Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.272
123.159.088
 
Vàng
Dương Phượng Toại

- Ở đời người ta có nhiều nỗi đam mê và nhiều nỗi sợ. Đam mê giàu sang, danh vọng, đam mê quyền lực, tửu sắc. Sợ chết, sợ ma quỷ, sợ bom đạn. Sợ đói nghèo… Nhìn chiếc nhẫn ở ngón tay tôi, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, Miền hạ giọng:

- Ông có biết tôi sợ cái gì không?

- Sợ rắn là cùng!... Đang đi đêm bất ngờ nó bật lên mổ một phát vào mặt, coi như về thiên cổ! Tôi vừa nhanh miệng, Miền đã tự trả lời:

- Trật hết! Ông biết không ? Tôi sợ vàng!

- Ôi! Tưởng gì? Ông làm tôi nhốt cả ruột gan! Ai lại sợ vàng bao giờ!

-Thế mà có tôi, sợ đó! Lặng yên tôi kể. Ông nghĩ tôi sung sướng lắm đấy à? Trong héo ngoài tươi. Chuyện này tôi giấu kín từ lâu, định sống để bụng chết mang đi. Nhưng giờ thấy không nên ngậm làm gì cho ách. Nói ra cho người đời rút bài học mà ứng xử với nhau. Cái tình mới là quý. Còn vàng ư? Tử thần và tai hoạ đó ông ạ! Đời tôi đã chết một lần vì nó!

 

Quái lạ cho Miền, cái thằng chơi với tôi từ thưở trường làng, sau bao năm gặp lại, đang mạch vui hắn lại kể chuyện vàng! Chắc là ẩn ức gì đây? Tôi nghĩ bụng rồi giục hắn: - Có nỗi gì, ông xả cho nhẹ. Tôi làm cái tai hứng cho ông đây! Miền lại tự vấn mình:

-Thực ra vàng là quý. Nhiều người thấy vàng từng đâm lú đấy thôi. Nhưng tôi lại sợ, có phải là điều lạ, là “ẩm IC” như bây giờ đám trẻ thời “a còng” hay trêu cợt nhau? Hắn rành rọt: Mọi sự đều có nguồn cơn của nó…

 

*

Năm ấy… Những ngày giữa đông. Trời rét như chưa bao giờ rét vậy. Mấy ngày liền, tôi hí húi bên giá vẽ, vẽ các bức tranh trang trí cho đám cưới, trong đó có đám cưới của thằng Thạnh cháu ruột, con chị gái tôi. Chị tôi là con mẹ cả. Tôi là con mẹ hai. Nhưng chúng tôi đã cố gắng vượt qua mọi mặc cảm. Bề ngoài, người trong làng ai cũng bảo nhà tôi “một cây hai mạch”, chị gà em vịt vẫn hài hoà gia cảnh…

 

Sau tốt nghiệp cấp ba, không đi đại học được vì hoàn cảnh cha già mẹ yếu, tôi đành ở lại bám quê. Vẽ tranh trang trí là nghề tay trái của tôi đã từng giúp tôi có thêm thu nhập để vượt qua những tháng năm cực khổ của thời bao cấp, chiến tranh. Lúc bấy giờ, đời sống người nông dân quê mình nhọc nhằn lắm. Cả nhà năm sáu miệng ăn, có vụ chỉ được HTX chia năm, sáu chục cân thóc. Không đủ nấu cháo loãng hàng ngày. Những bức tranh rẻ mạt cũng giúp tôi đong được thêm bột mì, sắn khô để ăn độn. Cầm những đồng tiền ngả màu, đượm mồ hôi, mùi bùn, mùi cá… tôi cảm thấy bằng lòng: tuy đói kém mà nông dân quê mình vẫn chuộng chơi tranh. Nếu cuộc sống cứ phẳng lặng thế này!...

