Ở cái thị xã buồn tẻ này, ngoài việc đến quán caphê Dương Cầm ra, thì người ta còn biết đến đâu nữa nhỉ, đến sân vận động thì lại còn chán ngắt thêm vì hiếm họa lắm mới có được một trận đấu hay, mà không phải tháng nào cũng có trận, có khi đá theo mùa. Còn rạp chiếu bóng thì duy nhất có được một rạp có cái tên có vẻ hoành tráng đấy, rạp Khải Hoàn, nhưng thỉnh thoảng khán giả đến xem phim cũng bị lũ chuột kéo ra biểu tình đòi lương thực, chúng cạp ống quần, chúng gặm chân khiến khán giả la oai oái.
Chiều nay cũng như mọi buổi chiều khác, trời tháng mười gió nhiều và se se lạnh, về đêm thì lạnh hơn. Như thường lệ, trời chiều vừa tắt nắng thì gã cụt tay lại lặng lẽ bước vào quán, gã thường ngồi ở cái bàn trong cùng, cái bàn nấp sau chậu dừa kiểng, có lẽ gã ngồi đây vì không muốn ai nhìn thấy gã hay là gã ngồi đây để dễ nghe tiếng đàn hơn, không ai đoán được, nhưng nói gì thì nói đây là chỗ cố định của gã, nó lạ ở một chỗ là nếu có ai lỡ ngồi vào rồi thì gã lại ra đứng ngoài sân đợi khách đi là gã bước vào thay thế ngay. Lại nói về quán càphê Dương Cầm, tại sao lại có cái tên nghe nghệ sĩ như thế, cũng chẳng có gì khó hiểu vì chủ nhân của quán càphê là một nghệ sĩ đàn dương cầm. Hằng đêm,cứ đến bảy giờ tối là khách đến đông hơn để nghe đàn. Có thể nói ông chủ này là một người đàn ông khó hiểu, có đôi lúc tưởng chừng như một người không thực tế, mà những người không thực tế thường gợi cho thiên hạ lòng thương hại, những người như thế lại thoải mái, đúng là những con người vô tư lự, họ hầu như thoát khỏi nhửng eo sèo của cuộc sống và bay lượn như những con bướm. Vì thế mà tiếng đàn của ông rất ẻo lả, mềm mại , uyển chuyển theo từng bản nhạc. Ông thường đàn những bản nhạc tiền chiến rất say mê. Hình như mỗi bản nhạc với ông là một miền ký ức xa xăm nào đó, ông thả hồn vào đó có lúc như ngây như dại sau mỗi bản nhạc là những tràng vỗ tay rộn rã và vô cùng rộng lượng mới kéo ông ra khỏi miền ký ức đó. Ngoài ra , ai yêu cầu bài nào ông cũng sẵn lòng chìu ý khách. Hầu như chưa ai được diễm phúc thấy ông bước ra khỏi quầy cũng như khi ông bước vào đàn, vì sau cái quầy nước là một tấm màn bông rất đẹp. Cứ đúng bảy giờ tối là cô cháu gái lại kéo màn ra, người ta lại thấy nửa người ông gầy gầy cúi xuống chiếc đàn. Chắc ông cũng cảm thấy cô đơn là một cực hình, nên luôn luôn bên cạnh ông lúc nào cũng có hai cô cháu gái, một cô khoảng hai hai, hai ba tuổi thì đứng quầy và lo việc pha chế, còn một cô nữa khoảng mười lăm, mười sáu thì phụ trách việc bưng bê, dọn dẹp. Gã cụt tay thường tìm cách nói chuyện với cô cháu lớn, gã được cô gái cho biết cô là cháu kêu ông chủ quán là chú. Cha mẹ cô đã mất trong một cuộc đụng độ cuối cùng năm 1975 khi quân Giải phóng tiến về Saigon. Họ không được diễm phúc nhìn thấy ngày đất nước hòa bình, cô được người chú ruột là ông chủ quán này đây đem về nuôi nấng, còn con bé kia là một đứa bé mồ côi lưu lạc trên đường phố ông cũng đem về nuôi luôn cho có chị có em cùng phụ việc trong quán.
