Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.137
123.140.527
 
Nợ trần
Khải Nguyên

Nghe một ông bạn vốn đi nhiều khen cảnh chùa X., vốn mộ cảnh chùa chiền, tuy không mộ dạo, tôi cất công tới vãn cảnh. Ngôi chùa cổ kính, thanh tĩnh, không xô bồ khách lễ bái. Trước sân chùa là một cái ao hình bán nguyệt, một cây đại già soi bóng, sen đang ló bông. Quanh chùa là một khuôn viên khá rộng nhiều cây cổ thụ, “thấp thoáng” tiếng chim. Tại đây, tôi bất ngờ gặp Liên, con Vũ Ninh, bạn cũ của tôi. Buổi cầu kinh sáng đã xong từ lâu mà trước Phật đài vẫn còn một người quì gối chắp tay khấn nguyện. Người này mặc quần áo nhà chùa, chiếc khăn nâu đội đầu không che hết bộ tóc có thể nói là đẹp. Nhìn thoáng qua tôi thấy quen quen. Trong lúc đàm đạo, tôi gợi chuyện sư cụ. Sư già cho biết sự thể và nói thêm: "Cô ta muốn qui y nhưng xem ra duyên tục chưa dứt nên nhà chùa khuyên thong thả hãy xuống tóc".

 

Tôi lặng đi, bởi tôi không nghĩ cháu lại tuyệt vọng như vậy. Dù sao thì Ninh đang là mẫu người được ngưỡng mộ của giới làm ăn, cả quan lẫn dân. Cả nhà ông ta, như người ta nói, đều có phúc, có phận.

 

Ninh xưa là bạn học của tôi, cùng đi bộ đội một đợt, các lượt được nâng cấp sĩ quan không chênh nhau lắm, chuyển ngành gần như cùng dịp. Ninh vào tiếp quản Sài-gòn ngay sau ngày 30/4/1975. Bước vào thời kì "đổi mới", anh chuyển qua làm kinh tế, khi sắp lên cấp tướng. Tôi chuyển ngành từ ngoài Bắc. Năm ấy, cơ quan Ninh chấn chỉnh theo hướng cơ chế mới. Tôi được điều vào chuẩn bị thay anh ta. Ninh lên nắm cấp cao hơn, cấp "tổng". Nhưng tôi bị một "trục trặc" nhỏ. Đảng bộ cơ quan họp đại hội, tôi bị một "cú" thư nặc danh tố cáo những việc đẩu đâu, bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười. Dù vậy, vẫn phải "chờ điều tra". Việc "vào cấp ủy" của tôi phải gác lại. Và gác luôn chức vụ "sắp sửa" của tôi. Một cấp phó trước đây của Ninh lên thay. Tôi thành lỡ dở. Người ta khó xếp ghế cho tôi. Ghế cũ thì đã có người ngồi ngay khi tôi vừa rời đi. Tôi nói: tôi làm gì cũng được, thậm chí làm nhân viên. Nói mạnh vậy nhưng cũng thấy là khó chấp nhận, với tôi, với họ. Tình thế ấy, tôi xin về hưu non. Mối liên hệ giữa tôi và Ninh lơi dần. Tất nhiên, anh bạn có những bận tâm riêng mà tôi khó chia sẻ cùng. Tôi vẫn rõi theo được về đại thể bước thăng tiến của anh ta. Đất nước tiến mạnh vào thời mở cửa. Ồn ào những "kinh tế thị trường", những "liên doanh", "liên kết". Ninh vẫn được tín nhiệm đều đều, - khỏi phải hỏi ai tín nhiệm, - dẫu có những xầm xì này khác. Tình thân giữa chúng tôi lỏng, tôi vẫn giữ cho âm ỉ trong lớp tro kỉ niệm thiếu thời, được Ninh hâm nóng trong mấy lần đích thân đến nhà tôi.

 

Lần thứ nhất, Ninh đột ngột đến nhà tôi vào lúc tôi "về vườn" gần chẵn năm. Tôi thành thực vui đón bạn. Người về hưu chẳng phải "vô công rồi nghề", tuy vậy cũng thích thăm thú bạn bè nhưng lại ngại ám công chuyện làm ăn của người ta, cho nên có khách là mừng rồi. Ninh thoạt đầu hơi kém tự nhiên. Tôi đã tưởng một sự ăn năn do tình bạn khơi nên. Nhưng không phải vậy. Tuy nhiên, phút lúng túng qua nhanh, - cũng phải thôi, với một người quen có công chuyện không chỉ với người trong nước. Sau vài lời "giao đãi" gọn nhẹ, ông bạn cũ của tôi nói thẳng vào việc: Nhờ tôi làm "đại diện đặc mệnh" cho một "tư vụ" khó khăn và tế nhị.

