Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.228
123.153.454
 
Nhớ Đoàn Giỏi – nhà văn chiến sĩ công an
Đoàn Minh Tuấn

Núi cả mây ngàn, trang giấy dỡ dang tình đất nước

Rừng đêm xào xạc, trái tim dào dạt nghĩa quê hương.

(BẢO ĐỊNH GIANG)

 

LTS: Đoàn Giỏi sinh năm 1925, mất năm 1989. Quê ở Tân Hiệp, Châu Thành Tiền Giang. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội các Khóa 1, 2, 3. Trong những năm chống Pháp, ông làm ở ngành an ninh rồi chuyển sang công tác thông tin văn nghệ. Kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông.

 

Tôi về Tiền Giang đốt nhang cho ông và thăm Trường THCS Tân Hiệp mang tên ông.

 

Có một lần Đoàn Giỏi và tôi cùng một người bạn nữa đi miền Tây, nhưng anh bạn kia là cán bộ chính trị không thích sa đà cứ đòi về, vì anh ta không viết lách gì, cứ đi kiểu tạt ngang, rẻ dọc thì anh ta không muốn. Đoàn Giỏi nói với tôi cho xe để anh ta về Sài Gòn; còn mình kiếm xe đò đi vậy! Mặc dầu anh ta chỉ đi nhờ thôi!

 

Hôm nay, anh đã rẻ vượt lên trước rồi, Xích Điểu, Nguyễn Văn Bổng, Diệp Minh Châu còn đó (1976)! Chúng tôi định cùng anh một chuyến đò dọc ngược sông Tiền, sông Hậu nhưng anh là người của thủy thần đã lặn xuống đáy sông như chiếc lá nằm sát dưới cát vàng, những dòng văn của anh vẫn có ánh ngũ sắc của đời và mãi mãi đi vào lịch sử văn học nước ta từ sau cách mạng mùa Thu. Đó là những trang tuyệt vời với một bút pháp điêu luyện pha lẫn cá tính ngang tàng của “Đất rừng phương Nam”. Đoàn Giỏi là một cây chò chỉ cao thẳng hơn 60 mùa Xuân thử thách nắng gió phương Nam nhưng vẫn giữ được phong cách cao đẹp.

 

Sách của anh đã vượt biên biên dịch ở Liên Xô, Hung-ga-ri và nhiều nơi khác. Có lần Xuân Diệu đi Hung về chuyển cho cuốn “Cuộc truy tìm kho vũ khí” của anh bằng tiếng Hung-ga-ri và kèm bài viết về cuộc thi cuốn sách của Đoàn Giỏi cho bạn đọc thiếu nhi bên ấy. Chị Zi-mô-ni-na I-Nhi-a dịch cuốn sách “Đất rừng phương Nam” của anh ra tiếng Nga, có lần chị tâm sự với tôi: “Đọc Đoàn Giỏi làm tôi thích miền Nam” và chị đã sang thăm miền Nam đến tận quê nhà Bác Tôn.

 

Hôm Nguyễn Quang Sáng và tôi uống chén rượu cuối cùng với anh khi anh ở Hà Nội vào trung tuần tháng 3/1989. Anh đưa ra một hộp phó-mác và nói: Dành cho hai cậu đó! Còn mình thì không uống được nữa rồi: nửa ly bằng hột mít, mình đã dội muốn ọe ra…

 

Nguyễn Quang Sáng và tôi cùng lắc đầu:

- Sức khỏe ông Năm Giỏi mình suy sụp nhanh quá! Anh có tặng cho Sáng tấm lịch 1989 ở Hung-ga-ri có hình cô gái ở trần và bốn con ngựa, cả ba anh em đều thích bức hình đó.

 

Đoàn Giỏi hôm đó rất vui:

- Mình phải dấu dưới đáy va-li khi về nước, sợ mấy vị Hải quan ta cho là tranh ảnh “đồi trụy” lại tịch thu đưa “về nhà” mất!”.

