Sầu Rụng Thành Hoa là tập thơ thứ 7 của Nguyên Cẩn vừa được Nhà xuất Bản Thanh Niên ấn hành vào tháng 1 năm 2010. Từ “Ngồi Đợi Gió Sang Canh” ( 2006) đến “ Sầu Rụng Thành Hoa” ( 2010) là một quảng thời gian dài tương đối đủ để hơn 130 bài thơ của Nguyên Cẩn trong SRTH kết tụ, hình thành nên một dòng thơ có sắc thái rất riêng của Tác giả mà trong các tác phẫm trước chưa định hình rõ ràng.
Cùng dựa trên nền tảng triết lý Phật đà, cùng bắt nguồn từ thực chứng trong đời sống-nhưng thơ Nguyên Cẩn đã không lập lại nguyên xy giáo lý mà đã được chuyễn hóa qua tâm thức của một người con Phật thuần thành uyên thâm Phật pháp của bao tháng năm miệt mài sống với Đạo mầu- để rồi một ngày nào hốt nhiên trào dâng nên những dòng thơ dào dạt xúc cảm- vừa thiết tha vừa gần gũi, như những lời tâm tình đầy ắp thương yêu, nhiệt tình hiến dâng xây dựng … Chính vì sự trong sáng hồn nhiên của thơ-Nhà thơ đã chuyễn tải một cách rất tinh tế những yếu chỉ, triết lý sống cốt tủy của Đạo đến người dọc bằng xúc cảm đau đáu một đời, bằng tấm chân tình rộng mở, và bằng trái tim thuần khiết yêu người-thương đời, mà không có chút ép gượng, hay đỏm dáng như một số người làm thơ mà chúng ta vẫn thường bắt gặp đây đó. Tôi muốn nói-Nguyên Cẩn đã đưa người đọc vào Đạo bằng Trái Tim, chứ không bằng cái đầu luận lý khoa trương, thô thiển nặng nề!
Những câu thơ đã được nung nấu bằng xúc cảm ., bằng chứng nghiệm, trong mọi nỗi đời gian truân hay hoan lạc-đã khiến người dọc đồng cảm cùng nhà thơ một cách nhanh chóng và sâu sắc những thông điêp mà nhà thơ muốn nhắn gởi, sẻ chia qua “ Sầu Rụng Thành Hoa”!
Bức thông điệp chung nhất mà nhà thơ muốn truyền đạt đã ở ngay trong tựa đề của Tác phẫm “ Sầu Rụng Thành Hoa” : “ Mọi nỗi khổ đau, thăng trầm, phiền muộn của kiếp nhân sinh rồi sẽ rụng rơi theo lẽ vô thường của vạn hữu, nhưng chúng sẽ kết thành những đóa hoa thắm tươi dâng hiến cho Người –cho Đời ,chứ không phải là sự khô héo, tàn tạ, vô nghĩa của những tâm hồn bi lụy vì đắm chìm trong vô minh để mãi mãi nổi trôi trong khổ đau, tuyệt vọng!”.
Nguyên Cẩn đã sử dụng nhiều thể loại thơ-nhưng mỗi loại, đã được tác giả chủ động sử dụng rất linh hoạt phụ thuộc vào cảm nhận ( đề tài) muốn giải bày-nên mỗi bài thơ đều có “ thiêng trách” riêng trong việc truyền đạt. Nếu những bài thơ mới, tự do,biến thể- chuyễn tải những tư tưởng ghi đậm mầu sắc triết lý thì những bài lục bát, thất ngôn hay ngũ ngôn, hài cú (vvv)-lại bắt nguồn từ những xúc cảm bất chợt tự nhiên, hồn nhiên…
Theo cảm nhận của riêng tôi-Nguyên Cẩn đã rất thành công với thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt-bằng những nét khắt chạm tinh vi, uyễn chuyễn-mà đầy ắp xúc cảm . Trong hơn 130 bài thơ của SRTH, bài nào cũng “ dài hơi “ –mà dòng cảm nhận vẫn miên man chảy-rất từ tốn, chững chạc, logic-đã thuyết phục dược người đọc mãi mê dấn bước vào thơ như bị cuốn hút tình cờ! Điều này, cho chúng ta nhận biết rằng, sức sáng tạo-nguồn cảm hứng của nhà thơ thật mãnh liệt, và phong phú.
