Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
29.003 tác phẩm
2.765 tác giả
218
124.701.108
 
Văn học Việt ở ngoài nước trong vài năm qua
Đỗ Quyên

Vâng, với cái dễ cái khó mà ai cũng tỏ, tôi tự thấy không dễ viết một bài tổng quan cho báo trong nước, kể chuyện sáng tác của các nhà văn Việt ở ngoài nước. Và tôi viết, khi nhớ câu “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

 

*

Là người trong cuộc, tôi thấy, văn học Việt Nam ở nước ngoài hiện nay cũng không đến nỗi nào, đâu có tẻ nhạt như nhiều người trong cuộc và ngoài cuộc từng bình giá. Tất nhiên, so với mươi năm trước, đa số các sân chơi lớn đã tan hàng. Có được rất ít nhóm còn sống hoặc mới ra, thì lại làm báo chí “trên trời”. Sách, báo chí văn học “dưới đất” càng khan hiếm, dễ tạo cảm tưởng không nắm bắt được câu chữ chăng? (Hay vì tôi lạc quan? Với cả nền văn học Việt Nam, sau khi nhìn ra điều hay dở, sự được mất, dù ở xa tôi vẫn thấy… ô-kê, xét về toàn diện, không như nhiều người đang ta thán.)

 

Về văn chương viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài, để nói đúng và hay, thật không đơn giản. Một trong các lý do: có nhiều cách tiếp cận mà mỗi cách cho kết quả khác nhau. Ví dụ: Thể tài, nội dung; Quan niệm, chính kiến; Thế hệ, tuổi tác; Môi trường xuất bản; Thời kỳ, trào lưu; Khu vực địa lý...

 

Tôi chọn cách sau: Phác họa tác giả theo thể loại, rồi đi vào một số vấn đề nổi bật về nội dung và phương pháp, với thời gian trong vài ba năm nay (tạm tính tới tháng 2-2010), và theo các địa chỉ văn học ở hải ngoại là damau.org, tienve.org, gio-o.com, amvc.free.fr, thotanhinhthuc.org, Hợp Lưu, Khởi Hành, Chủ Đề, Truyền Thông...

 

Bức tranh xuân:

 

Làng văn học Việt ở nước ngoài dạo này vẫn ánh lên các tác giả của “thời hoàng kim” (khoảng 1985-1995) và “hậu hoàng kim” (khoảng 1995-2000), trong đó có không ít tên tuổi từng làm nên văn học miền Nam trước 1975.

 

Thơ: Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Thiệp, Luân Hoán, Khế Iêm, Ngu Yên, Thường Quán, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Đăng Thường, Trần Mộng Tú, Chân Phương, Phan Ni Tấn, Lê Thị Huệ, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Hoài Phương, Đỗ Quyên, v.v...

 

Văn: Võ Phiến, Kiệt Tấn, Hồ Trường An, Nam Dao, Kinh Dương Vương, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Đình Nghiêm, Hoàng Chính, Nguyễn Thị Thảo An, Miêng, Hoàng Mai Đạt, Nguyễn Quí Đức, Lê Thị Thấm Vân, Mai Ninh, Thế Dũng, Lê Minh Hà, v.v...

 

Phê bình, biên khảo: Đặng Tiến, Đặng Phùng Quân, Viên Linh, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê, Nguyễn Vy-Khanh, Trần Doãn Nho, Đoàn Cầm Thi, Nguyễn Trung Hối, v.v...

 

Thảo luận, đọc sách: Đào Trung Đạo, Trần Thiện Đạo, Thế Uyên, Phan Huy Đường, Nguyễn Tà Cúc, Phùng Nguyễn, v.v...

 

Dịch thuật: Hoàng Ngọc-Tuấn, Hoàng Ngọc Biên, Trịnh Y Thư, Nguyễn Ước, v.v...

 

Ký sự - thể loại còi cọc nhất trong gia đình chữ nghĩa Việt hải ngoại - nay đã có da thịt màu mỡ với Đỗ Kh., Trần Vũ, Đinh Linh, Trùng Dương...

 

Một số chuyển hoặc thỉnh thoảng chuyển “bàn viết” về Việt Nam: Nguyễn Văn Thọ và Mai Ninh (văn), Thận Nhiên và Trần Nghi Hoàng (thơ), Vũ Ngọc Thăng và Nguyễn Tiến Văn (dịch thuật)...