 

Anh có nhiều hoài bảo, hoài bảo cao nhất là được viết, được đi, và được đọc.

 

Hôm đưa anh đi nhà thương anh nói vui, nếu mình giàu có, mình muốn đi nhiều nơi, tới đâu viết và in được sách ở đó, rồi viết lấy tiền để đi tiếp. Khi nào chết được đốt xác rắc tro xuống ba dòng sông: sông Tiền, sông Hồng và sông Hương thân yêu của xứ sở mình. Tôi lại nói “Nếu thế thì phải tỷ phú”.

 

Anh Tô Hoài trước khi đi Liên Xô đêm nào cũng gọi điện thoại hỏi sức khỏe Đoàn Giỏi, và mới hôm qua đây Nguyễn Văn Bổng cũng gọi giây nói vào hỏi xem ông Giỏi giờ ra sao?

 

Tôi đều thưa: “Nhà tỷ phú Đoàn Giỏi đã không còn viết được nữa rồi! Anh đã thực hiện một chuyến đi xa, xa mãi và trang viết của anh vẫn lấp lánh mãi ánh đẹp của đời giang hồ vùng vẫy của anh!”.

 

Thôi thế là vĩnh biệt một con người tài hoa với những nhân vật gào thét trong “Rừng đêm xào xạc”, trong “Tiếng gọi ngàn” với “Các con vật trong rừng dưới biển”. Từ tác giả “Người thủy thủ trên hòn đảo lưu đày”, “Từ đất Tiền Giang” v.v… bao nhiêu trang viết là bao nhiêu tấm lòng, bao nhiêu mồ hôi và cả máu của anh.

 

Anh mất, anh chưa hài lòng, còn nhiều uất ức vì chưa viết xong “Núi cả mây ngàn”. Máu tươi trong người anh đã trào ra, thay vào cho anh sáu, bảy lít máu nhưng sức đã kiệt, lửa trong tim còn nóng, mà chân tay anh lạnh dần…

 

Tiến sĩ y khoa Trương Quang Nhơn – thầy thuốc ưu tú, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã nói với tôi và nhà thơ Bảo Định Giang cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Chúng tôi rất ái mộ nhà văn Đoàn Giỏi, đó là một nhà văn nổi tiếng, hàng triệu người mới có một nhà văn như thế, bởi vậy chúng tôi phải lo chạy từng chai máu tiếp cho anh, mặc dầu bệnh viện không có, nhưng sức lực có hạn anh không còn hấp thụ được nữa và tĩnh mạch thực quản của anh đã vỡ nát vì bị xơ gan, anh ra máu nhiều quá…

 

ù

 

I/ Anh công an Tiền Giang:

 

Năm ấy 1965, mùa thu nhân kỷ niệm 25 năm ngày Công an Nhân dân, trong một bữa rượu ở số 1 Cổ Tân – (Hà Nội) nhà Đoàn Giỏi; tôi Phạm Trường Hạnh và Khương Minh Ngọc và một vài người bạn nữa liên hoan mừng Cách mạng Tháng 8, đột nhiên Đoàn Giỏi hỏi tôi:

 

- Tuấn này, cậu thử tưởng tượng một ngày nào đó mà Hà Nội vắng bóng công an thì sao? Tôi còn phân vân chưa biết trả lời thế nào thì tú tài Quới trả lời ngay:

- Hà Nội sẽ loạn mất, cướp phá, trộm cắp, lừa đảo, giết người, tội phạm tung hoành. Nghe Đoàn Giỏi nói vậy tôi liền chen cho vui:

 

- Thôi ông anh, anh lại bị bệnh nghề nghiệp rồi! vì Đoàn Giỏi năm xưa (1945) - lúc Cách mạng Tháng 8 thành công, anh chả là Trưởng Công an huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Cho nên anh cứ nghĩ không có công an một ngày thì xã hội sẽ loạn lên, mà thật vậy. Ai sẽ là người thay mặt chính quyền giữ gìn an ninh, trật tự? Ai sẽ trừng trị, trấn áp bọn lưu manh tội phạm trộm cắp, đĩ điếm, hút xách, cướp phá nổi lên như rươi? Chao ôi! Ta thử tưởng tượng một ngày không có lực lượng công an thì ra làm sao nữa!

