Nhà văn Lệ Hằng có nói, ngày đó, Sàigòn ngoài đường, hiếm thấy con gái mặc áo giây khoe chân dài, ngực trần…Nên con gái ngồi quán cà phê cũng hiếm. Đầu tiên tôi biết quán cà phê Lú là do Tường. Chúng tôi cùng ở khu Thị Nghè, nên Tường thường rủ tôi đến đó uống nước, sẳn dịp gặp anh Mường Mán, gặp anh Cung Tích Biền và vài người bạn Văn Chương của anh mà tôi quên tên.
Thú thật, những lúc ngồi nghe Tường và bạn Tường nói chuyện Chữ nghĩa trên trời dưới đất, thật chán, nghe mấy ông kháo về triết lý hiện sinh càng chán hơn, nghe chuyện chiến tranh chết chóc thì càng u uất…Tôi ngồi nghe cà ngơ cà ngất nên không thích đến đó, chỉ thích lang thang trong quán sách để được ngó nghiêng ngó ngữa những cuốn sách thơm mùi giấy mới hay xăm xoi những hình bìa đầy màu sắc thật vui mắt, nhưng Tường cứ năn nỉ nên tôi chìu, đến đó ngồi đồng với anh.
Quán Lú nằm trên một dãy phố gần chợ Thị Nghè, cách bài trí có chút gì đó âm u kiểu xuống âm phủ ăn cháo lú để quên hết chuyện xưa… có lẽ ăn cháo người ta sẽ lú, còn uống cà phê, mấy ông toàn nói chuyện gì đâu không ra nói, nói hoài, giống như nói là một nhu cầu gì đó thôi thúc?
Thời gian này Tường và anh Đinh Tiến Luyện đang tập sự ở toà soạn Công Luận với nhà văn Duyên Anh, hình như anh đang viết một truyện dài - kể chuyện nhà của anh (?) đoạn kể về mẹ con cậu bé đi tản cư còn dắt theo con heo thật cảm động mà tôi còn nhớ mang máng trong đầu.
Đóng chốt ở Lú một thời gian, Tường và những người bạn dời qua Thằng Bờm vừa mới khai trương. Không hiểu do đâu ngâm sĩ Thanh Hùng biết tôi làm thơ nên đề nghị Tường & tôi ngâm thơ cho chương trình thêm phần sôi động.Tôi gặp cặp Lê Uyên & Phương và Tình Khúc Cho Em ở đây, gặp Vũ Thành An với Bài Không Tên Số 2 cũng ở đây, gặp cả Phạm Duy với Thà Như Giọt Mưa phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên và cặp Từ Công Phụng & Từ Dung với Bây Giờ Tháng Mấy cũng ở đây….
Những tối cuối tuần, khách của Thằng Bờm đông lắm, đứng tràn ra đường. Nơi đây cũng ghi nhiều kỷ niệm của tôi với Tường, thường những lần khi rời Thằng Bờm chúng tôi thả bộ dưới trời đêm, có lần đó sau cơn mưa đường đầy nước,Tường loay hoay phụ kéo tuột đôi giày cho đôi chân trần của tôi thoả thích đùa nghịch dầm trong vũng nước, rồi sau đó cả hai đứa nắm tay đùa giởn hồn nhiên cười vang như con nít. Tôi biết Tường thương tôi lắm, những dòng chữ nắn nót “ Anh không thể nào phù phép hoá cho em một người Mẹ, nhưng anh có trái tim và lửa của trái tim” đã nói hết tấm lòng của Tường đối với tôi, vì thế cuộc sống tôi trôi êm ã với tình cảm ngất ngây trong sáng và không khí văn nghệ quyến rũ dễ thương từ quán Thằng Bờm.
Chúng tôi càng thân nhau thì bắt đầu tôi lờ mờ nhận thấy Tường có điều gì rất lạ, anh đâm ra khó tính, hay bồn chồn do những lý do rất mơ hồ, cộng thêm những hờn ghen vô lý - anh sinh ra độc đoán…Lúc đó tôi còn quá trẻ, những suy nghĩ trong đầu thật trẻ thơ đơn giản nên tôi không chịu nỗi những áp lực dường như quá lớn từ anh. Chúng tôi vẫn gặp nhau, nhưng không có gì vui, nên tôi từ từ xa anh, và hai đứa mất hút nhau hồi nào không hay cho đến một ngày gặp lại thấy anh đi với một người con gái mà trên những trang viết anh thường nhắc hai chữ Nấm Hương. Cô gái tôi gặp không mang tên Hương đó sao? Tuy nhiên, anh cũng kịp tặng tôi cuốn Huyền Xưa, một chuyện tình đầu tay của anh vừa xuất bản.
