Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
524
123.195.719
 
Nhận thức lại về nguồn gốc người Hán
Hà văn Thùy

Tuyệt đại bộ phận người Trung Quốc hôm nay là người Hán. Nhưng nguồn gốc của họ ra sao vẫn trong vòng bàn cãi. Bài viết dưới đây trình bày cách nhìn mới về vấn đề này.

 

I. ĐIỂM LẠI NHỮNG THUYẾT ĐÃ CÓ:

 Về nguồn gốc người Hán, trên đại thể có những thuyết sau:

 

a - Truyền thuyết:

Truyền thuyết Trung Hoa nói rằng, dân tộc Hán là Viêm-Hoàng tử tôn, tức là con cháu của Viêm Đế họ Thần Nông và Hoàng Đế họ Hiên Viên. Trong cuốn “Sự hình thành và phát triển nền văn hóa Trung Hoa” (1), dẫn sách “Lịch sử Trung Quốc cổ đại truyền thuyết” thì “Bộ lạc của Trung Quốc thời viễn cổ gồm 3 tập đoàn. Tập đoàn Hoa Hạ ở phía Tây Bắc, tập đoàn Đông Di ở phía Đông, tập đoàn Man ở phía Nam. Tập đoàn Hoa Hạ bao gồm các tộc Hoàng Đế, Viêm Đế. Viêm Đế họ Khương, Hoàng Đế họ Cơ…”

 

b. Quan điểm của Vương Ðồng Linh và Chu Cốc Thành.

 Trong cuốn Trung Quốc dân tộc học (2), nhà sử học Trung Quốc Vương Đồng Linh viết:

 

 "Khoảng 500.000 năm trước, sau bốn lần băng tuyết, những người sống sót trú trên rặng núi Thiên Sơn. Sau đó nhóm người này tỏa ra phía Tây làm dân da trắng, nhóm người tỏa ra phía Ðông làm dân da vàng. Nhóm người này chia làm hai ngả: Thiên Sơn bắc lộ gồm Mãn, Mông, Hồi. Một theo Thiên Sơn Nam lộ gồm Miêu, Hoa, Tạng. Trong đó Tạng là Anhđônê, Mã Lai Á, Nam Dương, Cao Mên, Chàm. Hoa là Hán tộc sau này. Miêu là Tam Miêu, Bách Việt trong đó có Âu Việt (Miên, Thái, Lào), Miêu Việt (Mèo, Mán), Lạc Việt (Việt Nam, Mường)”

 

- Chu Cốc Thành trong cuốn Trung Quốc thông sử (2):

 “Viêm Việt đã vào nước Tàu trước theo ngọn sông Dương Tử. Thoạt kỳ thủy chiếm 7 tỉnh Trường Giang rồi tỏa lên Bắc chiếm 6 tỉnh Hoàng Hà, cũng như tỏa xuống mạn Nam chiếm 5 tỉnh Việt Giang, vị chi là 18 tỉnh. Vì thế khi người Hoa vào thì Viêm Việt đã cư ngụ rải rác khắp nước Tàu, là vì Hoa tộc tuy cũng theo Thiên Sơn Nam lộ nhưng nấn ná ở lại vùng Tân Cương thuộc Thanh Hải lúc bấy giờ còn là phúc địa, mãi sau mới theo ngọn sông Hoàng Hà vào chiếm 6 tỉnh miền Bắc rồi dần dần lan tỏa xuống miền Nam đẩy lui Viêm Việt.”

 

 c. Quan điểm của Zhou Jixu.

Cuối năm 2006, trong tài liệu: Cội nguồn văn minh nông nghiệp ở Trung Quốc. Sự khác nhau giữa tài liệu khảo cổ và cổ sử cùng sự lý giải. (3) giáo sư Zhou Jixu viết:

 Không giống như các dân cư Ngưỡng Thiều và Hà Mục Độ là những người đến từ miền Nam Trung Quốc, dân cư của Hoàng Đế đến từ phía Tây của Trung Quốc, từ phần phía Tây của lục địa Âu-Á. Họ chinh phục người dân của lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử, những người thủ đắc nền văn hóa nông nghiệp phát triển. Bằng cách kết hợp văn hóa riêng của họ với các yếu tố văn hoá của người bản địa, dân cư của Hoàng Đế từng bước phát triển một nền văn minh rực rỡ mới vào thời Hạ, Thương và Chu. Họ thay thế người dân bản địa, nắm giữ vai trò lãnh đạo trên các giai đoạn lịch sử Trung Quốc. Cho rằng dân cư của Hoàng Đế là một chi nhánh của người Ấn – Âu cổ, là một trong những sự kiện đáng kể nhất nay được biết tới trong lịch sử nhân loại.(HVT nhấn mạnh)

 

II. BÌNH LUẬN.

a. Về truyền thuyết Viêm - Hoàng tử tôn.

Theo nguyên lý mỹ học, truyền thuyết là ánh xạ của lịch sử. Dưới hình thức truyền thuyết, tâm linh và trí tuệ dân gian ký thác trong đó cái hồn, cái vía của lịch sử để lưu truyền cho hậu thế. Vì lẽ đó, truyền thuyết gắn bó hữu cơ với lịch sử. Do vậy, có thể truy tìm chân lý từ hai chiều. Từ truyền thuyết phát hiện sự thật lịch sử. Và ngược lại, từ sự thật lịch sử để hiểu đúng truyền thuyết. Do sự ký thác của người xưa thường cô đọng dưới dạng biểu tượng nên việc giải mã truyền thuyết cực kỳ khó khăn. Điều này dẫn tới hai thái cực: một cho truyền thuyết là hoang đường không đáng quan tâm. Một lại đồng nhất truyền thuyết với lịch sử dẫn đến sai lầm ngộ nhận. Tuy vậy, cũng có những trường hợp, từ giải mã truyền thuyết đã làm sáng tỏ nhiều sự kiện bị khuất lấp, mở ra hiểu biết mới về lịch sử. Trường hợp triết gia Kim Định phát hiện ra Việt Nho, giáo sư Stephen Oppenheimer giải thích một số vấn đề của văn minh tiền sử Đông Nam Á là những thí dụ tiêu biểu. Ngày nay, do những thành tựu của khoa học, chúng ta biết nhiều hơn về giai đoạn tiền sử vì vậy có thêm những chứng cứ xác thực để hiểu truyền thuyết.

Từ tri thức hôm nay, có thể giải mã truyền thuyết Viêm-Hoàng tử tôn như sau:

- Đúng là dân cư Trung Quốc hợp thành từ ba nguồn chính: Hoa Hạ, Đông Di và Nam Man. Và cũng đúng người Hoa Hạ là con cháu Viêm Đế và Hoàng Đế. Nhưng không phải Viêm Đế họ Khương, Hoàng đế họ Cơ mà là hai chủng tộc Bách Việt và Mông Cổ.

 

b. Về quan điểm của Vương Đồng Linh và Chu Cốc Thành:

 

Tri thức nhân học hiện nay phủ định thuyết Đa trung tâm nên cũng phủ định luôn ý tưởng cho rằng, “500.000 năm trước, những nhóm người sống sót từ chân núi Thiên Sơn di cư sang châu Âu và châu Á để trở thành con người hiện nay.” Hiểu biết mới cũng phủ nhận việc con người di cư từ Tây Bắc xuống mà khẳng định con người trên đất Trung Hoa là từ phía Nam lên. Có một điều hai tác giả này đúng khi cho rằng người Việt có mặt ở Trung Hoa trước người Hoa Hạ.

 

c. Về quan điểm của Zhou Jixu:

Dựa trên so sánh giữa ngôn ngữ Ấn-Âu và ngôn ngữ Hán, Zhou Jixu cho rằng những người vào lưu vực Hoàng Hà chiếm đất của người Bách Việt là những bộ lạc Tiền Ấn – Âu. Chính những người mang gen Indo-Europians này làm nên thành phần chủ lực của dân số Trung Quốc là người Hán. Nhưng di truyền học khi phát hiện bộ gen Mongoloid phương Nam của người Hán đã bác bỏ giả thuyết này. Nếu quả như tác giả nói thì hiện nay, người Hán phải có mã di truyền Ấn – Âu giống như người Ấn Độ. Đó là điều không tồn tại trên thực tế. Không thể nào hiểu được là, vì sao tác giả lại tự mâu thuẫn như vậy: trong khi khẳng định người Hán thuộc chủng Mongoloid phương Nam, lại cho rằng tổ tiên họ là người Indo-Europians!

 

III QUAN ĐIỂM CỦA CHÚNG TÔI

 

a. Tổng quan tình hình dân cư khu vực

Muốn biết nguồn gốc người Hán hiện đại, cần xác định tình trạng dân cư thời tiền sử của khu vực. Trong hai cuốn sách Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2007) và Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn Học, 2008) và nhiều bài viết đã công bố, chúng tôi chứng minh rằng, khoảng 10000 năm trước, tình hình dân cư trên lục địa Trung Quốc như sau:

-          Từ lưu vực Hoàng Hà xuống phía Nam là địa bàn của người Bách Việt, thuộc loại hình Australoid. Đấy là bốn chủng Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid do sự hòa huyết của đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ Dương tới Việt Nam 70.000 năm trước và di cư lên Trung Hoa khoảng 30 – 40000 năm cách nay.