 

- Đoàn Giỏi là một chiến sĩ an ninh dũng cảm, kiên cường, trung thành từ những năm đầu cách mạng mùa thu. Anh đã xuống sát từng thôn xóm truy lùng bọn Việt gian phản động, giữ gìn trật tự để an dân và có một lần vì anh em công an thị trấn Tân Hiệp giữ nhầm một nhân vật trí thức cách mạng, mà mãi mãi sau này mỗi lần nhắc đến anh lại ân hận, hối lỗi, và tự dằn vặt sự ấu trĩ của mình… Những ngày ở Hà Nội, tôi và Đoàn Giỏi thường đến thăm nhà bác Ba Nghĩa – tức luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Lúc bấy giờ bác Ba từ miền Nam ra công tác ở nhà 82 Nguyễn Du, còn Đoàn Giỏi ở Hội Nhà văn – 65 Nguyễn Du. Tôi ở báo Thống Nhất nhà số 80 sát bên cạnh nhà bác Ba. Đoàn Giỏi những năm đầu tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, phụ trách Trưởng Công an huyện Châu Thành tỉnh Mỹ Tho. Bác Ba Nghĩa lúc bấy giờ là luật sư danh tiếng ở Sài Gòn đi công tác ở Mỹ Tho, trên đường đi bác bị du kích giữ lại, nghi bác là người làm việc cho Tây. Bác là người học bên Tây thật, đỗ cử nhân luật từ thưở thiếu thời, chịu sự giáo dục của Tây mà không chịu hợp tác với Tây. Chuyện về một nhà trí thức lớn, rất lớn của chúng ta, một luật sư danh tiếng. Tôi có người bạn là anh Hoàng Xuân Bình cán bộ cách mạng, bị bắt thời trước, đã được luật sư dùng lý lẽ và tình yêu Tổ quốc biện hộ và ra khỏi Tòa án binh của Pháp và bao người yêu nước khác bị Pháp bắt như bà Nguyễn Thị Bình, bà Duy Liên… được tự do. Đoàn Giỏi lúc bấy giờ là Trưởng Công an huyện đã đến trụ sở gặp bác Ba. Anh nổi “lập trường” lên lớp vì thấy bác Ba ăn mặc sang trọng có vẻ quý tộc: “Đúng rồi chỉ có theo thực dân đế quốc mới ăn mặc sung sướng như vậy”. Nhưng sau khi xem giấy tờ mới biết bác Ba chính là luật sư – nhà tri thức lớn Nguyễn Hữu Thọ – tiếng tăm lừng lẫy ở Sài Gòn, đã từng bảo vệ bào chữa cho bao nhiêu tù nhân Cộng sản bị đế quốc thực dân xử ở tòa án, đưa đi tù đày. Và Đoàn Giỏi khi ấy mới biết mặt luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Anh đã cúi đầu hối lỗi, sau đó anh đích thân mời luật sư ra vùng kháng chiến theo lệnh của ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Từ đấy anh và bác Ba mới biết nhau. Khi bác Ba ra Hà Nội, chúng tôi khuyên Đoàn Giỏi đến chào thăm bác Ba. Nhưng Đoàn Giỏi vẫn khí khái: Bây giờ bác Ba là lãnh tụ của phong trào giải phóng là Nghị trưởng – ý anh nói là Chủ Tịch Quốc hội (sau giải phóng), nếu mình đến thì thiên hạ sẽ nói mình “thấy sang bắt quàng làm họ”. Nhưng bác Ba thì lại khác, một trong những người bác Ba muốn thăm lại là Đoàn Giỏi. Bác cho người mời Đoàn Giỏi đến chơi, Đoàn Giỏi rất cảm động, những tưởng bác Ba thành kiến cho tội ấu trĩ “lên mặt” dạy đời của mình. Không ngờ bác Ba tình nghĩa cho người mời anh đến. Anh nói: luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người đại lượng như thế, nhân từ như thế! Ở Hà Nội khi chúng tôi đến thăm bác Ba, Đoàn Giỏi thường điện thoại trước, bác Ba cho người ra đón. Chính tay bác pha trà mời chúng tôi. Ôi một vị quyền Chủ tịch nước mà Đoàn Giỏi có khi gọi vui là “Quốc trưởng” mà sao bình dị và chân thật như bác nông dân miệt vườn. Nhiều lúc bác nhờ Đoàn Giỏi và tôi tìm cho tài liệu, báo chí và sách truyện đang có nhiều vấn đề tranh luận và bác trao đổi chân tình về văn chương thế sự với chúng tôi một cách cởi mở không khách sáo màu mè…

