Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.112
123.143.313
 
Công chức
Vinh Anh

Có lẽ cũng đã phải gần ba chục năm rồi, vì qúa lâu nên tôi không nhớ nữa. Cái mà nó  làm tôi nhớ được là vì vào cái thời buổi đó, bài báo đó có những lời nói “trái tai”. Bài báo kể,  có một vị giáo sư đáng kính của chúng ta qua thăm một nước bạn. Người bạn đồng nghiệp với vị giáo sư của ta nói: “Ngài yên tâm, ở nước chúng tôi, cái sự quan liêu cũng không kém ở nước các ngài đâu”. Tôi phải thú thật đấy là lần đầu tiên tôi được nghe cái mà người ta nói xấu về đất nước mình được đăng trên báo chí. Cũng chưa ra là nói xấu, người ta cũng mới chỉ nói với nhau lúc vui trên bàn tiệc hay như lúc trà dư tửu hậu mà thôi. Từ thời tôi mới đẻ, tôi chỉ quen nghe và xem những gì nói về cái tốt, cái đẹp của đất nước mình, con người mình. Tôi toàn được nghe những lời ngợi ca. Giờ gặp phải lời trái tai, vậy nên tôi nhớ. Ngày đó tôi mới đi làm, tôi mới là công chức nhà nước được mấy tháng. Với lại vào thời đó, cái ăn, cái mặc là cái cần phải quan tâm và ưu tiên trước hết, còn hơi đâu mà đi nghĩ đến những chuyện khác, nếu cái chuyện đó nó không liên quan đến mình, không ảnh hưởng đến mình.

 

Đất nước hoà bình , chiến tranh vừa kết thúc. Biết bao nhiêu việc phải làm. Thú thật, tôi cũng không biết cụ thể những việc phải làm là những việc gì đâu. Câu đó, tôi cũng chỉ nói theo mọi người đấy mà. Một chàng trai hai mươi nhăm tuổi, mới tốt nghiệp đại học, còn lớ ngớ, chập chững, chưa biết hết những công việc của đất nước mình là gì thì có sao đâu. Tôi tự bào chữa cho mình như vậy. Nhưng ngay từ cái ngày đó, tôi cũng đã cảm thấy hình như mình cũng có vấn đề, mang máng thấy rằng cứ kiểu làm việc như thế này thì không ổn lắm. Cái ngúc ngắc chưa trôi là thấy mình chưa làm được một việc có ý nghĩa, một công việc ra tấm ra món cụ thể nào để xứng đáng với sự hi sinh của các bậc tiền bối cả. Có phải cái nhiệt tình tuổi trẻ vẫn còn trong tôi, cái ý thức trách nhiệm làm một công dân tốt vẫn còn trong tôi? Tôi nhìn lại mình và thấy ngường ngượng thế nào ấy. Cái cảm giác chưa tròn phận sự của một công dân vẫn lởn vởn trong tôi.

 

Tôi nhìn ra xung quanh, nhìn lên các bậc cao niên đầu bạc, kính lão trể mũi để tìm những quá khứ vinh quang mà các vị đó vừa trải qua. Không thấy! Không lộ ra một chút nào cả, tất cả chỉ bàn đến miếng cơm hàng ngày. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là lo đến cơm áo, mua cái nọ rẻ, mua cái kia tốt. Đến giờ trưa, lúc vác cặp lồng để lên bàn làm việc ra ăn là lúc vui vẻ nhất. Lúc đó mới thấy gia đình nào khá giả, gia đình nào chỉ nhờ đồng lương bao cấp. Tôi chưa có gia đình, cái việc ăn trưa của tôi đơn giản, có khi chỉ có mỗi một cặp lồng cơm không thức ăn. Có khi tôi mang theo một con cá khô mà cô hàng xóm  mới mua được từ cái bộ tem phiếu đầy các chữ, các số như bản chơi ô chữ bị cắt khoét đi từng ô, từng ô. Nếu bị cắt đi nhiều là mua được nhiều hàng rồi đấy. Mấy cụ cao niên ăn uống đàng hoàng lắm (đấy là tôi so với tôi). Các cụ bàn về thịt cá cứ như các bà nội trợ thực thụ.  Thời đó hình như tất cả mọi người trong gia đình đều lo nội trợ, nghĩa là lo cho bữa ăn hàng ngày ấy. Các kí hiệu trên cái bộ tem phiếu ai cũng thuộc từng vị trí. Chỉ có tôi là “người ngoài cuộc đời”. Có hai cụ là thương binh, chuyên đi xếp hàng mua thực phẩm cho cả nhà bằng tem phiếu vào giờ làm việc. Bởi cứ xì cái thẻ thương binh ra là được mua trước, có xếp hàng thì cũng không lâu. Đất nước chiến tranh liên miên, người dân tỏ lòng biết ơn những người đã vì dân vì nước, có công với nước, góp xương máu để bảo vệ đất nước bằng hành động rất thiết thực: ưu tiên cho họ có quyền mua hàng trước để đỡ mất thời gian. Tôi thấy hợp lí quá.