 

Vòng nguyệt quế nên được dành cho các tên tuổi quyết định sự chuyển đổi của văn học hải ngoại gần đây. Thơ: Lê An Thế, Đỗ Lê Anhdao, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Lương Vỵ, Vương Ngọc Minh, Lưu Diệu Vân, Trần Nguyên Đán... Văn: Thuận, Đặng Thơ Thơ, Lữ, Đoàn Minh Phượng, Hoàng Ngọc Thư, Lê Quỳnh Mai, Nguyễn Xuân Tường Vy... Dịch thuật: Lê Đình Nhất Lang... Phê bình, biên khảo: Đinh Từ Bích Thúy, Trần Thiện Huy... Đáng nể là Nguyễn Quỳnh, Ngô Văn Tao và Thái Kim Lan: ba tay bút lão luyện của văn học nghệ thuật Việt chỉ vài năm qua mới chịu tung hoành khắp các lãnh địa (nghiên cứu, kịch, văn, thơ, dịch, tiểu luận...) Các vị mới góp mặt như McAmmond Nguyen Thi Tu (văn), Nguyễn Thị Hải Hà, Nguyễn Hồng Nhung (dịch), Một Danna (thơ, tiểu luận)... nhưng nội lực đã tỏ thâm hậu.

 

Các nét nổi bật của văn học Việt ở nước ngoài hiện nay:

 

Một cách hoàn toàn hợp lý đúng thời, cả nội dung lẫn hình thức của dòng văn học này trong vài ba năm qua đã mang vóc dáng khác. Sự thành công về nghệ thuật còn là điều cần bàn thêm, nhưng phải nói rằng tác động của văn học hải ngoại tới đời sống tinh thần người Việt ở đây không còn được như từ năm 1997-1998 trở về trước.

 

Gần giống văn học trong nước, tính phân tán là điều dễ thấy nhất của văn chương Việt ngoài nước hiện nay. Nói theo ngôn ngữ hậu hiện đại là giải trung tâm.

 

Về vấn đề địa văn hóa: Hoa Kỳ, về hình thức, tưởng như không còn là trung tâm “văn hóa đọc” của người Việt hải ngoại, khi mà các trang mạng nở rộ, các tạp chí văn học in bằng giấy đã rơi rụng gần hết, sách văn học được xuất bản ít hơn lá mùa thu.

 

Về thể tài: Nội dung không còn khu biệt ở vài đề tài quan trọng (nỗi nhớ quê hương, nối dài văn học miền Nam, thân phận ly hương, hội nhập định cư...) mà tất cả hòa vào nhau rồi được cộng thêm các đề tài mới, tới mức rất khó định danh đề tài chính như ở các thời kỳ trước; trừ đề tài muôn thuở là tình yêu. Rõ hơn cả là sự liên đề tài với các vấn đề, sự kiện lớn của cuộc sống chính trị, xã hội và văn nghệ ở Việt Nam. Nói gọn: “người và việc” ở trong nước dường như là cảm hứng sáng tạo và động lực đề tài của rất nhiều tác giả ngoài nước.

 

Về văn phong: giống ở trong nước, rất đa dạng và phân kỳ! Đây lại là điều không dễ hiểu; vì, trên thực tế trong thập niên qua, cuộc sống tinh thần và vật chất ở các nước bản địa mà người Việt định cư không mấy đổi thay. Trong khi đó, đời sống kinh tế, sinh hoạt xã hội ở Việt Nam, với những thăng trầm khó tưởng tượng nổi, đã cho thấy văn chương đúng là hơi thở của thời đại.

 

1. Sự đồng hành độc lập (và “hòa bình”!) của các cách viết mới trong ba khuynh hướng truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại:

 

Điều này thể hiện rõ ràng cả trong hai thể loại thơ và văn xuôi. Ở đây giới hạn trong thơ. Bốn nhà thơ quan trọng dưới đây đều định cư tại Mỹ; ba người nam thì ở cách “khu chợ Bolsa”... vài câu thơ!

