Tôi chuẩn bị đi ngủ thì chuông điện thoại reo. Lữ Kiều rủ tôi ngày mai cùng anh và các bạn tôi vừa mới quen về Phan Rang thăm một cô giáo cũ. Tôi còn đang lưởng lự và vợ tôi cũng bàn ra. Tôi còn bị cảm chưa dứt. Tôi cười vỗ về: Lo gì có bác sĩ đi bên cạnh. Thật vậy Lữ Kiều vừa là người bạn văn thân nhất của tôi cũng là ông bác sĩ chăm lo sức khỏe của tôi bấy lâu nay. Trong những chuyến đi xa, ra bắc, vào nam, lên cao nguyên, bao giờ tôi cũng đi cùng anh. Tôi hỏi có ai đi cùng. Anh trả lời: Ấu Lăng, người bạn bệnh ung thư đã di căn. Ấu Lăng muốn về thăm cô Giáng Châu và được sống với biển ít nhất một đêm có trăng. Nghe vậy, tôi nhận lời ngay và vợ tôi gật đầu ủng hộ.
Buổi sáng sớm trời Sài gòn vẫn mang cái nóng bức khó chịu chiếc xe 16 chỗ đã bắt đầu khởi hành. Đoạn đường dài trên 350 cây số bằng phẳng, láng bóng được từ từ rút ngắn và thời gian cũng tiến tới từng phút, từng giờ. Trên xe tôi và Lữ Kiều ngồi băng trước cạnh tài xế. Bốn người đàn bà bạn học từ Quốc học của 50 năm về trước là các chị Mông Loan, Thanh Tùng, Ngoạn và Khánh ngồi băng kết tiếp. Riêng chị Ấu Lăng cùng cô cháu theo giúp người bệnh dành riêng một băng giữa. Suốt dọc đường chị Ấu Lăng phải nằm dài ngủ thiếp trong cơn đau.
Hoa tím trên giàn…
Những lần đi chơi xa, thời gian kéo dài, và nhất là những người cùng đi không thân thiết gì với tôi, bao giờ tôi cũng mang theo máy nghe nhạc bỏ túi để ru mình chìm đắm trong âm thanh tuyệt vời, khỏi phải nghe những lời trò chuyện liên miên của họ, những khoe khoan về thanh công của chồng con, về gia đình. Nhưng, hôm nay, cái máy nghe nhạc tôi không dùng tới, mặc dù những người đàn bà trong xe líu lo nói chuyện với nhau suốt cả chặng đường dài. Những câu chuyện họ nói với nhau cứ thu hút tôi làm tôi phải lắng nghe. Chị Mộng Loan như lái con tàu vũ trụ quăng tôi vào một không gian khác. Xứ Huế mộng mơ. Một thời gian bị thụt lùi cả nửa thế kỷ về trước. Năm 1960. Những khuôn mặt nữ sinh Quốc học của một thời dễ thương, nhất là về Diệu Phương, được Mộng Loan nhắc lại với giọng nói xứ Huế ngọt ngào, đưa tôi vào vùng kỷ niệm của tuổi 18, tuổi học trò trong sáng. Diệu Phương ngày ấy là một cô nữ sinh có mái tóc thề xỏa xuống quá vai, dáng gầy vai mềm, đã làm mê hồn bạn tôi là Lữ Quỳnh. Đến giờ ra chơi, Lữ Quỳnh choàng vai tôi lang thang trên vĩa hè hành lang qua lớp học của Diệu Phương để được nhìn người con gái ấy đang khép nép bên đám bạn gái chuyện trò ríu ríu. Tôi cũng rung động khi nghe Lữ Quỳnh “quách thoại” về mối tình của anh ở lứa tuổi thơ dại với một cô bé tên Diệu Phương hay mặc áo tím thuở nào theo gia đình tản cư về quê anh. Quách Thoại là một nhà thơ đã làm anh em trong nhóm Gió Mai của chúng tôi say mê không chỉ về thơ ông mà cả cuộc đời của ông, qua lời kể các bài văn của bạn bè ông. Những câu chuyện không biết thật hư ra sao về những mối tình lảng đảng rất nhiều cô gái đi qua đời ông, rất nên thơ, mỏng manh như gió thoảng mây trôi. Nên bấy giờ không biết ai trong bọn chúng tôi biến danh từ riêng Quách Thoại thành động từ quách thoại. Lữ Quỳnh cho biết Diệu Phương trước mặt chúng tôi và Diệu Phương xa xưa là một. Lữ Quỳnh nhận ra, còn người ấy thì dửng dưng, mặc dầu có lúc Lữ Quỳnh đứng sựng trước mặt cô gái ấy trong giây phút đủ để nhận ra nhau. Thôi, có sao đâu, chỉ là một lãng quên. Nhưng cũng đủ làm lòng tôi xao xuyến khi nghe Lữ Quỳnh đọc cho tôi nghe hai câu thơ viết về Diệu Phương:
Hoa tím trên giàn hoa tím lay
Tôi buồn cứ ngỡ áo em bay
Hay
Chiều nay áo tím buồn nương gió
Tím cả không gian tím cả hồn.
Tôi không biết làm thơ cũng không bao giờ thuộc thơ của ai dù chỉ vài ba câu. Không hiểu sao mãi 50 năm sau tôi vẫn nhớ mãi những câu thơ của Lữ Quỳnh, thuở chàng trai chưa đầy mười bảy tuổi. Chẳng phải cứ mỗi lần trăng sáng, tôi và Lữ Quỳnh cùng rảo bước trên con đường có những hàng cây đoát Lữ Quỳnh cứ ngâm mãi những câu thơ này.
Không dừng lại ở khuôn mặt Diệu Phương thuở còn con gái, Mông Loan thao thao bất tuyệt thông tin về thời hiện tại của Diệu Phương bây giờ. Tôi thấy xa lạ.
Một lời xin lỗi.
Mông Loan chuyển qua một nhân vật khác, cô bạn thuở bé khi còn học tiểu học tại một làng quê. Câu chuyện hấp dẫn tôi về một tuổi thơ đã đánh mất, giờ bỗng dưng có người đánh thức làm những kỷ niệm thời ấu thời trổi dậy như những con sóng vỗ từ ngoài khơi vỗ vào bờ cát trắng. Thuở đó chúng tôi đi học, đến trường đều mang theo một bình mực, một cây bút cán gỗ gắng ngòi viết “lá tre” và một tờ giấy chậm. Khổ nhất là quên tờ giấy chậm ở nhà, thiếu nó thì không biết làm sao mực mau khô trên giấy trắng tập vở có kẻ hàng ngang, phải cúi đầu xuống chu mỏ thổi những hàng chữ còn ướt. Mộng Loan đã giải đáp cho chúng tôi một cách thức rất đơn giản mà chẳng bao giờ chúng tôi nghĩ đến. Muốn mực mau khô thì khi pha những viên mực nhỏ như những viên thuốc tây vào trong chiếc lọ thủy tinh với một ít nước ấm nhớ nhỏ thêm một ít rượu đế hoặc cồn. Tôi cười như thích chí, gật đầu như tán thưởng sáng kiến đó. Nếu như bây giờ lũ cháu tôi khi đến trường vẫn còn mang theo một bình mực cùng cây viết có ngoài lá tre tôi sẽ “truyền nghề” bằng cách đó. Nhưng, bây giờ các cháu nội ngoại tôi đều xa lạ với cây bút ngòi viết tre cùng bình mực mang theo đến trường. Chúng mang trên người một chiếc cặp da nặng trịch những tập sách vở và một lố viết bi đủ màu sắc. Sau này tuổi già như chúng tôi các cháu sẽ có những kỷ niệm để nhớ lại về những thứ đó.