 

Đứa con trai một của vợ chồng Ninh "đổ đốn ra" đâm mê một cô giáo cấp hai chưa hết tập sự. Nếu chỉ kể riêng "con bé" thì cũng đáng "được bước vào cửa" nhà ông ta. Sắc, tài, đức "tạm" được cả. Hiềm một nỗi "thằng bố nó" đã có lần đi tù hình sự. “Tôi có thể không chấp địa vị xã hội, gia cảnh hắn ta. Nhưng… chẳng nhẽ trong lí lịch con tôi không ghi gì về bố vợ. Nông nổi ấy rồi còn đeo đến đời các cháu tôi. Mà thôi, chuyện lí lịch ngày nay chẳng đáng sợ, ít ra là với những người như chúng ta, phải không anh? Chuyện "cùng ngồi với nhau" thì có thể tránh được. Chuyện này mới gay. Rồi đây trong tộc phả họ tôi sẽ ghi thế nào về tiểu sử một nàng dâu như thế? Chẳng lẽ ghi: Bà vốn là con nhà tội phạm!” (Xem ra ông bạn đang chuẩn bị những trang gia phả, tộc phả để đời!). Vợ chồng Ninh khuyên giải con không được, cấm đoán không xong, bà vợ bèn cho đánh xe đến tận nhà "kẻ kia" bảo thẳng: "Ông bà không đáng làm thông gia với chúng tôi". Ninh bảo ông ta không xui vợ, nhưng hẳn rằng ít nhất ông ta cũng đã không can ngăn. Họ chẳng làm thế nào lay chuyển được Tân, cậu con. Đến một hôm, Tân tuyên bố: "Cô ấy đã mang thai bốn tháng. Nếu không cưới thì con sẽ đi xa cùng cô ấy, không bao giờ trở về nhà này nữa". Đành xuống nước: "Thôi được! Cứ đưa nó về đây! Rồi sẽ tổ chức tiệc tùng sau". "Không cưới hỏi đàng hoàng thì cô ấy không bước chân vào nhà này đâu". Bà mẹ bĩu môi: "Đã ễnh bụng ra, người ta đón cho đã phúc, còn kênh kiệu!". "Chúng con đã đăng kí kết hôn rồi. Phải có chạm ngõ! Phải có rước dâu! Con nói hết!" Rõ là nòi cha, giọng quân sự: một là một, hai là hai. Việc chẳng thể đừng. Khốn nỗi nhà gái khăng khăng: "Ai đã nói chúng tôi không đáng làm thông gia thì phải có nhời nói lại mới rước được con gái chúng tôi về". Không muối mặt thì không xong. Đang lúc vô cùng khó xử, Ninh nảy ra được một "giải pháp tình thế" - Không đa mưu túc kế thì làm sao ông bạn trụ được mãi trong "trường làm ăn", mà lại trụ giỏi nữa? - Xin đối phương cho được cử người thay mặt, thay nhời. Mãi mới được người ta chịu, nhưng nhắn sang: Phải là người cùng vai vế với người được "thế mạng". Đã ướm cử mấy trường hợp mà bên kia cứ lắc. Chẳng hiểu do đâu mà Ninh lại nghĩ đến tôi, - tôi đâu dám sánh với ông ta, về mọi phương diện! - và được gật. Chắc là vì con tôi học cùng khóa Cao-đẳng Sư-phạm với cô giáo nọ. Vậy là tôi đã đóng vai "sứ giả", thú thật là chẳng mấy vui. Tình thân giữa Ninh và tôi được nhen lại. Và rồi như một cái "nghiệp", tôi còn phải dính vào chuyện nhà của ông ta. 

 

