Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.147.361
 
Đạo diễn và bi kịch
Đặng thị Thanh Liễu

Đoàn làm phim dừng lại ở một thành phố du lịch đã ba ngày rồi, đó là thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Thành phố này đã thu hút rất nhiều đoàn làm phim, là một nguồn cảm xúc bất tận cho các thi nhân mặc khách. , vì ở đây phong cảnh đẹp, nên thơ hữu tình. Hôm nay đoàn quay cảnh một người đàn bà sau bao thăng trầm của cuộc sống nay tìm về trú ngụ tại một ngôi chùa để tìm sự bình an cho cuộc đời còn lại. Người đàn bà này luôn được một sư cô ở bên cạnh an ủi. Nhưng ác nghiệt thay, ngôi chùa thì đẹp, cảnh trí lại hợp với cảnh trong phim nhưng ngôi chùa này chỉ có thầy tu chứ không có sư cô. Đạo diễn Việt Hải rất lúng túng trong đoạn kịch bản này, cả đoàn đang bàn bạc với nhau về việc đi tìm một sư cô cho cảnh quay. Bỗng Vinh trợ lý đạo diễn reo lên:- À, em nhớ ra rồi. Hôm trước khi lên Đà Lạt anh Minh có cho em số phôn của một chị quen với anh Minh. Đạo diễn Việt Hải như mở cờ trong bụng, nhưng giọng anh chợt chùng xuống:- Quen thì quen nhưng chắc gì phong cách của người ta hợp với vai diễn. - Nghe anh Minh nói chị này khoảng độ tuổi trung niên, có khuôn mặt bầu bĩnh trông phúc hậu lắm. Em tin là được, mình còn có chuyên viên hóa trang mà lo gì. Đạo diễn Việt Hải nói:- Ừ, vậy thì Vinh lo phần này đi, liên lạc ngay với họ xem sao. Còn tất cả anh em chuẩn bị cho cảnh tiếp theo nhé. Ai về nhiệm vụ ấy.  

Với tính cách linh hoạt, nhạy bén, khéo léo, trợ lý Vinh cũng đã mời được người phụ nữ cho vai diễn sư cô. Vinh giới thiệu với Việt Hải:

- Đây là chị Thanh Lan, người sẽ thủ vai sư cô cho mình. Sau vài câu thăm hỏi xã giao. Vai sư cô đã có người nhận. Mọi việc tiến triển tốt đẹp. Sau hơn một tháng ròng mệt nhọc, phần quay ở Đà Lạt đã xong, hôm nay bầu đoàn thê tử ôm đồm thu xếp về Saigon quay cảnh tiếp theo. Mấy ngày nay về nhà, đầu óc Việt Hải ngổn ngang, bứt rứt làm sao ấy, không thể diễn tả được tâm trạng của anh trong lúc này. Hình ảnh của người phụ nữ có tên Thanh Lan, diễn vai sư cô cứ ẩn ẩn hiện hiện trong đầu anh mãi. Tự dưng anh cảm thấy luyến tiếc thành phố sương mù, thơ mộng này. Là một người làm phim, Việt Hải đã đến không biết bao nhiêu là vùng miền, tiếp xúc không biết bao nhiêu là cô gái trẻ, đẹp, thế mà sao cái “ vị sư cô bất đắc dĩ” có tên Thanh Lan cứ ám ảnh anh mãi. Thật không hiểu nổi.  