 

Còn công việc, công việc mới quan trọng chứ. Tôi học xong là được chọn về ngay cái cơ quan to nhất nhì đất nước, oai nhất nhì đất nước này làm việc, trong lòng rất đỗi tự hào. Tôi háo hức lắm. Tôi nhớ cái buổi ra mắt giản dị, tôi chỉ phải khai báo họ tên trước toàn cơ quan, nói là mình đã học trường nào, khoa nào , kết quả học tập ra sao. Vậy thôi! Thế mà tôi không ngờ gần ba chục năm sau, đứa con của tôi nhập môn “công chức” nó lại nhiêu khê quá thể. Đúng là mỗi thời mỗi khác. Thôi cái chuyện sau ba chục năm về sau nếu tiện thì nói. Mà có khi mình nói lại không chính xác. Phải là con tôi, cái đứa vừa mới nhập môn “công chức” ấy nói mới được.

Lại tiếp về cái công việc của tôi. Tôi được phân công công việc giúp cho một vị cao niên. Nói cụ thể, đó là người hướng dẫn đầu tiên của tôi trong trường đời. Tuổi “sư phụ” tôi gấp đôi tuổi tôi. Tôi gọi bằng “anh” xưng “ em”. Lúc đầu không quen, nhưng về sau thấy thế là hay nhất. Nếu cứ chú chú, cháu cháu có khi lại không bình đẳng, có khi lại lép vế khi bàn chuyện công. Đã là dạng con cháu thì nói ngang bằng với bố mẹ là khó lắm. Tôi cứ nghĩ thế, chẳng biết có đúng không.  Công việc của tôi, một công chức mới toanh trong hệ thống quản lý nhà nước là ngâm nga những trang giáo án cũ kĩ cách đó đến hơn hai thập kỉ, có khi còn lâu hơn. Lẽ đương nhiên là tôi đã được học qua, sinh viên thì mấy ai học kĩ, từ trên giảng đường. Những phép tính đơn giản về phần trăm, về giá trị tăng lên sau từng năm, về lỗ lãi mà những điều đó chỉ phải thể hiện  trên trang giấy, tôi làm nhoáng cái ngon ơ. Vậy mà là công việc ư?

 

Hàng ngày tôi được đọc rất nhiều báo. Rỗi rãi mà. Công việc chẳng có gì là ghê gớm. Ngồi buồn sinh hư. Tôi bắt đầu quan sát các vị tiền bối. Công việc của các vị đó cũng như tôi. Có hơn chăng là đôi khi, một buổi làm việc may ra cũng có một vài vị khách đến thăm viếng. Lúc đó tôi hóng hớt, pha nước mời khách và lắng nghe câu chuyện của họ. Tôi tò mò xem các vị cao niên chỗ tôi giải quyết công việc ra làm sao. Thật chẳng mấy cái gọi là công việc. Vậy mà khách cũng vẫn cứ phải lặn lội từ các nơi xa tít mù tắp đến. Chẳng là cơ quan tôi là cơ quan to đùng mà, không nhất thì nhì quốc gia đấy. Người ngồi ở cái cơ quan đó tất nhiên cũng oai phong lẫm liệt chứ.  Tôi được lọt vào đây, sao mà số tôi may mắn thế!

 

Tôi dần quen với tác phong chậm rãi, chắc chắn của các vị cao niên. Chẳng việc gì phải “ nhớn nhác”, rồi thì mọi sự vẫn đâu vào đó. Tôi ngồi đọc báo, trên mặt bàn rải đầy tài liệu cũ kĩ từ tám mươi đời và hơn người ở chỗ, tôi biết tiếng Nga, cũng gọi là biết cho oai chứ thực ra tôi mới chỉ biết đọc mà không biết nghĩa, đọc có đúng hay không cũng không biết nữa, có ai kiểm tra đâu mà biết. Cái thời tôi ngồi trên ghế nhà trường, thằng nào mà giỏi, đọc, hiểu tiếng Nga ngay tại lớp, rành rẽ ngữ pháp tiếng Nga, thi thố cứ bốn và năm điểm thì thằng đó là siêu hạng. Khoá của tôi chỉ có một thằng như thế. Còn thì làng nhàng hết. Sau một năm ra trường là quên sạch. Rỗi hơi mà lèn các của đó vào đầu. Cái thời của tôi nó là như vậy đấy.

 

Vì đọc báo nhiều, nên tôi mới phát hiện ra cái câu nói bất hủ của đồng nghiệp vị giáo sư khả kính của nước ta. Tôi bật cười vì nó đúng quá. Cả cơ quan tôi đều ở cái dạng mà đồng nghiệp vị giáo sư khả kính kia nhận xét. Tôi giật mình nghĩ, tôi hốt hoảng nghĩ. Tại sao một sự việc nghiêm trọng như vậy mà các vị lãnh nước mình để nó tồn tại. Mình là một công chức mới toanh còn có thể tha thứ, các vị cao niên của mình ngồi kia và cao hơn nữa, ngồi lâu hơn nữa, tại sao các vị đó vẫn không biết. Lạ quá! Tôi đem vấn đề đó trao đổi với “sư phụ”. “Sư phụ” cười. Tôi không hiểu thực chất cái nụ cười đó là như thế nào. Hình như “sư phụ” ngạc nhiên, hình như “sư phụ” thương hại, hình như “sư phụ” đồng tình. Rồi bẵng đi vài ngày.  Một buổi chiều, khi sắp hết giờ làm việc, tôi đang thu nhặt các loại tài liệu cũ kĩ từ tám mươi đời trên mặt bàn, “sư phụ” hỏi tôi: “Đã tìm ra câu trả lời của câu hỏi hôm trước chưa?” Tôi ngớ người: “Câu hỏi gì ạ?” “Về vấn đề quan liêu ấy”. Tôi chột dạ: “Mình có phạm huý gì không đây” “Cả đất nước này như vậy đấy, anh bạn ạ, nhưng mà cậu phải cẩn thận trong từng lời ăn, tiếng nói, và tuỳ từng đối tượng mà phát ngôn. Có những điều chỉ có thể biết để ở trong bụng mà thôi” Rồi bỏ đi, ai về đường người đó.

