- Các ông đuổi gấp như vậy, tui biết phải xoay sở làm sao đây ? Tiền các ông đền bù có mười mấy triệu, không đủ cho tui mua một miếng đất để cắm dùi ? Rồi còn tiền đâu mà cất nhà? Con tui mới sinh, không lẽ tui ra đồng cất chòi để ở ? Các ông phải từ từ cho người ta tìm dọn đi chổ khác, chớ các ông làm gì mà như là ăn cướp của dân không bằng ? Cán bộ gì mà bất nhân, ác đức ? Đất ông cha tui làm ăn sinh sống từ trước đến nay, đùng cái bắt buộc tui đi nơi khác, rồi trả cho tui có mấy trăm ngàn đồng một mét vuông, sao lạ vậy? ……..
Mặc cho Tư Quang phản đối, người cán bộ thị trấn rút ra một tờ giấy A4 đưa cho Tư Quang, bắt đọc đi rồi ký tên.
- Tui không biết chữ. Tui không ký !
Người cán bộ thị trấn lạnh lùng cầm tờ giấy lên rồi đọc cho Tư Quang nghe nội dung của tờ quyết định được ký bởi chủ tịch huyện như sau “ Hộ ông Trần Minh Quang vi phạm ranh giới phải giải tỏa để làm nhà máy chế biến bột mì nằm trong qui hoạch khu công nghiệp của thị trấn. Phạm vi ông Quang vi phạm là mười bảy mét rưỡi, đã được đền bù thỏa đáng. Ông Quang có nhiệm vụ phải tự giác tháo dỡ công trình xây dựng của mình trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận được quyết định này. Sau thời hạn nêu trên nếu ông Quang không tự giác tháo dỡ, chúng tôi sẽ tiến hành biện pháp cưỡng chế, ông Quang phải đền bù tòan bộ chi phí tháo dỡ. .”
Tư Quang nghe đọc quyết định, kinh ngạc đến ngẩn người ra. Thiệt lạ, cái ông quan này không biết có phải là người “ cỏi trên” hay không mà chỉ cần bố thí cho người ta hơn mười triệu bạc là lấy nguyên cả nhà lẫn đất, rồi còn bắt phải tự tháo dỡ trong thời hạn …năm ngày. Mà anh đã cưỡng chế thì cứ việc cưỡng chế, mắc mớ gì bắt người ta phải ký tên cho anh…cưỡng chế ? Chẳng khác nào anh sắp sửa chém chết người ta mà còn bắt người ta ký tên chịu…chém ! Tư Quang nghe đọc xong bản quyết định, cười cười phủi tay không nhận tờ giấy, cũng chẳng thèm nhìn mặt người cán bộ, bỏ đi vào trong một nước….
Mà Tư Quang cũng chẳng lấy gì làm lạ. Mấy hôm nay , cái loa của thị trấn treo trước chợ ngày nào mà chẳng ong óng réo tên của mười tám hộ “ ngoan cố” không chấp hành lệnh tháo dỡ của ủy ban nhân dân thị trấn.Cái loa cứ léo nhéo hết hát ong ỏng những bài hát cổ lổ xỉ của cái thời vận động bà con vào hợp tác xã, tiếp đến là mục khoa học thường thức rẽ tiền về vệ sinh trẻ con và phụ nữ, xong lại quay về ong óng gọi tên những cá nhân ngoan cố và vi phạm ranh giới khu qui họach, nghe cứ như đây là tên của những kẻ cầm đầu băng nhóm giết người cướp của…Mà trong đó thì tên của Tư Quang được đọc lên trước nhất không khác nào tên tướng cướp.Đó là chưa kể trong cả tháng trời đêm nào đài truyền hình huyện cũng lợi dụng lúc tiếp sóng chương trình thời sự của đài VTV1 mà tiếp tục lên thông báo vi phạm đất đai, ong óng, ra rã, gây khủng hỏang cho người nghe đến nổi nhiều người mặc dù không nằm trong số mười tám hộ gia đình vi phạm cũng đều bị một chứng bệnh giống nhau, bệnh rối lọan nhịp tim, mỗi khi nghe đài truyền hình đọc đến tên các chủ hộ vi phạm …
