Ta chẳng ngờ lại gặp ông ta tại bến sông này. Con sông trong ánh sáng âm u dường như không có bờ bên kia. Dòng nước đen ngòm nhưng vục tay xuống thì thấy rõ từng ngón. Ta rất khát mà chẳng dám uống. Nghe nói uống nước này sẽ đâm lú. Trước đây, mình đã uống nước này đâu mà có lúc cũng lú. Có lẽ tại mình hay gặp may. Một thằng bạn vốn thân nói: "Mày từ bùn lầy ngoi lên được cái số". Cái giọng có mùi đố kị. Chẳng "cái số" nào tự đến tay cả. Ta từng lận đận chẳng riêng vì quá ỷ vào sự ban phát của Nàng Thơ. Đất đồng chiêm lầy thụt bám chặt thân phận cha mẹ ta, tưởng rồi ra lại níu kéo bước chân ta. Những ai đó từng viết rằng ta có số đỏ vừa bước vào trường tiểu học đã gặp được một thầy giáo mộ văn chương và có lòng ươm tài năng; lại cũng vận đỏ mà được nhà thơ lớn nâng đỡ, dắt dìu. Ờ, hồi đó nói thế chẳng hề chi; ta đọc, ta nghe cảm thấy vừa biết ơn, vừa tự hào. Về sau, ngẫm lại thấy sai quá! Thiên tài cũng phải có điều kiện. Người ta tán tụng thiên tài, chẳng ai tung hô điều kiện, càng không để điều kiện phủ bóng mờ lên thiên tài. Ta chẳng thích câu của tay nhà văn nào đó: "Trong mỗi con người Việt Nam chồm hổm một kẻ nông dân". Người ta thường chập làm một "nông dân" với "nhà quê". Ta làm gì còn cái lốt nhà quê. Những cậu bé sớm rời nông thôn ra tỉnh học rồi bay luôn mấy ai như ta! Anh nông dân nào ban đầu cũng rất khiêm tốn, cái chính là do tự ti. Nhưng khi đã có một "chỗ ngồi" nào đó rồi thì… (Thật ra thì anh thành phần khác cũng rứa, song họ "khéo" hơn). Ta không thế. Ta giữ lâu, giữ mãi cái dáng vẻ khiêm tốn, song không nhà quê. Phong thái đã đành, cả cách nghĩ nữa. Ai bảo tư duy nông dân đều nhà quê? Lối trao chuyện quảng giao, cách lập ngôn tưng tửng của ta chẳng ai học nổi chính là thăng hoa từ sau lũy tre làng qua đầu óc thơ thiên bẩm của ta. Thằng bạn không đủ tầm để hiểu ta. Ta xởi lởi với hắn, sẵn sàng khen; mà hắn thì luôn luôn phục ta. Có lúc tình bạn nhạt nhòa. Có tình bạn thật không? Câu hỏi đến dở, dở hơn hỏi tình yêu có thật không. Tình yêu! Một khái niệm mê hoặc. Ta quen biết rộng, lại nhiều người biết tiếng, nhiều người chìa tay ra, nhiều người chạy đến, vậy mà một mảnh tình vắt vai đúng nghĩa lại khó. “Ái nhi viễn chi” thì có cơ… Biết bao cô nàng đọc thơ ta rồi viết cho ta tưởng chừng sẵn sàng đặt trái tim lên đĩa hiến dâng, nói lóng kiểu hiện đại là "sẵn sàng chết".
Chẳng thấy phà hay đò gì cả. Không có gió, - chốn này chẳng hề có gió-, mà lạnh heo heo. Lần đầu tiên ta thật sự cảm thấy bơ vơ. Chỉ mới đây quanh ta quá sẵn người. Không kể những người đỡ nâng, người khích lệ ngày bé. Lớn lên, thêm lắm người tâng bốc, chèo kéo. Lúc này đây, chẳng còn mống nào. À, còn ông ta, nhưng…
Con người chưa già mà chẳng còn trẻ kia, ông ta, im lìm ngồi dựa gốc cây cách mươi bước chân, không ngửng lên, không hé mắt. Chẳng lẽ lão lại chết nữa! Có nên đến đánh thức ông ta dậy để "bầu bạn" tạm thời không? Đây cũng kể như đang là tha hương.
