rồi lặng lẽ ôm cái thùng xốp trước ngực đi xuống đồi. Những viên sỏi vô tình lăn theo, rối rít. Bóng nàng thu gọn giữa hai chân, đen thẩm như mực tàu.
Nàng lên chuyến tàu đêm lúc 11 giờ. Tàu rộng, đủ chỗ cho nàng để chiếc thùng xốp bên cạnh. Con tàu cũ kỹ, lắc lư, những lúc qua cua rít lên nghe rờn rợn. Chiếc thùng xốp cũng lắc theo, đôi lúc nẩy lên như muốn ngã vào lòng nàng. Mặc dù đã được chèn lót cẩn thận và có cả một lá bùa màu vàng của một nhà sư, dán vòng qua nắp như một cái đai, nhưng dường như những mẫu xương trong thùng vẫn kêu rổn rảng. Lúc qua đèo Cả, chiếc thùng bỗng rơi xuống sàn. Cùng lúc nàng giật mình thức dậy, xấu hổ khi thấy mình vừa ngủ gật. Nàng nhặt lên, ôm vào lòng, không rời ra nữa.
Sao mình lại sợ nhĩ, mình đã từng bao nhiêu lần ôm anh ấy kia mà. Lần cuối cùng nàng khóc ướt ngực anh. Một tháng sau, dưới cơn mưa nặng hạt, chiếc trực thăng đáp xuống sân vận động trước ngôi trường của nàng đang dạy, mang theo hai chiếc hòm phủ cờ lạnh lẽo. Nàng được báo tin đến nhận một chiếc. Rồi một tiểu đội bồng súng chào đến tận huyệt. Những phát súng tiễn biệt vang lên buồn bã trong buổi sáng mùa đông.
Mẹ chồng nàng ở xa, chết lên chết xuống vì không nhìn được mặt con. Nàng cũng vậy, không nhìn được mặt chồng. Giả như người ta có đưa lộn ai khác hay đựng trong đó một phần tư con bò thì nàng cũng không làm sao biết được. Nỗi đau bóp nghẹt trái tim khiến nàng không khóc. Suốt buổi lễ tang, nàng lặng câm như tấm bia mộ vừa khắc tên chồng.
Mãi đến hai năm sau khi chiến tranh chấm dứt, mẹ chồng nàng mới vào thăm được. Người mẹ muốn đem anh về nhưng nàng khóc xin giữ lại. Bà nói, con còn trẻ quá mà, nhưng thôi được, khi nào đi bước nữa con hãy đem nó về cho mẹ.
Và bây giờ… vậy mà đã mười năm.
Xe chạy trong đêm đang nghiêng dần về sáng nên mát lạnh. Mọi người đều ngủ cả. Chỉ những ngọn đèn vàng vọt trên trần cùng thức với nàng. Nhớ lúc mới yêu nhau, nàng chỉ thầm ao ước dược đi chung với anh một chuyến xe. Chẳng hiểu vì sao, nhưng nàng thích được như vậy. Ngồi sát bên nhau, đôi lúc mỏi mệt tựa đầu lên vai anh mà ngủ chắc là rất dễ chịu. Nhưng xe lửa thì không chạy, xe hơi thì đắp mô, nên hai người chỉ chở nhau lanh quanh trong phố quận. Tình yêu vì thế, nghèo đến nỗi muốn nhớ lại cũng chẳng có một kỷ niệm nào đáng nhớ. Nhưng hai người đã yêu nhau như người nọ thấm dần qua người kia. Họ lấy nhau đơn giản cũng như mọi người.
Gần sáng, xe đến Diêu Trì. Nàng xuống xe mang theo cả một nỗi buồn mỏi mệt. Hãy còn một quãng xe hơi rồi một quãng đường đất mới đến quê chồng. Bỗng dưng nàng cảm thấy tủi thân muốn khóc. Chiếc thùng trên vai chừng 5 ký nhưng nàng thấy sao quá nặng. Như Chúa vác lên vai cây thập tự. Không có một tên lính la mã nào nhưng nàng cảm thấy như những ngọn roi đang quất xối xả trên lưng, đau buốt.