 

Trần Mộng Tú là “liền chị liền anh” trong thể thơ truyền thống với vần điệu ổn cố, có sức viết hàng đầu góp mặt trên hầu khắp báo chí ngoài này. Khác đa số người viết “cổ điển”, sự sống của thơ Trần Mộng Tú là ở cái thần thơ mới, trẻ và sáng. Làm cho chữ (nội dung, đề tài) ở mỗi bài thơ dù cũ và quen được mang những nghĩa (tư tưởng, cảm xúc) khác. Nếu như ngày mai bỗng phục sinh tục lệ của 20-30 năm trước: chép thơ vào sổ tay, tôi xin được “cá” rằng, Trần Mộng Tú sẽ là tác giả số 1 ở hải ngoại và hẳn sẽ lọt Top 10 ở Việt Nam. Đây là đoạn kết của bài Tiễn Phạm Chi Lan, được làm trong mùa thu vừa rồi, khóc thương người bạn vắn số mà đa tài giàu tâm của văn nghệ sĩ hải ngoại: “Tôi gửi một giọt lệ / rơi trên lưng bàn tay / dẫu tay không với tới / cũng xót người hôm nay.” Nữ sĩ đã góp phần làm cho Thơ Mới của thế kỷ trước vẫn“trơ gan cùng tuế nguyệt” giữa thời hậu hiện đại.

 

Trong số các “cây đa cây đề” của văn học miền Nam trước 1975 và ở hải ngoại sau 1975 đến nay, Du Tử Lê là tác giả hiếm hoi còn viết và viết hay. Anh lại viết rất khỏe, xuất bản sách đều gần như mỗi hai năm trong hàng chục năm nay. Tập thơ mới nhất “năm chữ du tử lê và, mười hai bài thơ, mới”, đã ra được nửa năm, chứng tỏ nhà thơ hiện đại này – giống như thời mới nổi danh khắp miền Nam – khi cần thì giữ âm nhịp chặt chẽ làm nền cho ý tưởng và ngôn từ bay lên: [1]

“em nhường tôi chỗ ngồi

mang theo mọi chú thích”.

(Bài “bọc bên ngoài thảm kịch,”)

 

Thế là kể từ nay, với câu thơ trên, “chỗ ngồi” không chỉ là nơi chốn và tình cảm; mà còn là... văn bản!

Ra hải ngoại, tác giả đã kéo thơ hiện đại cuốn vào thi pháp Du Tử Lê, tạo ra những lối rẽ trong thi cảm bằng mọi phương tiện của cú pháp, ký hiệu, dấu; đôi khi làm khó chịu không ít con mắt thơ (và cả con mắt người biên tập, trình bày bài vở.) Nhiều năm trước khi lối viết hậu hiện đại phát triển ở ngoài nước và trong nước, thì các dấu gạch chéo (slash) “ / “, dấu gạch nối (hyphen) “ - “, cách đặt dấu chấm, phẩy, không viết hoa tất cả các chữ, v.v... đã từng là “thương hiệu Du Tử Lê” rồi! Và điều đó đã thu hút nhiều hưởng ứng cũng như phản đối.

 

Trích đoạn sau đây từ bài “chào năm mới ở garden grove, california,” tôi đề nghị xem như con dấu thơ Du Tử Lê:

 

“vẫn buồn (kép,)

chia đôi:

thiên đàng / địa ngục.

em chiếc nêm

chêm giữa - -

ngực đơm / môi /

triền thơ ấu nghiêng,

thiêng bầu vú mẹ.”

 

Không chỉ thân thuộc giữa cộng đồng văn nghệ người Việt ở đây, Du Tử Lê là nhà thơ gốc Việt được giới thiệu nhiều nhất trong các trường đại học tại Mỹ. Người Mỹ cũng tinh đời đấy, ít nhất trong chuyện này! Thơ họ Du đi với nhạc điệu như hình với bóng: đó là tiêu chí đầu bảng của thơ Việt; Chữ nghĩa đại chúng lại sang cả: già trẻ Tây-Ta đều hiểu; Tâm trạng di dân rất đặc thù. “Tam đại sự”cho thơ Việt di dân! Hỏi còn gì hơn?