Câu chuyện sau đây Mộng Loan kể làm tôi cười ran nhưng sau đó lại bàng hoàng, xúc động. Đó là thời còn học tiểu học ở trường làng. Học trò là những đứa trẻ ngờ nghệch, mặt mặt lem nhem, quần áo lượm thuộm, vá chằng chịt bằng những miếng vải đắp. Chân không, đi đất, còn lắm bùn khô vì phải lội qua những cánh đồng ruộng. Chỉ có con những gia đình khắm khá đôi chút mới được mặc một bộ đồ bà ba vải trắng tinh. Chân mang đôi guốc gỗ vông. Mộng Loan và Hương Trà nằm trong thiểu số đó. Cả hai cô bé cùng ngồi bên cạnh nhau nhưng nhà ở thì cách nhau gần 2 km. Một chuyện đáng tiếc xảy ra cho hai cô bạn gái nguyên do chỉ vì một bình mực. Vì sơ ý Mộng Loan đã làm rơi bể bình mực văng tung tóe lên áo quần trắng tinh mà mẹ Mộng Loan vừa may cho. Về đến nhà Mộng Loan tìm cách tránh né mẹ để vào phòng thay bộ đồ khác, nhưng không tránh được. Mẹ Mộng Loan la hoảng lên: “Thôi chết rồi còn gì quần áo tươm tất để đi học nữa. Sao vậy mi.” Nhìn đôi mắt mẹ giận dữ chiếu vào mắt Mộng Loan, cô bé hoảng sợ riu ríu trả lời: “Không phải lỗi con. Tại Hương Trà đó” – “Nó làm chi mi?” Con bé lấp bấp, đổ thừa: “Nó quăng bình mực vào người con.” Thế là mẹ Mộng Loan dắt cô bé đến nhà Hương Trà mắng vốn. Hương Trà ngạc nhiên, lắc đầu. Mẹ Hương Trà vặn hỏi con mình. Cô bé nước mắt chảy dài không nói, chỉ lắc đầu, cũng không làm mẹ Mộng Loan tin chắc. Rốt cuộc Hương Trà bị mẹ bước vội vàng xuống bếp, quơ đại cái chổi quất vào mông con. Hương Trà ôm mặt uất ức khóc tức tưởi. Nhìn bạn mình bị đánh đòn oan uổng Mộng Loan ân hận. Tưởng chỉ trong một thời gian ngắn rồi cũng phai đi. Ai ngờ mấy chục năm sau Mộng Loan vẫn ray rứt mãi một lỗi lầm là vu khống người khác mà nhất là bạn mình. Lên trung học cả hai cô bạn ấy xa nhau. Chỉ thỉnh thoảng họ gặp nhau thì lại nghoảnh mặt làm ngơ. Mới đây thôi, trong lần dự buổi họp mặt cựu nữ sinh Đồng Khánh, trước mặt một số bạn thân, Mộng Loan cầm tay Hương Trà từ Mỹ trở về, ấp úng nói một lời xin lỗi. Hương Trà nở một nụ cười thân ái, nhỏ nhẹ nói: “Có gì đâu, thời tuổi dại mà. Bỏ qua đi nghe”.
Chuyện của Mộng Loan và Hương Trà thời thơ ấu ấy làm tôi chạnh lòng, bồi hồi nhớ lại chuyện của mình. Tôi không thốt ra lời kể cho các bạn trên xe cùng nghe. Tôi lẩm bẩm tên cô bạn gái mà mình tưởng đã quên đi từ lâu. Rất lâu. Hường.
Bây giờ, tôi mơ màng tưởng như trước mặt tôi Hường, cô bé Tây lai, đang từ một thế giới xa xăm nào đó tiến tới, bước từng bước chân nhỏ nhắn lên bãi cỏ xanh rờn về phía tôi, một thằng bé con đầu tóc hớt cao đang đứng tựa mình vào gốc cây, miệng đọc một bài sử ký lớp ba mà cô giáo buộc học trò phải thuộc để trả bài.
Thuở ấy tôi và Hường cùng học chung một lớp, ngồi một bàn, cận kề nhau. Tôi là một cậu học trò nghịch ngợm nhất lớp, quậy phá. Các bạn, nhất là các cô bé học chung đều sợ sệt, tránh né. Hường là cô bé phải chịu trận những trò nghịch ngợm của tôi. Tôi hay nắm lấy những sợi tóc quăn vàng óng ả mà giật giật cũng đủ làm cô bé đau điếng thốt lên: “Đau, bạn cần gì thì nói.” Tôi ghé miệng sát tai Hường như ra lệnh: “Quên để bình mực ở nhà, cho chấm chung”. Cô bé Tây lai gật đầu lia lịa. Bình mực được để giữa. Khi thấy Hường chuẩn bị đưa cây viết mang ngòi lá tre vào miệng bình mực, thì tôi lanh tay dành đưa cây viết của mình vào trước, gạt bàn tay trắng buốt và bé bỏng của Hường ra ngoài, làm cây viết mang ngòi viết lá tre găm trên mặt bàn. Tôi chưa kịp vói tay để rút cây viết còn đang rung rinh. Tôi cười đắc chí như đang chơi trò phóng mũi tên. Ở nhà, tôi hay lấy một chiếc đủa tre, một đầu gắn một cây kim cúc đã được cột chặt bằng sợi dây nhợ, rồi đứng cách xa cánh cửa gỗ, lấy đà phóng mũi tên vào vòng tròn vẽ bằng phấn trắng làm đích. Tôi reo vui khi mũi tên găm gần đích và xìu mặt khi mũi tên lệch hướng và rơi xuống đất. Hường ngạc nhiên đưa đôi mắt to tròn màu hạt dẻ nhìn cây viết của mình đứng thẳng đứng như người trồng cây chuối. Hường cũng cười lấy làm lạ. Chỉ một chốc lát Hường mới rút ra, đưa lên nhìn đầu ngòi viết tre có bị tà ra. Không sao cả. Cô bé gật đầu thích thú.
Như khám phá ra một điều lạ. Cả buổi học hôm ấy tôi không còn chú ý nghe cô giáo giảng bài, đến giờ viết chính tả tôi cứ dành bình mực làm Hường tức tối phải cảnh cáo tôi: “Lần sau bạn phải nhớ mang theo bình mực của mình, bây giờ mình cho bạn dùng ké lần cuối đó.” Nghe đến tiếng “dùng ké” với giọng nói kéo dài như đay nghiến của cô bạn gái “đầm lai” làm tôi tức giận.
Nhớ đến những người bị bệnh phong cùi có một thời gian từ đâu đến đi lang thang trên đường phố ăn xin với những khuôn mặt dị hợm, sứt tai, sứt mũi, tay chân co quặt, bước từng bước nặng nề, miệng thốt ra giọng ngọng nghịu làm bọn trẻ chúng tôi sợ hãi, xa lánh. Tôi không biết trả đủa như thế nào ngoài việc đưa cùi trỏ vào hông Hường mà thốt ra “đồ đầm cùi”. Cô bé như bị điện giật, người run lên, hai con mắt nhấp nháy, mặt đỏ lên. Hường giận dữ, sẳn cây viết đang cầm, phóng vào tay tôi. Không kịp phản ứng, ngòi viết tre đã cắm phập vào da thịt tôi, như một mũi tên nhọn từ đâu bắn vào cánh tay.
Tôi hoảng hồn. Hường càng hoảng hồn hơn tôi. Mặt Hường biến sắc, chuyển qua tái mét. Tôi rút mạnh cây viết ra. Máu từ đó chảy ra. Hường xé đại tờ giấy trắng từ tập vở đắp lên vết thương. Màu máu như những giọt mực đỏ thắm lên giấy. Bàn tay nhỏ nhắn của Hường bóp chặt vết thương của tôi. Nhìn vẻ mặt nhăn nhó và hai hàm răng tôi cắn chặt lại như cố gắng chịu đựng cơn đau. Hường rưng rưng nước mắt, ngập ngừng: “Xin lỗi bạn, mình không cố ý”. Từ đó, tôi không còn nghịch nghợm hoặc nói những điều xúc phạm đến Hường nữa. Chắc chắn không phải vì sự đau đớn của vết thương mà vì những giọt nước mắt cùng lời xin lỗi của bạn mình. Về đến nhà, nhìn thấy vết thương của tôi, mẹ tôi gạn hỏi nguyên do. Tôi kể lại và thắc mắc hỏi: “Con chỉ nói hai tiếng“đầm cùi” mà sao con Hường phản ứng kinh hồn như thế.” Suốt buổi tối, nằm bên cạnh mẹ, người dạy tôi một bài học. Phải biết tôn trọng kẻ khác nhất là đối với bạn mình. Đừng làm tổn thương họ. Con dùng hai tiếng ấy làm bé Hường đau đớn hơn là con cầm dao đâm vào tim nó. Con đã biết bé Hường sống với người mẹ bao giờ cũng mang mặc cảm của một người đàn bà bị bọn lính Tây lê dương hảm hiếp. Bà phải bỏ quê nhà làng xóm vào đây hàng ngày phải buôn gánh bán bưng để nuôi đứa con lai, không biết tông tích về cha mình. Bé Hường rất yêu mẹ. Không bao giờ bé hỏi về lai lịch cha mình. Hường càng lớn càng trắng trẻo và đẹp hẳn hơn các bạn mình. Lên trung học Hường là hoa khôi của trường. Hường mang hẳn giòng máu của người cha, nếu Hường không mặc trên người chiếc áo dài, nói tiếng Việt sành sỏi, ai cũng nghỉ đó là một cô đầm từ Pháp về. Sau năm 1954 những người lính viễn chinh đã cuốn cờ trở về Pháp thì những gia đình có con lai cũng được trở về quê cha. Những thằng bạn cùng học với tôi ngày đó như thằng Pièrre Nguyễn, thằng René Bùi, con Hélène Trần cũng từ giã chúng tôi. Riêng Hường không có một cái tên Pháp đứng trước như khẳng định từ chối cái nguồn gốc. Mẹ con Hường vẫn sống ở cái thị xã bé nhỏ và hiền hòa này. Đã lâu rồi, rất lâu tôi không còn biết tin tức về cô bạn “đầm lai” đó nữa. Không biết bây giờ Hường lưu lạc từ phương nào. Sống chết ra sao? Đã hơn nửa thế kỷ qua đi.
Giữ Chặt mối dây.
