Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.252
123.154.872
 
Cưỡi Gió Qua Đèo
Lê Trâm

Gió từ hướng đồng bằng thổi lên lọt vào vùng thung lũng ba bề núi, cuộn lại rồi thổi xoay vòng, lướt theo sườn dãy Hòn Thành, thổi như muốn bào mòn hết mấy mỏm đá nhô về phía mặt trời mọc. Đến được phần giáp ranh giữa hai dãy núi gió được dịp thỏa thuê cuồn cuộn ùa qua sườn tây. Nên cứ nghe hun hút, hun hút. Ở mé đèo này chim bay qua cũng phải lướt sát mặt đất. Chỉ cần chăng sơ mảnh lưới là có thể bẫy được ối chim. Tấm lưới chăng sẵn, hễ chim bay qua thì kéo ụp xuống  tha hồ vào lưới nhặt chim! Nên có ai đó gọi tên đèo là Rập Cu, gọi mãi thành tên. Từ đông sang tây, trước khi vượt đỉnh con đèo đã kịp lượn một vòng cua tuyệt đẹp. Phần sâu nhất của khúc cua ôm một hóc núi. Nước từ trên đỉnh Tiên Đánh Cờ  cao chót vót len lỏi theo các vách đá chảy xuống. Đến được đoạn cắt với con đèo thì nước đã mất bao nhiêu nhiệt lượng, trở nên mát rượi. Những  người đi bộ vượt gần mười cây số đèo dốc, đá núi lởm chởm đến được đây lưng áo đã ướt đẫm. Chạm vào nước suối có khác chi chạm vào đá lạnh. Nên ai đó đặt thành tên Nước Mát. Một trăm người vượt đèo là có đúng một trăm người nghỉ chân lại ở đây, không sót một ai. Ngồi trên tảng đá giữa lòng suối, thõng chân xuống làn nước trong xanh, tay vục mấy bụm nước vả lên mặt lên đầu lên ngực sẽ cảm nhận được thế nào là mát! Bao nhiêu nhọc mệt tiêu tán lúc nào chẳng hay. Để rồi lại tiếp tục vượt nốt phần đèo còn lại…Chính ở nơi đây Vũ đã gặp nàng. Một một câu chuyện đầy vẻ huyền hoặc. Huyền hoặc như lời nàng kể rằng đã từng chứng kiến cảnh một người kỵ mã tay bưng đầu cưỡi con bạch mã phóng vội qua đèo giữa đêm trăng mờ ảo. Có cả tiếng ngựa hí lanh lảnh giữa đêm vắng rợn như minh chứng cho những gì nàng nghe thấy là có thật. Chuyện nàng kể khiến cho Vũ liên tưởng đến  những chiến binh dũng cảm của Hường Hiệu. Khi cuộc đánh phá vào đồn Mang Cá bất thành, kinh thành Huế chìm vào máu lửa cũng là lúc cuộc khởi nghĩa của Hường lô tự khanh Nguyễn Duy Hiệu bắt đầu. Cụ không chọn hướng sơn phòng Dương Yên như Trần tiến sĩ đã chọn mà chọn thế núi này. Từ hóc Mâm Xôi phía tây bắc đèo Rập Cu đi tắt đường núi là đến được suối Nước Mát. Theo con đường này có thể huy động nghĩa quân bất ngờ tập kích khi quân Pháp kéo quân lên miền tây. Sau đó cụ Hường đã lập nên đồn Rập Cu ngay đỉnh đèo. Rồi xây dựng nên Tân Tỉnh Quảng Nam khá vững chãi ở phía tây Hòn Thành. Hơn hai năm, cuộc kháng chiến với nhiều giai thoại bi tráng còn lưu dấu qua nhiều địa danh quen thuộc. Câu chuyện ấy Vũ nghe thuộc nằm lòng. Chuyện của nội, chuyện của cha, chuyện của những người già. Thời ấy, cả một vùng Đồng Nai con này nhà nào chẳng có người theo Nghĩa Hội. Từ con đèo này, đạp núi vài cây số đã đến được vùng tháp Chăm huyền bí. Chính vùng đất in đầy dấu ấn văn hóa và lịch sử nuôi dưỡng trong lòng Vũ những cảm xúc khó diễn đạt thành lời. Chính nhờ nó mà dù sớm mồ côi mẹ, nhà đông anh  em Vũ vẫn cứ học rất giỏi. Nhưng vào đến cấp ba thì sa sút hẳn. Anh em ngày càng lớn, nhu cầu gia đình tăng chóng mặt trong khi nguời cha vẫn không thay đổi chút nào: Cứ thích uống rượu, ca cải lương và … theo gái. Hai lần thi trượt đại học. Đến lần thứ ba thì Vũ chán, bỏ quê, ngược lên rừng đốt rẫy. Bao nhiêu câu chuyện bầm dập khốn nạn là những ngày Vũ sống ở rừng. Chính trong những ngày tháng đen tối ấy Văn biết tới mùi đời. Với một người đàn bà đốt than nhem nhúa hơn Vũ mười mấy tuổi. Ôi trời, trong cơn say mù mịt nào Vũ có biết gì! Chỉ biết tụt quần và đổ ập xuống cái than hình nhếch nhác đầy thèm khát đang chờ đợi Vũ…