Nói về Thanh Lan, những lúc rãnh rỗi cô cứ cười thầm một mình, tự dưng đoàn làm phim ở đâu lạ hoắc lạ huơ đề nghị mình đóng vai sư cô. Trời ơi ta mà đi tu được chắc cũng đi lâu rồi, sư cô thật chứ không phải sư cô tạm bợ thế này đâu. Còn cái ông đạo diễn nữa, ông ấy có một cái nét gì đó rất đàn ông, có cái nét gì như là đã quen với ta từ kiếp nào vậy. Thanh Lan lại rơi vào cái tâm trạng hết sức kỳ quặc, lửng lửng lơ lơ làm sao ấy. Chết tiệt, cái hình ảnh của ông đạo diễn Việt Hải cứ càng ngày càng chế ngự trong đầu óc của Thanh Lan, có khi cả trong giấc ngủ, hoặc những đêm nằm trằn trọc thao thức nữa. Trời ơi, thế này là thế nào. Ông trời đừng giễu cợt tôi nữa chứ, tôi đã khổ nhiều rồi. Trái tim tôi đã khép kín lâu rồi. Thật không hiểu nổi. Nhưng chẳng có lời giải thích nào cho hai cái “ không hiểu nổi” này của hai người. 

Ba tháng trời ròng rã trôi qua trong tất bật của công việc làm phim. Một buổi tối về nhà, Việt Hải nhận được tin nhắn rất ư là ấn tượng của Thanh Lan, đại loại “…nếu có vai diễn nào thể hiện một người đàn bà khổ nhất trần đời thì anh cho tôi tham gia với nhé, tôi đóng vai đó cả thế giới phải khóc…” Việt Hải mỉm cười lẩm bẩm:- Sao lại có người tự nhận mình là khổ nhất trần gian nhỉ, có chắc thế không. Trông cô nàng cũng thong thả đấy chứ, sao mà khổ được. Anh cảm thấy xôn xao trong lòng mỗi khi có điện thoại hoặc tin nhắn của Thanh Lan. Đôi lúc anh có cảm tưởng như Thanh Lan đang đứng nhìn mình, đang hiện diện bên mình. Thế là hai người cứ điện thoại, nhắn tin cho nhau suốt. Cái gì “ không hiểu nổi” cứ ngày càng lớn dần và đang hình thành trong lòng họ.  

Công việc thực hiện bộ phim mới đã hoàn tất. Cả êkip đang trong thời gian nghỉ xã hơi. Giờ đây Việt Hải mới thật sự sống cho mình, anh đã tìm được cho mình một sự ấm áp, thảnh thơi và không căng thẳng nữa. . Một ý nghĩ lóe lên trong đầu anh. Phải rồi, ta nên đi Đà Lạt một chuyến, trước là nghĩ dưỡng sức để tiếp tục chiến đấu cho bộ phim mới, sau nữa là tìm gặp người đàn bà khổ nhất trần gian này xem sao. Lạ thật, khi người ấy ở bên ta thì ta lại không chú ý, đến khi không còn cần thiết nữa thì lại cảm thấy như một thứ không thể thiếu được.  

Đà Lạt đang bước vào mùa thu. Ban ngày thì ấm áp, đêm xuống trời se se lạnh. Đà Lạt về đêm đẹp thật, trăng bắt đầu lên cao. Việt Hải kéo cổ áo khoác lên. Anh chậm rãi bước trên một con đường rộng, hai bên phố ánh đèn cao áp tỏa một màu vàng ấm áp xuống mặt đường. , anh bước vào quán cà phê đã hẹn với Thanh Lan. Ngồi khoảng mười phút thì Thanh Lan đến. Hai ánh mắt vui mừng xen lẫn bối rối nhìn nhau. Thanh Lan đặt tách cà phê xuống bàn hỏi:

- Anh Hải lên Đà Lạt kỳ này để tìm cảnh quay hả? Việt Hải nhìn sâu vào mắt Thanh Lan nói nhỏ:

- Không, tôi lên để tìm một người.

- Vậy sao? Đã tìm được chưa?

- Không cần tìm nữa. Người khổ nhất trần gian tôi đã tìm được rồi. Thanh Lan cười ngượng:

- Thế ra…anh tìm được người ấy rồi à.

