Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
881
123.196.942
 
Giai Điệu Mùa Hè
Đỗ Ngọc Thạch

Mỗi khi mùa hạ tới, tôi lại nhớ đến nhà thơ Henric Hainơ với bài thơ Trong tháng năm kỳ diệu: Trong tháng năm kỳ diệu / Khi mầm cây nẩy ra /Trong tim tôi cảm thấy / Tình yêu bỗng nở hoa. / Trong tháng năm kỳ diệu / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha.Không phải ngẫu nhiên mà với nhà thơ Henric Hainơ mùa hạ lại kỳ diệu như vậy và cũng như vậy, tôi thấy mùa hạ thật kỳ diệu bởi mùa hạ đó, tôi đã gặp em…

 

*

Sau bốn năm tại ngũ, quân lực Trung đoàn gọi tôi lên và nói: “Cho cậu lựa chọn một trong hai : đi học trường sĩ quan Ra-đa hoặc trở về trường Đại học cũ! Tôi chọn ngay cái thứ hai, thế là tôi được trở về trường cũ. Nhưng lúc đầu, những người ở Bộ Đại học bắt chúng tôi phải tham gia thi như những thí sinh tự do khác (lúc này khối học sinh Trung học Phổ thông đã thi xong) bởi chuyện này chưa có tiền lệ và lúc chúng tôi nhập ngũ thì những người hứa là sau này, khi xuất ngũ sẽ được trở về lớp cũ, trường cũ, tức nơi ra đi lên đường chiến đấu, là những thầy giáo ở Trường chứ không phải mấy người trên Văn phòng Bộ Đại học! (Sau này, sát tới ngày khai giảng năm học mới, Bộ Trưởng Tạ Quang Bửu mới ký quyết định là tất cả sinh viên nhập ngũ, khi xuất ngũ đều được về tiếp tục học tại lớp cũ, trường cũ  mà không phải thi lại nữa – lúc đó chúng tôi đã thi xong được một tuần).

 

Khi Bộ Đại học nói chúng tôi phải tham gia dự thi như những thí sinh tự do thì tuy bực mình vì thấy người ta thất hứa, nhưng chúng tôi cũng không lo ngại gì vì mặc dù đã bốn năm không rờ đến đèn sách, nhưng khi lật mở đống tài liệu ôn thi ra thì thấy như là mới xa những chuyện học hành này vài ba ngày mà thôi! Và chúng tôi lao vào chuyện học hành rất hăm hở, tràn đầy cảm

hứng! (Khi nói “Chúng tôi” là tôi và hai người bạn nữa, ở Khoa Lý, cùng nhập ngũ và cùng trở về đợt này, là Sơn Lộ và Xuân Hùng, gia đình đều đang ở Hà Nội).

 

Khi ôn thi, tôi, Hùng và Lộ thường đến thư Viện Quốc gia ở phố Tràng Thi. Chúng tôi chọn cái bàn ở góc trong cùng phía bên phải, và ngồi ở ba cái ghế phía cuối bàn. Ngồi ở đây sẽ yên tĩnh tuyệt đối vì không có ai đi lại sau lưng. Ngồi đọc sách mà chốc chốc lại có người đi qua, đi lại

sau lưng thì thật là bất ổn! Tuy nhiên, có điều “bất ổn” khác ở ngay trước mặt. Ba cái ghế cuối bàn phía đối diện với chúng tôi, bỗng xuất hiện ba cô gái, chỉ sau chúng tôi nửa ngày. Có hai điều đặc biệt: Thứ nhất, ba cô gái đều mặc quân phục, một cô quân phục hải quân, một cô quân phục bộ binh còn cô thứ ba là quân phục bộ đội biên phòng, song phù hiệu trên ve áo đều là binh chủng thông tin, chắc hẳn các cô đều là lính báo vụ (VTĐ). Điều đặc biệt thứ hai là cả ba cô gái đều hao hao giống nhau: khuôn mặt trái xoan, mắt biếc môi hồng, má lúm đồng tiền, nụ cười rất duyên cùng mái tóc dài đen nhánh khiến cho ai mới nhìn đều tưởng đó là ba nàng Tiên hạ giới!