Khi Ninh chuyển sang dân sự làm kinh tế, ông ta mang theo một cậu tên Thụ vốn là lính hầu của mình. Đích thân ông ta làm giấy xuất ngũ cho. Một cậu trẻ măng, thật dễ thương, mới nhập ngũ, sau khi học xong phổ thông trung học. Được đi lại thân thiết với gia đình "sếp", Thụ mau mắn chiếm được cảm tình của cả nhà, đặc biệt là Liên, cô con gái rượu. Sét nổ giữa nhà ông bạn cũ của tôi vào một tối khi Liên ngỏ ý với mẹ là muốn chung sống với Thụ. "Trời! Con gái tôi! Một thằng xuất thân binh nhì, nghề ngỗng chưa đâu vào đâu". "Con chẳng cần. Anh ấy hợp với con". "Nhưng rồi làm gì mà ăn?". "Nếu cha mẹ không giúp thì chúng con tự xoay xở lấy". "Nhưng mày còn trẻ quá, con ạ". "Con đã đến tuổi kết hôn được rồi, chỉ kém mẹ nửa tuổi khi mẹ lấy cha thôi". Ông anh vợ tương lai định rủ bạn "sửa" cho "thằng nhãi cù lần" một trận cẩn thận. May, Tân vừa hở ra với vợ, Thuỷ đã lạnh mặt bảo: "Nếu anh làm vậy thì đừng nhìn mặt em và con nữa". Ninh gặp riêng Thụ hứa chu cấp cho một số tiền lớn và lo cho đi học hoặc xin việc làm chu đáo ở ngoài Bắc, miễn là cậu "chịu buông tha con bé", nếu không ... Cái bỏ lửng đầy ý nghĩa. Biết chuyện, Liên dọa: hoặc trốn đi với người yêu, hoặc tự kết liễu đời mình. Vợ chồng Ninh thực sự hoảng khi bà mẹ tìm thấy trong tủ con đầu giường trong phòng riêng của con gái một xấp vỉ thuốc ngủ loại mạnh.

 

Ninh đến nhà tôi nhờ khuyên giải Liên, ông ta biết cháu mến tôi. Tôi dè dặt bảo ông ta: nếu tác thành được cho hai trẻ thì sau này dìu dắt cháu Thụ không khó. Hẳn Ninh cũng thấy không còn cách nào khác hay hơn. Quả nhiên, sau đó Ninh đã bồi dưỡng cấp tốc cho con rể những gì và ra sao, họa có trời biết được, chẳng bao lâu Thụ trở thành trợ thủ thân cận của bố vợ. Cậu vốn nhanh nhẹn, tháo vát, chịu khó.

 

Cơ ngơi ban đầu của gia đình Ninh là biệt thự của một tướng của quân đội Sài Gòn trước đây nằm trong một khuôn viên xinh xắn. Ông ta cho xây thêm một toà nhà ba tầng lầu. Cha mẹ, con cái gồm cả dâu, rể ăn ở đàng hoàng, thoải mái, lại còn thừa các phòng sang trọng cho người nước ngoài thuê, thu hơn hai nghìn đô-la Mĩ mỗi tháng. Thế rồi tôi nghe tin vợ chồng Tân-Thuỷ xin ra ở riêng. Người thì cho là một sự "li khai". Người thì cho là "sách lược" của bộ óc "chiến lược".

 

Một buổi chiều, vợ chồng Thụ đến thăm tôi. Trước đây, thời "sóng gió" của đôi trẻ, Liên đã mấy lần đến cầu cứu tôi. Quan hệ giữa chúng tôi không xuống cấp hoặc thăng trầm như giữa cha cháu và tôi. Họ đến báo tin vui Thụ được cử đi tu nghiệp dài hạn ở nước ngoài. Vậy mà sao vẻ mặt của cả hai đều có dáng ưu tư. Với Liên thì có thể hiểu được. Xa chồng dài lâu chẳng phải là điều dễ chịu, dẫu chuyến đi của chồng là điều ước khó với tới của nhiều người. Vả lại, cô đang mang bầu. Còn Thụ? Tôi chẳng tiện hỏi. Tôi chỉ mỗi việc có thể làm lúc này là mừng cho họ, chúc ngườỉ ra đi lên đường may mắn và động viên người ở lại.

 

Liên sinh được một đứa con trai rất kháu ngay khi mới lọt lòng. Thụ gửi về đủ thứ cho vợ con bổ dưỡng, những thức quí hiếm ở trong nước dẫu đã vào thời "mở cửa". Đứa bé hay ăn, chóng nhớn, bụ bẫm, khôi ngô. Nhưng chừng sau tuổi thôi nôi, nó bắt đầu gầy đi. Chuyện ấy cũng thường xẩy ra. Đáng lo là cái chứng khóc đêm. Khóc ngằn ngặt, từng chặp, từng cơn, liên miên hầu như thâu đêm, như là khóc thay cho mọi đứa trẻ trên thế gian này. Thuê hẳn ba bác sĩ nhi khoa giàu kinh nghiệm mà chẳng tài nào định bệnh được. Biết tin, chẳng hiểu sao Thụ viết cho vợ bàn chuyện mua nhà ra ở riêng. Ban đầu là bàn, sau là giục. Thật khó cho Liên, khó cho cả cha mẹ cô. Tình trạng cháu bé ngày càng tệ. Thụ tức tốc xin phép về thăm nhà. Cậu kiên quyết đòi Liên rời biệt thự cha mẹ đẻ. "Anh Tân, chị Thuỷ đã đi rồi. - Liên khổ sở, nói - Cha mẹ muốn em ở cùng cho vui, sẵn sàng dành hẳn cho chúng ta một tầng lầu. Em bỏ đi sao đành! Mà người ngoài trông vào chẳng tiện". " Nếu sợ không tiện thì ra bắc với mẹ anh. - Thụ không chuyển ý - Anh bảo đảm em và con sẽ sống đầy đủ, đầm ấm". Thụ ra đi với một lời gửi lại như một lời răn, hàm một lời đe: "Nếu không nghe thì rồi có chuyện gì hãy gắng mà chịu". Ít lâu sau, đứa bé chết trên nhung lụa và giữa vô vàn thứ thuốc thang cùng thức nuôi dưỡng.

