Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.147.639
 
Địa sứ
Đỗ Ngọc Thạch

Mãi tới khi mẹ tôi mất, ở Bệnh việt Việt – Đức (Hà Nội), tôi mới biết đến đến những người làm nghề độc, tức cái nghề rất dễ sợ, không ai muốn làm, đó là làm việc với người chết! Trong qui trình của nghề độc đó, có bốn khâu trọng yếu không thể thiếu, đó là: 1/ Đưa người chết từ phòng chăm sóc đặc biệt xuống nhà xác; 2/ Canh giữ người chết trong nhà xác; 3/ Sửa soạn, trang điểm cho người chết trước khi vĩnh biệt dương gian; 4/ Đón người chết về “Thế giới của người chết” ở nghĩa địa với mồ yên, mả đẹp (sau này mới là Hỏa thiêu). Bốn khâu, bốn công đoạn trọng yếu đó, tưởng là không có mối liên hệ gì với nhau, nhưng thực ra đều do một vị Địa sứ (sứ giả của địa ngục) cai quản và ai (tức người trần gian) làm việc gì, ở khâu nào đều do vị Địa sứ này phân bổ từ trước. Vì thế, người làm những công việc gọi là nghề độc nói trên, không phải cứ muốn xin tới làm là được, mà là đã định sẵn từ…kiếp trước!

 

Khi mẹ tôi được chuyển từ phòng điều trị qua phòng chăm sóc đặc biệt, thực ra là mẹ tôi đã chết tới 99%, những người trong nghề Y (và cả người nhà như chúng tôi) đều biết như vậy. Song, cũng trong nghề Y luôn có câu “còn nước còn tát”, và “một phần ngàn tia hy vọng vẫn hy vọng”, hy vọng vào một phép lạ có thể đến bất ngờ, cho nên tuy là đã nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt, các nhân viên Y tế vẫn tích cực hành nghề cứu người, người nhà bệnh nhân vẫn tới chầu chực và luôn chờ đợi một câu nói may mắn từ người Bác sĩ phụ trách. Người Bác sĩ phụ trách phòng chăm sóc đặc biệt này thường rất ít nói và chỉ nói rất ngắn gọn “Cho đi” hoặc “Còn hy vọng”! “Cho đi” tức là đưa bệnh nhân đã chết xuống nhà xác! Hai chữ “Cho đi” không ai muốn nghe nhưng nó lại thường được nói ra nhiều tới 999 phần ngàn!

 

Khi người Bác sĩ phụ trách phòng chăm sóc đặc biệt nói hai chữ “Cho đi” thì tất cả những người nhà tôi đang có mặt ở bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt đều sững sờ, thảng thốt…rồi như cùng một lúc nhào vào trong phòng và không hiểu sao, ai cũng tới được bên cạnh mẹ tôi, bám vào mẹ mà khóc, mà gọi…Nhưng, cảnh tượng đó chỉ được năm phút thì có hai người xuất hiện, cứ như là từ trên trời rơi xuống (thực ra là từ dưới đất chui lên), gạt tất cả đám người đang khóc, đang gọi mẹ chúng tôi ra và nhanh như máy, đưa mẹ chúng tôi đi đâu mất! Khi chúng tôi kịp hoàn hồn thì bà dì nói to: “Tất cả theo tôi xuống nhà xác!”…

 

