Nghĩ đời mà ngán cho đời
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen !
(Truyện Kiều (K))
Gần hai trăm năm nay, đời sống văn học Việt Nam, không lúc nào thiếu vắng dáng Kiều. Ngay giữa thời bom rơi, đạn nổ, khói lửa mịt mù, đâu đó vẫn dành khoảnh lặng để bàn đến Truyện Kiều. Cũng hiếm có nhà thơ, nhà văn, hay người Việt yêu văn chương nào không ảnh hưởng nghệ thuật ngôn từ mê hoặc của Kiều. Uyên thâm thì khảo cứu, khảo dị. Sâu sắc thì tiểu luận, tiểu bình. Ngẫu hứng thì trích đoạn, trích câu, ngâm ngợi, thả hồn vào lênh đênh xao xuyến. Riêng tôi, nỗi ám ảnh bởi một cuộc tình trớ trêu đầy bi kịch cứ như ma quái vậy.
*
Không ai hoài nghi nàng Kiều là một tuyệt sắc tài hoa. Nàng vừa là nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, văn sĩ, và nhất là thi sĩ đích thực. Nàng đã để lại trong truyện Kiều năm bài vịnh tuyệt tác, mười bài họa “khác thường”. Đặc biệt, bài vịnh “Cái gông”, buộc ông quan mặt sắt phải mê tài. Quan mê đến nỗi không còn nhớ pháp luật là gì, nên đã xử kiện theo “thi tài”. Kể cũng lạ đời, Kiều đang là bị cáo, lời quan rành rành luận tội : Một là chịu phép đòn roi hình luật. Hai là phó trả về lầu xanh. Vậy mà, khi được nghe bài thơ “Cái gông”, quan lập tức xuống giọng, tha bổng Kiều. Tha bổng đã kì. Kì hơn, quan lại sai quân sĩ mang cờ kiệu đưa dâu, làm đám cưới cho nàng và Thúc Sinh, khiến nguyên cáo Thúc ông đành sững sờ dẹp “phong ba bão táp”. Phải hiểu sức công phá của bài thơ dữ dội nhường nào ? Làn hương đức hạnh ? Sắc màu quý phái ? Hay chất ngọt ngào thuần khiết trắng trong ? Cũng xin được thưa rằng, trong lịch sử Thi nhân Việt Nam, chưa hề có một bài thơ nào ghê gớm thế !
*
Kiều gặp Thúc Sinh cũng là thi sĩ. Điều này từ lâu, nhiều người quen gọi chàng Thúc là thương gia, qua câu “Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri”. Thực lòng, tôi phải đặt dấu hỏi cho “bước ngoặt” đổi dòng này. Bởi, ngay trên đó, chỉ cách hai câu, đã giới thiệu gia thế chàng “Kì Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương”. Tôi càng lạ hơn khi khảo dị của GS Vũ Ngọc Khánh, có nhắc, ông Vũ Hạnh cho rằng, trong chương “Báo ân”, Kiều tạ lòng chàng Thúc “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân”, như vậy “Thúc Sinh đã tiến hành được một chuyến đi buôn có lãi”. Lời phán của tiên sinh Vũ Hạnh dường như cột chặt chàng Thúc vào tiểu sử nghề buôn đầy tính toán. Không sao. Truyện Kiều có quá nhiều lời bình trái ngược. Mỗi người men theo một ngả đường khám phá rất riêng. Chẳng có gì quan trọng. Cái quan trọng khi muốn bảo rằng chàng Thúc là thi sĩ, thì phải xét đến tâm hồn chàng trước đã.
Ta hãy nghe vài dòng hé mở khoảng khắc chàng gắn bó với Kiều :
“Khi gió gác, khi trăng sân
“Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ
“Khi hương sớm, khi trà trưa
“Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”.
Vậy là, chất “nghệ” trong con người chàng Thúc khá dính kết với năng khiếu tương quan : cầm, kì, thi, tửu - tố chất thi nhân rồi !
Tôi chợt nhớ Xuân Diệu, người đắm đuối trong tình trường, có lẽ, trong phút cao hứng, đã định nghĩa về thi sĩ : “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Cuộc bút chiến nổ ra. Có người đã thay chữ “Là” bằng chữ “Nếu” thiết lập tư tưởng riêng. Tôi xin phép, không bàn đến chữ “Nếu” ở đây. Tôi chỉ muốn hiểu qua cách nói của Xuân Diệu, rất có thể có chàng thi sĩ thế. Và, tôi muốn thêm rằng, Thúc Sinh chính là chàng thi sĩ có thể ấy.
