Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.130
123.141.323
 
Phương pháp giải quyết vấn đề và Tứ Diệu Đế - 2
Nguyễn Cung Thông

5. Tại sao phương pháp giải quyết vấn đề lại trở thành vấn đề (khó)?

 

Một yếu tố quan trọng làm con người không nhìn thấy ppgq là cái ta/tôi, cái ngã (tiếng Phạn अनात्मन् atman là hơi thở, linh hồn, đời sống, bản chất, thân xác, trí tuệ, hiểu biết ... tiếng Phạn Nam/Pali là anatta). Suy nghĩ dựa vào cái ta và phân biệt với cái người làm cho ta luẩn quẩn trong vòng si mê (vô minh) vì chúng không có thực (vô ngã 無我 - अनात्मन् anatman): cứ cố chấp theo ý riêng của mình (khuynh hướng tự nhiên) như vậy là ngã chấp 我執 hay tạo những vật cản (nội hàm) cho quá trình tìm kiếm ppgq. Các điều cản trở ta suy nghĩ chính xác và giải quyết thoả đáng một vấn đề do đó có thể là

 

5.1 Chỉ tìm hay nhận các điều phù hợp với thành kiến của mình (Confirmation Bias)

 

Các cảm nhận cá nhân đầu tiên cùng với kinh nghiệm riêng (cái ngã) làm cho ta giới hạn cách giải quyết vấn đề và chọn các con đường thiên lệch, dẫn đến kết quả sai lầm. Quán tính của kinh nghiệm cá nhân và cảm nhận chủ quan có khi rất cao khiến ta làm ngơ trước các dữ kiện ngược lại, làm lu mờ quá trình giải quyết vấn đề một cách khoa học. Thí dụ như trường hợp (e) khi muốn lập gia đình với X mà không nhận biết rằng X chẳng thương yêu gì mình! Cái tôi ‘si tình’ đã làm ngơ trước các dấu hiệu lạnh nhạt từ X, và cố chấp nhận các dấu hiệu tình cảm từ X dầu chỉ là xã giao bề ngoài ... Nhiều khi trạng thái quá tự tin (overconfidence) làm cho con người không nhìn thấy các dữ kiện khác trong vấn đề cần giải quyết, do đó kết quả sẽ không thoả đáng; Các tình trạng trên đều cho thấy sự ràng buộc quá mức của cái tôi (ngã).

 

Đức Phật Tổ có thuyết về câu chuyện 6 người mù rờ voi8 để nhận ra hình dạng con voi: người thì rờ chân voi nên tưởng voi có hình cái cột/ống, người rờ tai voi thì tưởng voi giống như cái rổ, người rờ lưng voi thì tưởng voi giống hình cái cối, người rờ đuôi thì tưởng voi giống hình cái chầy ... Vì không nhìn thấy được toàn thể con voi nên người nào cũng đúng và cuối cùng đều sai. Sự gắn bó tự nhiên với cái tôi (thành kiến) làm cho con người dễ đi lạc đường và là một vật cản luôn luôn có mặt trong quá trình gqvd.

 

5.2 Định kiến (Mental set) và Chức-Năng-Cũ (Functional fixedness)

 

Con người thường dùng phương pháp cũ (đã biết, đã quen) để đối phó với một vấn đề mới: đây là một kết quả của định kiến; Khi phải mở cửa bước vào phòng, ta thường đẩy cửa ra (xô ra) chứ ít khi nào phải kéo cửa ra, phản ánh định kiến từ các hoạt động hàng ngày, chưa kể đến yếu tố thuận tay phải hay trái. Khi nhìn cái búa, ta nghĩ ngay đến chức năng của nó là đập, đóng, gõ ... chứ ít khi nào dùng làm đòn bẩy (lever) hay đậy nắp (thùng): đây là một kết quả của kinh nghiệm dùng búa theo ‘thói thường’ hay theo Chức-Năng-Cũ. Dựa vào kiến thức và phương pháp cũ có thể giải quyết vấn đề hay giải toán thành công, nhưng cũng có thể giới hạn các cách mới (sáng tạo/creative) hơn và giải quyết thành công hơn nữa ... Tư duy cũ có khả năng tạo ra các giả thiết sai lầm (false assumptions) về vấn đề cần giải, giới hạn vấn đề trong tầm nhìn cá nhân và dẫn đến những phương pháp khiếm khuyết cùng kết quả không chính xác. Thí dụ sau rất phổ thông trong các sách giáo khoa viết về ppgq.