 

Chiều đó thằng Thạnh đưa cả vợ chưa cưới là Hạ đến nhà tôi để lấy tranh. Thạnh là con trai thứ hai của chị tôi; lúc còn nhỏ đã là một thằng bé kháu khỉnh, tinh ranh nhất trong đám anh em nó. Càng lớn, Thạnh càng tỏ rõ sự tinh khôn láu cá. Nó có giọng nói riết răng, lèm lẹm như thả, như buộc người nghe. Mười bảy tuổi nó đã nổi tiếng trong xóm Bến Giang là cao thủ “bám mích”. Leo tàu tây “bám mích” là tiếng lóng người dân vùng sông nước gọi nghề chuyên thông đồng với thuỷ thủ lái tàu lai xà lan để lấy bớt lương thực, xi măng của nhà nước, sẻ trộm những hàng hoá đó xuống thuyền nan rồi tập kết về nhà bán lại. Một thời dân các làng xã ven sông sống nhờ lối làm ăn này qua bao năm mất mùa, đói kém. Nhà Thạnh nhờ bám mích mà trở nên giàu có, cất được ngôi nhà gỗ năm gian to tựa cái đình…

Thạnh và Hạ trả tiền tranh nhưng tôi xua tay:

- Thôi các cháu về đi. Cậu mừng vốn hạnh phúc cho các cháu. Cái tình mới là trọng các cháu ạ!

- Vâng! Chúng cháu cám ơn cậu! Thạnh cảm ơn tôi, giọng nó dền dệt, lèm lẹm: Nhưng… cháu mời cậu lên ngay chiều nay để trang trí phông rạp giúp cháu. Chỉ có con mắt nhà nghề của cậu thì phòng cưới mới nổi được!

- Nhưng cậu còn bận nhiều việc quá. Mai cậu lên. Ngày kia mới chính thức cơ mà! Tôi từ chối.

- Làm cả ngày, cả năm gù lưng toét mắt. Cậu tạm gác, nghỉ lên nhà cháu cho thanh thản đầu óc cái đã! Thạnh vật nài tôi. Hai đứa nhanh nhảu thu đám màu vẽ, bút thước vào một góc rồi cứ thế nắm tay tôi: Cậu cố gắng làm đám cưới của chúng cháu thật trội hơn mọi đám khác. Phải nhất huyện! Phải trang trí xong chiều nay. Ngày kia cậu cháu mình chỉ việc “com lê, cà vạt” đón khách. Xong xuôi cháu biếu cậu một tạ gạo ngon!

 

Để phòng cưới rộng rãi vuông vức, Thạnh gợi ý và nhờ tôi dỡ trồng lại hộ cái bồn hoa huệ và mấy cây đinh lăng già, cỏ lan nham nhở, rêu bám đen nhẻm mặt gạch. Tôi bảo không cần thế, để nguyên càng thêm vẻ cổ kính, có vẻ hài hoà với bức phông vẽ đôi nai bên bờ suối. Nhưng Thạnh không chịu, cứ nằng nặc khuyên tôi: Cậu cứ phá đi thay đất mới cho đẹp. Cậu lại là “chuyên gia” trồng hoa, cây cảnh nữa. Nên cậu cứ trồng cho cháu được lấy vía may! Thạnh ngọt nhạt nịnh tôi. Chị tôi thấy vậy cũng đồng tình: Thôi cậu cứ chiều ý cháu! Tôi miễn cưỡng làm, cẩn thận đào bới, bỏ đất cũ, xúc đất mới cho vào rồi cắt tỉa từng cụm hoa và chặt cành đinh lăng trồng lại. Chả mấy chốc đã được bồn hoa đẹp mắt…

 

Về lò vẽ, tôi lại miệt mài với những bức tranh. Bẵng đến một tuần sau. Buổi sáng. Trời vẫn rét. Vợ tôi dọn cơm. Cả nhà vừa quây quần bên mâm cơm thì con chó sủa từ ngoài ngõ sủa vào. Tôi nhìn ra, thấy Hạ, vợ mới cưới của Thạnh dắt xe đạp, dựng cạnh bồn hoa. Chúng tôi mừng rỡ chào đón cháu dâu mới vào ăn cơm. Hạ cũng cười te tái từ ngoài sân:

- Cậu mợ tha lỗi! Chúng cháu bận quá, mấy hôm dọn dẹp công việc, chưa kịp vào thăm ông bà và cậu mợ. Đồng thời cảm ơn cậu đã giúp chúng cháu. Ai cũng khen chúng cháu có cậu làm ở ngành văn hoá có khác. Đám cưới tổ chức thật sôi nổi, tuyệt vời, không đám nào bì kịp!...

