Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.272
123.158.214
 
Thi Sĩ Thiêng Liêng—Poeta Sacer
Hamvas Béla

(Trong tiểu luận triết học Những câu chuyện vô hình) Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung

Nhìn lại khoảng hai trăm năm gần đây của lịch sử có thể thấy nỗi lo âu theo kiểu cảm giác xa lạ của con người khó bóp chết được. Cứ như theo kế hoạch từ thế hệ này sang thế hệ kia, từ từ biến mất từ trên xuống dưới, trước tiên là vua, sau đó lần lượt: giáo chủ, đại quý tộc, chính khách, nhà bác học, quân nhân, nghệ sĩ, những người này hoặc biến mất luôn hoặc thay thế vào vị trí của họ là những nhân vật khả nghi.

Có kẻ muốn lập lại trật tự, như Napoléon đã từng thử, để lấy lại sự kính trọng cho tầng lớp vua chúa. Hoặc một số giáo chủ và các nhà đại quý tộc muốn cứu vớt tầng lớp giáo sĩ và quý tộc. Hoặc nảy sinh vài ba chính khách, vài nhà bác học, vài quân nhân, vài nghệ sĩ. Nhưng tất cả những điều này chỉ được coi như một vài cá biệt.

Bởi không chỉ một số dòng họ cai trị nào đó biến mất, mà ngay cả con người mang phẩm chất quý phái cũng biến mất; tầng lớp giáo sĩ và quý tộc biến mất, chỉ để lại những sinh thể giáo sĩ và thị dân. Đúng hơn những tầng lớp này rút lui, từ bỏ vị trí của mình.

Có thể không vì sự yếu đuối họ hành động, mà ngược lại, từ sự cân nhắc và đánh giá tỉnh táo.

Họ rút lui, bởi sự hiện diện của nhân loại không bao giờ đáng trở thành vật hy sinh cho một nạn dịch đen tối, khi sự ngự trị của họ không được coi trọng nữa.

Nhưng sự đánh mất vị trí của những con người lớn lao, việc rút lui của họ chỉ trở nên một nỗi mất mát đáng khủng khiếp với ai nghe thấy, và hiểu. Đám đông—từ mọi phía chìm xuống nạn dịch đen tối—gào rú một cách hân hoan.

Tình thế trở nên nguy kịch vì những người lớn lao đã rút lui, cuộc thử nghiệm lập lại một trạng thái xã hội trang trọng vấp phải khó khăn và đã thất bại.

Nạn dịch bắt đầu khi tất cả muốn trở thành kẻ được truyền ngôi vua.

Nạn dịch tiếp tục khi tất cả bắt đầu yêu sách với giới tăng lữ, với giới quý tộc, và sau cùng với giới tri thức.

Không có gì ghê gớm, họ nói. Tất cả mọi người đều có thể trở thành kẻ cai trị, đều có thể trở thành linh mục, thành bác học, nghệ sĩ. Tất cả chúng ta đều như nhau. Tất cả chúng ta đều biết tất cả, và nếu chúng ta không biết, chúng ta học.

Như thể tính chất vua chúa, tính chất đại quý tộc và tính chất tăng lữ đều có thể học được.

Khi các vị vua nghe thấy điều này, họ thoái vị; các linh mục, các nhà bác học, các chính khách đều làm như vậy.

Một vài người khác cất tiếng, họ liền bị xé xác. Những người còn lại bèn bảo: nếu các anh cần quyền lực, thì các anh hãy thành kẻ cai trị đi; nếu các anh cần thành quý tộc, thì các anh hãy thành quý tộc đi.

Làm sao khác được?

Muộn hơn, kinh phúc âm của nạn dịch tấn công, và sự tráo màu khổng lồ của thế gian bắt đầu chuyển động theo hướng ngược lại, bôi bẩn tất cả những gì trong sạch, lay động tất cả những gì lớn lao, dẫm bẹp tất cả những ai ngẩng cao đầu, và đầu độc tất tật những gì khỏe mạnh.

Thế là mọi sự vật rơi vào hiểm nguy và biến mất: nhà nước, quốc gia, dân tộc, công ăn việc làm, nền kinh tế, tôn giáo, tình yêu, cái đẹp, sức mạnh, chiến tranh, sự quý phái, trò chơi, nhu cầu, sự thật.

 

2.

Der Tempel brennt, ein halbes tausend Jahr muß weiterrollen bis er neu erstehe (Stefan George) — ngôi đền linh thiêng bốc cháy, năm trăm năm nổ rền trên đầu chúng ta, cho đến khi được xây lại: Nơi linh thiêng, vòng tròn thiêng của cuộc sống chung, bầu trời Temenos.

Một thế hệ tăm tối đã xâm nhập và đốt cháy đền. Các vua chúa, các đại quý tộc, các chính khách, các giáo chủ, các nghệ sĩ cần phải từ bỏ vị trí.

Từ đó đến nay cuộc sống ở ngoài vòng tròn thiêng liêng: nó bẩn thỉu và vô thần. Không trung tâm, không chủ, không sự kính trọng—chỉ còn chiến lợi phẩm cướp được, chỉ còn âm mưu. Không có trách nhiệm, chỉ còn lợi ích. Không có sự chỉ dẫn.

Các quyết định thường được khẩn cầu từ những vị thần, thành Delphi của nhân dân tuyên bố cần phải làm gì khi có sự nguy hiểm và hoang mang: Trung tâm là kẻ chịu trách nhiệm, đấy là Quyền lực, là một Đấng. Tất cả mọi Delphi đã mất. Không gian Temenos đã bị phá vỡ.

Sự nguy hiểm và nỗi hoang mang đã đến, không còn các quyết định, không còn phương hướng, không mục đích, không con đường, chỉ còn sự hỗn loạn, nhầm lẫn, sự nhục nhã, đói nghèo, khốn khổ, sự hãi hùng, các lo âu, tội ác, sự sỉ nhục.

Tất cả mọi người, ai đã biết một cái gì đấy, đã am hiểu về một cái gì đấy, ai dám một điều gì đấy, ai đã từng là một ai, đều lẩn trốn.

Der Tempel brennt.

 

3.

Vòng tròn thiêng liêng giờ đây chỉ còn lại đúng một người gìn giữ: NHÀ THƠ.

Không thể biết, các vua chúa, giáo sĩ, các nhà quý tộc, các quan tòa, quân nhân hay nghệ sĩ yêu cầu nhà thơ hãy ở lại, hay nhiệm vụ này thi sĩ tự gánh vác; có thể đây là người cuối cùng, khi tất cả đã đi xa, người này nói: ta sẽ trụ lại. Hoặc người này sẽ ra đi nốt, không gian Temenos sẽ không còn ai trú ngụ và giữ gìn nữa.

 

4.

Từ giây phút trong cái vòng tròn thiêng ấy chỉ còn duy nhất THI SĨ sót lại, bắt buộc đảm nhận quyền lực của vua chúa, đảm nhận phẩm chất của giới quý tộc, thói quen nghi lễ của linh mục, bản năng chiến đấu của người quân nhân, tri thức về sự thật của quan tòa, nỗi say mê ngây ngất của nghệ sĩ, của nhà bác học—từ giây phút ấy nhà thơ đã vượt hẳn tầm vóc của nhà thơ.

Trước kia ta có thể hài lòng với tuyên bố của ngành lịch sử văn học, rằng nhà thơ là người thể hiện tinh thần của dân tộc. Bởi vì thời xa xưa nhà thơ đúng là và gần như không là gì khác, ngoài một kẻ đi diễn đạt. Mặc dù không luôn luôn, nhưng nhà thơ thường xuyên là một thực thể chính trị, kẻ đi diễn giải về thế giới của một giai cấp, của một tầng lớp, hoặc của nhân dân.