 

 

Trường hợp 9 điểm (9-dot problem): nối 9 điểm cho sẵn (xem hình bên dưới) chỉ bằng bốn đường thẳng.

 

 

Lời bàn: nếu vẽ bốn đường thẳng qua bốn cạnh ngoài cúa hình vuông thì không qua được điểm ở trung tâm! Phương pháp giải là không chỉ giới hạn (định kiến/Mental set) trong ô vuông chứa 9 điểm, mà vẽ đường thẳng ra ngoài như hình bên trên.

 

 

Trường hợp tên gọi 12 con giáp: Tý Sửu Dần Mão/Mẹo Thìn/Thần Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi/Hãi: từ xưa đến nay - từ Đông sang Tây - không ai đặt vấn đề về nguồn gốc phi-Hán (nguồn Cổ Việt) của chúng. Thật ra, khi phân tích kỹ các dạng âm cổ của 12 con giáp, các dữ kiện ngữ âm lịch sử cho thấy chúng rất gần với cách gọi tên các con thú của tiếng Việt Cổ như : Hợi Gỏi *Cúi (heo/lợn), trâu tru *tlu/klu, Mùi Vị *Mwie (dê), Mão Mẹo *meo (mèo), Ngọ (ngựa) ...v.v... Ta cần phải thoát ra khỏi định kiến 'gốc Hán' mới thấy rõ và phân tích chính xác vấn đề hơn (dầu rằng có rất nhiều tài liệu, thư tịch liên hệ đến 12 con giáp viết bằng chữ Hán đóng góp không nhỏ vào định kiến 'gốc Hán')

 

 

Giai đoạn 2 (Tạp Đế) gợi ý cho ta cố thoát khỏi ‘cái tôi’ mà nhìn vấn đề từ các góc độ khác nhau, các tương quan khác hơn (tạp) đã tạo ra vấn đề cần giải quyết.

 

5.3 Không đủ dữ kiện để giải quyết cho đúng đắn (availability of information/dữ kiện hiện diện khi giải quyết)

 

Các ppgq có thể trở thành lệch lạc vì yếu tố thời gian (cần phải giải quyết gấp) hay không suy xét cho kỹ các ảnh hưởng tiêu cực về sau; Phần lớn là do thiếu dữ kiện chính xác, hay khi đối phó với vấn đề ta có không đầy đủ dữ kiện trong tay. Các giai đoạn Khổ, Tập, Diệt, Đạo nhắc nhở ta nên thu thập và phân tích các nguyên nhân, hoàn cảnh đã tạo ra vấn đề chứ đừng ‘hùng hục’ nhảy vào vòng quyết định mà nhiều khi dẫn đến sai lầm. Trường hợp (d) cho thấy ta có thể trở thành triệu phú bằng nhiều cách, ăn trộm/lương lẹo hay ăn cướp rất ít mất thời gian, nhưng hậu quả lại hoàn toàn không tốt (nghiệp xấu) cho chính mình và xã hội.

