Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.108
123.142.814
 
Đẹp Trong Bi Ca, Chiến Đấu Ca và Sản Xuất Ca
Trần Văn Nam

Nghệ sĩ là người đem những rung cảm từ tâm hồn mình để làm đẹp cuộc đời, làm phong phú ý nghĩa cho thế gian. Làm đẹp có một nghĩa rất rộng rãi, không chỉ là thơ mộng hóa trong chuyện tình đôi lứa như trường phái lãng mạn, không chỉ là mỹ hóa quang cảnh đời như phái Thi Sơn. Nghệ thuật còn tặng cho đời những tiếng khóc bi kịch.  Phải chăng đây là một nghịch lý: đời đã bi mà làm sao ta có thể rung cảm qua nghệ thuật? Rung cảm ở đây không có nghĩa thưởng ngoạn đứng ngoài cuộc mà chính là cảm thông nhập cuộc với một số phận nào đó của con người.

 

Siêu thoát của tôn giáo, tịch lặng hố thẳm của tâm linh, cũng có khi qua ngưỡng cửa trung gian của nghệ thuật, ngoại trừ những bậc hành giả đốn ngộ, hay những người được khải thị bằng ánh sáng của Thiên Chúa. Thật vậy, cái đẹp trong bài thơ “Thược Dược” của Quách Thoại thuộc cảm nghiệm tâm linh, nhưng với người không phải là thiền giả như ta thì bài thơ đẹp, làm ra rung cảm nghệ thuật, đó là nhờ qua trung gian những ma lực ngôn ngữ, qua sự linh thiêng hóa với hình ảnh một người sụp lạy trước đóa hoa nở. Hoa nở, một hiện tượng tuy bình thường mà đáng kinh ngạc của tạo hóa: “Đứng im bên hàng dậu/Em mỉm nụ nhiệm mầu...Lời em ca thiên thâu/ Ta sụp lạy cúi đầu”. Và Hàn Mặc Tử cảm thụ được ánh sáng của Thiên Chúa, truyền sự cảm thụ ấy cho ta qua lời thơ có ma lực khải thị một đêm thánh vô cùng: “Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm/ Có thứ gì rơi giữa khoảng im/ Rơi từ thượng tầng không khí xuống/ Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim”. Đẹp của nghệ thuật còn ở cả trong chiến đấu ca. Trống đồng dồn dập thúc quân, thơ trên đỉnh núi truyền hịch sang sảng xuống ba quân. Đó không chỉ là lời thép, lời của lửa, mà còn là nghệ thuật của mỹ từ, của vọng thanh nhạc tính, của hình tượng tráng lệ đường ca biên cương. Vì vậy, Thế Lữ đã nói nghệ sĩ là “Cây đàn muôn điệu” phát ra những tiếng sắt, tiếng vàng, tiếng nỉ non tình ái, tiếng siêu thoát thần tiên thoát tục:

 

Tôi chỉ là một khách tình si

Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể

Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ

Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca

...

Với nàng thơ, tôi có đàn muôn điệu

Với nàng thơ, tôi có bút muôn màu

Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm màu

Lấy thanh sắc trần gian làm tài liệu

 

Tiếng Sáo Mèo, cây đàn nước của dân tộc ít người, cây đàn bầu độc huyền, cổ vật trống đồng bốn ngàn năm, đó là những nhạc cụ của đại-gia-đình dân tộc ta, những sáng tạo độc đáo không ở đâu có trên thế giới. Dân ta làm ra để nghệ thuật hóa cuộc đời, biểu hiện Hỉ Nộ Ái Ố bằng mỹ cảm. Và nghệ nhân du mục của sa mạc khô cháy có cây đàn dây bằng bờm ngựa, thân bằng da lạc đà, phổ những lời ca đêm Sahara lấp lánh ngàn sao, ca ngợi sa mạc giàu có với những đoàn thương buôn lữ hành. Cũng vậy, nghệ nhân dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn có cây đàn hình dạng thô kệch chào mừng du khách đến viếng thăm chốn ngàn năm băng giá. Nơi nào trên trái đất cũng có những người nghệ sĩ, sinh ra đời với thiên bẩm nghệ cảm trong đầu óc rồi trau dồi qua tập luyện. Họ hiện diện ở trần thế để làm đẹp cuộc đời, đẹp bi quan hay đẹp lạc quan, đẹp tự tại hay đẹp siêu thoát, đẹp cả trong công việc thực tiễn.

