Đến với ngôi nhà chung văn nghệ sĩ(VNS) trong cuộc họp đông đủ lần này, tôi có tâm trạng vui buồn lẫn lộn, vui vì được gặp mặt anh em bạn viết bấy lâu cùng nhau sáng tạo nhiệt tình cho sự nghiệp VHNT theo tiêu chí hội; vui vì vẫn có chốn có nơi mà đi lại, mà lấy cảm hứng sáng tác… Tôi ngước nhìn hàng sấu tơ đang có những chùm quả non tươi giòn, ngỡ ngàng nhú lên, tán nó chưa đủ để toả rộng bóng mát nhưng không bi quan vì sức nó đang cường. Còn nhớ hàng sấu này ta trồng khi về trụ sở mới sau tái lập tỉnh một thời gian, tuổi nó cũng tương đương với tuổi Hội VHNT. Trái chua hay trái ngọt nó dâng hiến cả cho đời. Rồi mùa đông về sấu cũng lặng lẽ trút lá, nhận quy luật giao mùa. Quả sấu, ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần thưởng thức. Tuổi trẻ, ta thích ăn chua và nhăn mặt khoái trá, về già vẫn thèm nhưng đành đợi sấu chín mõm, đem ướp đường để thêm dư vị ngòn ngọt, chua chua… Tôi nghĩ, văn chương thi ca nói riêng và và mọi loại hình nghệ thuật nói chung, cũng như chùm sấu kia, nó ở ngay trong tầm vin bàn tay phàm trần của ta, có phải đâu “ngày đàng gang nước” cao siêu, diệu vợi… Mà cũng lạ, Dân gian sao lại đặt tên cây là “cây sấu” và tên quả cũng là “quả sấu”…Thì ra, ngẫm lại, văn chương cũng là thứ không cùng, thẩm nó còn ở cái Tâm và cái Tầm của mỗi con người vẫn hàng ngày ăn cơm chín, uống nước sôi trên mặt đất. Nó cũng như câu ca dao các cụ ngàn đời để lại : "Thân em như mẹt cau khô/ Người thanh tham mỏng kẻ thô tham dày".
Cũng hôm nay thôi, khi đặt chân vào cổng hội, tự nhiên, tôi lại có phản xạ mới hình thành là: để ý xem bầu bạn thế nào! Vâng, cái ma mãnh, cái hay để ý chi tiết của thằng Văn xuôi trong tôi trỗi dậy và không biết có phải bị ám thị không, tôi thấy bầu không khí hơi oi nồng, bức bối khi có những cái bắt tay chiếu lệ, nụ cười bí hiểm, có cả những câu nói nửa vời, Đấy là sự bất thường trong giới VNS vốn "Tay bắt mặt mừng/ Ôm hôn tưng bừng/ Hát ca phừng phừng…"
Cái cảm nhận thứ 2 là ngắm các lão lai của hội, chân thêm chậm, mắt thêm mờ, có thêm các bệnh già trời vừa khoác…Lũ trẻ rờ rỡ để nối nghiệp vắng bóng, lũ xồn xồn trung niên chúng tôi thì lấm láp áo cơm, tanh bành gia sự, hớt hải sinh tồn. Số viên mãn trong giới chúng ta ít lắm khi cái nghiệp văn chương thi phú trời bỡn cợt khoác thì lại: “Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi”.
Lại buồn nữa là nhận được tin bộ môn Thơ vừa “mất” một người, cái đau là mất không phải do tuổi tác để quy ẩn ông bà ông vải, hay tai nạn xe hơi tàu thuỷ, mà mất vì cái không đâu, không đáng có, mất vì ương ương gàn gàn VNS, cái sự ươn gàn đáng thương và cũng đáng trách. Trong cái đáng trách ấy, tôi trách cả những người cầm cân nảy mực đã nhìn nhận sự việc như bác thợ mộc, áp thước vào miếng gỗ. Để khỏi mất thời gian phi lộ, cho tôi tham luận thẳng vào hai vấn đề chính mà tôi đã trăn trở nhiều ngày nay:
*- Về vấn đề nhân sự trong hội ta, nói cụ thể là công tác xây dựng hội của tập thể BCH và của Hội viên
Cái cộm nhất là Hội ta nghèo quá, nghèo đến thảm hại. Tôi đã đi giao lưu rất nhiều hội trong cả nước và kết bạn với rất nhiều bạn văn, về nhìn lại mới thấy thương Hội ta nghèo. Nói về cơ sở vật chất thì chúng ta có thể đẹp nhất, mát mẻ nhất nhưng kinh phí hoạt động quá loay hoay. Nhuận bút quá bèo bọt và quá chậm chạp, cái nhuận bút ấy không bõ công giấy mực in ấn, đi lại (thậm chí lỗ), trong khi các hội gần ta có nhiều hội nhuận bút truyện ngắn hay ký đến 4 hay 5 trăm ngàn, bài thơ 2 hay 3 trăm và trả ngay tắp lự sau khi báo ấn hành. ấy vậy mới ra nông nỗi “tiếng cả nhà không” và “hữu danh vô thực”.
