Sau cuôc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất bị thất bại (1258), bọn vua chúa Mông Cổ vướng vào cuộc nội chiến (1259 -1264) và cuộc chiến tranh với Tống (1267-1279) nên chưa thể tiếp tục ngay cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt một lần nữa. Mãi đến nǎm 1279, nhà Tống mất, toàn bộ đất Trung Quốc đǎ nằm dưới ách thống trị của nhà Nguyên, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt mới chuẩn bị xâm lược nước ta bằng quân sự. Sau khi không thể khuất phục được Đại Việt bằng những sứ bộ ngoại giao, cuối nǎm 1284, đạo quân Nguyên Mông do Thoát Hoan, con trai Hốt Tất Liệt, và A Lý Hải Nha chỉ huy, đã lên đường, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai.
Lần này, ngoài cánh quân lớn của Thoát Hoan đánh vào mặt Lạng Sơn, Vua Nguyên còn sai Nạp Tốc Lạt Đinh đem một cánh quân từ Vân Nam đánh vào mặt Tuyên Quang, và ra lệnh cho Toa Đô đem đạo quân còn đóng ở Bắc Champa, đánh vào mặt Nam của Đại Việt.
Lực lượng quân Nguyên khá hùng hậu, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép quân Nguyên có 50 vạn và khi rút về chỉ còn 5 vạn. Nguyên Sử chép rằng chỉ có 30 vạn nếu tính luôn cả dân phu là những người không tham gia chiến đấu (con số 30 vạn được các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng phù hợp. Theo 1 số tác giả thì quân Đại Việt lần này có 30 vạn người).
Trong cuộc chiến lần này, có một tên tuổi đã trở thành huyền thoại: Trần Quốc Toản.
Trần Quốc Toản sinh ra và lớn lên trong không khí cả nước náo nức chuẩn bị chiến đấu chống quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai (1285).
Năm 1282, triều Trần đã tổ chức một cuộc hội nghị quân sự rất đặc biệt tại bến Bình Than. Sử gọi đó là hội nghị Bình Than. Tham dự hội nghị này là các quý tộc và các vị tướng lĩnh cao cấp nhất của nhà Trần. Bấy giờ, Trần Quốc Toản tuy là quý tộc, đã được phong tới tước Hầu - Hoài Văn Hầu - nhưng vì còn ở tuổi vị thành niên nên không được tham dự. Hoài Văn Hầu lấy đó làm điều hổ thẹn.
Sử cũ chép chuyện này như sau:
“Khi ấy Hoài Văn Hầu là Trần Quốc Toản cũng theo xa giá (đến dự hội). Vì còn ở tuổi vị thành niên, Trần Quốc Toản không được vào dự bàn, nên lấy làm xấu hổ và căm tức lắm, tay đang cầm quả cam mà bóp nát lúc nào không hay. Khi về nhà, (Trần Quốc Toản) cùng với một ngàn người là tôi tớ và thân thuộc, sắm sửa binh khí và chiến thuyền, dựng cờ thêu sáu chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân” (nghĩa là: phá giặc mạnh, báo đáp ơn vua). Khi đánh nhau với giặc Nguyên, Quốc Toản thường xông ra phía trước, khiến cho giặc hễ thấy là phải tránh lui, không ai dám đối địch”(1).
Khi cuộc chiến tranh lần thứ hai nổ ra, Trần Quốc Toản cũng vừa đến tuổi thành niên. Đội quân hơn một ngàn người do Trần Quốc Toản lập ra và trực tiếp chỉ huy đã sát cánh chiến đấu với quân đội chủ lực của triều đình, lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Tháng 4 năm 1285, cùng với các vị danh tướng khác như Chiêu Thành Vương (chưa rõ tên), Nguyễn Khoái, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản được tham gia vào bộ chỉ huy chiến dịch Tây Kết. Trước khi đánh vào Tây Kết, quân sĩ của các tướng này đã tham gia và góp phần rất lớn vào thắng lợi của chiến dịch Hàm Tử. Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Kết, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản lại được cùng với Trần Quang Khải và nhiều tướng lĩnh khác như: Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền... tham gia chiến dịch Thăng Long và Chương Dương. Và, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch này.
Nhìn lại chiến công oanh liệt của Đại Việt lúc bấy giờ, chúng ta thấy rằng nguyên nhân cơ bản nhất cho những thành công của nhà Trần là chính sách đoàn kết nội bộ của những người lãnh đạo. Dù trong hoàng tộc nhà Trần có những người phản bội theo nhà Nguyên nhưng nước Đại Việt không bị mất, nhờ sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Đã nhắc tới Hội Nghị Bình Than thì cũng phải nói tới sức mạnh của quân đội dưới thời các vua đầu tiên nhà Trần, như Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông. Đây là những bậc minh quân có tài trị nước và giữ nước khiến người đời sau, đọc lại sử cũ, phải lấy làm ngạc nhiên và thán phục vô cùng.
Còn một nguyên nhân nữa phải kể tới trong thành công của nhà Trần là đội ngũ tướng lĩnh xuất sắc, nòng cốt lại chính là các tướng trong hoàng tộc nhà Trần. Dù xuất thân quyền quý nhưng các hoàng tử, thân tộc nhà Trần, ngoài lòng yêu nước - và bảo vệ quyền lợi dòng tộc - số lớn là những người có thực tài cả văn lẫn võ. Thật hiếm dòng họ cai trị nào có nhiều nhân tài nổi bật và nhiều chiến công như nhà Trần, đặc biệt là thế hệ thứ hai.
Và Trần Quốc Toản, tuy tuổi đời còn rất trẻ, tên ông đã đi vào lịch sử với lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước, dám hi sinh mạng sống vì dân tộc của mình.
Hơn 700 năm qua, 6 chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” đã làm nên lịch sử, đã luôn vang lên như một minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, cho khí phách hào hùng của một giai đoạn cả đất nước cùng chung sức đứng lên đương đầu với vó ngựa hung hãn của đế quốc Nguyên Mông với lời thề “Sát Thát”.
6 chữ vàng đã đi vào lịch sử dân tộc! Còn 16 chữ vàng: oai hùng hay uất hận?./.
Chú thích:
(1) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, quyển 7, tờ 27.