Ta gặp lão -nói lão gặp ta thì phải hơn- ở nước ngoài, chỗ cô em họ lão. Lão nghe tên ta thì "à" lên: "Chào nhà thơ!" Ta chẳng thích cái giọng thân tình "bằng vai" kia, nhưng được cái âm sắc ngưỡng mộ chuộc lại. Ta biết lão có "thơ thẩn" nhì nhằng. "Em có đọc mấy bài của anh. Anh viết được lắm, có bản sắc". Lão chỉ hơi mủm mỉm cười, nhưng chắc là sướng mê, cái mũi cứ muốn ngọ nguậy. Được nhà thơ tiếng tăm khen thì khỏi phải bàn. Cái cô em họ của ông ta cũng dễ thương, hơi cứng một chút. Định nói chuyện văn chương, rốt cục lại là chuyện hàng họ. Ông ta có vẻ muốn ta và cô em… Chán một nỗi, cô nàng dường như coi ta thuộc "giống trung". Ta cũng rất "hồn nhiên" với cô nàng. Người thông minh, bặt thiệp vẫn có thể hồn nhiên chứ! Thơ ta già đi, ấy không! già dặn lên, mà tình ta còn hồn nhiên lắm lắm. Với cô em, ta hồn nhiên theo nghĩa khác. Chẳng phải ta không biết có những tay nhà văn, nhà thơ xắn tay "nhiệt tình" hướng dẫn, dìu dắt những "em" viết truyện, làm thơ, rồi dìu cả cách "xâm nhập tình cảm" và thực hành luôn. Hắn nọ, nổi danh hơn ta về hậu vận, lại tỏ ra "tự nhiên" một cách trơ tráo, thường khi rủ các em hâm mộ mình đi nhậu bia rồi mượn hơi men đè con người ta ra hôn, và còn nữa... Có lần, được mời về một trường Trung học nói chuyện thơ, tối đến đang ngơi trong phòng khách "buồn tình" ngó ra thấy một chị đang dọn dẹp trong sân trường bèn tới gạ. May mà chị kia không làm toáng lên. Cái nổi tiếng, hắn dùng làm cái khiên cho cái bê tha của hắn. May mà ta chưa đủ lọc lõi và lì lợm như hắn, mà cũng không bao giờ muốn theo chân hắn. Tình cảm trong thơ ta chẳng phải bao gìờ cũng là thứ thiệt, song tình yêu trong đời ta cần thứ thiệt -hẳn đi rồi! Cô bạn của cô em họ lão ta lại khó "nắm bắt" ở dạng khác. Cô du học để làm cái "phó Nghè" tâm lí học mà chẳng tâm lí mấy nỗi hoặc quá tâm lí, ta chẳng biết nữa. Bạn cô chưa kịp giới thiệu cô ta đã nói như reo: "Em đọc thơ anh từ trong nước. Đã được xem anh diễn thuyết. Nhà thơ nhiều người biết, em út được nhờ đây". Ta hơi bị bất ngờ, đang "giao đãi" thì cô ta đã chun môi: "Gớm! Chưa chi đã từ nan rồi". Lạ thật! một câu dung tục được nói ra cách nào đó khiến ta như bị lật áo. Ta đành cười vô tư: "Nào đã nhờ gì đâu mà trách nhau từ nan", bụng nghĩ: nhờ gì nhỉ? hẳn là học tiếng. Tưởng vậy, nhưng cô ta đâu cần vậy. Cái mà dân xuất ngoại mình cần đầu tiên khi đặt chân lên đất khách là "mối". Mặt này thì bạn cô ta là chúa rồi. Chẳng nhẽ mình là con bài dự trữ? Có lần cô ta bảo: "Anh làm thơ về bọn con gái li hương đi!" Đã có lúc đêm khuya ta mơ hồ cảm nhận Nàng Thơ chấp chới trong hình bóng cô ta, rồi lại bạn cô ta… Làm thơ, tứ thơ nào chợt hiện là ta chộp (cái từ nghe chẳng thơ tí nào mà gọi đúng tên chuyện "bếp núc" của ta). Với các cô nàng thì…Cho tới lúc ta gói ghém mọi thứ để về nước, hành trang tinh thần lẫn vật chất về phái đẹp xuất ngoại vẫn chỉ là những tứ thơ "ương". Chẳng có nàng nào cặp với ta về. Chẳng có nàng họ "lưu" nào quyến ta ở lại. Thắng bạn chí cốt ở bên nhà viết thư sang: "về dễ, đi khó". Ta hiểu ý hắn (thời đó là vậy, chẳng như sau này), nhưng ta phải về thôi. Về với hào quang của ta, về làm sống dậy "vang bóng" cho to hơn, cho cao hơn. Nơi xứ người, kiếm đâu ra công chúng ngưỡng mộ, dù chỉ ở tầm lão kia, trong cộng đồng dân lưu vong, nói chi trong dân bản xứ.