 

Tôi cũng không quan tâm nữa bởi tôi tự đánh giá mình là hàng “ tép riu”, vớ vẩn không khéo người ta lại phang cho câu “ngựa non háu đá”, rồi thì ra sao nữa có ai mà biết trước được. Vậy là tôi im. Tôi im nhưng tôi ấm ách lắm. Cùng cơ quan tôi, cái đợt mà cùng được nhận về ấy, có khối cô, cậu cũng tầm tầm như tôi, cái loại cùng trang lứa ấy, dễ dốc bầu tâm sự, dễ nói chuyện cởi mở. Tôi mới mở đầu câu chuyện với một cậu, thì liền bị phủ đầu ngay: “Hãy chịu khó ngồi yên”. Tôi nói chuyện với một cô khác: “Các bạn con trai đúng là có chí khí”. Ung hộ chả ra ủng hộ, phản đối chẳng ra phản đối, ít lâu sau, cô bạn lên xe hoa. Con gái có thì mà! Tôi như cô dơn giữa biển đời. Con đường đi đã hằn thành nếp rồi. Lớp người như tôi đã dần dần bị nhiễm. Chẳng mấy năm nữa, tôi sẽ thay thế “sư phụ”. Tôi buông trôi, tôi đánh mất dần mình mà không biết. Tôi đã dần dần thành một công chức thực thụ của nhà nước ta. Nghĩa là sớm cắp ô đi, tối cắp về. Máu chảy trong con người tôi chậm lại, nhiệt độ của máu cũng giảm dần, tôi không còn thấy tôi của ngày xưa nữa. Nhiều lúc tôi cũng buồn, tôi nghĩ, vậy là mình đã già rồi. Tôi mới hai mươi bảy tuổi. Sắp ba mươi rồi còn gì. “Tam thập nhi lập”. Vậy mà tôi vẫn cứ có cảm tưởng tôi rất chênh vênh, tôi bồng bềnh như bị say sóng. Vâng tôi bị sóng của cuộc đời xô đẩy làm mất phương hướng, làm mất ổn định. Con sóng của cuộc đời có gì là ghê gớm lắm đâu mà tôi bị lạc lõng thế nhỉ? Tôi chẳng đã nói từ đầu là số tôi may mắn là gì. Tại sao lại như vậy?

 

Tôi lấy vợ năm ba mươi tuổi. Đúng cái thời điểm khó khăn nhất của đất nước. Các vị lãnh đạo nói thời điểm này chúng ta đã rơi đến đáy rồi, đến đáy nghĩa là hết phải rơi. Chắc là cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi. Tôi như mọi công chức khác ngồi chờ sự thay đổi mà không vận động gì cả. Tôi vốn được đào tạo như vậy. Ăn hưởng theo chế độ, làm theo ý của cấp trên, đường mòn đã hằn thành nếp trong tôi. Cái tốt đẹp trong tôi phủ bụi thời gian và cuộc sống. Tôi quên mất cái khái niệm hi sinh, cống hiến và mình vì mọi người. Năm năm sau ngày ra trường, tôi học được ít lắm, ngoại ngữ không biết thêm mà lại quên đi vì không ngó ngàng đến sách vở. Mấy cái lí luận đươc học ở trường cũng không sờ đến nữa. Tôi làm việc như “sư phụ” của tôi, chẳng phải suy nghĩ, chẳng cần sáng tạo gì hết. Tôi đến làm việc với cái máy tính “Ni sa” quay tay. Đánh một con số lại quay một cái. Nếu đãng trí nghĩ về bữa cơm tối chưa mua được thức ăn lại quên quay là kết quả sai, lại phải quay lại tìm ra con số chính xác. Trong thao tác nghiệp vụ, tôi đa phần chỉ làm tính cộng, đôi khi cũng làm tính trừ. Tính nhân và tính chia cũng có làm nhưng mà ít lắm. Vì vậy, cơ quan tôi có một ông bộ đội chuyển ngành nói một câu rất nổi tiếng :ô Làm việc ở đây lớp bảy thừa ba lớp ằ. Chí lí quá! Đã vậy thời kì này, cơ quan còn tổ chức cho học các lớp nọ lớp kia. Cái ông lớp bảy thừa ba lớp cũng được đi học một khoá trung cao chính trị. Học xong, nghĩa là có bằng tốt nghiệp, ông cũng cầm sổ nghỉ hưu. Không đi học thì thắc mắc là không được đào tạo, khi học xong thì đến tuổi già. Qui hoạch cán bộ là thế. Tôi trẻ hơn, cũng được cử đi học một lớp lí luận trung cấp. Học xong thì đất nước bước vào thời kì đổi mới. Bao nhiêu lí luận học được lại như có phần phải thay đổi, lại phải làm mới lại, nếu không giữa lời nói với việc làm nó cứ ngòng ngọng.