Ngồi trên xe, suốt gần mười tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đã thấm mệt, ê chề, cuối cùng cũng đã đến nơi. Xe không chạy trên con đường xuyên Việt, tôi chỉ bác tài đi con đường cũ, dẫn vào thành phố. Ngang qua cầu Đạo Long, xe chạy chậm lại để tôi và Lữ Kiều được nhìn xuống dưới cầu, dòng sông Dinh hiền hòa chảy ngang. Dòng sông này, đến mùa hè, nước cạn trơ ra những bãi cát rộng mênh mông, mang nhiều kỷ niệm thời thơ ấu với tôi. Bỗng dưng tôi nhớ đến họa sĩ Đỗ Quang Em, mà trong một truyện ngắn “Cõi Mù Tăm” tôi viết tặng anh với những kỷ niệm của hai chúng tôi về dòng sông Dinh này.
Xe chạy ngang qua ngôi chợ mới xây, to lớn, bề thế. Còn đâu ngôi chợ nhỏ thuở trước. Ngang qua tòa hành chánh Tỉnh ngày trước, hai cột trụ đúc bê tông, bây giờ gắn qua một tấm biển màu vàng chữ đỏ: Không có gì… Cách nơi này đến nhà cô Giáng Châu chưa đây một cây số. Lữ Kiều định gọi điện thoại báo cho cô nhưng các bạn trong xe nhất là Ấu Lăng cản lại, vì muốn dành cho cô một sự ngạc nhiên. Nhưng chúng tôi lại ngạc nhiên hơn là cô Giáng Châu đã đứng trước vĩa hè đón chúng tôi rồi. Thì ra một người bạn từ Sài Gòn đã báo cho cô trước đây một giờ.
Bước xuống xe, khó khăn lắm cho một người bệnh, Ấu Lăng phải nương tay vào cô cháu, cầm chiếc nạn bước từng bước, theo sau là mấy người bạn, từng hàng một, tiến đến cô giáo. Học trò giờ đã trên dưới 70, mỗi người đều mang những căn bệnh khác nhau. Cô giáo tóc đã bạc phơ, và người thì nhỏ lại, mảnh khảnh hơn thời còn con gái, tôi có cảm tưởng chỉ một cơn gió thổi mạnh cũng đủ mang cô theo. Học trò ríu rít hỏi: “Cô còn nhớ em không?” Cô giáo đưa bàn tay ốm nhom, gầy guộc lên từng mái đầu vuốt tóc đã hoa tiêu, run run nhắc đúng từng tên học trò mình đã hơn năm mươi năm trước, khi họ là những nữ sinh trường Đồng Khánh. Ấu Lăng tóc đã rụng gần hết, vì cơn bệnh ung thư, phải đội trên đầu một chiếc mũ vải. Cô giáo nước mắt rưng rưng, cầm tay Ấu Lăng: “Bao giờ em cũng đúng vai chị Cả ngày xưa của trường Đồng Khánh.” Thuở ấy mỗi năm các giáo sư đều bình bầu một học sinh giỏi về học vấn lẫn đạo đức. Phần thưởng danh dự ấy được dành chị Ấu Lăng, một cô Bắc kỳ nho nhỏ mới di cư vào. Trong phần tiểu sử nơi cuốn Hoa Tiên của chị mới xuất bản thành sách sau hơn 30 năm trước đó, là luận án cao học tại trường Đại học Đà Lạt mà giáo sư xét duyệt là Kịch tác gia nổi tiếng Vũ Khắc Khoan, trang trong chị vẫn để: phần thưởng danh dự trường Đồng Khánh – Huế năm 1960.
Học trò ngồi bên cạnh cô giáo. Tuổi đã về chiều
Cả thầy trò kéo nhau vào phòng khách. Còn tôi cứ đứng trong sân nhà dưới cây xoài già cổi, mang máng nơi này, mặc dù ngôi nhà mới cất là một biệt thự hiện đại, rất quen thuộc từ xa xưa. Trời ở đây vẫn nóng bức, khó chịu của mùa hè, nhìn qua trước mặt khuôn viên của một ngôi chùa giáo hội Tỉnh. Tôi mới gật đầu nhận ra trước kia Nguyễn Thị Yến đã từng ở đây. Tôi nói với Lữ Kiều: Nền nhà cũ của Chủ nhiệm báo Ý Thức năm 1970 đây. Một cô bạn gái của tôi không biết viết văn làm thơ, chỉ thích đọc văn thơ của chúng tôi, lại nể bạn đứng tên xin giấy phép. Bấy giờ chúng tôi đều xa thị xã bé nhỏ này vào Sài Gòn làm báo văn học. Ý Thức. Bây giờ thì Yến cùng gia đình cư tại Mỹ. Cách đây mười năm Yến cũng trở về Việt Nam có đến thăm tôi.
Cô Giáng Châu và Ấu Lăng, học trò năm xưa
Ấu Lăng đi đường xa có vẽ mệt mỏi, chị Giáng Châu phải đưa vào phòng riêng của mình bật máy lạnh để Ấu Lăng nằm nghỉ một lát. Các người học trò khác vẫn ngồi dựa mình vào ghế sa lông cùng nhắc lại với cô giáo những kỷ niệm xưa, nhất là những lúc họ đến thăm cô được cô làm bếp đãi những món ăn Huế. Biết cô thích bánh bột lộc, bánh nậm, bánh bèo Ngự Bình, chị Ấu Lặng đã mua sẳn những món ấy ở một nhà hàng Huế tại Sài Gòn mang ra làm một buổi ăn chiều. Ai ngờ những ngày cuối đời cô từ Canada trở về sống với người con trai làm việc tại thành phố nhỏ bé này. Ai ngờ chúng tôi lại gặp nhau tại đây. Chị Ấu Lăng ngồi cạnh cô giáo. Có ai nghỉ họ hơn nhau cả chục tuổi. Học trò gần 70 tuổi, con cháu đầy đàn, cô giáo trên tám mươi. Tôi cứ nghĩ đó là hai người bạn già sắp sỉ ngang nhau. Một người bệnh. Một người già. Chúng tôi ngồi bao quanh. Cô giáo định đứng dậy, lăng xăng bước xuống nhà bếp, mang trái cây đãi lũ học trò già đến từ xa. Chị Mộng Loan cản lại và mang những trái cây đã mua từ Sài Gòn dọn lên bàn. Cô giáo cười móm mém thốt ra lời: “Các em chu đáo quá. Cô biết lấy gì đãi các em đây.” Ấu Lăng nhỏ nhẹ nói: “Bao nhiêu năm giờ có dịp đến thăm cô, người cô mà chúng em mến mộ và thương yêu từ lâu. Còn Thầy nữa, rất tiếc là chúng em chưa được gặp lại từ ngày ấy. Chúng em chỉ biết Thầy đã mất.” Có người nhắc đến chồng mình, thầy Nguyễn Hữu Thứ, một thời làm hiệu trưởng trường Quốc Học, người vợ già xúc động nước mắt như muốn chảy ra.
Trước khi buổi tiệc tàn, có một người học trò cũ đề nghị cô giáo hát. Chị nói ngày xưa khi đến thăm cô ở Huế chị được nghe cô hát. Không ngờ cô giáo trẻ hát hay lắm. Cô giáo giờ tóc đã bạc phơ và giọng nói hơi run. Tôi tưởng cô sẽ lắc đầu từ chối. Không ngờ cô gật đầu đồng ý. Cô còn đảo mắt nhìn quanh mình một lượt lên từng khuôn mặt những người học trò cũ, và tôi, chỉ là một người bạn thân của em cô, Lữ Kiều và cô giáo Giáng Châu là chị em chú bác ruột. Trước khi hát cô còn nói: “Cô đố các em đoán bài hát này nghe ở đau? Cô có thưởng nếu nói đúng.” Chúng tôi đều im lặng. Không khí trong phòng im phăng phắt. Mọi con mắt đổ dồn về người cô giáo già thân yêu, chờ đợi. Cô nhìn ra ngoài trời. Xa xăm. Đôi mắt cô mơ màng. Môi cô mấp mấp. Tiếng hát cất lên như một tiếng lòng ai đang thổn thức.
Chúng ta hôm nay hiệp vầy
Cùng nhau nắm tay
Nét thương yêu nhau tỏ bày
Giữ chặt mối dây…
Điệu nhạc này tôi nghe rất quen, nhưng chưa nhận ra từ đâu. Mọi người im lặng. Một lát sau, Lữ Kiều lên tiếng: “Titanic.” Mọi người khác cùng thốt lên: “ Ồ: đúng rồi, trong phim Titanic!”