Sự diễn giải này được hiểu như sau: cái tinh thần, hình ảnh, cảm xúc của một dân tộc đã có sẵn, nhà thơ chỉ việc đi tìm ngôn ngữ diễn đạt nó, khiến nhân dân cùng hiểu như khi mình diễn đạt.

Nếu anh ta có tìm ra cái gì mới hơn để nói, đó chỉ có thể do cách diễn đạt riêng của nhà thơ mà thôi. Nếu nhân dân, thời gian, giai cấp muốn cách mạng, nhà thơ diễn giải về cách mạng, nếu bị bóc lột, thì về sự bóc lột, nếu thất bại, thì về sự thất bại, nếu hy vọng thì về sự hy vọng.

Luôn luôn như thế và chỉ từng có thế. Nhà thơ là một kẻ diễn đạt.

Sau đó tiếp đến thời kỳ tâm lý học, và người ta bắt đầu lý giải nhà thơ bằng tâm lý. Từ một nhà chính trị, nhà thơ trở thành kẻ thiên tài.

Tâm lý học tách biệt người thường ra khỏi kẻ có tài, và nghiên cứu các mức độ của tài năng. Tài năng lớn là thiên tài. Cách tiếp cận điều này là làm sao cho người ta hiểu. Nếu hiểu được. Điều này hoàn toàn không bao giờ có thể, bởi thiên tài về mặt chất lượng khác hẳn kẻ bình thường. Nhà thơ mang một phẩm chất tâm lý cao hơn hẳn.

Lịch sử tư duy thử kết nối hai lý thuyết trên đây lại với nhau.

Người ta kết hợp kẻ diễn đạt và thiên tài lại với nhau rồi tuyên bố, nhà thơ là kẻ từng trải và là kẻ đi chắt lọc.

Các triều đại lịch sử, các quan điểm thế giới quan, các khuynh hướng hành vi tinh thần nhồi nhét trong vai trò của nhà thơ. Nhà thơ là kẻ, sống trải qua toàn bộ các giai đoạn lịch sử thế giới, rồi chắt lọc, tập hợp lại và vĩnh cửu hóa tất cả. Vì thế từ quan điểm lịch sử và phát triển tinh thần, sự quan trọng của nhà thơ kéo dài đến vô tận, hơn cả ách cai trị, chiến tranh hay nạn động đất. Nhà thơ là một đại diện chân chính về tinh thần của lịch sử.

Trong hình thái học văn hóa xuất hiện một lý thuyết mới. Nhà thơ giờ đây được coi như một kẻ sáng tạo văn hóa. Thi ca là một nhân tố văn hóa, giống như luật, tôn giáo, nghệ thuật và tư duy. Văn hóa tạo dựng tất cả, từ dây dép xăng đan đến lý tưởng vĩnh cửu: thi ca nằm đâu đây giữa hai thứ này. Còn nhà thơ là ai, rất mơ hồ, nhưng vì sự toàn vẹn của văn hóa đòi hỏi, thi ca phải trở thành vật dụng như quần áo, tiền hoặc thượng đế.

Cái nguy của những lý thuyết trên không phải chỉ ở chỗ chúng nghèo nàn, phi tưởng tượng, ngu xuẩn, ấu trĩ, vô lý, giả dối, thô thiển và không thuyết phục.

Bởi chắc chắn đây là những trường hợp không ngoại lệ. Những kẻ đề ra các lý thuyết này đều không hiểu, thi ca là cái gì. Bọn họ đều cho rằng thi ca là một thăng hoa thụ động: của sự diễn đạt, của kết quả phẩm chất tâm lý, của sự trải nghiệm, sự chắt lọc, của nhân tố tạo ra văn hóa.

Những lý thuyết trên đều là những cố gắng vô ích của một đám đông cố gắng hiểu nhà thơ—một cách không thuyết phục nổi. Thậm chí, những thứ lý thuyết này không là gì khác ngoài một bản năng xuất phát từ sự ganh tị của một đám thực thể người, thử tìm cách tìm hiểu nhà thơ bằng dùng những lý thuyết này kéo nhà thơ xuống ngang mình, đặt nhà thơ ngang tầm với mình.

Tout comprendre c’est tout mépriser. (Hiểu được mọi thứ nghĩa là khinh thường tất cả).

Cái quan niệm THI SĨ là kẻ diễn đạt, là thiên tài, là người từng trải, kẻ gạn đục khơi trong và người tạo ra văn hóa là sự trả thù của một thế hệ đen tối. Chưa hết: tất cả các lý thuyết này không muốn hiểu một thứ duy nhất quan trọng: sự tích cực của nhà thơ.

Đây mới chính là điều quan trọng nhất.

Các lý thuyết chính thức được tuyên bố trong sách vở. Thế hệ đen tối này bày trò sách vở, nhằm chứng thực bản thân: bởi cái nó đang sống, trái ngược với điều có trong sách. Cái lý thuyết màu mè tuyên bố về nhà thơ, chỉ là một sự ba hoa trong không khí, vô bổ, bởi không hề hiện thực, và trong thực tế không ai tin vào điều đó.

Trong cuộc sống hiện thực nhà thơ không phải kẻ đi diễn đạt, chẳng phải kẻ từng trải, chẳng là cái gì ngoài một chàng điên.

Chàng điên bởi nhà thơ không bận tâm đến việc kiếm tiền thu nhập, không quan tâm hướng tới các vị trí có ảnh hưởng tới xã hội.

Narr, nur Dichter, như Nietzsche đã nói.

Cái quan niệm nảy sinh trực tiếp từ đám đông, đấy là một quan niệm chung chung, tầm thường. Nhà thơ, người ta riễu cợt một cách bề trên, không thèm chấp và hạ thấp: là kẻ lố bịch, không là gì khác.

 

5.

Cuối thế kỷ vừa qua con người bắt đầu nhận ra tình thế.

Bắt đầu xuất hiện các nhóm tách xa đám đông một cách có chủ ý, các nhóm nhìn thấy ngọn lửa thiêng Temenos vẫn cháy, và nhà thơ cần ở lại vị trí của mình để bảo dưỡng ngọn lửa ấy. Con người còn nhận ra, nếu nhiệm vụ này muốn hoàn thành một cách xứng đáng, ý thức tự thân của nhà thơ cần được đánh thức. Nhà thơ cần biết, mình là ai.

Trong tất cả các lý thuyết từ trước tới nay, người ta chỉ nhận ra sự bất lực thảm hại của nhà thơ mà họ muốn giải thích, tuy không thể đến gần nhà thơ; họ nhận ra cả sự trả thù hèn mọn muốn biến nhà thơ thành một sự diễn đạt, thành một nhân tố của văn hóa, tóm lại thành một phần tử bị phụ thuộc, muốn biến nhà thơ thành công cụ, thậm chí tất cả đều cho rằng nhà thơ chỉ là một chàng điên.

Có một người trong những nhóm tách biệt này—Kreis trong nhóm Stefan George Đức—bắt đầu hiểu nhà thơ trong bản chất và trong toàn bộ hiện thực của thi ca.

Cái hình ảnh về nhà thơ mà Kreis tạo dựng còn chưa hoàn hảo. Quan niệm của nhóm George về nhà thơ vẫn chỉ nhìn thấy khía cạnh thụ động. Nhưng nhóm này đã nhận ra số phận đã mất không chỉ của nhà thơ mà của nhân dân, của nhân loại: không gian Temenos.