Quả thật, chàng Thúc có thừa “mơ trăng”, “vơ vẩn mây” và “ru gió”. Truyện Kiều ước có khoảng trên mười vạn nhân vật đàn ông được nhắc đến, thì Thúc Sinh là người “khóc rả rích” nhiều nhất. Bẩy lần chàng khóc, khóc “lã chã”, khóc “nhỏ sa”, khóc “ngắn dài”, khóc “vật vã”, khóc “sụt sùi”, khóc “tầm tã”, và “khóc thầm”.
Nếu ai đó còn nghi ngờ cái hồn thi sĩ của chàng, xin mời hãy cùng tìm hiểu bài thơ Đường luật, giữa khoảng “thong dong” chàng vừa ngâm , vừa ngắm Kiều, chờ Kiều họa lại. Buồn thay, bài xướng cứ đợi… Kiều từ chối, khất hôm khác, vin cớ nhớ nhà. Thật tình, tôi không tin Kiều nhớ nhà. Tôi tin và hiểu cái tế nhị ở đây là bài xướng đã “Vùi đầu mài miệt tả / Cặp tuyết lê hồi hộp trước tình yêu” (1). Nói vậy đâu phải là liều. Chính vì trước khi chàng Thúc tức cảnh sinh tình, chàng đã nhìn thấy “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà / Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên, K câu 1311-1312”. Có cái nhìn “rõ ràng” ấy…nên mới bật ra “Sinh càng tỏ nét càng khen / Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường, K câu 1313 – 1314”. Thế đó ! Chàng thi sĩ nhìn Kiều tắm. Thi tứ trào dâng, nẩy ra bài xướng. Tiếc thay ! Kiều làm sao họa được khi thi sĩ Thúc Sinh không tắm (?)
*
Vậy, cuộc tình Kiều và Thúc Sinh là cuộc tình của hai thi sĩ đồng điệu ? Hoàn toàn không phải thế. Tôi đã trò chuyện với rất nhiều bạn gái gồm nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi. Các bạn gái tuổi trăng tròn mơ mận cả quyết rằng, cái khôn ngoan, sắc sảo, và nhất là tài hoa của Kiều không thể phù hợp với nết nhu nhược, thiếu bản lĩnh đàn ông của chàng Thúc được. Còn các bạn gái tuổi đời chững chạc, trải nghiệm vốn sống thì lí giải : Nếu để cho chàng Thúc lựa chọn giữa Kiều và Hoạn Thư, chắc chắn chàng Thúc chọn Kiều. Nhưng nếu Kiều có quyền lựa chọn, thì người tri kỉ, tri âm lại không phải là Thúc.
Sự thật, cuộc tình giữa Kiều và Thúc Sinh là bi kịch của dòng đời trớ trêu khập khiễng. Muôn đời sau còn phải cười ra nước mắt. Muôn đời sau còn phải khám phá cái ghen của người vợ, cái “run”, cái “sợ” của người chồng (2) : “Sợ quen, dám hở ra lời / Không ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa, K”. Dù sao tôi vẫn muốn, và thích thú gọi chàng Thúc là thi sĩ. Một thi sĩ của giới đàn ông mà mỗi khi bất chợt nhớ tới phải đỏ mặt ngượng ngùng !
*
Bi kịch của mối tình nếu dừng lại ở đây thì con người bớt được tiếng rủa nguyền ác ý. Buồn thay ! Cái kết tồi tệ, theo đúng mạch đời của nó. Tuyệt vọng. Hai tình nhân lén vụng gặp nhau. Người con gái nức nở :
“Trót vì cầm đã bén dây
“Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta
“Liệu bài mở cửa cho ra
“Ấy là tình nặng,, ấy là ơn sâu, K”.
Giây phút khốn khổ. Giây phút tưởng chừng trái đất ngừng quay, con tim thắt lại. Không hiểu ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào lại khiến người con trai run rẩy :
“Liệu mà xa chạy, cao bay
“Ái ân ta có ngần này mà thôi! K”.
Thương ôi ! Gần hai trăm năm qua, câu trả lời tàn nhẫn, lưu lại nguyên vẹn sự hèn hạ của một người đàn ông mang hồn thi sĩ ; nó giống như một tì vết khó gột, cứ tồn tại mãi mãi cùng nền văn học Việt Nam ! %
Tháng 5 - 2010
(1) Thơ Sóng Hồng
(2) Sợ vợ cả, Hoạn Thư