 

Nghe Hạ lễ phép thưa chuyện, tôi cảm thấy lâng lâng trong dạ. Đáng là bao, chút hoa tay góp vào công việc trăm năm của hai cháu! Hôm ấy tôi kéo cả mấy anh bạn chủ hôn đến dự cùng  cả ban nhạc sống mời từ Thủy Nguyên, Hải Phòng sang. Nên đám cưới tưng bừng đến tận khuya… Sau một lúc liến thoắng, Hạ mời tôi: -Hôm nay mẹ cháu mời cậu lên nhà chơi, ăn bữa cơm tổng kết rút kinh nghiệm với gia đình cháu!

-Thôi! Không phải bày vẽ thế! Có gì đâu mà rút kinh nghiệm. Với lại cậu còn bận vẽ nốt cho mấy đám cưới họ đang chờ… Tôi khước từ. Vợ tôi còn cười, vận động tôi:

-Thì nghỉ cái đã. Chiều về cũng kịp mà. Chẳng lẽ anh chị và các cháu có lòng mà cậu không lên, sao đành? Chắc hôm nay thư thả mới kịp “mưa đền gốc cây”!

Hạ quay sang vợ tôi đầy thiện cảm: -Vâng! Mợ nói thế mới phải. Cậu lên ngay kẻo cả nhà cháu đợi!

Chúng tôi đạp xe ngược dòng gió bấc thổi vào mặt căm căm. Từ nhà tôi lên xóm Bến Giang cách bốn năm cây số. Tôi tưởng tượng thoáng qua cảnh cả nhà chị ngồi đợi. Chắc là ai nấy sẽ reo lên mừng rỡ vì “người đi không bực bằng người trực nồi cơm”. Tới ngõ nhà chị, tay tôi gần như cứng lại, run lập cập. Lúc này mà nhấp chén rượu thì ấm bụng lắm đây!

 

Nhưng! Bước vào sân, vào nhà, tôi chẳng thấy mâm cơm nào cả. Tôi chỉ thấy toàn người là người đang lục chỗ này bới chỗ kia, có vẻ tìm thứ gì đó rất hệ trọng. Một tốp bốn, năm người đang bóp từng tí đất trong bồn hoa huệ tôi trồng lại hôm nọ. Chị tôi băm bổ chạy đến trước mặt tôi nghiêm giọng:

- Cậu có nhặt được đám vàng của chị dưới gốc cây đinh lăng hôm trước cậu trồng lại không? Nếu thấy thì cho chị xin! Tôi ngớ ra không hiểu gì cả:

- Ơ…ơ…ơ…Vàng nào hả chị? Không! Em không biết!

- Chị bọc giấy bóng, túm buộc cẩn thận thế này này! Tám chỉ… ơ… không… mười một chỉ của chị. Rõ ràng tay chị với vợ thằng Thạnh chôn rất kỹ.

- Chết thật! Sao vàng lại chôn gốc cây? Thiếu gì chỗ giấu? Tôi ngỡ ngàng.

- Thế mới có chuyện! Xong việc đám cưới chị mới nhớ ra. Đêm mới rồi định lấy, thì hỡi ôi không cánh mà bay. Chắc chỉ có cậu nhặt được?

- Không! Em cả đời có biết gì là vàng, mặt mũi vàng nó ra sao! Chị cố nhớ xem để ở đâu? Mà hôm đại sự lại lắm người lộn quân lộn quân thế, biết lối nào mà lần!

 

Tôi hốt hoảng hoà vào đám người tìm đi tìm lại trong đám đất bị xới tung, ngổn ngang. Chị tôi ngồi phịch xuống bậc cửa, sắc mặt đỏ gay, tỏ vẻ hầm hầm: Quái lạ. Sanh không lỗ, cá đi đằng nào? Không cậu thì ai vào đây?

- Ơ… chị buộc tội cho em đấy à? Tôi trố mắt ngạc nhiên. Chị xem từ trước tới nay cậu là người ăn ở như thế nào mà chị nỡ bảo thế?

- Nhưng mà tôi mất của. Cậu là người trồng, cậu bới, cậu phải thấy! Sanh không lỗ cá đi đằng nào? Chị tôi đứng phắt dậy, rít qua kẽ răng: Cậu phải thấy! Khôn hồn thì đem trả tôi!

 

Lúc này người tôi nóng ran như gặp phải kiến lửa, nước mắt nước mũi tự dưng rân rấn ứa ra: - Rõ ràng tôi đào bới, mà tôi có thấy gì đâu. Nếu thấy thì tôi đã kêu lên, đã có mọi người xung quanh cùng biết. Tôi đã bảo để nguyên đừng phá bồn trồng lại, thì lại bắt tôi làm. Để bây giờ rắc rối!