Khi trời rạng sáng nàng lên được xe đi Đập Đá. Xe chạy một hồi đã thấy hiện ra tháp Bánh Ít sừng sững trước mặt. Ngọn tháp mà từ dưới quê mỗi khi thức dậy nhìn ra ngõ anh đều trông thấy. Nó đã ám ảnh anh đến nỗi anh nói về nó nhiều hơn nói về mẹ. Ngọn tháp ấy, hôm nay trong ánh nắng đầu tiên của một ngày bỗng tươi mới như đang nở nụ cười. Trong xe, một người đàn bà ngồi bên cạnh tò mò hỏi thùng đựng tôm đông lạnh hả. Nàng lắc đầu không nói.
Lúc xuống xe, người tài xế nói tôi biết cô đựng cái gì trong ấy, linh lắm đó. Nàng ghé vào một quán bên đường, gọi một cốc cà phê. Một người đi xe đạp thồ kéo một chiếc ghế ngồi xuống trước mặt, hỏi nàng đi về đâu. Nàng nói gần thôi. Anh ta bảo cô mang cả một thùng xốp nặng thế kia đi bộ sao nổi. Nàng lại nói, đi được mà, xin anh để tôi yên. Nhưng anh ta vẫn ngồi chờ, nhìn lăm lăm vào cốc cà phê khiến nàng buồn nôn, nhất là khi thấy người chủ quán lọc cà phê bằng một cái túi giống như chiếc bít tất! Nàng đứng lên trả tiền. Người đi xe đạp ôm nhanh tay bưng chiếc thùng xốp đến chỗ để xe đạp. Nàng chạy theo, giận dữ: ai cho phép anh ôm, anh có biết đựng gì trông đó không? Nàng muốn gào to, hài cốt của chồng tôi đó, nhưng nàng ngưng lại được.
Mãi một lúc sau khi thoát được anh ta, nàng mới lấy lại được bình tĩnh. Con đường đất lượn theo bờ sông giữa những nương bắp xanh mướt và ruộng lúa đang trỗ đòng đòng tạo cho nàng một cảm giác thanh bình. Một chiếc xe ngựa ngược chiều thả xuống trong vắng lặng những tiếng kêu leng keng của chùm lục lạc, nghe rất ấm và vui. Con đường này anh đã từng bao lần theo mẹ đi lên chợ, đã từng đi bộ xuống tận Qui Nhơn để học sau khi tiếp thu. Con đường đã từng sáng lên trong hồn anh như sông Ngân ở trên trời. Khi hết chiến tranh anh sẽ đưa em về, anh đã từng nói như thế, nhưng giờ chỉ có mình nàng thui thủi. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối. Nghe sao buồn quá, buồn hơn cả lúc nàng sẽ theo chồng mới bỏ nước mà đi.
Qua khỏi một ngôi chùa, con đường lượn sát bờ sông. Một ngọn đồi nhỏ tròn trịa xinh xắn như ngực thiếu nữ mới lớn, trên đó một ngọn tháp rực lên trong nắng như chiếc núm màu hồng. Con sông ôm cả mây trời, ôm cả ngọn đồi và tháp thân thiết như nàng đang ôm chiếc thùng đựng hài cốt. Tự dưng nàng cảm thấy mình như những dân Hời. Cả tình yêu, cả tuổi trẻ bỗng chốc mất đi chỉ còn lại những mẫu xương khô lạnh. Những ngọn tháp cho dù trên đó hãy còn ngự trị các thần linh vẫn giống như những bộ xương khô còn sót lại của cả một thời huy hoàng lộng lẫy. Liệu mình vui được chăng, sống được chăng với miền đất mới? người chồng mới?
Anh ta, thực ra không mới. Anh đã từng có một thời nín thở mỗi khi đi qua trước nhà nàng. Anh đã từng ấp ủ một mối tình câm. Anh đã làm rất nhiều bài thơ rồi xé từng mảnh thả xuống dòng sông tưởng chừng đó là trái tim mình tan nát khi nghe tin nàng đi lấy chồng. Rồi anh lao vào lính, chiến đấu như điên dại mà chẳng biết là để bảo vệ cái gì. Có một lúc, anh nói, anh muốn tìm cái chết bằng cách giáp mặt với nó. Nhưng lạ lùng làm sao khi giáp mặt anh lại muốn sống. Anh trở nên nổi tiếng gan dạ, được tặng thưởng anh dũng bội tinh. Rồi được thăng cấp, được đón chào, được một trong những em gái hậu phương ngực nở đùi to yêu những bông mai lấp lánh trên ngực anh. Nhưng sau 5 năm cải tạo trở về, bà đại uý giờ coi cái lon của anh không bằng cái bằng lái xe đường dài, bỏ lại hai đứa con cho bà mẹ mù loà để rong ruổi trên những con đường mà những chuyến buôn lậu còn ngon ăn hơn cả một năm lương của anh ngày ấy.
