Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
910
123.197.053
 
Trăng mười sáu
Trần Quang Lộc

Rời bến đò ngang, tôi đi dọc theo con đường làng rợp bóng tre xanh dẫn đến một xóm nhỏ nằm chơ vơ giữa cánh đồng mông quạnh. Con đường đất đỏ ngày xưa đã bao lần bị đạn bom cày xới, rồi được bàn tay con người vun đắp nhưng vẫn chưa xóa hết những kỷ niệm vui buồn của tôi hồi còn là  cậu giáo làng trẻ trung mang nhiều mộng ước.

 

Đến đầu xóm, tôi dừng lại để hỏi thăm về Như Quỳnh , cô học trò thân yêu của tôi ngày xưa. Nhưng những người được hỏi đều lắc đầu bảo rằng, ở vùng quê chiêm trũng này, phần lớn con gái được cha mẹ đặt tên Lài, Lạc, Gái, Lúa, Gà… chứ không có đứa nào mang cái tên như vậy. Tôi thất vọng định rảo bước đi tiếp, bỗng một cụ già gọi giật lại, hấp háy đôi mắt nhìn tôi dò xét, rồi bảo :

- Này cậu gì đó ơi ! Tôi mới sực nhớ ra. Quả thật mười lăm năm trước, làng này cũng có con nhỏ mang tên Quỳnh. Có phải trước giải phóng nó  tham gia du kích ? Rồi sau này, về phụ trách lớp mẫu giáo…

 

Tôi mừng rỡ cắt lời ông lão :

-Thưa bác, đúng là người cháu đang tìm rồi ! Bác làm ơn chỉ hộ cho cháu nhà của Như Quỳnh.

Ông già lặng im trong giây lát như cố lục tìm trong kí ức vốn đã mờ nhạt của một người đã qua khỏi cái ngưỡng “cổ lai hy”, nói  giọng buồn buồn :

- Con nhỏ phụ trách lớp mẫu giáo được một vài năm gì đó thì đăng ký đi bộ đội, cuối cùng hy sinh trên chiến trường Tây Nam ! Ở đây chẳng còn ai là họ hàng thân thích nữa.

Sau câu nói của ông già tốt bụng, tôi đứng lặng người!. Một lúc sau, tôi mới nói được lời cảm ơn ông lão rồi quay gót trở lại con đường cũ.

 

Năm đó, tốt nghiệp ngành sư phạm, tôi được phân bổ về dạy tại một trường trung học thuộc vùng mất an ninh của một huyện lỵ miền Trung. Ngày đầu tiên đến trường nhận lớp, tôi rất ngạc nhiên vì học sinh lớp đệ ngũ do tôi hướng dẫn hầu hết lớn tồng ngồng, không thua kém gì bọn học sinh đệ nhị cấp. Một anh bạn đồng nghiệp mách nhỏ, học sinh ở vùng xôi đậu này là vậy đó anh à, Có nhiều em đang học lớp đệ ngũ, đệ tứ tự dưng bỏ học nửa chừng ra đi lấy chồng, lấy vợ hoặc đi tham gia kháng chiến nữa đấy!

 

Trong số bốn mươi hai học sinh lớp tôi phụ trách, Như Quỳnh có phần nhỉnh hơn. Quỳnh học rất giỏi lại nhanh nhẹn, thông minh, xinh xắn, lúc nào trên môi cũng nở nụ cười. Vì vậy, tôi giao cho Như Quỳnh làm lớp trưởng. Quỳnh rất quí tôi và tích cực giúp tôi trong công tác phụ trách lớp.

 

Mỗi buổi chiều tan học, Quỳnh cứ lẽo đẻo theo tôi suốt từ cổng trường cho đến khi tôi bước chân lên chuyến đò ngang cuối ngày để sang bên kia sông trở về thị trấn. Những lần đầu Quỳnh còn e dè không dám gợi chuyện. Sau thành quen và Quỳnh thường bắt tôi nói về thành phố biển quê tôi, về những vùng quê yên tĩnh chưa bị chiến tranh tàn phá, về cuộc sống của đám học sinh thành phố. Quỳnh tâm sự : Lẽ ra năm nay em phải học lớp đệ tam hay đệ nhị rồi thầy ạ ! Tuổi thật của em mười sáu rồi chứ có bé bỏng gì đâu. Nhưng sống trên  miền quê  nghèo lại “tranh tối tranh sáng” thế này biết làm sao hơn hả thầy. Em ước mong sẽ được vào học trường sư phạm để sau này ra làm cô giáo và nhất là được dịp biết về thành phố biển của thầy.