*
Chẳng ai xui, chẳng ai dẫn mà tôi lạc bước đến bến này. Ngẩn ngơ trước cảnh sông nước đượm màu thê lương, tôi mệt mỏi ngồi xuống. Trong phút tọa thiền, tôi bỗng mơ hồ nghe có tiếng mách bảo hãy quay gót. Toan đứng lên thì hắn đến; không mở mắt mình cũng biết hắn đến. Chẳng phải do mình có "công năng đặc dị" gì đâu mà có lẽ do cái mùi "nhà thơ đặc hiệu". Dẫu sao thì ấn tượng buổi đầu về hắn vẫn khó phai. Không vì hắn đã có mấy lời khen mình dù mới sơ ngộ. Hắn khen, giọng không hay, hơi lè phè, nhưng lời lẽ vừa dung dị, vừa có cánh làm cho khuôn mặt vuông, hơi thô tháp, trở nên nhẹ nhõm, và cái thân hình thấp bè dường như dọn bớt bề ngang tăng thêm bề cao. Cái đám đàn bà con gái "siêu thị" đến là quá quắt. Bữa ấy, mấy cô vừa lưu học sinh, vừa dân "lao động xuất khẩu" đang ngồi tán chuyện, có mặt nhà thơ, cô phó Nghè tương lai chợt nẩy ra sáng kiến: Đố thi sĩ làm xong một bài thơ tình trong hai phút. Chỉ hơn một phút, nhà thơ đã cho ra sáu câu lục bát hoàn chỉnh một tứ thơ. Có tiếng la lên: "Giỏi cực! Người đố phải thưởng đi!". "Thường gì nào?". "Nụ hôn" -nhiều tiếng nói ào lên. "Không được! -Tiếng cô em họ tôi át đi- Phải để người thắng cuộc hôn người đố". Tiếng vỗ tay lốp đốp. Một cô đứng lên hoa tay: "Tôi dám chắc thi sĩ lừng danh của chúng ta tuy viết những câu thơ tình nóng sốt nhưng chưa hề biết hôn là thế nào đâu". "Xạo!". "Cược nào! Một chầu đặc sản ở chung cư số Năm nhá. Có nhà thơ đang ngồi đây, anh hãy nói thật đi!" Họ dồn một hồi, nhà thơ lúng túng cười xòa: "Gì mà chẳng biết". "Thế thì anh thực hành luôn xem nào! Lấy thưởng. Mà thôi! Với đứa nào ở đây cũng được". Anh ta mặt đỏ rần. Cô đặt cược ra bộ giải cứu: "Chúng mày như bà la-sát cả, anh ấy thèm đụng vào à. Anh cứ thử hôn cô gái trên tờ lịch kia kìa! Cho chúng nó trắng mắt ra". Nhà thơ cười trừ cố lảng. Cả bọn nhao nhao: "Đúng là không biết thật", "Quê quá!" cô "giải cứu" lại tức mình hộ, đẩy anh ta đến trước cô gái trên tường: "Anh hãy tỏ ra cao thủ đi! Đừng để em bị thua cược". Nhà thơ chẳng làm thế nào được, kiễng chân chụm môi áp vào đôi môi đỏ chót trên tờ lịch. Các nữ quái cười phá lên: "Cộc mũi nhau rồi, ông