 

Mới nhìn qua tài liệu sách vở mà ba cô gái đang đọc thì có thể đoán rằng các cô cũng đang ôn thi đại học, không phải khối A như chúng tôi mà là khối C. Kỷ luật trong Thư viện là tuyệt đối im lặng nên cả ba chúng tôi cùng im lặng quan sát ba cô gái và tất nhiên là phải làm việc của mình. Song, dường như không hẹn mà gặp, cả ba chúng tôi đều bị các cô gái thu hút và làm việc của mình thì ít mà mải mê quan sát các cô gái thì nhiều! Sau khoảng một giờ, chúng tôi cùng ra ngoài giải lao. Khi ngó vào, chúng tôi vẫn thấy các cô gái miệt mài đọc sách thì lấy làm lạ và cùng trở vào. Khi ngồi xuống ghế, tôi thấy một mảnh giấy trước mặt có ghi mấy chữ: “Học thi thì phải tập trung / Đừng có mơ tưởng lung tung làm gì / Hẹn ngày bái tổ vinh qui / Muốn gì được nấy, thích gì cũng cho!”. Tôi nhìn sang cô gái đối diện, cô ta vẫn im lặng đọc sách, nhìn vào khuôn mặt cô gái thì thấy bình lặng như mặt hồ thu, nhưng nhìn xuống cổ áo của bộ quân phục hải quân thì thấy như có sóng biển dâng trào! Tôi nhìn qua hai người bạn của mình thì không thấy động tĩnh gì, không biết hai người có nhận được mảnh giấy như của tôi hay không? Tôi lẳng lặng gập mảnh giấy lại và cho vào túi áo, định bụng lúc ra về sẽ hỏi. Nhưng khoảng nửa giờ sau thì hai người bạn của tôi về trước, nói là có việc quan trọng…

 

*

Ba bốn ngày nữa trôi qua, vẫn chưa có gì mới, tức chúng tôi vẫn chưa có dịp để nói chuyện với ba cô gái ngồi đối diện. Hùng và Lộ đã tìm mọi cách để tiếp cận đối tượng nhưng đã ba lần đứng trước mặt ba cô gái mà lúng búng không biết nói gì! Tôi nghĩ có lẽ chỉ có cách “viết thư” là dễ dàng thực hiện nhất. Song Hùng và Lộ nhất quyết sẽ “nói chuyện” bằng được nên chỉ có tôi là chọn phương án viết thư! Nhưng khi nghĩ sẽ viết gì thì quả là khó! Qua hai ngày nữa mà tôi chưa nghĩ ra nội dung của bức “tình thư”! Đến cuối ngày thứ hai, tôi qua phòng đọc báo. Liếc qua tờ Văn Nghệ thì thấy giới thiệu một chùm thơ tình của nhà thơ Đức Henric Hainơ, đó là những bài thơ ngắn gọn, súc tích nhưng chan chứa cảm xúc. Tôi liền chép ngay bài thơ Tháng Năm của Henric Hainơ với bản dịch của nhà thơ Hoàng Trung Thông: Trong tháng năm kỳ diệu / Khi mầm cây nẩy ra / Trong tim tôi cảm thấy / Tình yêu bỗng nở hoa. / Trong tháng năm kỳ diệu  / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha.

 

Ngày hôm sau, tôi đã cài được tờ giấy có bài thơ “Trong tháng Năm kỳ diệu” vào chồng sách vở của cô gái Hải quân. Tôi hồi hộp quan sát “đối tượng” thì thấy kín như bưng, có vẻ như cô gái chưa đọc bài thơ do chưa nhìn thấy tờ giấy? Song, đến cuối giờ chiều thì tôi đã nhận được sự

“phản hồi”: khi giải lao trở vào, trước mặt tôi là một tờ giấy có mấy câu lục bát: Học Toán mà lại mê thơ / Hàm số sẽ hóa giây tơ có ngày / Toán thì có đáp số ngay / Còn thơ thì sẽ lơ mơ suốt đời!...Có vẻ như cô gái muốn nói đừng có thơ thẩn làm gì, hãy chính xác như Toán học? Tôi nghĩ có lẽ cô gái không thích thơ nên đành “án binh bất động”, song cứ băn khoăn tự hỏi: chẳng lẽ một cô gái có dáng vẻ thơ mộng như thế mà lại không thích thơ? Không lẽ nào?