 

Sau cái đêm thổ tả ấy Vũ nằm bẹp dí ở chòi mấy ngày đêm chẳng thiết ăn uống. Vũ như con thú mê muội. Đến lúc định dốc bụm thuốc ngủ vào miệng thì Vũ bừng tỉnh. Hắn vãi đại mớ thuốc và chạy thục mạng xuống núi…

 

*

Nàng không biết hắn. Nàng ở phía bên ni đèo nên cho dù hắn nổi tiếng học giỏi nàng cũng chẳng thèm biết. Biết để làm gì? Cũng một hoàn cảnh cơ khổ như nhau thôi. Từ trong hóc Mâm Xôi nàng theo vợ chồng người chị Cả ra đây mở quán. Sau này Vũ bảo với nàng rằng anh rể của nàng nghĩ sao mà giống cụ nhà thơ Khương Hữu Dụng thời chống Pháp quá. Cũng mở Quán Ven Đường ngay chóc khúc đèo này. Khác là ông già Khuơng vừa bán quán vừa làm thơ còn anh nàng vừa bán quán vừa nhậu… thịt chó! Khi Vũ nhận xét về già Khương anh rể nàng cũng có mặt. Hắn cười ha hả bảo ông thì cốt cách tiên ông còn anh rể mày hả hả … phàm phù tục tử quá phải không? Ừ, cứ làm đại một ly thì biết ngay mà. Chê hả? Thì ta uống. Rồi gã uống đến tận sáng… Còn trăng thì chiếc sáng rực như xỏ vào mặt người. Trăng sáng như thế này con người đâm ra rạo rực hết biết. Vũ thoáng nhớ đến tấm thân phốp pháp của người đàn bà đốt than. Và chợt rùng mình. Anh rể nàng dốc  ngược chai rượu vào mồm, chửi thề mấy câu rồi ném cái chai ra suối. “Anh đừng có ném chai nữa!”, nàng hét lên. Gã anh rể trừng mắt: ”Mắc mớ chi mày? Mày hãy liệu cái việc của mày đi kìa!” Vũ nghe, chẳng biết cư xử thế nào. Khốn nạn, rồi chính nàng cũng phải tự tay dọn sạch cái đám mảnh chai nằm khắp suối hết thôi. “Anh đừng để ý! Coi vậy chứ ảnh tội lắm!” Vũ lắc đầu nói không có gì đâu anh quen rồi mà. Vũ bỗng nghĩ đến cha. Cũng thất thểu xiêu vẹo quanh xóm nào có ra con người! Cũng nghêu ngao mấy câu cải lương sến và buồn trong vở “ Chuyện tình Lan và Điệp”… . Đã quen, đến đô là cha Vũ lại giống Tôn Ngộ Không hờn giận Tam Tạng đòi về Hoa Quả Sơn cho bằng được. Chỉ về được Hoa Quả Sơn khi đã say bí tỉ… Bây giờ cha Vũ đang làm gì nhỉ, đã về đến được Hoa Quả Sơn chưa?

