Rời sân bay anh ngại về nhà. Anh đi lang thang rồi dừng lại nơi một vườn hoa vắng. Giờ chỉ còn trơ lại một mình anh. Đứa con duy nhất của hai người đã chết yểu. Mãi mười giờ khuya, anh mới về đến nhà. Cửa đóng im ỉm. Mọi khi thì anh đã gọi: "Mai ơi!". Một cái thắt nhẹ nơi tim. Giờ này em đang ở đâu? Trên bầu trời Ấn Độ hay Tây Á? Anh không bật đèn, lần mở cửa sổ đứng nhìn ra, đốt một điếu thuốc nhưng vội dụi đi ngay. Vô vị mà hăng hắc. Phải đi nằm thôi. Người bải hoải nhưng đầu óc thì tỉnh quá.
Em đã bay rồi. Em đi là phải. Chúng mình chẳng phải là loại người không biết việc hoặc ý thức làm việc tồi, nhưng người ta không dùng được, không dung được. Vậy thì đây là dịp để em thử sức mình. "Em đi về, chúng mình sẽ sống và làm việc đỡ nheo nhóc". Đó cũng là một cái cớ. Còn anh, hiện thời chỗ đứng của anh là ở đây. Bọn anh chịu đựng vùi dập năm năm trời để bảo vệ cái đề án ấy. Lúc này là lúc phải khuấy công luận để cho nó được chào đời. Một cảm giác ran ran nơi ngực. Năm xưa, anh đã bị một cơn nhồi máu cơ tim. Đang làm việc tại nhà, anh gục xuống ngất đi. Chị đi công tác xa. May có đứa bé hàng xóm nhìn thấy. Chuyện ấy, anh đã giấu chị. Người ta bảo bị nhồi máu cơ tim lần sau khó qua hơn. Anh cố nằm thư giãn và thở sâu. Vậy là em đã bay rồi. Chúng mình đã quen có nhau trong gian nhà chật. Quen với cả sự nghèo nàn. Thôi! tạm gọi là thanh đạm. Thanh đạm à? Thanh đạm có tầm thường hóa ước mơ và làm mòn mỏi hạnh phúc? Chưa có ai nói thế. Chà! Anh thật vô lí, bắt em hứng chịu những hậu quả của sự cả tin và cả nể của mình, trong cuộc đời, trong công việc. Với những công chức như chúng ta, liệu có đất cho những cao vọng, dẫu rất đỗi hiền lành? Anh đã xử sự như người ngoài cuộc trước cảnh sống nhọc nhằn và nặng nề ngày càng lấn tới cái tổ ấm của chúng ta.
Đêm lành lạnh, gợi nhớ tiết cuối thu. Cả anh, cả chị đều thích thời tiết này. Đắp một vỏ chăn mỏng thật là dễ chịu. Anh nhớ bàn tay chị hay mân mê ngực anh. Tóc chị thơm mùi dầu sả ấp vai anh. Thường đó là lúc chị "bắt" anh nghe chuyện: chuyện nhà, chuyện cơ quan, chuyện đời, chuyện đọc được đâu đó. Từng mẩu thôi, thích gì kể nấy, nhớ đâu nói đấy. Đột ngột: "Thôi, em ngủ đây". Sẽ sàng, đầu chị chuồn khỏi vai anh. Chỉ chốc lát là chị ngủ. Hôm nào không thế, ắt chị có điều bất như ý. Anh phải quàng tay ôm chị với một cử chỉ dỗ dành không lên tiếng. Và chị, như chỉ chờ có vậy "dốc hết" với anh.
Vậy mà… Tự lúc nào em đã bớt đi những câu chuyện tâm tình, những lời tâm sự. Em ít chờ ở anh những câu khích lệ hay an ủi. Em cũng không như trước kia hay nhìn vẻ mặt anh khi đi làm về để đón bắt vui, buồn.