-          Tại Tây và Tây Bắc Trung Quốc, các bộ lạc Mông Cổ du mục cư trú. Đây là người Mongoloid từ châu Phi tới Việt Nam rồi di chuyển theo hành lang Tây Bắc tới định cư ở vùng Tây Tạng khoảng 40000 năm trước. Từ săn bắt hái lượm, họ chuyển sang du mục, trở thành những bộ lạc Mongoloid phương Bắc.

-          Tại Tây Nam và Đông Bắc Trung Quốc có những bộ lạc thiểu số mang gen Á-Âu từ Trung Á sang sinh sống vào khoảng 15000 năm trước.

 

Bên cạnh đó, khoảng 8000 năm trước, xuất hiện hai nhóm dân cư mới:

 

Người Ngưỡng Thiều (Yangshao)

Muộn nhất, khoảng 8000 năm trước, tại vùng hoàng thổ Hoàng Hà, có sự tiếp xúc, hòa huyết giữa người Mông Cổ phương Bắc và người Bách Việt, sinh ra chủng mới là người Mongoloid phương Nam trong cộng đồng Bách Việt. Học nghề nông cùng văn hóa của tổ tiên Bách Việt, họ trở thành chủ nhân văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều. Không có bất cứ tài liệu nào về nhân số người Ngưỡng Thiều nhưng dựa vào bức tranh dân cư khu vực, chúng tôi cho rằng, họ có số lượng đáng kể.

 

Người Hà Mục Độ (Hemudu)

Trong khi có những nhóm Mongoloid riêng lẻ từ Đông Dương đi lên Tây Bắc Trung Hoa thì cũng có những nhóm đồng chủng của họ theo bờ biển đi tới vùng cửa sông Dương Tử, Chiết Giang và ở lại. Khoảng 5000 năm TCN, khi người Bách Việt mở rộng vùng phân bố, đã tiếp xúc với người Mongoloid bản thổ. Sự lai giống diễn ra, chủng Mongoloid phương Nam ra đời. Cũng như người Yangshao, họ không phải người Hoa Hạ mà là chủng mới của cộng đồng Bách Việt, là chủ nhân của văn hóa lúa nước nổi tiếng Hemudu (Hà Mục Độ). Điều giáo sư Zhou Jixu cho rằng “Người Ngưỡng Thiều và người Hà Mục Độ là từ phía Nam Trung Quốc lên”(3) cần được giải thích rõ hơn. Vào thời điểm 10000 năm trước, toàn bộ phía Nam Trung Quốc do người Australoid chiếm lĩnh, người Mongoloid phương Nam chưa ra đời. Người Hà Mục Độ mới được sinh ra khoảng 5000 năm TCN nên không thể đi lên phương Bắc để thành người Ngưỡng Thiều. Nhiều khả năng hơn là cả người Ngưỡng Thiều và Hà Mục Độ được sinh ra tại chỗ, do sự hòa huyết giữa người Bách Việt và người Mông Cổ phương Bắc cũng ở Việt Nam lên, cư trú ở đó từ trước.

 

b. Nhận diện đặc điểm di truyền của người Hán

 

Cho đến nay, người Hán được nghiên cứu khá kỹ về chủng tộc, văn hóa và lịch sử. Nhưng như phân tích trên, nguồn gốc người Hán chưa được xác định. Các nhà khoa học Trung Quốc cũng như thế giới thừa nhận người Hán thuộc chủng Mongoloid phương Nam và tiền thân của họ là nhóm Hoa Hạ xuất hiện sau thời Hoàng Đế.

 

Tài liệu truyền thống cho rằng “Người Hoa Hạ vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Bách Việt.” Nhưng phân tích nguồn gen người Hán cùng tình hình dân cư khu vực cho thấy, thời điểm phía Nam Hoàng Hà bị xâm lăng, người Hoa Hạ chưa ra đời, còn người Ngưỡng Thiều và Hà Mục Độ, là nạn nhân nên không thể là chủ thể của cuộc xâm lược. Có thể khẳng định, Xâm lăng Bách Việt khoảng 2600 năm TCN là người Mongoloid phương Bắc. Cho rằng “người Hoa Hạ xâm lăng Bách Việt” là sai lầm nghiêm trọng, làm đảo lộn lịch sử.

 

c. Hai nguồn dân cư tạo nên người Hán hiện đại

Từ thực trạng dân cư, từ tiến trình lịch sử, từ những nghiên cứu khảo cổ, ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử vùng, chúng tôi cho rằng tổ tiên người Hán hiện đại được tạo nên từ hai nguồn.