 

 

6. Phụ Chú và phê bình thêm

 

Bản thảo bài này (original version) viết xong vào đầu thập niên 2000, tuy nhiên chưa quảng bá vì nhiều lý do: đầu tiên là những tiến bộ khoa học như trong ngành CNTT (Công Nghệ Thông Tin) và điện tử khiến một số vấn đề, trước tưởng là lớn, nhưng sau này trở nên dễ dàng hơn. Người viết còn nhớ khi thi tốt nghiệp lớp 12 (Tú Tài II, khoảng 4 thập niên trước) cần cả 5 phút để vẽ đồ thị, tìm các điểm cực đại hay cực tiểu, điểm uốn, những đường tiệm cận, giới hạn ... Nhưng bây giờ thì chỉ mất 5 giây để làm xong các phần này (bằng máy tính TI89, Casio ClassPad 300 ...). Ngoài ra, ppgq là một chủ đề rất lớn, gồm các hoạt động bình thường hàng ngày, sinh hoạt tín ngưỡng cho đến những nghiên cứu chuyên ngành và hậu đại học - làm sao mà một bài viết nhỏ có thể bao hết tất cả các lãnh vực đa dạng như vậy? Do đó trong phần 1 này, người viết chỉ tóm tắt các suy nghĩ để gợi ý cũng như người đọc nên tham khảo nhiều tài liệu liên hệ để cho dễ thông cảm hơn, thí dụ như đọc thêm cuốn

 

"Phương Pháp Giải Quyết Vấn Đề - Giải Toán Lí Hoá, giúp trí nhớ, phương pháp khám phá" cùng tác giả (Nguyễn Cung Thông) - NXB Thống Kê (1996) ISBN 0 646 28025 2. Các bài viết sau (phần 2,3 ...) sẽ đi sâu hơn vào từng giai đoạn tdđ.

 

Các bài viết bằng tiếng Việt liên hệ đến phương pháp khoa học và Phật giáo nên được tra cứu thêm (khá dễ tìm đọc từ trên mạng) về cùng đề tài

 

- tác giả Trần Chung Ngọc "Phật giáo trong thời đại khoa học", "Vài nét về Phật Giáo và Khoa Học" ... xem thêm http://sachhiem.net/TCN/TCNkh/TCNkh16.php , http://thuvien.maivoo.com/Khoa-hoc-c9/Phat-giao-trong-thoi-dai-khoa-hoc-d239 ...

- tác giả Trịnh Nguyên Phước "Khoa học thần kinh (Neuroscience) và đạo Phật" ... Xem thêm http://daitangkinhvietnam.org/tin-tuc-phat-giao/phat-giao-vn-quoc-noi/2575-bac-si-trinh-nguyen-phuoc-song-hai-hoa-voi-tat-ca.html

- tác giả Peter D. Santini, bản dịch tiếng Việt Thích Tâm Quang - xem thêm http://chutluulai.net/forums/showthread.php?t=5151

- tác giả Hà Vĩnh Tân "Tứ Diệu Đế - từ góc độ phương pháp luận khoa học" - xem thêm

http://daitangkinhvietnam.net/nghien-cuu-phat-hoc/phat-hoc-tong-quat/4341-tu-dieu-de-tu-goc-do-phuong-phap-luan-khoa-hoc.html

- tác giả Thích Nhất Hạnh - xem thêm http://www.thuvienhoasen.org/tudieude-thichnhathanh.htm

- tác giả Trịnh Xuân Thuận và Phật giáo: xem các trang http://my.opera.com/sanyasins/blog/khoa-hoc-vs-phat-giao-theo-giao-su-trinh-xuan-thuan , http://nguoivienxu.vn/news.aspx?id=1194&sub=2 , hay http://www.trinhxuanthuan.com/sben.htm

...v.v...

 

Chu kỳ tdđ còn rất tương ứng với cách chữa bệnh một cách khoa học (nhận diện các triệu chứng, tìm căn nguyên, dứt bỏ/chữa nguyên nhân gốc, phòng bệnh) - xem chi tiết trang http://www.buddhanet.net/fundbud4.htm

...v.v...