Gã cụt tay nghe nói trước kia là một nhạc công của một ban nhạc nổi tiếng của thành phố Saigon, gã là một tay Dương cầm có hạng và cũng là một tay trống cừ khôi của ban nhạc. Thế rồi cuộc chiến tranh ở Campuchia nổi lên ,chính phủ kêu gọi thanh niên Việt nam nên sang giúp nước bạn. Thế là gã cùng một số thanh niên mạnh khỏe lên đường. Có ngờ đâu cuộc chiến chết tiệt ở CPC đã cướp đi của gã một cánh tay. Gã trở về Việtnam mang trong lòng một mối thù số phận. Thôi rồi, từ nay trên phím đàn Dương cầm của những hộp đêm và những tụ điểm ca nhạc của thành phố sẽ không còn bàn tay mềm mại uyển chuyển của gã lướt nhẹ nhàng ,thánh thót trên ấy nữa. Mặc dù gã thường xuyên đến đây để nghe nhạc, nhưng lòng gã vẫn căm căm đôi bàn tay lướt êm ái trên phím đàn kia. Gã nhủ trong lòng sẽ có ngày gã cần phải nói chuyện với người chủ quán kia, tại sao cứ ngồi chễm chệ trên ghế để cho hai cô cháu gái nhỏ bé kia phải hầu hạ như một tên bá hộ thời phong kiến vậy. Ban ngày thì người chủ quán ngồi bên quầy thu tiền, có khi người ta còn thấy một trong hai cô cháu gái phải bưng cơm đến quầy cho ông. Vì thế gã cụt tay rất căm ông chủ quán này, nhưng vì cà phê ở đây ngon và gã có cảm tình với cô cháu lớn nên gã đã dằn cơn phẫn nộ lại đợi một ngày nào đó….đôi tay lành lặn lướt trên phím đàn kia sẽ trả lời với gã.
Tối hôm đó, một buổi tối giữa thu, nhưng trời không sáng lắm. Gã cụt tay lẳng lặng bước vào quán, ngồi vào chiếc bàn “ cố hữu”, cô cháu gái đã quen với sở thích của gã nên đã bưng ra một tách cà phê đen đặc như thường lệ, nhưng gã ra dấu không uống bằng cánh tay còn lại, cô gái khựng lại ngạc nhiên và bưng ly cà phê trở vô. Gã ngồi đăm chiêu không ai biết gã đang nghĩ gì, nhưng gã biết rõ gã sắp làm gì, có ngốc nghếch không, cái gì đang nung đốt lòng gã vậy?. Đơn giản , chỉ vì gã ganh tỵ với đôi tay lành lặn kia mà thôi. Nhưng nếu chỉ có vậy e cũng chưa đủ để gã phải cất công đến đây với một nét mặt đăm chiêu vô hồn mà lại không uống cà phê, một sở thích trường kỳ của gã. Nếu đôi tay gã nguyên vẹn thì giờ này biết bao nhiêu khán giả đã lặng đi trước màn biểu diễn xuất thần của gả. Tiếng Dương cầm thánh thót rót trong đêm bỗng cắt đứt dòng suy tư đang ngổn ngang trong gã. Bất thần gã đứng dậy và gầm lên như một con thú bị thương:
- Im đi, không đàn nữa.
Tiếng đàn từ từ im bặt trước sự ngạc nhiên của chủ và khách, họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra và sắp sửa xảy ra trong cái quán cà phê vốn dĩ hiền hòa này. Gã bước đến gần chiếc quầy hơn và chỉ tay như ra lệnh:
- Hãy ra đây, bước ra đây tên chủ quán kia. Tại sao ông chỉ biết ngồi một chỗ đế người khác hầu hạ , tại sao hai cô gái nhỏ bé yếu đuối này phải nai lưng ra làm việc như một con lừa, tại sao…tại sao…
Người chủ quán vẫn ngồi im, hình như ông cũng chẳng biết phải nói gì trước sự việc bất ngờ này.