 

Thằng Thạnh đến bên tôi vỗ về. Tiếng tích tiếng tè của nó phát ra từ đôi môi thâm sì: - Thôi cậu ạ! Chẳng ai muốn thế này. Đã trót rồi. Tránh voi chẳng hổ mặt nào. Cậu cứ về, tránh mặt mẹ cháu đi. Tính mẹ cháu nóng như lửa. Theo cháu, cậu dùng cũng như mẹ cháu dùng. Cậu là mẹ cơ mà. Mất cũng thôi. Tình cảm mới quý phải không cậu?

 

Tôi nhìn thẳng vào Thạnh. Mắt nó đảo nhanh như hòn bi lăn đi chỗ khác, lóng lánh, trắng nhởn:

- Cậu không biết vàng là gì cả. Chớ đổ oan mà gánh tội!

Trong cơn bàng hoàng vì nỗi oan đột ngột, tôi còn kịp nhận thấy con bé Hạ quay mặt đi, bụm miệng lại. Chẳng lẽ nó cười? Hay là mặt mũi tôi méo mó, xấu xí do quá xúc cảm? Tôi biết chị tôi tính như sấm sét, đã cất lời là “cả vú lấp miệng em”. Bà ta từng túm đầu một thằng dân chơi rũ xuống chiếu bạc trong canh xóc đĩa, khi nó định ôm đám bạc ăn non bỏ chạy; từng tát vào mặt tay công an đường thuỷ khi kiểm tra thuyền gạo, rồi tụt quần tru tréo lên giữa sông để bọn con cái tẩu thoát hàng tấn gạo đánh từ xà lan xuống… Tôi liền dắt xe ra ngõ và ném lại đằng sau:

- Chị đừng vì của mà dứt tình máu mủ!

Đạp xe về nhà, bụng tôi ấm ức đầy tận cổ. Nỗi buồn dâng lên như một dòng sông ngầu đục trong tôi. Hoá ra làm phúc phải tội! Trời ơi! Sao bỗng dưng đang nguyên lành lại sinh ra sự thể oái oăm này? Cả nhà đi vắng, chỉ còn cha tôi đang ngồi đọc sách trên bộ tràng kỉ. Tôi đem chuyện kể lại. Cha chưa kịp nói gì đã nghe tiếng bà chị tôi quang quác từ ngoài ngõ: Dọc đường nghĩ kĩ chưa? Cây mốt vàng của người ta chứ ít ỏi gì đâu!

 

Không ngờ chị tôi lại có thể suy nghĩ và xử sự như thế. Tôi càng mắc nghẹn trong cổ, không biết lấy gì chứng minh cho mình. Nghe chị em tôi đối khẩu một hồi, cha tôi hạ quyển sách nho xuống bàn, điềm tĩnh bảo:

- Nó không phải là đứa gian dối. Đẻ ra nó, thầy thuộc tính nó từ lúc lọt lòng. Giả sử nó có lấy thì cũng coi như cầm thay các con để nuôi thầy!

-Thầy còn bênh cậu ấy! Thấy vàng ai chả hoa mắt lại? Chị tôi cướp lời. Vợ tôi đang cấy ngoài đồng, vội chạy về, người ướt như chuột lột. Chị túm lấy tay, nghiến ngấu:

- Mợ về mà xem! Cậu ấy lấy vàng của tôi. Mợ có cất thì trả tôi đây?

Vợ tôi rụng rời ngồi bệt xuống thềm nhà:

- Không! Chúng em có biết vàng là gì đâu!

- Thôi! Câm mồm đi! Cậu có thể giả, nhưng chắc mợ tham, đem lên ngoại giấu rồi chứ gì? Khác máu tanh lòng. Mợ thương gì chúng tôi?

- Giời ơi là giời! Giời có mắt không, lại đẩy vợ chồng tôi vào nỗi oan nghiệt này? Vợ tôi kêu lên thảm hại.