*
Tôi thích sống trong không khí văn nghệ và bằng hữu…Nhưng lại lập gia đình với người đàn ông không hề dính dấp chút máu văn nghệ nào. Tuy vậy, tuy anh là một người yêu khoa học, lại là một người lính, ( thụyvi ra sàn nhảy - first dance ) nhưng anh là một người chơi rất chí tình với tất cả mọi người - Cứ hể có chuyện cần, bạn anh ới một tiếng, dù xa cách mấy anh cũng lái xe tới, khi có chuyện cấp thiết không chờ bạn ới, anh mau mắn đem những đồng tiền dành dụm cuối cùng tặng hết. Vì thế, mỗi lần anh tổ chức văn nghệ hay họp mặt với một ý nghĩa nào đó thì dù mưa gió hay bão tuyết ngập trời, bạn thân sơ gì hay tin đều kéo nhau đến với anh thật đông đảo.
Mặc dù anh chỉ là một người nho nhả, tuy tuổi trời cho cũng khá cao, nhưng hạnh phúc của anh không phải ngồi bó gối đếm ngày trôi, anh vẫn ngược xuôi lo đủ thứ chuyện lớn nhỏ chung quanh như: chuyện giúp một người đến bịnh viện, chuyện thăm một kẻ cô đơn, chuyện làm một cái gì đó có chút tiền để giúp người lính thương tật ở quê nhà, chuyện tranh đấu có tiếng nói cứu vớt những đứa con gái bán thân trên xứ lạ… Anh cũng bộc trực dũng liệt chống cái ác, dám đi ngược lại với đám đông a dua hèn nhát, cầu an.
Do có một người chồng đồng cảm, chúng tôi có chung một số bạn thân. Chúng tôi chọn quán cà phê Boba Late làm “điểm hẹn” hàng tuần, vì đây cũng là một quán do vợ chồng một người trẻ VN làm chủ, vì thế cách bày trí trong quán thật nghệ thuật, hiện đại, khung cảnh lại yên tĩnh. Chỗ này, chúng tôi thường gặp Phạm Thắng Vũ, một cây bút viết nhận định chính trị xã hội thật sắc bén, lại có sức thuyết phục. Có cả Thi sĩ Nhật Hồng - Nguyễn Thanh Vân với cách dựng chữ thật độc đáo, thơ ông đọc xuôi đọc ngược đọc qua đọc lại, đọc đến…20 cách, vẫn hay, niêm luật, ý, tứ rất chuẩn mực - Loại thơ này xưa nay vốn hiếm, nay càng hiếm hơn. Lâu lâu còn có nhà văn Ngô Sỹ Hân, nhà thơ Phan Ni Tấn tạt qua cười khề khà, giọng cười bắt tôi nhớ chú Hiếu Đệ - ông Họa sĩ hồn hậu vậy, nhưng đi rồi, về cõi vĩnh hằng hồi năm ngoái. À! Còn có nhà văn quân đội Bảo Định thật hiền hoà mà ai cũng quý.
Nhóm văn nghệ chúng tôi còn có Oánh, một tay dương cầm thật lả lướt, anh chàng còn có giọng hát thật sang, rỏ lời, nhả chữ từng câu tròn triạ. Hôm qua, nghe tin nhạc sĩ Từ Công Phụng lâm bịnh, Oánh gọi tôi “ Thụyvi ơi! Mình phải làm một đêm nhạc cho TCP nhé” Tôi bâng khuâng “ Cuộc đời con người mong manh quá, chọn chủ đề Như Chiếc Que Diêm được không? ” Giọng Oánh dứt khoát “ Ok, chọn tên chủ đề này đi, ý nghĩa lắm, hai tuần nữa nhé ”
Thường những đêm nhạc Thính phòng loại bỏ túi, chúng tôi chỉ email ra mời, chắc chắn sẽ có vài chục người sẽ đến để nghe Oánh vừa đàn vừa hát trong một không khí thật lãng mạng với sự phụ hoạ của Nguyệt Ánh và Phương Mai hát không thua gì Ánh Tuyết và Quỳnh Giao.
Nếu tuần nào không tụ ở quán cà phê quen, thì bạn bè kéo đến nhà tôi. Khung cảnh Hầm Nắng đầy sách vở tranh ảnh rất ấm cúng, là nơi lý tưởng để chúng tôi thù tiếp bạn bè.