 

Ta đã có dịp nói về cái đẹp hơi nghịch lý, cái đẹp trong chiến đấu ca, đẹp trong hệ lụy nhân sinh của bi kịch. Đẹp ở đây có nghĩa là nghệ cảm, rung động trước cái hay của nghệ thuật. Bây giờ xin thử đề cập đến cái đẹp trong sản xuất ca. Ai cũng đã hơn một lần nghe các bài hát gặt lúa đêm trăng, hò giã gạo, hò kéo lưới... Đó là sản xuất ca. Có bài hát nổi tiếng là do nhạc điệu hay, khỏa lấp cho lời lắm khi không có gì mới, đầy khuôn sáo. Nhưng đối với thơ, sản xuất ca đòi hỏi sáng tạo từ ngữ thi tính, vì thi ca là nghệ thuật của từ ngữ, thiếu nó là thiếu nghệ thuật. Vài bản nhạc vừa có từ ngữ sáng tạo ma lực, vừa có âm điệu hay, ví dụ nhạc Trịnh Công Sơn, chẳng hạn: “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động/Làm sao em biết bia đá không đau”.

 

Điển hình về cái đẹp trong sản xuất ca là ở một bài thơ của Tế Hanh. Nhưng thực ra Tế Hanh chỉ mới diễn tả gián tiếp qua thành quả của việc làm lao động, qua hình ảnh to rộng của nông trường trồng cà phê: “Cà phê chạy tới tương lai/ Khói lam trại mới lượn dài khoảng xanh... Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài”. Phải đợi đến ngòi bút sáng tạo ngôn ngữ đầy chất thơ của Huy Cận thì thơ mới phô diễn được cái đẹp của sản xuất ca. Ông đã đưa được nghệ cảm vào chính sự sản xuất kinh tế của công việc đánh cá:

 

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vân giăng

 

Cá nhụ, cá chim, cùng cá đé

Cá song lấp lánh, đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long

...

Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi.

 

Ta lưu ý sự kỳ diệu của cách mô tả hai sự việc nhịp nhàng gói ghém trong một câu thơ. “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”, câu thơ này làm cho ta thấy cá chạy thành từng luồng qua khoảng cách giữa các đảo nhỏ như một đàn cừu chạy ra cổng trại, vừa cho ta hình dung nhịp lên xuống của thủy triều phối hợp với ngàn sao nơi Vịnh Hạ Long./.

 

Walnut, California, viết bổ túc bài cũ, ngày 9 tháng 4 năm 2010

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2886
Ngày đăng: 09.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hậu Hiện Đại Lè Nhè Chủ Nghĩa - Phan Huy Đường
Chung quanh khái niệm “tầm đón nhận” của H. Jauss - Phạm Quang Trung
Thi Sĩ Thiêng Liêng—Poeta Sacer - Hamvas Béla
Hình tượng con người công dân và con người cá nhân trong văn học Việt nam trung đại - Bùi Tuý Phượng
Đừng Làm Đau Nàng Mỵ Châu Thêm Nữa! - Hà văn Thùy
Nghệ thuật tượng trưng trong thơ Edgar Allan Poe - Hoàng Kim Oanh
Hiệu Ứng Cảnh Tỉnh của Ngụy Tạo Văn Hoá - Khoa Học - Nguyễn Văn Dân
Tham Luận Tham Dự Hội Thảo “20 Năm Thơ Đổi Mới” Suy Tưởng Về Thi Ca và Sự Vận Hành của Thi Pháp - Dương Kiều Minh
Thái độ khoa học trong kiếp nhân văn - Phan Huy Đường
Vào Việt Nam (1533-1659),Công Giáo đã Tăng Rất nhanh. - Trần Văn Cảnh
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)