Vào giữa quý 2, năm 2010 - nhà xuất bản Lao Động đã cho ấn hành Tuyển Tập Thơ của 30 Tác giả đang ngày đêm lao động sáng tạo cho sự đổi mới của dòng thơ ca hiện đại hôm nay; có tựa là “Bông & Giấy”.
Tập thơ dày 315 trang, gồm hơn 150 bài thơ của các tác giả: Tiểu Anh, Bỉm, Nguyễn Khương Bình, Đoàn Minh Châu, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Đạt, Phùng Tấn Đông, Khương Hà, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thì Ánh Huỳnh, Inrasara, Huỳnh Thúy Kiều, Lưu Mêlan, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Văn Ngăn,Chiêu Anh Nguyễn, Nguyệt Phạm,Mai Văn Phấn, Vũ Trọng Quang,Lê Vĩnh Tài, Từ Hoài Tấn, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Liêu Thái, Phan Trung Thành, Nguyễn Quang Thiều, Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư, Trần Tuấn, Đồng Chuông Tử, Trúc Ty.
Hơn bốn thập niên cuối của thế kỷ 20, một dòng thơ mới - hiện đại, đã được hình thành trong dòng chảy thi ca Việt Nam mà những tác giả trong nhóm Sáng Tạo, cùng nhiều nhà thơ thời ấy, đã thể hiện một cách thuyết phục sự đổi mới cần thiết cho một dòng thi ca của thời kỳ tiền và hậu chiến (1930 - 1960)đã làm xong sứ mệnh của nó. Những tác phẩm thể hiện sự tân kỳ từ nội dung đến hình thức ấy đã xuất hiện trên vài tạp chí văn nghệ Saigon của các nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Viên Linh, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Tôn Nhan, Trần thị NgH, Lê Văn Ngăn, Nguyên Đạt (…) đã chúng minh sự trổi dậy vững chãi p đầy tính sáng tạo phong phú của dòng thơ này – và họ đang tiếp bước cùng những nhà thơ hôm nay của thế kỷ 21 để hình thành một dòng thi ca tươi trẻ luôn miệt mài trôi chảy trong nền văn hóa dân tộc… Sự xuất hiện của “Bông & Giấy” vào thời điểm hôm nay, tuy có hơi muộn - nhưng thật cần thiết, để tiếp tục khẳng định một điều quan yếu trong sáng tạo: “Nghệ thuật không bao giờ đứng yên một chỗ”!
Trong phạm vi một bài viết ngắn - có tính cách giới thiệu / chúng tôi xin được ghi nhận đôi điều về “Bông & Giấy” với một số tác giả tiêu biểu như:
Nhà thơ Nguyễn Khương Bình trong bài “Chẳng Để Làm Gì” (trang 32)/ với điệp ngữ “tạm gác” (3 lần)/ sau đó là “gác”/ đã cho thấy rất rõ dòng tư tưởng/ xúc cảm của Nhà thơ - khi đang dọn lòng để trở về với cõi yên vắng như nhiên của tâm hồn với Tình yêu/đời sống thật - dù “chẳng để làm gì cả!”. Chẳng để làm gì/ mà là cái cần làm - cần thiết nhất cho đời sống mà không phải ai cũng cảm nhận được/nhìn thấy được? Phải chăng chúng ta đang làm những cái “chẳng để làm gì“ đó sao?
“Tạm gác những cánh mùa đang dịch chuyển
(…)Tạm gác những đau buồn, nỗi nhớ
(…)Tạm gác những muộn phiền
(…)Gác những thăng trầm lênh đênh
Đã chọn dúng thái độ “gác” rồi/ nhưng “gác” để làm gì - Nhà thơ cho biết:
“Lắng nghe điều gì
Sau tiếng thở dài của cô gái tuổi ngoài ba mươi
Mơ hồ
Nỗi cô đơn trong thẳm sâu hồn ai
Chẳng để làm gì cả
Thêm chút xíu bận tâm
Thêm chút xíu con người
Thế thôi!“
Những cái mà nhà thơ “thêm chút xíu”/ (bận tâm/con người) là những cái thật to lớn/ thật vô cùng cần thiết cho mỗi con người chúng ta hôm nay!