- Hãy ra đây và hãy trả lời trước mọi người đi. Hai tay ông chỉ biết đánh đàn thôi sao, tên độc tài kia. Gã đập bàn đánh chát một cái, mấy người khách im lặng, một lúc sau lại có tiếng xì xào:-- anh ta say rồi. - Chắc là uống ở đâu đó. Đôi mắt gã long lên, gã nhắc lại:
- Ra đây, ông tưởng ông có đôi tay lành lặn để đánh đàn ,ông là bá chủ ở đây hả. Trước kia tôi cũng là một tay đánh đàn có thua gì ông. Rồi gã đưa cái khúc tay cụt lên, nói tiếp: Đây này, chiến tranh này, hy sinh này… Cuộc chiến đó có đáng để ta mất đi một cánh tay không … ông biết chưa, các người biết chưa. Tiếng đàn kia là của ta…của ta…các người biết chưa. Đôi bàn tay từng lướt trên phím đàn của ta đâu rồi, đâu rồi… Gã hét lên như một kẻ điên. Người chủ quán lặng lẽ cúi đầu trên đôi tay không nói gì, bất chợt ông nhìn lên trần nhà với đôi mắt ,lạnh lẽo, nhưng có chứa đựng một sự cảm thông ,ông gật gật đầu như có vẽ đã hiểu sự việc, ông ra dấu cho cô cháu gái bước lại gần, cô cháu gái hiểu ý bước vào trong từ từ đẩy ông ra giữa nhà. Gã cụt tay há hốc mồm, trước mặt gã là một người đàn ông không còn đôi chân nữa đang ngồi trên chiếc xe lăn. Trong lồng ngực gã hình như tất cả đều lịm đi, lạnh giá. Cơ thể mềm nhũn một cách nguy hiểm. Gã cảm thấy mình như không còn tay, không còn chân nữa, dường như sức mạnh lúc nãy của gã bị tước đoạt mất rồi, gã không dám bước lại gần, nhưng tiếng nói của người chủ quán như đang cắt đứt từng mạch máu gã:
- Anh bạn trẻ ạ, giờ thì anh đã thấy rõ tôi rồi đấy, anh còn thắc mắc gì ở tôi nữa không? Gã cụt tay vẫn há hốc mồm, rồi ú ớ một cách tội nghiệp:
- Ông…ông…vậy…vậy ư…
- Phải, tôi là một thương binh…một thương binh trên chiến trường …xa lạ. Gã cụt tay lẩm bẩm:
- Một …một chiến trường xa lạ. Rồi gã ngửa mặt lên cười như điên dại, lập đi lập lại: một chiến trường xa lạ…một chiến trường xa lạ… Thế nào là xa lạ hả ông chủ quán kia.
Người chủ quán ôn tồn nói:
- Anh có muốn nghe chuyện của tôi không. Vậy hãy ngồi xuống đây, hãy thưởng thức cà phê như mọi khi để nghe câu chuyện mà tôi sắp kể cho anh nghe, để anh không còn thắc mắc tại sao tôi không được diễm phúc đi , lại như anh. À , hình như anh có biết một chút gì về cái chiến trường gọi là xa lạ…của tôi…phải không? Gã cụt tay quay ngoắc lại:
- Ông chiến đấu ở đâu? Ở đâu mà gọi là xa lạ.
- Anh hãy bình tĩnh ,tôi kể đây. Trước những năm 75 tôi chiến đấu trên chiến trường miền nam, thuộc lực lượng xung kích. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng tôi trở về lành lặn để hưởng hòa bình. Mấy năm sau, tôi đang có ý định lập gia đình, thì ác nghiệt thay tôi lại phải đương đầu với một cuộc chiến khác. Khi cuộc chiến tranh ở Campuchia đang hồi quyết liệt, tôi lại phải lên đường sang giúp nước bạn, lúc ấy tôi được giao nhiệm vụ giữ chức trung đoàn phó trung đoàn 594 cao xạ và trận đánh khốc liệt nhất là trận Bat Tampoong đã cướp đi đôi chân của tôi… Ông im lặng giây lát ,tiếp: Nếu được gửi một phần nào thân thể của mình trên quê hương mình cũng được đi…đàng này lại hy sinh trên quê hương của người ta chứ, thật là đau lòng. Đấy, đấy là chiến trường xa lạ mà tôi đã gửi một phần thân thể mình nơi ấy. Anh đã hiểu ra chưa anh bạn trẻ.
- Thì ra …ông…ông cũng là lính Campuchia à.
- Anh không tin tôi sao?
- Dạ…dạ…tin. Tôi…tôi…Ông chủ quán cướp lời:
- Tôi mất đôi chân là mất cả một cuộc đời, anh có tin điều đó không anh bạn, mất cả cuộc đời đấy. Còn anh? Sao lại phung phí một cánh tay như thế.
