1. Phê bình mở: Độc giả nhập cuộc đồng sáng tạo
Một tác giả, một tác phẩm xuất hiện, vấn đề văn học nghệ thuật đang nóng,... nhận được ý kiến khen chê hay bị bỏ quên. Trên mạng internet! Kịp thời và nhanh nhạy là điều dễ thấy nhất của phê bình ở thời đại vi tính. Nó mang ở tự thân đặc tính của báo chí.
Còn hơn cả báo chí. Bởi điều mà báo giấy không kham nổi thì báo mạng, website, blog, facebook đảm đương mà không hề hấn gì. Có cả không gian mênh mông cho người quan tâm vào cuộc. Tác phẩm mới lạ kêu đòi nhiều diễn giải khác nhau. Chẳng những không giới hạn về không gian, phê bình mở không giới hạn về thời gian.
Tác phẩm nghệ thuật như một thế giới mở tồn tại vô vàn khoảng trống và những điểm trơn trợt bất định, mời gọi sự chắp nối cùng các diễn ngôn khác nhau. Mạng internet dung chứa tất cả. Sự chắp nối và các điểm nhìn này được phát ra từ những kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của nhiều thành phần độc giả khác nhau qua các lần thưởng thức khác nhau. Của kẻ vô danh hay người nổi tiếng, dân nghiệp dư hay chuyên gia hàng đầu.
Con người hôm nay mà trình độ thẩm định tác phẩm nghệ thuật đã được nâng cao đáng kể, hết còn thưởng thức tác phẩm thụ động. Trên diễn đàn internet, không ai cầm cây gậy khuơ khoắng chỉ bảo, đe nạt; tất cả đều bình đẳng trong một không gian mở. Dân chủ và vô phân biệt. Ý kiến nào gởi trước thì được đăng trước, xóa nhòa lằn ranh đại chúng với đặc tuyển, chuyên hay không chuyên. Đại bộ phận các nhận định không bị biên tập hay sửa chữa.
Phê bình mở vừa tương tác với tác giả, với tác phẩm đồng thời tương tác với các tương tác khác...
2. Những suy nghĩ lạc thời
Lạc thời từ người sáng tạo cho đến nhà phê bình.
Bốn ví dụ khá tiêu biểu vừa xảy ra:
- Ta vừa hoàn thành một bài “lí luận” ôi là dài dòng văn tự. Sướng quá! Ta bèn gởi đăng lên mạng. Ta rung đùi chuẩn bị đón nhận mấy lời tụng ca tưởng tượng hay nhâm nhi vài tiếng khen có thật đầy đãi bôi. Ta chờ hai ngày liền, chẳng nghe đâu nửa tiếng khen bay tới mà chỉ thấy một bài phản hồi to đùng đăng ngay sau đít bài ta. Ta bị chơi rồi. Thế là ta lồng lộn lên, bấm tìm số điện thoại cầm tay của tay quản lí website đó. Ta thanh minh thanh nga mất nửa giờ đồng hồ. Vòng vo Ải Nam Quan sang Mũi Cà Mau tận đẩu đâu rồi cũng quy về một nỗi: bác làm ơn lột bài kia xuống giùm em đi.
- Tác phẩm mình vừa đoạt giải, mừng húm và đưa tin vui đi khắp. Đúng và đáng lắm, chẳng phiền hà gì cả. Nhưng khi nó được đưa lên mạng internet mổ xẻ và phê bình, thì ta có hành xử rất lạ đời. Lạ đời nên lạc thời. Ta chạy đầu này đầu nọ giải thích, ta hỏi ý kiến người này người kia rằng nó có vấn đề gì không? Ta phone cho những người phê bình ta để kêu oan, và cuối cùng ta nhờ đến sự can thiệp ngoài nghệ thuật.
- Một quý ngài mở tạp chí, viết bài nhận định hết chuyện này đến chuyện nọ, phê bình hết ông bà này đến cô chú kia. Không sao cả, nếu lời lẽ phê bình kia đủ đầy văn minh phong vận con nhà. Cũng không hề chi cả, nếu phê phán ấy công tâm không mang tính áp đặt. Nhưng khi kẻ khác lập website phê phán lại, thì ngài ấy đòi bóc chúng ra, hay nặng hơn - đóng cửa trang web đó, thì mới có vấn đề. Lối nghĩ độc quyền (cá nhân) và toàn trị (tập thể) đã bị thế giới dân chủ loại bỏ từ khuya, xài lại nó chỉ tỏ rõ sự lạc hậu không hơn không kém. Lạc hậu và rất ư... vô duyên.