 

- Lúc Đoàn Giỏi sắp hấp hối ở bệnh viện thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh, chị Lục vợ anh Giỏi lúc ấy năm 1989 không lấy được vé máy bay, chị gọi điện thoại với bác Ba, bác Ba cho người ở văn phòng giải quyết, còn gửi thuốc men, lộ phí cho chị Lục để vào chăm sóc chồng.

 

II/ Tình cảm anh em, tình bạn văn chương.

Đoàn Giỏi đi Hungary về là anh ăn tết ở nhà tôi. Năm đó là năm Kỷ Tị (1989), tháng hai mùa xuân, tức tháng 4 năm dương lịch mấy ngày sau anh lại vội vã ra đi, để lại cho gia đình tôi nỗi đau quá lớn.

 

Nói là ăn Tết, nhưng anh có còn ăn được gì? Tôi có ngờ đâu đây là các Tết cuối cùng. Một miếng pho mát nhỏ bằng quân cờ, một ly rượu bằng hạt mít anh cũng không uống nổi. Hội Văn nghệ Thành phố cấp cho anh một căn phòng 20 mét vuông, trần dột nát khi mưa, côn nóng thì mái tôn hầm hập như lò nướng bánh. Anh nằm giường chiếc bên cạnh bố con tôi. Các con tôi gọi anh bằng Ba Năm – chả anh là thứ năm – vợ tôi cũng quê Tiền Giang với anh, nên anh coi như là ruột rà cốt nhục.

 

Khi tập kết ra Bắc, anh gặp tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam tình cờ trong một cuộc họp cộng tác viên, biết tôi họ Đoàn anh đến bắt tay: “Cậu Tuấn này, họ Đoàn ít lắm, cũng chẳng làm vua, làm chúa và quan quyền bao giờ, ông tổ chúng mình cũng từ đất Quảng vào, chắc chúng ta cùng họ nhưng khác chi, khi cha ông ta chịu nỗi áp bức, di dân về phương Nam tha phương cầu thực”.

 

Kể từ những năm của thập niên 50 ấy, chúng tôi đã thân nhau lắm. Ở Hà Nội nhà tôi ở gần nhà anh – tôi ở Hàng Khay, còn anh ở Cổ Tân, cách nhau chừng 300 mét nên chúng tôi vẫn thường đi lại với nhau trong cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”. Lúc còn ở bộ đội, tôi đã được đọc “Cây đước Cà Mau” của anh từ tháng 11-1954. Bà má Năm Căn anh tả trong hồi ký này hiện lên cùng sông nước cỏ cây chim muông, cá tôm, thời tiết… Ngôn ngữ theo đầu ốc văn chương ngờ nghệch của tôi thời sinh viên. Có lần anh Xuân Diệu nói với tôi: “Bà má Năm Căn – bài thơ của mình cũng nhờ đọc Đoàn Giỏi mà có”

 