Phương tiện tác nghiệp báo chí của chúng ta cổ lỗ, in ấn diệu vợi quá. Không thấy cơ quan báo chí nào thời công nghệ thông tin này lại không có mạng internet, không có hộp thư điện tử, trong khi một học sinh trung học cơ sở đã có. Hội viên gò lưng ra viết trên giấy bằng bút bi, mắt đã kém, tay đã run, tẩy xoá nhì nhằng. Tôi đã liếc qua một số bản thảo viết tay mà không biết, hay không luận ra tác giả viết cái gì, không biết để chỗ nào, bỏ chỗ nào, nhiều người bảo đấy là thói quen, viết như thế mới “hứng”… Tôi cho đó là việc không chịu đổi mới chính mình…Chả có cái gì khó cả, văn thơ còn viết được huống chi học vi tính. Nếu đã coi văn chương là nghiệp thì ta cũng tôn trọng ý thức nghề nghiệp.
Về BBT tôi cũng lạm bàn thế này: Do phương tiện tác nghiệp không có, do tiền thù lao ít ỏi nên BBT khổ quá. Tôi thấy BBT mà NV Đoàn Ngọc Hà cầm chịch cũng loay hoay, TBT gò lưng đếm chữ, gò lưng đọc trong khi đó với ông Tổng khác, họ làm một loáng là xong, chỉ một nhát kích chuột trong 2 giây đã biết bao nhiêu chữ, bao nhiêu dấu chấm phẩy, bao nhiêu đoạn xuống dòng, muốn cắt bỏ hay nâng cao một đoạn văn, một câu thơ chỉ cần bôi đen rồi xoá hay chèn vào ngay trên máy vi tính. Cả Tổng và Phó tổng nhà cách Hội gần 20 km lại không biết vi tính, không có địa chỉ Email, phải lóc cóc đi lại trong khi sức khoẻ kém…Các bác ấy vẫn phải tác nghiệp như thế nên chất lượng tạp chí và chất lượng bài vở còn khiêm tốn là điều dễ hiểu.
Cho tôi đặt câu hỏi này với BCH và với lãnh đạo tỉnh về việc đầu tư cho hoạt động hội, Hội VHNT theo điều lệ là: tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, Hội phục vụ cho Đảng, chính quyền và công chúng thì cũng phải được tôn trọng, nhìn nhận ngang tầm nhiệm vụ của nó…Các đồng chí quản lý văn hoá cấp trên cũng hết sức chung chung, đến dự hội nghị cũng bắt bướm xem hoa mà chưa có sự chỉ đạo hay quan tâm cụ thể. Có nhiều cuộc họp đến có mặt và sau khi khai mạc vỗ tay xong là “ lai vô ảnh khứ vô tung”… Liệu các nhà quản lý VH có đủ kiên trì đọc tường tận một số báo của hội chưa và có theo dõi được tâm tư tình cảm của anh em VNS hay không?... Ví von một chút ,VNS là người nấu ăn chế biến món ăn mà người thưởng thức : “thực bất tri kỳ vị” thì tủi hổ chúng tôi quá…Chúng tôi viết cho ai đọc. Nói cho ai nghe?!
Công tác lãnh đạo hội nhiệm kỳ này, theo tôi là yếu hơn nhiệm kỳ trước, có việc lây nhây tồn đọng tài chính để chậm có nhuận bút cho tác giả và không có tiền cho hoạt động Hội. Năm cũ, nhiệm kỳ cũ đã thế, bây giờ lại tái diễn vì vậy nghị quyết vẫn nước đổ lá khoai. Nếu nhìn nhận từ góc độ tổ chức thì “bên trong có ấm, thì ngoài mới yên”. Tội quy vu trưởng, tôi xin chất vấn đồng chí chủ tịch và phó chủ tịch câu hỏi này
*
* Vấn đề Hội viên Hoàng Trọng Muôn cho tôi có chính kiến như sau:
Trong Hội chỉ có tôi, Hoàng Trọng Muôn, Đinh Cầm là lập BLOG cá nhân để giao lưu với bạn văn cả nước. Đấy là thú chơi lành mạnh, thúc đẩy cho việc sáng tạo Văn học. Riêng BLOG của tôi là blog văn chương thuần tuý. Chính vì vậy, tôi là người thường xuyên theo dõi BLOG Hoàng Trọng Muôn. Đây là trang blog đa dạng về chuyên mục, đa dạng về mối quan hệ giao lưu khắp trong Nam ngoài Bắc, chính vì vậy mới sinh ra lắm lời qua tiếng lại.