 

Nhưng với tôi, cái đáng nói nhất sau năm năm ra trường là tôi đã trưởng thành.  Cái nghĩa của từ “trưởng thành” này là tôi cũng đã biết cái thân phận của tôi, trên mình còn nhiều vĩ nhân lắm, đừng ti toe. Nếu khôn ra và năng động hơn một chút, thực ra là thông minh thêm một chút thì người ta chỉ cần sáu tháng hay một năm mà thôi. Đằng này tôi phải mất những năm năm. Học phí cuộc đời đối với tôi cao quá. Tôi thực sự là một công chức “cắp ô đi, cắp ô về”. Cái trưởng thành của tôi là biết tính toán làm thế nào  để có lợi cho mình nhiều hơn, cuộc sống gia đình khấm khá hơn. Ơ đời người ta có cái gì thì mình cũng phải cố có cái đó, nếu không có là thua kém. Người Việt mình thua ai thì thua nhưng đừng thua thằng hàng xóm, đừng để cho cái thằng hàng xóm nó cười mình và bảo mình là thằng ngu.

 

Vào thời gian này, cái ngày mà tôi vừa mới lấy vợ được một năm, cơ quan tôi được bổ sung một nhân viên mới. Chúng tôi nói chuyện với nhau và tôi biết anh chàng bằng tuổi tôi. Trong buổi ra mắt cơ quan, anh chàng tự giới thiệu là bộ đội chuyển ngành, đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên vùng biên giới cả Tây Nam và phía Bắc. Hắn gầy gò và cao nhẳng. Có lẽ vì gầy nên trông nó cao. Chưa vợ con gì cả, độc thân, không nhà cửa đang ở nhà tập thể của cơ quan. Tôi tuy bằng tuổi hắn nhưng có thâm niên công tác trong ngành cao hơn, nên đôi lúc tôi cứ coi hắn như đàn em, cứ cậu cậu tớ tớ, mày mày tao tao rất tự nhiên. Còn hắn, hắn gọi tôi là “ông” và xưng “tôi”. Với người khác cũng vậy, chẳng “đồng chí” cũng chẳng “chú bác anh em” gì hết. Hắn không có “sư phụ” chỉ bảo như tôi cái thủa ban đầu trứng nước, mới về cơ quan, được gia nhập vào hàng ngũ công chức nhà nước có cuộc sống rất an nhàn và đảm bảo. Tôi vẫn còn cảm thấy ngượng khi tiếp xúc với mấy ông bà nông dân: “Mấy ông có lương bổng nhà nước, có gạo nhà nước, đói thế nào được. Chúng tôi chỉ mong có thế!”.

- Này ông, ông không thấy cung cách làm việc ở đây nó đơn điệu và nhạt nhẽo à? Bất ngờ một hôm gần hết giờ làm việc, hắn đột ngột hỏi tôi như vậy. Tôi đang bận về đón đứa con gửi ở nhà trẻ, không đón sớm, để cô giáo phải trông ngóng là con mình bị “ thù” thì chết. Tôi ngớ người trước câu hỏi của hắn. Hắn nói: “Ông bận đón con thì về sớm đi”. Hắn lại chúi mắt vào quyển sách tiếng Anh, chẳng thèm nhìn tôi với một nửa con mắt.

Tôi phải về thật. Nhanh nhanh chóng chóng mà về để kịp giờ đón con.  Qui định có thể đón con chậm  sau nửa tiếng khi tan ca chiều, nhưng đừng có mà làm theo qui định trong trường hợp này. Cứ cố cố một chút, để đến sớm một chút, con nó cũng mừng mà cô giáo thì cũng không “mặt nặng, mày nhẹ”. Tôi không có thời gian để chú ý đến câu hỏi của hắn. Nhìn cái mặt của nó mà thấy ghét. Rồi có lúc mày cũng phải vắt chân lên cổ như ông anh mày đây. Sách với vở lắm vào, rồi nghiền chữ ra mà ăn!

 

Sau khi kết thúc cái qui trình buổi chiều và buổi tối là đón con, cơm nước và chăm chăm ngồi trước cái TV. Chẳng là ngày đó tôi cũng cố dành dụm mua được cái TV đen trắng cũ nát từ đống rác thải nào đó của một gia đình nào đó tận phía Nam, lại cũng còn qua biết bao đời chủ rồi mới đến tay mình ấy chứ. Tôi là dân ngoại đạo về mấy cái thứ điện đóm, chỉ biết quay máy tính Ni-Sa, cái đèn bàn mà hỏng là tôi cũng cứ quẳng đó để đến một hôm nào đó có thằng cháu đến nhờ chữa hộ. Cái TV thỉnh thoảng lại giở chứng. Nó cứ nhằng nhằng những vết chéo xiên, những muỗi, những bụi gì gì đó. Cách chữa duy nhất hiệu quả của tôi là vỗ vỗ vào nóc TV, có khi được, có khi không. Nếu không được thì đành phải nghe cái tiếng nói từ nó phát ra thay cho cái đài bán dẫn cũng không kém phần ọp ẹp. Nằm nhắm mắt bên vợ con mà nghe cũng được.Đời như vậy cũng còn hơn khối người. Từ bao giờ tôi đã là một con người như thế, chỉ bo bo nghĩ về cuộc sống của mình, của gia đình mình mà thôi.