Cần một ngọn lửa, nhà thờ, hội nhóm, nơi con người thờ phụng thần linh- cần một không gian thiêng, nơi con người cởi dép khi bước vào, đấy là mảnh đất thiêng, nơi thế giới con người dừng lại, nơi ngọn lửa tinh thần cháy lên, nơi con người không bao giờ là con người nữa, mà là đứa con của vũ trụ bao la, nơi như Mallarmé viết: sự sống của chúng ta trở nên xác thực. Bởi trật tự, vẻ đẹp, tầm vóc, sự cao quý của đời sống con người được gìn giữ trong Temenos.

Nhóm George hiểu ra nhiệm vụ của nhà thơ: Phục vụThống trị.

Bởi: chỉ kẻ có quyền cai trị, nếu chịu phục tùng; chỉ kẻ xứng đáng thống trị, nếu phục vụ.

Phục vụ nhân dân, nếu không phải cái nhân dân này, thì phục vụ thượng đế, phục vụ thế giới tinh thần, sự trong sạch, sự trật tự. Thi ca là một sự phục vụ cao cả như vậy. Và thi ca thống trị thế giới tinh thần, của nhân dân, của cái đẹp và cả nhân gian. Đấy là sự thống trị của thi ca.

Người bảo vệ Temenos là kẻ thống trị và là kẻ phục vụ. Nhà thơ bằng sự thống trị phục vụ này gìn giữ trung tâm của sự sống con người “Vương quốc Vĩnh cửu.”

Mallermé nói đây là germe final của nhân loại. Là người bảo vệ truyền thống thiêng liêng của nhân loại vĩnh cửu, của sự sống thượng đế—đấy là cái nhà thơ phục vụ và thống trị nhân danh nó.

Theo Kreis số phận nhà thơ chính là nhóm.

Nếu nhà thơ xuất hiện trong nhân loại, họ sẽ họp thành nhóm người theo số phận của họ xứng đáng bước vào một vị trí linh thiêng. Những người theo Nhóm Thiêng liêng chính là những người thành lập và là những cư dân đầu tiên của Vương quốc Vĩnh cửu.

Một cộng đồng mới sẽ hình thành quanh nhà thơ, bộ lạc mới đầu tiên của nhân dân đã linh thiêng hóa, sẽ là trung tâm của Vương quốc.

 

6.

“Kẻ phục vụ các Quyền lực trong những kích thước lớn lao hơn người khác, kẻ gắn bó với các Quyền lực ở những mức độ khác nhau hơn kẻ khác, đấy là đối tượng của niềm sùng kính thiêng liêng. Với sức mạnh và môi trường của Tạo hóa, chất nổ dễ cháy trong đối tượng này thật nguy hiểm, thậm chí rất khủng khiếp, khi tiếp xúc nó sử dụng những quy tắc trật tự đáng gờm, tốt hơn hết, nếu không thể hoàn toàn, ít nhất nên tránh xa nó ra.”

Đấy chính là một thực thể thiêng liêng (sacer).

Sacer có hai nghĩa: linh thiêng và bị nguyền rủa, đáng trọng vọng và bị sỉ nhục, cao siêu và thảm hại.

Sacer thời cổ là nhà vua.

Là kẻ hầu hạ cho các Quyền lực, là kẻ gắn bó hơn nhiều kẻ trong các mức độ với các Quyền lực, là một thực thể cao siêu—đáng sợ, đầy những chất liệu nổ—tạo dựng-hủy diệt và bằng sức mạnh của tạo hóa, là kẻ nhân danh toàn bộ dân chúng duy trì mối quan hệ với một thế giới cao siêu, là kẻ đại diện cho toàn bộ dân chúng trước các thần linh.

Sacer có thể là giáo chủ, có thể là một công tước hoặc chính khách, hoặc một tướng lĩnh, những kẻ các Quyền lực sử dụng như các công cụ ở các mức độ khác nhau.

Sacer là thày cả cúng tế, là kẻ tiên tri, là mụ bói, là bác sĩ, là nhà triết gia, những người bên trong họ có một sức mạnh cao cả và đáng sợ, theo hai ý nghĩa vũ trụ bất tận: bản năng tạo dựng và sự đam mê tàn phá tồn tại trong các mức độ khác nhau.

Sacer là kẻ có quan hệ gần gũi với một thế giới đầy vấn đề, đầy bất trắc, đáng suy ngẫm, đen tối, đứt đoạn và cao vợi của các Quyền lực.

Sacer là một thực thể giới hạn mang ý nghĩa và đại diện cho thần linh ở giữa con người và cho con người ở giữa thần linh, một chân ở đây, một chân ở kia, trong hai thế giới, với hai bản chất, hai khuôn mặt, sống với hai trách nhiệm và duy trì hai thế giới.

Bởi vậy chỉ được phép rất thận trọng khi tiếp cận, chỉ trò chuyện được trong những hình thức nhất định, có thể chưa bao giờ tiếp cận đến và chỉ mới nhân danh tên và địa chỉ của thực thể này.

Bởi vậy chỉ được phép cúi đầu, quỳ gối, bằng một giọng khẽ khàng với mái đầu cúi thấp, một cách kính cẩn, trong trang phục hội hè, và bằng cử chỉ nghiêm ngặt của những quy tắc nhất định tiếp cận với Sacer.

 

7.

Evola trong một cuốn sách lớn của mình đã kể, tầng lớp vua chúa thời cổ đã truyền xuống dưới sự kính trọng các sacer như thế nào, vào tay giáo chủ, rồi rơi xuống tiếp tục giữa các đại địa chủ như thế nào, rồi xuống tầng lớp quý tộc, rồi rơi xuống tiếp, cho đến khi mất hẳn.

Lịch sử khoảng hai trăm năm trở lại đây là một tai họa nhỡn tiền hoàn toàn, khi vua, giáo chủ, địa chủ, quan tòa, nghệ sĩ, dũng sĩ biến mất, chỉ còn lại đám người cơ cực.

Không còn ai đủ xứng đáng để trở thành sacer: kẻ truyền đạt thế giới của các Quyền lực cho con người và thế giới của con người cho các Quyền lực, để liên hệ và gắn bó lẫn nhau một cách tích cực.

Không ai còn có cơ hội để trở thành kẻ gắn bó hơn nhiều kẻ khác trong nhiều mức độ lớn hơn với các Quyền lực.

Không ai, không bao giờ còn đủ sự cao cả-đáng kính để khi con người đối diện với các Quyền lực có thể sử dụng những quy chuẩn thận trọng, trong trang phục lễ hội, bằng một giọng khẽ khàng kính cẩn gọi tên.

Chỉ còn sót lại mỗi NHÀ THƠ.

Và thế là nhà thơ trở thành kẻ tiền nhiệm, thành biểu tượng và người giữ gìn tầng lớp vua chúa, giáo chủ, tướng lĩnh.

Và thế là nhà thơ trở thành sacer, thành một đối tượng của nỗi lo sợ đáng kính, trong con người nhà thơ thống nhất tất cả: linh mục, nhà tiên tri, bác sĩ, quan tòa, nhà tư tưởng, vua, thủ lĩnh—linh thiêng và đáng nguyền rủa, đáng kính trọng và thảm hại, cao quý và hèn hạ: là hình ảnh tượng trưng sự hiện diện của các Quyền lực giữa loài người.

 

8.

Về mối quan hệ giữa Goethe và Schiller cách đây không lâu có một cuốn sách đặc biệt xuất hiện. Tác giả khẳng định, sự bình thản không lay chuyển và sức mạnh kiêu kỳ của Goethe đã đánh thức trong tâm hồn người bạn của mình lòng ghen tuông, hơn thế nữa sự tức giận. Không bộc lộ.