Mặc cho loa phóng thanh réo gọi, mặc cho đài truyền hình thông báo, những gia đình có nhà cửa đất đai nằm trong khu qui họach vẫn án binh bất động. Không phải họ là những người không chịu tuân thủ luật pháp, hay bản thân họ là những tên ngoan cố chống đối nhà nước, mà hầu hết trong số họ là những kẻ cực…nghèo. Họ nghèo, nhưng lại không được nhà nước xếp vào hộ nghèo để hưởng tiền trợ cấp.Lý do là vì họ …có đất. Thật ra, trong số đó nào có ai chiếm giữ diện tích đất đến vài chục mét vuông ? Nhiều nhất chỉ đến mười chín, hai mươi mét vuông là cùng, và nhà của họ đa số là nhà nửa gạch nửa tôn, thậm chí hết nửa nhà được cất bằng vách nứa, còn nghề nghiệp của cả xóm thì đều là nghề nhôm mũ…
Những buổi sáng hôm sau, Tư Quang tiếp tục cưỡi chiếc xe đạp thồ đi buôn nhôm mũ. Ai cũng phải kiếm sống ! Chẳng lẽ cứ ngồi nhà mà chờ giải tỏa ? Lạ cái là mấy hôm nay Quang tự nhiên trúng mánh không ngờ. Hôm đầu có người kêu bán nguyên mấy trăm ký giấy các tông của các thùng đựng mì tôm và mỹ phẩm, Quang kiếm lời được mấy trăm ngàn. Hôm sau lại mua được gần một tấn nhựa cứng, Quang kiếm thêm cũng khá…Thu, vợ Quang vui lòng khi thấy chồng kiếm được tiền để mua sữa cho thằng Cu Bi, khác với mọi hôm Quang đi đến tối mịt mới về đến nhà, tiền không, bụng đói, đành phải ăn qua loa chén cơm với vài cọng rau muống rồi lăn đùng ra ngủ. Thu hí hửng qua nhà bà Oanh béo mang về một lon sữa Ensure……
Một tuần trôi qua, loa vẫn tiếp tục ra rã muốn thủng màng nhỉ của người dân lân cận, truyền hình tiếp tục chương trình “ khủng bố” dân đen, mười tám hộ vi phạm đêm đêm vẫn tiếp tục ôm ngực vì sợ nhồi máu cơ tim nhưng ban ngày vẫn tiếp tục đạp xe đạp thồ đi buôn nhôm mũ. Chưa thấy ban đền bù giải tỏa có động tác gì mới ngòai sự khủng bố trên hệ thống truyền thanh và truyền hình. Tư Quang vẫn tiếp tục đạp xe đi buôn nhôm mũ đến tối mịt mới về. Rồi hôm đó, Quang bổng nhiên thấy lòng nôn nóng. Gương mặt bụ bẩm của bé Bi cứ hiện ra trước mắt Quang , mắt nó long lanh nước mà miệng của nó thì cứ mếu máo khóc mãi. Tư Quang chợt thấy lòng bồi hồi thương nhớ vợ con. Quả thật y như linh tính , khi Tư Quang về đến xóm thì quang cảnh trông thật là khác lạ. Mọi thứ đều tan hoang như vừa trãi qua một cơn lũ quét… Không còn một cái nhà nào sót lại ngòai những đống gạch đá hoang tàn. Một chiếc xe ủi nằm ngạo nghễ ở đằng xa, tự hào đã hòan thành nhiệm vụ …Tư Quang liệng luôn chiếc xe đạp thồ , chạy sớn xác đi tìm vợ con. Một lát sau, Quang mới tìm thấy một dãy lều bạt tạm dựng trên một đám ruộng khô, một số gia đình bám víu vào nhau dựng bạt để sống tạm qua ngày, còn một số đã phiêu dạt về đâu không rõ…Khi Tư Quang bước vào lều thì cả vợ lẫn con đều bật khóc như cha chết… .