 

Thật tình mà nói, vừa mới ra trường, giảng dạy tại một vùng quê đang có chiến tranh rình rập hàng ngày mà được một cô học trò thông minh, biết suy nghĩ như người lớn như Quỳnh để sang sẻ, lòng tôi cũng đựơc an ủi phần nào, tình thầy trò chúng tôi vì vậy mà ngày càng gắn bó  hơn. Giờ Việt văn, nếu vắng Quỳnh, tôi cảm thấy lớp học bỗng trở nên buồn tẻ, tiết học cũng nhạt nhẽo, thiếu sinh động. Những buổi chiều từ trường đến bến đò ngang không có Như Quỳnh đi bên cạnh, tôi lại thấy man mác buồn!. Có nhiều hôm, tơi bị ốm hoặc khu vực trường có biến cố phải tạm nghỉ học, Quỳnh rủ bạn gái lội bộ gần tám cây số đến nhà trọ thăm tôi và giúp tôi nhiều thứ lặt vặt. Đến một hôm, tình cờ tôi nhận ra trong ánh mắt của Quỳnh đang tiềm ẩn một điều gì đó rất lạ, không phải là ánh mắt của một cô học trò đối với thầy mà là ánh mắt của một người con gái đang đến tuổi biết yêu!

 

Về phần tôi, thú thực, đôi lúc cũng phải giật mình khi phát hiện ra, ngoài tình thầy trò, tôi còn dành cho Như Quỳnh một thứ tình cảm nào đó rất mơ hồ, rất khó nhận dạng. Là một thầy giáo tuổi đời chưa quá hai mươi nhăm, nhưng tôi vẫn ý thức được rằng, cần phải loại ra khỏi đầu óc của mình những suy nghĩ lệch lạc, thứ tình cảm mơ hồ vẩn đục có thể làm tổn thương đến tình thầy tró vốn rất hồn nhiên trong trẻo...

 

Gần cuối năm học, tôi phát hiện ra học lực của Như Quỳnh bổng dưng giảm sút đến tồi tệ: bài học ít khi thuộc, bài kiểm tra các bộ môn chỉ đạt điểm bốn điểm năm!. Giáo viên bộ môn cứ than phiền với tôi về Như Quỳnh. Tôi nghĩ rất đơn giản, có lẽ đây là thời  kỳ chuyển biến về tâm sinh lý của một cô gái đang đến tuổi dậy thì.

 

Để giúp Như Quỳnh yên tâm tập trung vào việc học, tôi dần dần tránh xa Như quỳnh và thường tỏ ra nghiêm khắc hơn trong tình cảm thầy trò. Nhưng tôi thất vọng vì mọi cố gắng của tôi đều không mang lại hiệu quả!.

 

Một hôm, bắt gặp Quỳnh đang ngủ gật trong lớp, tôi gọi em lên bảng giận dữ quở trách :

- Quỳnh ! Là một lớp trưởng em phải làm gương cho các bạn noi theo. Đàng này lực học ngày càng giảm sút lại còn tỏ ra vô kỷ luật trong giờ học. Em đã đánh mất niềm tin của bạn bè, làm tiêu tan mọi hy vọng của thầy cô. Nếu cứ tiếp tục học kiểu này thì em nên thôi học ở nhà giúp cha mẹ còn hơn.

 

Với đôi mắt dân dấn nước, Quỳnh nhìn tôi vừa như nhận lỗi vừa như trách cứ. Thái độ của Quỳnh càng làm tôi thêm điên tiết :

- Em không xứng đáng là học sinh của tôi. Với quyền hạng của giáo viên hướng dẫn lớp, tôi cho em tạm nghỉ 3 ngày làm bản kiểm điểm kể từ chiều nay. Em hãy thu xếp sách vở đi ra khỏi lớp!

Quyết định dứt khoát và bất ngờ của tôi khiến Quỳnh úp mặt vào lòng bàn tay khóc nức. Một lúc sau, Quỳnh lặng lẽ ôm cặp rời khỏi phòng học trước sự ngỡ ngàng của tôi và cả lớp.

Ngay buổi chiều hôm ấy, trên con đường trở về nhà trọ, tôi mãi tự trách mình quá nóng vội đưa ra hình thức xử phạt quá khắc nghiệt dành cho một cô học trò chăm ngoan mới lần đầu sai phạm.

