Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.042
123.197.718
 
Nhà Thơ Lâm Xuân Vi Và Những Chuyến Đò Thơ
Huệ Triệu

Thời gian gần đây, trên các trang website: vanchuongviet.org, lucbat.com, tran nhuong.com người ta thấy xuất hiện khá dày những bài bình thơ của Lâm Xuân Vi. Trước đây, Lâm Xuân Vi được biết đến với tư cách một nhà thơ. Thời gian sống cho thơ, những giải thưởng, danh hiệu Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và số lượng 10 tập thơ của anh đã khẳng định vị trí vững vàng của anh trong làng thơ Việt.

 

Làm thơ đã khó, viết phê bình càng khó hơn. Người viết phê bình phải am hiểu về văn chương, chữ nghĩa, phải dày dặn về vốn sống, trải nghiệm, và quan trọng nhất là phải có được bản lĩnh phê bình. Tôi cho rằng cái khó nhất của người viết phê bình chính là ở chỗ này. Không ai có thể phủ nhận được những tác động ảnh hưởng đến phê bình, có khi chỉ cần chút cảm tình riêng cũng có thể khiến ngòi bút phê bình bị vây bọc bởi cái nhìn chủ quan. Ấy là chưa kể trong tình hình hiện nay, hiện tượng mượn danh nghĩa phê bình để châm kích nhau không phải là hiếm.

 

Ra đời từ những trăn trở máu thịt của người viết, tác phẩm văn chương chứa đựng một nhu cầu tự thân là kiếm tìm đồng điệu. Nhưng những thốt gọi thành thực đó đâu phải ai cũng nghe thấy và đáp lại. Có phải vì thế mà người làm thơ luôn thấy mình trên một “hành trình lặng lẽ và cô đơn” (như lời nhà thơ Trương Nam Hương) chăng ? Người viết phê bình, theo tôi, trước hết phải là người lắng nghe được những thốt gọi, những vang động từ trái tim người viết, có được một cuộc hạnh ngộ ấm áp bất ngờ, rồi từ đó mới tiếp cận lại tác phẩm văn chương bằng con mắt tỉnh táo. “Trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”chính là tiền đề tạo nên phẩm chất của người viết phê bình, tạo nên một nhịp cầu có ý nghĩa, đưa “con đò thơ” đến với người đọc và ở một góc độ nào đó, giúp người sáng tác nhìn lại chính mình.

 

Sẽ còn khá sớm để khẳng định Lâm Xuân Vi có chọn “những chuyến đò thơ” nhọc nhằn mà mê hoặc này song hành với những sáng tạo thơ ca hay không, nhưng hoàn toàn có cơ sở để định danh anh – nhà phê bình Lâm Xuân Vi bên cạnh nhà thơ Lâm Xuân Vi đã thành danh.

 

Tôi chưa gặp nhà thơ Lâm Xuân Vi bao giờ, và mới chỉ được hân hạnh làm quen với anh qua một người bạn. Nhận được tuyển tập thơ Lâm Xuân Vi, tôi biết người tặng thơ cho mình không còn trẻ nữa. Tập thơ mang đến khá nhiều cảm nhận, nhưng đậm nhất là cảm nhận về một tâm hồn nhạy cảm, trẻ trung và thuần hậu. Giờ đọc thêm mảng bình thơ của Lâm Xuân Vi, tôi lại càng thấy rõ điều đó. Bước lên những chuyến đò thơ của Lâm Xuân Vi, bao giờ tôi cũng có cảm giác thú vị, bình yên và nhẹ nhõm.

 

Lối phê bình của Lâm Xuân Vi thiên về phát hiện và ghi nhận ấn tượng. Sự tinh nhạy của người làm thơ trở thành lợi thế giúp anh dễ dàng nắm bắt được mạch thơ, phát hiện những vi diệu cảm xúc, những cách biểu đạt độc đáo … Sự giàu có trải nghiệm và chất thuần hậu khiến những trang viết của Lâm Xuân Vi luôn thuyết phục người đọc và lấp lánh ánh nhìn, nụ cười ấm áp.

