Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.080
123.138.446
 
Nền Ngôi Trường Cũ
Khải Nguyên

 

Buổi ấy của năm 1956, hoà bình vừa trở lại trên miền Bắc nước ta gần một năm, sau khi quân viễn chinh Pháp rút khỏi các vùng tạm chiếm . Chuyến ôtô từ Hà Nội vào đến Vinh thì đã hơn năm giờ chiều. Tôi mang hành lí xuống xe, đúng tần ngần giây lâu, cố moi kí ức để nhận biết nơi này. Tôi qua Vinh lần cuối đã bốn năm, từ thời trên đống gạch vụn bạt ngàn lơ thơ từng chùm cây dại, sớm chiều hai chiếc máy bay Hen-cat đen chũi của Pháp lượn vòng quen lệ gieo rắc khủng bố trên cảnh hoang tàn. Dẫu vậy, hồi ấy qua sự đổ nát, người ta còn dễ tìm ra những dấu tích quen thuộc. Thế mà giờ đây tôi cảm thấy lạc lõng. Tôi đang đứng trên bãi bến xe khá rộng đầy cát sỏi và bụi vàng. Tiếng ồn từ chỗ xếp hàng trước trạm công an để ghi tên lấy vé xe, tiếng va chạm từ chỗ đang rỡ hàng, tiếng rao quà vặt gây một thứ âm thanh hỗn độn trong buổi chiều đã nhạt nắng. Khó khăn lắm tôi mới nhìn thấy dấu tích một cái nền xi măng chạy dài thẳng tắp, trên đó người ta dựng trạm công an kiểm soát bến xe và hàng rào bao quanh khu vực ti Giao thông. Phóng tầm mắt theo dấu chân tường còn lại, tôi đếm được gần hai mươi phòng kế tiếp nhau đều đặn. Có phải đây là trường trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ mà hồi thuộc Pháp gọi là collège Vinh? Đúng rồi! Kia là ba lối đi xoè nan quạt từ cổng chính tiến vào trường. Bãi bến xe đúng là sân vận động ngày xưa. Trên nền cũ của nhà chơi có mái (préau), hai quán hàng bằng tre núp dưới bóng dăm cây xoan và phi lao mọc lên lộn xộn từ những cái hố đào xuyên qua nền cứng. Cái sân cỏ vuông vắn với những hàng phi lao vút thẳng nằm lọt giữa khu trường, thường làm nơi chào cờ buổi sáng đầu tuần, giờ mất dấu dưới những ngôi nhà lá của ti Giao thông. Tôi lần được chỗ lớp học ngày xưa của tôi. Nó có vẻ hẹp hơn cái phòng học trong kí ức tôi. Trong một lúc, tôi trở về với thời học sinh tuổi nhỏ.


*

Tôi thuộc lớp học sinh trung học đầu lòng của nước Việt Nam độc lập.


Học xong lớp đệ nhất trung học phổ thông (lớp đầu cấp trung học cơ sở ngày nay) tại trường trung học Trần Phú bên Đức Thọ - Hà Tĩnh, tôi xin chuyển về trường Nguyễn Công Trứ ở Vinh. Mang cái học bạ có "xếp hạng ưu", tôi lên xe lửa tới Vinh nộp đơn. Lần đầu tiên tôi đi loại phương tiện này, và cũng là lần đầu tiên tôi đi Vinh. Tàu hôm ấy rất vắng khách, riêng mình tôi một toa. Trời mát, nắng dịu. Tôi đứng tựa cửa sổ ngắm những đồng ruộng, làng mạc tiếp nhau hiện ra gần xa, vừa khoan khoái, vừa nao nao. Nghĩ tới cái trường tôi đã giã từ, chắc là mãi mãi, lòng tôi hơi se lại. Nhưng Vinh đang ở phía trước đoàn tàu, cái thành Vinh mà trí tưởng tượng háo hức của tôi không thể hình dung được gì khác hơn cái phố huyện mà tôi quen thuộc dàn rộng ra. Còn nhớ lúc tôi đang học lớp ba, thầy giáo cho đề luận (tập làm văn): "Tả một chuyến đi Vinh". Tôi đã "tả" những là tàu đi qua đường hầm này nọ, và ở Vinh thì "nhan nhản nhà cao cửa rộng". ý sau, tôi nhặt từ một bài tả cảnh Chợ Lớn trong sách giáo khoa, còn ý trước thì viết bừa theo chuyện nghe lỏm được hoặc đọc ở đâu đó. Chính thầy giáo khi ra đề luận ấy cũng chưa hề biết Vinh. Bây giờ thì tôi đang đi tới Vinh, cái thành phố Vinh mơ ước. Và trường Nguyễn Công Trứ ở thành Vinh ấy. Trước đấy, chẳng bao giờ tôi dám mơ tới chuyện bước chân vào trường này, lúc nó còn là trường "côn-le" dưới quyền một hiệu trưởng người Pháp, - trường công duy nhất loại này cho hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nghe nói học trường đó, nhất thiết phải ở nội trú với lệ phí gấp đôi tiền ăn trọ ở ngoài, phải có ít nhất hai bộ áo quần đồng phục mặc ngoài, mấy bộ đồ lót đúng kiểu, và này nọ… Lại nghe nói ở trong trường phải nói toàn bằng tiếng Pháp. Những cứ "nghe nói" vậy, tôi đã cảm thấy cao xa vời vợi. ấy thế mà nay tôi sẽ vào học ở đó.