Khi đối diện với nhau và giữa thế giới ban ngày có ý thức, tình bạn của hai người vẫn thể hiện như một sự gắn bó thực sự không thay đổi. Nhưng Schiller trong một thế giới còn thực chất hơn và sâu sắc hơn cả thế giới ban ngày, không chịu đựng được tính tự do bất chấp kiểu Goethe.

Biết chạy đi đâu lòng ghen tuông này, nó trở thành thứ quyết định toàn bộ con người Schiller. Tất nhiên, lại một lần nữa điều này không bộc lộ.

Nếu tự nhận biết, chắc Schiller sẽ run rẩy phủ nhận, không tin sự tức giận cắn xé tâm can của mình đã thống trị tới mức ông không thể nghĩ, sáng tạo, xúc động và viết về cái khác, ngoài những gì nảy sinh từ sự ghen tuông, thứ chống lại bản tính cân bằng, trầm tĩnh tự do bất chấp của Goethe và bị giấu kín trong thâm tâm Schiller.

Sự ghen tuông tức tối len vào bản tính của Schiller, trở thành một nhân tố sáng tạo và toàn bộ con người ông bắt đầu cô đọng lại quanh tâm điểm này.

Luôn luôn là một tai họa không thể giải quyết, nếu một người không đồng hóa được một cái gì đấy.

Schiller bắt đầu đánh mất Schiller, và bắt đầu trở thành một Goethe thuần túy tiêu cực, một Goethe tiêu cực đến mức, có thể nói như Nietzsche về một thực thể như vậy: auch mich schuf der ewige Haß—tôi là kẻ mà sự căm thù vĩnh cửu tạo ra.

Cái bản chất này định mệnh ở chỗ, ông hoàn toàn đánh mất trọng lượng riêng về sự tồn tại của mình, biến thành một trọng lượng đối ngược hẳn, thành một kẻ căm thù sâu sắc và hao mòn.

Ông trở thành một bản sao; bởi trong thâm tâm ông thán phục bạn, sự thán phục này lớn đến nỗi ông không cho phép bản chất riêng của mình lên tiếng nữa.

Ông không thể thả sự ngưỡng mộ này tự do, ông không đủ sức, và không thể nói: thật vui sướng cho tôi được sống dưới cái bóng vĩ đại của anh.

Để làm điều này ông không đủ sự nhún nhường, ông quá kiêu ngạo. Rất titán—người khổng lồ ngạo mạn trong huyền thoại Hy Lạp cổ.

Ông dành cho vẻ bên ngoài và đời thường lòng kính trọng và sự ngạc nhiên, để tình bạn ban ngày có thể thản nhiên trị vì trên những thứ đó.

Nhưng trong bóng đêm thực thụ, không chỉ ông không chịu đựng nổi sự tươi tỉnh rộng mở và giàu có của tình bạn, mà cả sự thán phục riêng của mình dành cho bạn, ông cũng không chịu được nốt.

Thế là ban ngày ông là người bạn và là kẻ ngưỡng mộ. Nhưng dưới lớp vỏ của ý thức ông không chấp nhận điều này, và sự tức giận dày vò, xé nát tan toàn bộ.

Ban đêm ông cắn xé bản thân một cách khổ sở vì ông không biết làm thế nào để trở nên tự do một cách không sợ hãi đến thế. Nhưng điều này ông cũng không tự chấp nhận nốt, vì trong thâm tâm ông ngưỡng mộ bạn trên hết.

Goethe trong tâm hồn Schiller là người bạn và là kẻ thù—ông thán phục và căm thù, ông thờ phụng và ghen tị. Nhưng ông nhìn rõ sự kiêu ngạo không giới hạn của kẻ đối địch, nhìn rõ điều này điều nọ, như khi nhìn rõ sự bất lực riêng của mình. Trong nỗi tuyệt vọng, ông không nghĩ cách nâng bản thân mình lên, mà chỉ nghĩ đến chuyện hạ bệ kẻ kia xuống.

Bằng những hình ảnh miêu tả sự kiêu ngạo của kẻ khác, lòng ghen tị làm ông mù quáng đến mức, cảm thấy mình là kẻ chiến thắng, và hạ bệ được kẻ khác—Acheronta movebo—trích dẫn Địa ngục.

Nếu đây không là nội dung thì cũng là ý nghĩa của cuốn sách này, khoảng chừng ấy.

 

9.

Cần phải lựa chọn vị trí để từ đó nhìn thấy mối quan hệ giữa Goethe và Schiller tại sao đã từng như vậy, và tại sao thành như vậy. Vị trí này không có trong cả hai người; bởi nếu có sẽ nổi lên một điều, hoặc người này hoặc người kia “đúng.

Tác giả cuốn sách nói trên phán xét xuất phát từ Goethe, từ đó dường như nổi lên một điều: Schiller tội nghiệp là nạn nhân của việc không ngưỡng mộ nổi người bạn vĩ đại của mình.

Tất nhiên có thể có quan điểm cho rằng: Goethe với sức mạnh của sự vĩ đại, của sức hút ma quái tri thức đã tiêu diệt một Schiller hiền lành hơn, nhạy cảm hơn, và trong sạch, cao cả hơn.

Có thể quy trách nhiệm cho Goethe vì cái chết sớm của Schiller: đã mặc kệ một con người duy nhất, kẻ có khả năng đọc các con bài, kẻ có một tâm hồn trong sạch và con trẻ duy nhất có khả năng nhận ra, lật tẩy ý nghĩa đích thực nhất của sự mê hoặc mà Goethe tạo ra.

Sự giải thích này cũng giả dối như nhận định trên.

Cách phán xử đúng đắn không nằm về phía cả hai cá nhân mà nằm trong người thứ ba: Hölderlin, trong một nhà thơ mà ánh hào quang của cả hai người kia đã làm lu mờ đến nỗi người ta không nhận ra ông.

Hölderlin sống và viết trong một cuộc đời vô danh, ông, người bị vẻ tự do tươi tỉnh và trầm tĩnh của Goethe cũng như vẻ sôi nổi, trong sáng nhẹ nhõm như không khí của Schiller nhấn chìm.

Trong ba người Goethe là kẻ vinh quang nhất, Schiller ít hơn một chút, còn Hölderlin không có chút vinh quang nào, cho dù trong cả ba người Hölderlin mang tính chất nhà thơ nhiều nhất, Schiller ít hơn một chút, và ở Goethe ít nhất.

Theo một ví dụ cổ điển nhà thơ là kẻ anh hùng và là nhà tiên tri. Bản chất này của nhà thơ phù hợp với thời cổ. Đầu thế kỷ XIX sự cách tân hình thức của thi ca cổ điển không thể tái tạo được bản chất cổ xưa của nhà thơ. Vị trí thiêng đã bị cháy, khu vực Temenos bắt đầu trống rỗng.

Cần phải đảm nhận. Kẻ nào không đảm nhận, kẻ đó bị đẩy ra. Nhà thơ trở thành một thực thể linh thiêng (sacer), người gánh tội lỗi của dân chúng lên vai mình trước các Quyền lực. Chỉ trong một mình nhà thơ chứa đựng những sức mạnh thiêng liêng có thể đánh trả lại được những tội lỗi đen tối.

Goethe không phải một kẻ đảm nhận. Thậm chí, chỉ là một kẻ thưởng thức.

Faust, kẻ ngây ngất, kẻ rũ khỏi bản thân mình tất cả, để có thể tồn tại tự do một cách kiêu ngạo, để trầm tĩnh và tươi tỉnh, không bị ràng buộc một cách thản nhiên.