 

Các học giả Tây phương viết nhiều về Tứ Diệu Đế từ các góc độ như Khoa Học, Tâm Lí Học, Tôn giáo ... Các bạn nếu muốn tra cứu thêm thì cứ lên google và đánh Four Noble Truths and Science để tìm ...v.v... sẽ có nhiều bài viết, tài liệu sách vở tha hồ mà đọc. Thí dụ như cuốn "How to solve our human problems - the Four Noble Truths" của tác giả Ketsang Gyotso (NXB Tharpa, 2005, 2007). Tháng 4 năm 2003, người viết tìm các thông tin về ppgq qua mạng (Internet, bằng cách tra cụm từ problem solving) và thấy có 87 trang (bằng tiếng Anh), so với tháng 6 năm 2010 thì có 93 trang tất cả; Các tài liệu trên cho thấy cần một thời gian lớn để đọc cũng như sự quan tâm ở khắp nơi về phương pháp giải quyết (từ rất nhiều ngành chuyên môn).

 

1) Tứ Diệu Đế có mặt trong kinh Chuyển Pháp Luân - xem thêm chi tiết trang http://www.thuvienhoasen.org/tudieude-kinhchuyenphapluan.htm và Tâm Kinh 心經 (Bát Nhã Tâm Kinh) với các câu khác như "...sắc tức thị không, không tức thị sắc..." hay câu niệm (mantra) tiếng Phạn (qua âm Hán Việt):

 

"...Yết đế, yết đế

Ba la yết đế

Ba la tăng yết đế

Bồ đề Tát bà ha..."

 

Rất thường gặp khi đi chùa đọc kinh mà ít người biết là ppgq. Bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật ở vườn Lộc Uyển (vườn nai/deer park hay Lộc Dã Viên 鹿野園 - tiếng Phạn Mrgadava), còn gọi là Tiên Nhân Đoạn Xứ, Tiên Nhân Lộc Viên, Tiên Nhân Luận Xứ, Tiên Nhân Trụ Xứ ... Lộc Uyển là một trong bốn nơi thiêng liêng của đạo Phật (Tứ thánh địa Phật giáo) gồm Lâm Tì Ni (nơi Phật đản sinh), Bồ Đề Đạo Tràng (nơi Phật giác ngộ) và Câu Thi Na (nơi Phật nhập niết bàn).

 

2) Khổ : theo Quảng Vận đọc là <廣韻> 康杜切 khang đỗ thiết hay 苦故切 khổ cố thiết. Khó tiếng Việt là một dạng biến âm của khổ, các dạng chữ Nôm của khó là khổhay khố (kho). Tương quan khổ-khó với khuynh hướng gia tăng độ mở của miệng (nguyên âm ô > o) còn thấy trong các cặp

 

Thố                   thỏ

Khố                  kho

Khốc                khóc

Độc                  đọc

Lộ                    ló, lò

Lộ (hối lộ)         lo (lót)

                  

Độ                    đo

Đồ                    trò

Thô                   to

                  mò, mó (sờ)

Bộ                    pho

...                    

Khổ                  khó

… v.v…

 

Một biến âm khá khó nhận ra của khổ là hủ (nhược hoá/lenition kh > h) như trong cách dùng (trái) hủ qua - khổ qua (quả mướp đắng). Giọng Bắc Kinh cũng có một dạng đọc kǔ (khổ) thành hù (theo cách ghi âm pinyin/bính âm).

 

3) Phọc HV là buộc tiếng Việt, so với bok3 (giọng Quảng Đông), puôc (Mường Bi) ... So với cách dùng Bụt (âm cổ của Phật): tiếng Khme pút - kêu trời như 'Phật ơi' là 'pút thô' (so với trời ơi, chúa ơi, mẹ ơi ... tiếng Việt); Tiếng Kờho Phợk - tượng Phật rùp Phợk; Tiếng Thái พุทธ póot - tượng Phật พระพุทธรูป prá-póot-tá-tá-rôop .... Cho thấy chữ Phật có khả năng là nguồn gốc phương Nam và cổ nhân đã dùng âm và nghĩa buộc (một cách thật thâm thuý) để ký âm tiếng Phạn Budh- (biết, ngộ); Xem thêm chi tiết trong các bài viết ‘Bụt hay Phật’ http://www.khoahoc.net/baivo/nguyencungthong/270809-buthayphat-1.htm cùng tác giả.