 
Nếu như trường Trần Phú học ghé trường tiểu học của huyện bốn bề trống trải, khách qua đường muốn đến nom dòm lúc nào cũng được, thì trường Nguyễn Công Trứ, riêng biệt ở ngoại vi thành phố, bao quanh là một hàng rào cọc xi măng cốt thép, người ngoài chỉ có thể ngấp nghé nhìn vào qua một dải sân vườn. Hàng rào thấp, dễ dàng nhảy qua, vậy mà không hề có trẻ con hay người lớn tự tiện vào chơi hay nghịch phá. Nếu không có đường quốc lộ số Một và đường xe lửa đi qua phía ngoài thì trường hoàn toàn cách li với mọi tiếng động ô hợp đời thường có thể ảnh hưởng không tốt tới các hoạt động của nhà trường. Trường không có lầu trông không đồ sộ, nhưng xinh xắn và qui mô. Các khu nhà nối nhau có dáng hình chữ nhật mà hai cạnh dài song hành với đường cái kéo dôi ra hai đầu tựa hình cái khuôn đúc gạch. Ngôi nhà dài phía ngoài gồm mấy chục phòng dùng làm phòng học, thư viện, phòng chứa đồ thí nghiệm, phòng làm thí

nghiệm với những chiếc bàn đá lát kính và những ghế ngồi cao dần lên về phía sau,… Hai nhà

chơi có mái nối ngôi nhà này với ngôi nhà dài phía trong. đó, có phòng họp, phòng nhạc, phòng đọc sách, phòng thể thao. Cạnh trường là sân vận động, không lớn, nhưng đủ để đá bóng, đồng diễn thể dục và hoạt động thể thao học đường. Sân trường rậm cỏ và thưa cây. Ở trường Trần Phú, thầy hiệu trưởng làm cả việc văn phòng, đôi khi kiêm cả đánh trống. Còn ở trường Nguyễn Công Trứ, theo nếp cũ từ thời mồ ma Pháp, vẫn có bộ phận văn phòng đàng hoàng, có người lao công, người gác cổng, và một tổng giám thị, dẫu lúc này không tổ chức nội trú nữa chẳng có nhiều giám thị để mà "tổng". Người gác cổng làm chức trách thật "siêu". Vô phúc cho những cậu học sinh nào đi muộn hoặc chuồn trước giờ! Cu cậu khó mà lọt khỏi cặp mắt cần mẫn của ông ta, dù rằng có thể đó là một chàng trai thực sự, đĩnh đạc ra dáng; dù rằng không hiếm những cậu tinh ma, bẻm mép, có đủ các ngón láu cá.


Năm học trước, năm học đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập, khác với ở trường Trần Phú là nơi không có gì khác hơn là sự hồ hởi, trường Nguyễn Công Trứ khá sôi động với không khí chính trị của thành phố dội vào. Quân Tàu Tưởng đóng một lữ đoàn ở Vinh và những vùng phụ cận. Quốc Dân đảng hoạt động công khai. Trong hội đồng giáo sư nhà trường, - thời đó, các giáo viên cấp trung học đều gọi là giáo sư - có một số đảng viên Quốc dân đảng, đứng đầu là hiệu trưởng. Kì bầu cử quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, cuộc vận động rất sôi nổi. Ở Vinh, các ứng cử viên quảng cáo rầm rộ. Những câu vè, ca dao hô hào bỏ phiếu cho người này, người nọ chăng, dán khắp nơi. Nhà tư sản - ứng cử viên nọ cho căng những tấm biểu ngữ vừa to, vừa cao ngang tầm tòa nhà hai tầng. Có những buổi diễn thuyết tranh cử và tranh luận với cả cử tri. Một lần, một nhà cách mạng - ứng cử viên lên diễn đàn, một giáo sư, đảng viên Việt Quốc (tên gọi tắt Việt Nam Quốc dân đảng), đã nêu câu hỏi: "Nếu trong quốc hội mà đại biểu bảo hoàng chiếm đa số thì chế độ dân chủ cộng hoà có bị thay thế bởi chế độ quân chủ không?" Diễn giả cười nụ, không nhìn người hỏi mà nhìn bao quát cử tọa đang ngồi chật ních phòng họp, nói: "Trước khi trả lời, tôi xin hỏi: chúng ta làm cách mạng để làm gì?" cả phòng xôn xao. Ngừng một chút, ông tiếp: "Vậy mà để cho cơ sự biến trá đến thế thì thật là "ôi thôi!" phải không đồng bào?" Tiếng vỗ tay rộ lên. Kể cũng lạ, chính người hỏi câu này khi thấy ông hiệu trưởng, người vừa là bạn vừa là thủ lĩnh của ông ta, cũng ứng cử đại biểu quốc hội, đã bảo, nửa đùa nửa thật: "Người ta bầu những người đã từng vào tù ra tội, chứ bầu các anh để khi Tây đến các anh chạy dài à?" Tình hình chính trị ở Vinh hồi đó không phức tạp như ở thủ đô, song cũng có chuyện. Đôi khi đáng lẽ là bi, qua miệng học sinh truyền nhau lại thành ra hài. Một số học trò lớn lớp đệ tứ, lớp cuối của trường trung học phổ thông ngang với lớp Chín bây giờ nhưng lớn tuổi hơn nhiều, do ít nhiều nhiễm cái men "bất phục tùng và phản kháng" và ưa cái kiểu "cách mạng" của Dũng trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt" nên dễ ngả theo những gì có vẻ ngang tàng. Khi hiệu trưởng "Việt Quốc" bị cất chức, có vài mươi cậu đứng lên vận động bãi khoá. Họ chia nhau đến nấp cạnh các ngả đường có nhiều học sinh đi học qua lên tiếng kêu gọi: "Yêu cầu các bạn quay lại, đừng đến lớp! Hãy tỏ thái độ của chúng ta!" Tất nhiên là chẳng thể có kết quả gì. Có chăng là vài cô cậu bé con đang đi bỗng nhiên nghe có tiếng nói ở đâu vọng ra thì lơ láo nhìn quanh, hơi nhớn nhác một chút rồi vẫn tiếp tục đi thẳng đến trường. Mấy cậu cầm đầu bị mời đến thăm nhà đá hai hôm. Các "vị" tuyệt thực không chịu ăn cơm; nhưng cuối ngày, người ta mang phở đến, các vị cũng dùng tạm. Chẳng ai bị đuổi học. Chuyện này cũng chóng đi vào quên lãng. Bởi, tuổi trẻ và tuổi nhỏ tuy hiếu động và háo chuyện thật nhưng buổi đầu cách mạng mới thành công có biết bao điều mới mẻ lôi cuốn, có biết bao cái kích động hướng nghĩa, nhất là tiếng súng kháng chiến phía Nam đang rộ và bọn Pháp đã có mặt ở Vinh dưới danh nghĩa "Tiếp phòng quân" thay quân Tưởng giải giáp quân Nhật. Do vậy, người hiệu trưởng mới, một người không rõ màu sắc chính trị mà cũng không có uy tín chính trị, được yên lặng chấp thuận. Về ông hiệu trưởng này có một chuyện, nói là thú vị thì không đang, mà bảo là chuyện tầm phào thì không đúng.