Anh bỗng thấy vừa thương, vừa giận chị. Chị đã ra đi một cách quá ư "đơn giản", - đúng như anh mong muốn và đã khuyên nhủ chị, - dường như chẳng bịn rịn, chẳng cảm xúc trước cuộc chia li dài nhất giữa hai người cả về không gian lẫn thời gian. Anh đâu biết, khi đã vào trong máy bay, chị thả rơi người xuống ghế, ngồi nhắm mắt lại mà không giữ nổi hai dòng lệ tràn xuôi má. Chị đã tỏ ra thanh thản, đàng hoàng, cứng cỏi nữa, trước không nhiều người ra tiễn. "Nếu em khóc, họ sẽ không nghĩ là vì nhớ anh". Đêm cuối cùng nằm bên anh, chị đã nói vậy. Chị có tên trong danh sách thực tập sinh ở một nước Tây Âu, bỗng nhiên phải "nhường" cho một người "chen ngang" và được ghép vào một nhóm chuyên gia y tế đi châu Phi. Việc "lên gân cốt" đã làm chị rã rời. May mà máy bay cất cánh sớm nửa tiếng đồng hồ.
Giờ đây, máy bay đã ở độ cao ổn định, khoảng mười nghìn mét. Chị nhìn chếch về phía trước qua ô kính bầu dục. Phía tây, những đụn mây đang xếp lớp. Cửa phòng mình cũng hơi chếch về tây và về chiều cũng thường nhìn thấy những đụn mây như thế. Anh hay đọc câu thơ của ai đó: "Mặt đất mây đùn cửa ải xa". Ở đây, chẳng thể có cánh chim nào, kể cả cánh "chim bằng". Ráng chiều đang lan dần như một đám cháy phía xa loang mãi ra. Trên cao, chiều tắt chậm, hoàng hôn kéo dài. Ngôi sao hôm lẻ loi trên bầu trời. Chị cảm thấy ớn lạnh. Anh đơn chiếc và đơn độc biết mấy. Bạn bè cùng vui chuyện thì chẳng thiếu, nhưng khi phải đương đầu thì anh chỉ có hai người bạn thân. "Em cứ yên tâm mà đi. Hai đã là nhiều lắm". Anh sẽ sống rất khó khăn. Khó khăn lớn nhất lại do anh sống thiên về nội tâm và có những cảm nghĩ dường như kì khôi. Chị nhớ một câu trong lá thư xưa anh bộc lộ với chị: "Yêu thật là nhọc nhằn". Một câu tỏ tình độc đáo. "Chỉ đứa ngốc như em mới chấp nhận được thôi". Sau này, chị chọc anh, và anh đâm ra bực chị. Kỉ niệm ấy gọi về những yêu thương chị từng dành cho anh mà thời gian gần đây tưởng đã nhàm đi, bạc đi. Chỉ đến lúc này, chị mới nhận ra, hay mới dám nhìn thẳng vào đáy tâm hồn mình rằng, mặc dù rất không vừa ý, thâm tâm chị coi chuyến đi như một sự giải thoát - giải thoát cái gì đó, những cái gì đó. Ờ, chẳng hạn, giải thoát một sự tù túng, ít nhất biết thêm một chân trời, dù chỉ là chân trời Phi châu. Cái ý biện bạch này chẳng phải là chợt đến, nhưng đã nhắc chị những cái sắp phải đương đầu mà chị chưa hình dung ra được, mặc dù đã có không ít những lời đồn thổi. Vậy là, cái xốn xang của sự nhớ thương, cái nao nao - chưa được là cái náo nức - của một lần đi đến phương trời xa lắng lại, nhường cho những ý nghĩ lo toan thiết thực.
*
Mồng một Tết, 2 giờ sáng Việt nam - 20 giờ địa phương của ngày hôm trước (năm 198…)
"Anh thương nhớ
Giờ này bên nhà, như mọi năm, chắc anh chưa ngủ. Bọn em vừa họp mặt đón giao thừa. Đúng 18 giờ ở đây, đúng nửa đêm bên đó.
Sáng nay, em vừa thức giấc sớm rồi không ngủ lại được như mọi lần. Mấy đêm liền em hay mơ linh tinh. Hôm nay, em đã "tổng quét dọn" nhà cửa như mọi năm anh vẫn làm ở nhà vào dịp này. Xong rồi, em đi sắm một bó hoa. Ở đây đang là cuối hạ, đầu thu của Nam bán cầu. Hoa vùng này khá hiếm.