anh ạ. Lại chẳng kêu gì cả. Hôn môi là khó ghê! Phải học thôi!" Tôi đâm ghét mấy người kia, bực luôn với cô em họ. Bọn này không biết quí người chân chất. Văn nghệ sĩ là chúa phóng túng, được người hiếm hoi vậy lại coi rẻ. Một người nổi danh mà vẫn giữ được nét đôn phác, mà vẫn xởi lởi, mà vẫn thấy được cái hay của người khác, … Cô em họ bảo tôi: "Em nói thật nhé: Nghe anh ta, anh đừng vội sướng". Còn cô bạn của cô thì: "Cái tay ấy chẳng biết xuất khẩu thành thơ có ra gì không chứ xuất khẩu thành lời khen thì chúa. Với bất cứ ai, dù thân dù sơ". Các cô cứ bi quan hóa tình người! Anh ta được cuộc đời ưu đãi nên lòng không chật. Để cho thơ bay cao và tỏa rộng chứ! Nhà thơ đích thực là phải vậy. Có đâu như ai nổi máu thiên tài, "khiêm tốn" đấy mà "mắt xanh, mắt trắng" đấy.
Gặp nhau lần đầu, tôi đang ăn cơm cùng cô em họ, mời, anh ta chẳng chút màu mè: "Em vừa mới ăn xong, nhưng xin ngồi tiếp anh cho vui". Anh ta ung dung đưa tay cầm cái nem rán lên cắn, nhai rau ráu: "Thứ này dùng đũa thì giảm ngon". Khẩu khí nhà thơ đích thực quả có khác. Nữa, đúng là một con người giản dị, xuề xòa một cách vĩ đại hoặc vĩ đại một cách xuề xòa. Cô em họ của mình từng ốm người vì thức chép thơ và mơ được diện kiến nhà thơ, nay đã hơi quá lứa còn đòi gì nữa cơ chứ. Cô mải mê chạy hàng xách hơn là lo học. Cô bạn "sắp sửa phó Nghè" của cô, thường đi đi về về cái thành phố cách hàng nghìn ki-lô-mét, một tối tôi gặp đang lúc nhón từng túm đồng hồ đeo tay điện tử loại rẻ tiền làm giả tại một nước kề cận cho vào một cái túi du lịch ngoại cỡ chuẩn bị ra ga nhảy tàu khuya, -"bất cứ lúc nào" vì đã "nắm" các tay lái tàu-, miệng ơ hờ: "Cái lí tưởng biết nó hình thù ra sao mà xây dựng với bảo vệ! Bây giờ đồng đô-la có giá vượt xa đồng tiền tại đây thì rõ ràng". Ờ, nhà thơ ta không buôn bán gì thì phải. Nghỉ thì ngủ vùi, chín mười giờ sáng mới dậy; hoặc đến la cà, tán gẫu nơi các khu lưu trú có bạn bè. Người mình có dịp ra nước ngoài mà không xoay xở kiếm chác thì thật là một "sự cố"! Cô em họ tôi khịt mũi: "Chưa biết thế nào. Cái vẻ ngoài ươn lười, xuê xoa có khi náu những toan tính khó lường". Lại thói đời!
