(Đọc Không khóc ở Kuala Lumpur của Linh Lê, Nxb Lao Động & BachvietBooks – 2010)
CÓ MỘT DÒNG VĂN HỌC “KHÔNG KHÓC”
Anh cố hình dung ra cuộc sống của cô ở đấy. Thành phố. Những dãy nhà. Đường phố xe đi như mắc cửi. Trời xanh. Một cụm mây biếc mắc lại trên cây cối. Chiếc cầu treo nổi tiếng thế giới. “Tự tử trên cầu này - cô nói - vèo một cái, bảo đảm chết 100%”. Anh cười, lòng nhói lên cảm giác xót xa. Con người ở đâu cũng phải giáp mặt với cái chết.
Nguyễn Huy Thiệp đã khởi đầu truyện ngắn “Không khóc ở California” như vậy, mở màn cho dòng văn học “không khóc”.
Ai “không khóc”? “Không khóc” ở đâu? Tại sao “không khóc”?
Không khóc ở California.
Không khóc.
Không khóc ở Louisiana.
Không khóc ở quận 13 Paris.
Không khóc
Không khóc ở Berlin, ở Sydney, ở Tokyo
Những người Việt không khóc ở California
Em không khóc
Em không khóc ở California
Em không khóc
Kìa mưa rơi, mưa rơi và lá bay …
Nguyễn Huy Thiệp đã viết những câu thơ lộng lòng ấy trong truyện ngắn lang-đa mang tình của mình. “Ai” đây là những người Việt ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có đám du sinh. “Không khóc” là vì “bản ưng thống khốc khước cuồng ca”.
Vì sao người Việt ở nước ngoài luôn phải “nín khóc” đã thành một chủ đề của đời sống, và tất yếu nó phải vào văn học.
Tiếp bước, ta nghe Võ Thị Xuân Hà “Không khóc ở Seoul”. Đọc truyện này, Ninh Văn Chất thấy:
Người đọc như được hoà vào cuộc sống của những người Việt đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc qua bút pháp tinh tế của tác giả.
Thế rồi:
Hàn Lê Minh tức tưởi với đám du sinh bên đảo quốc “sương mù” mà “Không khóc ở London”. Tại sao không khóc? Vì
Bây giờ việc cần làm là khiến cho những kẻ khinh mình sẽ không thể lặp lại điều đó. Đừng khóc cho những-người-không-xứng-đáng!
Phan Việt (quá rành đời du sinh) dẫu quá nhớ nhà mà vẫn “Không khóc ở Chicago”.
Cổ Ngư tưởng già mà vẫn trẻ mỏ lắm với “Không khóc ở Melbourne”.
Mai Thục viết “Không khóc ở Hollywood” về một người vợ góa Việt Nam đã vào phim Regret to Inform.
Ở trong nước, Dương Bình Nguyên tưởng non tơ mà cứng rắn với “Không khóc ở Hà Nội” (Hà Nội thật chứ không phải tên một quán ăn Việt nào ở nước ngoài) dù đất nước đang trong những đợt “dịch phim Hàn” sụt sùi hết chịu nổi.
Ở phương nam, có blogger trolaithienduong từng “Không khóc ở Sài Gòn”;
Có nhà thơ lừng lẫy Inrasara từng “Không khóc ở Quận Bảy” vì cái nỗi ám ảnh “mêlan”.
Nghe chừng các tác giả ấy hơi bị “lưu vong trên quê hương” nhỉ.
Thế giới các blogger “không khóc” nhiều lắm:
Blogger girlxauxi (chắc là một du sinh cỡ “pro”) viết “Không khóc trong ngày Tết” với: “Không khóc ở Spokane”, “Không khóc ở Boston”, “Không khóc ở DC”, “Không khóc ở Houston”, “Không khóc ở Pháp”, “Không khóc ở Anh”, “Không khóc ở Việt Nam”;
Blogger Khôi thì viết “Không khóc ở nơi xa lạ”;
Blogger Gỗ Mun viết miên man: Không khóc ở Hồ Chí Minh City, không khóc trên đường đi Mũi Né…;
Blogger jinxia viết “Không khóc ở Hội An”, “Không khóc ở Sa Pa”, “Không khóc ở Tam Đảo”;
Blogger vietes lấy slogan là “Không khóc ở Canada”.
Vẫn chuyện “không khóc”, người ta còn viết về một người mẫu Việt “Không khóc ở New York” hay về đội tuyển bóng đá Đức trong Euro 2008 “Không khóc ở Jacob Park”.
Lúc này đây tôi cũng rất muốn viết một cái gì đó kiểu như “Không khóc khi đọc Không khóc ở Kuala Lumpur” lắm!
Nhưng, mọi người sẽ không thấy chuyện “không khóc” là mới nếu biết rằng truyện cười dân gian Việt từng có cái truyện nổi tiếng “Không khóc đêm tân hôn”.