Tôi vào học được gần một tháng rồi mà vẫn chưa được gặp ông hiệu trưởng. Ông tổng giám thị thay ông điều khiển các buổi chào cờ. Tôi được tường mặt ông trong một trường hợp hiếm có. Một buổi, tôi cùng một vài bạn vào toà án tỉnh xem xử. Cửa toà án luôn luôn rộng mở, trẻ con cũng vào dự được miễn là biết giữ đúng phép tắc chốn pháp đình. Khi toà mời nguyên cáo, tôi giật mình vì nghe đúng tên ông hiệu trưởng. Một người cao lớn như người Âu, mặt đầy râu cạo nhẵn để lại một vệt xanh mờ vắt từ má qua cằm. Bị cáo mảnh người, mặt xương, mắt sâu. Năm học trước là giáo sư trường Nguyễn Công Trứ, ông ta bị kiện là đã công khai nói xấu và phỉ báng ông hiệu trưởng trong hội đồng giáo sư. Trả lời toà, ông nói mình đã vạch mặt một tên nguy hiểm chui vào hàng ngũ giáo sư, hồi thuộc Pháp "nó" đã có nhiều "thành tích" với bọn thống trị. Ông ta luôn mồm gọi "nó" khiến chánh án phải gõ búa ngắt lời, nhắc nhở. Toà hỏi: "Ông có nói rõ tên ai không?" Đáp: "Tôi chỉ nói rằng cái gian xảo của nó biểu hiện ở bộ râu quai nón". Nghe vậy, ông hiệu trưởng bất giác đưa tay lên sờ má. Lục sự tuyên đọc một số tài liệu, trong đó có bản nhận xét về ông hiệu trưởng của viên công sứ Pháp ở một tỉnh ngoài Bắc hồi y còn làm chúa tể ở đấy: "… Nếu người Pháp cần một người trung thành và tận tụy khi gặp khó khăn thì ông X là người có thể tin cậy được". Được nói lời cuối cùng trước khi toà phán quyết, bị cáo gằn giọng, giơ tay lên điểm nhịp cho lời nói: "Tôi đã tố cáo, tôi sẽ còn tố cáo nữa vì lợi ích của đất nước". Ông ta được trắng án. Ra về, ông bảo người bạn đi cạnh: "Cái thằng hồi đi học chuyên cóp bài của tao giờ lại ngồi xử tao". Về sau, tôi không biết gì về ông ta nữa. Ông hiệu trưởng thì lẳng lặng trở về với cương vị của mình. Ông là người điềm đạm, kín đáo, tôi chưa được thấy ông đứng nói chuyện với ai bao giờ. Năm 1950, nghe nói ông ta đã "dinh tê", chẳng rõ thực hư. Mẩu chuyện trên chỉ phản ánh một nét sinh hoạt nhỏ nhoi và riêng biệt có lẽ chỉ xẩy ra ở Vinh và ở thời điểm ấy. Cũng có chút nghĩa lí. Thuở Cách mạng tháng Tám mới thành công, thường thì những ai bị coi là tay sai của chế độ cũ đều không đáng dung và không đáng dùng ngay cả trong mắt người dân thường. Và nữa, từ bấy đến nay tôi chưa thấy ai kiện, chưa thấy ai xử những chuyện như thế.