*
Ta biết chắc lão rất phục ta, -điều này chẳng làm vinh dự thêm cho ta mấy nỗi. Về nước, ta đã quên ông ta như đã quên bao nhiêu kẻ từng hâm mộ ta, loại cỏ rả, xin lỗi, ta nói lại, loại "triển vọng mơ hồ". Gặp lại lão là một tội nợ. Lần nọ, ta đang được mấy người vai vế tiếp trang trọng, ta chuẩn bị ra hội trường đăng đàn nói chuyện văn thơ, lão đến chào ta một cách quá gần gụi. Ta mà ngang tầm lão ư, trong con mắt những người đang đàm đạo cùng ta! Ở nước ngoài ta đãi lão với tư cách người đồng bang trong cái xô bồ nơi xứ người. Thế mà lão quên ta là ai, lão là ai. Lão chẳng hiểu gì cả. Có một thứ đẳng cấp mà những người như lão "mãi mãi là một anh nhà quê" không thể nào "giác ngộ" được. Ta chưa hề nhà quê! Thời bé tí chẳng cần nói. Vào độ tuổi thiên thần này, với tạng loại người hơi bị hiếm, không khí nông thôn chỉ có nâng tâm hồn thanh sạch bay bổng mà thôi. Cái hơi nhà quê chẳng thể làm ô nhiễm. Lớn dần lên ta đi nhiều, khí vị đường trường vương hồn thơ làm cho cốt cách thơ trở nên hào sảng. Ta cố tránh nhiễm phong thái "thượng lưu hiện đại". Ta ung dung, đĩnh đạc mà vẫn mang vẻ khiêm nhường khi lên bục diễn giảng, khi thượng sân khấu, khi tiếp xúc công chúng độc giả, nhất là với các giới nữ sinh, nữ nghệ sĩ, kể cả nữ doanh nhân. Ta chẳng cần xuất khẩu thành thơ, một kiểu dùng thơ dọn đường hoặc một cách giải tỏa tâm lí, ta xuất khẩu thành những câu dí dỏm mà uyên bác, những ý ngộ, thậm chí tếu táo, được nâng lên tầm triết lí hàm ý phán truyền, cho khoác vỏ ngôn từ cách riêng. Người đời khó tính, song chẳng khó dắt mũi lắm đâu. Chỉ một chút khác lề thói đã có thể nên chuyện, tuy thực ra vẫn là lề thói đấy thôi. Ăn may, có thể làm một "hiện tượng". Nói thơ ta hết thời đã đành là nhãn quan kém, mà nói ta dùng lợi khẩu ("lợi bút" chứ!) để chinh phục cũng là ý thức non. Chuyện chinh phục lúc này ta chỉ quan tâm "một" mà thôi. Song, đây là chuyện khó nói, và khó… rành rẽ. Bởi "tình" hay bởi "danh" đây? Hay bởi "tài"? Trong làng văn nghệ, "thu nhập" của ta giờ chỉ kém các "sao hát" thôi.
Có những sự ngưỡng mộ làm phiền người ta. Khốn khổ! Khen cũng không biết đường khen. Như hạng ông ta kia. Chỉ biết tán tụng mấy bài thơ thuộc thời trẻ dại của ta, cái thời ta lên hương song thơ ta chưa vào "trường cách tân", nó vương hơi bản năng mà không là vô thức, nó mang mùi tự phát chứ không phải thăng hoa. Tầm thẩm thơ của họ chỉ đến vậy. Thơ ta, như bất cứ thơ thứ thiệt nào, ngày càng kén độc giả. Thế giới này, đời sống càng bộn bề, cuộc sống càng bon chen, càng năng viện đến tâm linh. Mà trong chuyện tâm linh, ai cũng có cái thớ của mình. E rằng rồi ra mỗi thi sĩ chỉ có mỗi độc giả là chính hắn. Ngày nay nhan nhản câu-lạc-bộ thơ, định kì người ta đến đọc thơ cho nhau nghe, vỗ tay rôm rả; tan cuộc, hầu như mỗi người chẳng còn nhớ gì ngoài bài thơ mình đọc. Dù sao, nhen và giữ lửa được cho không khí thơ cũng là tốt; nhu cầu làm thơ chưa bao giờ cao như lúc này! Thơ ta có quyền đòi có công chúng! Nhưng là công chúng tự đến như trước kia. Không phải vì tiếng tăm cũ! Không phải vì xảo thuật văn chương mới!