*

Xuống tới nhà xác, thì chúng tôi gặp hai người ban nãy từ phòng để tử thi đi ra. Một người cao trên mét bảy, một người chưa tới mét rưỡi. Người thấp mập như võ sĩ Sumo, mắt híp như luôn nhắm lại. Người cao thì mặt dài, mắt to, lông mày rậm như sâu róm và ở cổ phía bên phải ngay sát cằm, có một chòm lông đen dài bằng ngón tay út. “Một chòm lông”! Trong đầu tôi vụt hiện lên ba từ đó và ngay lập tức, hình ảnh của “Tý một chòm lông”, người bạn học của tôi từ hồi lớp Bốn ở Trường Gia Sàng hiện ra rõ mồn một. Tý là tên khai sinh, cùng tuổi với tôi, ngồi cùng bàn với tôi, chỉ khác là từ lúc đó, Tý đã cao hơn tôi tới một gang tay! Từ hồi đó, tức năm 1960, đến nay, tức năm 1984, đã 24 năm trôi qua, người cao lớn mặc cái áo blu trắng, đang đi tới gần tôi kia có phải là anh bạn “Tý một chòm lông” ngày xưa của tôi không, tôi không dám chắc? Nhưng tại sao hình ảnh “Tý một chòm lông” ở lớp Bốn trường Gia Sàng lại hiện về vào lúc này? Và cái mồm tôi không chờ ý nghĩ của tôi ra lệnh, đã gọi to lên khi người cao lớn kia đi ngang qua: “Tý một chòm lông”! Vừa nghe thấy thế, người kia đứng sững lại, nhìn vào đám đông (gần chục người) người nhà của tôi như tìm xem ai vừa gọi? Chỉ nửa phút sau, những người nhà của tôi đã vọt lên, chỉ còn một mình tôi đứng giữa đường. Người kia vừa nhìn thấy tôi thì tiến sát lại hỏi: “Có phải anh vừa gọi Tý một chòm lông?”. Tôi chưa kịp trả lời thì người đó lại hỏi: “Có phải anh học lớp Bốn ở trường Gia Sàng? Chỉ có người bạn ngồi cùng bàn với tôi ở Trường Gia Sàng là được gọi tôi là “Tý một chòm lông!”. Nghe người kia nói vậy, tôi khẳng định chắc chắn đây chính là “Tý một chòm lông”! Người kia cứ thấy tôi đứng như Trời trồng thì nắm chặt lấy tay tôi và nói: “Thôi được rồi, đừng có “kinh ngạc” lâu như thế! Tao chính là Tý một chòm lông đây!...Giờ tao phải đi làm chút việc gấp, Lát nữa sẽ quay lại hàn huyên!”. Nói rồi “Tý một chòm lông” cùng người béo mập kia biến mất như bóng ma!

 

Khoảng nửa giờ sau, “Tý một chòm lông” quay lại nhà xác tìm tôi. Trời đã nhá nhem tối, hai chúng tôi sang một cái quán ngoài đường phố. Tý và tôi vừa ngồi xuống cái bàn ở góc phòng được ba phút thì chủ quán đem ra hai chén rượu và một đĩa cổ cánh gà, không nói gì mà chỉ liếc nhìn tôi rất nhanh. Từ lúc ngồi xuống bàn, tôi cứ nhìn ngắm người bạn “Tý một chòm lông” ở trường Gia Sàng của mình mà chưa tin được rằng thời gian 24 năm đã nhào nặn con người ta nhiều như thế? Tý thì cứ ngồi bất động, như là muốn nghỉ mệt sau một ngày làm việc, lại như đang suy nghĩ, toan tính điều gì đó? Khi thấy chủ quán đưa rượu ra, Tý mới cầm chén rượu lên và nói: “Mừng ngày tái ngộ! Chúc mọi điều tốt lành!”. Tôi cũng làm theo, nói theo và cũng chỉ uống một ngụm như Tý… Khi đã uống hết chén rượu, Tý mới nói: “Mày gặp được tao ở đây là rất may vì chắc là mày không biết câu “Đường xuống địa phủ rất khó đi và Nhập hộ khẩu vào nghĩa trang Văn Điển rất khó khăn”! Song, tao sẽ chỉ đạo tất cả các khâu làm thật tốt và cuối cùng bà cụ sẽ được mồ yên mả đẹp!”. Thì ra “Tý một chòm lông” điều hành một “đường dây” từ nhà xác cho tới nghĩa địa: vợ Tý là người trang điểm cho người chết trước khi liệm, bố mẹ vợ là chủ xe đòn, em trai vợ và vợ người này đều ở trong Ban quản trị nghĩa địa! Tôi cũng có nghe loáng thoáng vài lần khi bạn bè có người chết rằng, từ nhà xác đi tới nghĩa địa phải “nạp tiền mãi lộ” rất nhiều và nếu gia chủ không biết điều, không biết những phép tắc nghiêm ngặt thì “chết rồi cũng chưa yên”!