Nhưng mà, người Việt mới “không khóc” trong truyện ngắn và thơ. Còn bây giờ, tôi dám chắc độc giả sẽ rưng rưng khi đọc Không khóc ở Kuala Lumpur của Linh Lê khi “không khóc” lần đầu hiện ra trong tiểu thuyết đầu tay của một cô gái rất trẻ nhưng cứng đầu.
Đồng hành với chuyện “không khóc” ở một phương trời xa nào đó chúng ta không thể bỏ qua Chuyện tình New York của Hà Kin hay Oxford thương yêu của Dương Thụy.
Tất cả họ đã như vô tình mà cũng cố ý tạo ra một luồng văn học. Rất dễ sẽ thành một dòng sông lớn!
Linh Lê “không khóc” như thế nào?
Đọc suốt 380 trang của Không khóc ở Kuala Lumpur tôi thấy như thể những từ, những câu trích ở đầu bài viết này mở đầu truyện ngắn “sến” nhất của Nguyễn Huy Thiệp ấy đã được Linh Lê phát triển thành một cuốn tiểu thuyết.
Thật là kỳ tài nếu ta biết nữ tác giả viết nó khi mới có 21-22 tuổi.
Tôi tin cú “nổ” này cũng đồng thanh với quả bom Bonjour Tristesse của Françoise Sagan 17-18 tuổi.
Đọc Không khóc ở Kuala Lumpur ta sẽ thấy đủ cả những “thành phố”, “những dãy nhà”, “đường phố xe đi như mắc cửi”, “trời xanh”, “mây biếc”, “cây cối”, “tự tử”, “chết 100%”, “lòng nhói lên cảm giác xót xa”, “con người ở đâu cũng phải giáp mặt với cái chết”!! Cứ “y như Thiệp” vậy. Đồng sáng tạo vô thức hay ám ảnh của ký ức?
Ngoài ra còn đầy những ám ảnh, những trận mưa, sấm chớp kinh hoàng, những bi kịch nặng nề và ám ảnh, và tiếng quạ kêu. Những tình tiết éo le đến mức không thể tin đó là sự thực. Những nhân vật sống bản năng đến khó tin…
“Không khóc”? Vì
Và ở tận cùng của nỗi đau, khóc hay không khóc, dường như cũng không có gì khác biệt.
“Không khóc” còn là vì nhân vật tôi của tác giả này thật thà, trung thực nhất trong những nhân vật tôi, sẵn sàng thẳng thắn nói ra mọi phẩm tính ưu trội của mình. Ví dụ như ngay từ đầu truyện ở dòng thứ 5 “tôi” đã tuyên bố:
Bản thân tôi thì tin chắc một điều rằng, tôi sinh ra vốn đã là một đứa con gái thông minh, biết tính toán và khá cầu toàn… Hơn thế nữa, tôi còn biết, tôi là một đứa con gái xinh đẹp.
Cũng như “tôi” không thèm giấu giếm một góc khuất “đầy húy kỵ” nào trong tâm tưởng và bản chất của mình. “Nồng độ” chữ “tôi” trong Không khóc ở Kuala Lumpur cũng phải nói là vô cùng đậm đặc.
Điều kỳ lạ nhất và cũng là đóng góp to lớn nhất, theo tôi, của Không khóc ở Kuala Lumpur trong suốt các trang của mình là đã xiển dương mãnh liệt lên được bản năng và trực giác, những thứ đang ngày càng trở nên thui chột khủng khiếp ở con người.
TIẾNG NÓI NỮ QUYỀN CỦA “DU SINH 8X” (VÀ CẢ 9X)
Không khóc ở Kuala Lumpur có nhiều chuyện sốc.
Chưa bao giờ các nhân vật nữ Việt vào văn học được “hồn nhiên như cô tiên” đến thế.
Bối cảnh tác động (?): Với phương Tây, cuộc cách mạng tình dục và phong trào đấu tranh cho nữ quyền coi như đã thành tựu đến đỉnh điểm; Việt Nam đang hòa nhập toàn cầu hóa; các thế hệ mới thay da đổi thịt hàng ngày và biến đổi với tốc độ chóng mặt khiến các bậc trung niên trở lên không thể nào nhận thức cho kịp; và, môi trường sinh hoạt và học tập của họ ở nước ngoài (hay còn được gọi là “môi trường quốc tế”).
Xin hãy bình tĩnh lắng nghe họ nói về vấn đề hết sức có tính truyền thống ngàn đời là trinh tiết:
Hơn một năm qua anh yêu tôi là vì cái gì vậy? Máu à? Máu quan trọng đến thế cơ à?
Tôi thấy nực cười quá đỗi, anh ta còn đề cao một vài giọt máu trinh hơn cả bạn gái của anh ta nữa.
- Anh có thể quên, nhưng tôi thì không bao giờ. Đã có những lúc, tôi ao ước rằng giá mà anh biết, anh hiểu được những gì đau đớn tôi đã phải gồng mình chịu đựng do anh gây ra. Nhưng thật sự bây giờ, tất cả chẳng có nghĩa lý gì, tôi cảm thấy may mắn vì sớm nhận ra bộ mặt thật của anh. Giờ đây, cuộc sống của tôi rất bình yên, tôi xin anh đừng đến làm phiền tôi thêm nữa. Đối với tôi, anh thật sự đã chết rồi.