 

Sau đó mấy hôm, tôi vô cùng ân hận khi nhận được tin Quỳnh bỏ học để gia nhập vào lực lượng du kích huyện!. Thì ra, Quỳnh đã được một cơ sở bí mật móc nối đưa vào tham gia hoạt động cách mạng từ đầu học kỳ II. Ban ngày, Quỳnh đến trường, ban đêm hoạt động nội tuyến. Thế là cả lớp đã mất đi một người bạn tốt, một lớp trưởng mẫu mực; tôi mất đi một cô học trò chăm ngoan và không hẹn ngày gặp lại.  Sau một đêm suy ngẫm, tôi mới nhận thức được rằng, cuộc chiến tranh khốc liệt quá, khủng khiếp quá! Không những gây chết chóc đau thương mà còn cướp đi những hoài bảo, những ước mơ của lứa tuổi học trò. Mất Như Quỳnh, lòng tôi thật trống rỗng, cuộc sống của anh giáo làng quá tẻ nhạt và vô vị.

 

Rồi một lúc nào đó, bỗng dưng trong đầu tôi  lại loé lên một ý nghĩ : lòng người thay đổi bất thường, Như Quỳnh còn trẻ người non dạ, sống chủ yếu bằng cảm tính, bằng trái tim. Có thể Quỳnh lấy việc tôi đuổi học làm hận thù. Từ suy nghĩ đó, những buổi chiều nhâp nhoạng, trên con đường từ trường đến bến đò ngang, tôi cứ thấp thỏm lo âu  tưởng tượng có một họng súng đen ngòm đang lẩn khuất sau lùm cây nào đó và sẵn sàng hướng về phía tôi nhả đạn!. Vài vụ thanh toán nhau theo kiểu này đã từng xảy ra trên những vùng xôi đậu, tranh tối tranh sáng.

 

Đề phòng sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, tôi quyết định xin thuyên chuyển về giảng dạy tại một trường trung học trong thị trấn. Ơ đơn vị mới tuy an ninh hơn, việc đi lại thuận lợi hơn, đám học trò thị trấn chăm ngoan hơn, nhưng hình ảnh cô học trò cũ vẫn cứ mãi in đậm trong ký ức.

 

Khoảng vài năm sau, kể từ ngày tôi và Như Quỳnh xa nhau, tòan tỉnh Q – N được giải phóng, tất cả các trường học trong tỉnh vẫn tạm duy trì và chờ lệnh mới của chính quyền cách mạng. Nhiều đêm thức trắng, tôi suy nghĩ lan man, không biết bao giờ mới về lại quê nhà, có còn gặp lại người thân nữa hay khống?! Cuộc chiến tranh ngày càng ác liệt, thị trấn quê tôi chắc chắn không thể tránh khỏi những thiệt hại nặng nề về người và của, ba má tôi hiện giờ đang phiêu bạt phương trời nào…Tôi  mong chiến tranh sớm kết thúc để được về sum họp với gia đình. Không ngờ ước mơ của tôi sớm trở thành hiện thực. Tôi mừng đến phát điên lên khi nghe đài BBC loan tin thị trấn quê tôi vừa được giải phóng. Niềm vui cả nỗi buồn lúc này cứ lẫn lộn.

 

Không thể chần chờ được nữa, ba hôm sau, tôi  đến trường xin giấy chứng nhận đi đường rồi khẩn trương thu xếp quần áo, gia nhập vào đòan người đang lũ lượt xuôi về phương Nam . Đoàn người như một đám lính thất trận, nói đúng hơn, chính xác hơn là những tân binh ngụy còn rất trẻ, có nhiều em vừa mới rời khỏi giảng đường đại học thì bị gọi nhập ngũ. Sau sáu tháng quân trường, họ bị đẩy ra vùng I chiến thuật. Xét thấy đám tân binh chưa tham gia đánh đấm lần nào, chưa gây nợ máu nên chính quyền cách mạng mở lượng khoan hồng cho về nam đoàn tụ gia đình. Những con người may mắn được sống sót này, họ như những con ma đói, áo quần tơi tả, bàn chân sưng tấy đã vượt qua trên bảy trăm cây số dưới cái nắng như thiêu đốt của những ngày tháng 4 năm 1975 mới đến được nơi này. Ý thức được trở về sum họp với gia đình thôi thúc họ cố gắng vượt qua tất cả. Cuộc hành trình của tôi chưa đầy 12 cây số mà đã lọt qua hơn 20 trạm kiểm soát lớn nhỏ. Chặt chẽ thế cũng đúng thôi. Tuy tỉnh nhà vừa được giải phóng, nhưng miền Nam còn đang đánh lớn, biết đâu bọn tề điệp lợi dụng mọi sơ hở để quấy phá chính quyền cách mạng. Khoảng giữa trưa, đoàn người chúng tôi đến trạm kiểm soát cuối cùng của huyện. Trạm này đóng trên một vùng đồi núi hoang vắng, giáp giới với một tỉnh phía nam. Đây là một trạm kiểm soát nổi tiếng nghiêm ngặt nhất và khủng khiếp nhất. Nghe nói mệnh lệnh của lãnh đạo trạm kiểm soát này là, thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót. Đoàn người chúng tôi dừng lại trước cổng trạm theo hiệu lệnh của người trưởng trạm.