 

Đêm hôm ấy, tôi ngồi uống rượu với “Tý một chòm lông” cho tới “nửa đêm giờ Tý canh ba” mới quay vào nhà xác ngồi canh bên xác mẹ. Tý đã kể cho tôi nghe hết cuộc đời của mình từ sau khi chia tay tôi ở trường Gia Sàng cho đến lúc đang làm “Sứ giả của Địa phủ”, tức “Địa sứ”, và đang ngồi uống rượu với tôi. Thì ra sau khi học hết lớp bốn ở trường Gia Sàng với tôi, Tý lên học lớp Năm ở trường Huyện Đồng Hỷ. Học gần hết lớp Bảy thì xảy ra chuyện: cô giáo chủ nhiệm của Tý đã “phải lòng” cậu học trò cao lồng ngồng là “Tý một chòm lông” và khi bị ông chồng (cũng là giáo viên cùng trường) phát hiện hai cô – trò “dan díu” với nhau, Tý suýt bị đuổi học. Song, vào đêm ngay sau đó, hai cô - trò rủ nhau lên đồi sim “tâm sự” thì bắt gặp ông chồng của cô giáo cũng đang “yêu nhau say đắm” với một cô nữ sinh lớn, thế là “hòa cả làng” bởi “ông ăn chả, bà ăn nem”, chẳng ai bắt tội được ai! Bố mẹ Tý thấy thế không cho Tý học tiếp lớp Tám (cấp ba lúc đó có ba lớp là Tám, Chín và Mười là hết chương trình Trung học Phổ thông) mà cho thi vào trường Trung cấp Y-Dược của tỉnh. Tý đi học trường Trung cấp Y-Dược, tưởng thoát được “vòng tay học trò” tội lỗi với cô giáo lớp Bảy thì lại “sa ngã” vào “vòng tội lỗi” khác: lại “dan díu” với cô giáo Hiệu phó của trường Trung cấp Y-Dược! Mối tình này “bốc lửa” quá mạnh nên Tý – phía đàn ông bao giờ cũng phải bị kỷ luật nặng hơn: lao động cải tạo ở nhà bếp một năm. Còn cô Hiệu phó thì được người nhà xin cho chuyển về một bệnh viện ở Thủ đô! Sau một năm “cải tạo tốt”, Tý tiếp tục học xong chương trình và khi ra trường thì thật bất ngờ, Tý được phân công về một bệnh viện Ngành ở Thủ đô. Thì ra, phó Giám đốc Bệnh viện này chính là “cô Hiệu phó” – người tình năm xưa của Tý. Ngày đầu tiên đến Bệnh viện làm việc, Tý được người của phòng Hành chính dắt lên phòng làm việc của Phó Giám đốc. Vừa bước vào phòng Phó Giám đốc, Tý thấy như lạc vào động Tiên bởi căn phòng mát lạnh và thoang thoảng một mùi hương ngây ngất. Tý chưa kịp định thần thì bà phó Giám đốc bất ngờ xuất hiện như Bồ Tát trong phim Tây Du ký! “Bồ Tát” tức thì nhấc bổng Tý lên chín tầng mây, cùng Tý “đằng vân giá vũ” khắp bầu trời xanh như mơ! “Tình cũ” được nối lại chưa hết “Tuần trăng mật” thì cô em gái của bà phó giám đốc xuất hiện. Cô em gái này cũng là Bác sĩ, mới bảo vệ Luận án Tiến sĩ Y Khoa ở tận xứ sở Hoa Anh đào về, được bổ nhiệm Phó Giám đốc, có ý là sẽ thay phó Giám đốc cũ. Một hôm, Tý định tới “nạp mạng” cho phó Giám đốc như thường lệ thì từ ngoài cửa đã nghe thấy hai chị em đang cãi lộn: “Chị đừng có tham lam! Đã bảo sẽ “nhường” anh chàng “chân dài” ấy cho tôi sao cứ còn xoắn suýt bên nhau như thế?” – “Thì tôi đã nói với nó rồi, nhưng nó bảo mắt cô có sát khí rất mạnh, có vẻ như là Tướng sát phu!” – “Sát phu cái con khỉ! Số tôi năm nay là lên xe hoa mà những thằng đàn ông đeo bám quanh tôi toàn một lũ lùn tịt, tôi cao gần mét bảy sao mà xứng đôi được? Nay về đây thấy anh chàng “chân dài” của chị rất hợp với tôi, không cưới ngay thì chết già à?” – “Nhưng cũng phải từ từ để tôi khuyên nhủ, mai mối đàng hoàng chứ làm như ăn cướp thế kỳ lắm!” – “Không từ từ được! Trong tuần này tôi và anh chàng “chân dài” phải xong thủ tục ăn hỏi. Nếu không, tôi sẽ gọi ông chồng Đại tá của chị về nện cho chị một trận và nói với các Sếp cho chị về hưu non!” – “Được rồi, chị xin em! Ăn hỏi thì ăn hỏi!”. Tý nghe đến đó thì hoảng sợ, chạy về phòng làm việc. Nhưng mới được năm phút thì nhận được lệnh lên gặp phó Giám đốc mới!