SẦU RỤNG THÀNH HOA là một tập thơ Đạo hiếm hoi đã dung hòa được sự thông đạt của trí tuệ, và sự thực chứng dược chiêm nghiệm của đời sống-đã đem lại cho người đọc những giờ phút an tịnh, phoi phới và hy vọng. Cùng với những nhà thơ đã làm nên một nền “ thi ca Phật giáo” như Nhất Hạnh , Trụ Vũ, Tống Anh Nghị, Trần Quê Hương, Huyền Không, Trần Bỉ Ngạn, Triều Tâm Ảnh, T.Thiện Đạo, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Bắc Sơn , Hạnh Phương, Đinh Hồi Tưởng, Y Sa, Tôn Nữ Hỷ Khương, Lam Khê, Ninh Giang Thu Cúc, Trần Ngọc Tuấn, Kiều Trung Phương, Dzạ Lữa Kiều, Tiến Thảo,Nguyễn Man Kim, Tâm Nhiên, Ngàn Thương, Nguyễn Miên Thương, Vĩnh Hữu, Huyền Nữ Dương Chi, Thanh Yên, Hoàng Hương Trang, Liên Thao, (…)-nhà thơ Nguyên Cẩn đã đóng góp dáng kể vào ngôi nhà văn học Phật giáo đang trong thời kỳ phát triển, thật đáng trân trọng!
Lập Tâm tịnh thất,Tháng 6/ 2010
ĐÂU CỨ LÀ VU LAN
Đâu có phải Vu Lan con mới về báo hiếu
Mất mẹ rồi, mới hiểu mẹ bao la
Hiểu mẹ thiêng liêng hơn một mái nhà
Góp mọi thứ tình gom vào vẫn thiếu
Đâu phải cứ Vu Lan con mới về thăm mẹ
Khi mẹ đong đưa như chuối chín trong vườn
Khi mẹ mong manh chiếc lá giữa vô thường
Đêm con ngủ hay giật mình-gió nhẹ
Đâu cứ phải Vu Lan con mới ngồi để nhớ
Một đoạn đời ấp ủ dưới thương yêu
Tóc mẹ hong đọng lại chút nắng chiều
Màu sương muối hương thời gian nắng gió
Đâu phải Vu Lan con mới cầm tay mẹ
Kể chuyện bây giờ mặc kệ ngày mai
Đóa hồng nào năm tháng chẳng phôi phai
Trừ đóa hồng nở trong tâm tưởng mẹ
Mẹ nào biết Vu Lan hay thu vừa chớm
Đêm mẹ ngồi se lạnh biết mưa ngâu
Và vẳng nghe theo tiếng gió kinh cầu
Mẹ an lạc trong sương ngàn buổi sớm
Đâu cứ phải Vu Lan, chỉ một mùa báo hiếu
Nợ ân này mang nặng buổi con sinh
Trải lòng ra chưa kín một chữ tình
Thì chín chữ con một đời sao hiểu
Nên cứ về Vu Lan hay dẫu trễ
Mẹ chẳng bao giờ chê trách các con yêu
Cứ cầm tay thôi chớ nói chi nhiều
Chừng ấy đủ quên ngàn dâu bể
Và cứ thế là Vu Lan cứ thế…
TÂM SỰ CÙNG CON SUỐI
Nói chuyện cùng con suối
Vốc ánh trăng vào lòng
Thấy trăm năm đi vòng
Quanh vầng trăng chết đuối
Nói chuyện cùng mây trắng
Theo gió bay một đời
Khi về không một lời
Chia tay cùng giọt nắng
Nói chuyện cùng bóng nui
Thắp lên trời hoàng hôn
Cành hoa cúi gọi hồn
Bướm say tình mê muội
Nói chuyện cùng đêm tối
Trong mơ vẫn khóc cười
May thay được làm người
Chẳng có gì phải hối
Nói chuyện cùng sóng vỗ
Nghìn năm đá câm lời
Cõi vô ngôn rạng ngời
Tịch măc-chiều thác đổ
Bướm dừng chân-hốt ngộ
Người loay hoay mãi tìm
Khi nghoảnh mặt vào tim
Thấy mây và suối nhỏ
Soi bóng mình trên đó
Ta hiểu mình sẽ tan
Khi biết rằng Niết Bàn
Chẳng không và chẳng có
H À I C Ú
1.
Trăng ngủ trong gương
gương tan trăng vỡ
trăng tàn gương trong
2.
hoa vô ưu
không phiền không muộn
lấy gì sinh hoa
3.
cội bồ đề
người ngồi liễu ngộ
cây còn u mê
4.
nhà không cửa
sao thấy lối vào
để xin tí lửa
( trong “ Sầu Rụng Thành Hoa”)
N G U Y Ê N C Ẩ N