 

Người trạm trưởng có khuôn lưỡi cày và trên nét mặt còn hằn sâu nét hận thù giai cấp, ông ta ngoắc tôi lại ra lệnh xuất trình giấy tờ, tôi đưa anh ta xem đủ các loại giấy tờ chứng minh mình là giáo viên. Tôi đoan chắc, văn hóa của anh ta chưa qua lớp một nên cứ lật qua lật lại mấy tờ gấy hàng chục lần. Cuối cùng với nét mặt sắt lạnh, ông phán một câu làm tôi thót tim: anh không phải là giáo viên giáo cục gì cả. Anh là sĩ quan hay một cảnh sát nguỵ cải trang. Anh trở lại hàng ngũ và chờ lệnh. Trở lại hàng ngũ có nghĩa là…tiêu rồi! Lúc đó tôi có cảm nghĩ như vậy. Tôi hoảng hốt van xin:

- Anh ơi, tôi là giáo viên thật mà. Tôi vội rút tờ giấy giới thiệu do ông hiêu trưởng ký đưa cho anh trạm trưởng: Đây là tờ giấy giới thiệu đi đường ông hiệu trưởng mới vừa ký ngày hôm qua mà anh?

 

Người trạm trưởng cầm tờ giấy lật qua lật lại nhiều lần, quắc mắt bảo:

-Thôi dược , để tôi xác minh lại.

Ngay sau đó, người trạm trưởng gọi hai thuộc hạ đến nheo mắt rồi hất đầu về phia đám lính. Nhận mật hiệu của thủ trưởng, họ biết phải làm gì. Một anh bảo đám lính:

- Nầy các anh kia, theo tôi  lại đằng kia nghỉ mát đã

 

Những con người đói lả lảo đảo bước theo anh du kích đi về phía bìa rừng, còn anh trạm trưởng đích thân dẫn tôi đến một phòng giam gần đó mở khoá cửa ấn tôi vào rồi lập tức khoá lại. Dưới ánh sáng lờ mờ của phòng tạm giam, một vài người chắc cũng trong hoàng cảnh như tôi đang ngồi ủ rũ, vẻ mặt lộ nét lo âu. Tôi ngẫm nghĩ, lúc này chưa có luật pháp rõ ràng, sinh mệnh của chúng tôi hoàn toàn nằm trong tay người trạm trưởng. Chưa nghĩ hết ý thì mấy loạt đạn từ đâu đó vọng sang. Tôi như người trúng đạn đổ gục xuống sàn nhà, cổ họng tắt nghẽn, tinh thần hoảng loạn, đầu óc mụ mỵ dần, một lúc sau, chìm lĩm vào cơn ác mộng.Trong mơ, tôi bắt gặp một đoàn người quần áo nhuếch nhác, thân hình  gầy đét như que tăm đang bấu víu nhau  lảo đảo ngược về phía hoàng hôn. Máu từ trên tráng, trên ngực, trên bụng của họ tuôn ra xối xả hòa thành dòng suối đỏ lòm chảy tuôn ra phía biển. Bất chợt, một hình người mình bê bết máu, đầu vỡ toang hoát, đôi tròng mắt bật ra ngoài tách hàng chới với chồm về phía tôi níu kéo. Tôi bỗng thét lên một tiếng kinh hoàng và choàng tỉnh. Người ngồi bên cạnh vỗ nhẹ vào vai tôi bảo:

-Làm gì mà kêu thét khủng khiếp thế anh bạn?