Anh là một con người phóng khoáng, hào hiệp, có tấm lòng sâu nặng với sông Tiền cho nên khi giải phóng quê nhà – lúc bấy giờ tôi ở chiến khu về tiếp quản Đài truyền hình giải phóng Sài Gòn – anh điện cho tôi “chuẩn bị xe cho mình về một chuyến thăm quê” và mùa xuân năm 1976, anh vào. Tôi cũng nhận công tác miền Tây nên cùng anh và một bạn quay phim về ăn Tết ở Mỹ Tho. Tôi có ra gò đất bên thị trấn Tân Hiệp viếng mộ song thân anh. Năm ấy anh vừa tròn 50 tuổi, tóc mới hoa râm, anh ngồi kề bên bia một đá xanh đốt đến ba tuần hương, và theo phong tục làng quê, chúng tôi châm lửa đốt vàng, một cơn gió nhẹ cuốn tàn gió bay cao đến hàng chục mét. Vốn là người có chiều sâu tâm linh và để tâm nghiên cứu thiền học, anh vỗ vai tôi: “Thôi về được rồi Tuấn ạ”. Ba má đã về và đã bay vào cõi hư vô, chứng kiến cho con cháu đến lạy tổ tiên rồi đó”.

 

Rồi sau đó tôi cùng anh về Cà Mau. Dọc theo đường, anh thích tạt vào những vườn cây ăn trái sum sê. Anh ngắm nhìn từng chiếc lá, từng rễ cây, từng ngọn đước, ghi ghi chép chép cẩn thận. Đêm dưới ánh trăng không đủ sáng để nhìn, anh rọi đèn pin xem từng con cua, con còng, con cá kèo… bò ra khỏi hang kiếm ăn. Và anh đưa tôi trở lại những vùng đất mà nhân vật An của anh trong “Đất rừng Phương Nam” đã lưu lạc… Là người đã từng học trường Beaux-art (Mỹ thuật Gia Định) những năm 40, nếu suôn sẻ thì cũng là một nhà danh họa vẽ, còn mình chọn nghề thị chọn nghề thị chọn nghề kiểm lâm. Theo anh thì đi vào rừng sâu có nhiều điều mới lạ, bắt mình phải khám phá, tìm hiểu, quan sát .. Anh say mê màu sắc chiếc lá khi chiều tà, ngọn cỏ lúc sương tan, con cò đầu bạc đủng định ung dung như đạo sĩ bên bờ sú vẹt xanh um… Và anh đã viết truyện “Rừng đêm xào xạc” (Truyện đã được giải thưởng của ngành Lâm nghiệp). Ôi một người đắm đuối với thiên nhiên và yêu quý động vật cỏ cây nhưng lại là một người rất khinh bạc trong cuộc sống. Nhiều lúc anh ngồi buồn thừ người ra suy nghĩ vẫn vơ, thở dài. Có lúc ngậm ngùi thê thiết, anh thường than vãn với tôi “Tết ở Hà Nội nhớ Tiền Giang, Sài Gòn, khi về Sài Gòn lại nhớ Tết Hà Nội. Một nửa đời mình gắn bó với Hà Nội đó”! Và cũng vì tình yêu quê hương, đất nước mà anh đã góp phần dìu dắt bao nhiêu nhà văn trẻ của đồng bằng sông Cửu Long, kể cả ngày qua và hôm nay.

 

Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ phương Nam hiện đại, anh là người “máu của máu Việt Nam” là vậy! Tiếc rằng anh đã quá vội ra đi khi “Núi cả, cây ngàn” tiểu thuyết.

 