*
Tôi trọ học trong thành cổ. Đó là toà thành kiểu Vauban, người Pháp giúp Gia Long xây lên. Thành hình chữ nhật gần vuông, mỗi bề độ hơn sáu trăm mét, bốn góc có vọng lâu vừa là tháp canh. Mặt ngoài thành cao chừng sáu mét xây toàn bằng đá ong và vôi vữa (chưa có xi măng) mà vững chắc; chúng tôi trèo lên coi gần khắp, chẳng thấy nứt nẻ chỗ nào cả. Phía trong đắp đất dày đến đỗi có thể làm nhà ở trên mặt được, và chỉ cao thua phần xây ngoài khoảng nửa mét. Thành có ba cửa: Tiền, Hữu và Tả. Không hiểu sao lại "Thanh vô Tiền, Nghệ vô Hậu" - thành Thanh Hoá không có cổng trước, thành Nghệ An không có cổng sau? Quanh thành có hào rộng gần ba mươi mét, bấy giờ nhiều chỗ đã cạn, người ta thả rau muống tốt um. Các cầu rút bằng gỗ bắc qua hào trước cổng thành không còn rút lên được nữa. Cổng thành xây vòm cuốn rất đồ sộ và kiên cố, phía trên là địch lâu. Hai cánh cửa lim nặng chịch, gần thế kỉ rưỡi rồi mà vẫn vững chãi. Ban ngày, cánh cổng mở rộng, ôtô qua lại dễ dàng. Đêm đến, người ta mở một cánh cửa nhỏ trổ nơi góc dưới của một trong hai cánh cửa lớn, người đi bộ ra vào vẫn thoải mái. Một lần, ba đứa nhỏ chúng tôi đi xem chiếu bóng về vào quãng chín giờ tối. Chúng tôi vừa bước chân lên cầu rút thì một tiếng hô đột ngột như tiếng sét, không phải hô giật giọng mà hô kéo dài như thể ra lệnh cho hàng ngàn quân hoặc gào lên với người đứng xa hàng ki-lô-mét: "A…a…ai? Đứng

lạ…ạ…ại!" Lúc ấy, chúng tôi chỉ cách cổng thành chưa đến mười mét. Tôi giật thót người. Thằng đi bên cạnh tôi vội bíu chặt lấy cánh tay tôi. Định thần nhìn lại qua ánh đèn điện lờ mờ thì ra một anh bộ đội đang đứng gác cạnh cái chòi mé cổng. Tôi lấy giọng bình tĩnh vừa trả lời, vừa bước lên: "Chúng tôi đi xem xi-nê về", bụng vẫn chưa hết hoảng. Anh gác cổng hỏi với giọng bình thường và thân mật như không phải anh vừa ráng hơi quát tướng lên: "Phim gì thế? Hay không?" Tôi nghĩ bụng: chắc anh này lần đầu đi gác muốn ra oai tí chút hoặc muốn thử giọng đây; hay vì chính anh ta cũng sợ?


Trong thành, có một trại lính cũ của Pháp, - rồi của Nhật, sau cách mạng bộ đội ta đóng, - chiếm gần nửa phía sau thành, phần đằng trước, ngoài toà tỉnh đường của quan lại Nam triều trước đây, xây kiểu ta hơi lai căng kiểu tây, và một số công sở khác gồm cả toà án đã nói tới trên kia, có nhiều nhà dân nép ven tường thành. Dân thợ, dân buôn thúng bán bưng hoặc chạy chợ. Công tư chức hạng dưới… Đường đi trong thành không rộng lắm vừa đủ cho xe ôtô tránh nhau; hầu hết là đường đất pha cát mịn. Có nhiều cây cổ thụ và những bãi cỏ rộng. Nơi ấy, khá yên tĩnh và mát mẻ so với nơi phố xá ngoài thành. Để làm khu học xá hoặc khu văn hoá thì tuyệt. Tiếc rằng, trải qua hai cuộc kháng chiến thành đã bị san bằng, giờ chỉ còn trơ lại cái cổng thành trước, cổng Cửa Tiền như mọi người quen gọi, và hai cổng Tả, Hữu.


Tôi trọ trong nhà một ông Hàn. Do đâu ông được phong "hàn lâm" thì không biết. Chỉ biết dù là ông Hàn, một hàm xôi thịt có cỡ ở các làng quê trước cách mạng, ông vẫn đưa vợ con ra tỉnh buôn vặt và nấu cơm trọ cũng đã lâu lâu. Cả hai ông bà đều sống phải chăng, không ồn ào, một điều hơi lạ với một ông chủ trọ và một bà buôn chợ. Mỗi khi chúng tôi nghịch quá hoặc mải chơi, ông chỉ nhắc khéo, không ra bảo ban, mà cũng chẳng phải là than phiền. Tôi ở đúng cái xóm trọ của học sinh nghèo. Khó có nơi thích hợp hơn với việc trọ học và với túi tiền lép. Tuy là một xóm người tứ xứ, pha tạp nhiều nghề, nhưng hiếm những vụ cãi cọ, chửi bới nhau; cũng hiếm chuyện trẻ con nô đùa ầm ĩ, ngỗ ngược. Tôi từng đọc những chuyện về các xóm nghèo đô thị ngột ngạt, u uất, lục đục, nhếch nhác, … Cái xóm nhỏ trong thành Vinh mang dáng dấp một xóm quê, hầu hết là nhà gỗ lợp tranh, có sân nhỏ ngăn cách nhau bởi hàng rào cây sống ít nhiều được xén tỉa. Một xóm hiền hoà, bình lặng, khá sạch, có nhiều cây xanh, có giếng nước trong mát. Duy một điều khó "thương": chẳng có nhà vệ sinh, riêng cũng không, công cộng cũng không! Trên mặt thành sau lưng xóm,  cạnh những bãi trồng rau là những nhà xí lộ thiên, gọi đúng tên là bãi phóng uế, mọi người tự do ngồi "xả" ở đấy kể cả khi không chỉ có một mình. Cái tệ "thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng" ngự ngay giữa thị thành!