Còn Schiller ghen tị với niềm tự do dạt dào và không bờ bến này. Schiller cảm thấy không thể chịu đựng được, một nhà thơ với những khả năng trời phú như Goethe, lại khước từ không tham dự, những gì một poeta sacer vĩ đại như thế cần đảm nhận.

Schiller sai lầm ở chỗ ông tin rằng cái cử chỉ linh thiêng đảm nhận chỉ Goethe có thể làm được. Theo ông đúng nhất Goethe, kẻ vĩ đại hơn ông cần là người gìn giữ Temenos và gánh vác những tội lỗi đen tối. Bên cạnh Goethe ông cảm thấy mình không đủ cao cả và xứng đáng với sự đảm nhận linh thiêng này.

Schiller đau khổ, vì Goethe không hiểu, không nhận ra điều này. Hay đúng hơn, ông đau khổ vì thấy Goethe rất biết cần phải làm gì, nhưng không muốn từ bỏ sự thanh bình cá nhân, niềm khao khát hạnh phúc kiểu Faust và nỗi đam mê vui sướng kiểu titan. Goethe cố tình xa lánh những nỗi đen tối, nhắm mắt trước tình thế rung chuyển của hoàn cảnh thế giới, im lặng, phủ nhận, dối trá.

Goethe đã từ bỏ nhiệm vụ làm một nhà thơ linh thiêng, một poeta sacer. Nhưng kẻ nào chạy trốn nhiệm vụ sẽ đùn đẩy sang cho người khác. Thế là nhiệm vụ gìn giữ khu vực thiêng Temenos được đẩy sang cho một kẻ thứ ba: Hölderlin.

Kẻ không đảm nhận, đùn đẩy cho người khác, kẻ không làm, muốn người khác làm. Cả Goethe và Schiller đẩy cái trách nhiệm của Nhóm Thiêng cho một kẻ duy nhất sống trong cùng thời đại mình, người đảm nhận và thực hiện: Hölderlin.

Sau cùng, chỉ một trăm năm sau người ta mới nhận ra một điều: nhà thơ cổ điển chân chính của Đức không phải Goethe cũng chẳng phải Schiller mà là Hölderlin. Tại sao vậy? Vì cái điều Schiller vì lòng kính trọng muốn nhường cho bạn: nhiệm vụ canh giữ không gian thiêng Temenos, đã bị Goethe từ chối.

Vinh dự này rơi xuống ai đảm nhận nó. Người dám đảm nhận và gánh chịu tất cả cái gì đến—mọi tội lỗi tối tăm của dân chúng. Er fernab fühlt allein das ganze Elend und die ganze Schmach, như George viết: Tự bản thân nó cảm thấy tất cả sự bần cùng và mọi tủi nhục.

 

10.

Đến giữa thế kỷ, tình thế trở nên ngày mỗi rõ ràng hơn.

Baudelaire đã hiểu, không thể lựa chọn được nữa: số phận nhà thơ không chỉ của kẻ diễn đạt, của đầu óc thiên tài, của kẻ từng trải, kẻ đi chắt lọc, của kẻ anh hùng hay nhà tiên tri đi nữa. Trở thành nhà thơ có nghĩa là đảm nhận sự gìn giữ hình ảnh tượng trưng xứng đáng với con người, hình ảnh này đang bị bỏ rơi và biến mất.

Nhà thơ đồng nghĩa với việc trở thành vua, giáo chủ, nhà tư tưởng, quan tòa, tướng lĩnh, chính khách—chính vì thế so với mọi nhiệm vụ khác, nhiệm vụ của nhà thơ đơn độc, cô đơn, trong bí ẩn, không vinh danh, thậm chí tách xa rời đám đông, mọi ý nghĩa việc làm của nhà thơ ẩn giấu trong bản thân việc làm đó, và không một lời nào được nhắc đến cái cá nhân.

J’ai plus de souvenirs que si j’avais mille ans… je suis un cimetière… un pyramide, un immense caveau, qui contient plus de morts que la fosse commune: Tôi có nhiều hoài niệm hơn là tôi đã sống ngàn năm… tôi là nghĩa địa… kim tự tháp, hố huyệt sâu rộng trong đó người chết nhiều hơn cả một hố chôn tập thể.

Nhà thơ là nấm mồ của vua chúa, tướng lĩnh, nhà nghệ sĩ, giáo chủ đã chết, là kẻ gìn giữ tầm vóc con người trong bản thân mình cho đến khi phục sinh.

Và điều này không được cho ai biết: être un saint et un héro pour soi-même (làm ông thánh và người hùng cho chính bản thân mình).

Bí mật. Số phận này ít ai gánh vác nổi mà không gặp tai họa.

 

11.

Trong số phận của poeta sacer khó nhất là chịu đựng mối quan hệ với dân chúng.

Nhà thơ gánh vác số phận của nhân dân. Nhưng nghi thức này lại cần bí mật, bởi nếu lộ ra, ý nghĩa bí ẩn của nó biến mất. Ngoài ra, nếu nghi thức này bị lật tẩy, và ý nghĩa bản chất của nhà thơ lộ ra, dân chúng sẽ lập tức tấn công.

Bởi dân chúng ngày nay đã chìm nghỉm sâu đến nỗi không nhìn thấy những tội lỗi của mình; họ cảm họ thấy vô tội, trong sạch và cao cả. Khi nhìn thấy nhà thơ gánh lên vai những tội lỗi này, họ bắt buộc phải nhận ra tình thế. Họ biết, họ nhìn thấy bản thân mình từ nhà thơ. Họ biết và giờ đây không thể chối cãi được nữa: họ đang sống trong sự ô nhục không chút thiêng liêng.

Khi họ nhìn thấy kẻ đau khổ bần cùng, “kẻ bị nguyền rủa,” họ rất hiểu tại sao kẻ khốn khổ này lại đau khổ, và còn biết hơn nữa, ai là kẻ đáng bị nguyền rủa.

Thế là trong nỗi điên cuồng ma quỷ của sự giận dữ bùng lên, họ túm lấy nhà thơ, ném bùn, lăng mạ, xua đuổi, vu cho là kẻ điên rồ, và phủ nhận. Dân chúng không chịu được. Họ không yên chừng nào nhà thơ chưa bị tiêu diệt. Chừng nào chưa vỡ chiếc gương phản chiếu chính những nỗi khủng khiếp của họ.

Trước thế kỷ XVIII, người ta chưa biết gì về hình dạng các nhà thơ bị phủ nhận và bị xuyên tạc. Nhưng hai trăm năm gần đây, thực chất chưa hề có nhà thơ chân chính nào lại không đau khổ vì sự chế riễu, xua đuổi, sỉ nhục, và cuối cùng bị bẻ gẫy.

Nhà thơ chỉ chợt nhận ra muộn hơn một chút, vào cuối thế kỷ, khi mối quan hệ với dân chúng đã bước sang giai đoạn nhà thơ không thể xuất hiện công khai.

Ngược lại. Cần tìm kiếm một sự bảo vệ, để tránh xa sự đụng chạm của cộng đồng, của dân chúng và sự nổi tiếng. Ai không hiểu ra điều này, không gì có thể chống đỡ lại sự diệt vong nhục nhã. Người nào biết, bằng cách thức riêng, có thể tách mình ra khỏi dân chúng.

Một cách như thế nào đấy cần làm cho mình không với tới được, không động chạm tới được. Cần giữ khoảng cách với sự công khai. Cần ẩn dật và sống trong bí ẩn; viết bằng một ngôn ngữ khó hiểu; nâng mình lên thế giới tinh thần cao hơn; tìm ra những tượng trưng đặc thù và cá tính riêng biệt.