 

Lê An Thế có tác phẩm Thơ Lê An Thế, tự xuất bản, tháng 6-2009. Đây là một trong các thi tập xuất sắc nhất của thơ hải ngoại mà tôi được biết trong vài năm nay, và cũng có thể là xuất sắc của thơ Việt đương đại nói chung. Tràn ngập tâm thức hậu hiện đại, nhà thơ dẫn những văn bản đến thẳng mọi loại độc giả bằng cách nghĩ cách sống của chính mình. Ngôn ngữ lúc này phải làm đầy tớ! Anh không hoặc chưa dùng nhiều kỹ thuật hậu hiện đại - điều đang và sẽ còn làm rối mắt bực tim đa số bạn đọc, kể cả ở các nước văn chương hậu hiện đại ra đời và phát triển như Pháp, Mỹ... Tập Thơ Lê An Thế có vài bài mang cách nói bình dân, phàm tục, mà đúng chỗ. Trong bút danh mới, người thơ này đã không làm xấu hổ bút danh cũ từng làm náo hoạt văn học hải ngoại thời hưng thịnh: Lê Bi!

 

Mời độc giả thưởng lãm toàn bộ một sáng tác của Lê An Thế được làm tại Nha Trang năm ngoái, mà tôi đã có trong đầu cả một bài bình:

 

Nghệ thuật ngồi quán một mình

 

Có lúc tôi là một làn sóng một ngoại ngữ một cánh cửa

một phụ âm

qua góc quán này một người đàn bà vừa đi vừa nói vào chiếc điện thoại di động

tôi lại thất tình

với chiếc điện thoại di động

khi người đàn bà nhét nó vào túi sau quần jean

mang theo một cái mông đầy sóng

giữa những bức tường không chịu chết này

chúng ta đứng ngồi chồng chéo

tôi lại như một cái chìa khóa

đang thử cắm vào tất cả

mà vẫn giữ được sự cô độc của mình.

 

Nói về trào lưu, trường phái: Thơ tân hình thức Việt từng do Tạp chí Thơ và nhà thơ Khế Iêm khởi xướng là một cái mốc trên con đường đổi mới thơ Việt Nam.

 

Thể thơ Tân hình thức (New Formalism) phát sinh ở Mỹ hồi 1980-1990, lan sang thơ Việt trong và ngoài nước từ năm 2000, và phát triển hồi 2004-2005 với các tranh luận căng thẳng, triền miên. Thơ tân hình thức Việt có các đặc trưng: Không vần, nhịp điệu khác hẳn thơ bình thường; Hai kỹ thuật chính: vắt dòng (tùy loại 4-5-6-7 chữ, cả lục bát, thì xuống dòng theo số chữ), và lặp lại; Tứ thơ - đây là điểm quan trọng - có tính truyện; Ngôn ngữ: không tu từ; đời thường, có thể thông tục; Mục đích: đưa thơ lại gần đời sống hàng ngày. Tác dụng: Thật ra, theo tôi, thơ tân hình thức không phổ cập được; như một loại “đặc sản”, chỉ hợp một số ít cấu tứ, trạng thái nào đó. Năm 2006, ở Mỹ ra đời tuyển tập tân hình thức Việt song ngữ Thơ không vần – Blank verse, gồm 65 tác giả trong và ngoài nước. Một tuyển tập mới vừa đã được in ở cả Việt Nam và Mỹ, khiêm nhường hơn về tầm vóc và mang cái tên tiếng Việt “tân hình thức” hơn: Thơ kể - Poetry narrates, với 22 tác giả Việt toàn cầu. Nếu không tính những thi phẩm cá nhân và những hợp tuyển in ở nước ngoài, thì Thơ không vần – Blank verse (NXB Lao Động, 5-2010) là tuyển tập thơ tân hình thức đầu tiên của Việt Nam.

 