 

Lần thứ ba, Ninh đến tôi cũng đột ngột như các lần trước, vào buổi tối. Tôi chưa kịp mời, ông ta đã ngồi phịch xuống ghế buông ra một thôi vừa hậm hực, vừa cay đắng:

- Hừ! Tôi vào Nam ra Bắc mấy chục năm tung hoành cả trên chiến trường, cả trên doanh trường chẳng chịu kém ai, mà nay bị một thằng nhãi cho một cú đá vào mông điếng người, lại không kêu được.

- Có chuyện gì vậy anh? - Tôi lo ngại hỏi.

Ninh ngồi thở gằn một chốc, uống một hơi chén nước tôi đưa. Giá lúc ấy tôi mời rượu thì có lẽ hợp hơn.

- Nó quất ngựa truy phong rồi. - Ninh nói sõng.

Tôi chẳng hiểu gì cả, giương mắt ngó sững ông bạn. Ông ta tự tay rót tiếp nước vào chén, uống nữa, rồi thở hắt ra:

- Con Liên nhà tôi mất chồng rồi.

Hẳn là lúc ấy tôi đã há hốc miệng ra. Ninh bắt đầu kể. Xưa nay, ông ta nổi tiếng ăn nói lưu loát, đăng đàn thì hùng hồn phán đâu ra đấy. Vậy mà hôm ấy tôi được thấy và nghe một văn phong rối rắm với giọng điệu nhiều cung bậc: khi chùng lại kể lể, khi nặng giọng lên án, khi trầm xuống than van, khi bung ra tức tối như đang mắng ai trước mặt, quên rằng trước mặt ông ta lúc đó chỉ có tôi. Khó khăn lắm tôi mới tóm bắt được nội dung câu chuyện cho mạch lạc.

 

Con chết rồi, Liên không nhận được một mẩu thư nào của Thụ nữa, trừ một tin phát trôi, chẳng biết có phải do chính Thụ phát ra không: "Chưa biết lúc nào về. Ai cứ lo phận nấy". Vợ chồng Ninh đã cho con gái cả chục nghìn đô-la Mĩ bay đi tìm chồng. Hắn ta đã rời nơi tu nghiệp, chuyển đi những xứ nào làm ăn, có ma biết. Liên lần mò theo những lời mách mối, lòng vòng cho đến lúc cạn tiền đành quay về không, tinh thần tê bại. Ninh nhờ tôi "dùng ảnh hưởng của mình thức tỉnh" Thụ. "Nó chịu nghe anh. Trước kia, nếu không có anh nói vào thì chẳng đời nào chúng tôi nhận một đứa như thế làm rể". Một câu nói chẳng phải là buông ra đưa đà.

- Nhưng chính cháu Liên cũng không biết hiện giờ Thụ ở đâu cơ mà. - Tôi nói, không có ý từ nan.

Ninh nhìn tôi lơ ngơ như vừa tỉnh ra một sự thật. Ông ta đứng dậy: "Tôi về đây", và bước thẳng ra cửa.

 

Tôi khó nghĩ quá, và phân vân. Tôi có động lòng xót cho vợ chồng Ninh, nhưng cái chính là thương cho Liên. Tôi quyết định lần theo các mối quan hệ của Thụ ở nước ngoài qua thư từ hắn ta gửi cho tôi. Tôi chốt lại ở một địa chỉ là nhà của một Việt kiều. Tôi gửi hú họa một lá thư về đó nhờ chuyển cho hắn. Tôi chẳng mấy hi vọng, thế mà lại nhận được hồi âm của Thụ.

