Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
776
123.240.489
 
Phú Quốc không xa
Anh Động

Xa nhất về phía tây Tổ quốc Việt Nam có một nhóm đảo mà người phương Tây gọi là trân châu của Đông Nam Á. Phú Quốc như tên gọi là một dãy đất lớn, còn hai nhóm đảo phụ cận cũng thuộc phạm vi hành chánh Phú Quốc, đó là quần đảo An Thới và Thổ Châu. Những đảo đẹp giàu, không thiếu yếu tố để phát triển. Quần đảo An Thới với vẻ đẹp trữ tình, rất thích hợp cho du khách đến viếng. Quần đảo Thổ Châu xa tít mù giữa trùng khơi, sừng sững dáng đứng Việt Nam, có rất nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử.

 

Đây là vùng biên cương trùng dương sóng gió, nên người dân có một phong cách phóng khoáng, ngang tàng của vùng trời biển bao la. Tâm hồn họ mở rộng và dữ dội của kẻ “đứng trên đầu sóng ngọn gió”, ý chí kiên quyết, thông minh khắc phục thiên nhiên, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để tạo nên một môi trường, cuộc sống mới ở một chân trời, góc biển mới.

 

Những dải núi hoang vu, những hòn đảo trơ lạnh, những khu rừng rậm rạp dưới sức lao động của con người, các đảo khơi đã trở thành những vườn tiêu xanh tươi, những hàng dừa mát rượi, những liếp sầu riêng thơm phức. Những bãi cát vàng hoang phế, cây cỏ um tùm đã trở thành những xóm thôn yên ả, những triền núi cằn cỗi khô khan trở thành những vườn cây ăn trái xum xuê, mượt mà; những cửa sông chập chùng ghềnh thác đã trở thành những khu chợ sầm uất, những bến cảng đông vui tấp nập tàu thuyền...

 

Đến Phú Quốc, Thổ Châu ta không thể không nhận thấy những ánh mắt hãnh diện, những nụ cười đầy tin tưởng của những con người góc biển chân trời. Họ mang trong huyết quản dòng máu phiêu lưu, quyết chí của một dân tộc khai sơn phá thạch, đưa biên giới Tổ quốc anh hùng đến tận nơi đây, và tinh thần mở nước, giữ nước kiên cường bất khuất.

 

Đối với dân đất liền, tên Phú Quốc không mấy gì xa lạ, vì người ta liên tưởng đến những thổ sản trứ danh có tầm cỡ thế giới: tiêu Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc. Nhưng nhiều năm trước đây có rất ít người đặt chân đến khắp các đảo nầy. Mặc dù đó là một vùng giàu có bao la, biết bao tài nguyên thiên nhiên dành sẵn cho ta từ trên đỉnh cao của núi xuống đến quanh triền, vào các khu rừng nguyên thủy, ở trên những bãi cát vàng trải rộng, quanh co theo những con rạch, mé ghềnh đến trong lòng biển, dưới đáy biển sâu và tận trong lòng đất thềm lục địa, Phú Quốc chậm được đầu tư phát triển mang tầm cỡ lâu dài.

 

Trước hết chúng ta rảo qua một vùng đất lớn mang tên Phú Quốc. Dải đất nầy nằm đối diện với dải duyên hải tỉnh Kampốt (Campuchia), cách nhau lối 14 hải lý. Giữa Phú Quốc và nước Campuchia có hai hòn Nầng trong và hòn Nầng ngoài làm bình phong. Cách Mũi Nai (Hà Tiên) khoảng 60 km, cách Rạch Giá 115 km, Phú Quốc là một huyện của Kiên Giang, chia ra nhiều xã. Trước đây có: An Thới, Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu và thị trấn Dương Đông. Đảo có hình dạng giống như con cá vẫy đuôi lội về phía bắc, miệng há rộng. Diện tích đảo 593,05 km2, với nhiều dải núi chạy song hành bắc nam và những đồi độn. Truyền thuyết cho rằng Phú Quốc có tất cả chín mươi chín ngọn núi. Điều chắc chắn là núi non

Phú Quốc được coi như nối dài theo dải núi Voi (Kampốt), ngăn cách bởi con kinh Tà Lỳ. Ngoài những nhánh bắc nam còn có nhiều nhánh đâm ngang.