Đêm hôm đó, bỗng dưng trời đổ cơn mưa thật lớn. Cơn mưa đầu mùa sao mà dữ dội, mưa cứ như cầm chỉnh mà trút, mưa tuôn xối xả lên người của hai vợ chồng trẻ và đứa con thơ dại và tim Quang cứ thót lên từng hồi mỗi khi nghe bé Bi khóc ré lên trong tấm áo mưa ướt át bọc quanh người…
Khi bình minh ló dạng, cả đám ruộng lênh láng nước. Tiếng chân người lội bì bỏm, tiếng chó tru ăng ẳng, tiếng con nít khóc ngằn ngặt và tiếng những bà mẹ dỗ con nghe thật là ray rức . Tư Quang sực tỉnh giấc, thấy Thu đang ôm con dựa vào cái bao đựng quần áo mà ngủ say sưa, mái tóc Thu lòa xòa trên gương mặt tái xanh trông thật tội nghiệp. Tư Quang khẻ mở tấm khăn bọc bé Bi và chợt giật thót mình khi thấy trán con nóng như lửa đốt…
*
Gần nửa năm trời cả nhà Tư Quang phải dọn vào sinh sống ở bệnh viện. Lúc đầu là để chữa trị cho bé Bi. Cơn sốt thương hàn của bé Bi kéo dài hơn hai tháng. Hai vợ chồng thay nhau túc trực bên con cả ngày lẫn đêm vì bệnh của bé Bi quá nặng, cần phải săn sóc và thuốc men đặc biệt. Không ai có thể dứt ra để đi làm kiếm thêm tiền trang trải chi phí chữa bệnh và sinh họat hàng ngày của hai vợ chồng và đứa con bệnh tật, vì thế số tiền đền bù đất đai ít ỏi cứ lần lượt đội nón ra đi…Hàng ngày Thu cứ nhẩm đếm số tiền còn lại rồi đâm ra lo lắng đến nổi ngả lăn ra bệnh lúc nào không biết. Khi Thu được đưa vào phòng cấp cứu để xét nghiệm thì cả hai vợ chồng nhận được tin xét đánh : Thu bị ung thư vú …
Chưa ai thấy một người đàn ông nào tuyệt vọng, khóc lóc đau khổ như là Tư Quang đêm hôm đó. Định mệnh sao mà quá đổi khắc nghiệt với một chàng trai hiền lành,nhân hậu như Quang…Quang ôm con ngồi ngòai hành lang phòng bệnh, bụng đói mà không buồn ăn uống, lòng thương vợ con cứ bừng bừng như ngọn lửa thiêu đốt trong người Quang . Vậy là Thu phải bị cắt đi một bên vú, rồi phải xạ trị thường xuyên, rồi lấy tiền đâu để Quang nuôi con và lo cho vợ chữa bệnh, lấy tiền đâu để hai vợ chồng ăn uống đắp đổi qua ngày…?
Trong cái khó ló cái khôn. Những người cùng cảnh ngộ với Quang, những người thường xuyên sống trên các hành lang bên ngòai phòng bệnh đã bày cho Quang một cách để tạm thời sinh sống cho qua cơn túng ngặt. Mỗi buổi sáng Quang dậy sớm, nhen lửa đun ấm trà xanh rồi bán cho những người xếp hàng chờ khám bệnh. Mỗi bữa Quang cũng kiếm được đủ sống qua ngày và để mua cháo cho con…Những bà mẹ sẵn sàng bế cháu Bi giúp cho Quang đi bán nước kiếm tiền sinh sống một cách vui vẻ và tự nguyện. Chính là ở bệnh viện mà Quang chợt thấy rằng cuộc đời vẫn còn những tấm lòng nhân hậu và những cử chỉ vị tha vô cùng cao quý…
Hơn ba tháng sau, hai vợ chồng Quang tạm chia tay các bạn mới quen để trở về nhà. Những bà mẹ bất đắc dĩ lưu luyến bồng ẳm bé Bi, hôn hít nựng nịu như chẳng muốn rời xa. Các cô bạn gái mới quen của Thu thì cùng nhau quyên góp tặng Thu một món tiền để về xe, và để mua sữa cho bé Bi. Những người đàn ông thì chia tay Quang bằng những lời chúc tốt đẹp và những cái bắt tay, vỗ vai đầy thắm thiết…
*
Sau mấy tháng trời xa cách , vợ chồng Tư Quang về lại làng xưa trong nỗi ngậm ngùi. Nhà thì còn đâu nữa, họ hàng cũng chẳng ai thân thiết. Nhưng chính nơi đây là nơi mà hai người đã sinh ra, chỉ cách nhau hơn năm trăm mét, người dân xóm Tằm kẻ dân xóm Lụa , từ nhỏ đã chơi thân với nhau qua những đám nhảy lò cò. Quê hương như chùm khế ngọt nhưng kẻ hái trái lại không phải là trai gái làng này mà là ông chủ lớn của cái nhà máy chế biến khoai mì vừa mới mọc lên sừng sửng từ trên nền nhà của mười tám gia đình buôn nhôm mũ.Cái nhà máy như con quái vật khổng lồ đầy kiêu ngạo lâu lâu lại tuôn ra một cụm khói lớn chẳng khác ông chủ người Đài Loan của nó đang chắp tay sau đít đi dạo trước sân, miệng phì phà điếu xì gà Havana thơm phưng phức.