    

Sống nơi ấy tôi vô tư như ở xóm quê mình. Tôi cứ nhởn nhơ nghĩ rằng thành Vinh cứ thanh bình mãi vậy. Một đêm về gần sáng, tôi chợt thức giấc vì một tiếng rú dần vút cao ngân dài như lời hú gọi, rồi hạ xuống trầm trầm vang động gợi cái gì đổ vỡ ghê gớm, và tắt dần tựa một tiếng gầm gào cố nén. Lát sau đã nghe tiếng chạy thình thịch và tiếng hô sang sảng ngoài đường. Thì ra tiếng còi thành phố thức thanh niên dậy tập thể dục quân sự. Thành phố vẫn giữ bộ mặt thường ngày, nhưng trong cái tấp nập và ồn ã quen thuộc, tôi cảm thấy đã có gì khang khác. Trên đường phố, xen giữa các dòng người xuôi ngược (đi bộ, thời ấy xe đạp cũng hiếm nói chi xe có động cơ), có những tốp tự vệ nam và nữ mang súng hoặc gươm, gậy bước đi trang nghiêm và bận rộn. Người ta đục nhiều lỗ châu mai trên tường nhà nhìn ra các ngã tư.

 
Ở một phố đẹp của Vinh, nhưng khá vắng, có một ngôi nhà mà ai đi qua cũng nhìn một tí, hãnh diện lẫn căm ghét. Đó là trụ sở của ban Liên kiểm Việt-Pháp, một ban được lập ra theo Hiệp định sơ bộ  6-3 kí giữa Việt Nam và Pháp để giải quyết những chuyện nảy sinh giữa hai bên. Cạnh cổng, có một bộ đội của ta và một lính Pháp đứng canh, cách nhau một khoảng chiều rộng của cổng. Tại Vinh, quân Pháp chỉ có mấy chục mống lại đóng kề sân bay khá xa thành phố nên người dân đỡ chướng mắt và hầu như không phải đối phó với những vụ khiêu khích. Tôi nhớ chỉ có một vụ rắc rối nhỏ. Một chiếc xe con của bọn Pháp phóng nhanh ở một chỗ ngoặt tông phải một chiếc xe tải của ta bị bẹp hông. Thằng lính Pháp lái xe may phúc chỉ bị xây xát xoàng. Nó chui ra khỏi xe, mặt đỏ tai tía, cà khịa với người tài xế Việt. Anh này điềm nhiên vạch lỗi của nó. Hai bên không hiểu tiếng nhau. Mấy học sinh đi qua đấy quây lại dùng tiếng Pháp dồn cho thằng Tây một chập. Mặt nó tái ngắt phải yêu cầu mời ban Liên kiếm đến. Cuối cùng, chúng nó đành kéo cái xe bẹp về. Qua vụ đó, tôi càng nghĩ là bọn Pháp không đáng sợ, và tưởng đâu rằng ở nơi nào chúng cũng dễ dàng xử nhũn nếu ta cứng lí, tuy có nghe loáng thoáng những vụ chúng khiêu khích tại Hà Nội và gây hấn tại Hải Phòng.


Lâu dần tôi cũng quen với tiếng còi thành phố; nó không quấy giấc ngủ say lúc về sáng của tôi nữa. Tôi ít nghĩ đến cái họa giặc Pháp đang đe dọa từng ngày, từng giờ cuộc sống yên lành. Bỗng đêm ấy, còi thành phố kéo sớm hơn thường lệ, lúc đang canh khuya, cùng tiếng súng nổ ran ở mạn đông bắc. Tiếng súng chỉ dồn dập một lúc rồi im bặt. Cái yên ắng khuya khoắt tiếp theo đó sao mà dồn nén. Ấy là đêm 19 rạng ngày 20/12/1946. Sáng ra, trên mặt tường thành phía sau nhà trọ, tôi thấy có các anh bộ đội phục, cách quãng nhau mỗi người độ mười mét, súng lăm lăm hướng ra ngoài qua các kẽ châu mai. Chúng tôi vẫn cắp sách đến trường. Trên đường đi thấy mọc thêm một số ụ súng có người trấn giữ. Đến trường, tôi được biết đêm qua ta đã tóm gọn hơn sáu chục lính Pháp tại trại quân của chúng. Sự  chống cự rất yếu ớt. Một chiếc máy bay của chúng mới hạ cánh hôm trước bị tịch thu. Nhưng khoái nhất là tin do thằng Trọng B., một bạn học cùng lớp, tung ra: ở Huế, ở Nam Định, bọn Pháp hàng rồi, còn ở thủ đô chúng sắp sửa hàng (!). Tôi còn nửa tin nửa ngờ thì nó đã giơ tay chém vào không khí, cái môi trên có nốt ruồi ở chính giữa vốn đã nhọn càng nhọn ra, giọng Bắc chẳng lẫn chút nào dẫu nhà nó vào Vinh đã lâu, cả quyết: "Thì anh tao làm ở thông tin tỉnh, anh tao nhận điện hồi đêm mà!" Người nó cao kều, cổ nó dài, nó phải hơi cúi xuống người nghe để thuyết phục. Không thể không tin nó được! Tôi sướng quá. Tôi đem tin đó loan ra, bị chế nhạo là đứa nói dóc. Cái thằng Trọng B.! Nó là dân chơi phong lưu trong mắt bọn nhóc nhà quê chúng tôi. Với nó thì cái gì cũng "trạng" như không. Nó thu tiền mua sách giáo khoa cho bạn cùng lớp, không có sách, nó ỉm luôn tiền. Hỏi, nó nói ráo hoảnh: "Tao tiêu mất rồi". Nó hẳn thừa biết rằng không ít bạn học của nó để đi học được bố mẹ họ phải lo đến méo mặt. Cái thằng! Nó là dân nhạc, sau này từng ngồi ghế trên trong hội nhạc. "Tỉnh bơ" được như nó chắc chẳng bao giờ "gặp nạn".