Nói về thời kỳ hồng hoang của mảnh đất Nam Bộ còn đang dang dở. Nếu Nam Tào gia hạn hộ chiếu trần gian cho anh 6 tháng nữa, lúc ấy chắc chắn chúng ta có thêm những trang sử thi sống động và giàu chất phiêu lưu, thêm những trang từ điển lý thú về ngôn ngữ văn học vùng này. Năm 1948 anh là Trưởng ban Trinh sát Công an, được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, cho nên tác phẩm của anh anh khám phá và quan sát rất kỹ. Như người trinh sát điều tra một vụ án, khám xét hiện trường, bởi vậy cuốn sách “Cuộc sưu tầm kho vũ khí” (1962) là một truyện vừa mang đậm màu sắc trinh thám ly kỳ hấp dẫn của anh ấy, kể lại đời của một cô gái bị bỏ rơi trong rừng sâu Bảy Núi, sống với đàn vượn những ngày còn hoang sơ, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Sự đùm bọc của dân chài, dân cày, dân miệt rừng… Khí phách và tình nghĩa của nhân dân Nam Bộ thuở ban sơ. Số phận bi thảm của những con người bị áp bức, kẻ xâm lăng dã man tàn bạo, đặc biệt là cảnh sinh hoạt của vùng ngập mặn mới đầu chưa được khai phá… đấy là bối cảnh của “Núi cả, mây ngàn”.

 

Anh đã nói với tôi: Cuốn sách này mình thai nghén từ lâu, ước mong nó là thông điệp lịch sử đấu tranh trong buổi sơ khai của “Nam Kỳ lục lỉnh”, khi thực dân Pháp mới xâm lược và đó là cuốn tiểu thuyết dài 10 chương mà anh đã ấp ủ mãi những năm cuối của đời anh.

 

Đề cương tóm tắt mà Đoàn Giỏi trước khi chết đã đưa cho tôi, để tôi viết bài in báo – tôi đã chuyển cho chị Lục cả tập bản thảo viết tay này. Tôi là người được nhờ tìm tư liệu giúp anh ở Thư viện Quốc Gia về buổi bình minh “mang gươm đi mở cỏi”, bởi tôi hay vào thư viện tra cứu các truyện cũ, kể cả các tiểu thuyết ta viết về mở đất như “Quả dưa đỏ” của vua An Tiêm và các thư tịch xa xưa của thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong… Riêng thư viện nhỏ ở nhà tôi đã có mười nghìn cuốn sách mà anh thường xuống đọc nhờ, nghiên cứu. Một hôm anh mệt, anh đọc cho tôi ghi đề cương

 

Anh là một người vũ dũng, một nhà văn tài hoa vào bậc nhất của Nam Bộ, anh đọc nhiều, đi nhiều, lịch lãm và từng trãi, đã viết nên những tác phẩm văn học chân thực. Sau Tết Kỷ Tỵ, tôi lại đưa anh vào bệnh viện. Anh mang theo tập bản thảo ở dạng đề cương chi tiết về truyện dài “Núi cả, mây ngàn”. Sau đó anh đã trối trăng giao cho nhà văn trẻ Ung Ngọc Trí dựng lại? Chao ôi! Có ai viết tiếp cho ai được đâu? và cũng chưa hề có tiểu thuyết nào hai người viết mà thành công được…

 

III. Số phận đời người

 

Trước Cách mạng Tháng Tám, Đoàn Giỏi theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, sau khi học xong Trung học Mỹ Tho. Truyện ngắn của anh được in vào năm 1943, được cụ Hồ Biểu Chánh chọn đăng trong “Nam Kỳ Tuần báo”. Năm 1947, Đoàn Giỏi đã làm Trưởng Công an, phụ trách 10 xã của huyện Châu Thành. Năm 1948, anh vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Phó ty Tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho kiêm chủ bút báo Tiền Phong của Mặt trận Việt Minh Mỹ Tho. Năm 1950, làm Phó ty Thông tin tỉnh Rạch Giá. Năm 1951, là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Nam Bộ và Ủy viên Biên tập tạp chí Lá Lúa. Rồi anh tập kết ra Bắc, cho ra đời “Đất rừng phương Nam” vừa được Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh dựng quay phim truyện (16 tập) với những nhân vật đầy cá tính với cỏ cây, sông nước, chim muông, cá tôm, thú rừng cùng với bao thuần phong mỹ tục. Nhà thơ Tế Hanh đã đánh giá với các bạn nhà văn nước ngoài: “Chúng tôi có thể gọi “Đất rừng Phương Nam” đó là truyện Rôbinxơn của Việt Nam! Vì nó cũng là những trang vàng huyền thoại và hấp dẫn không kém”.