Anh tuyệt vọng muốn chết, nhưng rất may là còn có nàng. Dường như số phận đã sắp đặt sẵn cho anh ta và nàng, sau bao nhiêu khổ đau mất mát, vẫn còn có cơ hội để làm lại cuộc đời. Anh đã cầu xin thống thiết và cả nhà nàng, cha mẹ và các em, cũng đều thống thiết kêu van, khiến nàng có một lúc đã ngã gục như một thân cây bị cưa đổ trong một đêm gió mưa. Ừ, thì cũng phải đi bước nữa thôi. Không thể sống mãi cho đến già. Phải có một nơi nương tựa, phải có một người gọi là chồng, phải có những đứa trẻ gọi là con cho dù không đẻ ra, phải có một mái nhà cho dù là trên đất Mỹ.
Những người khác đã làm cái điều đi bước nữa ấy từ lâu, ngay cả khi những đồng tiền tử của chồng chưa tiêu hết, nhưng với nàng sao khó khăn đến thế. Nàng không nguyền thủ tiết như người xưa, cũng không yêu anh đến nỗi không yêu ai khác được nữa. Nhưng cứ nghĩ đến lúc phải nằm bên cạnh một người khác, phải làm cái điều ấy trong đêm, nàng tự dưng cảm thấy xấu hổ. Cứ như cuộc sống phải là như vậy, lấy nhau là để làm vậy và nàng chờ đợi bao nhiêu năm cũng chỉ để làm như vậy. Sách báo, âm nhạc và bao nhiêu điều hay ho khác nữa vẫn chưa đủ sao. Những ý nghĩ ấy như tảng băng chèn giữa ngực nàng. Không lấy anh ta thì biết lấy ai. Nhưng lấy anh ta thì thịt da ấy đâu phải là của người mà nàng đã từng để cho mình tan chảy. Nàng chần chừ, lưỡng lự khiến ai cũng sốt ruột. Anh ta như đưa bé đói chảy dãi nhưng chưa được ăn. Kể cũng tội nghiệp, nhưng mà nấm xương dưới mồ kia liệu có sống lại cùng người mới? liệu trong chiếc giường tân hôn lại có thêm một người thứ ba?
Sau cùng, trước sức ép của mọi người, nàng quyết định đưa hài cốt của anh ấy về quê trước khi làm lại cuộc đời. Đêm trước ngày hốt mộ, nàng đã xót xa không sao ngủ được. Nàng tưởng như mình đang nhẫn tâm đuổi anh ấy đi. Đem anh ấy ra khỏi lòng đất cũng như như đem anh ra khỏi tim mình. Có khác gì đuổi anh ra khỏi nhà để đón một người tình mới. Y như một người đàn bà ngoại tình, đã đến lúc phải chọn một trong hai! Bộ mình mà cũng ngoại tình được sao?! Cuộc sống là nối tiếp những bất ngờ chua xót không biết trước được!