 

Người vợ làm nghề trang điểm cho người chết của Tý bây giờ là con ông chủ Công ty Mai táng Ngàn Thu. Tý lấy được vợ là nhờ trong một lần đi dự đám tang một người họ hàng xa, con cháu người chết khóc lóc dữ quá mà hôm ấy thời tiết lại rất oi bức, ngột ngạt nên vợ chồng chủ nhà đều bị ngất xỉu. Tý đã “ra tay” cấp cứu thành công khiến cho cả vợ chồng chủ nhà (chính là chủ Công ty Mai táng Ngàn Thu) và cô con gái lớn rất có cảm tình. Chuyện Tý cưới cô con gái ông chủ Công ty Mai táng Ngàn Thu được tiến hành ngay sau đó bởi lúc này Tý đã bị đuổi khỏi Bệnh viện do không chịu cưới cô phó Giám đốc em bởi người đàn bà này quả là có ánh mắt đầy sát khí, nhìn vào là thấy lạnh sống lưng thì làm sao có “hứng khởi” mà yêu với chả đương! Sau khi làm rể Công ty Mai táng Ngàn Thu, Tý vào làm việc ở Phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện này nhưng là ở khâu cuối cùng, tức chuyển người bệnh đã chết xuống nhà xác!

 

*

Sáng hôm sau, Tý đến sớm giới thiệu tôi với người vợ tên Hồng Nhan, làm nghề trang điểm cho người chết. Hồng Nhan không phải là tên khai sinh mà là nghệ danh từ khi làm nghề trang điểm cho người chết này. Đây quả là một người phụ nữ đặc biệt: mới thoạt nhìn thì đúng là một “yểu điệu thục nữ” nhưng một lát sau thì như là một mụ phù thủy đang pha chế các chất phù phép biến hóa, một lát nữa thì lại như một Sư thái đang tụng kinh niệm Phật rất nghiêm cẩn…Bởi tôi đã từng được xem nghệ thuật biến đổi khuôn mặt trong Kinh kịch Trung Hoa cho nên khi nhìn thấy Hồng Nhan, tôi như đứng trước một diễn viên Kinh kịch. Thực ra, ý định ban đầu của Hồng Nhan là làm nghề trang điểm cô dâu. Cô đã hành nghề trang điểm cô dâu được hơn một năm, rất có uy tín, rất đông khách và cửa hàng trang điểm cô dâu của cô chuẩn bị mở rộng để thành lập Công ty Mặt Hoa thì có một sự cố bất ngờ xảy ra: Cô bạn thân cùng hùn vốn và tay nghề làm ăn với nhau đang chuẩn bị làm cô dâu thì bị đột tử. Chú rể quyết định vẫn tiến hành đám cưới và nhờ Hồng Nhan trang điểm cho cô dâu thật lộng lẫy, thật đẹp, nhưng thực ra cô dâu đã chết được gần nửa giờ đồng hồ! Thế là Hồng Nhan phải vừa kìm những giọt nước mắt đau buồn vì người bạn chết yểu, vừa nghĩ làm sao trang điểm thật khéo cho người con gái bất hạnh đã chết ấy để không ai phát hiện ra rằng đó là người chết!...Và, điều kỳ diệu đã xảy ra, khi tới lúc cô dâu ra chào họ hàng hai họ và khách khứa, Hồng Nhan và một cô bạn phù dâu nữa dìu cô dâu ra (chỉ đứng trên sàn bục cao của phòng cưới) thì tất cả khách khứa đều trầm trồ khen cô dâu thật là xinh đẹp khác thường!