 

Về phía bắc, vì gần núi Voi, là gốc, nên núi cao hơn. Tuy nhiên cao độ núi ở Phú Quốc thuộc dạng trung bình. Đỉnh cao nhất trong dải Hàm Ninh là núi Chùa 603 mét. Về mạn nam, đỉnh cao nhất trong dải Dịnh Cựu chỉ đến 158 mét.

 

Đảo Phú Quốc dài 49 km, từ vĩ độ 10o01’ (tính nơi mũi Ông Đội) lên đến vĩ độ 10o27’ bắc (tại mũi Kvala). Bề rộng lối 27 km, từ kinh độ 103o51’ (mũi Gành Dầu) cho đến kinh độ 103o50’ đông. Nơi hẹp nhất ở phía nam đảo vùng An Thới độ 3 km.

 

Phú Quốc có thị trấn Dương Đông, nằm về phía tây đảo, là một cảnh đẹp, cụ Đông Hồ đã từng viết:  “Người du khách mới đến Dương Đông cảm được cái đẹp nhất là cảnh ở cửa nầy. Một bên là bãi cát trắng, bóng dương tha thướt, một bên là ghềnh đá những đồi con, chắn ngang vàm sông, hình gồ ghề kỳ kỳ, quái quái. Khi mặt trời xuống, trèo lên ghềnh mà trông cửa biển chiều hôm, nước mây man mác, bên kia bóng dương bãng lãng, bên nầy chiếc thuyền trong vàm sông xuôi ra, cánh buồm trắng phất qua ghềnh đá biếc, mũi rẽ nước, thì đẹp biết chừng

nào!”.

 

Bây giờ chúng ta hãy làm một cuộc du lịch lên phía bắc ở mũi Kvala, rồi theo bờ tây đi dần xuống nam. Đầu tiên chúng ta gặp núi Chảo 371m chiều cao, chân nhô ra biển thành hai mũi: mũi Trâu Nằm và mũi Đá Bạc. Từ Đá Bạc trở đi là một bãi cát dài 2.400 mét do rạch Tràm đổ ra đây. Bên trong là một cánh đồng, hay nói đúng hơn là một diện tích khá bằng phẳng, thấp nhỏ, ngập nước, giới hạn bởi ba khối núi: núi Chảo ở phía bắc, núi Hàm Rồng cao 365m ở phía nam và núi Chùa ở phía đông.

 

Rạch Tràm là đường xâm nhập thiên nhiên vào nội địa bắc đảo. Nơi đây thuở xa xưa máu người đã chảy thành suối vào những thời kỳ các nơi cạnh tranh khai thác mỏ huyền. Họ đánh nhau, giết nhau để trở thành kẻ mạnh trong khai thác. Và sau đó lại đổ máu khi cướp biển phục kích các đoàn phu vận tải chất huyền ra biển. Vì đường này dẫn vào mỏ huyền nổi danh khắp Á Châu nhờ nước huyền đen óng ánh. Vào khoảng thế kỷ XVII, người Mã Lai, Thái Lan, Indonêxia và Quảng Đông (Trung Quốc) mở nhiều cuộc tranh chấp giết chóc lẫn nhau, bỏ lại những hài cốt trôi đầy những vực xoáy, khúc khuỷu của dòng sông, hốc đá. Nhưng từ sau chiến tranh thế giới thứ II đến nay chưa ai đầu tư khai thác mỏ huyền ở đây nữa.(1)

 

Khối núi Hàm Rồng theo bắc nam dài 10km. Chỉ có phía bắc nhô ra biển nơi có tên mũi “Hàm Rồng”, phần còn lại là ranh giới bên trong của cánh đồng Suối Vạn, cùng phụ lưu của rạch Cóc, rạch Cây Nhum đổ ra.

 

Từ đó trở đi là dải núi Bãi Dài, một phần nhô ra thành mũi Gành Dầu, mũi Ba Trại, suốt mùa sóng vỗ vào chân. Ngoài khơi lố nhố vài đảo con, mỗi đảo diện tích không đầy 300m2. Đó là hòn Bàng, hòn Thầy Bói, cách bờ chừng vài km, về phía bắc hòn Nầng, lãnh thổ Việt Nam đã bị quân hoàng gia Campuchia cưỡng chiếm năm 1958.

