Nhân kỷ niệm 3 năm ngày mất nhà văn Nguyễn văn Xuân, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) kết hợp với Tạp chí Xưa và Nay vừa xuất bản tập sách "Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam". Sách do Phương Nam Book hỗ trợ xuất bản phát hành và ra mắt vào sáng ngày 2/7/2010, tại nhà sách Phương Nam (68 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng), do nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Biên tập tạp chí Xưa và Nay chủ trì; cùng sự tham dự của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, nhà báo Nguyễn Trung Dân, nhà báo Nguyễn Hạnh, cùng đông đảo những học trò và độc giả của "Thầy Xuân”...
Trong phạm vi một tập sách mỏng trên 200 trang in, với gần 30 bài viết, "Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam" là một tuyển tập gồm các bài viết của nhà Quảng học Nguyễn Văn Xuân đã đăng trên tạp chí Xưa và Nay, phần nào phản ánh nên sở trường độc đáo của ông ở lĩnh vực báo chí.
Sinh thời, Nguyễn văn Xuân là một nhà văn hóa hoạt động đa dạng. Ngoài những sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn và các công trình nghiên cứu, ông còn là một người làm báo xuất sắc và dành khá nhiều thời gian cho công việc viết báo. Để có thể hệ thống lại toàn bộ những bài viết giá trị của ông đã in rải rác trong suốt mấy chục năm qua trên các Tạp chí Bách Khoa, Tập san Sử Địa (trước 1975), tạp chí Khoa học và phát triển (tại Đà Nẵng), Xưa và Nay...sau ngày ông qua đời là việc làm không dễ dàng. Trong mấy năm qua, một số nhà xuất bản và nhiều học trò cũ của ông vẫn tâm nguyện thực hiện điều này, nhưng vẫn còn để ngõ...
Do vậy, với tuyển tập "Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam" lần này, người đọc thật vui mừng, như một lần nữa được dịp hàn huyên lại nhà văn Nguyễn văn Xuân, với những câu chuyện thao thao bất tuyệt, đầy hào hứng, đậm đặc chất Quảng của chính ông...Nhất là ở thể loại báo chí, ông viết cứ giống như đang kể chuyện. Về đề tài kinh tế có thể nhắc đến các bài viết như: Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII, Phong trào Duy Tân và Tinh thần doanh nghiệp, Từ Sài thị đến Sài Gòn, Người ngoại quốc đến Hội An... . Về đề tài lịch sử như: Ngày trừ tịch năm Canh Thìn (1760) hai đại sứ Việt – Cao Ly đàm đạo, Phan Thanh Giản và Quảng Nam , Trương Vĩnh Ký trong con mắt thế kỷ XXI, Bốn quan điểm nổi bật của Phan Châu Trinh đầu thế kỷ XX, Sự kiện Ông Ích Khiêm tự sát ở Bình Thuận...Đặc biệt, sâu đậm và tâm huyết nhiều nhất với ông, vẫn là những bài viết về đất và người Quảng Nam, hoặc có thể nói dù ở đề tài nào đi nữa, rồi ông cũng quay về với xứ Quảng quê hương. Từ vấn đề gần gũi như : Trường phái ẩm thực Quảng Nam: no và đậm, cho đến những vấn đề lý sự, đại sự như: Vài suy nghĩ về “tính cách Quảng Nam”, Đất Quảng Nam quê tôi, 400 năm dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam, Đà Nẵng xưa và nay, Huỳnh Thúc Kháng và Tiếng dân...
Giới thiệu về tập sách nói trên nhà văn Nguyên Ngọc nêu rõ: "Nguyễn Văn Xuân có một cuộc đời sáng tạo thật đặc biệt. Những người đọc kỹ Nguyễn Văn Xuân thường có băn khoăn: vậy ông thật sự là ai? Nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà báo, nhà "Quảng Nam học"? Riêng tôi muốn nói điều này: ông là tất cả những "nhà" vừa nói trên, cộng lại, nhân lên, nhuần nhuyễn, hầu như không thể tách rời. Hoặc cũng có thể tự ông cũng không phân biệt những "nhà" đều đầy ấn tượng ấy trong chính mình, trong từng sáng tác của mình. Đọc các tiểu thuyết, truyện ngắn của ông thấy rõ sự uyên thâm của một học giả toàn diện, cực kỳ giàu vốn sống, vừa xông xáo mạnh mẽ trong suy tưởng, vừa tinh vi, tinh tế, đầy mẫn cảm. Đọc các công trình nghiên cứu của ông lại hấp dẫn như những tiểu thuyết say mê và rất nhiều khi cả lãng mạng nữa.".
Buổi ra mắt tập sách "Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam" cũng là dịp để những người đã từng quen biết, những người đã có may mắn là học trò và cả những người dù chưa gặp nhưng quý mến, kính phục "Thầy Xuân" gặp gỡ cùng ôn lại những kỷ niệm, nhắc lại và nhìn lại những đóng góp của "nhà Quảng học" uyên bác nhưng bình dị này cho xứ Quảng nói riêng, cho đất nước nói chung.
Ảnh: Bìa sách "Nguyễn Văn Xuân - một người Quảng Nam"