Đón Tết nơi xa quê hương hàng vạn ki-lô-mét, bọn em có hoa, có hương, có nem rán, có trà, có hạt bí,… hầu hết được mang từ nhà sang, hôm ra đi. Chỉ thiếu bánh chưng, bánh tét! Bọn em tập hợp gần chục người Việt Nam làm việc ở thành phố này và vùng lân cận, vừa giáo sư trung học và đại học, vừa bác sĩ, vừa kĩ sư, có một nhạc sĩ. Nâng cốc chúc Tết nhau, rồi ngồi nói chuyện tào lao hơn giờ đồng hồ. Tuy vắng cái không khí Tết quê nhà, nhưng lúc giải tán tưởng đã khuya lắm. Cô Thu đòi về phòng ngủ ngay, một lát qua gõ cửa phòng em, kêu lên: "Tưởng đã một hai giờ sáng, hóa ra mới có tám giờ tối!".
Ở đất nước này, ngay thành thị, ban đêm khá tĩnh. Em ngồi đây, trước chiếc bàn viết con con trong căn phòng gọn xinh, nhớ sắc hoa đào, nhớ mùi trầm và tiếng pháo. Nhất là nhớ anh. Em hơi "nhè" một tí, một tí thôi. Anh đừng buồn em. Chẳng dễ gì mà tâm hồn bé bỏng trở lại dầu chỉ phút giây, anh ơi! Lúc này, quanh anh hẳn đã im tiếng pháo? Tết năm nay có vui không anh? Trời tạnh ráo hay mưa đưa lạnh? Chắc là pháo vẫn nổ nhiều. Anh có gọi thầm em trong hương vị Tết? Em vừa tạm dừng bút, ra nhìn trời sao. Đêm mát. Sao lưa thưa. Bầu trời ở đây, đến giờ em vẫn chưa quen, nhất là vì nó vắng cái màu xanh thăm thẳm nơi quê nhà. Hướng đông-bắc khuất sau ngàn cây của khu rừng bên kia sông. Anh có đang đứng trên sân thượng nhìn về hướng tây-nam này không?
Hồi nãy, lúc chúc nhau năm mới, một giáo sư trung học cỡ hơn anh dăm tuổi đã đọc một bài thơ mở đầu bằng bốn câu:
Năm cũ giã từ non nước Việt
Giao thừa lạc nẻo đất trời Phi
Hồn quê báng lảng từng gương mặt
Khép mở riêng chung rượu một li.
Mấy con người li hương ngồi lại đón giao thừa nơi đất khách, khép nhiều hơn mở, riêng nhiều hơn chung. Ra đi, ai cũng nghĩ chẳng qua là đổi sức lao động lấy ít "đô" về cải thiện cuộc sống gia đình, có người thậm chí còn dùng từ "cứu đói". Hầu hết đều lo tròn chức trách, kể cả số người hay tìm cách xoay xở ngoài (Trong số đó, em nghĩ giá như hồi còn ở bên nhà, họ làm việc với tinh thần này thì phúc cho người bệnh biết mấy). Công việc làm em vợi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ anh. Sự quí trọng của các đồng nghiệp khác màu da, khác quốc tịch, lòng tin phục của bệnh nhân cũng là một thứ kích thích. Sau này về nước, ngoài những "tờ xanh", nếu mang thêm được một ít tri thức có ích cho công tác thì không uổng, phải không anh? Viết đến đây, em nhớ lần gặp kĩ sư Tài, một chuyên gia tài năng. Anh ta khen người bản xứ có cách ngâm sắn tươi thành một thứ bột thơm ngon không còn nồng mùi sắn. Em hỏi sao không tìm cách học để về bày cho đồng bào miền núi và trung du thì anh ta thản nhiên đáp: "Tôi không được giao nhiệm vụ ấy". Anh ta nguyên là một vụ trưởng kia đấy. Càng đáng phục ông cha ta xưa, những người đi sứ đã kì công, và mạo hiểm nữa, mang giống mới hoặc nghề mới về cho dân mình.
Anh ạ, em có nghe nói những tài liệu kĩ thuật phương Tây liên quan đến đề án của anh. Có lẽ phải nhờ các chuyên gia người Âu làm việc tại đây tìm hộ, hoặc đến lục ở thư viện trung ương. Hơi khó đấy, nhưng em sẽ cố.