 

Ba ngày sau, chú rể phát tang, người ta mới biết rằng cô dâu đã chết từ hôm đám cưới! Thế là từ sau đó, ai có người thân chết đều tới năn nỉ Hồng Nhan đến trang điểm làm sao để khi đã liệm rồi mà vẫn như là còn sống, thậm chí còn đẹp hơn khi còn sống! Hồng Nhan đã vào nghề trang điểm cho người chết như là một cái nghiệp, cái ách đã choàng lên cổ từ kiếp trước vậy! Và quả thực, Hồng Nhan có một “bàn tay phù thủy”: khi Hồng Nhan trang điểm cho mẹ tôi xong, chúng tôi vào nhìn mẹ lần cuối thì tôi như là không thể tin vào mắt mình: mẹ tôi không phải đã chết mà đang nhẹ nhàng thiếp ngủ, một giấc mơ đẹp thời con gái như vừa đi qua khuôn mặt mẹ!...

 

*

Tý đi cùng với tôi tới nghĩa Trang Văn Điển (thời gian này, người có hộ khẩu Hà Nội được chôn ở nghĩa trang Văn Điển, ba năm sau thì bốc mộ lên nghĩa trang Yên Kỳ, ở trên một khu đồi cao gần bến đò Trung Hà). Ra nghĩa trang Văn Điển mới thấy rằng cuộc sống của con người ta đến đây mới thực sự tới cao trào, đỉnh điểm bởi ở đây đúng là “tấc đất tấc vàng”! Nhờ có “thẻ ưu tiên” của “Tý một chòm lông” mà mẹ tôi được yên nghỉ ở một vị trí khá đẹp! Khi đi ra khỏi nghĩa trang, tôi đi qua hai đám đang hạ huyệt, nhưng ở dưới huyệt, nước dâng lên tới nửa chiều cao của huyệt cho nên khi hạ quan tài xuống, cái quan tài cứ nổi lềnh bềnh, phải có hai người cầm hai khúc tre dài, ghìm hai đầu quan tài cho quan tài chìm xuống rồi phải xúc đất thật nhanh, không thể cho người nhà và bạn hữu lần lượt đến bên mộ bốc một nắm đất thả xuống cho người dưới mộ thay lời vĩnh biệt! Thấy tôi cứ đứng lặng người nhìn hai người phu đào huyệt đang dìm cái quan tài kia cho chìm xuống nước, “Tý một chòm lông” nói: “Như thế chưa thảm bằng việc chưa nằm yên đã bị bọn đào mồ trộm tới đào tung lên rồi lấy sạch đồ trang sức trên người và những đồ vật có giá chôn kèm theo!”. Tôi hỏi Tý: “Vậy làm thế nào để tránh được bị đào mồ trộm?” – “Phải mua bảo hiểm xác chết!” – “Thế là sao?” – “Thì nhờ những người đào mồ đó, hàng tháng đến thăm mộ và vui vẻ với họ thì họ sẽ canh chừng cho!”. Nghe “Tý một chòm lông” nói vậy, tôi mới thực sự hiểu hết chuyện ngày xưa, có những người dựng lều bên cạnh mộ người chết ở hết ba năm để canh mộ, tức đến lúc bốc mộ mới thôi canh mộ!...

 