 

Bắt đầu từ đó bờ biển chạy theo hướng chính nam, qua Bãi Dài 8.000m, rồi chuyển hướng đông Nam, cho đến bãi Cửa Cạn. Trong suốt đoạn này nhiều hòn núi đơn độc nằm sát biển và

ngoài khơi của đảo Đồi Mồi nổi danh.

 

Rạch Cửa Cạn, ở vào phía bắc đảo, phát xuất từ triền tây của dãy núi Hàm Ninh, tiếp nhận nước của hàng trăm con suối định kỳ chảy khúc khuỷu quanh cánh đồng rừng Cấm và đồng Cây Sao, đồng Bà, rồi đổ ra biển. Hải lưu và gió mùa đã tạo dựng một lưỡi cát dài theo sông chảy ra. Lưỡi cát nầy khiến cho nghẽn sông khi chảy ra biển. Mùa nồm, sóng biển đem cát lấp cửa sông, do đó mà có tên Cửa Cạn. Ghe muốn vào sông phải hợp năm bảy chiếc đợi sẵn trước cửa. Khi triều xuống người ta đem cuốc, leng đào một lối thoát nước xuyên qua lưỡi cát, nhờ đó nước sông đổ ra biển, làm cho đường nước rộng nhanh. Rồi ghe tàu mới có thể vào được. Khoảng một tuần sau, vài đám giông lại làm cho Cửa Cạn lấp lại như cũ.

 

Cửa Cạn là một con sông nho nhỏ, đem phù sa từ vùng núi Hàm Ninh bồi đắp thành một bình nguyên, chưa được khai thác đúng mức. Thượng nguồn sông Cửa Cạn có cánh đồng Bà, người địa phương gọi là “Đồng Bà Kim Giao”. Tục truyền rằng bà Kim Giao là một phụ nữ khởi xướng việc làm ruộng lúa nước ở Phú Quốc đầu tiên. Bà đưa trâu từ đất liền ra, khai thác và phát triển ruộng lúa trên cánh đồng nầy. Hiện giờ còn nhiều dấu vết nông cụ và còn những con trâu hoang của bà Kim Giao sống trong vùng rừng Hàm Ninh. Men theo dòng sông Cửa Cạn, cây cỏ nguyên thủy còn nhiều ở rừng sác, có cả loại cây tràm lâu đời. Tại cửa sông, xóm dân cư Cửa Cạn êm đềm sinh hoạt về nghề đánh cá và làm nước mắm. Đối diện ở phía nam là một bãi cát dài 1.000 mét. Rồi một mũi đá nhô ra. Mũi Gành Lớn, phía nam của mũi là bãi biển Dương Đông.

 

Cửa Cạn như ta biết, vào mùa nồm cửa sông thường bị cát bồi lấp, do đó mà có một truyền thuyết rằng vào năm 1868, trong lúc nghĩa quân của ông Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp bao vây thắt ngặt, bà vợ của ông từ Ba Trại được tổ chức vượt đường trốn ra. Bà đi bằng ghe theo dòng sông Cửa Cạn để ra biển, có ý vượt biển vào đất liền. Nhưng vào mùa cửa sông bị cát lấp, ghe của bà phải mắc kẹt tại đây. Bà đang có mang, vì đường sá vất vả, vận động quá sức, bà sanh thai non giữa một đêm mưa gió hãi hùng tại vàm Cửa Cạn. Biển động thét gào. Giặc Pháp bao vây, bà không còn phương kế thoát thân, dân chúng các xóm đều bị giặc Pháp bắt gom hết về thị trấn Dương Đông, không ai đến chăm sóc cho bà được. Sức bà cùng kiệt giữa đêm mưa. Bà bị băng huyết mà chết. Hài nhi non ngày lại thiếu sữa mẹ, cùng chết theo. Có mấy ngư dân gan góc, lần mò qua mắt quân thù, cốt tìm theo bảo vệ bà. Nhưng khi tìm gặp, thì hai mẹ con bà không còn sống được. Họ lén mang thi hài hai mẹ con bà giấu vào một bọng cây. Sau đó tạm yên, dân chúng đem hài cốt hai mẹ con bà chôn cất tử tế tại bãi Ông Lang (Cửa Cạn).