 

Song, ngay ngày hôm sau, tôi đã có đáp án. Lúc ra nghỉ giải lao ở vườn cây của Thư viện, chúng tôi thấy ba cô gái đang ngồi trên một băng ghế đá, cùng xúm vào đọc một tờ báo. Chúng tôi liền ngồi xuống một băng ghế cạnh đó và nghe thấy một cô nói: “Nga Nga sao mà mau lẹ thế, mới có thấy mặt mà đã phải lòng người ta rồi. Lại còn làm thơ tặng người ta nữa chứ! Mà sao không gửi thẳng cho người ta lại gửi đăng báo?”. Cô thứ hai nói: “Thiên Nga nói người thì phải nhìn lại mình chứ, em còn le nặng lẹ hơn ấy chứ! Ngay hôm đầu tiên đã viết tên cái anh chàng Xuân Hùng ấy vào hết mấy cuốn vở rồi phải không? Trong Nhật ký của em mấy hôm nay thế nào cũng viết về anh ta?”. Cô gái Thiên Nga định nói thì cô gái tên Nga Nga nói át đi: “Thôi, các chị đừng châm chọc nhau nữa. Mà hãy cầu mong cho tất cả chúng ta gặp được người tình trong mộng. Em thấy cái anh chàng Sơn Lộ của chị Hằng Nga muốn nói gì đó với chị, sao chị không bật đèn xanh đi? Chúng ta đều đã gần tới tuổi “Băm” rồi chứ đâu còn trẻ con!”. Hình như cái câu cuối nói về tuổi “Băm” của cô gái có tên Nga Nga đã khiến cho cả ba người cùng lặng đi, đến nỗi có vẻ như chúng tôi đều nghe thấy tiếng đập của ba trái tim ba cô gái!

 

Không hiểu sao, tôi lại rất bạo dạn, bước tới chào hỏi rất nhã nhặn ba cô gái đều có tên Nga đó và hỏi mượn tờ báo. Thì ra đó là tờ báo Phụ Nữ, ở trang giữa có đăng bài thơ “Trở lại mùa thi – mùa hoa phượng” của tác giả Nga Nga. Trên bài thơ có lời đề tặng “Tặng những người lính từ chiến trường trở về và tặng riêng Ua!”. Tôi giật mình nghĩ, sao cô gái lại biết tên mình? Và tôi lại phải giật mình tiếp khi cô gái đến sát bên tôi, hỏi: “Em định hỏi tại sao tên anh lại là Ua mà không có dịp! Vậy anh hãy nói đi, cái tên Ua có ý nghĩa gì?”. Rõ ràng đây là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau mà cô gái nói với cung cách như là chúng tôi đã từng nói chuyện với nhau từ lâu! Tôi quay sang ngó nhanh hai người bạn thì ra họ và hai cô gái kia cũng đã đang nói chuyện với nhau từ bao giờ! Tôi thấy tự tin và bình tĩnh nói: “Bài thơ của Nga Nga rất hay, tôi rất thích! Cô có thể tặng tôi luôn tờ báo này nhé?”. Cô gái mỉm cười, nói bằng cái giọng thật là êm ái: “Được thôi, nhưng anh phải trả lời câu hỏi vừa rồi đi đã?”. Tôi nói như máy vì câu hỏi này đã có tới hàng ngàn người hỏi: “Mới đọc lên thì cái tên Ua chẳng có nghĩa gì cả, lại khó phát âm vì tôi họ Uông, Uông Ua, nghe cứ như tiếng ễnh ương, ếch nhái lúc trời mưa! Nhưng xuất xứ của cái tên Ua thì lại không đơn giản. Ông nội tôi nói thích tôi làm Vua nên đặt tên là Vua. Nhưng khi làm giấy khai sinh, Ủy ban Xã không cho đặt tên như vậy nên bắt bỏ chữ “V”  đi. Khi đi học, cô giáo bảo cho mượn tạm chữ “C” thành ra Cua cho dễ đọc. Có thầy giáo khác lại bảo cho mượn chữ “Đ” thành ra Đua, tức thi đua học giỏi!...”. Tôi còn định nói nữa thì Nga Nga nói: “Từ giờ Nga sẽ cho anh mượn tạm hai chữ “N” để đọc thành Nu Na, tức là chữ mở đầu một bài đồng dao “Nu Na nu nống…”, anh có thích không?”. Chút xíu nữa thì tôi reo lên vì tôi đã có một cái tên thật là hay: Uông Nu Na! Tôi đang đầu óc lãng đãng mây trôi thì Nga Nga đưa tôi một cuốn sổ loại nhỏ và nói: “Cho anh mượn cuốn sổ những bài thơ yêu thích này của Nga Nga, trong đó có cả thơ của Henric Hainơ, Becton Brest, Sanđo Petôphi, Byrơn, A. Puskin, Lecmôntôp, L.Aragôn,v.v…Còn nếu anh thích những nhà thơ Việt Nam thì Nga Nga sẽ đưa cho cuốn sổ khác!”. Thì ra Nga Nga rất mê thơ và đã đọc rất nhiều thơ, chẳng như tôi, chỉ biết mấy nhà thơ trong sách giáo khoa đã học!