 

 

Tôi ngồi im lặng, đầu óc nặng chịch. Khoảng xế chiều, trong lúc tôi đang ngồi bó gối nghĩ về số phận thì có tiếng chìa khoá tra vào ổ khua lách cách, cửa phòng bật mở. Một cô gái còn rất trẻ mặc quân phục, đeo súng ngắn bên hông xuất hiện. Tôi nghĩ bụng, có lẽ đây là một cán bộ cấp trên đến để quyết định số phận của chúng tôi. Nữ cán bộ bước vào phòng giam đảo mắt nhìn khắp mọi người một lượt…Bất chợt, cái ánh mắt ấy bỗng chiếu thẳng vào người tôi rồi dừng lại. Nhờ nét mặt thanh tú và đôi mắt quen thuộc, tôi nhận ra ngay cô gái ấy chính là Như Quỳnh, cô học trò cũ! Trời ơi! Tôi bỗng co rúm người, mắt cụp xuống và đinh ninh, đời mình đến đây là kết thúc! Quỳnh sẽ không bao giờ tha thứ về cái tội ngày xưa bị tôi đuổi học. Nếu không bị xử bắn ngay lập tức thì cũng bị đưa lên núi học tập cải tạo ít nhất là vài ba năm rồi bỏ mạng chốn rừng thiêng nước độc!. Trong lúc tôi đang hoang mang đến cực điểm thì bất chợt, Quỳnh lao thẳng về phía tôi, giọng đầy xúc động:

-Thầy ơi! Sao em lại gặp thầy trong hoàn cảnh này! Em cứ ngỡ sẽ không còn được gặp lại thầy nữa !

 

Sau đó, Quỳnh đưa tôi vào một căn phòng nhỏ gần trạm kiểm soát. Lúc này chỉ còn có tôi và Quỳnh. Chúng tôi ngồi đối diện nhau, im lặng, ... Một lúc lâu, Quỳnh lên tiếng bằng giọng hờn trách pha chút ngậm ngùi :

- Em đã biết nguyên nhân  thầy xin chuyển trường. Thầy lo xa như thế cũng phải. Với con nhỏ Như Quỳnh ngây thơ, ngờ nghệch lại đa cảm thì ai dám tin tưởng một điều gì?!. Nhưng có một điều thầy chưa hiểu được, đó là sau khi thầy rời trường cũ, có những buổi chiều em cứ lang thang trên con đường từ trường đến bến đò ngang rồi đứng tần ngần nhìn sang bên kia bên kia sông như người vô hồn cho đến trời chạng vạng ...

Tơi ngập ngừng :

- Quỳnh ... Quỳnh hãy tha lỗi cho tôi. Tôi vô cùng ân hận khi hiểu về Như Quỳnh. Sau ngày em thôi học, lương tâm tôi luôn bị dằn vặt ... Nhưng thôi, Quỳnh nhắc lại làm gì chuyện cũ. Tôi đi vào thực tại – Qùynh biết đấy, bây giờ tất cả đã đổi khác rồi. Cũng như em, đâu còn là cô học trò như ngày xưa mà đang là nữ cán bộ đàng hoàng chững chạc. Còn tôi, một nghi phạm đang chờ xét xử.

 

Quỳnh bỗng thở dài:

- Hay là thầy cứ ở lại đây tiếp tục giảng dạy. Khi nào đường sá thông thương, xe cộ đi lại bình thường, lúc ấy thầy về thăm nhà cũng chưa muộn ?

Tất nhiên tôi không thể chấp nhận lời đề nghị của Như Quỳnh. Thị trấn quê tôi mới vừa giải phóng, chắc chắn không thể tránh khỏi hy sinh mất mác, cha mẹ tôi chưa biết sống chết thế nào, lòng tôi cứ như lửa đốt. Trong lúc chúng tôi đang nói chuyện bỗng có lệnh từ huyện gọi Quỳnh về gấp nhận công tác mới. Quỳnh vội đứng lên nắm chặt lấy tay tôi bùi ngùi không nói. Tôi an ủi:

-Thế nào sau này tôi cũng trở lại tìm em, lúc đó thầy trò ta sẽ có thời gian để nói những gì mà hiện giờ chưa thể nói được. Em hãy bảo trọng, cuộc chiến tranh ác liệt chưa thật sự kế thúc!.

