Từ sáng sớm tinh mơ đã thấy có tiếng kêu của lợn bị chọc tiết vang lên từ sân giếng nhà ông Mộc. Sau đó là tiếng đập cánh và tiếng kêu quang quác của những con gà bị bắt từ trong chuồng ra. Gà bị cắt tiết thì không dẫy dụa và kêu to như lợn. Hoà trong tiếng kêu của lợn và gà trước khi đi vào cõi vĩnh hằng là tiếng người xôn xao nhộn nhịp, ngay từ sáng sớm họ hàng thân thuộc và con cháu ông đã tề tựu đầy đủ để người nào việc nấy, kẻ cạo lông lợn, người cắt tiết gà, người vo gạo nếp đồ xôi, kẻ thái rau thái măng, người xắn tay áo dựng rạp che khoảng sân nhà. Và đến khi trời sáng rõ thì mùi hành tỏi phi mỡ, mùi thịt gà luộc, mùi chả thịt lợn nướng…đã bốc lên và theo gió lan toả đi xa đến cách đấy mấy con ngõ cũng còn ngửi thấy. Thơm nhức mũi! Rồi bàn ghế mượn từ văn phòng UBND xã và từ trường tiểu học được con cháu kìn kìn khiêng về sắp thành dãy, trịnh trọng trải lên mặt bàn những tấm vải hoa cà hoa cải hoặc xanh đỏ đủ màu. Không khí trở nên nhộn nhịp rộn ràng khi chiếc cát sét chơi đĩa công suất 500 W bắt đầu hoạt động, hết dân ca quan họ đến hip hop và pop với tiếng trống tiếng kèn vang vang hết cỡ. Thỉnh thoảng những bài hát tạm dừng để cho một gã gõ gõ vào micrô kêu cộc cộc và hắng giọng: alô, alô, một hai ba bốn, nghe rõ, tốt lắm!
Nhà ông Mộc có giỗ trọng chăng? Không phải! Hay là anh cả học trên Hà Nội đỗ đạt gì to lắm, tiến sĩ chẳng hạn? Cũng không! Anh cả có bằng đại học văn chương và đang theo cao học để lấy bằng thạc sĩ, nghe đâu đang theo đuổi đề tài Nguyễn Tuân và bút ký chống Mỹ nhưng gần hai năm rồi chưa thấy anh báo cáo gì với gia đình về chuyện đỗ đạt hay bằng cấp. Cũng không phải! Vậy thì phải có một lý do gì đó nghiêm trọng-không, tôi dùng từ sai nghĩa rồi-lý do gì đó quan trọng người ta mới bày đặt tổ chức rình rang đến thế.
Quan trọng lắm chứ sao lại không? Đầu đuôi câu chuyện là thế này. Ông Mộc là một nhà thơ, đã làm thơ và đang làm thơ. Nhà thơ là người sáng tác thơ, một thể loại văn vần khác với văn xuôi hay kịch nói. Nhà thơ là người có cảm xúc và tư duy đặc biệt, khả năng ngôn ngữ phong phú do bẩm sinh hay do rèn luyện mà có. Nhà thơ có khả năng gắn kết cuộc sống, xã hội và thiên nhiên với những cái hay cái đẹp trong những vần thơ sống động và có hồn. Thật là sung sướng biết bao nhiêu nếu thơ ta viết ra phục vụ cho chân thiện mỹ, cho ánh sáng xua tan bóng tối, cho lương tâm, trí tuệ, lẽ phải và sự tiến bộ cũng như hạnh phúc của loài người. Mỗi khi cầm bút làm thơ ngoài những tứ thơ tràn trề ông Mộc còn cảm thấy sung sướng, vinh dự và đầy tinh thần trách nhiệm với nhân dân, đất nước và với nhân loại. Ông lấy bút danh là Dương Thụ. Mộc là cây mà Thụ cũng là cây, nhưng Thụ nghe hay hơn Mộc. Còn Dương được ông Mộc hiểu là xanh tươi. Còn gì hay hơn khi bút hiệu của mình là một cây đời mãi mãi xanh tươi!
Không phải ai cũng có cái quan niệm cao cả về thơ như ông Mộc-nhà thơ Dương Thụ. Ta hãy lấy lão Tôn, hàng xóm và bạn thuốc lào của ông Mộc làm thí dụ. Lão là một người bộc tuệch, ăn nói rổn rảng. Khả năng viết lách của tôi kém nên không tả được hàm răng của lão: đó là một hàm răng vô kỷ luật chẳng hề biết trật tự qui củ là gì, những chiếc răng cái chìa ra cái thụt vào, cái vểnh lên cái cụp xuống, đã thế ta lại không thể gán cho hàm răng của lão màu gì, vàng ệnh chăng, hay là màu nâu nhạt? Hàm răng đó ảnh hưởng đến sự phát âm nên giọng nói của lão có một âm hưởng đặc biệt. Đã vậy lão lại hay cười, cười hở mười cái răng nên bàn dân thiên hạ ai cũng được chiêm ngưỡng hàm răng nổi tiếng của lão. Lão nheo mắt cười cười và nói với ông Mộc như thế này:
- Ông hay làm thơ, vậy có biết bốn câu thơ này không:
Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ
Hôm qua nó bảo dí thơ vào l…
Vợ tôi nửa dại nửa khôn
Hôm nay lại bảo dí l… vào thơ.
Mặt ông Mộc đỏ lựng lên:
- Thơ thẩn của thằng nào mà mất dạy thế!