Thấy tôi có vẻ như muốn tìm hiểu nhiều chuyện về những nấm mộ kia, Tý nói: “Nhìn những nấm mộ nằm im lặng như thế kia, đừng tưởng thế là mọi chuyện đã xong, đã hết. Hầu hết con người ta đều đem theo rất nhiều bí mật xuống mồ. Nếu có cách gì đó “giải mã” được những bí ẩn của những nấm mộ kia thì viết ba đời không hết chuyện giật gân loại “Thâm cung bí sử”!”. Tôi gật gù, định nói câu gì đó kiểu “hùa theo” thì người lái xe nhỏ của Công ty mai táng đưa Tý đi tiễn đưa mẹ tôi từ ngoài cổng nghĩa địa chạy vào nói: “Cậu chủ tự lái xe về nhé, tôi phải lái dùm cái xe chở quan tài vì bác lái xe bỗng đau bụng!”. Tôi giật mình vì người lái xe này là một phụ nữ và dáng dấp thì xinh đẹp, cao ráo như người mẫu thời trang. Không đợi tôi hỏi, Tý nói luôn: “Người phụ nữ lái xe đó là một trường hợp khá ly kỳ. Khi người phụ nữ này nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt thì có một “người bí mật” đến đưa cho tôi một bó tiền và nói: “Nhờ anh lo cho đám tang này từ A tới Z. Vì những lý do đặc biệt, người nhà không thể làm đám tang cho cô ta!”. Chúng tôi đã huy động tất cả nhân viên của Công ty Mai Táng Ngàn Thu đi làm đám tang cho người phụ nữ bất hạnh mà tôi nghi là đã chết không minh bạch. Quả nhiên, đêm hôm trước, trong giấc ngắn ngủi, tôi đã gặp Phán quan và Ngài nói: “Người phụ nữ này chưa đến tuổi chết, hãy đem về nhà, cho nó lái xe chở hòm tới nghĩa địa!”. Vì thế, trang điểm xong, để một giờ sau mới liệm, liệm xong để một giờ sau mới đưa đi nghĩa trang, tới miệng huyệt ngồi chờ một giờ sau mới hạ huyệt. Tưởng không còn hy vọng gì thì đúng lúc quan tài chạm đáy huyệt , nắp quan tài bật tung, người phụ nữ bật ngồi dậy, ngước nhìn chúng tôi rồi khóc thổn thức! Thì ra cô này đang là sinh viên năm thứ hai của một trường kỹ thuật, quen biết rồi thành vợ bé của một đại gia, được đại gia mua cho hẳn một căn hộ trong một khu chung cư cao cấp. Nhưng ngẫu nhiên, bà vợ của vị đại gia kia biết được “tổ con chuồn chuồn” và bí mật cho người hạ độc cô gái kia và đưa vào bệnh viện rồi nhờ tôi mai táng như đã nói!... Cô gái sở dĩ không chết vì người được lệnh hạ độc đã không nỡ xuống tay tàn độc nên đã bớt một nửa liều lượng thuốc độc! Tuy nhiên, nửa liều thuốc độc còn lại cũng đã khiến cô gái chết lâm sàng cho tới lúc chạm đáy huyệt, Phán Quan chắc là tức giận nên đã đẩy cô gái lên khỏi địa phủ!

 

*

Tý lái xe đưa tôi đi lòng vòng khắp nơi, chỗ nào hay hay cũng ghé vào một lát cho biết, bởi Tý nói: “Tuy về Thủ đô đã lâu nhưng chưa bao giờ đi dạo phố phường nên nay gặp lại tôi là một dịp tốt không nên bỏ qua. Sau đó, tôi còn đi dạo phố phường với “Tý một chòm lông” nhiều lần nữa nhưng mỗi khi tôi hỏi sao không cưới cô nàng lái xe làm thiếp hoặc trả cô ta về với gia đình thì Tý đều không nói gì, mãi đến lần hỏi thứ ba Tý mới nói: “Cô ta đã là Địa sứ cấp cao và lại được Phán Quan đặc biệt ưu ái và tin tưởng. Tao chỉ là Địa sứ bình thường sao dám đụng vào người của Phán Quan?”. Nghe “Tý một chòm lông” nói vậy, tôi bâng khuâng, ngơ ngẩn hồi lâu và không hiểu là mình đang nói chuyện với người hay là với ma?

 

Sài Gòn, tháng 6-2010

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 2894
Ngày đăng: 02.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngôi Nhà Trên Dốc - Ngô Thị Ý Nhi
Trong số họ không có kẻ nào đồng lõa với tôi - Lê Minh Phong
Họa Tiết Của Mùi - Nguyễn Viện
Mẹ - Ngô Thị Ý Nhi
Cái Tổ Chim - Nguyên Minh
Gặp lại người xưa! - Trọng Huân
Truyền Thuyết Cây Si Đảo Hà - Trần Quang Vinh
Giữ Chức - Ngô Văn Cư
Tấc đất tấc vàng - Huỳnh Văn Úc
Đầu Lâu Biết Cười - Ngô Lạp
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)