Trong các chuyên mục blog Hoàng trọng Muôn có chuyên mục :“Điểm tạp chí Sông Châu”…Tôi cũng thán phục là Muôn đọc rất kỹ, xét nét rất kỹ theo phương pháp “tầm chương trích cú” để phản biện, bình luận phê bình tạp chí. Việc làm công phu tốn thời gian ấy vừa có lợi, vừa có hại bởi lẽ những chuyện đáng lẽ trước khi đưa lên công luận báo mạng thì nên tham khảo theo kiểu “vỗ vai bảo nhau” trước đã rồi đưa sau cũng được. Đấy là cái tâm và cái tình cần có trong việc “người nhà đóng cửa bảo nhau”. Ngẫm kỹ thì VHNT là một đặc thù nhạy cảm. Ai đó hãy đặt mình vào cảnh huống: mình là ca sỹ đang hát trên sân khấu mà có một khán giả ngỗ nghịch cầm cà chua trứng thối ném vào mặt liệu còn hứng khởi mà tiếp tục hát nữa không. Nói điều này, tôi muốn ví Muôn đã cố ý hay vô tình làm việc ác ấy. Nó gây tâm lý ám thị những ai được đếm đầu trong lối phê bình chan tương đổ mẻ.
Hội ta, những bộ môn chủ lực (nhất là bộ môn Văn xuôi) có một dúm người, viết lách còn chộp choạp, chủ yếu thiên bẩm chứ có học hành bài bản lắm đâu, vậy sinh ra cảnh diễn viên mở miệng hát trong sự la ó ấy, ai đủ dũng khí hát cho đặng. Vậy là mất tiêu cảm hứng sáng tạo, mất cảm hứng sáng tạo thì còn đâu là VNS nữa. Không còn VNS đồng nghĩa với không còn hội, không còn hội nữa là chúng ta đã chết trong khi đang sống…Cái tai hại là việc làm của Muôn dù xét dưới bất kỳ góc độ lý lẽ nào cũng là việc không nên làm…Trong số các Hội viên ngồi đây, có lẽ tôi là người tường tận nhất những bài viết, phải công nhận Muôn có nhiều cái đúng, nhiều cái nhìn trực diện khá sát, đáng để cho mọi người nhìn lại mình nhưng cũng có một số nhận xét chủ quan chưa có tính xây dựng. Xin phép tôi không đủ thời gian tầm chương trích cú, nhất là những phản bác chê bai với NV đáng kính như Lương Hiền – Đoàn Ngọc Hà - Nguyễn Công Tứ…Những chỉ trích Nhà thơ Đinh Thị Hằng trong bài thơ “Điều răn thứ 9”…Về Tình thì hỗn xược về lý thì chưa biện chứng, chưa thuyết phục. Ngay cả việc đến Hội không được Chủ tịch Hội vồn vã…Cái đó trượt sang thái cực cá nhân, hàng tôm hàng cá…Nhìn nhận rộng ra các NV già, nhất là NV Lương Hiền đáng kính: Văn ông đã đóng góp vào cuộc kháng chiến Vệ quốc với những Tiểu Thuyết mang nhiều tuyến nhân vật, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phê phán thói hèn nhát vụ lợi, với những tập được làm phim dài tập làm xôn sao dư luận một thời, với một bản liệt kê giải thưởng Quốc gia, giải thưởng địa phương, vùng miền hàng trang A4, với số lượng đầu sách đã ấn hành gấp đôi tuổi Hoàng trọng Muôn vậy mà bị phê phán là : “đọc mãi mà không tìm thấy gì”…Dù tác phẩm của Lương Hiền chỉ sống được một thời nhưng nó đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh thời ấy và cũng cần đặt ra câu hỏi: Vậy là bao điều tôn vinh của các học giả, của ban giám khảo cao thấp trên đất nước VN này không có một chút giá trị gì chăng? NV Đoàn Ngọc Hà cũng bị chê bai nặng nề về viết Sex. Theo tôi đấy là những trang mang phong cách riêng, lối tả chân phồn thực…Tôi nghĩ, văn chương mỗi người mỗi giọng và không phủ định nhau, không ai ép uổng nhau phải thế này thế nọ mới hay, tất cả là phong cách và trường phái. Nên hiểu rõ để tôn trọng nguyên tắc này…Đọc Sex và nhìn tranh khoả thân còn phụ thuộc cái tầm của người thưởng thức.