 

Rạch Dương Đông dài 15 km, đem nước từ dải núi Ông Thầy, từ phía đông của đảo đổ ra Cửa Dương. Cửa rạch hẹp, phía bắc là bãi cát dài, phía nam là ghềnh Dinh Cậu đá nổi lô nhô. Mùa gió nồm thổi, ghe tàu vào cửa khó khăn, tuy cửa không bị cát lấp như Cửa Cạn nhưng gió thổi mạnh liên tục, muôn ngàn lượn sóng từ ngoài biển đùa vào, nước tung tóe trên ghềnh, sóng đưa thuyền vào cửa sông, người thủy thủ phải vững tay lái nếu không sẽ bị va chạm vào ghềnh. Cửa Dương Đông là một cảnh đẹp tuyệt vời! Dương Đông còn là một thị trấn trung tâm hành chánh, kinh tế, văn hóa, xã hội và thương mại của Phú Quốc, cũng là nơi có nhiều nhà thùng sản xuất nước mắm trứ danh lớn nhất của nước ta.

 

Phía ghềnh Dinh Cậu, ven biển là một vùng cát chạy dài hướng chính nam qua những ấp, xóm dân cư trù phú cho tới Mũi Hạnh, vùng An Thới mới chấm dứt. Thật ra bờ biển không mấy liên tục, các mũi chỉ là những khối núi mồ côi, không hợp thành sơn hệ ngăn cách, như mũi Tàu Rũ, Mũi Xép, mũi Đất Đỏ, mũi Ông Bốn. Các bãi biển như bãi Dương Tơ rất đẹp, bãi cát rộng - hẹp khác nhau. Cát thật trắng, nước thật trong, người lội xuống sâu đến cổ vẫn nhìn thấy bàn chân.

 

Từ Mũi Hạnh, bờ biển Cây Dừa đổi hướng tây đông qua các bãi Cây Dừa, Bãi Xép của khu vực An Thới, rồi chấm dứt ở mũi Ông Đội. Từ đó bờ biển theo hướng nam bắc. Các bãi cát trắng, nước trong, nhiều rêu nối tiếp nhau chạy dài suốt vùng An Thới và nam Hàm Ninh, chỉ gián đoạn với những mũi sa thạch màu hồng bị nước biển xâm thực, tác tạo thành những hình thù kỳ dị. Bãi Khem, Bãi Sao, Bãi Đầm đều là những thắng cảnh, cát trắng sâu xuống từ từ, bên trên cây rừng chạy ra gần đến tận mé nước. Du khách tắm biển xong có thể lên trú ẩn trong các lùm cây bóng mát mà chuyện trò tâm sự. Vùng nầy có Rạch Đầm là con suối quan trọng, có nước ngọt quanh năm. Trước kia có một xóm nhỏ nép mình dưới bóng Mũi Chùa.

 

Các bãi thuộc An Thới chấm dứt ở đây, dưới chân núi Đồn Phách. Bên kia núi là vùng Hàm Ninh, có con rạch Hàm Ninh đem phù sa ra biển. Hàm Ninh, nằm ở cửa rạch, có tỉnh lộ 47 dài 14 km nối liền với Dương Đông. Hai bên lộ có khu rừng già 565 và khu rừng sác bảo hộ bờ rạch Hàm Ninh. Đây là một vùng thảo mộc nguyên thủy còn lại lâu và nhiều nhất của Phú Quốc.

 

Trước kia, khi gió mùa tây nam thổi, tàu bè không vào cửa Dương Đông được, cặp bến Hàm Ninh khuất gió. Còn mùa bấc thì biển Hàm Ninh động. Từ Hàm Ninh trở về bắc có một dải núi khá cao chạy song song với bờ biển và gần kề nhau. Bên ngoài, không mấy xa, có một dải cồn cát ngầm, khiến cho sóng lớn khi chạy vào đây gặp đáy biển, chợt cạn, tạo nên hiện tượng chao động rất nguy hiểm cho tàu thuyền.

 

Quan sát các vùng chung quanh đảo Phú Quốc, bên trong là một môi trường của những đồi độn, không cao cho lắm, giới hạn những vùng thấp hơn, khá bằng phẳng, cỏ dầy, nước ngập vào mùa mưa vì không lối thoát nước. Đây là những giang sơn của muỗi và vắt cùng cỏ rậm, lau sậy hoang vu. Tóm lại, bên trong của Phú Quốc là một vùng còn nê địa. Với những rừng già có các danh mộc như cẩm lai, kiền kiền, cam, thị, bời lời, vên vên... Trên các sườn núi xa xôi còn lại một số cây trầm hương quý giá. Còn ở những nơi tập trung dân, chỉ cần đi xa chừng một ngàn mét là có đầy đủ gỗ tạp để làm củi chụm. Người xưa có câu về Phú Quốc rằng: “Sơn vô thượng, thủy vô thâm”.