Vợ chồng Tư Quang được hàng xóm thương tình cho ở nhờ trên một đám đất nhỏ nằm sát một khúc quanh ở phía đầu nguồn của dòng sông. Dòng sông là nơi tắm giặt của hàng mấy mươi thế hệ theo nhau lớn lên và trưởng thành ở cái xóm nhỏ này. Dù bây giờ nơi đây trở thành khu công nghiệp, nhưng đa số người dân lại trở nên nghèo đói hơn xưa. Mất đất, mất nhà, họ phải đem thân ra làm mướn làm thuê cho các ông chủ nhà giàu. Họ chỉ mong sao có đủ cơm ăn ngày ba bữa mà thôi…
Tư Quang làm việc cật lực để kiếm đủ tiền cho Thu đi xạ trị cứ ba tháng một lần. Làm việc vất vả, Quang ngày càng gầy rộc đi và nước da thì trở nên đen nhẻm. Niềm an ủi của hai vợ chồng Quang chính là bé Bi. Là con nhà nghèo nhưng càng lớn bé Bi càng trắng trẻo xinh xắn như mẹ và chăm chỉ, hiền lành chẳng khác ba Quang là mấy…Quang hàng ngày đưa con đi học ở một ngôi trường mẫu giáo trong Xóm Miễu , đến trưa lại đi đón con về…Trong thời gian này, Quang bắt đầu theo một người bạn tên Tấn đi mua những trái bom phế liệu về cưa để lấy thuốc nổ bán cho dân đánh cá xa bờ…Công việc này Quang thừa biết là vô cùng nguy hiểm, nhưng để có tiền lo cho vợ chữa bệnh, Quang đành phải liều thôi…Anh giáo Quý biết Quang làm công việc nguy hiểm này nên có lần nửa đùa nửa thật kể cho Quang và một số bạn bè trong một tiệc cưới một câu chuyện hài hước như sau :
“ Trong một cuộc thi quốc tế về lòng can đảm, có ba nước tham dự, Ban giám khảo gồm đủ mọi quốc tịch trên thế giới. Một người Mỹ bước ra khán đài, cúi chào Ban giám khảo và khán giả rồi móc ra một khẩu súng Colt. Anh ta quay súng biểu diễn vài vòng rồi đút súng ngay vào miệng bóp cò…Khán giả rùng mình hét lên, đa số bịt mắt lại không dám nhìn cảnh anh chàng cao bồi gục chết với cái đầu vỡ nát. Và ban giám khảo đã chấm điểm cho anh cao bồi Mỹ lên đến chín điểm về lòng can đảm và khả năng diễn xuất…
Người lên sân khấu tiếp theo là một người Nhật. Anh ta mặc một bộ đồ Samurai. Rất lịch sự, anh cúi gập mình chào tất cả mọi người bên dưới khán đài. Rồi anh bình tỉnh cởi áo ra. Anh rút thanh đỏan kiếm đưa lên cao, rồi lấy hết sức đâm vào bụng mình.Máu của anh bắn ra tung tóe, khán giả thét lên rùng rợn. Rồi anh chàng Võ sĩ đạo liền rạch ngang một nhát làm cho khoanh bụng mở to, anh đưa tay vào kéo ra đùm ruột, rồi gục xuống chết .Lần này mọi người xôn xao đứng dậy, kẻ bịt mắt không dám nhìn, người dợm chân định chạy…Và giữa không khí ồn ào náo nhiệt này, Ban giáo khảo đều vui vẻ thống nhất cho chàng người Nhật số điểm rất cao là chín điểm rưỡi về lòng can đảm và sự trình diễn đầy ấn tượng.
