Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
855
123.366.586
 
Miếng trầu của mẹ
Phan Chính

Khoảng thập niên bốn mươi năm mươi thế kỷ trước vẫn còn lắm vùng quê người dân mình chịu nhiều thiếu thốn những tiện ích sinh hoạt thường ngày. Tôi nhớ mãi mẹ tôi khi bổ những quả cau già, vỏ hườm hườm màu vàng chín, lấy ruột ngâm để xỉa trầu còn phần vỏ cắt đôi và chia làm nhiều múi. Rồi dồn vào chiếc lon sữa bò để làm những cái bàn chải sau này, khi mỗi sáng dùng vỏ cau chà vào hàm răng…thế là xong. Trầu cau, lọ vôi trong chiếc rỗ đan hay chiếc túi ví bằng nang lá buông lúc nào cũng bên mẹ nó khác với của người thành thị là khay trầu gỗ khảm sa cừ, ống nhổ, bộ ngoáy bằng đồng vàng óng… Mỗi khi bình vôi bị vỡ không được vứt bừa bãi mà tìm chỗ gò mối hoặc góc miếu để “gởi” nằm chung với những chiếc hỏa lò cũ bằng đất cho nên cả xóm tự coi đó là một góc thiêng! Đến bây giờ tôi cũng không giải thích được vì sao? Ở quê, đất rộng trồng đủ loại cây ăn trái nhưng ít ra nhà nào cũng phải có vài nọc trầu hoặc hàng cau cho mẹ. Đôi lần gặp lại một bức ảnh đen trắng với vài thân cau thẳng đứng in giữa bầu trời mây bay có vành trăng lững lờ bỗng dưng lòng bùi ngùi bao kỷ niệm.

 

Liễn trầu chục lá đầy đặn chất cay, độ giòn mẹ chọn ra từng lá mướt xanh lật ngửa mặt gân lá để têm vôi rồi cuộn lại như một gói nem nhỏ mới nhai bỏm bẻm một cách ngọt ngào. Mẹ nói, thương nhau cau sáu chẻ ba/ Ghét nhau cau sáu chẻ ra làm mười. Tôi sau này mới hiểu đó là lời trách móc thói đời. Khi vào tuổi già, chỉ còn hàm lợi răng mẹ phải dùng ngoáy để giả nát, trong chiến tranh bộ ngoáy thường là bằng ống túc đạn đại liên được cưa ra là cối ngoáy trầu. Cháu con, người thân đến thăm khi mẹ đau ốm thì cử chỉ đầu tiên là ngoáy trầu cho mẹ, nét mặt mẹ rạng rỡ hạnh phúc vô cùng. Khi mẹ tôi không còn nữa, cạnh giường mẹ vẫn còn một mảng tường vôi in chi chít dấu bả trầu nâu quạnh. Tôi không đành sơn lại vì nơi này mẹ thường tự vịn bàn tay run rẩy vào đây để đứng dậy lúc tuổi đang yếu dần.

 

Lệ xưa ý nghĩa miếng trầu là đầu câu chuyện cho nên trong cưới hỏi vẫn là một chiếc mâm tròn trịa bày ra liễn trầu buồng cau rất tinh tế. Tôi nghĩ lá trầu có thể là biểu trưng cho tính cách của người phụ nữ Việt Nam chất chứa vị cay chát, nhuần nhuyễn nhưng lại chắt ra màu tươi tắn dịu dàng thấm đậm tình mẫu tử, thủy chung. Trên bàn thờ mẹ ngày xuân, không thể thiếu lá trầu têm vôi và quả cau tươi bổ đôi, dẫu biết làm gì thấy mẹ bỏm bẻm như xưa mà lễ vật này đã dịu dàng trong con những rưng rưng hoài niệm./.

Phan Chính
Số lần đọc: 2783
Ngày đăng: 01.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Anh Có Tha Lỗi Cho Tôi Không? - Thụy Vi
Ở nơi có những đốm sáng. - Lê Minh Phong
Đà Lạt Chim Sẻ - Nguyễn Thánh Ngã
Một Thoáng Thơ Tình Thời Chiến - Cao Thoại Châu
Vẫn tiếp tục… - Nguyễn Hồng Nhung
Lãng Du Trong Văn Học Trung Quốc - Lương Văn Hồng
Tôi Không Muốn Trở Thành Một Cái Xác Lạc Loài - Lê Minh Phong
Cũng Có Thể Tôi Đã Siêu Thoát - Lê Minh Phong
Bài tập làm văn - Huỳnh Văn Úc
Nền Ngôi Trường Cũ - Khải Nguyên
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)