 

Bờ biển chung quanh đảo rất đẹp! Nước tùy theo cạn, sâu từ trên cao nhìn xuống tựa như những vết loang khổng lồ màu xanh nhạt ngọc thạch rồi đậm dần như ngọc bích. Mặt biển đổi màu liên tục theo từng cơn nắng rọi xuống xuyên qua các áng mây trôi. Biển và bờ biển ở đây rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Ngoài những bãi biển trải dài như bãi Cây Dừa, bãi Vông, bãi Dài, bãi Cửa Cạn, bãi Dương Đông, bãi Xép, bãi Khem... còn lại đều là triền núi hay ghềnh đá. Hàng năm, từ tháng sáu đến tháng mười dương lịch biển thường hay động.

 

Vì bờ biển cạn nên lập hải cảng rất khó khăn. Tàu đánh cá luồng sâu hai mét chỉ có thể vào cửa rạch Cửa Cạn và Dương Đông vào lúc thủy triều lên. Tàu lớn phải đậu trong quần đảo An Thới. Quanh Phú Quốc nhiều nơi còn có những dải san hô, khiến cho việc đổ bộ vô cùng khó khăn.

 

Sông rạch Phú Quốc đều ngắn. Biên độ triều rất bất thường. Từ một mét sâu vào mùa nắng tăng vọt lên đến năm, bảy mét vào mùa mưa. Những cơn nước lụt, nước chảy như thác đổ làm bật gốc cây cỡ lớn. Các sông nầy ghe xuồng chỉ lưu thông được khoảng 1.000 mét ở hạ lưu, và chỉ loại nhỏ mới sử dụng được. Phần lớn các rạch đều chảy từ hướng đông sang tây. Đáng kể nhất là rạch Dương Đông, dài chừng 15 km, phát xuất từ khối núi Ông Thầy, nước cũng chảy từ đông sang tây, suốt trung bộ của đảo. Nơi rạch đổ ra biển gọi là Cửa Dương, cửa cạn hẹp lại bị ghềnh đá làm cho tàu thuyền vào khó khăn. Tuy nhiên ghe nhỏ có thể đi sâu vào nội địa khoảng 7 km. Thị trấn nằm trên cửa sông. Nơi đây có nhiều thắng cảnh. Dinh Cậu nằm trên một ghềnh đá. Chùa nầy được xây dựng từ lâu và là một thắng cảnh thơ mộng trên đồi giữa khoảng bãi cát vàng chảy rẽ hai, phía về Dương Tơ, phía về Gành Gió. Đứng trên chùa Dinh Cậu đưa mắt nhìn bao quát được cả chợ Dương Đông. Phú Quốc đẹp như một hòn ngọc lấp lánh giữa đại dương muôn trùng sóng nước. Đằng kia, bên ghềnh đá chênh vênh, một vài chàng trai, cô gái sau những buổi lao động ở rừng, ở vườn tiêu, ở các xí nghiệp chế biến hải sản hoặc sau những ngày ra khơi đánh bắt về, họ rủ nhau ra đây tìm câu những con cá tràm, cá chỉ, cá bóng để giải trí, để tiếp nối hẹn hò.

 

Sắc thái nhân văn và kinh tế của Phú Quốc có bề dầy giàu tính truyền thuyết, giai thoại; nguồn văn học dân gian nổi bật qua các địa danh, con người trong đấu tranh, xây dựng. Dân số Phú Quốc trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng trên 30.000 người. Ngoài ra còn một số ngụy quân thường xuyên đóng trên đảo không nhỏ. Tính riêng số lượng tù binh yêu nước từ khắp miền đất nước bị chế độ Mỹ ngụy đem về đây giam giữ cũng tương đương với số dân địa phương.

 

Hiện nay trên đảo Phú Quốc có rất nhiều nhà thùng sản xuất nước mắm và một số nhà máy nước đá sản xuất cho nhu cầu của ngư phủ. Ngư nghiệp trên đảo phát triển mạnh, có hàng ngàn tàu thuyền đánh cá. Ngoài cá, mực, tôm Phú Quốc còn có một số hải sản đặc biệt như mai, điệp, hải sâm, vi cá, tổ yến...

