Tôi là giáo viên dạy môn Văn ở một trường PTTH. Trường có đông học sinh, có bốn lớp 12 từ 12A đến 12D. Cuối học kỳ 2, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và thi vào đại học chúng tôi tổ chức thi thử. Sau đây là bài thi thử và một số bài làm của học sinh, tôi xin trích dẫn để các bạn tham khảo mà không kèm thêm bất cứ một bình luận nào.
Đề bài
Anh (chị) hãy phân tích tính trữ tình và cách sử dụng hai từ “mình” và “ta” trong bài ca dao sau đây:
Mình nói dối ta mình hãy còn son,
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò.
Con mình những trấu cùng tro,
Ta đi xách nước tắm cho con mình.
Bài làm của Nguyễn Trọng H. lớp 12B
…Chỉ có bốn câu ca dao mà tạo nên một tác phẩm văn học, có nhân vật, có cốt truyện giống như một truyện ngắn hoàn chỉnh. Nhân vật chính của câu chuyện là ta và mình, hai từ thường được sử dụng trong ca dao nói về đề tài tình yêu nam nữ. Ca dao thường được làm theo thể lục bát, nhưng ngay câu đầu đáng lẽ chỉ có sáu từ thì lại có những tám từ. Điều bất thường này để nhấn mạnh rằng mình đã dối ta. Nhân vật con mình trong câu thứ hai như một nhân chứng khẳng định rằng mình đã nói dối, con mình còn rất nhỏ bởi nó chỉ mới biết bò. Cái cách dẫn dắt câu chuyện của bài thơ đưa chúng ta từ ngoài ngõ đến khoảng sân, có thể là ta vô tình đi qua ngõ nhà mình mà cũng có thể vì nhớ thương mà ta đi qua ngõ để mong thấy dáng hình quen thuộc của mình. Nhưng than ôi! Ta lại nhìn thấy con mình, không phải con ta. Đến đây trong khuôn khổ chật hẹp của bài thơ lại thấp thoáng xuất hiện thêm một nhân vật nữa-nhân vật thứ tư, chỉ vỏn vẹn có bốn câu thơ mà có đến bốn nhân vật- đó là người cha của con mình. Trong câu thứ ba hình ảnh đứa bé-con mình hiện ra rõ nét hơn, đồng thời cũng diễn tả nội tâm của ta, ta không dửng dưng với đứa bé mà xót thương nó con mình những trấu cùng tro để dẫn đến hành động nhân hậu và cao thượng ở câu thứ tư ta đi xách nước tắm cho con mình. Cách dẫn dắt câu chuyện của bài ca dao này rõ ràng là giàu kịch tính hơn bốn câu ca dao cũng nói về đề tài tương tự:
Mình nói dối ta mình chửa có chồng
Ta đi qua ngõ mình bồng con ra.
Con mình khéo giống con ta
Con mình bảy rưỡi, con ta ba phần.
Bài làm của Trương Duy C. lớp 12D
…Em thật không hiểu chàng trai trong bài ca dao là cái dạng người gì? Đã biết tỏng tòng tong là bị nó cho ăn quả lừa mình nói dối ta mình hãy còn son, vậy mà đi qua ngõ nhà nó thấy con nó bò rồi động lòng thương cảm con mình những trấu cùng tro. Thế có dở hơi không? Đã không quên đi cho nhanh mà lại còn rỗi hơi ta đi xách nước tắm cho con mình. Nhân đạo quá! Không! Phải nói là ngây thơ quá! Cho chết! Em lại còn được đọc một dị bản của bài ca dao này, ngoài bốn câu như trong đề bài còn có thêm hai câu cuối con mình vừa đẹp vừa xinh/một nửa giống mình, nửa lại giống ta. Rõ thật là cố đấm ăn xôi!...
Bài làm của Phạm Thị H. lớp 12A
…Ta và mình thường được sử dụng trong ca dao và trong thơ để diễn tả tình yêu nam nữ, một lối xưng hô rất tình cảm:
Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Ngay cả khi quan hệ giữa ta và mình hầu như đi vào ngõ cụt thì mình và ta, ta và mình vẫn rất ngọt ngào:
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.
Bao giờ cây cải làm đình
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta.
Xưng hô mình ta làm cho quan hệ đôi bên trở nên thân thiết, gắn bó, mặn mà. Vì thế trong bài thơ Việt Bắc Tố Hữu đã vận dụng lối xưng hô đằm thắm ấy của ca dao:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.
Mình và ta ngay trong câu đầu tiên của bài ca dao đã hé mở cho chúng ta thấy quan hệ trên mức tình cảm giữa chàng trai và cô gái, lời nói dối của cô gái vẫn còn là một cái gì đấy mơ hồ chưa rõ rệt. Thế nhưng ngay câu thứ hai chàng trai đã phải đối diện với một sự thật phũ phàng ta đi qua ngõ thấy con mình bò, câu thơ như một lời trách móc. Đọc đến câu này em thấy ngậm ngùi thương cảm cho chàng trai, ai mà chẳng xót xa khi người mình yêu dấu đâu còn nguyên vẹn như lòng ta mong ước. Lời thơ và ý thơ như chợt bừng sáng lên khi chàng trai tự nguyện ta đi xách nước tắm cho con mình, chàng đã vượt lên hoàn cảnh trớ trêu để chứng tỏ tình yêu với cô gái dù cho trái tim cô đã đập lỗi nhịp. Đó là một thông điệp trong trẻo về tình người mà các tác giả dân gian muốn gửi gắm qua bài ca dao. Và cũng thật là kỳ diệu khi câu đầu của bài thơ bắt đầu bằng từ mình và kết thúc câu cuối cũng bằng từ mình, nhưng nếu ta để ý kỹ một tí thì mình ở câu đầu chỉ người con gái, còn mình ở câu cuối có thể lại là cả hai người là chàng trai và cô gái, vì con mình cũng có thể được hiểu là our child-con chúng ta…/.
Hà Nội 2010