Phải mất cả tiếng đồng hồ nàng mới về tới nhà. Mẹ chồng không già lắm như nàng tưởng, Những đứa con lưu lạc đã trở về đông đủ trừ chồng nàng. Bà đã vui hơn cho dù những đứa trong nam ngoài bắc, gặp nhau ngoài mặt nói cười mà trong lòng vẫn còn xa cách. Thấy nàng về, ôm theo một thùng xốp chẳng ai hiểu là cái gì, nhưng mẹ chồng nàng đã hiểu. Bà nói, tội nghiệp con chưa. Con đưa nó cho mẹ. Bà run rẩy ôm cái thùng, nước mắt nhỏ xuống thùng lộp bộp như những giọt tranh ngoài hiên mưa. Người anh cả quay mặt đi không nhìn. Người em kề nói, sao chị không bỏ anh vào quách thuê xe chở đi, mang ké né bên mình khổ thế. Mẹ mắng, khổ là khổ thế nào, sống với nhau ngần ấy năm, đầu ấp tay gối, giờ ôm một chút thế này có gì là khổ. Lẽ ra mày là em phải vào trong ấy giúp chị đưa anh về. Ngồi một chỗ sướng thân mà còn nói tướng. Cái thùng được mẹ trân trọng đặt trước bàn thờ. Bà sai cậu con út thắp cho bà ba cây nhang. Đứng trước bàn thờ bà mếu máo khấn: ông ơi là ông ơi, thằng Định nó đã về rồi đấy ông. Bà lại gục xuống thùng, khóc nức nở. Mọi người trở ra, nàng cũng không dám ở lại. Không khí có cái gì hiển linh như cả bao nhiêu người chết cùng về.
Buổi chiều hôm ấy người em kề định đi thuê thợ đóng một chiếc quách để sáng hôm sau cải táng cạnh mộ cha, nhưng mẹ không cho. Bà nói, giờ tụi bay nghe tao dặn đây, cái nắm xương của thằng Ba để yên đấy. Khi nào tao chết, cũng chẳng còn lâu đâu, lấy vải bọc nó lại rồi để giữa ngực tao. Tao nói rồi, hãy để tao ôm nó mà đi về với ông bà, nghe chưa. Ai nghe cũng sững sờ. Một lời trối trăng nghe mà đứt ruột. Nàng ước gì mình cũng đang hấp hối và được trối trăng như thế.
Cả nhà giữ nàng ở lại chơi ít ngày, nhưng nàng đòi về. Nàng nói, con phải đi cho kịp tàu. Mẹ chồng kéo riêng nàng ra một góc hỏi nhỏ, con có chỗ nào rồi hả? Không đợi nàng trả lời, bà nói tiếp, kể cũng khá lâu rồi đấy. Như thế là con cũng đã trọn tình trọn nghĩa với chồng con rồi. Mẹ rất quý và biết ơn con. Nàng nói, cũng chưa có gì đâu mẹ. Mong mẹ giữ gìn sức khoẻ. Xin mẹ cho phép con đi. Bà lại khóc và đưa nàng ra tận đầu xóm.
Chiều làm cho mặt sông trở nên êm dịu. Cây cỏ hai bên bờ thẩm lại, phơn phớt một chút buồn. Nàng lửng thửng đi bộ như hồi mười lăm mười sáu vẫn thường dạo chơi sau khi tan trường. Chỉ khác, lúc đó hồn nàng đầy ắp hoa mộng, còn bây giờ là một nỗi trống vắng lạ thường. Trống và rổng ở hai đầu như một đường hầm xe lửa ở đèo Cả. Những cơn gió lạ thổi thông thốc, lạnh buốt. Khi trao cái thùng đựng hài cốt cho mẹ chồng, nàng thấy mình chẳng còn gì cả. Nàng có cảm giác như chưa hề có mặt ở trên đời này. Cái tương lai mà người chồng sắp cưới vẽ ra trước mắt nàng có một lúc cũng xanh dịu rất đáng yêu. Nhưng giờ đây đột nhiên nàng thấy tối ám.
Đến giữa quãng trống ngăn cách hai làng, nàng dừng lại.
Nàng tìm cách xuống sông. Những hòn đất rơi lỏm bỏm làm mặt sông nhăn nhúm run rẩy. Đợi cho mặt nước lặng yên, nàng ngắm cái bóng tháp đựng đầy trong lòng sông. Nó như vừa được tắm rửa trở nên thắm đỏ đẹp lạ lùng. Nàng há miệng uống vào một ngụm. Cả bầu trời xanh trong vắt, cả ngọn đồi tròn trĩnh và cả ngọn tháp đỏ rực như mới xây chui tuột vào bụng nàng. Một sức nặng không con số nào đo được kéo nàng xuống tận đáy. Trên cao, một con chim bói cá đâm bổ xuống như một mũi lao, chỉ trong chớp mắt mang lên một chú cá cuống quít vẫy đuôi óng ánh bạc Mặt trời lặn xuống thật nhanh như có ai đó thò tay đánh cắp./.
21/5/10