(Tạp chí sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam, 2 tháng 1 số)
Dày dặn và phong phú bài vở hơn các số trước là cảm nhận đầu tiên khi đọc tạp chí Sông Châu số 75, được phát hành vào tháng 6 năm 2009. Tuy nhiên, nhiều người đọc lại khá thắc mắc là tại sao những sự kiện lịch sử của tháng 5 đã qua khá lâu, bây giờ lại được viết với khá nhiều bài, giống như một sự tiếc nuối lịch sử, hay nói bóng bẩy hơn là giống một chàng trai sau khi ở nhà bạn gái của mình về mới ngắm nghía lại dung nhan, quần áo, giày dép xem có ổn không. So với báo, tính thời sự của tạp chí ít hơn, nhất là tạp chí văn học hai tháng mới ra một số thì càng khó để cập nhật, nhưng dù làm gì, dù làm thế nào thì báo chí vẫn phải phản ánh mọi mặt đời sống xã hội trong những thời điểm nhất định và vì thế, việc bám sát các sự kiện lịch sử, nhất là những ngày lễ lớn là không thể thiếu. Việc bám sát này, lẽ ra nên đi trước đón đầu các sự kiện để người đọc hiểu hơn về sự kiện đó, về những tâm tư tình cảm, thái độ của mọi người với các sự kiện đó và vì thế mà tạp chí số này nên đi vào các sự kiện của tháng 6 và tháng 7 thì người đọc thấy thích hơn và thấy được sự hiểu biết, tầm tư duy, trí tuệ của tập thể ban biên tập, còn những sự kiện đã qua, nếu viết lại chỉ nên viết dưới dạng các tin hoặc các bài phản ánh ngắn để tổng kết sự kiện.
Điều mà nhiều hội viên tỏ ra khá bực bội là hai số gần đây, mỗi số đều có khá nhiều lỗi chính tả, lỗi trích dẫn thơ và số nào cũng có hội viên có đến hai bài viết đăng trên cùng một số tạp chí, trong khi đó nhiều hội viên khác không có bài được in, nhất là những bài của cùng một hội viên đó, chất lượng cũng chẳng xuất sắc gì nên nhiều người tỏ ra hoài nghi về sự minh bạch cũng như sự công tâm của đội ngũ Ban biên tập. Điều này trước đây chưa xảy ra. Và quả thực, nhiều người đặt câu hỏi: Hình như tờ tạp chí đã là của riêng mấy người trong ban biên tập để họ quý ai, thích ai thì dùng đến hai bài của người đó, còn ghét ai, bực ai thì gạt bài của người đó ra, chứ không phải là của chung cả Hội VHNT nữa. Thực lòng mà nói, những điều đó cũng gây ra ít nhiều dư luận không hay dù phải thừa nhận sự nỗ lực của ban biên tập khi in được một số lượng bài vở khá đáng nể, cũng như tăng số trang in từ 32 trang ruột lên 40 trang khiến tờ tạp chí bỗng nhiên có trọng lượng nặng hơn, cầm trên tay cũng thấy được sự tăng cân của nó. Và dù có không muốn để ý đến ý kiến của các hội viên, của dư luận khi mà Ban biên tập cho là thiếu tinh thần xây dựng và thiếu thiện chí đó thì Ban biên tập cũng nên có được những sự điều chỉnh tốt hơn vì điều này trước đây cũng đã làm rất tốt. Giá như ban biên tập đọc bông kỹ hơn để không xảy ra lỗi chính tả, những lỗi mà học sinh tiểu học có thể dễ dàng nhận ra và các thầy cô giáo có thể cho điểm không vì trừ hết lỗi chính tả thì tạp chí sẽ đỡ hơn những hạt sạn và người đọc, người viết cũng đỡ phải nhíu mày khó chịu, thậm chí cười phá lên như ma làm giữa đêm hôm khuya khoắt khi giở tạp chí ra xem.
Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm đường Trường Sơn huyền thoại đã được các báo chí khác làm cách đây ít nhất là hơn một tháng khi ngày kỷ niệm đến gần, thì bây giờ khi người ta đang chuẩn bị cho những ngày kỷ niệm sắp tới, tạp chí Sông Châu mới quay lại đề cập khá đậm đặc trên tạp chí số 75 này với 7 trang in, trong đó đáng chú ý nhất là bài phát biểu của ông Trần Hổ - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Hà Nam trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh và bài “Về bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh” của Phạm Bá Chức – Phó trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sơn tỉnh Hà Nam với những số liệu khá thú vị. Ngoài ra, còn có các bài viết về Bác của Đinh Cầm, Nguyễn Thế Nữu và các bài thơ của Lê Trung Hợp, Nguyễn Văn Nhuận, Nguyễn Công Tứ, Hoàng Văn Việt, Phạm Lê, Trần Như Thức.
Lùi xa hơn nữa, tạp chí còn tổ chức tới 3 trang in các bài viết về 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ khi mà các đồng nghiệp làm báo khác từ lâu lắm đã hoàn thành nghĩa vụ của mình trong việc phản ánh này. Đó là các bài viết kể lại kỷ niệm của người trong cuộc do Đại tá, nhà văn Lương Hiền viết, bài viết về hoàn cảnh ra đời bài hát Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân và các bài thơ của Phạm Quyết, Lê Đức Quảng, Lương Sơn, Trương Văn Thơ.
Nếu chỉ có thế thì cũng không đáng bàn nhiều vì ngoài hai ngày kỷ niệm đã qua từ lâu được đề cập đến ở trên, hai ngày kỷ niệm khá tiêu biểu của tháng 6 này, được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội và đang là đề tài nóng thì ban biên tập lại không biết lấy đâu ra bài, đành lấy một chùm tranh của thiếu nhi Hà Nam tham dự triển lãm tranh toàn quốc lần thứ Nhất để in với ý nghĩa Kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi mà người đọc không thể đòi hỏi gì hơn, dù trẻ em đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước cũng như toàn xã hội. Đáng buồn hơn nữa là để kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, một ngày của đội ngũ những người trong Ban biên tập mà Ban biên tập cũng không thể đào đâu ra bài viết ra hồn, đành giao cho nhà báo Nguyễn Văn Nhuận của tạp chí viết về những kỷ niệm của tạp chí Sông Châu với bạn đọc bằng một bài văn viết ẩu, trúc trắc, cấu tứ lỏng lẻo, câu chữ khô khan và nội dung thì… chẳng có gì! Bài viết được dàn mỏng ra với phông chữ to và thưa mới kín được một trang tạp chí!
Tiếp tục thực hiện chủ trương viết về cơ sở để phát hành tạp chí, số này, tạp chí Sông Châu có chuyên trang viết về các mặt đời sống xã hội của huyện Kim Bảng với một bài ký của Nguyễn Thế Vinh tổng hợp một cách chung chung các số liệu cơ bản trong bản báo cáo thường niên của một số ban ngành trong huyện Kim Bảng nên người đọc cũng khó thể hình dung người dân Kim Bảng đang sống thế nào, cái gì là điển hình, cái gì đang là trở ngại, thử thách và những cố gắng của họ thể hiện thế nào... Rất tiếc, tôi là một người con đang sống tại Kim Bảng với rất nhiều nguồn thông tin thì đang bị Ban biên tập ghét do bài viết về tạp chí số 74 nên không bảo viết bài. Ngoài ra, thì không có thông tin gì khác hơn, chỉ có một trang thơ của những người xưa viết về Kim Bảng và thơ viết về Kim Bảng của các tác giả đương đại như Minh Thuận, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Xuân Công, cùng hai bản nhạc của Sỹ Thắng và Hạnh Phúc. Giá như làm kỹ hơn, có chiều sâu hơn thì Kim Bảng có rất nhiều tiềm năng, rất nhiều đặc sản, rất nhiều điểm văn hoá, tham quan du lịch, rất nhiều làng nghề, rất nhiều thành tựu trong xây dựng đường giao thông, xây dựng làng văn hoá, thuỷ nông… luôn dẫn đầu toàn tỉnh sẽ được mọi người biết đến dù chỉ là những nét chấm phá nhỏ nhoi. Kim Bảng không nghèo nàn và đơn điệu thế!