 

Lá thư gây cho tôi không ít bàng hoàng. Tôi vẫn tự cho mình hiểu khá rõ ông bạn Ninh của mình. Vậy mà... “Bác chẳng thể nào biết được, tin được là cú thư nặc danh kéo hẫng cái ghế giám đốc dưới chỗ ngồi của bác dạo nọ chính là do ông bố vợ quí hoá của cháu đạo diễn. Một tay chân tin cẩn của ổng tiết lộ với cháu trong một bữa nhậu tay đôi. Ông ta cần người cùng kíp nối ngôi tiếp tục hành nghề và giữ kín mọi chuyện”. Chi tiết này là nặng nề nhất đối với tôi, nhưng chỉ là phụ, rất chi là phụ, trong toàn bộ bức thư.

 

Tôi nhớ lại vẻ mặt ưu tư của Thụ khi anh ta đến chào tôi để đi du học. Trước đó chưa lâu, Thụ kể, anh được "sếp" - bố vợ giao cho việc lo mua một cặp ngà voi "mét hai trở lên" và một tấm da hổ "trưởng thành", tất nhiên là chẳng bằng tiền túi của ông ta, và lo sao cho ông ta mang đi trót lọt trong một chuyến đi công cán nước ngoài để làm quà tặng. Thụ biết rõ việc đó không những là hành vi tham nhũng, buôn lậu, mà còn phạm luật, luật trong nước và luật quốc tế, về bảo vệ động vật quí hiếm. Chẳng biết anh ta đã để lộ ra chưa, nhưng ông nhạc đánh hơi được ngay ý nghĩ và thái độ thực sự của ông con rể. Ông ta dẹp lệnh ấy với Thụ, giao cho một thủ túc khác (ông ta luôn luôn có sẵn các lá bài dự phòng).

 

Đó chỉ là mồi lửa đốt thêm làm phì hơi nồi cám đã âm ỉ sôi. Đã có biết bao chuyện khiến anh con rể không ăn ý với ông bố vợ cứ bị thất sủng dần. Trong đó có những chuyện động trời, chẳng hạn, tiếp tay cho đối tác nước ngoài biến cơ sở liên doanh thành bãi thải những thiết bị, máy móc cũ rích của họ, hoặc nâng giá lên đến mức khó tin; chẳng hạn, các cán bộ chủ chốt và vợ con họ thường xuyên đi du lịch nước ngoài, mua hàng và ăn chơi, dưới chiêu bài "tham quan khảo sát thị trường", mỗi năm có khi vài ba lần; v.v... ; khó mà kể xiết.

 

“Trước khi bị đá đi tu nghiệp, cháu đã thấy cái nhà ấy sặc mùi thất đức. Cháu những muốn đưa vợ đi ở chốn khác nhưng chưa đủ điều kiện và chưa có dịp. Đến khi thấy những triệu chứng suy kiệt của đứa con khốn khổ, cháu linh cảm thấy những báo ứng nhãn tiền trút lên đầu nó. (Sao lại báo ứng vào đứa nhỏ được! - Tôi thầm nghĩ - Nó có tội tình gì đâu. Phải tìm nguyên do ở cách nuôi nấng và các điều kiện sinh hoạt, hoặc ở nội tạng cơ thể đứa bé chứ. Mà báo ứng đâu ở kiếp này?) Cháu đã giục Liên thoát ra cả hai mẹ con. Cô ta đã không nghe. Cô ta, gia đình cô ta như là cái nghiệp của cháu. Cháu còn biết làm gì hơn?...”

 

Thực tội cháu Liên! Nếu quả là cái "nghiệp" thì Thụ càng không được bỏ rơi vợ. Tôi chưa nghĩ ra mình có thể giúp cháu được gì. Khi bất lực, người ta nếu không viện những lí do này nọ thì cũng tránh ra, lờ đi hoặc quên đi. Tôi đã muốn quên đi. Thụ cũng đã cắt thư với tôi.

 

Lần ấy, gặp Liên trong tình cảnh không ngờ, tình cờ mà như có sự run rủi. Tôi không thể không đến gặp cháu, - mà gặp thì biết nói gì đây!

 

Ngồi với cháu trong vườn chùa, tôi đã ngại cháu sẽ khóc nhiều, nhưng có lẽ giai đoạn ấy đã qua. Liên có dáng trầm tĩnh một cách nhẫn nhục, vẻ mặt lạnh, ánh mắt hoang.

- Cháu vào đây để sám hối...