- Cũng vì cái lời nhắn “ độc đáo” ấy mà tôi quyết định lên đây. Vậy Lan đã chuẩn bị tinh thần cho vai diễn người khổ nhất trần gian chưa. Hai người cùng cười vui vẻ. Rồi Việt Hải kể cho Thanh Lan nghe thời gian về Saigon quay nốt cảnh phim còn lại, nó gian truân như thế nào. Rồi là chuyện thời sự, chuyện kinh tế, chuyện phim ảnh, chuyện nghệ thuật… đã được hai người đề cập đến một cách rôm rã, và cởi mở. Thời gian Việt Hải lưu lại ở Đà Lạt một tuần lễ, dường như đêm Đà Lạt chỉ dành riêng cho hai người. Đêm nay, cũng quán cà phê quen thuộc ấy, và hai người cũng đã “ quen thuộc” nhau. Họ như thể đã gặp nhau từ kiếp nào. Rồi tiếp theo là những buổi hẹn hò không thể thiếu những nụ hôn nồng nàn, say đắm, những vòng tay cuốn hút không thể rời nhau. Nhiều lúc Việt Hải trêu đùa Thanh Lan:

- Sư cô này cũng quyến rũ quá đi chớ. Đi tu thật là uổng. Thanh Lan giẫy nẫy lên:

- Ghét anh quá, đương không bắt người ta đóng vai sư cô, chẳng thể hiện được cá tính gì cả. Việt Hải chống chế:

- Vai sư cô cũng tốt thôi, thể hiện được sự thánh thiện và lòng nhân từ đối với tha nhân là cá tính của em chứ còn gì. Nhưng nào phải tại anh, anh giao khoán hết cho thằng Vinh nó có trách nhiệm giao du, ủa ủa giao thiệp tìm vai phụ cho phim đó chớ. Việt Hải chợt hôn nhẹ lên mái tóc Thanh Lan nói:- gì thì gì anh cũng phải cám ơn thằng Vinh chớ, nhờ nó mà anh mới có được một sư cô xinh xắn thế này.

- Thôi, đừng chọc em nữa. Anh hứa sẽ kể cho em nghe về anh, vì sao anh trở thành đạo diễn trong khi anh học khoa Mỹ thuật ở Nga. Em không biết đâu, anh phải kể em nghe đó.

- Ừ, thì…thì…uống nước đi rồi anh kể.  

Việt Hải từ tốn kể về chuyện gia đình, chuyện đời tư của mình cho Thanh Lan nghe. Trong ánh đèn mờ ảo, nửa tối nửa sáng đầy lãng mạn của quán cà phê Việt Hải say sưa kể, anh không hề nhận thấy sự thay đổi trên nét mặt của Thanh Lan. Càng nghe Việt Hải kể, Thanh Lan bàng hoàng như sắp rơi từ trên một đĩnh núi cao xuống, cô bấu chặt mép bàn. Lòng chết lặng.  

Cả hai im lặng hồi lâu, hình như mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ. Chợt Thanh Lan nói:

- Anh tính ngày mốt về hả? Mai đến nhà em chơi.

Việt Hải ngạc nhiên, suốt một tuần lễ qua, hai người chỉ gặp nhau ở mấy quán cà phê. Thế mà anh sắp rời Đà Lạt Thanh Lan mới đề nghị đến nhà. Việt Hải hỏi có ý dò xét:

- Đến thì được, nhưng…nhưng rồi ông xã Lan có …có nói gì không?

- Không đâu, ông ấy hiền lắm. Mai em đến khách sạn đón anh về nhà nhé. Chờ em.  