 

Thì ra cô Mây hàng xóm thấy bên nhà tôi ồn ào, sang nghe rõ chuyện, đã chạy ra đồng gọi và kể sự tình cho vợ tôi biết. Đang cấy, vợ tôi quẳng mạ đấy, chạy băng qua ruộng, qua mương…

Không tài nào xiêu lòng được bà chị, tôi chỉ còn biết khóc nức nở. Xin phép cha, lập cập tôi lấy ba nén hương trên bàn thờ đốt và khấn, mà thề, mà giãi tỏ lòng tôi với tổ tiên, Phật Thánh, giữa thanh thiên bạch nhật:

- Nếu tôi lấy vàng của chị, tôi sẽ bị trời tru đất diệt! Nếu ai đổ oan cho tôi thì… Chị tôi thét lên như sét đánh đằng sau:

- Cậu chết thì có thằng khác thay cậu! Cây mốt vàng! Cây mốt vàng ở đâu?

 

*

Bao năm trời tôi đau đớn ôm nỗi oan nghiệt. Tôi rất ít ra đường và cố tình xa lánh mọi người. Trong mơ tôi thường hét lên vì thấy một cục vàng to như tảng đá, chói vói đập xuống đầu. Từ đó tôi mang một nỗi sợ hãi về vàng, sợ đến ghê người khi nhìn ai đeo nhẫn, đeo dây chuyền vàng.

- Ngay đây thôi, tôi cũng sợ cả cái nhẫn của ông! Miền quay vào tôi, dữ dằn: -Cái màu vàng lấp lánh ấy như phát ra những tia sét dữ dội xuyên vào trái tim tôi. Cái màu vàng lành lạnh, ma quái không mũi nhọn, không lưỡi sắc mà cắt được lòng người, xẻ được từng khúc ruột. Tôi dằn vặt, trách trời xanh, tạo hoá sao lại sinh ra thứ vật thể đó, sao lại cao giá nó như vậy? Đến nỗi một tâm hồn thanh xuân như tôi tưởng ngã gục trước tiếng đời: Thằng ăn cắp vàng!

 

Ba năm sau, cha tôi mất. Nỗi oan con trai vẫn chưa tỏ. Tình cảm chị em tôi cũng chẳng mặn mà gì. Giữa chúng tôi vẫn là một cái hào sâu thẳm. Nhìn thấy chị, tôi như con chim thấy cành cây cong! Lúc này vợ chồng Thạnh đóng xong một con thuyền gỗ lớn. Người ta bảo: Chắc nó để làm gì con thuyền hiện đại và đầy đủ tiện nghi đó? Con Hạ có chửa hai ba lần đều không đậu. Lần sa. Lần đẻ non. Lần quái thai. Nó bị mắc chứng mất ngủ. Nhai thuốc như nhai kẹo… Đến lần thứ tư mới được một thằng bé, nhưng phải mổ tại bệnh viện mới lấy ra được. Nhưng không hiểu sao thằng bé sơ sinh cứ trố mắt nhìn trừng trừng, thè cái lưỡi đỏ hểu ra ngoài miệng. Các bác sĩ, y tá trong bệnh viện cũng phải rùng mình.

 

Đứa trẻ và mẹ nó được đặc biệt nuôi dưỡng, không thiếu thứ gì. Thuốc bắc đổ bã hàng thúng con. Thuốc tây, đường sữa chất ngập tủ. Chân nhang cắm đầy ngất nghểu năm, sáu bát hương. Vàng mã đốt xém cả bức tường hoa trước cửa! Một ngôi điện thờ xây gấp ngay cạnh bồn hoa cũ. Các phường thầy cúng, pháp sư thay nhau đến trổ tài, hoa chân múa tay. Nhưng quái lạ, thằng bé càng lớn thân thể càng oặt uẹo, mềm như sợi bún. Lưỡi nó vẫn đầy ra khỏi miệng, dài ngoăng, đỏ chót. Đưa đi đưa lại tựa lưỡi rắn. Nội ngoại tới thăm, ai nấy chỉ nhìn chốc lát đã thấy rờn rợn. Thạnh cần người nội trợ trông nom vợ con để rảnh chân đi làm. Chị tôi hếu háo khắp nội ngoại, nhưng không ai nhận lời. Họ sợ. Ngồi trong toà nhà như cái đình ấy sao cứ lạnh toát! Cuối cùng, Thạnh đến nhà tôi van nài: Cậu mợ vuốt giận nhìn xuống giúp đỡ cháu!