Tôi lắc đầu. Tội nghiệp cô bé! Cháu có hiểu những lời cháu vừa thốt ra không? Tôi đã chứng kiến mấy nam nữ thanh niên ăn mặc đúng mốt, mặt phấn môi son, đèo nhau bằng xe máy đến trước một cái miếu con vừa hẹp, vừa thấp tè như cái chuồng gà bên một gốc đa (đáng tiếc, cây đa tuyệt đẹp!), đua nhau niệm to như hát đồng ca: "Con xin sám hối...", "Con xin sám hối...". Sau cái điệp khúc "Con xin sám hối" là những từ ngữ vang mà rỗng. Sau mới biết người "lĩnh xướng" là một "nhà chuyên nghiệp" được trả công.

- Cháu sám hối chuyện gì?

- Lẽ ra cháu phải sớm tỉnh ngộ mới phải. - Liên như không nghe câu hỏi của tôi. Đúng đêm cháu sinh con, cây ngọc lan cạnh nhà bị gió mạnh quật đổ; khám thờ thần tài trong nhà tự nhiên tung toé bát hương...

 

Giá như trong một cảnh huống khác thì tôi đã phì cười. Tôi biết giới "làm ăn" trong Nam có tục thờ thần tài, thường là tượng một ông Địa đặt trong một cái khám gỗ con để ở góc nhà ngay trên nền. Một lần đã lâu, tôi nghe chính từ miệng Ninh kể giữa một đám bạn bè như kể chơi nhưng chẳng phải để mua vui: "Thờ ông ấy, mỗi sáng phải cúng một điếu thuốc lá và một tách cà-phê. Tượng thì không nên mua mà nên thó của một nhà nào đang phất. Mua mới thì phải đưa vào chùa phù phép đã". Giọng ông ta hơi đá tí cười cợt, tuỳ tai người nghe, nếu không dị đoan thì tự nhiên luận ra ý báng bổ, còn thì...  Tôi cho là chuyện tào lao. Về sau, được biết "dịch" này đã lan ra Bắc, ngay cả trong giới quan chức. Nhưng ... gia đình ông bạn cũ của tôi, có lẽ nào?

- Những "điềm" ấy có thể giải thích được. Còn chuyện sám hối thì bác chưa hiểu.

- Cháu phải sám hối cho gia đình cháu. Anh Thụ biết chưa hết đâu.

- Thụ có thư cho cháu à?

- Vâng. Anh ấy nói cùng viết cho bác. Bác khó biết được vì sao anh chị cháu đòi ra ở riêng. Cặp ngà voi và tấm da hổ đưa sang châu Âu làm quà, cha cháu được đáp lại bằng một chiếc ôtô "xịn" đời mới nhất. Anh Tân cháu cùng đi chuyến ấy xin mang về cho anh ấy dùng đi lo các "phi vụ". Cha cháu bảo chưa phải lúc. Ổng bán đi, gửi tiền vào ngân hàng nước ngoài. Anh Tân bất bình lắm. Cha cháu nói ổng đang tính thay xe mới cho tổng giám đốc - là ổng, để ganh với một ông tổng giám đốc bạn, lo gì không được xài xe "số dách", mà lại không hụt mất một món to ngoại tệ mạnh ngoài vòng nhòm ngó trong nước. Thế nhưng anh ấy cho rằng "mượn" xe công của cha sao bằng xe riêng của mình nên vẫn ức. Về nước, cãi lệnh cha mấy lần. Ngẫm ra toàn lệnh thất đức cả thôi, bác ạ. Cha cháu rất giận. Anh Tân xin đi ở riêng. Cha cháu càng giận, trút giận sang chị Thuỷ, cho là chị ấy xúi bẩy chồng chống lại cha mẹ. Thực tình thì chị Thuỷ có xui ra ngoài ở. Từ trước cơ. Chị ấy bảo riêng cháu là ở nhà cha mẹ cháu chị ấy hay mộng mị linh tinh, thường là ác mộng. Nhất là từ hôm cha cháu ra lệnh cho người làm vườn mới đập chết tươi con mèo. Cha cháu vốn không ưa mèo, sợ xúi quẩy. Hôm ấy cha cháu ra xe để đi làm, con mèo nhà nuôi chạy qua trước mặt; rồi ổng gặp bất trắc trong công chuyện sao đó.

 

Hình như mỗi con người chúng ta khi được sinh ra đều mang sẵn trong máu mình cái mầm dị đoan truyền kiếp từ nhân loại cổ sơ như mang cái kén ấu trùng kí sinh. Chỉ cần điều kiện thích hợp là cái mầm trỗi dậy. Trên các nấc thang tâm linh, dị đoan thấp hơn mê tín. Mê tín, tức là đã có cái để tin, dẫu lắm khi còn tin một cách dị đoan. Tín ngưỡng là nấc cao đến với cõi siêu hình. Nhưng tín ngưỡng và mê tín cách nhau một ranh giới mỏng manh. Tâm không sạch hoặc trí không sáng dễ làm nhoà ranh giới; tín ngưỡng bị lộn sòng, bị hạ thấp, mang tiếng.

