Những Người Lính Thợ ( Travaillers Indochinois requis) là tập sách song ngữ Pháp - Việt của tác giả Luguern Liêm Khê. Phần ảnh của cố họa sĩ Từ Duy. Bản dịch của Phan thị Hồng Hạnh. Sách dày 256 trang, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành vào đầu tháng 6/2010.
Những Người Lính Thợ là một tập sách viết về những người Việt Nam bị chế độ bảo hộ trưng dụng làm lính thợ trên đất Pháp. Tập sách nhằm để người Việt thế hệ hiện nay biết những đồng bào ra đi trong các cuộc hành trình ấy đã bị rơi vào hoàn cảnh như thế nào. Đồng thời, để lịch sử nước Pháp không quên những người lính thợ này, không quên những đau khổ và những bất công mà họ đã chịu đựng, ngay cả giờ đây họ đã không nhận được một khoản hưu bổng nào của chính phủ Pháp trong những năm mà họ đã làm việc trên đất Pháp.
Họ ở vào tuổi từ 19 đến 20. Ngạn, Thịnh, Vy, Mười Oanh, Cân, Định, Thiêm, Duyệt, Liên, Quy, San, Tề, Quý, Giao, Tiên, Nam, Khâu là những người lính thợ không chuyên, gọi tắt là ONS (ouvier non spécialisé) của xứ Đông Dương bị tập trung vào những năm 1930-1940 làm nhân công để hổ trợ cho nền kinh tế Pháp trong thời chiến và phần lớn được tuyển chọn từ những tỉnh nghèo khó và đông dân nhất của các tỉnh miền Trung, miền Bắc Việt Nam. Nay họ đứng ra làm chứng là nhờ cuộc điều tra của tác giả Liêm Khê Luguern, để được lên tiếng trước khi vĩnh viễn đi xa. Bởi một phần trong số họ, được hồi hương vào khoảng 1940 đến 1954, còn độ gần vài chục người, ở tuổi “gần đất xa trời”. Những mẩu ký ức của họ không đồng đều vì họ đã già nua và yếu ốm. Nếu không có tập sách nhỏ này ra đời, không có một dấu tích của một văn bản nào viết về quá khứ đó.
Theo Hiệp hội hỗ trợ những người lính thợ và lính chiến tại Pháp, vào năm 1990, ước lượng danh sách những người lính thợ còn sống tại Việt Nam có từ 500 đến 600 người. (nhưng theo phát ngôn viên của Hội tại Việt Nam thì lúc này, danh sách có khoảng 227 người). Hiệp hội cho rằng, phần lớn họ không nhận được đồng nào khi trở về Đông dương. Năm 1997, do trở ngại về pháp lý, Hiệp hội gởi thỉnh cầu đến Tổng thống Chirac, thay vì đòi hỏi quyền được trợ cấp bằng một đền bù dưới hình thức tặng vật như một dấu hiệu tượng trưng cho số cựu lính thợ sống sót trong thời gian đó. Nhưng đòi hỏi này cũng không được đáp lại. Đến nay, Hội đã ngừng hoạt động, do những người cáng đáng công việc đã qua đời. Họ chỉ còn lại một nhóm nhỏ nhoi các cụ già và vẫn luôn chờ đợi một cử chỉ biết ơn từ phía nước Pháp.
Có thể dẫn điển một số lời tự sự của các nhân chứng còn sống:
Ông Chu văn Ngạn (sinh năm 1915 tại Diễn Châu, Nghệ An): “ Kỷ niệm đẹp nhất mà tôi còn giữ lại trong những ngày sống trên đất Pháp là lúc chúng tôi đón tiếp cụ Hồ Chí Minh đến Pháp để dự hội nghị Fontainbleau và kỷ niệm xấu nhất là giai đoạn mà người ta cấm chúng tôi kéo cờ Việt Nam trong các trại lính thợ”
Ông Nguyễn Liên ( sinh năm 1918 tại Phù Mỹ, Bình Định): “Trong hồ sơ cá nhân của chúng tôi, bắt buộc chúng tôi phải ghi chú những năm mà chúng tôi đã sống ở Pháp. Nhưng điều đó chẳng dùng vào việc gì. Hình như nước Pháp cố tình quên chúng tôi. Ngày nay, chúng tôi chỉ có thể nhận lãnh số phận của chúng tôi. Tôi tiếc những gì mà tôi đã làm cho nước Pháp”.