- Anh… xin lỗi!
- Chắc là anh cũng đã có người yêu mới rồi?
- Ừ!
- Anh đã ngủ với cô ta rồi chứ?
- Ừ!
- Chắc là cô ta… có ra máu?
- ……
Họ nói thẳng băng về cái “lụy” của ái tình:
Lắm lúc tôi ghét cái gọi là tình cảm trai gái, nó làm tôi mất quá nhiều.
Giá mà không có tình yêu thì con người ta vô tư và bình yên hơn rất nhiều, không ai buồn vì ai, không ai oán không ai hận, không đau thương và không tan vỡ.
Không phải tôi bạc, mà là tình yêu bạc.
Họ mạnh dạn nói về “cái tôi cá nhân”:
Một đám đông bao giờ cũng cho tôi cảm giác ngột ngạt.
Chúng ta không thể đi hết cái bóng của chính mình, nhưng có thể đi hết được cái bóng của người khác.
Đó là những đoạn kiến giải xuất sắc của tác giả.
Hãy cảm phục bản lĩnh giao tiếp của họ đi. Một người con gái khi nói chuyện “cắt quan hệ” với một kẻ hết sức nguy hiểm mà vẫn biết “tòng quyền”:
Tốt nhất chỉ nên xem nhau như những người bạn bình thường… Đừng nhắn tin, gọi điện, đến nhà, và tỏ ra quan tâm đến tớ trước mặt mọi người nữa. Sau này, trừ những chuyện tình và những cô gái của cậu ra, nếu có gì buồn hay khó khăn cần tâm sự thì cậu cứ tìm tớ nói chuyện.
Chưa bao giờ phụ nữ được làm chủ đời mình mạnh mẽ như bây giờ. Nhưng, không dễ để phản ánh thực tế đó vào văn học. Và, từ văn học tác động ngược trở lại vào đại chúng lại là cả một chặng đường. Chỉ biết rằng sức sống mới ở các nhân vật trong Không khóc ở Kuala Lumpur đã khá thuyết phục được người đọc bởi cái chất nhân văn chân thật trong mọi khía cạnh của tác phẩm. Các nữ nhân vật đều biết cách riêng của mình để tranh đấu một cách hết sức “dễ thương”, phản ánh được đời sống thật của thời đại và thực tại, đem lại cho phụ nữ nhiều “dân chủ” hơn. Đó cũng là mong ước của toàn xã hội nhưng không phải ai cũng “cụ thể hóa” được một cách rõ ràng và thẳng thắn. Tất nhiên, Không khóc ở Kuala Lumpur đã làm được khá nhiều.
Nghệ thuật kể chuyện của Linh Lê, nếu biết cách khắc phục một số đoạn thiếu “chuyên nghiệp”, thì có thể nói là khá xuất sắc. Các nhân vật trong Không khóc ở Kuala Lumpur đều có “số phận” và diễn tiến năng động, phản ánh được cái thật trong tiến trình của mỗi con người. Điều đáng tiếc, nhưng cũng là chuyện thường tình ở những người, nhất là những cô gái, tuổi 20, là truyện có những nhân vật bị “đóng đinh” vào những “bản chất xấu xa” mà thực ra thì đó chỉ là hậu quả của thái độ phân biệt xấu-tốt đến mức cực đoan. Ngoài ra có những nhân vật bị đẩy vào tình trạng “lý tưởng hóa” đã trở thành mất tự nhiên và khô cứng.
Cuối cùng, tại sao tên bài này lại được đặt là “Nước mắt trên sa mạc”? Thôi thì xin được tặng tác giả Không khóc ở Kuala Lumpur cả bài thơ này cho tỏ khí văn:
Nước Mắt Trên Sa Mạc
Tình cuối Đông man mác
Xuân nồng đã về chưa?
Bãi Cát Tình mộc mạc
Khô, mấy nước cho vừa?
Ôi cái sa mạc ấy
Dài rộng được bao nhiêu?
Lệ rơi hoài có đầy
Hay cả biển Đại Tây?
Nước mắt nào cho đủ
Khóc con tim ngục tù?
Tại xác phàm ô trọc
Làm tinh thần cực nhọc?
Sương mù giăng có đầy
Bãi Cát Tình bụi bặm?
Che được hoang vắng ấy
Cho môi hết cà lăm?
Quá mù sẽ ra mưa
Có phải giọt lệ trời?
Rửa được tim máu ứa
Cho khô cạn lả lơi?
Ai cần cả biển khơi
Để dập tắt lửa trời?
Ngùn ngụt trên hoang mạc
Bao giờ tắt Trời ơi?
Bao nhiêu sông nhiêu biển
Làm mát được lòng tiên?
Nhiêu giọt tình thì đủ
Cho lòng người chân tu?
Hà Nội, 18-22/4/2010