Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
670
123.237.809
 
Cùng một lứa bên trời…
Vân Long

Trên tạp chí Thơ số 5-2006, tôi thích thú đọc bài Mây trời Ai Lao sâu đại dương của Nguyễn Xuân Thâm, anh viết về thời điểm anh được tiếp xúc lần đầu với bài thơ Đèo Cả của Hữu Loan. Thời điểm và sự tiếp xúc ấy không bình thường: Đó là năm 1950, ở Sài Gòn, tạp chí Thế Giới in lại bài trong mục Tiếng Thơ của Xuân Diệu trên tạp chí Văn Nghệ vùng kháng chiến Việt Bắc. Trong bài, Xuân Diệu đã giới thiệu và bình bài thơ Xuân của Đào Xuân

Quý và Đèo Cả của Hữu Loan (mà lúc ấy chỉ in tên tác giả mỗi chữ Hữu). Mới biết những năm đầu kháng chiến, người dân trong vùng địch mong ngóng, hướng về bưng biền Việt Bắc như thế nào trong khi màng lưới kiểm duyệt báo chí của địch còn lơi lỏng.

 

Tôi thích thú đọc bài này vì nhiều lẽ: chỉ một trang in trên tạp chí Thơ của Nguyễn Xuân Thâm mà dựng dậy mối liên hệ, tiếp xúc giữa tôi và anh trực tiếp thì từ 1954 ở Hà Nội, nhưng gián tiếp, hoá ra từ 1950. Lúc đó anh Thâm đang học ở trường Quốc học Huế, đã làm thơ, in báo, ký tên là Dao Ca. Còn tôi là học sinh trường Văn Lang Hà nội, cũng hay in thơ cùng Dao Ca trên hai tờ tạp chí in rất đẹp ở Sài Gòn là tờ Đời MớiThẩm Mỹ. Tôi vẫn dùng bút danh như hiện nay, còn Nguyễn Xuân Thâm sau Hòa bình 1954, mới dùng tên thật của mình làm bút danh.

 

Nếu tờ Thẩm Mỹ nghiêng về sử dụng những dạng thơ ướt át tiểu tư sản, thì tờ Đời Mới lại trọng hiện thực, thơ về núi sông, những dặm dài đất nước, viết lãng mạn bay bổng một chút

là loại thơ cánh học sinh  từng học ở vùng kháng chiến thích nhất, nó gửi gắm được nỗi nhớ

rừng, nhớ vùng đất tự do phóng khoáng mà họ vừa rời xa chưa lâu. Dao Ca có nhiều câu thơ làm tôi nao lòng:

 

Nắng ngút đường dài hoa gạo bay

Rừng sâu mấy bữa lạc sau ngày

Đường xa nắng lửa chiều hun hút

Quán đứng lưng đèo núi tiếp mây

( Nắng ngút đường dài)

 

Mặc dầu đây đó trong bài ta còn thấy phảng phất cách nói của một tác giả

nào thời Thơ Mới, nhưng cảm nhận thì vẫn riêng của Dao Ca:

 

Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt

Mây cứ sầu tuôn núi võ vàng

Lá vẫn pha chàm trên sắc áo

Mưa nguồn thác đổ đá mù sương

(Rừng)

 

Đọc những câu thơ này, tôi cảm phục tài thơ của Dao Ca, tự hỏi: Trời Nam đất Bắc đang tơi bời khói lửa, đến bao giờ ta được gặp người viết những dòng  thơ gợi cảm này? Mà Dao Ca là con trai hay con gái nhỉ?

 