Chúng tôi từ biệt nhau trong buổi chiều nhập nhoạng. Suốt đêm hôm đó tôi không thể nào ngủ được, nghĩ về cuộc chiến, nghĩ về Như Quỳnh, nghĩ về quê hương, nghĩ về ba mẹ tôi không biết còn đang ở phương trời nào. Ngay sáng hôm sau, tôi dậy sớm và nhận được  thư của Quỳnh gửi đến. Quỳnh viết rất vội :

 

Anh, trước nhất, em xin thầy hãy cho em được thay đổi cách xưng hô. Đó là điều mà em ước mơ từ những năm trước, nhưng đến bây giờ mới dám thực hiện được. Em đâu còn là cô học trò bé bỏng của ngày xưa nữa phải không anh?

 

Lẽ ra, em phải đến để tiễn anh một chặng đường, nhưng em không thể. Mong anh tha thứ cho em. Còn đây là tờ giấy thông hành do huyện ủy cấp, nó sẽ giúp anh an toàn trong thời gian đi đường. Mặc dù cuộc chiến đã sắp đến hồi kết thúc, nhưng vẫn còn nhiều bất trắc lắm anh à. Anh phải hết sức cẩn trọng. Sau này dù trong hoàng cảnh nào anh cũng trở lại thăm miền quê khốn khổ này. Em sẽ mãi chờ anh

 

Cầu mong anh bình an trên cuộc hành trình

Em

Như Quỳnh

 

Đọc xong thư của Như Quỳnh, mắt tôi cay xè, cổ họng nghẹn cứng!

 

Trước khi nối tiếp cuộc hành trình, người trạm trưởng tặng tôi một gói lương khô của nước bạn Trung Quốc và không quên chúc thượng lộ bình an.

 

Hơn một tuần lễ lội bộ vượt gần 200 cây số trên con đưởng Bắc Nam, tận mắt trông thấy cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp mà chuộc chiến vừa mới để lại: dọc đường la liệt những xác chết chương sình của lính, của dân thường, trẻ có, già có  nằm rải rác. Mùi hôi thối bốc lên ngất trời! Xe cộ cháy sém, hư hỏng của đội quân thất trận, của những người chạy nạn vứt bỏ ngổn ngang; hai bên đường làng xóm tan hoang, có những ngôi nhà còn đang bốc cháy!. Bọn lưu manh thừa nước đục thả câu. Chúng giả danh du kích địa phương chận đường trấn lột, cướp bóc những người khốn khổ như chúng tôi. Tôi bị chúng đoạt mất cặp kính pilot gọng vàng của người bạn tặng nhân ngày tôi tốt nghiệp!.

 

Sau nhiều ngày lang thang dọc đường thiên lý, tận mắt nhìn thấy hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến vừa mới để lại, tôi trở về thị trấn quê nhà thì nhận được tin ba mẹ tôi đã mất trên đường đi di tản!.  Mất mát quá lớn lại còn bị chính quyền địa phương gây khó khăn, o ép bởi tôi là người của chế độ cũ!. Chưa kịp nhìn thấy bộ mặt quê mình vừa mới được giải phóng, tôi lập tức rời thị trấn vào Sài gòn sống với người anh rể, sau đó tiếp tục làm nghề giáo chức. Cuộc sống được bình ổn, thỉnh thoảng mối tình đầu trong trẻo, hồn nhiên của một thời xa lắc xa lơ cứ dào lên với bao kỷ niệm mãi thôi thúc tôi về lại chốn xưa tìm gặp người học trò cũ. Thì hỡi ơi! Em tôi đã về cõi vĩnh hằng!../.

 

Trần Quang Lộc
Số lần đọc: 1634
Ngày đăng: 26.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người hậu vệ - Nguyên Minh
Chân dung tự họa - Nguyễn Lệ Uyên
Đám Cưới Vàng - Đỗ Ngọc Thạch
Nhật ký tình yêu - Đổ Quỳnh Anh
Vàng - Dương Phượng Toại
Anh yêu em! - Huỳnh Văn Úc
Bạn thâm giao - Phạm Thanh Phúc
Tình Rụng - Thụy Vi
Những kẻ tạm trú - Mang Viên Long
Bóng Tháp - Khuất Đẩu
Cùng một tác giả
Ranh giới mong manh (truyện ngắn)
Lan trinh nữ (truyện ngắn)
Hoàng hôn quê ngoại (truyện ngắn)
Trăng mười sáu (truyện ngắn)
Nửa Đời Nhìn Lại (truyện ngắn)