 

Tôi và Đoàn Giỏi đã từng khăn gói: “giang hồ” khắp các miền của đất nước từ Mũi Ngọc, Trà Cổ Cự Bắc, đến tận mũi Cà Mau cực Nam. Những ngày tôi và nhà thơ Nguyễn Duy đang dàn dựng bộ phim tài liệu về anh do tôi biên kịch, Nguyễn Duy đạo diễn VTV3 chiếu 2 lần và HTV đã chiếu 3 lần.

 

Anh từng là tác giả của tiểu thuyết “Người thủy thủ trên hòn đảo lưu đày” viết về Chủ tịch Tôn Đức Thắng những ngày bị giam giữ ở nhà ngục Côn Lôn, hồi ức “Từ miền đất Tiền Giang” năm 1980 viết về Nguyễn Thị Thập với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và Cách Mạng mùa Thu. Bao nhiêu trang viết là bao nhiêu lao lực, bao nhiêu tấm lòng, bao nhiêu cuộc đời và cả nước mắt mồ hôi của tác giả. Đoàn Giỏi đã viết hàng chục tám phẩm: Cá bóng mú (1956, Ngọn tầm vông (1957), Trần Văn Ơn (1955), Hoa Hướng Dương (1960), Những chuyện lạ về cá (1981), Tê giác trong rừng xanh (1982). Khí hùng đất nước (1949), Chuyện thằng Cồi (1952), những tác phẩm của anh đều đã để lại dấu ấn rất sâu sắc cho nhiều thế hệ bạn đọc.

 

Đoàn Giỏi đã nhận lời với đồng chí Trung tướng Phạm Tâm Long và Dương Thông, lãnh đạo Bộ Công an viết tiểu thuyết tư liệu về vụ án gián điệp Võ Văn Ba – Vụ Phản gián vạch trần âm mưu của CIA, giáo dục cảnh giác cho cán bộ, nhân dân, tuyên truyền chiến tích của công an trên mặt trận thầm lặng này. Anh đã sắp xếp cùng đội đi lấy tài liệu và đã đi thực tế Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre… nhưng tất cả đành gác lại vì cơn bệnh hiểm nghèo.

 

Tưởng nhớ ngày anh đi xa 20 năm chúng ta thắp nén hương nhớ anh, kỷ niệm về anh, nhà nước ta có giải thưởng văn học xứng đáng truy tặng anh giải Quốc gia và huân chương Độc Lập hạng nhì. Tấm lòng anh sâu nặng với Tiền Giang và Mỹ Tho – Thành phố quê hương anh – dành cho một con lộ nhỏ đặt tên Đoàn Giỏi … và cũng nhân đây cũng xin thông báo với anh em đồng nghiệp và bạn đọc cả nước: Trường Tiểu học Tân Hiệp quê anh đó là nơi sinh ra anh, cùng cơ quan huyện Châu Thành, nơi anh làm Trưởng Công an đã được đặt tên Trường Đoàn Giỏi./-

  

7/ 2010

Đ.M.T

Đoàn Minh Tuấn
Số lần đọc: 2806
Ngày đăng: 30.06.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhập cuộc Phê bình mở - Inrasara
Nhà văn Tô Hoài ,Trang viết lớn từ những chuyện nhỏ - Vân Long
Chữ Nghĩa – Cà Phê – Văn Nghệ - Thụy Vi
Sau 10 năm tìm gặp ngôi mộ “người Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam”: Viết tiếp câu chuyện về thuỷ thủ William Cook - Trần Trung Sáng
Chị Tôi Và Tôi - Trần Áng Sơn
Ngồi đờn xuống thung lũng - Kiệt Tấn
ChămPa cõi đẹp an lành - Lâm Xuân Vi
Nghìn năm vàng dấu cát - Kỳ 3 - Văn Thành Lê
Nghìn năm vàng dấu cát - Kỳ 4 - Văn Thành Lê
Cỏ vẫn xanh dưới chân Thành Cổ - Minh Tứ