Đến lượt người Việt nam lên biểu diễn…Ai nấy đều ồ lên thất vọng khi thấy một chàng trai gầy gò ốm yếu bước lên sân khấu…Vai chàng vác theo một cái ghế dài, tay kia là một cái cưa…
Mọi người bên dưới, cả ban giám khảo đều lấy làm lạ. Thằng cha này định biểu diễn tự cưa mình ra làm hai khúc chắc ? Nhưng không để quan khách chờ lâu, từ bên dưới khán đài có hai người buôn nhôm mủ áo quần rách rưới, khệ nệ khiêng một trái bom lên khán đài. Người thanh niên kê quả bom lên ghế, buộc dây cẩn thận, rồi chàng ta ngồi xuống, xắn tay áo lên cưa quả bom…
Lần này thì không ai bảo ai, tất cả khán giả đều bật dậy…Mọi người cùng nhau la hét một cách khủng khiếp: Dừng lại ngay, hãy dừng lại ngay, coi chừng bom nổ…Ban giám khảo không còn ai dám ngồi tại chổ, người nấp xuống bàn , người cầm ghế lên che thân…Chỉ còn lại một mình ông trưởng ban giám khảo người Triều Tiên, vì già yếu nên không kịp chạy, ông này giơ cả hai tay lên đầu làm động tác đầu hàng rồi hét to lên: Thôi ,thôi, người Việt nam đã thắng cuộc thi với số điểm mười tuyệt đối, khỏi cần thi nữa, khán giả đã chạy hết cả rồi. Người Việt nam đã đọat được giải thưởng dành cho người can đảm nhất thế giới….
*
Từ trước đến nay làng này đâu có ai bị những chứng bệnh hiểm nghèo như ung thư, bướu độc gì đâu. Không khí trong sạch của khung cảnh miền quê làm cho người ta mạnh khỏe, sống lâu , dù rằng cuộc sống không sung túc như người dân thành phố…
Nhưng rồi lần lượt nhiều người mắc phải những chứng bệnh quái ác , đa số là bệnh ung thư gan. Khi phát giác ra thì bệnh đã vào giai đọan cuối, thế là những người bệnh cứ lần lượt ra đi…Có người khi chết còn rất trẻ như em Minh mới học đến lớp mười một. Không chỉ có người chết, dưới sông cá chết cũng nổi trắng đồng và gà vịt cũng lần lượt kéo nhau quy tiên từng đàn…Cả làng xôn xao bàn tán mà không ai hiểu được nguyên do vì đâu. Những người lớn tuổi thì cho là làng mình đang bị ông bà tổ tiên trừng phạt.Ai đời cả một khu nghĩa địa , nơi chôn cất hài cốt của ông bà bổng nhiên bị san lấp làm khu công nghiệp, rồi nhà cửa ông cha bao năm bị ủi sạch không chừa một viên gạch nhỏ. Nhà máy mọc lên , mùi khoai mì mốc hôi nồng nặc cứ xộc vào mũi người dân làng bất kể giờ giấc, rồi ống khói nhà máy phun ra mù mịt, rồi nước thải công nghiệp nữa, cái đó mới là cực độc…À, mà không hiểu nhà máy thải nước độc hại đi đâu nhỉ? Rồi thì cũng chính tay Quang đã tìm ra cái đường cống ngầm nhà máy đã dùng để đổ nước thải độc hại ra sông với một lưu lượng khủng khiếp suốt cả ngày đêm. Hèn gì mà dòng sông trở nên đục ngầu màu sữa cặn…Hèn gì mà tôm cá, gà vịt và cả con người cứ rũ nhau lăn ra chết…Hèn gì…