 

Nguồn thứ nhất: khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ phương Bắc vượt Hoàng Hà xâm lăng Bách Việt. Họ hòa huyết với người Bách Việt, sinh ra người Mongoloid phương Nam, tự gọi là Hoa Hạ. Cùng với quá trình mở rộng lãnh thổ, người Hoa Hạ hòa huyết với người Việt bản địa và tăng nhanh số lượng. Sau vài trăm năm, người Mông Cổ thuần chủng không còn. Trong khi đó những người Việt bản địa không chịu đồng hóa thì biến thành người thiểu số. Người Hoa Hạ trở thành đa số, giữ vai trò chủ thể của nhà nước Hoàng Đế. Dân cư nhà nước Hoàng Đế mở rộng tới thời Thương, Chu và là một bộ phận dân cư tạo thành nhà Tần.

 

Nguồn thứ hai:

Từ cuộc xâm lăng của người Mông Cổ, một bộ phận đáng kể người Bách Việt chạy về phía Đông và Nam. Trong dòng di tản có số lượng đáng kể người Mongoloid phương Nam, chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều. Người Mongoloid phương Nam tăng nhanh số lượng do hòa huyết với người Bach Việt Australoid. Cho tới khoảng 2000 năm TCN, đa số dân cư trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử như Ngô, Việt, Sở được chuyển hóa từ Việt cổ (Australoid) sang Việt hiện đại (Mongoloid phương Nam). Theo nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt cổ Đỗ Thành, người Việt vùng này đồng thời cũng gọi mình là Hàn, Hon, Hòn. Khi chiếm nước Sở, Tần Thủy Hoàng sáp nhập khối dân Việt của Sở vào với người Hoa Hạ của nhà Chu. Cả hai dòng người lúc này cùng một chủng Mongoloid phương Nam và ngôn ngữ phổ thông là tiếng Việt, được gọi là nhã ngữ. Nước Trung Hoa lúc này được thế giới biết đến với tên gọi Tsin. Khi nhà Tần sụp đổ, Lưu Bang lập nước dựa trên cương vực và thể chế nhà Tần, đã lấy tên tộc Việt của mình là Hòn, Hon () theo cách đọc Bắc Kinh là Hán, đặt cho vương triều. Từ thời điểm đó, danh xưng Hoa Hạ được thay bằng danh xưng Hán để chỉ người Mongoloid phương Nam chiếm đa số trong dân cư Trung Quốc. Như vậy, vào thời Tần-Hán, người Hán được hình thành do sáp nhập khối người Hoa Hạ vào khối người Việt trên địa bàn đất Kinh, Dương của nước Văn Lang cũ.

 

IV. KẾT LUẬN

 

Suy cho cùng, lịch sử một quốc gia là lịch sử hình thành và phát triển của khối dân cư chủ thể tạo nên quốc gia đó. Vì vậy, khi chưa xác định được nguồn cội và sự hình thành của khối người Hán, chưa thể hiểu căn cơ lịch sử, văn hóa Trung Hoa. Từ phân tích trên, người viết cho rằng, đây là lần đầu tiên, cội nguồn cũng như quá trình hình thành khối dân cư Hán trong lịch sử Trung Hoa được trình bày một cách khoa học, sáng rõ.

 

Sài Gòn, tháng Sáu, 2010

 

Tham khảo:

  1. Bản dịch tiếng Việt: Cội nguồn văn hóa Trung Hoa. Đường Đắc Dương chủ biên. NXB Hội Nhà văn. 2003.
  2. Vương Đồng Linh Trung Quốc dân tộc học & Chu Cốc Thành Trung Quốc thông sử. Dẫn theo Kim Định Việt lý Tố nguyên. An Tiêm Sài Gòn. 1970.
  3. Zhou Jixu. The Rise of Agricultural Civilization in China:
  4. The Disparity between Archeological Discovery and the Documentary Record and Its Explanation. Sino-Platonic Papers, Đại học Pennsylvania. Number 175 December, 2006)
Hà văn Thùy
Số lần đọc: 12351
Ngày đăng: 01.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài viết về hậu duệ họ Lê - Diệp Hồng Phương
6 Chữ và 16 Chữ - Đinh Kim Phúc
Về Địa Danh Vịnh Vân Phong - Nguyễn Man Nhiên
Hài cốt cụ Nguyễn hay xương thằng Tây? - Nguyễn Văn Dũng
Địa danh Khánh Hòa thời mở đất - Nguyễn Man Nhiên
Văn Miếu Diên Khánh - Nguyễn Man Nhiên
Đạo Công Giáo vào Việt Nam (1533-1659) thế nào ? - Trần Văn Cảnh
Thư Ngỏ gửi Tiến Sĩ Đỗ Ngọc Bích (Đại Học Yale) - Đinh Kim Phúc
Bình Tuy, những ngày cuối cùng. - Phan Chính
Một đề xuất lạ ? - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)