Cuối cùng, trước khi khép màn sáng tác thơ, tôi muốn nói nhanh rằng, cùng Lê An Thế, nhị vị Đỗ Lê Anhdao (Mỹ) và Nguyễn Đức Tùng (Canada) là các tác giả nổi trội về cách tân thơ Việt hải ngoại trong nửa thập niên qua. Đỗ Lê Anhdao, ngay khi xuất hiện, đã là hai tay thơ - song ngữ - thứ... dữ! Dữ về bút pháp văn chương. Dữ về cả thẩm mỹ nghệ thuật. Dữ luôn cả tính nữ quyền! Ba thứ dữ đó “trị” được nhau, đưa thơ của cô trở thành tiêu biểu cho phong cách nổi loạn đúng đắn với tâm trạng một nghệ sĩ di dân Thế hệ Một rưỡi trên xứ Cờ Hoa. Còn với Nguyễn Đức Tùng, tôi từng có một bài dài mang tên Bình thơ Nguyễn Đức Tùng đăng ở một vài trang mạng. Nhà thơ này như một luận lý gia thực hành, không tuyên ngôn bằng tuyên ngôn. Khoảng 80 bài thơ ngắn của anh có thể xem đã tạo nên một trong những loại “Haiku Việt”. Haiku Việt của Nguyễn Đức Tùng đưa ra luận điểm bằng các hình tượng thơ in dấu ấn xã hội, thời cuộc Việt Nam, và được nuôi dưỡng trong phong cách giễu nhại phương Tây và thi cảm phân tâm. Nhưng, đấy là một loại thơ khó, dù không có sự rối rít lộ diện như ở đa số cách viết hậu hiện đại khác.

 

2. Lý luận và phê bình văn học Việt ngoài nước năm 2009 có được hai tác phẩm về thơ đặc biệt và giá trị:

 

Đó là Thơ – Thi pháp và chân dung của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp) và Thơ đến từ đâu của nhà thơ, nhà biên khảo Nguyễn Đức Tùng. Điều dễ nhận ra ở hai cuốn sách là các vấn đề của thơ Việt trong nửa thế kỷ qua, ở cả hai miền Bắc và Nam, ngoài nước và trong nước, có lẽ lần đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam, trong một hình thức hợp tuyển độc đáo: hoặc là gồm những bài phê bình đã đăng rải rác được viết theo cách tiếp cận riêng để thấy thơ “như một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” (với Đặng Tiến), hoặc là gồm những phỏng vấn các nhà thơ, nhưng không theo cách thức và nội dung phỏng vấn bình thường mà dùng bút pháp văn chương lấy thơ vừa làm phương tiện vừa làm mục đích (với Nguyễn Đức Tùng).

 

Riêng cuốn Thơ đến từ đâu một sự kiện văn học đặc biệt trong năm! Ngay khi mới ra đời đã được dư luận và văn giới quan tâm sôi nổi qua nhiều tháng trời trên nhiều báo chí, trang mạng ở trong cũng như ngoài nước, trên nhiều phương diện trong cũng như ngoài văn chương. Quả là một cuốn sách mang số phận trôi nổi - số phận của Thi ca! Và sự ra đời của nó ở Việt Nam tự thân đã là một kỳ công - kỳ công của Thi ca! Cuộc Hội thảo 6-1-2010 tại Hà Nội, do Trung tâm văn hoá Pháp L'Espace và Công ty TKK Concert phối hợp tổ chức, đã thu hút hàng chục tham luận của các tay bút có uy tín và năng động trong sinh hoạt học thuật và phê bình Việt Nam như Hoàng Ngọc Hiến, Đặng Tiến, Dương Tường, Phạm Toàn, Tô Nhuận Vỹ, Chu Văn Sơn, Văn Giá, Trần Thiện Khanh, Đặng Thân... Tạp chí Sông Hương đã tập trung các tham luận này thành Chuyên đề: Về cuốn “Thơ đến từ đâu” trên trang mạng của mình. Cuộc Tọa đàm Thơ đến từ đâu 6-6-2010 đã được nằm trong Chương trình Festival Huế 2010 với chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”, qua tham luận, ý kiến của các văn thi sĩ, phê bình gia khắp ba miền đất nước: Mai Văn Hoan, Phạm Xuân Nguyên, Hồ Thế Hà, Nguyễn Tiến Văn, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phạm Nguyên Tường, Hoàng Vũ Thuật, Khánh Phương, Inrasara, Phùng Tấn ĐôngBản tin của Tạp chí Sông Hương cho thấy hội thảo này “xoay quanh các vấn đề của thơ ca như các xu hướng, các trường phái thơ ca hiện nay, về các khái niệm thơ cũng như những hành trình thơ ca của những người viết trẻ…”

 

Mong rằng, ý nghĩa chuyển đổi quan niệm nhìn nhận bản thể văn học Việt Nam của hai tác phẩm ấy sẽ còn được độc giả và giới phê bình khắp nơi bàn thảo.