Anh phải lo giữ sức khỏe cho em yên lòng. Mỗi ngày không được hút quá năm điếu thuốc lá đâu đấy! Chịu khó thổi nấu mà ăn nóng. Anh là chúa ngại vào bếp. Thương em, anh cố gắng nhé".
*
Trong các thư gửi về nhà, Mai tránh viết những điều không vui. Trái với ngày trước chị luôn luôn muốn được chồng chia sẻ những buồn lo.
Bệnh viện nơi chị làm việc có bốn người Việt Nam: Mai, Phùng, Lộc - ba bác sĩ, và cô Thụ - kĩ thuật viên. Phùng cùng học chuyên tu như Mai và cùng ra làm việc tại thủ đô. Phùng đậm người, dáng đi chắc, ăn nói sắc cạnh và rất "dám làm". Sau năm 1975, Mai tính về lại Sài Gòn, nơi chị đã sống ít năm tuổi nhỏ không mấy yên ổn. Phùng đã xin đi "chi viện" thành phố kết nghĩa của Hà Nội, nhưng rồi ở lại vì một vụ đề bạt. Hai người ít khi gặp nhau. Đất khách có người quen, biết mấy là mừng. Mai đề xuất Phùng làm nhóm trưởng.
Địa bàn bệnh viện phụ trách rất rộng, gồm cả vùng phụ cận ven thành phố thưa dân và nghèo. Phía bạn giao cho nhóm chuyên gia Việt một xe ôtô cùng khoản tiền xăng dầu và chi phí bảo dưỡng hàng tháng khá rộng rãi để tuỳ nghi sử dụng. Tháng đầu suôn sẻ, tiền thừa chút đỉnh cũng dễ dàng thu xếp. Tới tháng thứ hai, Phùng vạch kế hoạch "tăng chi trên giấy, giảm thực chi". Mai không đồng tình. Lộc cũng tỏ ý nghi ngại. Nhóm trưởng cứ quyết. Đến khi "trang trải" thì có chuyện. Lộc ném tập giấy bạc được chia xuống bàn, bảo Phùng.
- Mày vơ vào nhiều thế? Tham vừa chứ! - Hai người vẫn là bạn từ trước.
- Mày ít tuổi hơn tao mà ăn nói thế, tao đánh bỏ mẹ. - Phùng xông tới.
- Tao sợ mày à? - Lộc cũng xáp tới.
Hai bên túm cổ áo nhau. Có cơ nổ ra "thụi chiến". Mai can chẳng ăn thua. Nhà chuyên gia ở riêng biệt, nhưng nếu làm ầm ĩ thì có thể bị rát mặt với người sở tại. Cô Thụ chạy lại gạt hai người ra. Cô này to khoẻ. Phùng rất chịu cô.
Không khí nhóm chẳng căng lâu. Chỉ riêng nhu cầu nói tiếng mẹ đẻ cũng đã là một thứ dây nối. Tuy nhiên, khó nói trước được chuyện gì!
Chiều nay đi làm về, Mai chặn Phùng ở cửa phòng khách của căn hộ dành cho chuyên gia.
- Anh bảo chủ nhiệm khoa là từ ngày mai tôi nghỉ làm việc phải không? - Mai không cao giọng.
- Cô thắc mắc hả? - Phùng nói với vẻ hạ cố.
- Gọi tôi bằng chị. Tôi không là em anh, cũng chẳng là cô anh. Trước đây, Phùng vẫn xưng hô vậy, song chị chưa phản ứng bao giờ.
- Được thôi. Tôi tạm đình chỉ công tác của đồng chí vì đồng chí không chấp hành nhiệm vụ được giao.
Mai được giao một ca nạo thai. Trước nay, Phùng vẫn tranh làm. Được bồi dưỡng hậu từ phía các đương sự, thường là các bà, các cô có máu mặt bị "nhỡ". Nhưng lần này cái thai đã quá to, sức khoẻ người mẹ lại không bình thường. Ca nạo sẽ khó tránh sự cố. Mai từ chối và thuyết phục các bác sĩ bạn nên đình lại. Bác sĩ Fabrice, một chuyên gia Pháp cùng bệnh viện, cũng đồng ý với Mai.
- Anh có quyền gì?