Cô gật đầu. Còn tôi, bỗng dưng mình muốn khóc. Tôi phải cắn chặt lấy môi để cơn xúc động lắng xuống. Trong tôi đang hiện lên khuôn mặt già nua, những nếp khăn như tờ giấy bị vò nát của người diễn viên trong phim được phóng đại, và đôi mắt thì sáng lên, xa xăm nhìn vào khoảng không gian được lùi lại gần 70 năm về trước. Và bà ta kể lại về chuyến tàu Titanic bị chìm đắm trong đại dương, cùng cái chết thảm thương của người tình năm xưa. Rất xưa. Trong cảnh hổn loạn, trong nỗi sợ hải kinh hồn trước viễn ảnh tàu đắm một cái chết hãi hùng, thế mà ban nhạc trên tàu vẫn đứng cạnh nhau cùng hòa tấu bản nhạc với tất cả niềm say mê, âm nhạc như một lời từ biệt. Đúng, bản nhạc dân ca Do Thái này đã làm tôi tưởng đang ngồi trong rạp hát cạnh vợ mình. Tôi đã phải tìm bàn tay của vợ và run run nắm chặt như một níu kéo. Lúc ấy tôi cũng mơ hồ là mình đã từng nghe và từng hát theo ở đâu đó. Rất lâu. Thời xa xưa. Ở ngoài bãi biển. Trong khu rừng thưa. Tôi không nhớ nỗi lời ca. Cũng như bây giờ cô giáo già đang hát, lời bài ca đó thì tôi chưa nhận ra là điệu nhạc từ phim Titanic. Lữ Kiều cho tôi biết ca từ dân ca Do Thái này do Linh Mục Nguyễn Huy Thích đặt lời Việt cho hướng đạo Việt Nam. Tôi mới giật mình nhận ra những ngày còn tuổi thanh niên tôi thường theo Ngy Hữu tham dự những buổi cấm trại của hướng đạo tỉnh. Dưới ánh lửa cháy rực rở, bập bùng, những vòng tay nắm chặt xung quanh mà hát vang cả một góc rừng. Tôi ngạc nhiên sao cô lại biết lời ca này. Hỏi ra mới biết chồng cô cũng là một huynh trưởng hướng đạo ở Huế. Và ngày đó chắc cô cũng từng tham gia những buổi cắm trại như tôi.
Để đáp lại, chị Thanh Tùng, ngồi ở cuối bàn, bỗng đứng dậy bước đến ôm lấy cô giáo. Đôi mắt chị mở to, hình như tôi thấy có một lớp mờ nước mắt. Chị ôm lấy cô. Bỗng dưng chị cất tiếng hát. Một bài dành cho thiếu nhi. Chị nhịp đầu. Hai tay buông xuống rồi giơ lên cao, xoay tròn hai bàn tay cằn cỗi. Chị múa hát như con chim non líu lo đang đòi chim mẹ đút mồi đòi ăn. Chị kéo theo chúng tôi cùng hát. Đâu ai biết ngày xưa chị dạy học ở trường trung học Cường Để. Nếu lịch sử không sang trang từ 1954 chúng tôi phải gọi chị là Quận Chúa rồi. Triều đại vua chúa chúa nhà Nguyễn đã sụp đổ. Chị vẫn còn mang họ Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tùng. Chị Mộng Loan cho biết thưở còn đi dạy Cường Để chị khiêu vũ rất tuyệt vời, nhất là điệu Tango. Giờ chị tuổi đã già, tóc hớt cao nhưng vẫn thấy lởm chởm trắng bạc. Đôi mắt chị to, sáng, nhưng có vẽ gì man dại. Suốt mười tiếng đồng hồ trên xe tôi không chú ý đến chị mãi đến giờ này. Tôi không biết gì đến hoàn cảnh gia đình chị ra sao, chỉ biết chị đang sống trong một viện dưỡng lão, và chị thường bị những cơn đau nhức của bệnh thắp khớp làm đôi chân ngày xưa lã lướt trên sàn nhảy giờ bước đi khập khễnh, nặng nề. Cũng như tôi, chị cũng thường bị cao áp huyết, mỗi ngày đều phải uống thuốc. Như mỗi ngày phải ăn, phải uống, phải thở. Riêng tôi mỗi buổi sáng phải ngồi trước bàn vi tính gõ vài trang chữ, như một thói quen. Quên mình đã vào bệnh viện mỗ bỏ đi cả túi mật và cắt bớt một phần gan. Đâu còn to gan, lớn mật. Thoát chết một lần. Và bây giờ thì tôi chung sống với căn bệnh như chúng ta đang sống chung với những cơn bão lụt thường xảy đến hằng năm. Một mai tôi cũng sẽ đến cái cuối cùng của con người. Từ giã cuộc đời. Không biết có được can đảm vui chơi với bạn bè, đi du lịch hoặc trở về thăm những nơi đã đầy ấp trong trí nhớ của tuổi thơ mù tít. Đứng trước cái chết không biết đến từ lúc nào, và những cơn đau đớn thân xác làm quằn quại. Uống thuốc, chích thuốc, đắp thuốc làm dịu cơn đau. Ngủ thiếp đi. Thức dậy thì nghe nhạc, đọc sách. Xem như mình đang mang một căn bệnh nan y quái ác. Ung thư ở giai đoạn cuối. Như chị Ấu Lăng.
Mới đây thôi, lần ra mắt đặc san Quốc Học tập hai của nhóm thân hữu Quốc Học 60 được tổ chức tại nhà chị, theo yêu cầu của chị. Chúng tôi hết ấy nấy vì cả gần 50 người tựu họp sẽ ồn ào náo nhiệt mà người đang bệnh nặng đáng lẻ phải nằm tỉnh nghỉ lại phải đứng ngồi vui vẻ của một người chủ nhà tiếp đón bạn bè vui chơi. Sẳn dịp, chị tặng mọi người cuốn sách Hoa Tiên, mới xuất bản lại luận án của chị năm xưa, trước 1975. Chị đứng sát vách tường và say sưa nói chuyện văn chương, chữ nghĩa gần một tiếng đồng hồ. Chị đẩy lùi tôi về một thời gian xa xưa khác và một không gian khác. Thời còn học Quốc Học. Xứ Huế thơ mộng. Cô nữ sinh lớp đệ nhất, duyên dáng, giọng nói âm điệu lạ tai, đang thao thao bất tuyệt với bản thuyết trình của mình trước hàng trăm thính giả là cô thầy và các bạn cùng trường. Cô nữ sinh đó rất tự tin. Vui vẻ trả lời những câu hỏi thắc mắc của thính giả nhất là những anh chàng cùng lớp muốn bắt bí. Rất thông suốt. Tiếng vỗ tay, tiếng đập bàn nhè nhẹ như lời tán thưởng. Giờ này đứng trước chúng tôi không phải là cô nữ sinh đó, cô đã trở thành người đàn bà mang cơn bệnh quái ác phải đội trên đầu một cái mũ vải, nhưng vẫn tưởng thời gian đi thùi lùi, như ngày còn trẻ. Chị cuời mặc dầu không tươi tắn, cám ơn một vài bạn bè và nhất là chồng con chị đã sốt sắng giúp đỡ cho luận án cao học này được in thành sách. Đáp lại, nhà văn Cung Tích Biền đã đến gần chị trao tặng cuốn truyện dày trang bìa cứng của anh. Cung Tích Biền nhắc lại một vài kỷ niệm thời còn học Quốc Học với chị Ấu Lăng. Câu cuối cùng anh nói: “Chỉ có văn chương chữ nghĩa mới làm chị Ấu Lăng quên mất cơn đau. Như một thứ thuốc đặc trị tuyệt vời.” Nhìn mọi người, chị riu ríu nói: “Như vậy chúng ta nên tiếp tục làm số Quốc Học tập 3 chứ?” Mọi người gật đầu tán thành. Như để vui lòng chị. Nhớ đến Nguyễn Phan Thịnh những ngày nằm trên giường bệnh cũng không biết mình đang bị cơn bệnh ung thư, Lữ Kiều – người bác sĩ riêng ưu ái của anh - đành phải dấu anh, an ủi rằng chỉ đau bao tử, rồi bệnh cũng qua. Từ Thế Mộng cũng vậy, bệnh viện chê không dám nhận sau khi họ cho thân nhân của anh biết căn bệnh đã đến hồi kết thúc. Con gái anh năn nỉ tôi và Lê Ký Thương hối thúc nhà in hoàn tất tập thơ của anh trước khi anh còn lại với đời. Anh chờ đợi vẫn nghĩ rằng căn bệnh dạ dày rồi cũng êm, anh sẽ tổ chức buổi ra mắt tập thơ thứ ba của mình với anh em văn nghệ đã từng anh theo suốt “nàng thơ” đã gần nửa thế kỷ. Rất tiếc, tập thơ Từ Thế Mộng chỉ mới ký tặng một vài bạn ở xa. Mấy ngày sau, còn lại cả mấy trăm tập đều nằm trên bàn thờ trước tấm ảnh của anh cùng khói hương nhan đèn với những tấm liễn tiếc thương chúc hương hồn anh an lạc nơi miền vĩnh hằng.
Tuổi già của chúng tôi đâu biết một ngày nào sẽ đến với những căn bệnh quái ác để đem mình qua bên kia cuộc đời. Sanh lão bệnh tử mà. Phải chấp nhận thôi. Can đảm chấp nhận phải không Bạn.