Buổi sáng ấy, các lớp không sao học được bình thường. Chiều đến, giờ học vừa bắt đầu thì ông chủ tịch uỷ ban hành chính tỉnh đi xe đến. Các giáo sư và học sinh nhanh chóng tập hợp để nghe ông nói chuyện. Khác với mọi lần, ông có vẻ trang nghiêm và suy tư. Ông nói về âm mưu của thực dân Pháp, báo tin cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu và lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Trong những lời ông nói, có một ý khó quên, với tôi, bởi khi nghe xong một giáo sư đã nhún vai và hơi nhếch mép: "Làm cách mạng, chẳng những chúng ta phải đương đầu với bọn thực dân Pháp, mà còn phải sẵn sàng đương đầu thắng lợi với bọn đế quốc xâm lược khác như Anh, Mĩ…" Phải! Hồi đó chẳng dễ mà tin rằng ta sẽ thắng Pháp, nhất là trong tầng lớp trí thức. Ông chủ tịch truyền lệnh của uỷ ban tỉnh tạm thời đóng cửa trường, ông có vẻ xúc động. Tôi về nhà trọ thu xếp vội để về quê, hầu như chẳng buồn bã chi. Như là tôi tin sẽ sớm trở lại ngôi trường mà tôi đã quen hơi bén tiếng. Tôi có ngờ đâu ngày hôm ấy là ngày mở cửa cuối cùng của nó.

 
Gần hai tháng sau, qua Tết âm lịch, trường Nguyễn Công Trứ mở cửa lại, chia làm hai phân hiệu "tản cư" ở hai huyện lị. Cho đến lúc đó, và vài năm sau, trường này vẫn là trường trung học phổ thông duy nhất của tỉnh Nghệ An. Khi có tin trường chiêu sinh tôi đang ốm nên nửa tháng sau tôi mới tìm đến được.  Vì chưa biết đích xác địa điểm, tôi phải xuống Vinh để hỏi thăm. Vinh lúc này người vẫn đông, sinh hoạt vẫn náo nhiệt. Song, quang cảnh khác lạ hẳn, đến không nhận ra thành phố Vinh cũ, nếu chỉ thoạt nhìn. Ở các ngã tư, góc phố, những ụ đất chướng ngại và những ụ súng mọc lên lù lù như những ngọn đồi con, trên đó nhiều thân cây tươi làm trụ đã mọc cành lá xanh tốt. Đứng giữa phố nhìn lại có thể tưởng phố xá đến đó là tận. Tôi tìm đến ngôi trường của tôi. Cổng trường đóng kín. Tôi gọi người gác. Ông ta không cho tôi vào. Tôi nói khó: mình là học trò cũ của trường muốn vào thăm nơi cũ. Ông nhìn soi tôi, ngần ngừ một chút rồi rút then cổng. Tôi lại đặt bước trên lối đi thẳng tắp từ cổng vào trường mà mới đây tôi còn ngày ngày đi về. Những lá phi lao chết khô phủ đầy mặt đường rên khẽ dưới bàn chân tôi. Ngôi trường đứng đó, các cửa đóng im ỉm, hoang lạnh. Những chiếc lá khô đuổi nhau lạt sạt trên nền xi măng của nhà chơi, tưởng chừng như đó là vang bóng của những bước chân non trẻ đã từng chơi đùa nơi đây thuở nào. Cái sân vuông, cỏ mọc um tùm, những hàng phi lao đã bị đốn trụi (Người ta đã nhanh tay thật, đi trước khá lâu lệnh tiêu thổ kháng chiến!). Tôi dạo trong hành lang, nghe trong tiếng dội của mỗi bước đi một niềm hối tiếc. Tôi chưa yêu đúng mức ngôi trường này, hay nói cho công bằng, tôi chưa kịp yêu nó như cần phải yêu. Tôi cũng chỉ mới "quen biết" Vinh. Nếu không có bọn cướp nước thì làm gì nhà trường phải tản cư, chắc là tôi sẽ qua thời niên thiếu ở nơi đây để bước vào tuổi trưởng thành với những mơ ước vô lo, và có thể có cả ảo vọng. Tôi lặng lẽ đi trở ra, quên cả chào người gác cổng.