 

Cuộc trở về của Vũ cũng ly kỳ chẳng thua kém lúc ra đi. Xuống xe ven đường lộn túi trái túi phải chỉ còn dăm đồng lẻ, hắn đành cắn răng cuốc bộ. Là hơn hai chục cây chứ ít ỏi gì. “ Nhưng là đường lộ không phải rừng”, Vũ tự an ủi mình rồi cắm cúi bước. Cuộc trở về vĩ đại của Vũ không kèn cũng không trống, khác xa lời hắn  thề trước lúc bỏ xứ mà đi. Rằng sẽ giàu có, rằng sẽ hoành tráng cho thiên hạ lác mắt chơi. Ngày kẻ thất chí trở về trời mưa lâm thâm mà ruột thì rầu thúi đi được, buồn đến muốn tự tử chết cho rồi! Nhiều lúc vũ nghĩ không biết cha hắn nghĩ sao khi đặt cho hắn cái tên Vũ - Vũ Vô Kiềm Tỏa Năng Lưu Khách là tên bảy anh em nhà hắn. Sắc bất ba đào… sao cha hắn không thêm một vế nữa cho… hoành tráng nhỉ? Tên hắn là Vũ, Vũ là mưa mà mưa thì trời nào chẳng buồn, cấm có cãi được. Hắn lầm lũi rảo bước, có vẻ càng lúc càng chậm hơn. Vừa đi vừa quan sát. Cảnh vật thay đổi nhiều so với hồi hắn bỏ đi. Những ngọn đồi trọc lông lốc ngày ấy giờ đã xanh um bởi bạch đàn và keo. “ Ngó bộ oai vậy thôi chứ một cơn bão là tiêu tán đời!”, hắn nghĩ thầm. Hà, cũng tạm bợ như cái đời hắn thôi chứ có hơn gì. Thêm khá nhiều hàng quán. Những ngôi nhà đỏ xanh lòe loẹt đủ kiểu dáng Tây Tàu Thái Việt. Trông cũng ngồ ngộ… Duy chỉ con đường thổ tả đầy hục hang xe chạy không biết tránh vào đâu là vẫn y như xưa. Nghe kể rằng vị chủ tịch huyện một thời hô  hào dân trồng sắn bán đổi lấy nhựa đường đã qua đời mấy năm trước. Hồi ấy, ông ta đã làm được cái điều không ai làm được. Nhưng, ông ta chết rồi thì con đường cũng chỉ có thế thôi ư? Vũ đọc báo nghe người ta bảo rằng con đường nằm trong quy hoạch của một dự án, mà cái dự án này lại dính dáng tới mấy cái dự án khác khác. Không biết các vị chủ dự án bỏ đi đâu hết để lại con đường xưa em đi buồn và nhếch nhác đến làm vậy? Thế thì đời hắn còn ngon lành chán, có sao đâu. Vũ tự an ủi, lại tiếp tục rảo bước. Lúc nào mệt hắn lại ngồi bệt xuống vệ đường mà thở. Hay thật, đi lâu ngày về lại mới thấy nhiều cái ở nhà chẳng hề thấy được… Chỉ khi qua khỏi chợ huyện đi dưới bóng mấy hàng cây Vũ mới tìm lại được cảm giác quen thuộc. Đoạn đường này Vũ thuộc như thuộc lòng bàn tay mình. Ba năm cơm đùm cơm gói đi học trường huyện Vũ còn lạ gì. Vừa đi vừa nhắm mắt Vũ cũng biết mình đến được những đâu. Vượt bảy con dốc là đến chân đèo. Chẳng mấy đổi thay. Cũng vẫn những cổng ngõ dâm bụt đỏ thắm. Vẫn những vườn mít xanh um xen những ngọn cau cao chót vót. Đây là quán mỹ bà Tờn. Hờn, bà Tờn ních hết là bà ta đó. Hồi nhỏ, mỗi lần Vũ hờn dỗi là mẹ Vũ lại đem câu ấy ra doạ. Bà Tờn qua đời một năm sau ngày Vũ ra đi. Giờ thì đứa cháu ngoại thay bà đứng quán. Đứa cháu đã kịp “Tây hóa” quán khá nhiều đến độ không nhận ra. Xít lên một chút là là quán nước của ông Trung-ừ- hử. Là do bọn Vũ đặt bởi tai ông Trung điếc nên ai kêu gì cũng “hử, chi rứa hử?” suốt ngày… Quán ông Trung “đổi” nước chè xanh và bán mấy thứ bánh ăn tạm để vượt đèo. Ông “đổi” nước chứ không bán nước, hễ ai lỡ lời là ông chỉnh ngay. Bánh ít, bánh ú, bánh chưng,… Thêm vài nải chuối, mấy cái bánh tráng nướng sẵn… Quán ông Trung không thay đổi là mấy, lụp xụp và buồn hiu hắt. Cứ mỗi lần đi ngang qua thấy bóng ông Trung lẩn quẩn trước hàng bánh trái là Vũ lại liên tưởng đến hình ảnh một ông đồ già. Đôi khi có cả một cơn mưa lá vàng rơi tơi bời trước mắt Vũ. Hắn cũng chẳng hiểu tại sao nữa. Khi nghe hắn kể ba hắn cười buồn bảo đời mày rồi sẽ khốn nạn con ơi. Nói xong lại lên mấy câu vọng cổ nghe buồn đến rớt nước mắt, muốn bóp dái chết đi cho rồi.