Thi ca giữ gìn một sự linh thiêng cần đọng lại bên trong, chỉ những người am hiểu biết về nó.

Về những bí ẩn này phần lớn chỉ thế hệ sau, sau cái chết của nhà thơ mới được phép hiểu ra. Như thể ngọn lửa thiêng cháy ở đâu, cạnh ai, không được phép biết. Cần phải giấu kín trước sự bần cùng đẩy tất cả mọi người vào cái chết, giấu trước kẻ nổi khùng vì bị chìm nghỉm xuống vũng bùn.

 

12.

Mallarmé là nhà thơ đầu tiên nhìn thấy sự lẩn trốn có kế hoạch cũng đánh mất ý nghĩa của nó.

Bởi kẻ nào tự khóa mình, sẽ phá sản; không thể sống đời sống thật sự trong không khí, trong các lâu đài tinh thần, trong bộ đồ cải trang. Đúng là nhà thơ không được phép tìm kiếm dân chúng; thi ca nào muốn bình dân hóa, tự phản bội lại mình. Điều này không có ngoại lệ và không thể.

Nhưng sự tách biệt không giải quyết được tình thế, bởi tách biệt khỏi nhân dân thi ca trở thành sự vụ riêng và vô nghĩa. Cần bày tỏ, không phụ thuộc vào việc dân chúng hiểu như thế nào và coi nó là gì.

Nhà thơ bằng sự ẩn náu, tránh xa lời chế riễu, sự săn đuổi và sự bẻ gẫy, chính là bước cuối cùng của số phận poeta sacer muốn cứu bản thân. Muốn cứu sự gìn giữ Nhóm Thiêng.

Nhà thơ hoàn thành số phận của người canh đền Temenos khi trở thành kẻ hy sinh.

Đấy là ý nghĩa đích thực của cuộc đời một THI SĨ THIÊNG LIÊNG, một poeta sacer: Khi mọi tầm vóc lớn lao của con người lùi bước, mọi vị trí linh thiêng bị bỏ trống, chỉ còn lại một mình, người giữ Ngọn Lửa Thiêng, và chính vì vậy cần phải cháy trong ngọn lửa ấy và vì ngọn lửa ấy.

Bởi vậy kẻ linh thiêng chính là nhà thơ: bởi vậy nhà thơ đảm nhận vai người gác đền Temenos để giữ lửa bằng chính cuộc đời mình và cái chết của mình.

Bởi vậy nhà thơ cao cả và bần cùng, là thượng đế và là kẻ bị nguyền rủa, là linh thiêng và kẻ khốn khổ. Sự hy sinh này không phải ngọn đuốc sân khấu, không phải cái chết công khai trên giàn thiêu, cuộc xử tử, cái chết bi thương hùng vĩ trên tranh vẽ có thể dán kín trong các phòng.

Ví dụ về điều này đầy rẫy, từ Hölderlin đến Baudelaire, cho đến tận ngày hôm nay.

Không phải bi kịch gây tác động, mà là những đau đớn âm thầm chậm rãi gặm nhấm, là sự tàn phá bào mòn âm ỉ, là những cơn thần kinh, những mê đắm, là các loại bệnh tật, là nỗi nghi ngờ bệnh hoạn, là sự sợ hãi, sự chìm nghỉm vào những thoái hóa, những cơn giận dữ ngạt thở, sự hấp hối giữa những chất độc ngạt thở, hôi thối.

Sự hy sinh diễn ra chính trong những nơi ẩn náu, như một chiến thắng: bi kịch của nhà thơ trong sự bí ẩn biến thành sự hy sinh.

Và chính trong sự bí ẩn này nhà thơ là kẻ chiến thắng, như hàng động thất bại của y. Bởi tất cả đều là tượng trưng, sự gìn giữ Temenos cũng như việc đảm nhận mọi tội lỗi, là sự vinh quang tiếp xúc với các Quyền lực và là lời nguyền rủa của sự hủy diệt nhục nhã.

Sự bí ẩn thiêng liêng không ai được phép biết: đấy chính là cách cần phải sống, không phụ thuộc vào việc ai nhìn thấy hay ai không nhìn thấy. Không cần giấu giếm. Không được phép. Nhưng cũng chẳng cần bước ra công khai. Không được phép.

Chỉ một điều duy nhất được phép và cần làm: đảm nhận. Gánh lấy số phận và trở thành vật hy sinh.

 

13.

Sự thán phục trước thi phẩm cao cả và giàu có của Mallarmé giờ đây không phải là một nhiệm vụ. Mà chỉ có nghĩa rằng: “Mọi sự bài trừ của cái không gọi là nghệ thuật từ thi ca sẽ đẩy nhà thơ đến bên lề của vực thẳm.

Sự bài trừ này dẫn đến phá sản. Thi ca bắt đầu loanh quanh biến thành kỹ thuật và ngữ văn. “Điều này bắt đầu từ chủ nghĩa duy tâm mỹ học thuần túy, chống lại tự nhiên, cần thanh toán cái bóng của sự sống trừu tượng.

Cần để luận điệu cái TÔI được nuông chiều và đi chệch hướng này câm bặt. Cần từ bỏ căn nhà ấm áp, cần bóp chết sự kiêu căng trống rỗng, và cần phải tiêu diệt sự giả dối quý tộc ngu ngốc của cách suy nghĩ này.

Sự kiêu căng của tôn giáo, cái đẹp của nhà thơ tách rời đám đông, và “sự trinh tiết trừu tượng” của cái-đẹp-trở-thành-siêu-nhân tăng dần biến thành thứ tinh thần thi ca ma quỷ, như Herodias, người đàn bà còn trinh và không khả năng sinh đẻ, bởi gìn giữ chỉ cho bản thân mình ánh bạc của ốc biển từ nước da, ánh vàng hương thơm từ mái tóc, một sắc đẹp sao sa mà sư tử nhìn thấy phải cúi đầu và nhắm mắt.

Đây không phải sự hy sinh!

Không phải như vậy, trinh tiết, vô sinh, không biết đến động phòng, như những viên đá quý lạnh lẽo.

Nhà thơ cần phải hiến dâng cái đẹp: cho cái Không có gì. Trong Mallarmé đã nảy sinh nghi ngờ rằng thi ca một lần và mãi mãi không thể chỉ ở trong cái lâu đài tinh thần, và nhà thơ không thể vĩnh viễn chỉ là parnassien.

Thậm chí, không chỉ một lần, và mãi mãi, và vĩnh viễn là một giải pháp: tất cả các nhà thơ cần bắt đầu lại từ đầu, cần sống trọn vẹn số phận đã dành riêng cho mình.

Tất cả mọi người cần thành vật hy sinh một cách không thể biết trước, không thể chuẩn bị trước.

Nếu không mọi việc trở nên dễ dàng, vì có khả năng để thực tập, con người có thể làm quen và học hỏi.

Thời của Baudelaire đã qua: ông đã trở thành vật hy sinh như thế; thời của phái Parnasse đã qua: họ cũng đã trở thành vật hy sinh như thế; thời của Verlaine đã qua: ông đã trở thành vật hy sinh như thế.

Mallarmé đã nhận ra, ông cần phải trở thành khác và ông đã đảm nhận.

 

14.

Tầm vóc và sự nguy hiểm của hiện sinh thi sĩ ngày nay không đâu thể hiện rõ bằng ở nhóm Stefan George.

Nhóm không xuất phát để trở thành gì, để xuất hiện trước công luận và rải rắc vàng bạc, thứ gọi là thi ca.

Trái lại: cần nhìn thấy chân lý của Mallarmé, nhà thơ mọi giá cần phải đứng bên ngoài đám đông.