Hai người yêu nhau đang thong thả bước trên một con đường vắng. Đà Lạt về đêm lung linh huyền ảo làm sao. Trăng mùa thu đẹp lạ lùng soi rõ những đồi thông, đi qua một đoạn đường không có đèn chiếu sáng, dưới ánh trăng mờ ảo Việt Hải thấy Thanh Lan đẹp quyến rũ lạ thường, một cái đẹp chín muồi của người đàn bà trung niên mà Thượng đế tạo ra để ban phát cho đàn ông. Việt Hải chợt dừng lại ôm vai Thanh Lan nói:

- Trăng đêm nay đẹp quá em nhỉ. Để anh nhớ coi à à…” Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng/ Ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi/ Tiếng móng ngựa gõ dòn trên dốc vắng/ Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi. ” ( thơ Nguyễn Duy) Thanh Lan cười dòn:

- Đạo diễn ơi, lãng mạn thế có diễn viên nào chết vì anh chưa. Việt Hải siết chặt Thanh Lan vào lòng:

- Nhiều lắm, trong đó có một sư cô…bất đắc dĩ nữa. Thanh Lan đấm mạnh vào vai Việt Hải:- Không dám đâu, đừng có mà mơ.  

Ngôi biệt thự sang trọng nằm trên một con đường nhỏ, con đường có một vẽ rất yên bình. Ngôi nhà hoàn toàn vắng lặng. Thanh Lan đi lấy nước mời khách. Việt Hải nhìn ngắm phòng khách rất sang mà giản dị, anh nhìn chăm chú vào một bức chân dung, một nét gì vừa lạ vừa quen, mơ mơ hồ hồ mà anh không tài nào nhớ nổi.

- Ảnh của em đấy. Tiếng Thanh Lan cất lên làm anh giật mình. Việt Hải gật đầu:

- Ờ ờ anh đang chiêm ngưỡng. Ủa, ông…ông xã đâu…để anh chào. Thanh Lan chỉ vào bức ảnh một người đàn ông đã đứng tuổi trên tủ thờ:

- Nhà em đấy, em đã nói mà, ông ấy hiền khô à. Anh muốn chào …thì chào đi…

Việt Hải sững sờ nói:

- Thì ra…nhà em… mất rồi à.

- Gần mười năm rồi. Em sống vậy cho đến bây giờ.

- Thế còn…các con…

- Em không có con. Thanh Lan cười nhẹ đùa:- Sư cô mà có con sao được, sư bà đuổi cổ ra khỏi chùa liền. Anh có đi tham quan nhà thì cứ đi đi, xuống hết cầu thang này là ra vườn hoa. Em đi làm cơm trưa đãi anh.  

Trọn một ngày ở nhà Thanh Lan, hai người đã sống cho nhau hết mình. Việt Hải cảm thấy như đây là nhà của mình. Anh thật sự đang sống cho mình. Công việc đạo diễn ít khi cho anh có được những giờ phút sống cho chính mình như thế này, mà anh luôn sống bằng hằng trăm hằng ngàn số phận của các vai diễn. Nhưng không được. Tổ ấm của anh không phải ở đây. Vợ và hai con của anh vẫn thường chờ anh về sau mỗi lần quay xong một bộ phim.  

Hôm nay đoàn làm phim dừng chân ở Bình dương. Bộ phim mới được dựng mới gần phân nửa đoạn đường, Trước mắt còn rất nhiều bộn bề, gian nan. Việt Hải cố tập trung đầu óc vào vai trò đạo diễn. Không hiểu sao các diễn viên vào vai một cách hời hợt, uể oải, có nhiều phân đoạn rất dễ mà phải diễn đi diễn lại nhiều lần rất mất thời gian và mệt mỏi.

- Cắt cắt, cái cô Thanh Lan kia, diễn đoạn này nét mặt phải biểu cảm một chút chớ, đóng vai thương mà cái mặt cứ trơ trơ cứng ngắt là sao. Việt Hải trừng mắt, gằn giọng.

Cả đoàn bỗng dưng cười rộ lên, cô thư ký trường quay nói:

- Anh bữa nay sao vậy, ở đây có ai tên Thanh Lan đâu mà anh nhầm lẫn một cách vô tội vạ thế. Anh nhầm đến ba bốn lần rồi đó nghe. Diễn viên chính là Mỹ Xuân mà anh cứ Thanh Lan, Thanh Lan nói mãi, kỳ cục. Việt Hải quá ngượng giả vờ chống chế:

- Tôi nói tên của nhân vật kìa.