 

- Người ta nói - Liên kể tiếp - ngôi nhà viên tướng ngụy từng ở ấy vốn đã có  oan hồn. Đất đó trước thuộc dân một xóm nghèo nhỏ. Họ bị người ta chủ tâm dồn vào bước đường cùng buộc phải bán, nhượng hoặc mất trắng để cho biệt thự mọc lên. Người làm vườn cũ mà cha cháu giữ lại hồi ổng mới nhận nhà nói trước đây rợn lắm; biệt thự đổi chủ, không khí nhẹ thở hẳn. Song chỉ được mấy năm. Rồi người ấy bị thải, cháu không rõ vì đâu, có khi vì biết quá nhiều. Ông ta từ trước vẫn sống một mình trong một cái túp ở góc vườn. Sau đó, không nhà cửa, không vợ con, ông ta sống chết ra sao chẳng ai hay. Thay thế ông ta là một vệ sĩ trá hình. Cha cháu rất ít khi công khai "xuống tay", kể cả với đối thủ. Ổng vẫn được tiếng dễ gần, dễ mến, có nếp nhà. Dĩ nhiên, ổng không ưng cho cháu lên ở chùa.

 

Sư già kể: "Khi cô Liên vào chùa, ông Ninh đã thân hành đến xin đừng nhận. Cửa từ bi có khép lại với ai bao giờ, nhà chùa nghe theo sao được. Chúng tôi chỉ khuyên giải thôi chứ không cấm cửa. Sau đó, nhà chùa còn bị khó dễ mãi. Cũng chẳng phải vì thế mà tín đồ Liên chậm được thế phát qui y".

 

Liên bắt đầu năng đi lễ chùa sau khi mất con. Ra nước ngoài không gặp được chồng, trở về cô chọn chùa X. để nương mình. Tìm một ngoại cảnh thích hợp hỗ trợ cho kinh kệ để tâm hồn sớm lắng lại dọn mình theo lẽ đạo thì ít nơi sánh được với chùa này.

 

Thời gian vẫn lặng lẽ cuốn nhanh. Cuộc sống đua chen vẫn sôi động ngoài khuôn viên chùa...

 

*

Tôi vừa về đến cổng đã gặp vợ tôi xách làn đi ra, nét mặt khó có thể nói là hớn hở.

- Có khách chờ ông đấy. - Bà nói như mình là người có lỗi - Tôi đã bảo là ông đi về không chừng nhưng anh ta xin được chờ. Thành thử tôi không thể nào đi chợ được. May mà con nó vừa về.

- Người như thế nào?

- Ông vào thì biết. Còn trẻ. Nom hơi quen, tôi chẳng nhận ra ai.

Tôi cũng không nhận ra ngay, cả khi khách đứng dậy xởi lởi chào và bước lại gần. Anh ta đúng là còn trẻ, mặc bộ quần áo còn "trẻ" hơn, tuy hơi nhàu; mặt mũi dễ coi, có vẻ lười cạo râu; đôi mắt hẹp và dài núp sau đôi mắt kính thoảng nâu, có lẽ là không số. "Bác không nhận ra cháu ạ?" Câu hỏi hơi ngậm ngùi pha chút trách móc. "Anh Thụ phải không?" Lập tức trong trí tôi kí ức hội về. Mấy năm rồi nhỉ?

- Anh về chơi hay về hẳn? - Tôi hỏi sau khi Thụ đã ngồi xuống, tuy biết anh ta đã xin định cư ở nước ngoài.

- Dạ, còn tuỳ... Cháu phải gặp được Liên đã.

- Anh biết chuyện Liên rồi chứ?

- Vâng. Cháu bỏ mặc cô ấy thật không phải...