Ngồi dưới đáy giếng
Sau buổi viếng thăm chị Giáng Châu, mấy người đàn bà trên xe cùng chị Ấu Lăng đến ở khách sạn trong thành phố. Riêng tôi và Lữ Kiều gọi điện hẹn với Võ Tấn Khanh đến quán cà phê Ngọc Lan trên đường Gia Long cũ. Khanh là một trong những người của nhóm chủ trường tạp chí Ý Thức 40 năm trước còn sót lại ở tỉnh này, nơi phát xuất một tờ báo văn học quay ronéo từ năm 1969. Cả ba chúng tôi đều ngồi ở ngoài sân, một khuôn viên nhỏ nhắn, chung quanh là những vách tường và vài cây thân thẳng đuột vươn cao, bao quanh nó là những dây leo xanh. Quán vắng khách vì bấy giờ đã hơn 9 giờ tối. Nhạc đủ nghe, văng vẳng những bản tình ca của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn làm tôi nhớ đến quán Tao Nhân thuở ngày xưa. Ba chúng tôi, tình cờ ngước mắt nhìn lên, chợt nhận ra một khoảng trời bị giới hạn trong cái khung nhỏ hình vuông một mảnh trăng lưởi liềm được gắn vào một góc phát ra ánh sáng lờ mờ, như một bức tranh vẽ. Bỗng dưng tôi có ý nghĩ là ba chúng đang ngồi dưới đáy giếng, như trong chuyện thần thoại vỗ cánh bay lên và quay quanh mặt thành giếng. Giật mình chợt nhớ tôi và Lữ Kiều vừa mới dạo quanh một vòng khu nhà xưa tôi đã sống. Cả một khu nhà ở giới hạn bởi bốn con đường rất ngắn: Gia Long – Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phù Đổng, chỉ khoảng 30 căn nhà nhưng trong đó những người muôn năm cũ giờ ở đâu cùng bao nhiêu kỷ niệm một thời son trẻ mà tôi không bao giờ quên. Khởi đầu là chỗ ba chúng tôi đang ngồi uống cà phê. Quán Ngọc Lan thuở năm 1954 là ngôi nhà lầu duy nhất trong cái khu nhà đó. Thuở nhỏ, tôi ngỡ ngàng bước chân vào đây. Cũng khoảng sân nhỏ này, một cái hồ tắm được xây cao một mét nằm chình ình đã khô cạn, trơ ra nền xi măng rong rêu bám đầy. Sau đó vài năm tôi theo chân người bạn học mới là Hồng Khắc Đào vào lại ngôi nhà này. Cái hồ tắm biến mất như một chứng tích của người Tây đã cuốn gói ra về cố hương. Gia đình ông Tỉnh trưởng đầu tiên của thời Đệ nhất Cộng Hòa ở đây. Sau bao nhiêu năm từ thời còn học lớp đệ thất trường Duy Tân tôi và Hồng Khắc Đào cùng đóng kịch cho nhà trường không có dịp gặp nhau nữa. Gần nữa thế kỷ, tình cờ xem tivi thấy tên diễn viên Hồng Khắc Đào. Anh đóng vai. Sau đó, một phim khác, anh làm đạo diễn. Tôi định tìm đến nhà thăm anh, chưa kịp thì anh đã chết..
Một tình cờ, ngôi nhà này được chị Huyền Chiêu, vợ của Khuất Đẩu – một người bạn văn ở tuổi gần 70 chúng tôi mới được thân nhau như tri kỷ - sau gần năm mươi năm chị cho tôi biết lúc ấy chị mới lên mười chị đã từng theo cha vào làm việc ở thị xã này, và chị vẫn thường lân la vào ngôi nhà này chơi với các bạn cùng tuổi em của Hồng Khắc Đào. Nhà chị ở cách đó vài căn. Chị còn cho tôi biết thuở ấy con đường nhỏ này còn có những hàng dương mà trong trí nhớ của tôi không còn lưu giữ.
Chỉ cách một căn nhà đầu ngã tư quẹo qua đường Trần Hưng Đạo là nhà của Vô Thường, người nghệ sĩ đàn guitar bằng tay trái nổi tiếng khắp thế giới. Nhắc đến Vô Thường tôi xót xa vô vàng. Bao nhiêu năm từ 1975 chúng tôi chưa gặp mặt lại nhau. Khi tôi viết một truyện ngắn Hình Như Trời Đang Mưa có dáng dấp hình ảnh Vô Thường của thời thơ ấu cũng như thời trai trẻ tại thị xã này, Lữ Quỳnh tình cờ gặp Vô Thường ngồi uống cà phê một quán văn nghệ ở Mỹ anh đưa cái truyện ngắn đó cho Vô Thường đọc. Vô Thường xúc động vô cùng. “Làm sao tôi quên được thằng “Minh Bui”. Cũng như hắn làm sao không nhớ đến “Bảy Rìu” biệt danh của tôi chỉ có bạn bè thân thích thường gọi.” Từ đó, Vô Thường và tôi liên lạc qua email.
Tình cờ tôi nhìn thấy chân dung Lê Tín Hương trên một tờ báo, người đàn bà chẳng những mang vẽ đẹp thuần túy Việt Nam mà còn là tác giả những bài thơ hay, những bản nhạc tình tuyệt vời. Tôi đánh email hỏi Vô Thường có biết không vì cô ta đang ở Mỹ với mong muốn Vô Thường tìm cách gởi cho tôi những album nhạc của Lê Tín Hương. Vô Thường tưởng tôi đùa dai. Anh trả lời tôi ngay. Đọc những giòng chữ xót xa tôi mới hay Lê Tín Hương là vợ của Vô Thường. Họ đã sống chung với gần bảy năm trời. Vô Thường tâm sự Lê Tín Hương là một người đàn bà tuyệt vời. Rất tiếc họ đã chia tay. Anh viết: Bảy năm chung sống với Lê Tín Hương là những tháng ngày hạnh phúc nhất của mình. Anh còn hẹn với tôi là sẽ về Việt Nam. Anh sẽ thuê một ngôi nhà ven biển vài tháng. Anh rủ tôi cùng ở chung. Một thằng viết văn. Một thằng sáng tác nhạc. Một thằng đàn guitar bay bướm, lả lướt. Một thằng lắng tai nghe với tâm hồn bay bỗng. Quên đi tuổi già. Sống lại tuổi thơ êm đẹp dù chỉ trong giây phút. Anh than van lúc này anh thường hay ho dữ dội, anh nghĩ đó là hậu quả của những đêm say lúy túy, những điếu thuốc hút không rời tay. Anh mơ ước tuổi già được sống ở quê hương và được chết tại đó. Ước mơ đó không thành. Đợi lâu không thấy anh email cho tôi nên tôi email hỏi thăm sức khỏe anh. Tôi nhận được thư trả lời từ một cô gái tự xưng là em nuôi của Vô Thường báo tin anh đã chết cách đây tuần lễ. Anh không chịu nỗi cơn đau hành hạ của ung thư giai đoạn cuối cùng. Anh chết trên giường bệnh trong một nhà thương ở Mỹ. Không biết giờ này hương hồn anh có bay về thăm chốn cũ, vào được căn phòng của anh. Ngôi nhà đó giờ đã thay đổi chủ, và xây cất lại. Chính tôi cũng không nhận ra được vết tích ngày xưa. Căn phòng anh sống là một căn gác nhỏ, cửa sổ mở ra thấy ngay cửa sổ bên hông căn phòng của tôi. Hai căn phòng đều có một khoảng cách ngắn. Ngôi nhà số 11 đường Nguyễn Thái Học. Tôi nhớ mãi, ngày xưa vào một buổi chiều mưa lâm râm Tuyên đến thăm tôi, có hẹn nhưng tôi lại quên mất không về nhà. Người con gái tuổi mới lớn, 17 tuổi, với mái tóc thề, với bờ vai mảnh, đứng bên khung cửa sổ, nhìn bâng quơ một khoảng trời xanh, nhưng sao nước mắt lại chảy xuống bờ mi. Tiếng đàn của Vô Thường thời điểm đó chưa nổi tiếng và phổ biến, cũng đủ làm rung động người nghe. Tiếng đàn đó có phải đã làm Tuyên xúc động cảm nhận về một tan vở của một mối tình mới chớm. Hay những giọt nước mắt của người con gái đó Vô Thường tình cờ nhìn thấy đã làm anh cảm động mà nhập vào tiếng đàn làm âm thanh ấy trở nên buồn da diết lạ lùng. Em đến thăm anh một chiều mưa/Mưa dầm dề đường trơn ướt đường về.
Hơn nữa, tiếng đàn ghi ta hằng đêm của Bảy Rìu lanh lảnh vọng sang như những âm thanh trầm buồn đưa ba tôi - một ông già nằm trên giường bệnh đợi chờ cái chết trong những cơn ho ra máu, căn bệnh lao phổi đã phá nát hai lá phổi – về những miền đất xa xôi cùng những kỷ niệm đẹp đẻ của một đời người đã qua, hay lang thang đến một miền đất khác nơi có mẹ tôi đang đợi ông bên kia thế giới này.