 

Tối nay cái TV của tôi mất luôn cả hình và tiếng. Sau khi cơm nước xong xuôi, tôi bế con ra ngoài hóng gió. Đây cũng là cái thú của riêng tôi. Nếu không là một công dân tốt, gương mẫu của xã hội, tôi cũng có thể làm một ông bố tốt. Đấy là tôi nghĩ như thế, chứ chắc gì sau này nếu mình không lo cho con cái đầy đủ, nó lại mắng mình là đồ nhu nhược ấy chứ. Ngay trên cơ quan tôi đấy, ông vụ phó hẳn hoi, nhân viên dưới quyền nể sợ, đồng nghiệp ngang hàng kính trọng, uy tín với cấp trên, đường quan rộng mở mà có cậu quí tử thì hết chê. Tôi không hiểu hết cái gọi là “phá gia chi tử” nhưng mà quí tử của sếp tôi thì rách giời rơi xuống. Anh em trong cơ quan xì xào, bàn tán nhiều về quí tử của sếp lắm. Có người nào đó buông một câu, chẳng hiểu vô tình hay hữu ý “đời cha ăn mặn, đời con khát nước, đời chẳng cho ai tất cả, được cái nọ, mất cái kia”. A, thì ra cùng trong một cơ quan, được cái tiếng là đoàn kết nhất trí, công việc lúc nào cũng chạy đều đều, vậy mà khối tâm tư, còn khối cái người ta chỉ ngâm ở trong bụng. “Sư phụ” tôi nói đúng mà tôi đâu có nghe. Thế mà tôi lại cứ nghĩ là ông ấy quá già. Hơn ba mươi tuổi đầu mà tôi vẫn chỉ là quân cờ, ai muốn nhắc đi đâu thì nhắc, ai muốn sai phái gì thì sai. Hầu như tôi chẳng nghĩ, chẳng làm được điều gì cho công việc tốt lên được hết, chứ đừng nói là làm được điều gì cho dân, cho nước. Tôi cũng không được là cái ốc vít trong cái guồng máy khổng lồ.  Có phải khổng lồ nên nó ì ạch? Bỗng đâu cái ý nghĩ đó lại đến với tôi. Lần đầu tiên tôi xem xét về vị trí của mình, nó mới chỉ thoảng qua, nhưng mà lần đầu tiên tôi nhìn lại tôi. Con tôi đã ngủ, tôi ngồi bên dưới gốc cây nghĩ đến câu nói của hắn. “Nhạt nhẽo”. Một công việc nhạt nhẽo. Tôi đã bỏ phí mất năm bảy năm rồi ư? Cuộc sống của tôi không có giá trị trong ngần ấy năm, tôi đã bỏ phí ngần ấy năm…Cả đêm đó tôi trằn trọc không ngủ.

 

Sáng hôm sau, tôi uể oải đi làm. Hắn nhận ra cái dáng phờ phạc của tôi sau một đêm mất ngủ: “Con quấy cả đêm à?” Tôi đứng bên bàn của hắn, chẳng thấy một cái tài liệu nào đặt trên mặt bàn cả, chỉ thấy mấy quyển sách tiếng Anh.: “Ông đọc cái gì đấy?”. Tự nhiên tôi thấy hắn rất đáng nể, không thể cậu cậu, tớ tớ, sàm sỡ, kẻ cả được nữa- Ông đọc được tiếng Anh đấy à? Tôi ngạc nhiên-Ông theo học trung tâm nào đấy? Tôi hỏi liền tù tì. Sao mà mấy tháng nay mình không biết tí gì về hắn cả nhỉ? Tôi tự hỏi, lật bìa cuốn sách. Cái vốn tiếng Nga của tôi rơi rớt hết rồi, tiếng Anh thì chỉ biết: hê-lô với gút-bai”. Tôi lại nghĩ về cái bản “tự kiểm điểm” tối hôm qua, tôi đã bỏ phí quá nhiều!

 

Có một sự phân hoá âm thầm trong cơ quan tôi, từ khi hắn, trong một cuộc họp nào đó phát biểu: “ Cách làm việc của cơ quan ta cần thay đổi, phải làm đúng cái giá trị của mình, mọi người phải tự suy nghĩ và phải làm tròn trách nhiệm, làm tròn phận sự được giao và đặc biệt là phải chủ động trong công tác, phải sâu sát và không được quan liêu. Biên chế cơ quan ta quá cồng kềnh, tất cả đều không phát huy hết khả năng. Với công việc như hiện nay, với cách làm việc như thế này, có thể giảm tới một nửa hoặc một phần ba nhân viên mà không có gì ảnh hưởng hết…” hắn dẫn chứng những sự vụ mà cơ quan tôi còn làm chưa tốt, những công việc mà cơ quan tôi phải chủ động để giải quyết, những vấn đề liên quan đến các cơ quan bạn cần phải phối hợp. Nhiều việc ai cũng biết, nhiều việc không mới. Nhưng nó lại mang tư tưởng mới, không ỉ lại, không được chậm trẻ, phải năng động, phải làm hết sức mình, phải biết giá trị và vị trí ngồi của mình. Hắn là một luồng gió mới thổi vào cái cũ kĩ, cổ hủ, già nua của cơ quan tôi. Đúng, nếu về đây làm việc mà trình độ lớp bảy thừa ba lớp thì hỏi còn có tác dụng gì khi ngồi ở cái cơ quan to nhất nhì đất nước này?