- Tên của nhân vật là Lan Ngọc

- Ờ thì…thì… tôi quên, tôi tưởng là…ờ mà cái gì Lan cũng được, đại khái vậy thôi. Rồi, diễn lại đi, máy chuẩn bị.  

Việt Hải không dám nhắc tên Thanh Lan. Vì sao thế. Thanh Lan ơi sao hình ảnh của em cứ chế ngự trong đầu óc tôi, đôi mắt đẹp đượm buồn của em, nụ cười mộc mạc của em, bàn tay ấm của em, những nụ hôn nồng nàn cháy bỏng của em… Trời ơi, sao mà khổ cho tôi thế này. Nhưng kêu khổ có ích gì, nếu không có tình yêu thì cuộc đời này có được sưởi ấm không. Bộ phim đang quay là bộ phim được dàn dựng theo đơn đặt hàng của một công ty truyền thông. Việt Hải phải làm việc gấp rút cho kịp hợp đồng. Anh tất bật ngày đêm, cố gạt bỏ mọi riêng tư ra khỏi đầu óc.  

Một màn mưa màu xám đen đã buông xuống suốt ngày nay, Việt Hải đến bên cửa sổ đứng xem mưa đập lộp bộp vào của kính đã bị mờ đi bởi một dòng nước nhỏ chảy xuống, vì một lý do nào đó không giải thích nổi, tâm trí anh lại trở về với những ngày tháng ở Đà Lạt. Bộ phim theo đơn đặt hàng đã hoàn tất, anh cảm thấy nhẹ nhỏm như vừa trả xong một món nợ. Việt Hải như nhớ ra một điều gì, anh bỗng dưng sợ hãi và lo âu. Trong những ngày làm phim, thỉnh thoảng có chút thời gian nghỉ tay, anh điện thoại cho Thanh Lan, nhưng lúc nào cũng nhận được câu nói đầy lạnh lẽo: “ thuê bao quí khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quí khách…”, rồi anh nhắn tin cũng hoàn toàn vô vọng. Anh quyết định lên Đà Lạt.  

Ngôi biệt thự quen thuộc hiện ra ngay trước mắt. Cổng và cửa vẫn đóng im lìm. Việt Hải hồi hộp thật sự. Một cảm giác khó tả, nhưng rất đặc biệt đang hòa nhịp trong lòng anh. Anh đưa tay bấm chuông. Vài phút sau, một người đàn bà lạ ra mở cửa. Việt Hải vô cùng sửng sốt. Người đàn bà gật đầu chào:

- Xin lỗi anh tìm ai? Việt Hải vẫn còn sững sốt, ấp a ấp úng:

- Dạ, dạ… chị cho tôi hỏi cô …cô Thanh Lan

- Cô Thanh Lan nào? Tôi là chủ ở đây.

- Ủa, cô…cô Thanh Lan… ở… đây mà. Người chủ nhà như chợt nhớ ra điều gì nói:

- À, tôi nhớ ra rồi. Cô Lan bán nhà cho tôi, tôi về đây ở hơn ba tháng rồi. Anh có phải…À xin lỗi anh tên gì?

- Tôi tên Hải

- Anh có phải là đạo diễn phim không, anh gì Hải…Hải…tôi quên rồi.

- Dạ Việt Hải. Người chủ nhà ồ lên đon đã mời:

- Vậy thì đúng rồi, mời anh vào nhà tôi gửi anh cái này. Việt Hải bước vào phòng khách quen thuộc nhưng bên trong đã hoàn toàn đổi khác, anh nhìn trực lên tường, vị trí cũ, bức chân dung không còn nữa. Thanh Lan đi thật rồi. Bà chủ nhà đưa cho anh một phong thư:

- Cô Lan dặn khi nào anh tới thì đưa thư này cho anh, tôi đã giữ nó hơn ba tháng nay rồi, cứ nghĩ rằng người ấy chắc không đến, nhưng tôi vẫn cứ giữ, nhưng không ngờ nay anh lại đến.