    

Tối hôm đó, tôi lên đò dọc theo kênh đào đi Sa Nam, huyện lị Nam Đàn. Lên đây, nhà trường như xa không khí kháng chiến, tuy mỗi buổi chào cờ thường có một thầy giáo đứng ra đọc báo Cứu Quốc (chậm có khi gần tháng) và thỉnh thoảng chúng tôi cũng dự mít tinh hoặc liên hoan văn nghệ với địa phương. Chúng tôi là "dân tản cư" học nhờ trường tiểu học. Có những lí do mơ hồ nào khiến tôi nhớ ngôi trường ở Vinh và thành phố Vinh, nơi tôi đã gửi một mảnh đời yêu tin vừa trong sáng vừa dại khờ. Một nỗi nhớ dai dẳng có pha mùi hoài vọng. Những tối trăng đẹp, tôi hay ra ngồi trên mặt cống nông giang hóng gió. Vào lúc này, ở đó khá đông người, phần lớn là học sinh. Họ trao đổi, bàn cãi đủ thứ chuyện. Tôi ít tham dự, chỉ ngồi ngắm trời sao hoặc dõi sóng trăng trên sông Lam rập rờn về xuôi. Và, thường là thả hồn về Vinh, qua một hình ảnh nào đó, toà thành, những con đường rợp bóng phượng,... nhất là ngôi trường, và có khi bóng dáng một cô bạn học cùng lớp mà tôi chưa dám kết thân. Âu cũng là một thứ tâm trạng lãng mạn của lứa tuổi choai choai. Gần cuối năm học ấy, người Vinh ùn ùn tản về các vùng quê. Chính phủ chủ trương triệt để phá hoại các đô thị để chống lại giặc Pháp đang mở rộng tấn công ("tiêu thổ kháng chiến"). Trước tiên là những thành phố như Vinh. Một nỗi nuối tiếc gần như là xa xót tràn ngập lòng tôi. Cùng với Vinh ngôi trường sẽ không còn nữa, cũng như các ngôi trường khác từng chứng kiến những tháng ngày tôi mài đũng quần trên ghế học trò. Tất cả sẽ chỉ còn nền và gạch vụn. Trên hoang tàn, quá khứ vỡ ra...


Ba năm sau, tôi hành quân qua thành Vinh. Tôi chưa có chút ý niệm nào về "thành phố trụi". Vừa bước chân lên cầu Cửa Tiền đã có thể thâu tóm toàn cảnh Vinh vào trong tầm mắt như nhìn trên bản đồ, các đường phố hằn rõ trên bãi gạch vụn. Toà thành cổ chỉ mới bị bóc lớp đá xây ngoài, đứng trơ vơ nhìn tháp nhà thờ Cầu Rầm vút lên lơ láo và trơ trọi. Mấy ngôi đền, chùa rải ra đó đây. Mới biết Vinh có khá nhiều đền chùa. Dãy phố Khách của người Hoa, phố duy nhất được phép giữ lại, nom tẻ ngắt với các mặt trước nhà vẽ hình cờ Trung Hoa dân quốc (vẽ vội khi có tin quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng, để tỏ rõ đây là nhà cửa của ngoại kiều, xin để yên cho! Lúc này quân Tàu Tưởng đã rút hết về nước, họ chẳng muốn chung nạn với người Việt). Chúng tôi bước đi trên các đường phố trống trơ, qua từng chỗ lại hình dung ra những chốn quen cũ. Tôi buột miệng kêu lên: "Vinh vẫn y nguyên, anh em ạ!" Người đi bên tôi cười mũi: "Bình địa hết, còn nguyên nỗi gì!" Quả thật, câu nói của tôi ngố thật. Thực ra, lời tôi đã phản ý tôi. Tôi muốn nói người ta vẫn nhận ra Vinh thân thuộc, và Vinh không biến mất trong tâm tư mỗi người.

 
Chúng tôi đi qua phía ngoài ngôi trường. Một khoảng đất rộng lổn nhổn gạch ngói vỡ và vôi vữa thay thế cho cái cơ ngơi xinh xắn, ấm cúng và kín đáo sau những hàng cây xanh tốt xưa kia. Cái hàng rào xi măng dài theo đường quốc lộ đứng lẻ loi như còn cố lưu lại làm chứng tích một dĩ vãng nhiều xáo động. Đáng tiếc! Ngôi trường chỉ mới thoát vòng kiềm toả của chế độ thực dân chưa đầy hai năm!