Tư Quang bật cười thích thú khi nghĩ đến những ngày sau khi bà con kéo đến nhà máy, phong tỏa hiện trường và mời các cơ quan nhà nước đến làm việc. Tư Quang đích thân dẫn các ông cán bộ môi trường đến tận cái cống ngầm được ngụy trang cẩn thận đang đổ ra sông cả trăm mét khối nước thải độc hại, giết chết dòng sông hiền hòa và người dân ở đó mà không hề biết ghê tay . Rồi tên phó giám đốc nhà máy phải ký tên vào biên bản vi phạm, rồi tên chủ nhà máy bỏ của chạy lấy người, lên máy bay chuồn ngay về nước, để lại cái nhà máy trống trơn…Rồi nghe đâu người cán bộ hôm trước đọc tờ quyết định trước mặt Tư Quang đã bị bắt vì tội cắt xén tiền bồi thường giải tỏa. Nghe đâu Tư Quang và một số bà con lân cận gồm mười tám gia đình sẽ được hổ trợ tiền đền bù đất đai thỏa đáng, có thể lên đến vài chục triệu…Rồi thì Thu sẽ có tiền mà chữa bệnh và gia đình Tư Quang sẽ thong thả được vài năm để tập trung làm ăn và trả nợ…
Nhưng hiện giờ thì Tư Quang phải hòan thành một sứ mạng vô cùng đặc biệt .Một sứ mạng vô cùng nguy hiểm...Nghĩ đến câu chuyện kể của anh giáo Quý mà Tư Quang thấy lòng mình cứ tê tê, dại dại…Nhưng ngày mai đã đến đợt điều trị tiếp theo của Thu ở thành phố, và Tư Quang phải xoay cho được mười triệu đồng chi phí cho vợ đi xa…Thuốc nổ của quả bom này khá nhiều, có thể lên đến sáu bảy triệu đồng, nếu thiếu thì ta lại cưa thêm…Ta còn một quả nữa ở nhà kia mà, lo gì không có đủ tiền lo cho vợ con…Rồi trước mắt Tư Quang hiện rõ một viễn cảnh tương lai, một gia đình hạnh phúc, vợ đẹp con ngoan, tiền đền bù đủ xây một căn nhà nho nhỏ, nghĩ đến đó thôi cũng đủ cho Tư Quang thốt nhiên nở rộng một nụ cười tươi rạng rỡ…
Tư Quang mãi đắm chìm trong hạnh phúc , đôi mắt mơ màng, miệng cười mê đắm mà hai tay thì không ngừng kéo lưỡi cưa xoèn xoẹt. Quang chỉ kịp quay trở về hiện tại khi chợt nghe từ quả bom vang lên một tiếng xì khá lớn. Và Quang cũng chỉ đủ thì giờ để nghĩ được mấy chữ: “ Đù mẹ…chết cha mình rồi” và giữa lúc đó thì Quang nghe rõ một tiếng nổ to chát chúa, tiếng nổ thật rùng rợn, thật khủng khiếp , ôi tiếng nổ sao mà lạ lẫm và quá đổi xa xăm…
Cả xóm đổ ra xem tai nạn rồi ai cũng khóc thương cho số kiếp của Tư Quang. Tội nghiệp quá, chết chi mà chết thảm vậy cà. Chết tan xác, chết không còn xót lại một mảnh da…Chỉ có anh giáo Quý là không bỏ cuộc, anh sục tìm khắp các cành cây bụi cỏ chung quanh, và may mắn thay, anh tìm thấy cái đầu của Tư Quang còn nguyên vẹn, nằm ngay ngắn trên cỏ nhìn chòng chọc vào cái nhà máy bỏ hoang. Anh giáo Quý ngồi phệch xuống đất ôm mặt khóc. Sau lưng anh, thằng bé hàng xóm đứng nhìn chăm chăm vào cái đầu lâu, rồi như khám phá một điều gì vô cùng thú vị, nó hét to lên gọi lũ trẻ đằng kia: “ Lại đây tụi bây ơi, lạ quá, đầu lâu mà biết cười, lại mà xem tụi bây ơi………..”./.