- Cám ơn chị. Chị có biết cô Lan dọn đi đâu không?

- Tôi thật sự không biết. Thấy cô ấy ít nói nên tôi cũng không tiện hỏi.

- Vâng, thôi được rồi. Cám ơn chị rất nhiều. Chào chị tôi về. Việt Hải lê từng bước chân vô hồn ra khỏi nhà, đi được một quãng anh gọi một xe thồ về khách sạn.

Việt Hải nằm vật ra giường, thế này là thế nào. Em chơi trò cút bắt với tôi đó hả. Anh cảm thấy đau ê ẩm cả người, thong thả bóc lá thư ra, anh lẩm bẩm: viết gì mà nhiều thế này.

Anh Hải thân yêu!

Anh thật sự không nhận ra em ư? Em chính là con Út Lan giúp việc cho nhà anh hồi ba mươi năm về trước. Thoạt đầu em cũng không nhận ra anh, chúng mình thay đổi nhiều quá nên mới không nhận ra nhau. Anh còn nhớ đêm hôm nào ở quán cà phê anh đã kể cho em nghe về đời tư của anh không? Em đã nhận ra anh từ hôm đó. Đúng là anh rồi, người mà em đã biết yêu từ năm 16 tuổi. Anh là con bà chủ giàu có, còn em chỉ là một đứa ở đợ, anh để ý em làm gì phải không. Em còn nhớ cái ngày mẹ anh gửi anh đi du học. Hôm ấy em được cử đi theo xách hành lý cho anh ra sân bay. Trước khi lên máy bay anh đã ôm chầm hết người này người kia để từ giã, em đứng nhìn anh lòng buồn vô kể, em ước gì được anh ôm trong vòng tay dẫu chỉ một lần thôi, nhưng không bao giờ, không bao giờ em có được diễm phúc ấy. Anh đi rồi em buồn vô cùng, đêm nào em cũng khóc thầm ướt cả gối. Em nhìn đâu cũng thấy anh, ngôi nhà luôn tràn ngập bóng hình anh. Em vẫn giúp việc nhà chờ anh về. Cho đến một ngày kia, vào một đêm mưa to gió lớn. Em đang mơ những giấc mơ giản dị nhất, thì bỗng dưng một bóng người lướt vào phòng em, ôm chầm lấy em, em la lên em gào lên nhưng vì mưa to quá nên không ai nghe. Thì ra đó là bố dượng anh, ông ta làm hỗn em. Bất chợt mẹ anh xuất hiện. em mừng quá ngồi dậy định thần trở lại. Anh Hải ơi trong tiếng mưa đêm ấy em còn nghe rất rõ tiếng phân trần của bố dượng anh: - Anh có biết gì đâu, anh xuống nhà uống nước thì nghe nó kêu đau bụng, anh vội đi tìm chai dầu đưa nó thì nó…nó …kéo anh xuống giường nó, anh đang hoảng hồn thì may sao em đến… Trời ơi những lời vu khống của bố dượng anh, em nghe như ngàn cây đinh đóng vào da thịt. Mẹ anh tin lời ông ta, đánh mắng em thậm tệ rồi xách quần áo em quăng ra cửa, đuổi em ra khỏi nhà ngay trong đêm mưa gió đó. Thời gian anh học ở nước Nga xa xôi anh đâu có biết ở nhà em chịu bao nhiêu cay đắng tủi nhục. Em đi lang thang suốt đêm mưa gió đó, may sao được một bà bán cháo lòng cho vào tá túc đêm mưa đó. Em kể bà nghe mọi chuyện, vợ chồng người chủ quán thương tình nhận nuôi em để phụ việc quán. Sau này vợ chồng người chủ quán tốt bụng gã chồng cho em, ở nhà chồng năm năm rồi mà vẫn không có con, gia đình chồng đổ lỗi cho em, rồi người chồng sanh ra đổ đốn, nhà chồng hắt hủi, bạc bẽo với em. Em một lần nữa ra đi trong uất hận. Vì có chút nhan sắc, sau này em gặp một người đàn ông góa vợ giàu có, nhưng lấy nhau chưa đầy ba năm thì ông ấy bệnh qua đời, để lại cho em của cải và ngôi biệt thự này đây.  