Thơ Việt đã được mời đi đọc ở Mĩ, ở Tây Âu. Một công chúng có chọn lựa. Họ đến, ít nhiều có sự đẩy đưa chính trị, văn hóa, có cả sự tò mò. Thưởng thức thơ qua chuyển ngữ thì cũng tựa như hôn qua lần vải. Được cái tiếng Việt có cung bậc thanh âm (Nghe nói ngày trước có một nhạc sĩ Pháp qua Việt Nam gặp lúc hai người đàn bà đang chửi nhau; anh ta chẳng hiểu gì nhưng nghe có vần có điệu bèn kí âm và được một khúc nhạc độc đáo). Người nước ngoài nghe người Việt đọc thơ, ngâm thơ ít nhất cũng thích vì lạ. Nhưng chẳng nhẽ nhà thơ sáng giá lại chỉ trông mong vào loại công chúng xổi này ư!
*
Sau cái lần nhà-thơ-quen-biết của tôi bị các nữ quái chọc-quê-hội-đồng, tôi cứ nghĩ anh ta "đụt gái" (chứ không phải dại gái). Song tôi nhầm to. Nhà thơ dày dạn của chúng ta đâu có dễ để cho bị vào xiếc. Về sau, trong các trường hợp tương tự, anh ta dễ dàng giành thế chủ động bằng các câu phủ đầu hoặc phản công sắc cạnh, hóm hỉnh. Tôi mơ hồ cảm thấy một "chất người" khác đằng sau cái vẻ xuê xoa gần như dân dã.
Tôi về nước sau nhà thơ. Một hôm ghé vào một quán bia vỉa hè, tôi nghe mấy tay có vẻ là dân buôn nước bọt hoặc dân văn nghệ đang kháo nhau về nhà thơ ái mộ của tôi cùng cuốn tản văn "kì tài" đang làm chuếnh choáng sân chơi văn chương. Tôi hối hả tìm đọc. Có gì ghê gớm đâu! Khen chê cũng chuyện thường tình. Đọc thú ra phết, nhất là sau bữa cơm. Nhưng rồi một tay nhà văn chính hiệu bảo tôi: "Ông thật thà quá! Trong bài viết, hắn kể như không những mẩu hay hay, những câu lạ lạ, có khi dí dỏm, lúc với ông này, lúc về bà kia, toàn những người tiếng tăm, chen vào giữa những câu bình luận cũng vui vui, hóm hóm. Toàn là những chuyện rất thân tình có thật và những cảm nghĩ bạn bè thôi mà! Người đọc biết đâu những gai nhọn cài tinh vi. Các vị đàn anh từng o bế hắn bị hắn chích đau mà khó nói. Bây giờ hắn đã bằng vai hoặc hơn vai mà vẫn "bác bác, em em" rất chi là nhũn nhặn. Trong những mẩu chuyện tưởng chừng chỉ để điểm xuyết trang văn, có những ý, những từ ngữ, thậm chí một chữ, được thêm hoặc bớt một cách dễ thương, đương sự mà moi ra thì chẳng là nhỏ nhen lắm ư! Chỉ chừng nấy thôi, thằng cha đã đáng là sư tổ của những tay phất văn chương rồi! Trong mắt một số độc giả, trước hết là lớp trẻ, hắn là bậc anh hùng đã dám phạm húy, đã dám sờ râu mấy vị từ lâu đã an tọa ngôi cao trong đình văn. Thơ ông giờ mà nhờ được hắn ban cho mấy đường bình, tưng tửng theo lối của hắn càng tốt nhưng hắn phải có thiện ý, nếu không thì ông ăn cám đấy. Thơ bây giờ như nấm sau mưa. Người ta ngại đọc. Vậy nên mới cần những bài "lăng xê". Không dễ mà nhờ được hắn đâu". Tôi nghe không thủng. Chẳng có nhẽ! Tôi cám cảnh cho nhà thơ và canh cánh hận thay cho anh ta. Tôi chẳng có ý định nhờ nhà thơ có tiếng "thổi" thơ mình, song vẫn mong một lần được gặp lại.