Trong bài thơ “Đêm nguyên tiêu và Hàn Mặc Tử” (trang 51/ chỉ dài 26 câu - có câu 1 chữ)/ Nhà thơ Trần Hữu Dũng đã nói rất đủ/ rất sâu về nhà thơ Hàn Mặc Tử mà trước đây chưa nói hết. Với ngôn ngữ sắc/mạnh - Trần Hữu Dũng đã phóng tầm nhìn lướt qua từng mảnh đời lẫm liệt bi tráng của HMT/ để khắc chạm một hình tượng HMT rất mới:
“Đêm nguyên tiêu - Hàn Mặc Tử thấy trăng
phát sáng giấc mơ diễm ảo
trên rừng thông, đồi,núi Đà Lạt và nỗi cô đơn buốt tim
Chôn vùi những hạnh phúc, ẩn ức muôn đời tân đáy lòng
(…) Hàn Mặc Tử tái sinh trong mầu trăng xanh đêm rằm
tái sinh hơi thở thơ rạt rào tràn bờ
tôi thấy người bước đi chậm rãi dọc bờ biển đất nước
Việt Nam, hướng tới mặt trời siêu hình rực rõ
phương Đông“.
Viết về một Tình–Yêu - rất - người/ Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh bằng ngôn từ tượng trưng phong phú sâu kín/ bằng nhiều hình tượng mới lạ nhưng rất thật/ bằng xúc cảm mãnh liệt của tuổi trẻ trước tình yêu, bằng nỗi khắc khoải ngàn đời về sự hiện diện của con người - đã viết nên “Con Ngựa Trời Của Anh” (trang 142)/ tạo được cảm giác mới mẻ, lôi cuốn người đọc:
“Em, con ngựa trời của anh
Cặp càn vâm sắc nhọn
Vẫn thường cắt cổ anh trong giấc ngủ
Tỉnh dậy quanh ta toàn mùi máu
(…)Tiếng hí những ngày tháng dã chiến
Trên những khối u mọc loài hoa dại
Khi cặp càng vung lên chặt đứt nỗi cô đơn
dể làm lộ nỗi cô đơn lớn hơn
Khi đôi mắt trâng trâng ngó sững vào bi kịch
bỗng phát hiện bi kịch lớn hơn
Như khi cặp đùi em quặp chặt anh
hoài thai loài buồn sang kiếp khác
(…).
Theo dõi dòng thơ Lê Văn Ngăn từ những sáng tác đầu tiên trong những thập niên cuối thế kỷ trước/ tôi nhận thấy - đó là một dòng thơ xuyên suốt/ tiếp tục - thể hiện một phong cách thơ rất riêng - trong con đường sáng tạo thơ ngày càng vững vàng, điêu luyện. Đề cập đến sự chuyển hóa / vô thường của vạn hữu/ sự “trần trụi” vô nghĩa của kiếp nhân sinh - nhà thơ đã lấy ngay trong cuộc đời mình/ cuộc tình mình làm ví dụ/ rất chân xác - gần gũi - tạo nên cảm xúc khá mạnh cho người đọc: “Ví dụ, một vẻ tàn phai” (trang 150). Đây là một “chủ đề” rất lớn mà Đạo Phật đã luôn đề cập/nhưng qua thơ - Lê Văn Ngăn đã rất tỉnh táo/ trầm tĩnh / diễn đạt điều “khó hiểu” ấy bằng ngôn từ riêng:
“Năm tôi hai mươi tuổi
một điếu thuốc cháy tàn trong góc quán
những sợi mưa thầm trên mặt sông
bóng đêm trên cây vông tầng lá tối
vông sẽ nở
trời sẽ hết bóng đêm
và tôi sẽ không còn ngồi trong góc quán nay
(…) Năm tôi ba mươi tuổi
…chẳng có gì khác ở cuối con đương tím ngắt
chẳng có gì khác ngoài hồn tôi mờ mịt
Những hạt thanh xuân tôi tặng em
tặng những tàn phai không mỉm cười không nức nở
những rộn rã của một đời người
không bằng âm vang tiếng guốc (…)”
Nguyệt Phạm viết về “Mùi Của Mẹ” (trang 170) bắt đầu từ cái khơi dậy rất mới của xúc cảm “Trùm chăn ôm người lạ” trong nỗi hạnh phúc tình cờ nào đó của đời sống - hấp dẫn người đọc đi dần vào một đề tài không mới:
“Trùm chăn ôm người lạ
Ấm tràn khoảng không gian bé nhỏ
Như thuở xưa gối đầu lên tay mẹ
Từng ngón tay từng chân tóc thân quen
Mùi mẹ
ấm nồng
đặc trưng
(…) Mùi của mẹ theo con đến tận cùng miền đất xa xôi.“
Với nỗi đam mê suốt bao năm tháng với thơ - dòng thơ hiện đại/ Nhà thơ Vũ Trọng Quang đã nổ lực hình thành “Bông & Giấy”/ để cống hiến cho người đọc có một cái nhìn rộng hơn/ sâu hơn/ về những “Tác gỉả thơ hôm nay”. Đây là một việc làm rất cần thiết/ để thơ đi vào cuộc sống - đi vào sự “thử lửa” của tháng năm. Trong bài “Bông & Giấy” (trang 186) nhà thơ đã tâm sự:
“Bông tạo ra cái đẹp
Giấy tạo ra cái chữ
chắc gì Bông tạo ra cái đẹp
chắc gì Giấy tạo ra cái chữ
đều cần thiết
Bông đang úa
Giấy đang rác
đều cần thiết
Tập thơ Bông Giấy
Trà đá Bông Giấy
điều cần thiết!”