 

Tôi nuốt cái cục ứ ở họng vào rõ sâu rồi bảo vợ tôi cho đứa con gái vừa học xong cấp hai, được nghỉ hè đến trông nhà cho anh chị. Cháu gạt nước mắt: Thương bố, con mới đi ở! Tôi an ủi cháu: Con hãy giúp đỡ bố giữ lại tình ruột rà. Dẫu sao cũng “máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đấy” con ạ! Mọi người biết chuyện, người thì cho tôi là cao thượng, kẻ thì nghĩ là tôi còn cảnh “thân lươn”…

 

Thế rồi một đêm, tôi nhận được tin báo: vợ chồng Thạnh Hạ vượt biên! Trời! Không thể được! Con gái tôi? Tôi hộc tốc chạy lên nhà nó. Không khí rất nhộn nhạo. Hàng chục người có cả ở Hải Phòng, Hà Nội đang tập kết xuống một chiếc thuyền gỗ mới đóng. Con gái tôi khóc lóc: Anh chị ấy bắt con đi Hồng Kông trông thằng cu. Nó cứ lè lưỡi làm con sợ lắm. Con không đi đâu bố ạ. Chết đói con cũng ở nhà với bố với mẹ!... Thằng Thạnh gặp riêng tôi, ánh mắt thao láo đầy uẩn khúc:

- Cậu tha lỗi cho cháu, đừng chấp mẹ cháu. Trót lọt, nay mai làm ăn bên ấy cháu không quên cậu mợ! Tôi nhìn thẳng vào mặt nó, cố nén xúc động:

- Đủ rồi ! Để con tao ở lại!...

 

Thấm thoát hơn hai mươi năm! Chuyện vàng vẫn khiến tôi giật mình như cơn ác mộng hiện lại mỗi khi ai đó vô tình động đến. Chị gái tôi? Bà vẫn năng nổ đi lễ các cửa chùa, đốt hàng khối vàng giấy, đô la âm phủ... cầu cho vợ chồng Thạnh Hạ giờ định cư ở Bắc Ailen làm ăn phát đạt! Cầu cho đứa cháu nội đưa sang đó khỏi căn bệnh mềm xương! Qua các nguồn tin, tôi được biết thằng bé bây giờ vẫn thế. Các bệnh viện hiện đại ở nước ngoài vẫn không thể nào chữa được cơ thể nó cứng cáp được. Lưỡi nó vẫn đầy ra khỏi miệng, lia đi lia lại, đỏ chót như lưỡi rắn! Mắt nó vẫn thao láo nhìn trừng trừng như muốn nuốt chửng những gì trước mặt…

 

Trời báo ứng nhanh đến thế ư? Người ta bảo vậy! Nhưng tôi, thì tôi biết, chẳng Trời chẳng Phật nào hết! Đó là hậu quả của vợ chồng Thạnh Hạ những chuỗi đêm mất ngủ! Những đêm tòa án lương tâm mở cửa!

 

Trước tết năm nọ, tôi nhận được bức thư của Thạnh, do mẹ Thạnh đem vào. Bà chị ân hận: -Cậu xá cho chị, cho các cháu. Ngờ đâu nó lừa cả chị em mình! Còn chị vì xót của mà vội giận mất thương!...

Tôi bóc phong thư Thạnh viết: “…Cậu mợ hết sức tha tội cho vợ chồng cháu, nơi đất khách quê người không về được để cúi lạy cậu mợ ngàn lạy. Cậu ơi! Cậu đã chịu oan vì cháu. Cháu biết, mà phải rắp tâm làm thế vì tương lai sau này của cháu. Chính vợ chồng cháu cùng mẹ cháu giấu bọc vàng đó dưới gốc cây đinh lăng, phòng xa công an có thể khám nhà. Trước ngày cưới, nửa đêm, giấu mẹ, chúng cháu đã hót số vàng ấy rồi vùi đất lại như cũ. Chúng cháu dùng vốn vào việc đóng con thuyền gỗ để chở người vượt biên…”

 

Trời ơi! Tôi kêu lên mà không biết mình kêu lên. Hai mươi năm ấy… Tôi từng phẫn chí nhằm một mồi thuốc độc. Vợ tôi đã giằng ra. Anh phải sống đợi ngày cháy nhà…! Thư còn viết: “Cháu cần tiền vàng, nhưng mẹ cháu không cho, chỉ còn cách bày bài kịch đó. Sao cháu lại chọn cậu? Vì cậu là người hiền lành tốt bụng! Nay chúng cháu gửi về biếu cậu mợ năm trăm đô. Cậu trích ra mua một nhẫn vàng cho cậu, một dây chuyền vàng cho mợ, gọi là kỷ niệm..” Chao ôi! Thằng cháu quí hóa đem tôi thả vào một cuộc chơi. Hôm nay nó quy đổi nỗi đau của cậu ra vàng! Vợ tôi khóc nấc lên. Cô ấy kiên quyết không nhận. Nỗi đau vặn lại trong lòng. Nhưng tôi thoáng nghĩ: Thôi, coi như nỗi oan này đã được giải tỏa! Ruột rà không thể chém ra từng khúc bằng lưỡi dao!