Khi chiến cuộc sôi động ngoài mặt trận, tiếng bom, tiếng đại bác vẫn vọng vào các thị trấn, thành phố tạm chiếm, thì trên trang báo vùng địch cũng không bưng bít nổi âm hưởng thời cuộc. Chúng tôi lợi dụng những dịp này để nhắc nhở sát sạt hơn với những người đang “mũ ni che tai”. Tôi còn giữ nguyên bản in bài Lửa Yên Khê của tôi, cũng in trên tạp chí Đời Mới, ngày 25 tháng Ba năm 1954, khi suốt ngày đêm bầu trời Hà nội ầm ầm tiếng máy bay vận tải nặng nề, chở quân, chở khí tài quân dụng, đắp điếm cho những lỗ thủng chí mạng của con nhím Điện Biên Phủ. Tôi viết ngay về cái làng nhỏ quê tôi ở Khoái Châu, Hưng Yên: Ai về Yên Khê trong chiều gió lộng? Ai về Yên Khê tơi bời thép súng/Ngói xô đình vỡ, gạch mướt mồ hôi…Tôi không thể mây, trời, trăng, gió nữa, mà phải nhìn thẳng vào cuộc chiến: Gót sắt băm bờ ruộng/ Lửa bừng xém lũy tre/Súng gầm tan cối đá/ Máu người ngâm cho thóc nẩy mầm

 

Hiện thực ở thành phố thì: Ai về Yên Khê/ Nói nhỏ với dòng sông ấy/ Rằng người thiếu nữ miền quê/ Mái tóc mây trời ngày nọ/ Uốn lên rồi/ Và cũng quên rồi/ Trưa nắng/ mồ hôi!....Ai về Yên Khê/ Nhắn hộ bờ khoai lối cỏ/ Chú mục đồng năm xưa đang gót lê hè phố /Từng chiếc kem trao mát lòng thiên hạ/ Khi lòng mình như lửa đốt quê xa …Rồi cũng chỉ có thể nói lên mong ước: ÔI Yên Khê! Ngày nao ta về nhìn xanh màu quê!

 

Bài thơ giáp lá cà với thời cuộc mà được in ra là thắng rồi. Sao có thể giầu chất thơ như của Dao Ca!

 

Cũng tháng Ba năm ấy, ở căn nhà trọ nhỏ bờ sông Hương, cậu học sinh, nhà thơ trẻ Dao Ca-Nguyễn Xuân Thâm đang tiếp một người: bạn thơ Như Trị nguyên chủ bút tờ báo Trẻ (Sài Gòn), lại đang đeo lon thiếu úy sĩ quan Đà Lạt. Họ rì rầm vạch con đường lên chiến khu Hoà Mỹ, chỉ cần về quê Dao Ca (thôn An Thuận (làng Cốm), xã Hương Toàn, huyện Hương Trà) là có liên lạc đưa đi…Sau Như Trị học luật, thành luật sư Bùi Chánh Thời, hoạt động trong lực lượng thứ ba nội đô Sài Gòn trước 1975. Còn Nguyễn Xuân Thâm được đưa ra học trường Huỳnh Thúc Kháng ( Nghệ An), hàng ngày vẫn gánh nước cho bếp tập thể qua nhà nhà văn Cao Tiến Lê, mà sau này hai anh mới biết nhau…

 

Nhờ khúc dạo đầu 1950-54 đó, nhờ cái tâm người viết và cách viết trong sáng, hiện thực, hai chúng tôi hòa nhập nhanh chóng vào niềm vui và niềm tin của những ngày hoà bình đầu tiên trên nửa nước, có mặt trên các báo xuất bản ở Hà nội, trở thành mấy người làm thơ trẻ lứa đầu của giai đoạn thơ xây dựng XHCN ở miền Bắc.

 

Có thể nói Nguyễn Xuân Thâm là người sớm tạo được cách viết  chân mộc, thơ anh chuyển hướng, tìm thơ trong sự giản dị, không ngại đưa chất đời sống thô tháp vào thơ để chống lối mòn duy mỹ của thơ vùng tạm chiếm. Tôi cứ hay trêu anh: “thơ gì mà đọc lên như …đấm vào tai người nghe Cá úc  kêu ùng ục dưới thuyền / Le le nghe động vội bay lên!” Nhưng trên cái nền ấy, anh lại có Trăng lên Hòn Dáu ngời tăm cá / Sông dài đầy trăng tiếng gà lạ (Đáy cá đêm)  và đôi lúc bắt được ngọc ở giữa trời: Mảnh trăng xanh cong như mình cá. Đó là thơ anh viết về vùng biển mà anh thường dẫn sinh viên đi thực tập (anh là tiến sĩ hoá thực phẩm, dạy về khoa chế biến cá, trường Đại học Bách khoa). Anh hiểu biển với tri thức khoa học, nhưng miêu tả nó với tâm hồn nhà thơ. Biển có những loại cá gì, tập tính ra sao dưới độ sâu bao nhiêu mét nước. Chất liệu đời sống phải rất cụ thể Những hạt muối long lanh sáu mặt.