 

3. Văn học Việt hải ngoại chuyên chở tinh thần thế giới:

 

Đó như hai núm đồng tiền làm đẹp gương mặt văn xuôi tiếng Việt ở nước ngoài mà trong các thời kỳ trước không sao có được. Đành rằng, trong thơ, như ở các tác giả trên, cũng có “thế giới”. Nhưng thơ bao giờ cũng là thơ! Khó... sờ mó được như truyện, ký với các sự kiện, biến cố mang tính sống còn của loài người: khủng bố tôn giáo, xung đột văn hóa... Công này thuộc về các nhà văn McAmmond Nguyen Thi Tu và Hoàng Chính (Canada), Đỗ Kh., Nguyễn Thị Thảo An (Mỹ), và Miêng (Pháp).

 

Với lối kể chuyện chỉn chu mà tự nhiên, McAmmond Nguyen Thi Tu là tác giả đã quen thuộc của bạn đọc trong nước qua các truyện ngắn đậm đà sự hòa lưu văn hóa, tập tục của người di dân trên thế giới. Nhiều tháng qua, loạt truyện xuất hiện trên trang mạng Da Màu của chị đã làm nở bung những lời bình ngưỡng mộ cùng các phản biện thú vị.

 

4. Đời sống của người Việt xa xứ:

 

Từ Đức, đã có hai tiểu thuyết về người Việt ở các nước Đông Âu đều mới được xuất bản ở trong nước vào năm Kỷ Sửu và nhận được sự quan tâm đáng kể. Đó là Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, Một nửa lá số của nhà thơ Thế Dũng. Nhiều bài viết, phỏng vấn đã dành cho tiểu thuyết Quyên như một trong những cuốn sách tiêu biểu thời đại di dân có tính toàn cầu, ở đó “số phận mong manh của một người phụ nữ Việt trôi nổi trên xứ người đã được văn học soi rọi khách quan và trân trọng.” (theo Nguyễn Thị Anh Thư)

 

Là điều bạn đọc đã biết, nhưng ở đây không thể quên nhắc đến nữ sĩ Thuận (Pháp) từng là “mẹ đẻ” 5 tác phẩm trong đúng ngần ấy năm: Made in Viêtnam (bản tiếng Pháp xuất bản tại Pháp năm 2009), Phố Tàu, Paris 11 tháng 8 (tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2006), T mất tích, Vân Vy.

 

5. Với sự kiện có tầm vóc và ý nghĩa quan trọng trong sinh hoạt học thuật của văn hóa và văn học Việt là Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài (đầu tháng 1-2010, Hà Nội), không ít văn nghệ sĩ hải ngoại có tên trong bài này từng đã quan tâm, tham luận, tham dự…

 

Tại Hội nghị và trên trang mạng Hội Nhà văn Việt Nam, Thế Dũng có tham luận Trong các xung lực của ngoại giao văn hóa chứa nhiều thông tin cụ thể về văn chương Việt Nam với độc giả người Đức.

 

Khế Iêm với bài Vài ghi nhận trong việc biên tập thơ song ngữ (trang mạng laxanh.vn) nêu các ý tưởng và kinh nghiệm mới mẻ, thực dụng trong việc dịch thơ từ tiếng Việt ra tiếng Anh.

 

Tham luận gửi tới Hội nghị của tôi mang tên Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức hậu hiện đại Việt đã đề nghị lưu tâm một đề tài xứng đáng làm vùng sáng trong thơ Việt, cần được thể hiện trên văn đàn quốc tế. Đó là trào lưu trường ca Việt Nam! [2]

 

Quan niệm rằng, thể loại như một thi pháp, cảm hứng chủ đạo như một phương pháp, chúng tôi chia sẻ cùng nhận định của nhà nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn [3], “về thể loại, sự bùng nổ của trường ca có lẽ là hiện tượng đáng kể nhất của thơ Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 20 đến giờ”.

 

Với thống kê sơ bộ còn nhiều thiếu sót, danh sách tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam của chúng tôi cho thấy, kể từ thời Thơ Mới tới nay, có 122 nhà thơ Việt Nam đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài có ý nghĩa tương đương. Trong danh sách này, một cách tương đối, có thể xem Phạm Huy Thông là trường ca gia Việt Nam đầu tiên với tác phẩm nổi tiếng “Tiếng Địch Sông Ô” ra đời năm 1935, và mới nhất là Trương Thìn với “Mấy Cõi Rong Vui” vừa ra mắt ở TP Hồ Chí Minh trong tháng 5-2010.