 

Ngày hôm sau, chúng tôi đem hết đám tiền đã đổi ra chùa, thắp hương, nhờ nhà chùa ban phát những đồng tiền đó cho những đứa trẻ khốn khó thường về chùa ngủ sau một ngày lăn lóc, lang thang.

 

Lâu nay mộng làm giàu hình như vẫn hun đúc trong chị và đám con cái một cách ghê gớm. Gia đình chị giàu có tiếng trong vùng, có tới ba bốn cơ nghiệp cao tầng ở quê, bên phố huyện. Nhưng chị vẫn chạy chọt mua đất bên  Hải Phòng để kiếm lời. Người chị mỗi ngày một thêm to béo, phục phịch giống như ông phị mà bọn trẻ mục đồng thường nghịch nặn bằng bùn đất, được chỗ này lại nhễu nhão chỗ kia. Ai đến chơi chị cũng thở dài: Tôi trông thế này mà sống đến đâu biết đến đấy, vì mắc bệnh tim và huyết áp cao…

 

Chị vừa qua đời. Tôi đi công tác xa về kịp. Vợ chồng Thạnh Hạ ở nước ngoài không thể nào nhìn được mặt mẹ chúng lần cuối cùng. Tôi được thông tỏ sự tình: Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện trên Hà Nội, chị đã khoẻ lại và được xuất viện. Chị còn đi chào bệnh nhân ở các phòng bên cạnh. Xuống sân bệnh viện, chị còn tha thẩn dạo quanh khu ngoại thất. Các con cháu mừng lắm! Không ngờ lúc đứng trước một bồn cảnh có bụi hoa huệ nở sót mấy bông hoa trắng và bụi cây đinh lăng xanh tốt, gặp mấy người đang nhổ cỏ… chẳng hiểu sao, chị cứ nhìn đau đáu rồi từ từ ngã sụp xuống, chẳng nói câu nào. Bàn tay cứ vẫy vẫy, cứ trỏ về đám hoa huệ và bụi cây đinh lăng…

 

*

Bây giờ chị tôi nằm đó, bất động, hai tay chắp lên bụng. Mới trước đó trên cổ chị, tay chị đeo đầy vàng lấp lánh. Vậy mà khi này, người chị không một ánh vàng! Chị ơi! Sao trên đời lúc sống bên nhau, người ta cứ gieo cho nhau những khổ đau, oan nghiệt? Để rồi, khi cách mặt khuất lời, đời người còn ngổn ngang bao mối tơ vò? Để rồi… Thương chị, mà lòng em vẫn nặng một nỗi buồn u uất, không thể nào xua nổi nỗi ám ảnh của vàng! Vàng! Nó day dứt dai dẳng như một bóng ma!

Ngoài kia, những lá vàng giấy, những xấp đô la giả con cháu đốt cho chị cháy lem lém, lem lém. Tàn tro bay lả tả trong gió chiều và ánh hoàng hôn đang ùa ra xâm xẩm./.

 

Dương Phượng Toại
Số lần đọc: 1744
Ngày đăng: 24.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Anh yêu em! - Huỳnh Văn Úc
Bạn thâm giao - Phạm Thanh Phúc
Tình Rụng - Thụy Vi
Những kẻ tạm trú - Mang Viên Long
Bóng Tháp - Khuất Đẩu
Ngọc Phật - Bạch Lê Quang
Không đề - Khải Nguyên
Người có công - Nguyễn Viện
Ba chìm bảy nổi - Đỗ Ngọc Thạch
Cõi yên nghỉ - Lữ Quỳnh
Cùng một tác giả
Bóc lại màn đêm (truyện ngắn)
Trăng cuối đông (truyện ngắn)
Người bán bún (truyện ngắn)
Vàng (truyện ngắn)
Bụi tre xanh (truyện ngắn)
Chênh vênh vực thẳm (truyện ngắn)
Cái cổng ngõ (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)