“Chắc gì/ chắc gì - đều cần thiết/ đều cần thiết”/ là bức thông điệp (hay là tuyên ngôn) của nhà thơ gởi cho” Bông & Giấy”. Nhà thơ kết thúc thông điệp một cách nhẹ nhàng/ khiêm tốn (không đao to/ búa lớn): “Tập thơ Bông Giấy/Trà đá Bông Giấy/ điều cần thiết”. Vâng/ đó là những “điều cần thiết” cho đời sống của con Người/ của Thi ca!
“Gọi Hồn Khi Sống” (trang 104) của nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là một bài thơ tình bi tráng/ của Tình Yêu và thân phận của nó - đã được thể hiện với những cảm nhận mới/ rất đời thường - nhỏ nhặt - nhưng đó là nỗi bi thảm xa xót của đời người đứng trước vấn nạn Tình Yêu:
“hồi nhỏ em tin
mình có linh hồn
rằng mình nhớ cài gì
linh hồn mình ở đó(…)
lớn lên gặp và iu anh
nhớ anh
linh hồn em ở trong anh
(…)nay ngó vô anh
thấy linh hồn em mất tiêu
bớ linh hồn đâu
về với thân sống không hồn nay
hồn về được ăn phở. “
Bày tỏ về một tình yêu khát khao/ một dĩ vãng êm đềm đã mất/ một nỗi cô đơn cùng cực của kiếp người bé nhỏ trước cõi vô hạn mờ mịt khổ đau - Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn đã rất thành công với bài thơ “Những Ngày Không Trở Lại” (trang 165):
“và bầy chim
không quay về nữa
mùa trú đông tàn tự thuở khai sinh
lớp áo mỏng em che không trọn
thịt da buồn ngầy ngật điêu linh
căn nhà nhỏ
nằm im ỉm đóng
bậc thềm rêu
lún phún trổ hoa
gió thọc mạch nhột bề nhột nhạt
đường mênh mông
hoa trải trắng hiên nhà (…) “
Nhà thơ Từ Hoài Tấn với những tình khúc ngọt ngào của những thập niên cuối thế kỷ 20 đã./ đang chuyển bước vào một dòng xúc cảm mạnh mẽ hơn/ khốc liệt hơn - nhưng cũng đằm thắm, thẳm sâu hơn. Đó là sự trưởng thành của tháng năm kinh qua cuộc truân chuyên/ thực chứng cùng đời sống - bài thơ “Sống Trong Đời Như Gió Lộng” (trang 211) đã chứng tỏ rõ ràng điều đổi thay ấy :
“Trong chiều dần hết những cánh mùa thu chao vòng
lần cuối
Tội lỗi em đâu hãy phơi bày
Một ngọn lá sẽ tàn, dù biết vậy
Hay xanh hơn thưở mới ra đời
Và cũng như cánh chim cuối trời dông tố kia
Hãy vỗ tiếng chào lực lưỡng trên gió lộng
Tôi làm thơ một đời không ý nghĩa
Lời ngợi ca cỏ cây
Có khi vơi đi nỗi buồn cơm áo (…)
(…) Môi của em đâu hãy mở
Mắt của em đâu hãy xinh đẹp
Tiếng dịu dàng đâu em hãy thốt
Và nụ cười đâu em hãy nở
Trong trái tim ta có một dòng huyết lưu
Nồng nàn và ngọt ngào như rượu lễ
Trên hai tay chúa dang ra
(…) Một ngọn lá sẽ tàn, dù biết vậy
Hãy xanh hơn thuở mới ra đời (..) “