 

Những bài thơ anh chọn để bình thuộc nhiều đề tài nhưng đều là những bài thơ giàu tâm trạng và đậm chất nhân văn. Có cảm giác con người này đặc biệt mẫn cảm trước những “khúc quanh” tâm trạng, không dễ nắm bắt. Đọc những bài bình thơ của Lâm Xuân Vi, người đọc có lẽ trước hết ấn tượng với những tựa đề hé lộ khả năng nắm bắt rất nhạy, rất tinh những vỉa quặng chữ nghĩa, cảm xúc : Gọi mãi người ơi (bình bài Đọc lại Nguyễn Du của Bằng Việt); Cầm sao được cái run run phận người (bình bài Chợ cát của Bình Nguyên) ; Đợi đêm lá mới lìa cành (bình bài Có một chiếc là vàng của Trần Mạnh Hảo); Lòng anh chạm lá chua me chạnh buồn (bình bài Em gái đi lấy chồng của Mai Văn Phấn); Bàn tay ấm giọt sương đông (bình bài Bàn tay em của Nguyễn Thị Mai); Thơ anh chẳng gói được trời xanh cao (bình bài Thế là đã mất em rồi của Trần Nhương); Sông sao có thể trả lời (bình bài Thơ nhờ em gửi về Nguyễn Bính của Nguyễn Trọng Tạo); Xin tha cho kẻ đã làm hại ta (bình bài Chùa làng của Đặng Vương Hưng); Miền ấu thơ khắc khoải (bình bài Miền ấu thơ của Nguyễn Thị Ngọc Hà) ; Dãi dầu bán cái dãi dầu xót xa (bình bài Trên đường Giảng Võ của Bùi Kim Anh); Ai ngồi phơi nỗi cô đơn (bình bài Phơi áo của Nguyễn Hưng Hải)…

 

Khi bình thơ, Lâm Xuân Vi khá kiệm lời. Anh thường bắt đầu bằng một cuộc “đối thoại” với các nhà thơ qua việc cắt nghĩa, tìm hiểu các tầng bậc ý tứ … rồi kết thúc bằng òa vỡ vui mừng trong sự phát hiện tinh tế và sắc sảo. Anh không cho phép mình “đoán ý” một cách dễ dãi mà lặng lẽ, tỉ mỉ công phu tìm hiểu các tín hiệu ngôn từ, cho dù đây đó, sự cảm nhận chủ quan chưa hẳn đã trùng khít với người sáng tác. Nhưng quy luật của tiếp nhận là vậy, mọi sự cắt nghĩa đều ít nhiều mang lại niềm vui khám phá, sức sống mới cho tác phẩm thơ ca… Với những cắt nghĩa ấy, Lâm Xuân Vi đã sống cùng nhiều cuộc sống trong thơ để vừa chiêm nghiệm vừa làm thành những chuyến đò mang thơ đến với rộng rãi độc giả. Hai mươi bài bình thơ của Lâm Xuân Vi là hai mươi chuyến đò nhiều công phu và đầy ắp tấm lòng. Trước bài thơ Gọi mãi người ơi của Bằng Việt, anh nhanh chóng nhận ra cái đăm chiêu chất chứa suy tư về con người và cuộc đời, hiểu được nguyên cớ mà nhà thơ Bằng Việt từ Nguyễn Du “soi vào nhân tình thế thái và hình như có cả soi vào chính bản thân mình”. Ta có cảm giác Lâm Xuân Vi vừa bình thơ vừa bộc bạch, thổ lộ về “chút phận văn chương”:  Mê say là chuyện đã đành/ ... Áo cơm se sắt mái đầu/ Thương nhau mà giận, ngó nhau mà buồn. Văn chương là thế, không đam mê hết mình sao được. Đam mê đến mộng mị cô đơn, may ra mới góp được cho đời câu thơ, trang viết. Đã đeo đuổi đam mê nghiệp văn sao giàu có được? Phải nghèo khó, lận đận với áo cơm, “Lập thân tối hạ thị văn chương”. Những tín đồ theo đạo văn, thường dễ mủi lòng, động lòng trắc ẩn, thương người, thương thân, và thương nhau. Thương nhau mà bất lực, không thể che chở, sẻ chia bớt nỗi cơ cực, nhường cơm sẻ áo cho nhau, thì hận, thì giận. Hết buồn cho bạn lại giận cho mình. Thi sĩ là những người nhạy cảm hơn ai hết, họ biết trước được nhiều điều. Vì chân thiện mỹ, họ đam mê, chấp nhận mọi thiệt thòi, thậm chí cả khổ đau. Nhưng, cũng chính lòng đam mê, tin yêu con người và cuộc sống, coi đó như những tín điều, nên họ không ngờ tới những phản trắc, ngang trái, những oan khuất… vẫn còn ngang nhiên diễn ra: “Biết đâu tỉnh lại, nhân tình trắng phau”. Đó mới là nỗi đau mà thi sĩ không thể chịu đựng chấp nhận được” (Trích lời bình bài Gọi mãi người ơi của Bằng Việt).