 

Khi Nguyễn Xuân Thâm lần đầu đọc Mây trời Ai Lao/ sâu đại dương/ Dặm về heo hút/ Đá bia mù sương…ở Huế 1950, thì tôi cũng đang gò lưng chép không biết lần thứ bao nhiêu Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời (Quang Dũng) cho các bạn học sinh cũng lỡ trớn như tôi, ngồi ngắm Tháp Rùa mà day dứt nhớ mái trường kháng chiến!

 

Khi đọc Đèo Cả, Nguyễn Xuân Thâm cứ đinh ninh câu thơ của Hữu Loan Mây trời Ai Lao sâu đại dương (sâu không có dấu huyền) là đúng, do tạp chí Văn Nghệ vùng kháng chiến in trên giấy dó làm bằng  tre nứa nên chữ bị mất dấu. Báo Sài Gòn cứ thế in lại. Nhưng nhóm Chân trời mới ở Sài Gòn (gồm Thiên Giang, Tam Ích, Thê Húc, Dương Tử Giang…) lại rất khen, cho là mới mẻ, sáng tạo nhất trong bài là câu Mây trời Ai Lao sâu đại dương.

 

Hai mươi năm sau, gặp Hữu Loan, Nguyễn Xuân Thâm nhắc lại chuyện này. Hữu Loan nói : “Chữ sâu hay hơn chữ sầu. Chữ sâu làm cho câu thơ hiện đại”.

 

Trong những năm đó, một trong những chuyến “giang hồ vặt” của tôi quanh Hà nội, sang ngôi đền cổ ở Bắc Biên, xã Ngọc Thụy, Gia Lâm, tôi bắt gặp chữ dùng hiện đại này trên cổng ngôi đền gạch vôi tróc lở rêu phong trong khuôn hình đôi câu đối chữ Hán như sau:

 

Khúc kính, vân thâm, tăng lạp trọng

Nhàn môn, hoa lạc, khách hài hương

mà nhà thơ Trần Lê Văn dịch là:

Ngõ khuất, mây sâu, sư nặng nón

Cửa nhàn, hoa rụng, khách thơm giầy

 

Đó mới là sự chạm ý tưởng của hai tài thơ, còn ngữ âm và hình tượng thì nếu Hữu Loan dùng chữ sâu (không dấu) Mây trời Ai Lao sâu đại dương thì câu thơ dài rộng kỳ vĩ hơn nhiều, chứa đựng nỗi cảm hoài lung linh hơn nhiều! Nhưng tiếc thay chữ sầu Hữu Loan đã trót gieo, làm mất đi sự chơi vơi, hun hút… Tất nhiên ông Tú tây học Hữu Loan ở tận Nga Sơn Thanh Hoá chưa đọc hai câu này. Đôi câu đối không hề có lạc khoản, danh tính tác giả mà hiện đại đến hai lần: mây không chỉ sâu hút mà còn làm nặng nón nhà sư, và còn thêm cả tư thế phong lưu rất mực của khách nhàn du: hoa rụng làm thơm giầy khách! Thế mới biết thơ hay (ngôn ngữ Việt) là ảo diệu vô ngần, dù chỉ thay đổi một cái dấu…và ngoài trời lại có trời!

 

Những năm 80 thế kỷ trước “Cùng một lứa bên trời…”Bà Triệu, hai đứa chúng tôi ở cùng phố Bà Triệu, hay gặp nhau ở cà phê Hói. Uống cà phê xong, đi lang thang qua vài ngách phố lân cận rồi mới chia tay, bắt đầu ngày làm việc mới. Có một lần, tôi đưa Nguyễn Xuân Thâm vào ngõ Tràng An, cái ngõ nối phố Huế với phố Triệu Việt Vương, có một ngôi chùa cổ. Tôi kể: Thuở nhỏ, mình đã tập đi  trên cái ngõ này! Và kể sơ qua vài kỷ niệm. Chợt Thâm bảo: “Thế thì đêm nay chúng ta cùng làm thơ về  ngõ Tràng An! Sáng mai gặp nhau xem ai có bài trước!” Tôi không khỏi tự ái, định bật lại: “Ngõ Tràng An này của Hà nội, của tôi, không phải