*
Năm 1997 về Vinh, tôi vội ghé lại cái bến xe ngày nọ. Trước mắt tôi là những công trình xây dựng khang trang, nhưng lòng tôi chạnh buồn, chẳng còn chút vết tích nào của nền ngôi trường xưa. Xa Vinh, tôi "nhìn" rõ Vinh mồn một. Song, đó là Vinh của ngày nào. Ngày nào ấy, tôi có thể lang thang ban đêm qua các phố xá mà không sợ lạc. Bây giờ, rời nhà người thân tôi đang ở chơi, tôi chẳng dám đi xa. Đứa cháu đèo xe máy đưa tôi qua đường Quang Trung và đường Phan Đình Phùng ngày trước, - hai đường phố vốn dài rộng nhất Vinh kéo gần suốt chiều dọc và chiều ngang thành phố ngày ấy -, tôi chẳng thể nhận ra. Nhiều đường phố Vinh bây giờ thênh thang rộng có cả đường đôi, giữa là một dải hẹp trồng hoa và cây xanh. Vinh trải rộng ra ôm trọn nhiều vùng ngoại vi cũ, cả Tràng Thi và Bến Thuỷ. Dấu tích xưa chỉ còn các cổng thành cổ và mấy ngôi đền chùa. Nhà thờ Cầu Rầm đồ sộ, hồi tiêu thổ kháng chiến vẫn được giữ lại, đã bị bom Mĩ đánh tan. Tôi tự nhủ lòng: cái thành phố Vinh đơn sơ của thời cơ cực, nghèo hèn, làm ăn tủn mủn phải nhường chỗ cho một thành phố Vinh hiện đại. Nhưng giá Vinh còn lưu được toà thành cổ và vài khu phố cũ! Lần thứ hai Vinh được xây dựng lại. Cái hiện đại ở Vinh đã ló dạng, tất nhiên chẳng phải ở mấy cái nhà cao tầng khoe dáng khoe sắc một cách hợm hĩnh của những ai hãnh tiến, cũng chẳng phải ở những chiếc ôtô sang trọng mà bất minh, ở những chiếc máy điện thoại cầm tay phô phang,...


Tôi ghé thăm trường Phổ thông trung học Huỳnh Thúc Kháng, trường kế thừa trường Trung học phổ thông (1) Nguyễn Công Trứ và trường Trung học chuyên khoa (2) Huỳnh Thúc Kháng xưa kia. Đang giờ chơi, tôi tha thẩn trong sân, trong hiên trường, cố mường mượng mình là một cậu học trò mà không nhập vai được. Ông hiệu trưởng niềm nở tiếp tôi, biết người khách "không mời" từng là học sinh của cả hai trường tiền thân của trường này. Ngồi nghe ông nói về những thành tích và những triển vọng của trường, tôi thầm mừng cho các cháu học sinh. Không phải là "hậu sinh khả uý" mà "khả tín", có thể tin các cháu tiếp nối cha anh làm rạng thành phố Vinh cũng như làm rạng đất nước.

 
Tôi đứng trên cầu Bến Thuỷ lộng gió. Cầu được xây chưa lâu, sau ngày "đổi mới". Năm 1946, một chú trò nhỏ cuốc bộ sáu ki-lô-mét từ trong thành Vinh đến đây leo lên phần mũi còn nhô lên của chiếc tàu khách bị máy bay quân đồng minh đánh chìm (thế "mạng" cho quân Nhật) ngắm trời nước chán lại ngóng chuyến phà để sang với dãy Hồng Lĩnh bên kia sông mà mãi chẳng được. Cái bến phà Bến Thuỷ, tôi có nhiều "duyên nợ" những lần trở lại quê hương, cả những lần trong chiến tranh phá hoại của Mĩ. Bến Thuỷ nay không còn "bến" nữa. Bến đò, bến phà thường ghi dấu trong kí ức của khách lữ hành, càng nhiêu khê, trắc trở càng đọng lâu. Một cái cầu, xe vút qua là thôi, ít ai còn nhớ đến. Tân tiến lên, mất hay được? Đừng trách lớp sau vô tâm. Cũng chớ chê lớp cũ lẩm cẩm.

 

Đừng nhấm nháp quá khứ dù có hay mấy, nhưng cũng chớ phủi tay! - Tôi tự nhắc mình.

 
-----------------
(1) Tương đương trường Trung học cơ sở nay.


(2) Tương đương trường Trung học phổ thông nay

 

Nam Định, 1960

Hải Phòng, 1998

Khải Nguyên
Số lần đọc: 2206
Ngày đăng: 09.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhiệt Kế - Nhiệt Kế
Phù Thăng - Xuân Sách
Một khúc sông buồn tiễn người qui cố xứ - Liêu Thái
Nghi Chép Mỗi Sớm Mai - Nguyễn Hồng Nhung
Có thì có tự mảy may - Trần Áng Sơn
Lãng Du Trong Văn Học Áo - Lương Văn Hồng
Tiễn Khương Bình - Huỳnh Thúy Kiều
Hoa Đạo Mùa Phật Đản - Trần Kiêm Ðoàn
Về tìm chiếc giày bảy dặm - Nguyễn Thánh Ngã
Ngày bãi trường - Mai Văn Sang
Cùng một tác giả
Tĩnh vật (truyện ngắn)
Sông Phố (truyện ngắn)
Vào Hang Bắt Cọp (truyện ngắn)
Mây Núi Sapa (truyện ngắn)
Không đề (truyện ngắn)
Phận (truyện ngắn)
Nợ trần (truyện ngắn)
Li hương (truyện ngắn)
Dây Mơ (truyện ngắn)
Thiên Truyện Bỏ Dở (truyện ngắn)
Giấc Mơ Bọ Ngựa (truyện ngắn)
Cái hạt (truyện ngắn)
Hoàng hôn pha lê (truyện ngắn)
Nụ Hôn Muộn (truyện ngắn)
Ông Nọi (truyện ngắn)
Truyện Khó Đặt Tên (truyện ngắn)
Lần Vết Giai Thoại (truyện ngắn)
Chim Gõ Kiến (truyện ngắn)
Tìm Dâu Thảo (truyện ngắn)