- Một nhà thơ viết bài phê bình về thơ Inrasara, khá công phu và nghiêm túc. Vừa đăng lên mạng, mươi “độc giả” xúm vào bình luận. Hiếm bài phê bình về thơ Inrasara được hân hạnh như thế. Các bình luận có thể sai và đúng, hay với chưa hay, nghiêm túc hay bỡn cợt... đủ cả! Lẽ ra “nhà” này hồ hởi mới phải lẽ, nhưng không. Nhà ấy tím tái mặt mày, phone cho tôi: Họ là ai? Họ không hiểu ý tôi! Ông phải có trách nhiệm về các phản hồi ‘vô trách nhiệm’ này”! Vân vân...
Nói sao cũng chẳng được.
Ta không hiểu thế giới hôm nay đã khác xưa lăm lắm! Lạc hậu tình hình, nên vô tình ta giết chết tác phẩm của chính ta. Với lối hành xử như thế, người thưởng ngoạn tranh hay độc giả tập thơ hoặc bài nghị luận [xã hội] sẽ không thèm ngó ngàng đến hay đọc tác phẩm ta nữa. Ừ, nếu quý ông/ bà bất cần tôi thì tôi cũng bất cần đến tác phẩm quý ông/ bà. Thế thôi – rất sòng phẳng! Hãy đóng cửa ngồi nhà mà ấp iu “đứa con tinh thần”, mà sống với vinh quang tự sướng của mình đi nhé.
Tâm thế Phê bình mở thì khác.
Bản thân Inrasara có bài thơ “Khóc Tây Tạng”(1) đăng lên Tienve.org, ngay tức thời nó nhận 14 phản hồi liên tục. Là hiện tượng chưa từng có trên website này. Hữu danh và vô danh, tên thật hay nickname. Sai và đúng, hay với chưa hay, nghiêm túc hay bỡn cợt... nếu nói vô trách nhiệm cũng có nữa, đủ cả! Cả tác giả bài thơ (Inrasara) cũng nổi hứng nhảy vào tương tác – vui vẻ!(2). Dẫu các cá nhân phụ trách trang mạng kia đều là chỗ quen biết, nhưng tôi chưa một lần tra vấn các bạn rằng họ là ai? Chưa nửa lần la lên rằng họ hiểu sai ý tác giả! Không đổ trách nhiệm cho các cá nhân phụ trách trang mạng kia. Càng không chạy đi trình cơ quan hữu trách là tại sao các người xuyên tạc tác phẩm tôi như thế!
3. Đó chính là tinh thần của Phê bình mở đích danh. Tác phẩm được ném ra chợ đời, nó tự sống. Không lời giải thích nào của tác giả có thể biện minh cho sự kém cỏi hay bất toàn của nó. Cơ quan nào đó bất kì càng không thể cứu sống nó. Ra đời, hoặc nó sống hoặc nó chết, thế thôi.
Bài thơ bạn được vào tuyển, bức tranh bạn được đưa vào bảo tàng [có thể do cơ chế hay thế lực nào đó] không ai nhắc tới, không một mống nào ghé vào tham gia bình luận, mới thảm. Nó như thể một sản phẩm chết ném vào cõi không lời. Hư vô! Bạn muốn thế không?
Phê bình mở không dành riêng cho chuyên gia, nó mở với tất cả người thưởng thức nghệ thuật. Mở ra với mọi bình luận qua nhiều con mắt khác nhau đến từ nền văn hóa hay trình độ khác nhau, từ nhiều góc độ khác nhau, bằng nhiều chính kiến khác nhau. Chính chúng làm cho tác phẩm nghệ thuật sống qua nhiều thời đại lịch sử.
Tiếc là không ít kẻ nhập cuộc sáng tạo và phê bình văn học nghệ thuật hôm nay vẫn mang tâm thế “hiện đại” hủ lậu, tự tay đóng lại cánh cửa với chính tác phẩm của mình.
Thương thay!./.
Sài Gòn, 20-5-2010.
(1) http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=9005
(2) http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=9061