Quan hệ của nhà thơ với đám đông thay đổi: không tìm sự bình dân hóa, mà chống lại sự bình dân hóa.

George lập tức nhận ra, trong thi ca có một cái gì đó bí ẩn, không ai được phép biết. Cùng lúc George hiểu Mallarmé có lý: một lực lượng tinh thần vô nghĩa ngày mỗi tăng dần trong thời hiện đại, không chỉ vinh danh khoa học mà còn tấn công cả thi ca.

Thứ ngôn ngữ vô cảm và trần trụi được sử dụng, ngôn ngữ ma quỷ. Đây là poésie pure, đi cùng với con người vô nghĩa lý— “Ảo tưởng khủng khiếp của tác phẩm thủy tinh”—“Tội ác của cái nhìn tinh khiết.”

Đứng ngoài đám đông, nhưng sống cuộc sống của những tạo phẩm bằng từ ngữ ma quỷ của tạo hóa: đấy là nhiệm vụ của George, đấy là nhiệm vụ dành cho Kreis—vài người, chỉ vài người thôi, những người không thể sống một cuộc đời không linh thiêng: đấy là Nhóm.

Chưa bao giờ có được không khí sùng kính của Temenos như thế trong nhóm George. Họ—những người canh giữ ngọn lửa thiêng, những kỵ sĩ của bàn tròn Grál, vinh danh các lĩnh vực khác nhau của Viết. Họ—các nhà thơ, các nhà sử học, các nhà tư tưởng—không vinh danh họ, mà một trung tâm siêu phàm vô hình.

Bởi sự đắc thắng của cái TÔI đã phá vỡ cái thiêng liêng trong một giai đoạn mà cá nhân chỉ còn một sứ mệnh duy nhất: hiến dâng bản thân, vì sự chìm đắm của nhân dân và cộng đồng, hòa giải với các Quyền lực.

Có thể hiểu được điều này trong khẩu hiệu lớn của nhóm George: sự Phục vụ.

Sức lực và tầm vóc của mọi thành viên trong nhóm phục vụ cho Ngọn Lửa thiêng. Đẳng cấp hiệp sĩ đúng với họ hơn là một nhóm văn sĩ, những thiên thần của Ngọn Lửa Thiêng đúng với họ hơn là các hiệp sĩ.

 

15.

Cái tên thứ ba: Robert Bridges—nhà thơ người Anh chỉ ra một con đường không chạm đến thiên tài nhưng tìm đến một sở thích cao cả.

Thi phẩm của Bridges bên cạnh Mallarmé và George không nghĩa lý gì. Nhưng cá tính của nhà thơ Anh này nếu chưa đủ là sacer thì cũng là một tinh thần quý phái và bản chất cao cả của ông thông hiểu sự linh thiêng.

Sự nghiêm túc của Bridges được biết đến bởi hai dấu hiệu: một là sự suy tưởng của nhà thơ (metanoi): thay vì tìm kiếm sự đại chúng, bình dân hóa, ông đi tìm sự bảo vệ chống lại đám đông;

Dấu hiệu thứ hai: accent religieux—một giọng điệu tôn giáo, cái không gì khác ngoài việc nhà thơ nhận ra: các Quyền lực đã trao cho ông một trọng trách.

Cạnh hai dấu hiệu lớn này ở Bridges chất thiên tài của ông lại ốm yếu và vô sinh.

Trong tác phẩm lớn của mình (Testament of Beauty) ông viết về tôn giáo của cái đẹp; một tác phẩm trong sáng, mang tính mỹ học thi phẩm nhiều hơn tôn giáo. Ngôn ngữ tác phẩm gần với sự vô nghĩa lý (sterilh) hơn là tính chất quỷ thần (daimonikus).

Ông còn mắc một căn bệnh Mallarmé gọi là bệnh maladie d’idealité—bệnh lý tưởng.

 

16.

Một vài tác giả nổi tiếng cho rằng, khi Napoléon thất bại, bộ mặt của thế giới cần thay đổi.

Napoléon là người cuối cùng thử giữ gìn truyền thống của nhân loại vĩnh cửu, hay đúng hơn là tái tạo.

Cái gì là truyền thống của nhân loại vĩnh cửu?

René Guénont, người Pháp, trả lời như sau:

Truyền thống là sự duy trì liên tục mối quan hệ giữa con người và thế giới siêu việt, là ý thức về gốc rễ linh thiêng của con người và sự bảo tồn một nhiệm vụ duy nhất của con người là đồng dạng với thế giới linh thiêng.

Sau thất bại của Napoléon, việc bảo tồn truyền thống trên danh nghĩa tập thể trở nên không tưởng.

Điều có thể thấy trong nhân dân—nay đã trở thành đám đông—là sự phai mờ thậm chí biến mất của ý thức truyền thống. Napoléon, thay vì lập lại trật tự của truyền thống, đành thỏa mãn với một tiêu cực khác: gánh lên vai mình những cơn lốc khuấy lên từ thế giới ma quỷ của cách mạng Pháp và trở thành nạn nhân của nó.

Các Quyền lực phán quyết với Napoléon sacer esto, điều các giáo hoàng La mã nói với con vật bị tế thần: mi hãy trở thành linh thiêng và bị nguyền rủa, trong lời nguyền rủa đã thánh hóa này, mi hãy chết nhân danh nhân dân.

Napoléon là rex sacer cuối cùng, là hoàng đế thất bại bi thảm khi muốn lập lại sự thống nhất cho nhân loại, thất bại trong chính sự đảm nhận lớn lao muốn thế giới siêu việt một lần nữa gắn liền với lịch sử.

Thất bại của Napoléon khiến truyền thống bị gián đoạn; sự duy trì mối quan hệ với thế giới siêu việt rơi khỏi tay hoàng đế.

Đây là giây phút các thi sĩ thiêng liêng—những poeta sacer trong lịch sử thế giới xuất hiện: trong hình dạng của Hölderlin, Keats, Shelley.

 

17.

Cả lịch sử văn học, cả lịch sử tư tưởng, cả xã hội học lẫn hình thái học văn hóa đều không hiểu và không thể hiểu nhà thơ, bởi tất cả các khoa học đều tìm cách giải thích xã hội, các mối quan hệ, các tiền bối, các tác động… từ dưới lên.

Ai hiểu Thi sĩ thiêng liêng, poeta sacer, như một sự hy sinh, người đó cũng lầm nốt. Mặt tiêu cực: vai trò nhà thơ đảm nhận khi bị hủy hoại ở mức độ cao là một chiến thắng.

Tự mình gánh vác số phận con người vũ trụ là một khoảnh khắc không thể từ bỏ. Trong tầm vóc nào nhà thơ hiến dâng bản thân?

Nhà thơ luôn quay về sự sống. Chỉ trong thế giới của sự sống mới xảy ra cái thất bại của Napoléon, một rex sacer. Đây là sự thất bại của ý đồ điều chỉnh lại nhân loại vũ trụ, ý đồ thiết lập lại một lần nữa sự thống nhất giữa thế giới siêu việt và lịch sử thế giới người.

Đây chính là điều kẻ nhận ra bản chất hy sinh của nhà thơ chưa hiểu hết.

Cần phải hiểu tròn vẹn như sau: bản chất hiện sinh của nhà thơ không phải trên những mặt tiêu cực, mà nằm trong những khoảnh khắc tích cực.

Nhà thơ không chỉ gìn giữ truyền thống mà luôn luôn làm mới, tái tạo lại bằng logos, bằng sức mạnh của lời.

Khi sự thống trị của vua chúa không thể giữ nổi mối quan hệ với sự sống linh thiêng, lúc đó nhà thơ bước lên, nhà thơ, người gìn giữ mối quan hệ này: bằng lời.