 

Từ cái đêm mất ngủ đó, nhất là sau cái hôm nghe hắn phát biểu ở cuộc họp, tôi suy nghĩ về mình rất nhiều. Tôi thấy tôi đồng dạng với quá nhiều người. Hầu như tôi giống tất cả mọi người trong cơ quan. Tôi tan vào họ, tôi hoà vào họ. Tan hoà vào cái số đông “lười nhác” ấy. Tôi để ý hơn đến công việc của mình, tập trung suy nghĩ nhiều hơn về những việc trên cơ quan, đương nhiên là để làm tốt được những việc như vậy, tôi mất nhiều thời gian hơn. Việc nhà không thể đặt tất trên vai cô vợ. Nhưng mà tôi lại thấy vui hơn, tôi có hắn làm bạn, tôi có hắn để tâm sự về những điều mà trước đó năm bảy năm mình đã từng nói với “sư phụ”. Chỉ phải cái mình không đủ tự tin, không dám bước vào con đường chưa có ai đi. Tôi nhận thấy cái bề ngoài giả dối nhiều quá, che đậy và giả dối nhau, tự đánh lừa bản thân nữa. Cái thói xấu thường được nguỵ trang bằng những từ mĩ miều, lại hay nhân danh tập thể, nhân danh cái số đông không muốn nói, ngại thay đổi, lười nhác. Tôi cũng ở trong cái số đông đó và tôi đã từng tự hào. Ôi sao mà hư danh, sao mà hão huyền. Lại còn coi nó là đồng minh, là tri kỉ nữa cơ chứ.

 

Tôi giật mình, hoá ra ta đang sống trong cái môi trường như vậy ư? Lẽ nào người tốt, lại thưa thớt đến thế. Còn hắn, cái nhân tố mới đó, hắn bằng tuổi tôi, là bạn tôi, liệu hắn có bị chết chìm trong cái cơ chế bùng nhùng này. Tôi vừa mong có sự thay đổi, lại thấy như có một lực cản ngầm và không muốn cho hắn quá nổi trội so với tôi. Tuy trong thâm tâm, tôi thấy hắn vượt trên mình cả cái đầu, có khi còn cao hơn nữa mà tôi không dám công nhận. Cái con người tôi mới ti tiện làm sao, tôi tự thấy xấu hổ mà không sao bước qua được cái rào chắn đó. Còn có cái gì vô hình níu kéo tôi. Tôi như đã thấy câu trả lời, nó lởn vởn trước mắt mà lại bị một làn sương mờ che, làn sương đó có lúc bay đi, có lúc tan ra rồi lại bị phủ mờ, rồi lại bị che đậy. Nó là ảo ảnh chăng, nó là tưởng tượng chăng? Tôi như nhận ra mà lại chưa nhận ra, dù có lúc như đã đọc được cái bản vị của nó, dù đã có lúc nhìn thấy được nó.

 

Ơ cơ quan tôi, cán bộ thường xuyên được đi công tác nước ngoài. Tôi về cái thời còn chưa được thông thoáng thì những xuất đi ra khỏi biên giới đa phần là của lãnh đạo. Ngay “sư phụ” tôi, ở cái hồi đó cũng đã được “xuất” một lần nào đâu. Khi hắn về thì tình hình đã đổi khác tí chút và đùng một cái, một thông báo từ cấp cao hơn, đúng là đất nước đã có những sự chuyển biến mà tôi thì cứ như ếch ngồi đáy giếng, cơ quan cần chọn một số cán bộ đi sang một số nước trong khu vực tham quan, học tập, tìm hiểu cách làm việc và một số vấn đề về chính sách, luật pháp. Đang thời kì chuyển đổi, đất nước mình như đang còn mò mẫm trong từng bước đi. Kinh nghiệm của người ta với mình là quí, mở mang đầu óc, mở rộng tầm nhìn là cần thiết. Và tôi bỗng nhận ra, cái mà tôi vướng víu, chưa thật thanh thản trong đầu tôi với hắn là cái bệnh “sĩ” của tôi. Nói thật ra, nói trắng ra là tôi không muốn hắn hơn tôi. Tôi không muốn bị coi là dốt hơn hắn. Chẳng gì tôi cũng đã từng thể hiện thái độ  kẻ cả với hắn vì có thâm niên trong ngành lâu hơn hắn là gì.

 

Đương nhiên là hắn được chọn, cả tôi cũng được chọn. Sau này tôi mới biết thêm, hắn còn là “nguồn” để đào tạo làm lãnh đạo nữa cơ. Cái gì chứ, cái đoạn chinh chiến nơi biên giới là hắn ăn đứt bọn tôi rồi còn gì. Nhưng tôi ngã oạch ngay vòng đầu khi người ta hỏi tôi có thể nghe, nói, hiểu cái tiếng Anh chết tiệt được không, tôi lại trả lời là tôi có võ vẽ mấy cái tiếng Nga. Ông cán bộ phụ trách chuyến đi cười hô hố, tôi ngượng chín cả mặt. Đúng là tôi lười nhác quá lâu rồi. Tôi mắc bệnh mạn tính rồi, mà tôi mới có hơn ba chục tuổi đầu. Tôi lại cũ kĩ như vậy rồi ư, hay là vì tôi quen sống ở cái môi trường chỉ biết nghe lời, chỉ biết làm việc cái việc mà người khác suy nghĩ hộ.