Bây giờ, tôi trở về đây, ngang qua ngôi nhà số 11, nơi mang nhiều dấu ấn kỷ niệm của mình suốt cả một cuộc đời, cửa đã đóng kín mít. Cả con đường ngày xưa tỏa bóng mát từ những hàng cây me tây cổ thụ, giờ đã trống không, cây đã quá già và chết khô, người ta đã chặt đi mất rồi. Những căn nhà bên cạnh cũng đã đóng cửa. Đèn đường không sáng. Vắng vẻ bóng người. Đìu hiu. Lạnh lẻo. Ngôi nhà số 11 không có người ở, em tôi đã dùng nó làm nhà kho chứa sách. Cửa lúc nào cũng khóa kỷ.
Một thời vàng son đã qua. Nơi đây. Tao Nhân quán. 1967. Trịnh Công Sơn cùng Chu Sơn từ Đà Lạt xuống trình bày những bản nhạc trong ca khúc Da Vàng vừa mới xuất bản. Lúc này cả hai anh đều bỏ nghề gõ đầu trẻ sau mấy năm miệt mài trên ghế trường Sư Phạm Qui Nhơn. Và tôi, tôi cũng dự tính bỏ nghề để vào Sài Gòn làm báo. Khách đêm đó toàn những thanh niên trai tráng, họ là những giáo viên, giáo sư trung học, sĩ quan, công chức nhưng họ đều là bạn của chúng tôi và cùng yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Đặc biệt chúng tôi không mời một người nữ nào cả, tình cờ khách không mời mà đến là cô gái mang tên Vân Phi. Một cô giáo đã bỏ nghề dạy học đi làm “nữ tặc”. Cô ta và đàn em chuyên phá phách ở các quán nước. Ngày xưa cô là bạn học của tôi. Hiền lành. Dễ thương. Cô có một giọng ca trầm trầm rất truyền cảm. Bao nhiêu năm gặp lại tôi ngỡ ngàng trước mặt mình không phải là khuôn mặt thánh thiện của một Phật Bà Quan Âm như một vai trong vở kịch mà Vân Phi đã đóng trong buổi lễ Phật Đản trong ngôi chùa Tỉnh hội. Sau này tôi biết cô đau khổ đến loạn tâm thần vì người yêu vừa chết trận tại Pleime. Cô phản kháng cuộc chiến bằng những hành động điên cuồng, phá phách. Đêm đó cô dành một chiếc ghế ngồi đối diện với Trịnh Công Sơn đang ôm cây đàn ghi ta, mắt chàng mang kính cận, miệng đang hát: Một người già trong công viên / Một người điên trong thành phố.
Một mình Trịnh Công Sơn say sưa vừa đàn vừa hát một lượt mười mấy bài và khán giả im phăng phắt, hòa mình vào lời ca, những lời kể kể tỉ tê về những cảnh tan thương của chiến tranh mang đến cho quê hương mình. Một cuộc chiến kéo dài hơn hai mươi năm. Một ngàn năm đô hộ giặc tàu / Một trăm năm nô lệ giặc Tây / Hai mươi năm nội chiến từng ngày…. Khách ra về trong lòng vẫn mang một gánh nặng. Riêng Vân Phi ở lại đòi gặp riêng Trịnh Công Sơn. Anh bằng lòng. Vân Phi hát những bài tình ca của Trịnh Công Sơn và anh đánh đàn ghi tar đệm theo làm xao xuyến cả lòng tôi, và trong âm thanh buồn bã ấy đã ru tôi vào giấc ngủ. Nửa khuya thức dậy, bước xuống gác, lên quán, hình ảnh người con gái ngã đầu gác qua vai chàng nhạc sĩ, đôi mắt nàng nhắm nghiền, khuôn mặt trở nên hiền lành. Còn Trịnh Công Sơn ngã đầu dựa vào vách tường, qua cặp kính trắng cận hai mi đã khép kín, và môi chàng nhếch lên như nở một nụ cười. Nụ cười của một người vừa làm được một việc thánh thiện. Sau đêm đó Vân Phi đã bỏ thành phố này. Biệt tích.
Tưởng rằng đã quên. Ai ngờ, trong lần gặp nhau giữa tôi và Trịnh Công Sơn có thêm Lũ Quỳnh và Hoạ sĩ Đỗ Quang Em tại ngôi nhà trên đường Phạm Ngọc Thạch Sài Gòn, sau bao nhiêu năm tháng đã qua, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Trịnh Công Sơn cho tôi biết có nhiêu lần ngang qua thành phố nhỏ đó anh không tìm ra con đường ngày xưa có quán Tao Nhân. Và, giọng nói nhỏ lại, anh hỏi thăm cô gái mang tên Mây Trôi. Một chút ngạc nhiên, tôi mới nhận ra Vân Phi là tên cô bạn tôi, “Nữ tặc” là biệt danh dành cho mọi người trong cái thị xã nhỏ bé ấy, còn Mây Trôi đặc biệt cô phịa ra dành riêng cho Trịnh Công Sơn. Tôi không biết giờ này cô ở đâu? Chắc gì còn sống. Như Trịnh Công Sơn. Tiếc rằng, sau ngày giỗ đầu tiên của anh tôi mới viết một truyện ngắn Mây Trôi thay cho một nén nhang thắp lên bàn thờ anh.
Quán Tao Nhân lập ra chỉ khoảng một năm thì dẹp tiệm, dành chỗ cho tôi lập một nhà in Ronéo Nguyễn. In cho khách hàng thì ít, lấy lệ, chủ yếu là in tạp chí Ý Thức vừa mới hình thành sau biến cố Mậu Thân, tờ báo khổ A4, dù toà soạn theo chân người viết như đã ghi nơi trang đầu. Cũng trên căn gác nhỏ chưa đầy 12 m2 mà đã đầy ấp tình anh em văn nghệ. Thuốc lá. Cà phê. Rượu Bia. Giấy. Mực. Khởi đầu tôi về dạy học tại thị xã này, tiếp theo là Trần Hữu Ngũ, Nguyên Thạnh Nguyễn Mậu Hưng mới ra trường mang lon trung uý Bác sĩ về bệnh viện tỉnh này. Đó là hai người bạn từ thời quốc học và trong nhóm Gió Mai ở Huế. Tiếp đến một người bạn thơ mới quên là Lê Ký Thương mặc áo lính về Tiểu khu Ninh Thuận và anh nhà thơ mang tên Tôn Nữ Hoài My tức Võ Tấn Khanh. Mấy anh em cùng nhau làm một tờ báo in roneo cực đẹp. Căn gác nhỏ này nơi thường xuyên từ xa ghé đến có Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Châu Văn Thuận, Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Lê Văn Ngăn, Ngụy Ngữ, Thái Ngọc San, Thế Vũ, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Đăng Nhuận, Võ Hồng, Trần Nhựt Tân, Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Phan Thịnh… Giờ có người đã chết, có người lưu lạc nơi xứ người xa xôi, có người còn ở Việt Nam. Bao nhiêu năm có người tôi vẫn gặp lại nhưng có kẻ đã bặt tăm dù ở cùng thành phố với tôi.
Nhắc đến tờ Ý Thức thời in roneo dù chỉ có 6 số không thể nào tôi không nói đến người chủ biên tờ báo lúc ấy là Ngy Hữu. Nhớ đến người bạn ấy lòng tôi vẫn ray rức và tiếc nuối. Tôi nói với Lữ Kiều: “Ngày mai, hai đứa mình phải đến thăm mộ hắn”.
Người tiền nhiệm
Đã mười hai năm rồi, làm sao tôi và Lữ Kiều nhớ ra ngôi mộ nào của Ngy Hữu Trần Hữu Ngũ tận trên núi Chà Bang cách thành phố này cả 20 cây số. Cách tốt nhất hai đưa tôi đến nhà rủ chị Nữ, vợ Trần Hữu Ngũ cùng đi. Đến nhà mới hay chị đang ngồi thiền ở thiền viện mới lập ở núi đá chồng, đường ra biển.
Đứng trên cao ngôi chùa, nhìn xuống thấy toàn cảnh, nào biển cả, nào đầm Tri Thủy,. Tôi chỉ cho Lữ Kiều thấy hòn Đá Dao đã ngã và hòn Mặt Quỷ vẫn còn đứng sừng sửng giữa trời. Gió thổi từ xa lồng lộng. Hai chúng tôi bước xuống men theo sườn đồi mới đến nhà tọa thiền mới xây, bề thế, trang nghiêm. Nữ đang mặc chiếc áo lam cùng bao nhiêu người nữ khác đang ngồi thiền trước tượng đài Đức Phật.
Đường đến nghĩa trang ở núi Chà Bang qua con đường nhựa của quốc lộ 1 bằng phẳng, êm ái, phải rẻ vào con đường đất cát, gồ ghề, cong cong quẹo quẹo. Người ngồi trên xe phải lắc lư. Người mệt nhất vẫn là chị Ấu Lăng, chị vẫn đòi theo chúng tôi lên thăm mộ bạn của bạn mình.