Cùng đi với nhà thơ Bình Nguyên về “Chợ Cát”, trước “Bao nhiêu cái phận mỏng tang/Bấy nhiêu cái vội cái vàng trao nhau”, anh phát biểu: “Lục bát viết được như vậy là tài, trao nhau “cái vội cái vàng”, cái không thể trao, để đẩy câu chữ biến ảo đầy sức gợi sức mở. Những câu chữ của sự thăng hoa, đã giúp cho người đọc có được cảm nhận tinh tế sinh động. Như chính họ được trực tiếp chứng kiến những thân phận bị cuốn hút vào guồng quay mưu sinh nghiệt ngã, bất tận”. Không chỉ đồng cảm với các nhà thơ, những Cầm sao được cái run run phận người, Thơ nhờ em gửi về Nguyễn Bính, Dãi dầu bán cái dãi dầu xót xa, Sông sao có thể trả lời, Chùa làng ẩn chứa những ám ảnh, băn khoăn thế sự của Lâm Xuân Vi. Có vẻ như cả nhà thơ và người bình thơ đều chẳng dễ chấp nhận những “quần bò áo phông” len lỏi vào cổng chùa, những cảnh “ôm eo xe máy lượn lờ” (Chùa làng của Đặng Vương Hưng), hay “pic nic sân chùa” (Thơ nhờ em gửi về Nguyễn Bính của Nguyễn Trọng Tạo) cho dù vẫn hiểu sự vận động của cuộc sống hiện đại là tất yếu. Từ ghi nhận và phát hiện của các nhà thơ trước những điều nhỏ bé, những lời bình của Lâm Xuân Vi khiến ta thêm cảm động bùi ngùi và đôi khi phải giật mình nghĩ ngợi. Bởi mấy khi, đi trên ồn ào phố xá nhân tình, ta đã để lòng xôn xao trước những “cái phận mỏng tang”, trước những “chợ người” – kiếp người lầm lụi ?

 

Bản tính hồn hậu và sự tinh tế trong cảm nhận đã khiến Lâm Xuân Vi có được một lối viết vừa mang tính phát hiện vừa đầy chân cảm. Bình bài thơ Bàn tay em của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, trái tim đàn ông bao dung nhân hậu có dịp sẻ chia, thấu hiểu, cảm nhận hết cái dịu dàng, mềm mại, nhưng cũng đáo để khôn ngoan của đôi tay – trái tim người phụ nữ. Ta hãy cùng đọc một đoạn:

 

Đường đời dài rộng, gần xa

Vẫn lòng tay ấy mở ra nắm vào.

Nẻo vòng tìm…nỗi khát khao

Cũng không đi hết tường rào ngón xinh

 

Bàn tay em kỳ diệu quá, hấp dẫn gắn bó cả cuộc đời anh: rộng dài, dâu bể, mà vẫn nồng ấm, khát khao, tròn đầy, tươi mới. Vẫn không đi hết tường rào ngón xinh. Những ngón tay mềm mại được nhân hoá thành tường rào che chắn, nâng đỡ, thì thật là sự liên tưởng sáng tạo, độc đáo làm người đọc phải sững sờ. Tường rào gì mà có phép màu huyền bí như “bàn tay Phật Tổ” vậy? Cám ơn nhà thơ cũng đã bật mí cho: tay ấm ngón hồng búp hoa, đó là cả cái nết lẫn cái đẹp - chất liệu nuôi dưỡng và gìn giữ tình yêu linh diệu nhất”. Bài thơ Tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam Hương được Lâm Xuân Vi chú ý đặc biệt bởi “Đó là một phát hiện độc đáo của nhà thơ Trương Nam Hương, mở ra các cách tiếp cận khác nhau, để ta hiểu biết thêm tính phong phú, sâu sắc đa dạng của tác phẩm bất hủ - Truyện Kiều” (trích lời bình bài Tâm sự nàng Thúy Vân). Đây là lời bình của Lâm Xuân Vi về một đoạn thơ đặc sắc trong bài Tâm sự nàng Thúy Vân:

 

“Em thành vợ của chàng Kim

Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao

Giấu đầy đêm nỗi khát khao

Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!

 

Thật chua chát, thật trớ trêu cho số phận: em thành vợ của chàng Kim để mà cam chịu nỗi tẻ nhạt hững hờ, mà huyễn hoặc tưởng tượng yêu thương. Trương Nam Hương lại cho Thuý Vân bộc bạch không che đậy: Giấu đầy đêm nỗi khát khao/ Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!. Đó là lời phản kháng, tưởng yếu ớt vô vọng, nhưng không, nó thật quyết liệt, là cáo trạng lên án, là thông điệp gửi tới muôn đời: hãy nói không với hôn nhân không tình yêu. Đó là cái kết mở, giàu tư tưởng nhân văn, vượt ra ngoài giới hạn của một bài thơ, gây ấn tượng mạnh mẽ, ám ảnh người đọc”. Viết về một phát hiện độc đáo nhưng Lâm Xuân Vi đồng thời mang đến cho chúng ta ấn tượng về sự đồng điệu cất lên từ cái nhìn trắc ẩn xót xa trước nỗi đau của con người.

 

Đến với mỗi bài thơ là đến với một thế giới tâm trạng vừa khơi gợi vừa bí ẩn. Lâm Xuân Vi bằng những lời bình của mình, cùng người đọc khám phá những phức điệu tâm trạng ẩn sau câu chữ. Anh nâng niu “những giọt buồn” trong veo thánh thiện sau một đêm thao thức đợi chờ tình yêu khi đến với Lục bát số 25 của Bế Kiến Quốc; sững sờ phát hiện khoảnh khắc lìa cành, “linh hồn sống” của cây lá qua Có một chiếc lá vàng của Trần Mạnh Hảo, cùng khắc khoải chạm vào niềm tiếc nuối tê dại trong Miền ấu thơ của Nguyễn Thị Ngọc Hà …

 

Hai mươi bài bình thơ, xuất hiện trong khoảng thời gian không dài (chủ yếu từ cuối năm 2009 đến nay), lại được viết giữa những ngổn ngang bề bộn của cuộc sống, không chỉ thể hiện bút lực dồi dào của Lâm Xuân Vi mà còn nói lên rất nhiều mê đắm, khao khát của anh với văn chương, và sự tìm kiếm tri âm.

 

Xin chúc nhà phê bình Lâm Xuân Vi thành công hơn nữa trên những chuyến đò thơ ân cần và ấm áp của mình !

 

Thành phố HCM, 11/6/2009

Huệ Triệu
Số lần đọc: 3025
Ngày đăng: 18.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Khánh Mai đau đáu phận người - Trần Thị Thắng
Tâm Sự Cùng Phạm Văn Nhàn Qua “Màu Thời Gian” - Mang Viên Long
Đọc Những Cơn Mưa Mùa Đông của Lữ Quỳnh. - Nguyễn Thị Hải Hà
Đọc Bảy trích đoạn mùa xuân màu cam của Bùi Hoằng Vị - Nguyễn Hồng Nhung
Nồng Nàn Nắng Và Thơ - Trần Hữu Dũng
Ma của Nguyễn Viện - Nguyễn Hồng Nhung
Lữ Quỳnh và “Những cơn mưa mùa đông”. - Du Tử Lê
Lòng anh chạm lá chua me chạnh buồn - Lâm Xuân Vi
Sinh Nhật của Một Người Không Còn Trẻ - Lữ Quỳnh - Nguyễn Thị Hải Hà
Ngọc, thơ Hạnh Phương - Mang Viên Long