Hình ảnh những ngày chiến đấu ở Campuchia hiện lên rất rõ trong đầu gã. Một đêm kia, sau cuộc chiến không ngang sức bỗng một trận mưa rào đổ xuống, gã bị lạc đơn vị bò đại vào một khu nghĩa trang, gã ngồi co người trên một ngôi mộ có mái, im lặng, sợ hãi, bụng gã đang lên tiếng cầu cứu. Đói, gã đói quá rồi, không chịu đựng được nữa, gã nhảy xuống quờ quạng trên mấy ngôi mộ khác xem có thừa sót chút đồ cúng gì không để nhét vào bao tử, mặc kệ những loạt AK dòn dã xé rách màn đêm, gã hoàn toàn tuyệt vọng. Bỗng một vệt sáng lao vút về phía nghĩa trang, một quả B40 cuồng điên lạc vào những ngôi mộ cách gã không xa, người chết rồi mà nó cũng không tha, nó cày xới lên một số ngôi mộ tan tành, thảm thiết. Gã còn đang căng mắt lên chưa định hình được là mình còn sống hay đã chết thì gã cảm thấy đau nhói ở cánh tay trái, một thứ nước sền sệt chảy ra. Thì ra gã đã bị trúng miểng B40, gã ôm cánh tay bị thương vật vã, rồi lịm đi lúc nào không biết. Khi đơn vị tìm được gã đưa về quân- y- viện gã mới biết rằng một cánh tay bị gãy nát. Cưa—Tiếng nói ngắn gọn của vị bác sĩ như một tảng đá đập mạnh vào đầu gã, gã gào lên : -- không, không, đừng, đừng cưa tôi. Tôi phải về để đánh đàn, sân khấu đang chờ tôi. Gã lại nói trong cơn mê sảng:-- Đừng, đừng cưa …cưa …tôi.
Tiếng người chủ quán vẫn chậm rãi đều đều, nhưng gã như không nghe gì cả, gã nói lắp bắp:
- Trung …trung đoàn 594…à tên lửa…trung đoàn tên lửa. Ông chỉ huy trung đoàn tên lửa à. Bat Tampoong… trận ấy …tôi…tôi có đánh…kết quả…đây đây này….Gã dơ cánh tay còn lại như vẫn còn một chút sức lực dự trữ.
- Thì ra anh cũng là lính Campuchia à, vậy là cùng một chiến trường. Giờ thì anh đã hiểu cái chiến trường xa lạ ấy rồi chứ.
- Cái chiến trường chết tiệt ấy , bọn Ponpot chết tiệt ấy đã cướp đi một cánh tay của tôi.
- Mặc dù tôi không còn đôi chân nữa, nhưng tôi vẫn không đầu hàng số phận, tôi mở quán cà phê này trước hết là đem niềm vui đến cho cái thị xã nhỏ bé này sau nữa là kiếm bát cơm mà không phải nhờ đỡ ai. Còn anh , chỉ mất có một cánh tay , anh vẫn còn có ích hơn tôi nhiều. Vậy anh phải hiểu rằng anh cần phải làm gì cho đất nước của anh chứ.
Gã cảm thấy xấu hổ cho hành động thiếu suy nghĩ của mình, nhưng vẫn cố chống chế một cách bảo thủ:
- Nhưng sao ông vẫn cứ trốn nấp sau cái quầy ấy để …lừa dối mọi người. Sao không dám đối diện sự thật đi.
- Tôi không lừa dối ai cả. Nhưng nếu tôi tỏ ra thành thật thì tôi được gì. Aihiến tặng cho tôi đôi chân khác. Anh đừng hằn học với tôi nữa, anh hãy nhớ rằng anh còn có cơ hội làm được nhiều điều có ích hơn tôi anh bạn trẻ ạ. Nói xong ông ra dấu cho cô cháu gái đẩy ông vào trong.
Với cánh tay còn lại gã nắm chặt mép bàn, cái cảm giác dưới chân còn có đất khiến gã vững tâm hơn. Một cái gì không rõ đã thức tỉnh gã một cách mơ hồ. Một tuần lễ trôi qua, không ai thấy gã cụt tay đến quán Dương Cầm nữa. Gã đi đâu rồi nhỉ? Gã bỗng dưng biến mất trong không gian như một tên lửa được bắn ra trong đêm giao chiến ở Bat Tampoong ngày nào trên chiến trường khốc liệt đó sao.
Thời gian không dừng lại ở quán cà phê Dương cầm, hằng đêm khách đến uống cà phê vẫn được thả hồn theo tiếng đàn tha thiết ấy. Tiếng đàn hình như có buồn hơn, nhưng vẫn vang lên, vẫn vang lên đều đều trong cái thị xã nhỏ bé yên tĩnh này./.