 

*

 

Một tuần liền sau đó, cứ đến giờ giải lao là sáu người chúng tôi lại ra hai băng ghế đá của vườn cây của Thư viện để trò chuyện. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển nhưng không bao giờ nói chuyện học thi như thế nào vì bên nam thì thi khối A (Toán Lý Hóa), còn bên nữ thì thi khối C (Văn Sử Địa), làm sao mà giúp gì được cho nhau. Tôi chắc ba cô gái học rất giỏi và sẽ thi đỗ, quả nhiên cả ba đều là học sinh giỏi văn hồi Phổ thông Trung học. Còn với chúng tôi, chuyện thi cử còn dễ hơn lấy đồ trong túi. Mặt khác, chúng tôi đã là sinh viên rồi thì việc phải thi lại như thế này thật trái lẽ thường, thế nào cũng sẽ có quyết định không phải thi nữa. Song quyết định đó phải một tuần sau khi chúng tôi thi xong mới có! Sao không để năm sau hãy ra quyết định ấy bởi vì cả ba người chúng tôi đều đạt điểm tối đa! Cũng như thế, cả ba cô gái tên Nga đều đậu thủ khoa vào trường Đại học Sư phạm: Nga Nga vào Khoa Văn, Thiên Nga vào khoa Sử,

còn Hằng Nga lại vào Khoa Địa! (Ba cô gái tên Nga là ba chị em con dì, con già, tức ba người mẹ là ba chị em ruột, thảo nào giống nhau như thế).

 