Có muộn quá không? Cách đây chừng hai năm, tôi nghe tin Liên đã được làm lễ thế phát. Nhiều năm ròng, đắm mình trong không khí u nghiêm chùa X, lánh mọi sự đời, cháu nguyện cầu cho chồng hồi tâm, cho cha mẹ thoát bến mê. Vậy mà Thụ, theo như lời đồn, đã lấy một cô "đầm". Cha mẹ cháu vẫn vững ghế, chắc là rồi ra sẽ "hạ cánh an toàn". Tôi chưa hiểu gì mấy về đạo Phật, song cứ nghĩ: Đức Phật tế độ chúng sinh là dẫn dắt mỗi người tự giải lấy cái nghiệp của mình, trước hết là sống sao cho Thiện. Còn làm bậy đấy rồi cầu khấn đấy thì Trời, Phật nào chứng? Huống lại là cầu khấn thay họ! Nay Liên đã chính thức qui y. Giá biết trước có lẽ tôi đã bảo cháu: "Cháu còn trẻ, cháu ạ. Duyên phận chưa tắt. Cuộc đời còn dài phía trước". Bây giờ cháu đã thực sự là người của cửa Thiền, hẳn cháu đã được rọi con đường đi cho tâm linh. Dẫu vậy, tôi là người vô thần chưa được tôn giáo nào giác ngộ, tôi không muốn tuổi trẻ của cháu tàn theo ngày tháng trong bộ quần áo tu hành, không muốn năng lực thanh xuân của cháu gửi vào tiếng mõ, lời kinh và khói nhang. Bây giờ Thụ đã hồi tâm (lòng thành của Liên đã thấu các Đấng cứu khổ chăng?), biết đâu chẳng đưa được Liên trở lại cõi tục. Nhưng phải là tình yêu đích thực, có màu vị tha. Tôi bảo Thụ:

- Cháu ạ, Liên chẳng cần những sự quan tâm trần thế nữa đâu, nhất là lòng thương hại.

- Nói đến thương hại, - Thụ rầu rĩ nói - thì cháu mới cần được thương hại. Người đời có thể coi cháu là thành đạt, nhưng cháu đã ngu muội đánh mất mối tình Liên đã dành cho cháu. Cháu chẳng còn tìm đâu ra mối tình như thế. Bây giờ cháu mới thực sự biết yêu Liên. - Thụ chuyển giọng khẩn khoản - Trước đây, bác đã góp phần tác thành cho chúng cháu, nay xin bác giúp cho cháu nói chuyện được với Liên. Cháu rất khó gặp cô ấy. Cô ấy không chịu giáp mặt cháu, cháu nghĩ vậy. Một lần, thoáng thấy Liên đang làm gì trong vườn hoa, cháu vội lần đến thì cô ấy đã đi gõ mõ tụng kinh chẳng nhằm giờ giấc gì cả.

 

Có đúng Liên từ khước gặp chồng cũ? +Vì còn hận? - Nếu vậy thì Thụ còn chút le lói hi vọng. +Vì duyên trần đã dứt? - Nếu vậy thì hết rồi. +Vì quyết tâm chuộc tội cho những người thân theo gương một nữ tu trong tích cũ? - Nếu vậy thì biết nói sao! Hiểu được Liên bây giờ đâu có dễ. Nghe nói cô rất chăm công việc từ thiện; gần đây tham gia cả giảng dạy ở "lớp học tình thương" và "nhóm tập nghề" gần chùa.

 

Tôi biết giúp Thụ thế nào đây? Anh ta sẽ không chỉ dừng ở chỗ nhờ giúp cho nói chuyện được với Liên. Cửa Phật rộng mở, cõi đạo mênh mang. Ai còn luyến mùi tục lụy thì, "Phật tại tâm", vẫn có thể là một phật tử tại gia. Tác hợp cho họ hẳn cũng là góp tay vun quả phúc. Còn với người đã ngộ đạo bậc chân tu thì một kẻ không rành lẽ đạo, chưa thấu lẽ đời như tôi mà cứ đem cái lí trần tục thường tình ra thuyết liệu có nên chăng? Nhưng có lẽ nên để hai người gặp nhau, ít ra cũng nói với nhau lần chót. Nếu không tái hợp nữa, cũng có ích cho họ. Liên sẽ nhẹ gánh hơn trên đường tu. Và hi vọng Thụ sẽ tự gỡ mối được cho nỗi ân hận và sẽ sống tốt đẹp hơn./.

 

Hải Phòng, 5 - 1997

 

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2252
Ngày đăng: 05.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lệnh Phải Thi Đỗ - Đỗ Ngọc Thạch
Lông Chông Biển - Bạch Lê Quang
Tội lỗi nguyên thủy - Khải Nguyên
Người Mất Tích - Nguyễn Viện
Niềm tin yêu còn lại - Trần Minh Nguyệt
Món nợ trần gian - Trần Quang Vinh
Bác Sĩ Thú Y - Đỗ Ngọc Thạch
Phượng - Vinh Anh
Phận - Khải Nguyên
Gío và Cánh Diều - Đổ Quỳnh Anh
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)