Hành trình khởi đi từ tập thơ Kiều Mây được ấn hành từ quyết định của NXB Văn Học tháng 12/2008 đến Giấu Anh Vào Cỏ Xanh cũng từ NXB Văn Học tháng 6/2010, khoảng thời gian không dài cho một sự thay đổi, không phải vị trí theo hệ qui chiếu từ điểm “Mây” trong không trung đi xuống “Cỏ” trên mặt đất , mà từ nơi này đến nơi khác phi tuyến tính không gian mặc định; là một bước đi (có thể là bước tới), liệu có mang hành trang đi xa hơn từ khởi điểm này đến khởi điểm khác? Tra vấn đặt người đọc (hay kẻ viết phê binh} trước một giới hạn, giới hạn nằm trong đồ thị giữa tiệm cận thăng hoa và đứng lại; giới thiệu hay cách viết tự vận động vào sâu thẩm thấu một mặt phẳng có khi không xuyên qua bề nổi bản văn. Huỳnh Thúy Kiều hoàn thành cuốn sách sau bằng sự chuyển dịch nơi chốn không nơi chốn, khẳng định di động công nhận hiện hữu cố định. Cách tân đã đi đến gần Giấu Anh Vào Cỏ Xanh một khoảng cách rất xa?
Tựa tập thơ làm người viết liên tưởng đến bi kịch “Cỏ” nơi Vương Thúy Kiều:
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
…………
Sè sè nắm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
“Cỏ… nửa xanh” trong Đoạn Trường Tân Thanh là thân phận “Cỏ” của nàng Vương chìm ở đáy xã hội “Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” cố vươn mình xanh hy vong & khát khao “Gió đưa cây cải về trời” thoát khỏi bi kịch cam chịu tuyệt vọng của con người, hay đúng hơn thân phận phụ nữ của phong kiến xa xưa. Dĩ nhiên Giấu Anh Trong Cỏ Xanh không thảm thương và ghê gớm như thế, mà chỉ là tiêu cự của hình với bóng lãng mạn dịu dàng, sắc màu Cỏ xanh ở đây che chở cho tình yêu anh (không biết có che chở nổi không?); thấy được mãnh liệt thi ca của tác giả bày tỏ đơn sơ hết mình:
Viết cho anh
em mộc mạc đến tận cùng
Chữ nghĩa của Huỳnh Thúy Kiều hiện ra nhiều hình ảnh chuyển động như sóng dồn dập nhịp điệu châu thổ tới tấp không biết đâu là bờ bến, bên ngoài thôi thúc mạnh mẽ nhưng bên trong mềm mại nữ tính. Hơi thở của nước “con nước ròng dấu chín cửa còn in” mang dáng vẻ “hơi thở em vẫn trinh nguyên mùi rơm rạ”.
Dòng thơ được xây dựng từ tập hợp những câu thơ có cấu trúc vật liệu ngôn ngữ đất sét đặc sản đồng quê hình thành đất nung từ phù sa sông nước êm đềm Chín Rồng: thương hồ, ngực phù sa, điệu lý, cây đước, cây mắm, bậu cửa, mo cau, mùa nước lợ, “quơ bàn tay yêu giữa mùa rẹm gọi tình”…
Không chỉ đặc sản thể hiện nơi chốn địa dư đồng bằng,còn phóng túng vượt câu vọng cổ ngọt ngào cùng giai nhịp đờn ca tài tử, mang ánh sáng đương đại chiếu qua khoảng cách tồn tại miệt vườn nương theo hơi thở mới, tuy mộc mạc lại có lúc chớp lóe lên câu chữ đắc địa chinh phục bất ngờ, sáng tác của tâm hồn mới sức sống mới:
Từng đêm mắt dài thay áo
…………
Con dế khẽ gãy nửa nốt nhạc xưa bỏ dở
…………
Những nụ hôn mặc áo khát
(Trong tập sách Bông & Giấy_ 30 Tác Giả Hôm Nay, xuất bản vào quý II năm 2010; rất tiếc câu thơ trên lại in khác “Những nụ hôn mặc áo khoác”, chỉ một chữ sai thôi mà ý nghĩa câu thơ xa vời vợi)
Chữ nghĩa của Huỳnh Thúy Kiều ám ảnh trú ngụ nơi châu thân, ví dụ như biểu tượng Trăng đựơc liên tưởng hình ảnh dậy thì thiếu nữ:
…ngồn ngộn ánh khỏa thân
……….
Vạch vú bầu trời
Và trong bài Mắt Mùa Đông thì:
Gò ngực hoang gọi đêm ửng hồng tháng chạp
Tình yêu đôi lứa trong Giấu Anh Vào Cỏ Xanh được diễn tả bằng giọng điệu trong trẻo cộng hưởng mềm mại từ một tác giả nữ trẻ lại mang dấu ấn dữ dội vượt lên vị trí thông thường nam nữ:
Hiện thân em quân bài trùng sắp thắp lửa đốt quân bài anh
……….
Thổi úa mềm cho tang tóc những bờ yêu
……..
Thơ Huỳnh Thúy Kiều có ưu tư, thao thức trăn trở, hân hoan, hết mình, và đặc biệt chú ý nhiều đến cảm xúc Nước Mắt: nước mắt tràn như thủy triều dâng/nước mắt hoen/ khóc muộn/chen nước mắt; nhưng vẫn có trận cười nước mắt mà bình thản khóc. Vậy đó mà không sướt mướt, không rơi vào tầm thường ‘ái tình diễm lệ”.
Nói qua một chút về chủ đề tập thơ: Nội dung chia làm 2 phần, phần đầu tập trung vào quê hương, người thân, người lính, các địa danh; có nghĩa là chẳng ăn nhập đến phần sau đề cập đa phần đến tình yêu nam nữ, chỉ dành riêng Giấu Anh Vào Cỏ Xanh, mới đọc qua cái tựa người ta hình dung cuốn sách dành cho uyên ương, vậy thì hơi “bất công”. Giấu anh vào cỏ xanh thì được, nhưng giấu Lạc Long Quân/Âu Cơ/ Hồ Thị Kỷ/ Lính Thành Cổ/lộ Vòng Cung/đồng Nọc Nạng…thì giấu vào đâu?
Toàn bộ tập thơ thể hiện bằng thể thơ tự do có nhịp điệu không dụng công kỹ thuật, hay nói đúng hơn là kỹ thuật không kỹ thuật, có lúc tác giả phân đoạn tưởng cố ý tạo nhịp nhưng đó là sự trôi chảy bình thường của sông của suối, do vậy dòng chữ được sản sinh một cách tự nhiên.Đó là bút pháp riêng của nhà thơ sinh quán tại đất Mũi Cà Mau Huỳnh Thúy Kiều.
Khi sắp sửa cất giấu tập Giấu Anh Vào Cỏ Xanh, thì bắt gặp nắng chiều len từ khe hở chung cư chiếu vàng từ ngoài ô cửa sổ giao thoa với cái nóng hè cháy 36 độ, thấy “nắng” hiện hữu trước mặt “Anh hái nắng mùa giêng cài vào em cơn hôn nghẹt thở”, chạy nắng lật vài trang sau “Trú ngày nắng gắt, em trốn vào thơ anh” (hay anh đi tìm khoảng mát trốn vào thơ em), trở về phía trước nắng nhẹ thấy em “dắt tay con về qua cầu chiều nắng”; chiều đã xuống chợt thấy lòng bâng khuâng, tôi đóng cửa sổ và gấp sách lại. /.