 

Việc xuất ngoại lần đó rồi cũng qua đi, cũng làm cho tôi mở ra được một mắt.

Luồng gió đổi mới ùa vào đất nước ta. Nhiều cái đổi khác lắm. Trong đó sinh hoạt, đời sống của cán bộ là rõ ràng nhất. Chẳng biết từ bao giờ, cán bộ đi làm không còn kè kè cái túi đựng chiếc cặp lồng cơm nữa. Giao lưu nhiều, mặt mũi cái anh công chức như tôi cũng bảnh bao trở lại. Có một qui định là cán bộ đến cơ quan không được ăn mặc nhếch nhác, dép lê quèn quẹt nữa. Cái đó làm cho công sở sáng sủa hẳn lên, con người giá trị hẳn lên. Công chức nhà nước nó phải thế chứ!

 

Cùng với bao nhiêu cái hay của ngọn gió đổi mới mang lại cũng có vô số cái dở của nó. Tôi từ đầu toàn kể về những vấn đề thuộc về đời sống, thuộc về sinh hoạt của anh công chức nhà nước. Cũng có đôi khi chen vào cái suy nghĩ của anh ta tí chút. Cuộc sống thì phức tạp. Thì có ai dám bảo là đơn giản. Chỉ có mấy anh ti toe, chân ướt chân ráo mới thập thò ngoài ngưỡng cửa cuộc đời, gặp một  chút thuận lợi có xen nhiều chút may mắn nên mới bảo cuộc đời là đơn giản mà thôi. Đời là thiên hình vạn trạng mà. Ngay cả cái thời xếp hàng mua thịt, mua cá cũng vậy. Một chiều nào đó mà mậu dịch bán cá biển, cái loại cá nhỏ như đồng xu và toàn là xương, có lẽ vì thế mà người ta gọi nó là cá “đồng tiền”. Đồng tiền nào mà chẳng như thế, đều khó ăn, khó nuốt cả mà!

 

Trở lại cái buổi chiều mà mậu dịch bán cá nhé. Cả khu tập thể một mùi tanh, nhưng ai cũng vui vẻ, đấy là cái tanh ăn được cho tất cả mọi người hay là mọi người đều phải ăn thì cũng vậy. Ơ đây nói mọi người là chỉ cái đa số. Vẫn có một số ít được ăn cái tanh mà cái đa số không được ăn hay là không ăn được đấy. Chỉ có một số ít thôi. Những hôm mà mậu dịch mang loại cá này về bán(không hiểu sao biển nước mình nhiều loại cá này thế) là sự bận rộn của các bà nội trợ tăng gấp đôi vì phải chế biến nó thành những thứ cho cả nhà ăn được. Cứ như tôi, tôi cho tất cả vào áp suất kho ăn dần là xong. Nhưng mà còn con nhỏ, mẹ già ăn kiểu đó không được, các bà các chị còn băm băm viên viên, còn xì xèo mấy con vào chảo bốc mùi mỡ cừu cà khu cùng ngửi, cùng hít, bắt buộc phải ngửi, phải hít. Vui đáo để. Bởi dù sao thì chiều hôm đó cũng có mùi tươi hơn. Chất tanh cũng cần cho con người gớm khiếp. Đấy, ngay như con cá “đồng tiền”, mà từ lâu rồi đã biến khỏi biển nước ta, các bà, các chị nội trợ cũng đã chế ra khối món rồi còn gì… Huống chi là nói về cái cao siêu triết học của cuộc sống.

 

Từ khi con người ta bớt phải lo đi cái ăn, cái mặc thì nhu cầu mới lại phát sinh. Một trong những cái phát sinh đó là cái đẹp. Tôi đã nói ở trên, cái anh công chức quèn như tôi mặt mũi thời mới cũng bảnh bao lên nhiều. Tôi là đàn ông đàn ang mà còn vậy huống hồ các bà, các chị. Các bà, các chị cơ quan tôi trông đẹp hẳn lên. Người ta đẹp vì lụa có khác. Đã có phần no đủ, đã có phần đẹp đẽ, thì, như các cụ ta ngày xưa chẳng đã nói: “No cơm ấm cật…” là gì.  Cái quan hệ nam nữ, trai gái một thời cấm kị, kiêng khem, gìn giữ bây giờ có đất hoạt động, được dịp bộc lộ, thể hiện. Từ đây, cái gọi là tình cảm con người cũng phát triển đa dạng, nhiều chiều lắm. Ai nói sao thì nói, tôi vẫn cứ giữ cái quan điểm là quan hệ con người với con người thời này nó phong phú và phức tạp hơn thời trước nhiều lắm. Tôi là tôi muốn viết một phần về cái phong phú và phức tạp đó.