Cũng nên nhắc lại ở đây là giải có âm cổ hơn là cởi, cổi, gỡ ... Các dạng âm cổ này vẫn còn duy trì trong tiếng Việt với nghĩa cụ thể hơn là trừu tượng: thí dụ như giải một vấn đề/bài toán so với cởi dây trói, gỡ rối tơ lòng; Tiếng Trung (Quốc) hiện nay vẫn dùng một chữ jiě cho cả hai trường hợp cụ thể và trừu tượng. Người viết đã bàn về vấn đề này trên diễn đàn Viện Việt Học, xem chi tiết trên trang http://www.viethoc.org/phorum/read.php?20,37118

 

4) giải quyết vấn đề (problem solving) là biến đổi một tình trạng thành một tình trạng khác hơn để đạt được mục tiêu (transforming one situation into another to meet a goal); Đây là định nghĩa của các nhà Tâm Lí K. J. Kilhooly (1989), J. G. Greeno (1978) ... Mục tiêu cuối sẽ đạt được qua các quá trình tư duy hay hành động. Các tác giả A. Newell và H. A. Simon trong cuốn sách nổi tiếng "Human Problem Solving" (NXB Prentice-Hall, 1972) còn đi sâu vào các quá trình tìm đến mục tiêu, nhiều khi phải lặp đi lặp lại (iterative) để tới đích. Xem thêm những chi tiết liên hệ trong các sách giáo khoa Tâm Lí Học như

 

- "Psychology - Brain, Behaviour & Culture" tác giả Drew Westen - NXB John Wiley & Sons (New York, tái bản lần thứ ba, 2002)

- "Psychology" tác giả Saundra K. Ciccarelli và Glenn E. Meyer - NXB Pearson Prentice Hall (New Jersey, 2006)

- "Psychology" tác giả David G. Myers - NXB Worth Publishers Inc. (tái bản nhiều lần, New York, 1995 ...)

- "Psychology" tác giả Peter Gray - NXB Worth Publishers (tái bản nhiều lần, New York, 2002)

…v.v…

 

Các tài liệu về ppgq rất đa dạng, cuốn từng gối đầu giường của người viết là "How to solve problems" tác giả G. Polya xuất bản từ năm 1945, tái bản đợt nhì (NXB Anchor Books, 1957) thiên nhiều về Toán (Hình Học); Cuốn "How to solve problems" tác giả Wayne A. Wilkengren - NXB W. H. Freeman, San Francisco, 1974) hay "The Complete Problem Solver" tác giả John R. Hayes - NXB Routledge (1989, tái bản) có rất nhiều thí dụ và cách giải khác nhau. Tư-Duy-Chiều-Ngang (Lateral Thinking) là cụm từ do học giả Edward de Bono đề nghị để tăng khả năng sáng tạo khi gqvd: ông xuất bản rất nhiều sách, cẩm nang và bài viết về óc sáng tạo như "Serious creativity: using the power of lateral thinking to create new ideas" NXB HarperBusiness (1992) ...v.v…

 

Hầu như cuốn sách về Tâm Lí Học nào cũng có một phần viết về ppgq, thường là một phần trong chương "Tư Duy" (Thinking) và "Ngôn Ngữ" (Language).

 

5) trong Toán Học, có bài toán đố mà chỉ cần nhiều nhất là bốn màu khác nhau để tô lên các quốc gia trên một bản đồ (hai nước kế nhau phải khác màu): còn gọi là bài toán ‘bốn màu vẽ bản đồ’. Tuy có vài cách giải bằng chương trình vi tính (computer software) nhưng cách giải tổng quát và thuần lý thuyết thì chưa hoàn hảo – xem thêm chi tiết trên mạng http://en.wikipedia.org/wiki/Four_color_theorem . Đây là những vấn đề còn bỏ ngõ. Có những vấn đề mà người viết đã và đang theo đuổi, sau gần bốn thập niên, mà vẫn chưa tìm ra lời giải thích thoả đáng: thí dụ như hiện tượng m - tại sao các từ chỉ những bộ phân trên mặt người có khuynh hướng dùng phụ âm môi môi m (bilabial consonant) như mắt mặt môi mép má mũi miệng mồm mụn ... Xem thêm các trao đổi về hiện tượng m trên diễn đàn Viện Việt Học http://www.viethoc.org/phorum/read.php?20,34297 .