Còn một tuần nữa thì tới ngày nhập học, sáu người chúng tôi hẹn nhau sáu giờ tối đến Thư viện Quốc gia rồi sẽ đi ăn bánh tôm Hồ Tây, rồi sẽ bơi thuyền trên Hồ Tây, như thế thì tha hồ mà bày tỏ tình yêu, nhất là khi chỉ có hai người trên thuyền giữa Hồ Tây mênh mông bát ngát! Nhưng khi đến Thư Viện Quốc Gia thì Hằng Nga lại bị trẹo chân (do đi guốc cao gót) nên chúng tôi lại ra chỗ mấy băng ghế đá ở vườn cây ngồi nói chuyện. Chúng tôi nói chuyện gì không nhớ hết nhưng khi tôi nhìn đồng hồ thì đã chín giờ tối. Lúc đó, Thư viện đã vãn người, trong vườn cây chẳng còn ai ngoài sáu người chúng tôi. Rất tự nhiên, chúng tôi tách ra thành ba đôi, ngồi ở ba băng ghế khác nhau. Cái băng ghế của tôi chỉ cách băng ghế của Hằng Nga và anh bạn Sơn Lộ hai mét, cho nên tôi nghe khá rõ hai người đã nói với nhau những lời yêu tha thiết và đã hôn nhau nồng nàn, rất nhiều, rất lâu… Vậy mà không hiểu sao, tôi và Nga Nga vẫn ngồi cách nhau tới một mét và tôi đang nghe Nga Nga đọc những bài thơ mới viết của cô. Hình như Hằng Nga thấy rõ “tình trạng xa cách” của chúng tôi nên cô đã tới bên tôi nói nhỏ: “Ngồi gần vào, cầm tay rồi hôn đi, kẻo sau này sẽ không bao giờ được gặp nó nữa đâu!”. Nghe Hằng Nga nói vậy, tôi hoảng sợ và có cảm giác như Nga Nga của tôi sẽ bay đi mất! Thế là tôi ngồi xích lại gần và cầm lấy tay Nga Nga. Khi tôi và Nga Nga đã tay trong tay thì tôi nghe Nga Nga nói nhỏ: “Anh hôn em đi, nhưng phải thật nhẹ nhàng!”. Nghe Nga Nga nói xong nửa câu tôi đã tai ù mắt hoa nên đâu còn nghe rõ phần sau của câu nói, liền ôm chặt lấy cô gái mà hôn như điên dại. Song, trong lúc cuồng si đó, tôi cũng còn khá tỉnh táo để nghe thấy tiếng kêu của Nga Nga “Ối!...”, rồi Nga Nga ngất lịm đi trong tay tôi! Hình như tiếng kêu đó của Nga Nga cũng đến tai Hằng Nga, lập tức cô này chạy sang chỗ tôi, đỡ Nga Nga nằm xuống băng ghế, nhẹ nhàng xoa bóp vùng ngực Nga Nga và nói với tôi: “Được rồi, chỉ lát nữa là nó sẽ bình thường thôi. Sao nó chưa nói với anh à, trong ngực nó còn hai viên bom bi, một viên nằm sát kề tim, không lấy ra được. Nếu vận động mạnh sẽ bi đau vùng ngực!”. Nghe Hằng Nga nói mà tôi choáng váng! Ôi, sao tôi lại ngốc thế, người mình yêu bị những vết thương hiểm nghèo như thế mà không hay biết gì? Chỉ khoảng ba phút sau, Nga Nga đã trở lại bình thường, nhìn tôi cười nói: “Nga làm cho anh sợ phải không? Yên tâm đi, Nga không sao đâu!”. Nga nói xong thì nép vào ngực tôi, bàn tay cô mân mê những ngón tay tôi, khiến tôi như bị tan ra thành sương khói!

 

*

Cách ngày nhập học ba ngày, tôi tới nhà hai người bạn lính nhưng đều không có nhà. Tôi đi lòng vòng quanh Hồ Gươm không biết mấy vòng rồi chui vào Thư Viện. Tới chỗ chúng tôi vẫn ngồi học thi mọi khi thì đã có ba người đang ngồi đọc sách . Chỗ ba cô gái tên Nga vẫn còn trống. Tôi sang ngồi trên cái ghế Nga Nga vẫn ngồi, suy nghĩ mông lung. Chợt hai cô gái Hằng Nga và Thiên Nga xuất hiện, đi nhanh đến bên tôi nói nhỏ: “Đến bệnh viện thăm Nga Nga ngay!”. Trên đường đi, hai cô gái tên Nga không nói gì, vì quãng đường từ Thư viện đến Bệnh viện Việt Đức cũng rất ngắn. Khi chúng tôi vào tới phòng điều trị thì Nga Nga đang thiếp ngủ, khuôn mặt cô gái như một đám mây nhỏ, mỏng manh, kỳ ảo!... Thì ra Nga Nga mới thực hiện xong ca mổ ghép thận cho người bố! Khi tỉnh ngủ, nhìn thấy tôi, Nga Nga bỗng cười rất tươi và khẽ nói: “Nu Na đọc cho em nghe bài thơ “Trong tháng năm kỳ diệu” của Hainơ đi! Em rất thích bài thơ đó và thực ra, em đã bị Nu Na chinh phục ngay từ khi tặng em bài thơ đó!”. Tôi nhẹ nắm bàn tay Nga Nga (từ sau lần Nga Nga bị ngất xỉu vì tôi hôn quá mạnh, tôi luôn nhẹ nhàng hết sức mỗi khi chạm vào người Nga Nga), rồi đọc khẽ: Trong tháng năm kỳ diệu / Khi mầm cây nẩy ra / Trong

tim tôi cảm thấy / Tình yêu bỗng nở hoa. / Trong tháng năm kỳ diệu  / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha…