 

Lúc này gió vẫn không ngớt thổi qua đèo Rập Cu. Càng lúc càng lớn. Như là sắp có chướng. Có vẻ giống cái buổi sáng Vũ bị đánh thức dậy bởi mấy người đàn ông lạ mặt. “ Tại sao làm nhà ở đây?”, gã râu rậm nói như quát vào mặt Vũ. Vũ trợn mắt. Tại sao nhỉ? Không làm nhà thì Vũ biết chui vào đâu? Còn khối người như Vũ có làm sao đâu? “ Có chuyện gì vậy?”. Râu rậm chìa bàn tay lông lá ra trước mặt Vũ:” Giấy tờ đâu?”. Vũ nhăn nhở cười:” Giấy tờ gì nhỉ?” “ Còn giấy tờ gì nữa?”. Bọn này đang muốn làm khó mình đây. ” Cần bao nhiêu?”. Gã râu rậm định nói điều gì đó nhưng bỗng im bặt, miệng chưa kịp khép lại. Một gã vó vẻ bảnh bao bước tới. “ Thế này anh Vũ ạ. Đấy này nằm trong dự án rồi. Giấy tờ đàng hoàng nhé!”. Vũ không khỏi cảnh giác:” Các ông muốn gì đây?” Gã áo trắng dịu giọng:” Anh chẳng có giấy tờ gì nên phải dở nhà đi thôi!”  Vũ ngớ ra. “ Tôi ở đây bao nhiêu năm, sao lại phải dời đi?”. “ Mà đâu có giấy tờ gì”. “ Thì khối người như tôi!”. “ Nhưng đây là đất dự án!”. “Dự án gì?”. “Thì… trồng rừng”. Vũ bật cười. Hắn ôm ngực ngửa mặt cười sặc sụa. Trời đất, ai lại đi phá nát rừng nguyên sinh để rồi trồng lại toàn thứ vớ vẩn? Vũ thừa hiểu đằng sau cái gọi là dự án đấy là gì rồi. “Cười cái gì”, gã râu rậm quát the thé. “ Nói nghe mắc cười quá!” Vũ lại ôm ngực cười ngất. Gã râu rậm tức khí ném tờ giấy xuống đất. “ Bảy ngày nữa anh phải dọn đi nơi khác, nếu không tụi tôi sẽ bị cưỡng chế!” Chẳng chờ Vũ trả lời cả bọn kéo nhau đi, bất ngờ chẳng khác lúc đến.

 

Chẳng đợi dến ngày hẹn, Vũ từ thị trấn trở về suýt ngả ngửa trước quang cảnh đang bày trước mắt. Tất cả đã trở thành một bãi đất nham nhở rộng đến ngút mắt. Cái chòi nhỏ bé của Vũ như bị hút mất vào đất đỏ. Trời ơi, cái vụ đất đai này còn kinh dị gấp mấy lần sự cố ụp người xuống tấm thân nhễ nhại mồ hôi và cơn chạy thục mạng xuống núi của Vũ. Lần này thì hết cách trở lại rồi. Vũ vuốt mặt mấy lần, hú một hơi dài man rợ rồi lửng thửng cuốc bộ về thị trấn.