 

Đội ngũ các nhà trường ca Việt đó từng có cả một “trung đội” lừng danh từ những năm tháng khói lửa chiến tranh 1962-75 và sau đó vài năm là Thu Bồn và Thanh Thảo, là Nguyễn Khoa Điềm và Hữu Thỉnh, là Anh Ngọc và Nguyễn Đức Mậu... được nối tiếp tới thời hậu chiến là những Trần Mạnh Hảo và Thi Hoàng, Nguyễn Trọng Tạo và Hoàng Trần Cương, Trần Anh Thái và Nguyễn Quang Thiều... Còn Trần Dần và Lê Đạt - hai tác giả quan trọng khác của trường ca Việt - thì đã đưa thể loại văn học ngoại cỡ này tới tầm kích lạ lẫm về ngôn từ và sâu sắc về nhân sinh. Ở ngoài nước, ít ỏi không thành phong trào, nhưng cũng có các tác giả với những đóng góp thay đổi cần thiết về cả hình thức, cấu tứ lẫn nội dung, cảm hứng của trường ca Việt; đó là Du Tử Lê và Cao Đông Khánh, là Trần Nghi Hoàng và Đỗ Quyên.

 

Trường-phái-trường-ca-Việt-Nam – nếu có thể gọi như vậy – đặc sắc và Việt tính! Đó không là một tập hợp có chủ định, có đường hướng của nhóm các thi sĩ chung phương pháp, quan niệm theo một nhóm phái thông thường. Đó là phản ứng dây chuyền sáng tạo“đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” có ý thức của từng nghệ sĩ hòa cùng cảm xúc tráng ca của đất nước và sử thi của dân tộc trong một thời đại bi hùng của nhân loại. Qua thập niên đầu thế kỷ 21, con sông trường ca Việt hiện đại ấy cũng trở mình theo tâm thức chung của văn học Việt Nam và thế giới, từ thể tài, cấu trúc đến giọng điệu, ngôn ngữ. Và, lẽ tự nhiên, đã có không ít biểu hiện của trường ca Việt mang gương mặt hậu hiện đại.

 

*

Các lối đi, các cây rừng nói trên chưa thể cho thấy rõ khu rừng văn chương Việt Nam ở ngoài nước; và xin coi đó làm lời ước hẹn các bài về sau, trên trang báo này hay nơi khác...

 

Vancouver & Hà Nội (Hoàn thành 1-2010; Cập nhật 4-7-2010)

Chú thích:

Bài đã đăng lần đầu trên tuần báo Người Hà Nội, số 27, ngày 2-7-2010. Đây là bản mới nhất với một số tu chỉnh nhỏ.



[1] Do sự khác biệt về cách trình bày của thơ Du Tử Lê, chúng tôi sẽ trích dẫn theo đúng nguyên văn, nhất là không để cùng chung một dòng như các trích dẫn thơ khác có trong bài.

[2] Đỗ Quyên: “Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức trường ca Việt” (Bản thảo tiểu luận)

[3] Chu Văn Sơn: Thanh Thảo với trường ca (vietvan.vn) 

 

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 4419
Ngày đăng: 05.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Thành Tựu Văn Xuôi Phú Yên Qua Các Tác Phẩm Đoạt Giải Cấp Quốc Gia - Phạm Ngọc Hiền
Vận Mệnh Thơ Như Con Người - Hoàng Vũ Thuật
Thơ Giai Đoạn, Thơ Ngàn Năm - Trần Văn Nam
Cần Dứt Khoát Đổi Mới Tổ Chức Hội - Bùi Minh Quốc
Cánh Đồng Bất Tận - Từ Góc Nhìn Phân Tâm Học - Hoàng Đăng Khoa
Đẹp Trong Bi Ca, Chiến Đấu Ca và Sản Xuất Ca - Trần Văn Nam
Hậu Hiện Đại Lè Nhè Chủ Nghĩa - Phan Huy Đường
Chung quanh khái niệm “tầm đón nhận” của H. Jauss - Phạm Quang Trung
Thi Sĩ Thiêng Liêng—Poeta Sacer - Hamvas Béla
Hình tượng con người công dân và con người cá nhân trong văn học Việt nam trung đại - Bùi Tuý Phượng
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)