Trong những nổi đam mê lụn vụn, tôi còn mê… rượu! Có thời gian còn sưu tập rất nhiều loại rượu, và nơi góc phòng, tôi có cả một tủ đựng đầy ly cốc uống rượu bằng crystal sáng loáng. Mê rượu, nên tôi học nhiều cách pha rượu, những chất rượu sóng sánh uống thật đượm nhưng không dễ dàng làm cho người ta say, nên những câu chuyện Văn Nghệ, Văn Chương thật rôm rả hứng khởi.
Một người bạn Văn chương khác, Anh Khánh ở tận Paris, nói tiếng Tây nhiều hơn nói tiếng Việt, nhưng mê hò Huế, thích thổi sáo. Anh biết tôi thích rượu nên mỗi lần đến bất cứ thành phố nào bên Châu Âu cũng đều mua gửi tặng tôi những thỏi Chocolate tẩm các mùi rượu khác nhau. Tấm lòng của anh, Đỗ Trung Quân đã nói dùm: “Tôi cũng đã được lang thang vài nơi trên xứ người, những xứ sở bận rộn và văn minh, cái bận rộn khiến cho nếu có ai đó chịu dừng xe vào siêu thị hay quán xá chọn mua cho ta một món gì đấy để gửi hay mang về tặng ta hẳn cái tình cảm dành cho mình lớn lao lắm. Mua mang về đã là quí lắm rồi, nhưng còn chịu khó lặn lội ra Bưu điện bỏ bao bì cẩn thận gửi đến theo cách cổ điển nhất : Bưu phẩm, hẳn là chuyện không đơn giản chút nào. Bưu điện xứ người chắc chắn phải vài giờ lái xe trên đường cao tốc. Đi, chọn, mua và gửi cho một người ở nhà xa xôi đến thế thì cái tình cảm dành cho mình còn lớn biết chừng nào” … ….
Cứ hể các con tôi ra sân lấy thư, mở thùng, thấy gói vuông, gói dài, là y như rằng “của bác Khánh!” Nghe nói anh cùng xóm với nhạc sĩ Văn Giảng ( Thông Đạt ) ở Tăng Bạt Hổ thành nội Huế.
Trong nhóm tôi còn có Quý, Hiếu, hai tay này tuy không viết lách, nhưng mê hát, thích dấn thân phục vụ xả hội, thích quay phim, chụp hình thường chịu khó ghi lại những đoạn phim làm kỷ niệm… Không phải riêng hai anh hết lòng sống cho bạn bè, hôm đài truyền hình chúng tôi có thời gian dài cộng tác tổ chức kỷ niệm 12 năm hoạt động, vợ các anh là đầu bếp chính, đã cùng chồng lo toan trong ngoài để khoản đãi gần 300 thực khách.
*
Một bài thơ từ Việt Nam gửi qua. Bài, Những Dòng Chữ Vô Hồn của Mây Ngàn Phương
Khi tiếng nói của anh không thể bay lên
để nói lời ân tình chứa chan nhân nghĩa
để nói những lời yêu thương căm giận
chữ nghĩa có gì để khoa trương
về tri thức loài người?
Khi anh không thể cất cao lời bi hận
về biển đảo, núi, rừng đã mất
có nghĩa gì đâu những bài thơ
những dòng chữ vô hồn
Khi anh không thể cất cao lên tiếng thét gào
về những chiếc tàu lạ không tên không tuổi
như những bóng ma trơi cướp của giết người
có nghĩa gì đâu chữ nghĩa
sáo rỗng, xói mòn chở nặng niềm đau
Khi anh sống cúi đầu ô nhục
làm sao anh có thể thành người ?
tổ quốc có bao giờ hoá đá
để nỗi nhọc nhằn khắc hoạ bóng dân đen
chữ nghĩa có còn không
khi mấy anh chịu sống hèn ?”
( MNP )
Trong trời đêm sâu thẳm khuya lơ khuya lắc, một đoạn thơ của cụ Thi sĩ Hà Thượng Nhân do nhà văn Phạm Ngũ Yên gửi tới…
“Nếu không biết thế nào là chiến đấu
Làm gì có được tự do
Nếu hai chân không đứng lại bò
Nếu chỉ biết hoan hô “phải đạo”
Đời cần gì ngòi bút chúng ta
Nếu văn chương dối trá lọc lừa
Thì chữ nghĩa càng thêm xấu hổ
…………………………………….”
Tôi chấn động, ngồi im sửng. Lòng chông chênh, tự hỏi: Các bạn tôi và tôi, chữ nghĩa chúng tôi ở hạng mục nào?
( Hầm Nắng, đầu tháng sáu, 2010 )