 

Hắn chưa vợ, vào cái “băm” rồi mà chưa lấy vợ là đôi lúc tính tình cũng khác người. Người đời bảo đó là “hâm”. Đi công tác xa nhà với hắn nhiều lúc cũng chán. Bởi trong lúc mọi người vui vẻ bên mâm cơm, nâng cốc chúc tụng nhau, cười nói mặt đỏ gay, đỏ gắt vì rượu bia và ngồi bên là các em bé hây hây má đỏ, ngây thơ như thỏ, mềm mại như mèo là các chàng, các ngài, các vị tuổi cha, tuổi chú dễ bốc lắm. Vậy mà hắn “sắt đá” lắm, tay chân chẳng biết ngọ nguậy gì cả, mồm miệng chẳng biết nói cười gì cả. Bây giờ đâu có đói như vài năm trước đó nữa đâu mà hắn ăn ghê thế. Cốc rượu, cốc bia cứ nâng lên rồi đặt xuống. Em gái ngồi cạnh hắn cũng chán ngắt, bỏ đi. Bỏ đi thì hắn cười, cái cười rất khoái trá, thích thú. Hắn nhìn chúng tôi đang ngả nghiêng bên các em đỏ má, đỏ môi … cười. Mọi người thì vui vẻ, hắn thì một mình một cỗ, vậy thì hắn “hâm” chứ còn gì nữa. Hắn nhìn tôi cười, chẳng hiểu hắn cười cái gì, tôi thấy hắn cười và giật mình, cảnh giác. Tôi đang bám vào vai một em. Hắn sẽ nghĩ gì về tôi? Vợ con tôi đang ngóng ở nhà chờ từng ngày.

 

Cái chuyện chơi bời vớ vẩn ở nhà hàng như vậy xảy ra như cơm bữa ở các cơ quan nhà nước. Các quán ka-ra-ô-kê cũng vậy. Hắn nói với tôi: “Các ông chỉ được cái phù phiếm và ích kỉ. Tôi có thể dùng từ khác nặng hơn để chửi các ông, để mắng các ông, để xỉ vả các ông. Nhưng thôi, việc làm đó của các ông là ích kỉ, nói các ông ích kỉ cũng được rồi. Ông có bao giờ nghĩ rằng, cũng ngày hôm nay, vợ các ông ở nhà hàng, cũng một thằng đàn ông khác bá vai, bá cổ, nói những lời xàm xỡ không? Các ông xử lí thế nào nếu chuyện đó xảy ra?” Tôi im lặng, hắn có lí: “Nhưng cái số đông viên chức nhà nước là như tôi đấy, có mấy thằng được như ông…” Tôi nghĩ như vậy nhưng vẫn biết mình yếu lí và xí xoá với hắn: “Thoáng một chút thôi mà”.

 

Một thời gian sau, các vị cao niên cỡ như sư phụ của tôi lần lượt nghỉ hưu cả. Chính quyền rơi vào tay lớp trẻ như bọn tôi. Chỉ lạ một điều, hắn đầy đủ mọi tiêu chuẩn của một cấp lãnh đạo mà lại không được chọn. Còn thiếu điều gì nhỉ? Tôi hỏi hắn có biết vì sao không? Hắn nói: “Không biết chạ!”. Ra là như vậy. Chọn người bây giờ ai dám chắc cái con số bảy mươi phần trăm đúng là đạt yêu cầu. Mà tại sao lại là bảy mươi phần trăm? Con số đó ai đặt ra nhỉ? Ai tổng kết được nhỉ?

 

Một thời gian sau nữa, hắn chuyển ra ngoài làm kinh tế tư nhân. Tôi tiếc là ở với hắn chưa bao lâu. Hắn đi, tôi thấy trống trải. Nhìn những gương mặt còn lại, tôi thấy buồn quá. Lẽ nào mình lại sống tiếp những ngày tháng “nhạt nhẽo” cho đến cuối đời ở đây? Lại làm những ông quan từ dân mà ra nhưng lại rất xa dân bởi bị cuộc sống xa hoa kiểu trưởng giả bao bọc. Có bao nhiêu điều đáng nói, biết được mà không dám nói chỉ vì một sự êm ấm. Cứ tự tạo ra cho mình một lớp mờ mờ để lấy lí do nhìn không rõ. Tôi đã sống không thật với mình bảy tám năm nay rồi. Hắn đến, hắn đi và tôi đã biết thêm một con đường đi khác không theo lối mòn. Liệu tôi có dám đi vào con đường đó? Tôi mới hơn ba mươi tuổi… Tôi ngước nhìn cái uy nghi của ngôi nhà, tôi thấy cả quyền uy, sức mạnh và cái già nua trì trệ của nó. Tôi tiếc cái sức mạnh của ngôi nhà đã bị người đời , trong đó có tôi, tôn lên cao quá đáng, tôi tiếc cái quyền uy dù là giả tạo mà tôi đã cảm thấy có được sau mấy năm ở đó, nhưng tôi phải ra đi để làm một con người thật hơn, để được sống một cuộc sống thật hơn. Có tín hiệu “di động”. Hắn gọi cho tôi./.

 

2006

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 2276
Ngày đăng: 08.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ông Lão Bán Cò - Yến Lan
Bữa ăn từ thiện - Hoa Quỳnh
Nợ trần - Khải Nguyên
Lệnh Phải Thi Đỗ - Đỗ Ngọc Thạch
Lông Chông Biển - Bạch Lê Quang
Tội lỗi nguyên thủy - Khải Nguyên
Người Mất Tích - Nguyễn Viện
Niềm tin yêu còn lại - Trần Minh Nguyệt
Món nợ trần gian - Trần Quang Vinh
Bác Sĩ Thú Y - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)