Nhớ lần đầu, cách đây hơn mười năm tôi và Lữ Kiều đến thăm mộ, dưới chân đồi còn có những con trâu đang gậm cỏ và hoa mua màu tím nở đầy. Lữ Kiều ghi nhận lại qua bức tranh sơn dầu “Hoa Mua” mà mãi đến giờ anh vẫn treo trong phòng làm việc, như để nhớ về một người bạn thân nhất đời mình. Viếng mộ Trần Hữu Ngũ lần này có thêm Trần Công Lộc, một người bạn của chúng tôi thời Quốc Học, vào dạy học tại đây rồi lấy vợ sinh con và mãi mãi xem đây là quê hương cuối cùng của đời mình. Đất lành chim đậu.
Đứng trước ngôi mộ có tấm bia khắc tên Trần Hữu Ngũ sinh năm 1939 chết năm 1998 tại Phan Rang, Ninh Thuận, quê quán Thừa Thiên. Ngôi mộ của Ngy Hữu ở lưng chừng đồi, giữa núi có tượng một nhà sư đả hổ. Tôi cúi đầu, thắp một nén nhang cho người bạn thân thiết, với nỗi nghẹn ngào, không nói nên lời. Buồn cho anh, những ước vọng làm một tờ báo văn học không thành. Buồn cho anh khi trở về làm nhà văn rời bỏ con đường kinh doanh thì đã muộn. Căn bệnh nhồi máu cơ tim cướp đi sinh mạng của anh. Một đêm ngủ như bình thường, nhưng sáng dậy vợ con anh đã thấy anh lăn xuống đất nằm chết, không kịp một lời trăn trối. Có lẻ anh đã thốt lên từ đáy lòng với tôi trong một buổi chiều cách đó chưa đầy một tháng khi hai đứa chúng tôi ngồi ở một quán ăn trước bãi biển Ninh Chữ. Khác với những lần gặp nhau, khi tôi từ Sài Gòn về Phan Rang, hoặc anh vào Sài Gòn, tôi rất bực mình khi anh cứ bô bô nói những chuyện đâu đâu toàn khoe khoang về những thành công trong công việc làm ăn của anh. Nhìn những con sóng vỗ bạc đầu, nhìn trời mây mênh mông. Anh bảo: “Tao quá mỏi mệt. Tao muốn trở về với văn chương nghệ thuật. Tao mới bắt đầu viết lại.” Tôi cầm chặt lấy tay Trần Hữu Ngũ như một lời khích lệ. Tôi vui thật sự. Chất keo dính chặt hai đứa tôi bấy lâu nay từ ngày anh ham mê làm giàu mà từ bỏ viết văn làm thơ đã bị từ từ rã ra. Giờ mới dính lại. Hai chúng tôi đến với nhau, thân nhau từ khi còn ở Quốc học, cùng một nhóm viết văn làm thơ mang tên Gió Mai, tờ báo viết tay ra hằng tháng. Khởi đầu nhóm chủ trương có bốn cậu học trò lớp đệ ngũ trường Nguyễn Tri Phương là Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Hoài Linh và Thùy Linh. Bút hiệu của Lữ Kiều và Lữ Quỳnh vẫn giữ mãi đến hôm nay. Riêng Hoài Linh gát bút rất sớm trước khi tôi nhập nhóm, anh đã theo nghiệp binh đao. Thùy Linh thay thế bằng Ngy Hữu rồi đến tên thật Trần Hữu Ngũ.
Sau khi anh chết vợ con anh mới xuất bản cuốn Thị Trấn Khô như hoàn thành một ước nguyện của anh. Rất tiếc là sách in quá cẩu thả. Nếu anh còn sống thấy tác phẩm của mình không được in trang trọng như thế anh sẽ không bằng lòng.
Trước ngôi mộ anh, tôi tự nguyện với lòng mình, trước sau tôi vẫn một lòng với văn chương. Chính niềm say mê này ngày xưa tôi đã đánh mất một người yêu. Một đánh đổi, mất mát quá lớn đối với tôi. Tôi phải sống bằng văn chương chữ nghĩa như tôi phải ăn, phải uống, phải thở hằng ngày. Nếu một ngày tôi không còn cầm bút nữa thì tôi không còn là Nguyên Minh. Như một lời tâm sự tôi thủ thỉ với hương hồn anh. Trần Hữu Ngũ.
Tôi gọi Ngy Hữu là “người tiền nhiệm” của tôi. Vì, tạp chí Ý Thức đã trải qua ba giai đoạn. Thời còn in roneo, Ngy Hữu là chủ biên. Tôi chỉ chăm lo việc in ấn. Vào Sài Gòn tạp chí Ý Thức chính thức trình làng, mượn tên một Dược Sĩ mới ra trường là cô bạn gái Nguyễn Thị Yến xin giấy phép (pháp luật thời ấy qui định Chủ nhiệm báo phải có bằng Đại học) Thời Ngy Hữu làm Ý Thức Roneo chỉ phổ biến giới hạn trong anh em bạn bè mà thôi.
Khi anh còn mang bút hiệu Thùy Linh, một bài thơ của anh lúc còn rất trẻ đã làm chúng tôi cảm xúc và truyền tay nhau ở trường Sư Phạm Qui Nhơn. Một người bạn thân của tôi và của Vô Thường đã phổ thành nhạc. Tiếc rằng bản nhạc đã thất lạc, mất tiêu như đi theo cái chết bằng cách bắn một viên đạn vào đầu mình. Bài thơ này tôi vẫn còn nhớ. Tựa đề bằng tên một người con gái. Nga.
Bây giờ tháng mấy rồi Nga nhỉ/Mà sao phương đỏ đầy sân/Bây giờ tháng mấy rồi Nga nhỉ/ Mà sao tâm hồn quá bâng khuâng….Chúng mình sẽ không nói gì cả/ Khi Nga đứng nhìn mây trắng bay/ Khi Nga tựa mình bên song cửa/ Lần đếm chấn song bằng ngón tay…
Nhẹ nhàng. Êm ái. Lãng mạn. Như bút hiệu Thùy Linh. Anh thành Ngy Hữu với những truyện ngắn, Vòng qua chân đồi, Nỗi buồn của H’Bru, Trên những chữ thêu, phản kháng cuộc chiến, nói lên những đau khổ, mất mát mà thế hệ chúng tôi phải gánh chịu. Những bài nhận định về văn học của anh mang tên thật Trần Hữu Ngũ xuất hiện trên báo Ý Thức bấy giờ cũng đã làm anh em chiêm nghiệm.
Thời còn làm báo Ý Thức in ronéo, tôi với anh như một cặp bài trùng. Anh liên lạc hầu hết anh em ở xa, gởi bài về, địa chỉ tên trường anh dạy học. Lê Ký Thương kẻ chữ trình bày bìa. Chị Hồ Thị Kim Phương, một người bạn gái của tôi, cặm cụi đếm từng chữ để đánh máy thẳng hàng ngang trên tờ giấy sáp. Tôi lo kỷ thuật in ấn, đánh tan ý nghĩ sách báo chỉ in đẹp bằng những máy in hiện đại Typo hoặc Offset. Cũng phải thôi vì bấy giờ các tạp san in ronéo đều lem nhem chữ rõ chữ không, chữ được chữ mất, đọc mỏi cả mắt. Những năm 1969 tại ngôi nhà 11 này đã in ra tập truyện Nỗi Bơ vơ của bày ngựa hoang của Trần Hoài Thư. Rất tiếc cả tôi và chính tác giả bây giờ cũng không còn giữ. Trần Hoài Thư vẫn thường vào những thư viện ở Mỹ để lục lại các tạp chí hoặc tác phẩm văn học ngày xưa đều có được, riêng tập truyện này thì bặt tăm.
Có một thứ tình như thế
Sau khi ra thăm mộ Trần Hữu Ngũ, chúng tôi trở về ở khách sạn Hoàn Cầu sát bờ biển Ninh Chữ, trong những ngôi nhà nhỏ ấm cúng. Tôi và Lữ Kiều ở chung. Tắm biển xong. Bì bỏm đùa giởn với những con sóng bạc đầu. Chạy nhón chân lên trên cát trắng mịn màng. Hít thở những luồng gió mát từ ngoài khơi thổi vào. Bao nhiêu nỗi ê chề của đời sống thường nhật tan biến mất. Chỉ có biển. Chỉ có mây trôi.