- Của Nguyễn Huy Thiệp! Bốn câu thơ này trích trong bài viết Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn của ông ta đó.
- Nguyễn Huy Thiệp là thằng nào?
- Sao lại là thằng? Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có hạng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, người đã viết tác phẩm Tướng về hưu, được dịch sang tiếng Pháp và được chính phủ Pháp trao giải thưởng. Ông hoạt động về đằng văn hoá nghệ thuật mà không biết ông này à?
Ta hãy tạm gác lại câu chuyện bàn về thơ và trở lại với khoảng sân nhà ông Mộc. Có hai sự kiện đáng ghi nhớ đối với ông Mộc tức nhà thơ Dương Thụ. Thứ nhất, thẻ hội viên Câu lạc bộ Thơ Việt Nam của ông được gửi từ Trung ương về đến Bưu điện huyện, trong thẻ có chữ ký của Chủ tịch Câu lạc bộ là nhà thơ, nghệ sĩ, nhà báo Bành Châu. Thứ hai, trong cuộc họp của các nhà thơ hội viên Câu lạc bộ thơ Việt Nam huyện Gia Hưng ông được 85% số phiếu bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Việt Nam của huyện. Con số 85% số phiếu ủng hộ khiến ông băn khoăn trăn trở để tìm ra những tên tuổi, những khuôn mặt khả dĩ có thể không bỏ phiếu cho ông. Than ôi! Bi hài và đầy kịch tính biết bao nhiêu là sự liên quan giữa chiếc ghế và cái đít ngồi lên chiếc ghế ấy, mà chiếc ghế có to tát gì cho cam, chỉ là ghế Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ của huyện. Nhưng mà thôi, dẫu sao thì 85% đã là một con số có sức nặng rồi, hơn nữa kết quả bầu bán của cuộc họp đã được Phòng Văn hoá huyện ký thông qua. Và mới cách đây hai ngày thôi, tấm thẻ hội viên và quyết định công nhận của Phòng Văn hoá huyện đến tay ông Mộc cùng một lúc. Ta chưa hiểu được cái ý nghĩa sâu xa của cụm từ Song Hỷ nên chưa dám gọi hai niềm vui cùng đến một lúc với nhà thơ Dương Thụ là Song Hỷ, nói như thế liệu có gì sai chăng? Và vì cái sự Song Hỷ ấy mà hôm nay, mười giờ hơn, những vị khách mời đầu tiên bước qua ngõ vào sân trước sự đón tiếp thân mật, hồ hởi và trọng thị của ông Mộc.
Tôi viết xong câu chuyện này và đưa cho một người bạn xem thử. Anh này là chuyên gia Hán Nôm. Tôi hồi hộp theo dõi nét mặt của bạn. Đọc xong dòng cuối cùng anh ấy bảo:
- Tớ có hai nhận xét. Thứ nhất, nước ta làm gì có huyện nào tên là Gia Hưng? Cả nước có 697 huyện và cấp tương đương, những tên huyện khó nhớ như Bù Gia Mập, Ayun Pa mà tớ còn nhớ được nhưng đào đâu ra cái tên huyện Gia Hưng?
Tôi cười xởi lởi:
- Thì đến nội dung của truyện đã chắc là có thật đâu, nhằm nhò gì cái tên huyện!
- Thứ hai, sao lại đặt tên truyện là Song Hỷ? Cậu có biết gốc gác chữ Song Hỷ từ đâu ra không?
- Em dốt nát, Hán Nôm một chữ nhất bẻ đôi còn không biết nên cứ đặt liều như thế may ra độc giả có anh nào biết thì thể tình mà bỏ qua đi cho.
- Câu chuyện là thế này. Thời Bắc Tống có Vương An Thạch người tỉnh Giang Tây đi thi, trên đường lai kinh ghé qua nhà một vị quan có cô con gái tuyệt sắc. Quan ra vế đối, ai đối được sẽ gả con gái cho. Vế đối treo trên vách cạnh chiếc đèn kéo quân: “Mã tẩu đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” (đèn kéo quân có đàn ngựa, đèn quay ngựa chạy, đèn ngưng ngựa dừng). Hay chữ như Vương An Thạch mà cũng không đối được đành nuốt nước bọt tiếc rẻ, tuy vậy chàng ghi nhớ vế đối trong bụng. Vương An Thạch thi đỗ thám hoa, trong bữa tiệc khoản đãi vị tân khoa quan giám khảo trỏ vào lá cờ có hình con hổ bay phấp phới và ra vế đối: “ Hổ phi kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng hình” (Hổ khiến cờ bay, cờ khiến hổ bay, cờ cuộn, hổ mất tăm). Vương An Thạch ứng khẩu đọc ngay vế đối “Mã tẩu đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” , dĩ nhiên được quan giám khảo nức nở khen hay, phi hổ với tẩu mã đối nhau chan chát. Trên đường bái tổ vinh quy, Vương An Thạch ghé qua nhà vị quan để đọc vế đối không phải do mình nghĩ ra mà từ trên trời rơi xuống : “Hổ phi kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng hình” và được vị quan đó gả con gái cho. Vừa đỗ thám hoa, vừa cưới được vợ, không gọi là Song Hỷ thì gọi là gì?
Nghe xong câu chuyện, tôi đưa hai tay lên ngang mày, các ngón tay đan vào nhau thành một nắm tay và cái nắm tay ấy lắc lắc theo đúng bài bản của hảo hán Lương Sơn Bạc:
- Bái phục, bái phục!./.
Hà Nội 2010.