Ông Nguyễn văn Tê (sinh năm 1911 tại Hà Nam): “Tôi chưa bao giờ nhận lãnh được tiền bồi thường hoặc hưu trí từ ngày tôi trở về. Tôi vẫn còn đau ở chân. Tôi sẽ không bao giờ đi đứng đàng hoàng lại được như trước, nhưng tôi chẳng đòi hỏi gì chính phủ Pháp cả. Ngày ấy đã xa quá rồi. Tôi chẳng muốn nghĩ gì đến thời đó nữa, điều đó chỉ làm tôi thêm đau lòng”.
Ông Lê Hữu Đinh ( sinh năm 1907 tại Thanh Hóa): “ Mười năm sống ở Pháp là cả một phí phạm lớn: khi trở về, chúng tôi phải làm lại tất cả. Vì vậy cho nên tôi ao ước chính phủ Pháp nghiên cứu về tình trạng của chúng tôi và bồi thường cho chúng tôi. Họ không nên quên rằng chúng tôi đã bị bắt buộc phải ra đi và tất cả tài sản của chúng tôi đều bị tịch thu”.
Tác giả Liêm Khê cho biết: ”Lời của những người lính thợ ONS được trực tiếp viết bằng tiếng Pháp thông qua các lời chứng ( các cuộc phỏng vấn, các câu hỏi, thư từ và các cuộc hội thoại) được thu thập bằng tiếng Việt. Là người lấy lời chứng, tuy nói và đọc được tiếng Việt, nhưng tôi đã phải viết kết quả công việc của mình ra tiếng Pháp hiện là ngôn ngữ của tôi, sau đó lời chứng được dịch tiếp ra tiếng Việt. Hơn nữa, mục đích ban đầu là để xuất bản sách ở Pháp ( do đó có bản gốc bằng tiếng Pháp), nhưng tôi đã không tìm thấy một nhà xuất bản nào ở đây chấp nhận xuất bản một tác phẩm song ngữ”.
Về phía Nhà xuất bản Đà Nẵng, Ban biên tập nêu rõ:” Xuất bản những mẫu chuyện của họ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp trong cùng một tác phẩm, điều đó muốn nói lên ý chí của chúng tôi trong việc thiết lập một chiếc cầu nối giữa hai quốc gia mà từ lâu đã có cùng một giai đoạn lịch sử ràng buộc lẫn nhau: lịch sử những người thợ này thuộc về lịch sử của nước Việt Nam cũng như đã thuộc về lịch sử nước Pháp. Vượt trên những tàn bạo của đẳng cấp thực dân và vượt trên những đau khổ dạn dày của những người lính thợ, ở một quốc gia đang trong thời chiến, những nhân chứng cũng cho thấy được các cuộc gặp gỡ giữa những người nông dân Việt nam và giới thợ thuyền Pháp, có nhiều gia đình Pháp đã mở rộng cửa nhà để mời đón họ”.
Tác phẩm này cũng là luận án cao học của Liêm Khê. Chủ đề DEA của Liêm Khê là người Việt di dân tại Pháp. Luận án Tiến sĩ cũng lấy cùng một đề tài với Cao học, nhưng đi sâu hơn, vì nhờ Liêm Khê gặp gỡ những người lính thợ còn sống tại Pháp cũng như tại Việt Nam.
Liêm Khê sinh tại Huế và cùng gia đình sang Pháp vào năm 1973. Cô tốt nghiệp Cao học vào năm 1988 và bằng DEA về môn sử. Hiện cô đang tiếp tục chương trình Tiến sĩ.
Từ năm 1991 Liêm Khê là giáo sư sử địa tại trường học Gaillac, trong địa hạt Tarn ( miền Nam nước Pháp), gần Toulouse- nơi gia đình cô sinh sống với chồng và hai con.
Liêm Khê cũng chính là chị ruột của diễn viên Trần Nữ Yên Khê (diễn viên chính của phim Mùi đu đủ xanh) và là con gái của bà Phan thị Hồng Hạnh- một Việt kiều quê tại Đà Nẵng, thường xuyên có nhiều hoạt động văn hóa xã hội đóng góp quê nhà./.