Tôi được gặp lại thật. Tôi thì vồ vập, còn anh ta thì… cái nhìn hơi "trống". Chẳng phải vì cô em họ tôi đã lấy chồng và có ý định làm Việt kiều. Dẫu vậy, tôi vẫn giữ những ấn tượng tốt. Mình không chú ý câu anh ta "giới thiệu" mình ngày nọ với mấy vị quan chức đang ngồi với anh ta khi mình vừa quay đi: "Người tôi gặp ở…". Người tôi gặp chứ chẳng phải quen, càng không phải là thân. Bẵng đi một thời gian. Một tối họp long trọng cỡ quốc gia, nhà thơ là khách mời. Tôi may mà có mặt theo suất dự thính. Nhà thơ được chào đón, gần như là tung hô. Tôi cố len đến gần, lòng hơn hớn một niềm vui "ăn theo". Trước mặt là một dáng quen. Người đó nghiêng nhìn: đúng là… ánh mắt mình mừng rỡ nhưng miệng mình chưa kịp hé thì nhà thơ mến mộ đã quay ngoắt đi, mình chỉ kịp nhận ra cái ánh mắt bạc ác lóe lên trong chừng một phần trăm giây. Mình ôm ngực gục xuống như bị một trùy vào mỏ ác, đúng điệu nhồi máu cơ tim…
Tôi lang thang bất định hầu lạc phương hướng. Còn anh ta sao lại đến đây? Nhà thơ đi rung tiếng chuông thơ nơi bến bờ mới hay đi tìm công chúng cho thơ mình nơi thế giới khác? Hoặc giả vương quốc thơ quá chật rồi, vương quốc "bình" thì xác, hơn người là biết thích nghi mà hơn người cũng là biết ra đi!
*
Nhà thơ bất ưng đứng trong hiên một thứ nhà tựa điếm chờ xe. Cảnh huống này đáng có thơ lắm. Khốn một nỗi, tứ thơ chẳng chịu ló ra. Nàng Thơ của mình thành mệnh phụ mất rồi. Sang được bên kia hẳn sẽ đổi đời thơ. Cao cao một chút phía xa, phía đoán chừng là bờ bên đó, ưng ửng một màu sáng lúc rõ, lúc mờ, như thôi thúc, như ơ hờ. Một con thuyền đột ngột hiện ra không tiếng động trên mặt sông sương mù giăng lãng đãng, thấp thoáng vài bóng người lòa nhòa. Ánh sáng mù mờ vẫn cho phép nhận ra thuyền có dạng như loại kết bằng bẹ chuối người ta vẫn thả trôi sông dịp lễ "cầu yên" hàng năm. Một giọng nói dấp dính, chẳng ra nam, chẳng ra nữ, cất lên: "Còn trùng trình gì nữa hỡi thi gia! Cái chân thi bá chẳng dành riêng ai mà cũng chẳng dễ giành giật. Ở cõi kia, mọi ‘thông lệ’ xứ ngươi đều phá cách hết. Cái mong đợi nhiều nhất là cái ít rõ rành nhất". Chiếc thuyền vẫn lửng lơ xa bờ. Chàng nhà thơ lần chần cũng phải. Lội xuống sông bơi ra… "Ngươi chờ thuyền ghé ư? Nước sông này có thể tẩy chất trần lụy và thói tự huyễn hoặc đấy!" Nhà thơ do dự giây lát rồi ra đứng bên mép sông cúi xuống khum hai bàn tay múc nước đưa lên miệng. Cái người vốn im lìm dựa gốc cây như ngủ hoặc như đã chết rồi bỗng bật dậy chạy tới đánh mạnh vào cánh tay anh ta. Nước tung tóe vãi hết. Nhà thơ quay ngoắt lại nhảy xổ vào người kia. Anh ta vốn nổi tiếng không hay dùng vũ lực. Cơn hung dữ bộc phát, hay trong mỗi con người vẫn náu một con quỉ, vấn đề là có dịp cho nó sổ lồng hay không mà thôi? Bàn tay nhà thơ giương ra hai gọng kìm ngón tay mỗi bên khuýp lại thành một thứ thòng lọng chụp vào cổ người kia bóp cật lực. Bàn tay nhà thơ không hề chạm tới da cổ đối tượng bị tấn công vậy mà anh ta vẫn cảm nhận được tay mình đang xiết vào một vật có sức cưỡng lại, và người kia thì cảm thấy cổ y đang bị thít chặt. Y vùng vẫy, lưỡi thè ra, sắp ngạt đến nơi. Y bèn liều huých mạnh đầu gối vào hạ bộ đối phương. Anh ta buông cổ địch-thủ-bất-đắc-dĩ, gập người, chới với rồi rơi tòm xuống sông, chìm nghỉm. Người kia kinh hãi, đứng chết trân mấy giây. Y sực tỉnh, đang loay hoay chưa biết cứu cách nào thì nhà thơ đã nổi lên. Anh ta chân đạp, tay đập loạn xạ. Nước sông dường không chảy, anh ta cứ quẫy tại chỗ. Chỉ chốc lát nhà thơ đuối sức, buông xuôi cả tay lẫn chân, để mặc cả người chìm đứng trong nước thò cái đầu lên, nước mấp mé miệng, hệt một thứ phù kế mà người ta vẫn dùng để đo nồng độ một loại dung dịch nào đó. Người kia lúng túng. Quái! đầu hắn ta như cái phao. Cái gì rỗng mới bềnh lên chứ! Tiếng giữa sông ồn lên nhưng âm âm như tiếng vọng: "Vỡ bài bản rồi. Thôi! Cứ để sự vật xoay vần theo qui luật của sự ngẫu nhiên". Người kia vẫn lo cứu nạn. Y nghĩ phải tìm cái gậy dài để khều. Lội xuống vớt thì mạo hiểm. Nước sông này chưa biết thế nào. Y lại chẳng thạo bơi. Nhìn quanh, y thấy trong quán treo rất nhiều sách, lủng lẳng chỗ này chỗ nọ toàn sách văn chương. Một cuốn dày cộp đập vào mắt y. Một tuyển tập mang tên nhà thơ đang neo chơi vơi trong nước sông kia. Nom như cái phao gối. Y cầm lên xem, lôi theo sợi dây nhợ lằng nhằng. Y cảm thấy đang cầm một vật xốp, nhẹ bỗng. Hà! đúng là phao. Y thận trọng mang cả phao cả dây ra đứng sát bên sông. Tay trái y nắm chắc đầu dây. Này! Tóm lấy cái này! Tay phải y tung cái phao cho nhà thơ. Lập tức, bao nhiêu tờ giấy vụn ra lả tả như tàn tro hàng mã bay chấp chới trên không xoay tròn rồi rơi xuống. Trong chốc lát chẳng thể nom thấy đầu nhà thơ. Đám tàn giấy dần hạ xuống kết thành cái bè nhỏ, một đầu chạm bờ, đầu kia nhô lên tựa cái ngai. Nhà thơ ngọ nguậy song cứ lùng nhùng trong nước. Người kia bước lên bè. Chiếc bè chẳng hề lúng liếng. Y đưa tay tóm lấy cổ nhà thơ. Anh ta trợn to mắt, cố giãy giụa, nhưng tay chân hầu như bị tê liệt. Người kia dồn sức nhấc nhà thơ ra khỏi nước đặt nằm trên bè rồi ngồi thỉu đi. Khi y định thần lại thì nhà thơ đã bò đến ngồi lên ngai, ẻo lả dựa vào lưng ngai, nhưng đầu ngửng cao, miệng há. Người kia nhỏm dậy, đến gần nhà thơ định dìu anh ta rời bè. Nhà thơ ho khan một phát, người kia tự nhiên bị bắn bật lại ngã ngồi lên bờ. Cái bè-ngai như bị phản lực đẩy ra, xoay vòng và từ từ xa dần.
Người kia giơ hai tay ra trước như thể muốn níu kéo, như thế muốn bươn theo. "Hãy đọc trên quán đợi kia!", một tiếng trầm đục phán truyền. Y quay đầu ngước nhìn. Một tấm biển ngang mà trước đó y chưa thấy đập vào mắt với dòng chữ viết phóng bút, y chỉ đọc được mỗi chữ "Phận". Y chớp mắt một cái, bỗng thấy trơ lại một mình, chung quanh chẳng có gì hết, trên sông không thuyền, trên bờ không quán./.
Hải Phòng, 1999 - 2003