Với tập thơ đầu tiên “Thèm Ăn” (2008) - Đòng Chuông Tử đã khẳng định được mình trong “trò chơi chữ nghĩa” này. Từng bước đi từ tốn/ cẩn trọng - Nhà thơ Đồng Chuông Tử đã thể hiện mọi dáng vẻ của dời sống/ từ đơn sơ - đến sâu khuất/ tất cả đều ánh rõ trong từng xúc cảm/ ghi nhận - dễ đem lại sự đồng cảm cao độ với người đọc. Bài thơ “Mùi Thơm Của Im Lặng” (trang 295) là một ví dụ: Điều thật giản dị được nhắc lại/ vì đời kia đã quên đi - và cái ồn ào huyên náo đau buồn có cơ hội làm tàn lụi tình thương yêu đang rất cần cho một cuộc sống hạnh phúc đích thực. Đây có thể là một tiếng kêu/ một khát vọng/ một tâm tình của nhà thơ muốn gởi gắm cho tất cả:
“vì một sự nhịn là chín sự lành
nên im lặng có mùi thơm
im lặng có thể là tiếng nói rất đầy tràn
có thể không gì cả, im lặng là vàng
im lặng sẽ không chia li
im lặng sẽ không xung đột
im lặng sẽ không xảy ra chiến tranh
im lặng là không ai đi kiếm chuyện với
mỗi người là một miếng ngói
lợp nên mái nhà
ai đi ngược im lặng
mùi thơm biến mất “
Lướt qua một số bài thơ tiêu biểu hôm nay trong “Bông & Giấy”/ chúng ta nhận thấy dược sự nổ lực sáng tạo/ cách tân - của mỗi tác giả - đây là một điểu rất đáng trân trọng ghi nhận . Sự phơi bày chủ thể một cách trần trụi, với cái nhìn phân tích / chia cắt tỉ mỉ - đôi lúc rất táo bạo của “thơ hôm nay” là một “thực nghiêm” cần có trong đời sống vốn dĩ ngày càng khô cằn và phức tạp. Bên cạnh đó/ sự hồn nhiên đến như lộ liễu đối với mọi cảnh ngộ, mọi gặp gỡ/ hạnh phúc hay khổ đau - trầm luân hay hoan lạc - được thể hiện trong dòng thác cảm xúc không che dấu ở một số bài thơ - cũng là “một thể nghiệm” cần có - cần thử thách / trong giai đoạn hình thành lâu dài.
Có một điều/ thiết nghĩ cũng nên “nói thêm” ở đây - là cách ghi nhận chữ Việt của một vài nhà thơ là không thể chấp nhận được:Tiếng Việt vốn trong sáng/ thì thơ - cần làm cho nó thêm phong phú bằng ngôn từ mới phù hợp với sự tiến hóa của thời đại - chứ không thể làm cho nó trở nên đen tối/ u ám - như phải viết chữ “nghe/ thành “nge” hay chữ “yêu thành/ “iu” v v v) - là “đổi mới “? (!).. Nếu cảm thấy cần có “cuộc cách tân” trong chữ viết/ đề nghị nên có một công trình nghiên cứu bài bản/ nghiêm túc/ để được các nhà ngôn ngữ học/ thức giả bàn thảo thấu đáo –trước khi công bố để sử dụng. Việc tùy tiện sử dụng (dù cho riêng mình) cũng là một điều cần dược thận trọng. Sự đổi mới của Thi Ca/ là ở hố thẳm tư tưởng - ở mênh mông xúc cảm/ trong những ghi nhận giải bày - chứ không phải nằm ở chỗ có hình thức “lạ mắt/ lạp dị”(!).
Điều sau cùng: xin được chia sẻ trong bài “ghi nhận” này là “Sự đổi mới cần có thiêng chức đem Người gần với Người - trong tình thương yêu như nhiên vốn dĩ đã có sẵn trong Tâm mỗi con người khi vừa mới chào đời - khi ấy/ sự đổi mới mới hoàn thành được hoài bão của mình/ thật sự đi vào đời sống chung của nhân loại”!
“Tập thơ Bông Giấy
Trà đá Bông Giấy
Điều cần thiết”./.
(VTQ)
Quê Nhà,Tháng cuối tháng 6/2010.