 

Ngoài tài nguyên thủy sản, Phú Quốc còn có nhiều khoáng sản đáng lưu ý. Bắc đảo (Bãi Dài) có mỏ đá mài, nam đảo có sét trắng, mỏ mangan, sắt và nhất là huyền ở Rạch Tràm, một loại quí thạch dùng làm trang sức cho phụ nữ và dùng vào công nghiệp. Trung tâm đảo có oxit đồng màu đen, than đá...

 

Ở tận phía nam đảo còn một nhóm đảo thuộc vùng An Thới, xếp hàng theo hướng bắc nam. Từ trên cao nhìn xuống, chúng ta có thể mường tượng là một nắp vung bể ra nhiều mảnh và một phần đã sụp xuống sâu. Vì biển ở đây sâu một cách đột ngột. Vùng sâu độ 29 mét cách bờ không xa. Gần đó, về phía nam có những trũng sâu, hố sâu đến 40 mét. Điều nầy rất đặc biệt, ở vịnh Thái Lan chung qui là một môi trường cạn. Có tất cả lối mười mấy đảo ở vùng nầy. Vì vấn đề địa danh chưa xác thực, ta dễ hiểu lầm tên đảo được ghi trên bản đồ và tên đảo được người địa phương gọi. Đây là tên một số đảo theo cách gọi của người địa phương: Hòn Dầm, Hòn Dứa, Hòn Rỏi, Hòn Thơm, Hòn Đụng, hòn Móng Tay, Hòn Buồm, Hòn Giông Ngang, hòn Mây Rút Trong, hòn Mây Rút Ngoài, Hòn Rơi, Hòn Kim Qui, Hòn Xưởng, Hòn Tranh, Hòn Khô.

 

Nhóm quần đảo trên rất quan trọng về phương diện chiến lược, là những pháo đài thiên nhiên quốc phòng của đảo.

 

Tóm lại, Phú Quốc là một vùng trời Tổ quốc, một vùng biển quê hương đầy hy vọng chứa chan về sự giàu đẹp. Một vùng có rất nhiều khả năng phát triển, vì nó đa dạng tài nguyên mặt nổi, mặt chìm và tận dưới lòng đất sâu của thềm lục địa l

----------------------------------------------------------

(1) Theo “Vịnh Thái Lan” của Sơn Hồng Đức, 1973.

(2) Nội dung nghị định ngày 12-12-1892, trích lại của Portrou Ka Lian, trang 29.

 

Anh Động
Số lần đọc: 3288
Ngày đăng: 02.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đất vườn và con người miệt vườn Bến Tre - Huy Khanh
Du lịch đầu nguồn sông Hậu - Cúc Tần
Sơn Nam - Đề Lục Bình Nam bộ - Trần Mạnh Hảo
Một thoáng U Minh - Lê Phú Cường
Biên khảo: Tính cách Nam bộ qua biểu trưng ca dao - Khuyết danh
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đậm sâu một phong cách Nam Bộ - Khuyết danh
Thực vật đăc trưng ở rừng U Minh - Anh Động
Cồn bãi và sông nước trên đất cù lao xưa - Huy Khanh
Giữ gìn cho muôn đời sau làn điệu dân ca Bến Tre - Lữ Hội
Lễ cổ truyền của bà con Khmer Nam Bộ: Đôn-ta và Hội đua bò Bảy Núi - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Ánh lửa Chông Nô (truyện ngắn)
Mũi lấn (truyện ngắn)
Tiếng bước chân (truyện ngắn)
Chung kết (truyện ngắn)
Tiếng đàn (truyện ngắn)
Thuốc đắng (truyện ngắn)
Chớp lửa đêm giông (truyện ngắn)
Cách chim không mỏi (truyện ngắn)
Đường còn xa (truyện ngắn)
Qua sông (truyện ngắn)
Khói lam vắt vẻo (truyện ngắn)
Trăng tháng chạp (truyện ngắn)
Hàng rào sậy (truyện ngắn)
Bến cũ (truyện ngắn)
Khai đập (truyện ngắn)
Qua cơn bịnh (truyện ngắn)
Suối nắng (truyện ngắn)
Khơi mạch (truyện ngắn)
Bên hàng Cù Oanh (truyện ngắn)
Tiếng trống Sampô (truyện dài)