- Quyền nhóm trưởng.
- To nhỉ! Anh thừa biết cái chức ấy chẳng có nghĩa lí gì trong chuyện điều hành chuyên môn ở bệnh viện.
- Cứ thử đi làm đi!
- Nè! - Mai đanh giọng - Tôi nói cho anh hay. Tôi chẳng muốn phô nội bộ chuyên gia lủng củng với bạn, chứ không phải không lật tẩy nổi anh đâu.
Chuyện như đùa mà lại có thật. Sứ quán phải mời vị nhóm trưởng lên bảo nhẹ.
*
Một vườn hoa nhỏ bên sông, kề khách sạn Phương Đông của một Việt kiều ở ngoại vi thành phố. Nơi đây, người ta ít đi dạo.
Đã lâu, Mai không được tin nhà. Một chuyến thư thường mất bốn tuần lễ. Phải qua đường Paris; gặp hồi nhân viên bưu điện Pháp đình công thì rầy rà. Còn những bất trắc khác. Thêm một điều bất an cho tâm tưởng. Trước đây, chị vẫn dành phần lớn thì giờ rảnh để đọc sách báo chuyên môn và tìm hiểu người bản xứ - đối tượng chăm nom sức khoẻ, điều mà người thầy thuốc thực sự không bỏ qua. Fabrice đã tận tình giúp chị. Nay, đọc khó vào.
Dòng sông trước mặt mới trông có vẻ hoang dã, nhìn quen rồi lại thấy có cái đẹp nguyên sơ. Ở nước mình có con sông nào như thế này không nhỉ? Ai đó nói sông quanh queo như lòng người. Ví von hay ho thật! Nhưng lòng cái tay Phùng thì... Vẫn cười nói ra vẻ một người lịch duyệt mà hảo tâm. Khối người phục lăn. Cả anh chàng Vĩnh chuyên gia giáo dục, một "tay tổ làm ăn", không bỏ lỡ dịp nào được hầu trà thuốc "thủ trưởng" phụ trách chuyên gia. Nhất là cô Thụ. Buồn cười cái cô Thụ. Nghe Phùng ta giảng giải: "Người xưa đã từng nói phải cảnh giác với bọn cơ hội, như trong câu: Tích cốc phòng cơ (!)", cô ta cứ há mồm ra nghe. Anh ta căm mình có lẽ vì nghi mình mách chuyện hai người với sứ quán. Chuyện cù lần! Bây giờ thì mình đã biết do đâu mà mấy lâu nay anh ta tỏ ra tử tế với mình quá mức bình thường.
Mai quen thân Thái, chủ khách sạn Phương Đông. Chị đã hướng dẫn cô đầu bếp người Pháp của khách sạn làm một số món ăn Việt Nam. Khách ăn rất khoái món nem Sài Gòn. Cái từ "nem" đã vào vốn từ vựng của nhiều người Âu và Phi. Phùng nhờ Mai dẫn đến làm quen với Thái. Hôm đó, chị thấy một Phùng khác. Hơn tuổi Thái, lại là buổi sơ ngộ, mà Phùng cứ gọi chị, xưng em ngọt như không. Mai ngượng thay cho anh ta, viện cớ cáo lui trước. Nhưng Phùng chỉ cần đến chị có thế. Sau đó, tự anh ta năng đến gặp Thái. Xem chừng anh ta muốn dọn đất để ở lại làm ăn thêm một thời gian sau khi hợp đồng chuyên gia hết hạn. Nghe nói Thái có nhiều thế lực cả trong giới kinh doanh, cả trong giới chính khách xứ này.
Thái bảo Mai:
- Cái ông Phùng do chính chị giới thiệu với tôi mà nói chị chẳng ra sao. Lại còn động đến bác sĩ Fabrice.
Mai không bị bất ngờ lắm. Nhưng lạ ở chỗ anh ta vẫn tỏ ra rất tử tế với chị. Tử tế nhưng cười bằng miệng, không cười bằng mắt, chị nhớ ra. Nếu chị biết anh ta còn có thể làm những gì nữa!