Anh thân yêu! Những ngày ở bên anh tuy ngắn ngủi, nhưng với em đã là quá đủ. Ông trời thương cho em được gặp anh trong hoàn cảnh này. Anh tha lỗi cho em, sở dĩ em không dám cho anh biết em là con Út Lan ngày đó vì em sợ anh sẽ xa lánh em. Thiên kiến đã bắt rễ quá sâu trong con người. Kẻ ở đợ bao giờ cũng là ở đợ. Ba mươi năm dài đằng đẳng, chúng mình tuy chưa già nhưng cũng không còn trẻ nửa. Tất cả em đã nói hết trong thư. Chỉ mong anh gặp nhiều may mắn trên con đường nghệ thuật mà anh đã chọn, luôn làm tròn trách nhiệm của một đạo diễn, bên cạnh đó yêu vợ và thương con là trên hết. Đừng tìm em làm gì, không gặp nữa đâu.

Thanh Lan 

Việt Hải lại nằm vật ra giường. Sự thật là đây sao. Thế mà khi về nước không thấy Út Lan anh đã hỏi mẹ, mẹ nói Út Lan về quê lấy chồng. Anh cũng mừng cho cô. Nghĩ tới cuộc đời đầy cô đơn, đầy hy sinh, chịu đựng của Thanh Lan, nước mắt bỗng trào ra. Đạo diễn Việt Hải ơi mày khóc đó ư. Tại sao lúc ấy em không cho anh biết, để anh đền bù cho em. Tình yêu và công bằng. Hãy tha thứ cho anh cũng như cho gia đình anh. Cái tin nhắn ngày nào của em còn đây: “Anh coi có vai diễn nào thể hiện người đàn bà khổ nhất trần gian thì cho tôi tham gia với…. ” Không. Thanh Lan ơi, anh không thể bắt em phải sống lại cái bi kịch của đời em một lần nữa, anh sẽ không để vai diễn đó cho em đâu. Việt Hải không có khả năng tự phân tích mình. Anh cảm thấy cuộc sống thật đã vượt quá sức chịu đựng của anh. Thanh Lan ơi anh biết tìm em ở đâu bây giờ. Việt Hải là một đạo diễn phim nay đây mai đó, nhưng giờ đây anh cảm thấy mình như một tên nô lệ bị cột vào cọc chèo cho dòng nước cuốn đi. Tất cả rồi sẽ kết thúc ở đâu. Chưa kết thúc nên vẫn là bi kịch. /.

Đặng thị Thanh Liễu
Số lần đọc: 1691
Ngày đăng: 03.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Địa sứ - Đỗ Ngọc Thạch
Ngôi Nhà Trên Dốc - Ngô Thị Ý Nhi
Trong số họ không có kẻ nào đồng lõa với tôi - Lê Minh Phong
Họa Tiết Của Mùi - Nguyễn Viện
Mẹ - Ngô Thị Ý Nhi
Cái Tổ Chim - Nguyên Minh
Gặp lại người xưa! - Trọng Huân
Truyền Thuyết Cây Si Đảo Hà - Trần Quang Vinh
Giữ Chức - Ngô Văn Cư
Tấc đất tấc vàng - Huỳnh Văn Úc