Ngay việc thẩm định thơ cũng vậy, người thì bóng bẩy câu chữ, lảnh lót ngôn từ, người thì thích những con chữ bạc phếch dân dã mà thể hiện, hãy nhìn lại phong cách của Nhà Văn Hoá đa tài Nguyễn Đình Thi, ông có bóng bẩy chút nào đâu, thế mà thơ văn ông vẫn lồng lộng tồn tại. Tôi không lập lờ ví NT Nguyễn Công Tứ với Nguyễn Đình Thi hay càng không phải với Nguyễn Du mà muốn nói: Thơ Nguyễn Công Tứ có giọng riêng, ông cũng thích dùng con chữ dân giã, thế thì tập “Ngỡ ngàng” của ông đạt giải cũng có lý chứ phải đâu BGK là những Nhà thơ, Nhà Văn Trung ương chấm sai chấm cảm tình…Nhiều ví dụ lắm nhưng thôi, tôi sẽ trình bày trên báo Hội trong các số tiếp theo nếu được sự đồng tình …Ngay tập mới ra với tựa đề “Thử bàn về văn học đương đại Hà Nam” cũng đang om sòm cười khóc. Đấy mới chỉ là “thử” nếu “bàn thật” có lẽ tan nhà nát cửa mất thôi. Liệu ai ngồi đây muốn tan nhà nát cửa?...
Tôi mong HTM và tất cả chúng ta, nhất là những người cầm cân nảy mực cần xem lại điều này…Cao hơn văn chương thi phú là cái tình của người với người sống với nhau trong một hội. VNS mà cắn tủng nhau, hắt hủi nhau. VNS mà chẳng biết thương nhau, đồng cảm với nhau thì ta làm sao còn thương được, đồng cảm được với công chúng độc giả, họ sẽ cho rằng chúng ta đầu môi chóp lưỡi…Tôi muốn nói một điều gan ruột là: Tương lai anh có là Nhà văn lớn, lên ngôi sáng giá, lên ông này bà nọ thì cũng nên hiểu rằng: Anh bước ra từ mái nhà số 230 đường Trường Chinh này. Việc phỉ báng và thoá mạ nhau là việc làm trái với đạo lý. Trước khi làm văn cần làm người trước đã.
Về cách làm việc và tiến trình làm việc của BCH tôi cũng xin có ý kiến: Về lý thì BCH do chính lá phiếu của Hội viên chúng tôi bầu ra. BCH của một Hội Văn chương khác với BCH của một tổ chức khác, có nghĩa là phải có tầm nhân văn khi quyết định số phận của hội viên. Việc “rút phép thông công” của một "tín đồ văn chương" liệu có gì khiên cưỡng và ác ý không?...Ta đã có bao nhiêu lần gặp gỡ trao đổi để Hội viên ấy nhận ra cái nên và không nên của mình? ( Tôi không dùng hai từ phải hay trái trong trường hợp này)…Việc phải nhờ đến P25 khảo đả rồi đến ban nọ ngành kia can thiệp. Cũng cho tôi nói thẳng là các cơ quan ấy chưa bao giờ khen VNS, động viên VNS, chỉ anh nào hơi có vấn đề là rất mẫn cán trong việc phán xét. Tôi nghĩ đã đến lúc ta cần có cái nhìn đổi mới về quản lý VH theo tinh thần nghị quyết 23.
*
Với cái tâm của VNS, trước các Nhà Văn, Nhà thơ cho phép tôi bộc trực những băn khoăn của mình trên tinh thần cởi gan ruột mà nói thẳng, nói thật…Trong tâm tôi thương bạn văn của mình lắm, ai cũng khó nghèo, ai cũng thất thái …Nghề văn là nghề khó kiếm tiền, có tiền nhiều khi cũng không biết giữ. Tôi còn nhọ nhạy kiếm tiền, lấy báo nuôi văn, làm thuê làm mướn cho các cơ quan lập kỷ yếu, viết kịch bản phim tài liệu rồi làm quảng cáo, lê la với các Doanh Nhân, Doanh nghiệp, viết sách thì bao người đỡ đầu…Nói chung là kiếm ăn được bằng nghề văn thế mà còn thấy bi quan, huống hồ phần đông bạn viết của tôi lại “vác cột nhà đi bán” để nuôi văn in sách thì đáng nể thật. Thế mà có ai buông bút đâu, chỉ điều ấy thôi cũng để các nhà quản lý rủ lòng từ bi hỷ xả mà xét cho thân phận VNS. Họ là kẻ gan yếu ruột mềm, chỉ có biết phơi gan ruột trên cái "pháp trường trắng".
Mùa hạ đã về… Làn gió nam dịu mát đang vờn lên hàng sấu tơ quanh trụ sở Hội ta. Một lần nữa tôi lại nghĩ về cây sấu và quả sấu đang rung rinh trước mặt…Tôi mong ý kiến chủ quan của mình như chất xúc tác để mọi người ăn sấu cảm thấy ngon miệng hơn…Chất xúc tác ấy có thể là muối hoặc là đường, hoặc là ớt…Sấu là loại quả lành tính không độc, nó có tính chất giải nhiệt rất tốt…/.
Tựa đề của VCV.