 

Mọi chuyện lướt qua đầu Vũ như đèn kéo quân, cái này chồng lên cái kia nhếch nhác và gớm ghiếc. Đôi lúc Vũ có cảm giác mình như con mồi đang bị săn đuổi. Tưởng đâu dồn vào rừng là thoát nạn ai dè đến tận rừng xanh núi đỏ vẫn không yên thân. Và rồi hắn đã làm một cuộc trở về ngoạn mục hiếm thấy. Thêm một đoạn cùng nàng trên đỉnh đèo này còn hơn một kết thúc có hậu đượm màu cổ tích. Nàng thì bảo đấy là số phận còn anh rể nàng thì nói số phận đéo gì đời mày hẩm hiu thì có, chán thì bóp dái chết đi cho rồi. Vũ cười buồn bảo thế này là nhất đời em rồi còn gì. Anh Cả ạ, anh mà chứng kiến cảnh em cởi truồng nồng nỗng bỏ chạy xuống núi thì…

 

Mấy ngày trước có ba người đàn ông lạ áo quần bảnh bao đến quán Vũ. Bọn họ cũng nói đúng những điều mấy gã đàn ông từng nói mấy năm trước nhưng hơi bị nhiều lịch sự. Sau đó họ đưa cho Vũ một cục tiền bự tổ chảng. Vũ không mấy bất ngờ chỉ ngạc nhiên cục tiền bởi hình như quá lớn. Họ sẽ thay vào đấy một khu du lịch với nhiều thứ dịch vụ đính kèm mà bọn người như Vũ khó lòng tưởng tượng ra nổi. Cái hàng quán bèo nhèo buồn thảm kiểu như quán ven đường chỉ đủ sức giúp người đi đường lót dạ. Bây giờ, ngời ta cần nhiều cái sướng đến ngàn vạn lần kia…Ngày mai là ngày Vũ phải giao đất cho người ta. Mãi đến tận lúc này cả Vũ, cả nàng, cả anh rể nàng chẳng biết xử lý ra làm sao…

 

Gió bắt đầu trở cơn. Vũ nhận ra ngay sự giận dữ của đất trời. Chỉ mươi phút sau gió đã lồng lộn khiến ngôi quán rung lên bần bật. Tiếng gió hun hút, xủng xoẻng tiếng gươm khua lẫn ngựa hí như đang chiến trận. Trong lúc loay hoay tìm cách xử lý Vũ lại nhớ đến hoàn cảnh chết tiệt của mình. Và hắn bật cười nói như ma làm, thôi rồi thôi rồi. Vũ lao về phía góc bếp chụp lấy cây rựa. Mấy gốc cột khiêm tốn đứt vèo dưới đường rựa ngọt xớt của Vũ. Vũ vừa chặt vừa cười như bị ma làm

 

Và trong đêm giông gió ấy Vũ đã cưỡi ngôi quán của mình bay vèo qua đèo. Nhẹ như lá.

 

*

Không ai biết vì sao  ngôi quán ấy lại dồn về phía tây dãy Hòn Thành chỉ sau một đêm. Có đến bảy tám bài báo viết về vụ này nhưng chẳng đưa ra được nguyên nhân. Một nhà báo tự do đã ra sức đi tìm và viết lại câu chuyện như trên. Chẳng biết thực hư thế nào. Nghe thật huyền hoặc như cảnh tay kỵ sĩ bưng đầu cưỡi con ngựa bạch phóng vội qua đèo dưới ánh trăng mờ ảo. Nghe có cả tiếng ngựa hí trong đêm…/.

 

Viết sau lễ tang Nguyễn Trung Bình

Lê Trâm
Số lần đọc: 1999
Ngày đăng: 20.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vườn mê 2 - Nguyễn Anh Thế
Lấy Vợ Xấu - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện người thổi sáo - Nguyễn Ước
Ốm vì làm tình - Nguyễn Viện
Trạm Cuối - Âu thị Phục An
Đám tang - Hoa Quỳnh
Ngoài Kia Trời Đã Sáng - Trần Minh Nguyệt
Niềm Ân Hận Muộn Mằn - Khải Nguyên
Chiếc Áo Rách - Yến Lan
Hoàng hậu và người bán củi - Nguyễn Ước
Cùng một tác giả
Chúc ban mai tốt lành (truyện ngắn)
Đêm của bướm (truyện ngắn)
Tiếng hú (truyện ngắn)
Dòng sông chảy quanh (truyện ngắn)
thầy cũ (tạp văn)
Mùa chim bay đi (truyện ngắn)
Cưỡi Gió Qua Đèo (truyện ngắn)
Ký Ức Phố… (tạp văn)
Gã cực sướng (truyện ngắn)