Song, điều khiến chị phải bận tâm nhiều chẳng phải ở đó. Fabrice mới bảo chị là khi hết hợp đồng một năm ở đây, nếu chị thích, anh ta sẽ giới thiệu chị với "Thầy thuốc - tình thương", một tổ chức quốc tế phi chính phủ. Một bất ngờ đáng nể. Bởi, không dễ xảy ra. Và chẳng phải với bất kì ai.
Phải sớm quyết định. Fabrice bảo cần đưa vấn đề trước ít nhất hai tháng. Anh sẽ nghĩ thế nào nhỉ? Giá có anh bên cạnh những lúc như thế này!
Con sông Phi châu đang mùa nước to cuồn cuộn sóng. Nước chồm lên trào bọt; dễ thấy lòng sông đầy ghềnh đá ngầm. Một cái thác thực sự. Dòng nước rẽ đôi bao vây cái đảo nhỏ tùm lum cây cối dưới kia đầy bí hiểm. Nước sông luôn luôn một màu nâu đen nhạt, vẩn nhiều mảnh vụn li ti của lá cây mục, gợi nhớ nước rừng U-minh miền tây Nam Bộ.
Chắc anh sẽ khuyên mình nên nhận lời. Nhưng mình không thể quyết định khi chưa biết rõ tình cảnh mọi mặt của anh hiện nay. Tháng tới mình sẽ xin nghỉ phép, dù có phải tự lo chi phí chuyến đi.
*
Anh ngồi trước tập đề án không mở ra. Qua chao đèn bàn, ánh sáng chỉ rọi lờ mờ khuôn mặt. Anh cố tập hợp những ý tưởng đã nẩy sinh, đã phác họa từ sau ngày nhận được những lời góp ý chị gửi về. Hẳn là chị đã mất nhiều công sức để tìm đọc những tài liệu có liên quan đến công trình của anh. Đề án của anh, theo lời chị, về cơ bản là tốt. Nhưng có những nét về phương hướng và kĩ thuật đối với trong nước là táo bạo, - quá táo bạo đến đỗi người ta dễ có cớ để bác bỏ -, song trình độ thế giới đã vượt xa rồi. Anh ngồi đó cố tập trung suy nghĩ nhưng trong đầu vẫn lởn vởn câu chuyện chiều nay.
Chiều nay, một đồng nghiệp trẻ gọi riêng anh ra hỏi thăm sức khoẻ của anh, tin tức của chị. Vòng vo một lúc, và sau khi anh cho biết đã bảy tuần chưa nhận được thư chị, anh ta nói: "Em kính trọng anh và cảm thông tình cảnh anh ở viện này nên... nên... - anh ta ngập ngừng rồi quyết định- nên báo anh tin em nghe được để anh tìm hiểu. Anh phải bình tình, thật bình tĩnh, và sáng suốt mới được. Đời này chán gì chuyện nhảm. Em nghe họ kháo nhau rằng một chị nào đó làm chuyên gia y tế ở nước ấy đã bắt "bồ" với một tay chuyên gia người Pháp và hình như đang tính chuyện sẽ sống với nhau ở Paris".
Chuyện ai đấy thôi. Tính cách em không phù hợp với những chuyện như vậy. Tình yêu của em không buông trôi như vậy. Em thuộc loại người chỉ yêu một lần. Ờ, nhưng nếu là em thì sao? Cũng là chuyện thường tình, rất người và rất đời. Bậy! Mình nghĩ bậy. Nhưng mà thời buổi này chẳng nên vội khẳng định một cái gì. Không được! Không phải! Suy nghĩ ấy không xứng với em. Thế giới này có đảo điên thì cũng còn có cái gì đó trường tồn chứ!
Một cái nhói phía trên mỏ ác như có ai đâm dùi từ bên trong. Cơn đau dội lên, dâng đầy ngực. Anh vừa kịp nhớ lại nó giống y hệt lần trước đây thì bỗng cảm thấy đang lịm đi, nhẹ tênh. Em sẽ về. Anh biết em sẽ về, dẫu anh có đi vào hư vô...
Được một tối khu nhà anh ở không bị mất điện một lúc nào. Đèn phòng anh chong suốt đêm.
Cũng đêm ấy, Mai bồn chồn thao thức trên một chiếc Boeing đang lướt cao trong bầu trời đen hướng về sân bay Tân Sơn Nhất./.
IX-1994