Trang Văn học nhà trường có thơ của Đoàn Văn Thanh, Lê Huy Trường, Nguyễn Văn Thắng, Phan Thành Minh và tản văn của Trang Thu. Nhìn chung, thơ số này vẫn là việc cần phải nói khi có tới vài bài thơ cực kỳ nôm na, dễ dãi, vần vè, còn lại thì khá đều đều, na ná như nhau và ít cảm xúc. Đây là vấn đề được bàn nhiều, nói nhiều, thậm chí các cuộc họp, nhà văn Đoàn Ngọc Hà - Tổng Biên tập tạp chí cũng có khá nhiều bài viết phân tích rất sâu sắc về điều này nhưng hình như nhiều người không nghe, không muốn nghe nên sau đó thấy họ thi nhau lên đọc thơ của mình với vẻ kiêu hãnh và tự tin vốn có, còn các sáng tác thì dậm chân tại chỗ hoặc tụt lùi những bước rất dài. Ngoài các bài thơ ở các chuyên mục trên, còn có thơ của các tác giả và hội viên: Hoàng Thị Bảy, Nguyễn Hải Chi, Đinh Thị Hằng, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ngọc Thao. Hầu như cả 5 hội viên bộ môn Thơ vừa được kết nạp đều trình làng những sáng tác thơ của mình, dù cố gắng nhưng so với những bài thơ họ được giải để được kết nạp hội thì thật khó nhận ra họ như thế nào.
Truyện ngắn số này lại được. Chỉ có hai truyện ngắn thôi nhưng chất lượng đều khá. Đó là truyện ngắn Lão kéo vó bè trên sông Lê của Từ Nguyên Tĩnh với giọng văn nhẹ nhàng khai thác khá sâu sắc đời sống và tâm lí của nhân vật Lão Bối, cùng những thăng trầm, những vật lộn của cư dân một khúc sông. Truyện ngắn Chim hoạ mi của Lê Thanh Kỳ, hội viên bộ môn Văn xuôi vừa được kết nạp lại có giọng điệu giễu cợt, đả kích rất khôn khéo và rất hay về một thú chơi kiểu cách của một vị thẩm phán giàu có nhưng hợm hĩnh, cuối cùng đã chết uất ức vì thú vui của mình khi quên mất cả gia đình, người thân xung quanh đang tồn tại. Hai truyện ngắn với hai đề tài khác nhau, lại viết khá có nghề nên đọc khá ấn tượng và thực sự là điểm sáng cho tạp chí Sông Châu số 75.
Ngoài ra, tạp chí số này có bài viết của nhà văn Vũ Minh Thuý giới thiệu về nhạc sĩ Sỹ Thắng trong trang hội viên, bài Lên bắc ký sự của Đoàn Ngọc Hà vẫn là giọng văn nhừa nhựa đầy mới lạ và ngang tàng, kể về chuyến đi Tây Bắc của Ban chấp hành Hội trong tháng 4 vừa qua, khá thú vị. Trang Nghiên cứu phê bình có bài của Nguyễn Đình Lợi viết về một cách hiểu khác bài thơ Kẽm Trống của Hồ Xuân Hương và bài của Bắc Môn viết về sức sống của thơ Đường luật. Ngoài ra còn có truyện ngắn dịch của Hoàng Giang Phú và thể lệ cuộc thi viết về tam nông cùng các ảnh và tin văn nghệ khác. Tạp chí cũng thông báo tin buồn khi nghệ sĩ Nguyễn Lan Tuyết, hội viên bộ môn Âm Nhạc qua đời vì bạo bệnh khi mới ở tuổi 50, thời kỳ chín của sự nghiệp nghệ thuật./.
Tháng 6 - 2009
(In trong tập THỬ BÀN VỀ VĂN HỌC HÀ NAM ĐƯƠNG ĐẠI - Tiểu luận Phê bình – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010)