 

6) Phương-Pháp-Nghi-Ngờ của Descartes rất giống với hàm ý của Đức Phật Tổ khi trả lời dân Kalama - trích từ Kalama Sutta/tiếng Pali (tiếng Phạn Nam):

 

'Ma anussavena : không nên tin những gì dù đã truyền đạt qua bao nhiêu đời (tạm dịch).

...

Ma Pitakasampadanena : không nên tin những gì dù đã được ghi nhận trong sách vở trước đây (tạm dịch).

...v.v…

 

Lời đức Phật trích từ Madhyamaka (Trung Luận) qua tiếng Pali (Malayasian) - Taapaac chedaac ca nikasat svarnam iva panditaih; Pariiksya bhiksavo graahyam madvaco na tu gauravaat : người khôn thử vàng (thật hay giả) bằng cách đốt, cắt hay chà (mài) - Này tỳ kheo - chỉ nên tin những lời này sau khi đã thử chúng chứ không vì lòng tôn trọng (tạm dịch)'

 

7) nghiên cứu dùng các phương pháp khác nhau từ phỏng vấn đến dùng tín hiệu EEG (điện não đồ) để tìm hiểu hoạt động gqvd (Ngộ-Ra) như bài báo cáo của Simone Sandkühler và Joydeep Bhattacharya (2008) - xem chi tiết cùng các phê bình trên mạng http://www.plosone.org/article/info:doi/10.1371/journal.pone.0001459

 

8) câu chuyện này cũng hiện diện trong kinh sách Ấn Độ giáo (Hindu), đạo Jain (Kì Na giáo). Điểm đáng chú ý ở đây là bản chất lưỡng tính sóng-hạt (wave-particle duality) của toàn bộ vật chất hiện diện trong vũ trụ, như ánh sáng chẳng hạn ... Thuộc tính này là hệ quả của cách nhìn và giới hạn của từng người khi quan sát: tính chất căn bản này của Cơ Học Lượng Tử (Quantum Mechanics, Vật Lí hiện đại) lại rất phù hợp với cách nhìn của những người mù trong câu chuyện trên (cách đây hơn hai ngàn năm). Xem chi tiết trên các trang http://www.buddhanet.net/budsas/ebud/whatbudbeliev/34.htm , hay http://www.himandus.net/elefunteria/library/culture+religion/six_blind_men.html ...v.v...

 

Nguyễn Cung Thông
Số lần đọc: 3884
Ngày đăng: 07.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn học Việt ở ngoài nước trong vài năm qua - Đỗ Quyên
Huyền Ảo Do Tương Phản - Trần Văn Nam
Những Thành Tựu Văn Xuôi Phú Yên Qua Các Tác Phẩm Đoạt Giải Cấp Quốc Gia - Phạm Ngọc Hiền
Vận Mệnh Thơ Như Con Người - Hoàng Vũ Thuật
Thơ Giai Đoạn, Thơ Ngàn Năm - Trần Văn Nam
Cần Dứt Khoát Đổi Mới Tổ Chức Hội - Bùi Minh Quốc
Cánh Đồng Bất Tận - Từ Góc Nhìn Phân Tâm Học - Hoàng Đăng Khoa
Đẹp Trong Bi Ca, Chiến Đấu Ca và Sản Xuất Ca - Trần Văn Nam
Hậu Hiện Đại Lè Nhè Chủ Nghĩa - Phan Huy Đường
Chung quanh khái niệm “tầm đón nhận” của H. Jauss - Phạm Quang Trung
Cùng một tác giả