Buổi tối, tôi và Lữ Kiều ngồi uống cà phê tại phòng ngủ, bên cạnh khung cửa sổ lớn áp kính, bên ngoài chỉ thấy mấy ngọn dừa lắc lư, mấy cành dương liễu phất phới. Trời sáng lờ lờ ánh trăng. Tự dưng tôi nhớ đến một câu thơ của Trần Dạ Từ đã chuyển thành bài hát. Tôi cất giọng, nhỏ nhẹ như một lời thầm thì: Người đi qua đời tôi có nhớ gì không người. Rồi, tôi lắc đầu. Sao lại đi qua. Với tôi người đi vào đời tôi và mãi mãi vẫn ở tận đáy lòng mình. Người có nhớ gì không? Riêng tôi cứ tưởng như đã quên. Nhưng mỗi lần có ai nhắc đến tên người ấy là mình giật thốt mình và ngẩn ngơ rồi thảng thốt. Bao nhiêu kỷ niệm một thời đã qua có dịp trồi lên, làm tê điếng cả con tim. Chị Mộng Loan nhắc đến và cho biết vợ chồng chị có đến thăm Tuyên ở Mỹ trước khi chị đọc tập truyện Tưởng Chừng Đã Quên. Tôi không dám hỏi sao vợ chồng chị lại quen biết Tuyên. Chị khen Tuyên vẫn ở vậy sau khi chồng chồng ở trại cải tạo. Một thiếu phụ chỉ mới 26 tuổi với đàn con bốn đứa nheo nhóc chị phải chèo chống, lam lủ buôn bán làm ăn. Khi qua Mỹ trong diện HO vì có chồng chết tại trại cải tạo, thì đã ở tuổi ngoài 40 Tuyên vẫn đi chăm sóc vườn hoa cho một công viên. Bao nhiêu khổ cực rồi cũng qua. Đến khi các con khôn lớn đã thành lập gia đình và ở riêng, Tuyên vẫn thui thủi một mình. Cứ mỗi lần tôi nhận email của bạn bè từ Mỹ cho hay Tuyên bị té gảy chân phải băng bột hay vừa qua một cơn cảm cúm nặng là tôi xót xa, bồn chồn, lo lắng. Cái mặc cảm phụ tình cứ bám chặt tôi. Dù gian thời có qua đi. Mãi đến cuối đời tôi vẫn không đưa em về tận nhà. Tôi đã viết như một niềm tâm sự đó qua truyện “Loanh quanh lòng phố cũ.” Như một tạ lỗi. Tôi phụ em rồi. Từ lâu.
Thuở ấy, tình yêu đã làm tôi nếm đủ mùi vị. Đắng cay. Ngọt bùi. Đau khổ. Hạnh phúc. Giận hờn. Tha thứ. Hẹn hò. Thất hứa. Thất tình, chưa uống hết một cốc rượu nhỏ mà đã say túy lúy. Những đêm lang thang ngoài phố nửa đêm ôm trụ điện khóc ròng như trẻ con đánh mất đồ chơi. Những sáng thức dậy vẫn còn ngái ngủ lơ mơ những cơn mộng vàng. Những lần đợi chờ em đến với tôi, khoảng thời gian đó cũng đủ làm tôi bồn chồn lo lắng. Ngược lại tôi cũng vì những say mê trong việc làm báo. Tờ Ý Thức. Quên đi giờ hẹn. Quên cả người yêu mình tóc dài hay tóc ngắn. Áo nàng vàng hay áo nàng xanh. Dưới cơn mưa vội vàng của Sài Gòn, dưới ánh đèn mờ, bỏ quên cả người yêu ở một góc đường nào đó, chỉ kịp ôm chồng báo đến họp mặt với anh em. Lữ Kiều phải thay tôi, chật vật lắm mới tìm ra và chở đến nơi. Khi biết sự tình này, các chị em tôi đổ lên đầu tôi những trách móc, khuyên tôi ngày mai mang quà đến tặng người yêu như một lời xin lỗi. Rồi hết lần này đến lần khác bao giờ tôi cũng lỗi hẹn. Tôi tự hứa rồi thất hứa. Cuối cùng em đi lấy chồng không một lời từ biệt. Tôi ray rức, sau đó.
Cho nên tôi trút tất cả những gì ân hận vào trong những truyện ngắn của tôi viết trước năm 1975 và sau này qua một nhân vật nữ mang chữ T.
Lữ Kiều hỏi tôi còn nhân vật nữ mang tên Hà thì sao? Tôi nhớ cách đây gần 40 năm tôi có viết một tự truyện Vùng Đất Cấm, nhưng chỉ được một ít, bây giờ đã thất lạc. Một nhân vật nữ đã chi phối cuộc đời tôi. Cùng một thứ tình mà tôi không biết phải gọi bằng gì? Tình yêu thì phải có hờn ghen, ham muốn, đau khổ. Còn giữa tôi và Hà luôn luôn cảm thấy mình vẫn là những đứa bé con như những ngày quen biết nhau. Ngày ấy Hà theo gia đình từ Bắc di cư vào Nam. Nhà ở cạnh nhà tôi. Nhà tôi số 11. Nhà Hà số 7. Chúng tôi hai đứa bạn tuổi xấp sỉ ngang nhau. Cùng vui đùa. Cùng ca hát. Cùng đóng kịch chung với nhau. Tôi đã viết về tuổi thơ ấy qua truyện dài “Đám Tang đa đa.” Lớn lên chúng tôi cùng chia xẻ với nhau an ủi nhau, động viên nhau những khổ đau từ cuộc đời mang lại nỗi bất hạnh cho mỗi đứa. Nếu ai đó nhìn vào cũng tưởng chúng tôi là đôi tình nhân. Ngồi trong nhà hàng, trước mặt mỗi người là ly rượu chát. Tôi, ly không đá. Hà, ly có thêm một ít đường và thêm cục nước đá nhỏ. Mặt Hà ửng đỏ như đánh thêm phấn hồng. Ngồi trong rạp chiếu bóng thường trực, một ghế hai người, vẫn không nghĩ mình mang thân thể người lớn, cứ ngỡ như hai đứa trẻ con ngày nào ngậm những cây cà rem còn dính sôcôla nơi mép miệng. Hai đứa nhìn nhau đều cười. Nụ cười hồn nhiên của tuổi thơ.
Khi tôi và Tuyên yêu nhau nơi ngôi nhà 11 thì Hà đã theo gia đình vào sống ở Sài Gòn. Tôi thường vào Sài Gòn thăm Hà. Những đêm không ngủ, tôi tâm sự với Hà. Những lời Hà dặn dò, nhắc nhở tôi phải đối với Tuyên. Hà chỉ biết Tuyên qua tấm ảnh Tuyên tặng tôi. Hà bảo: “Cô gái này có đôi mắt to nhưng buồn quá. Ông liệu hồn đừng làm người ta đau khổ nhé!” Tôi nuốt nước miếng như vừa mắc nghẹn. Câu nói đó của Hà nhắc đến câu nói tôi đã từng nhắc Tân: “Tao chỉ có một cô bạn gái thân thiết nhất, mày đừng làm Hà đau khổ đấy nghe!” Tôi thành nhịp cầu cho hai người, một thằng bạn thân, một cô bạn láng giềng. Tôi thành người hòa giải những giận hờn vô cớ của họ. Tôi vun đắp hạnh phúc cho họ như cho chính mình. Tôi đau khổ vì cái chết bất ngờ của Tân, kết liễu đời mình bằng một viên đạn, đã làm Hà chết điếng cả hồn. Tôi giận Tân vô cùng. Tôi đã viết “Kẻ lạ mặt” như một lời giải thích về cái chết bí ẩn đó của Tân, như một lời an ủi Hà chăng, khi mà chúng tôi đã già gần lìa xa cuộc đời này rồi. Ngày ấy, tôi phải động viên và khuyên Hà lập gia đình. Mong rằng theo năm tháng và bận rộn chuyện chồng con Hà sẽ quên hẳn đi một mối tình vừa nên thơ của tuổi học trò vừa quá buồn của một kết thúc bi thảm.
Hà cứ khuyên tôi phải thật lòng với Tuyên. Tôi tâm sự có khoảng cách trong cuộc tình chúng tôi là sự ngăn cấm của gia đình Tuyên, Hà bảo rồi ba mẹ Tuyên cũng bằng lòng nếu chúng tôi quyết tâm. Biết hè nghỉ học Tuyên về quê, ảnh hưởng của gia đình rất mạnh buộc Tuyên phải chuyển trường về một thị xã khác nếu Tuyên vẫn còn tiếp tục mối tình với tôi. Hà dẫn tôi vào thương xá Tax để mua quà tặng Tuyên khi gặp lại Tuyên ở mùa nhập học tới. Dừng lại những gian hàng bán nữ trang, Hà ngắm nghía và hỏi ý tôi. Bà bán hàng cứ tưởng chúng tôi là đôi tình nhân mua quà tặng nhau. Bà ta nói cô mang sợi giây chuyền bạch kim này sang trọng và đẹp nhất trong ngày cưới đó. Cả tôi và Hà đều cười, không cải chính. Bao nhiêu năm qua, đến bây giờ Tuyên cũng chẳng biết đó là món quà Hà mua cho tôi để tặng người yêu. Chuyện không thành, Hà nói: “Âu cũng là định mệnh.”
Bây giờ chúng tôi đã già, thành ông nội ngoại cả rồi, nhưng khi nghĩ về Tuyên tôi vẫn xót xa, đau khổ, ân hận. Nghỉ về Hà như mình đang nằm trên bãi biển hưởng những cơn gió mát, rì rào nghe sóng vỗ, trở về thời thơ ấu. Hồn nhiên. Trong sáng. Nhớ về Hà, bao nhiêu phiền muộn đến từ cuộc sống bầm dập đều tan biến mất.
Đó có phải là Vùng Đất Cấm mà tôi chưa viết xong. Để trả lời: Có một thứ tình như thế./.
Sài Gòn 30 tháng 6 năm 2010