Tôi biết không đầy đủ về nhà thơ Nguyễn Văn dù cùng quê, và có một thời nhà tôi nhà anh sát vách. Duy có điều chắc chắn tôi biết- đó là người đàn ông mạnh mẽ, đầy cá tính, nhân hậu và rất mực đào hoa. Lục bình ngẫu khúc được chăm chút, chắt lọc từ ngữ công phu suốt 35 năm, chung đúc bi hài kịch cuộc sống, có đủ vui buồn, hạnh phúc, đắng cay của kiếp người. Đây là tập thơ thứ hai, NXB Văn học cấp phép ngay thời điểm anh không còn “hoa đào”, chỉ còn Tà huy trút bóng ngày yên ắng/Vay cái buồn riêng mướn nỗi lo/Sang ngang mấy chuyến lòng chưa đặng/Đứng giữa trần ai gọi- bớ đò! (Gọi đò).
Bằng cảm xúc mạnh vượt khỏi khuôn khổ ngôn từ, Nguyễn Văn không ngại trần thuật, miêu tả một cách trung thực những góc cạnh sâu kín, tiềm ẩn nỗi “đau đời” sau khúc bồi lở không mong muốn. Niềm ray rứt tưởng là tâm sự cá nhân lại mang máu thịt, cái hồn của tầm sâu mới lẫn tầm phổ quát, ai cũng có thể tìm thấy một phần của chính mình: Đã qua rồi thuở tay vin áo mẹ/Quãng đời đi gom góp được gì đâu/Cho tới chết ta mãi còn đứa trẻ/Mang dại khờ tới tận đáy mồ sâu (Bài học vỡ lòng). Tác phẩm thơ hay theo tôi là tác phẩm có sự cộng hưởng giữa người viết và người đọc, bởi câu chữ, bút pháp, nội dung thực sự lay động lòng người. Nguyễn Văn chọn cách chạm khắc hoa văn bằng chữ trên mặt mỗi ký tự ở thơ truyền thống lẫn thơ hiện đại, xác lập vẻ đẹp rất riêng- viết ngắn, kiệm lời nhưng giàu ý, giàu cảm xúc, nhiều hình tượng phức hợp, đa chiều và không ồn ào, ngay khi cần triết lý anh cũng chừng mực, khiêm tốn, thể hiện bề dày cuộc sống và chiều sâu kiến thức.
Nguyễn Văn làm thơ trước 1975 nhưng ít thấy thơ anh xuất hiện trên các báo. Thế nhưng, đọc Lục bình ngẫu khúc thì anh là nhà thơ đích thực./.
21.6.2010