Và không chỉ gìn giữ, còn luôn luôn tái tạo như một bản hợp đồng, một cây cầu, một mối quan hệ—để tiếp tục một truyền thống người vĩnh hằng, tái tạo liên minh với sự linh thiêng.

 

18.

Giờ đây tình thế đã chín muồi để có thể nhắc đến một cách song song giữa nhà thơ cổ và nhà thơ hiện đại.

Không thể, không bao giờ được phép phán xét nhà thơ như một hiện tượng xã hội lịch sử tinh thần cứng nhắc.

Nhà thơ luôn luôn là một hình tượng truyền thống theo cách hiểu của Guénon.

Nhiệm vụ của nhà thơ: duy trì sự liên tục của mối quan hệ giữa con người và thế giới siêu việt, là ý thức về nguồn gốc linh thiêng của nhân loại, là sự gìn giữ nhiệm vụ cơ bản duy nhất của số phận người khi đồng nhất với sự linh thiêng.

Các nhà thơ thời cổ, các nhà thơ Hindu, Iran, Trung hoa, Ai cập, Hy lạp xưa kia sống trong các dân tộc mà bản thân họ chứa đựng tất cả: vai trò linh mục, thủ lĩnh, vua chúa, trong con người họ chứa sẵn truyền thống, bởi vậy họ không cần tái tạo lại truyền thống.

Sự khác biệt giữa bản chất hiện sinh của nhà thơ cổ và nhà thơ hiện đại ở chỗ: con người với lịch sử lúc đó thống nhất làm một, là một hiện thực.

Chính vì vậy đã từng có nhà thơ sacer, nhà tiên tri, nhà tư tưởng, vua, chính khách, xuất phát từ cuộc sống cộng đồng một cách tất nhiên về một thực thể sacer, trong ý thức của tất cả mọi người.

Nhà thơ hiện đại không sống trong một hiện sinh thụ động. Dù bị đóng dấu bằng sự lố bịch, bị bỏ rơi, bị chế riễu, hiểu lầm, nhưng trên vai nhà thơ hiện đại vẫn là gánh nặng tượng trưng lớn lao của nhân loại.

Nhà thơ hiện đại hoàn toàn một mình, tự mình duy trì truyền thống, và bằng sức mạnh của Lời Thiêng tái tạo đổi mới liên minh giữa sự sống linh thiêng với số phận con người.

Khi Chúa Giê su làm phép lạ, các tông đồ ngây người thành kính, Chúa nói, không phải với các tông đồ mà với loài người: Các người hãy đừng ngạc nhiên, bởi các người sẽ làm những việc còn lớn hơn việc ta làm—nhân danh ta.

Công việc đổi mới liên minh giữa số phận con người và sự sống linh thiêng: là nhiệm vụ của những số phận vua, linh mục, chính khách, và nhất là sacer.

Tất cả những điều này nhà thơ cổ đại không biết và không thể hiểu được.

Nhưng trong nhận thức của bản chất tạo dựng Logos nhà thơ cổ đại và hiện đại gặp nhau.

Nhà thơ là thực thể sử dụng ngôn ngữ cổ. Không phải thứ ngôn ngữ ngày thường—một công cụ thoái hóa, không phải thứ ngôn ngữ vô nghĩa, thứ ngôn ngữ Herodias trinh tiết trừu tượng—mà là thứ ngôn ngữ khiến Mallarmé sởn tóc gáy.

Ngôn ngữ của nhà thơ là thứ ngôn ngữ quỷ thần, tự trong bản thân nó gìn giữ danh tiếng của các Quyền lực vũ trụ—trong bản thân nó giữ gìn những ký hiệu thần linh có thể giải phóng hoặc ghìm giữ lại sức mạnh của các Quyền lực, trong bản thân nó gìn giữ liên tưởng đến Logos cổ kính linh thiêng.

Cái gì là liên tưởng logos cổ kính linh thiêng?—đấy là khả năng sáng tạo bằng sức mạnh của Lời.

Logos cổ là tạo hóa của sự sống, là Lời tạo dựng ra thế giới.

Hölderlin nói: thứ ngôn ngữ này là một trong những thứ nguy hiểm nhất của đời sống con người—từ sacer—trong đó ấp ủ chặt chẽ các quyền lực siêu phàm, và sự động chạm của các bàn tay chưa được thánh hóa có thể hóa phép ra những quái vật.

Chỉ ai có bản chất sacer, mới có thể nhận biết ra các hình thái tiếp xúc thần linh. Không được phép nói ra, bởi có thể gây nguy hiểm cho cả bản thân và cho con người. Những kẻ chưa được thánh hóa, những nhà ảo thuật rởm, ma quỷ không phục vụ họ mà tiêu diệt họ.

Nhiệm vụ của poeta sacer mang tính chất thụ động, là phải trở thành vật hy sinh—khoác lên mình ma quỷ của sự đắm chìm của dân chúng và bị hủy diệt trong đó.

Tính tích cực của nhiệm vụ poeta sacer: bằng logos tạo dựng không ngừng mối quan hệ giữa số phận con người và sự sống linh thiêng.

Những gì đã bị những đôi tay kiêu ngạo dơ bẩn, chưa được thánh hóa phá hoại, cần phải sắp xếp lại bằng cách luôn luôn chỉ ra: cần bám giữ lấy sự sống đang chìm đắm vào vật chất, cần mang lại ánh sáng, sức mạnh, tri thức, sự sâu sắc, sự thật, cái đẹp, sự thánh thiện và còn hơn thế nữa: nhân danh ta, các ngươi sẽ làm được nhiều việc còn lớn hơn ta làm.

Phục vụ cho các Quyền lực chưa đủ, cần phải nắm giữ lấy những quyền lực đó.

Chưa đủ chỉ sống từng trải trong thế giới, cần phải tạo ra thế giới nữa.

Sự sống thiêng liêng dành cho con người không chỉ mở, mà luôn luôn cần phải mở tiếp.

Và cái tôi phải trả giá cho nó không ít, chính là bản thân tôi: tôi cần phải hiến dâng.

Nhưng chỉ hiến dâng tôi không đủ, sự hy sinh cũng vẫn ít: bằng sức mạnh của Lời tôi cần mở rộng sự siêu phàm.

Chỉ lúc đó tôi mới có thể là sacer. /.

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung (2009-10-18)

 

Hamvas Béla
Số lần đọc: 2003
Ngày đăng: 27.05.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hình tượng con người công dân và con người cá nhân trong văn học Việt nam trung đại - Bùi Tuý Phượng
Đừng Làm Đau Nàng Mỵ Châu Thêm Nữa! - Hà văn Thùy
Nghệ thuật tượng trưng trong thơ Edgar Allan Poe - Hoàng Kim Oanh
Hiệu Ứng Cảnh Tỉnh của Ngụy Tạo Văn Hoá - Khoa Học - Nguyễn Văn Dân
Tham Luận Tham Dự Hội Thảo “20 Năm Thơ Đổi Mới” Suy Tưởng Về Thi Ca và Sự Vận Hành của Thi Pháp - Dương Kiều Minh
Thái độ khoa học trong kiếp nhân văn - Phan Huy Đường
Vào Việt Nam (1533-1659),Công Giáo đã Tăng Rất nhanh. - Trần Văn Cảnh
Phê Bình Theo Phương Pháp Chủ Quan Và Khách Quan - Trần Văn Nam
Ba lối hội nhập đất mới trong thơ hải ngoại - Trần Văn Nam
Hành trình xoá bỏ ẩn dụ* như một lối tìm đến ngôn ngữ thi ca Mở - Khánh Phương