 

Trong khi tôi đọc, tôi thấy đôi mắt Nga Nga thật đẹp, lung linh ánh sáng và không hiểu sao, khi tôi đọc xong thì từ đôi mắt ấy, nhẹ nhàng  lăn ra hai giọt lệ, như hai viên ngọc trai!

 

Đôi mắt của Nga Nga cứ ám ảnh tôi suốt một tuần liền và tôi có cảm giác như sẽ có điều gì đó bất an! Và cái cảm giác bất an kia đã thành sự thật khi một hôm, lại là cả hai cô gái Hằng Nga và Thiên Nga, đến báo cho tôi biết: Đến Viện Mắt thăm Nga Nga đi, nó vừa làm phẫu thuật ghép giác mạc cho bà mẹ nó rồi!... Lần này thì tôi quả là bị ù tai hoa mắt thật sự, xem chừng còn dữ dội hơn cái lần đơn vị tôi bị bọn máy bay cường kích hải quân Mỹ AD-4, AD-6 oanh tạc trúng trận địa!

 

Khi tôi đến Viện Mắt thì Nga Nga đã tỉnh táo hoàn toàn, đang cười nói gì đó với mấy cô Y tá. Thấy tôi tới, sau khi nắm nhẹ lấy bàn tay tôi, Nga Nga nói: “Mấy hôm nay em bỗng muốn đọc thơ mà không đọc được, lại chẳng có ai có thể đọc cho em nghe!”. Tôi thấy như có ai bóp mạnh tim mình, đau nhói, mắt tôi bỗng nhòa lệ mà sao thấy khô khốc, nóng bỏng. Tôi nhẹ nhàng cầm lấy các ngón tay mềm mại của Nga Nga và đọc: …Trong tháng năm kỳ diệu / Run rẩy tiếng chim ca / Với bạn tình tôi gửi / Những nỗi niềm thiết tha….

 

*

 

Trở lên trên là toàn bộ câu chuyện của anh bạn Uông Ua kể cho tôi nghe. Câu chuyện của Uông Ua có nhiều điểm giống với chuyện trở về đi học của tôi, chỉ khác là thời gian của tôi là vào tháng Mười, đang đỉnh điểm mùa mưa lũ, nước sông Hồng lên cao chưa từng thấy và có khả năng Hà Nội sẽ thành biển nước. Còn chuyện của Uông Ua là vào tháng Năm – Tháng năm kỳ diệu! Song, Uông Ua lại nhờ tôi viết và đứng tên tác giả chứ nhất định không chịu đứng tên. Hỏi mãi thì Uông Ua mới nói: “Nếu tôi viết và đứng tên thì tôi phải lấy lại cái tên ông Nội đặt cho là Vua. Chắc là bây giờ người ta vẫn chưa chịu cho đặt tên như thế!”. Tôi lại hỏi ba cô gái tên Nga, đặc biệt là Nga Nga hiện nay thế nào, thì Uông Ua nói, không nên truy hỏi đến cùng như thế!./.

 

Sài Gòn, tháng 6-2010

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3000
Ngày đăng: 09.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Công chức - Vinh Anh
Ông Lão Bán Cò - Yến Lan
Bữa ăn từ thiện - Hoa Quỳnh
Nợ trần - Khải Nguyên
Lệnh Phải Thi Đỗ - Đỗ Ngọc Thạch
Lông Chông Biển - Bạch Lê Quang
Tội lỗi nguyên thủy - Khải Nguyên
Người Mất Tích - Nguyễn Viện
Niềm tin yêu còn lại - Trần Minh Nguyệt
Món nợ trần gian - Trần Quang Vinh
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)