xứ Huế của Thâm đâu!” Nhưng rồi lại nghĩ “ Ừ nhỉ! Với những kỷ niệm thân thiết ấy, sao không thể thành thơ?”  Câu nói khích của Nguyễn Xuân Thâm như giọt nước làm tràn cốc giúp tôi có bài thơ Ngõ Tràng An: Tôi thả bước lơ ngơ/ Trưa vàng ngõ cũ/ In một bước tình cờ/ Lên dấu chân ngày nhỏ… Rồi lại chính Nguyễn Xuân Thâm, khi đọc bản nháp bài tôi viết sáng hôm sau, đã ngoặc câu khá nhất đang ở giữa bài xuống làm câu kết, tạo độ dư vang cho cả bài:

 

Hoa đại đầu thế kỷ

rụng vào tôi-bây- giờ

( câu thơ này sau được chọn là một trong 50 câu được thả lên trời Ngày     Thơ Việt Nam năm Đinh Hợi, 2007).

 

Còn với Nguyễn Xuân Thâm, anh khỏi cần viết về ngõ Tràng An nữa, bởi anh đã khai sinh ra bài Ngõ Tràng An cho tôi, lại còn làm bà đỡ mát tay, hoàn thiện nó!

 

Đó không phải bài thơ duy nhất chúng tôi chỉnh sửa giúp nhau hoàn thiện khi mỗi bài thơ còn ở dạng bản nháp, còn những dấu vết chủ quan của người viết mà nhiều khi dù thâm niên trong nghề vẫn không tránh khỏi. “Văn mình vợ người” là để nói tính chủ quan chung của người làm văn nghệ. Nhưng chủ quan nhất hạng vẫn là cái anh làm thơ! Ngôn ngữ thơ ma quái lắm! Kể cả nhà thơ nổi tiếng đến các giáo sư tiến sĩ ngữ văn, khi bước vào mê trận sáng tạo thi ca, là đôi lúc “xì“ ra những câu chữ ngớ ngẩn đến buồn cười.

 

Cái cách chúng tôi giúp nhau thật dân chủ! Bản nháp của A được chép sạch, B sẽ thẩm định một cách khách quan, sành sỏi. Gặp câu chữ hay có thể gạch bên lề để khen, động viên bạn. Gặp câu chữ nào còn sượng, chưa chín sẽ đánh dấu để bạn xem lại. Sau đó B có thể biên tập trực tiếp vào bài “ Nếu là  thơ của mình, mình sẽ sửa thế này! Còn chấp nhận hay không, hay có cách chỉnh sửa khác, tùy cậu!”.

 

Điểm lại 35 năm quen biết Nguyễn Xuân Thâm, tôi cũng có nhiều bạn thơ thân thiết khác, nhưng chỉ với Thâm, chúng tôi mới đi sâu vào “bếp núc”, nghề thơ của nhau một cách thoải mái, không tự ái, tri âm tri kỷ đến từng con chữ.

 

Có lẽ được như vậy, do hai chúng tôi cùng chung một xuất thân, một quan niệm thơ, một trình độ thẩm mỹ mà phong cách viết hai người vẫn khác nhau, có thể bổ sung cho nhau một cách hài hoà.

 

Mong các bạn làm thơ trẻ hiện nay cũng tìm được bạn tâm giao ….

như rứa!./.

 

(Những người…”rót biển vào chai”, NXB Phụ nữ, 2010).Bản của tác giả

Vân Long
Số lần đọc: 2076
Ngày đăng: 12.07.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khi nhà toán học bắc chiếc cầu thơ... - Thái Doãn Hiểu
100 Năm “Vang Bóng Một Thời” - Đoàn Minh Tuấn
Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên một ấn tượng Nam Bộ - Vân Long
90 Năm Tác Giả “Dế Mèn” Tô Hoài - Đoàn Minh Tuấn
Quách Tấn , Người giữ đền tài hoa - Lê Ngọc Trác
La Nhiên, Người Nhạc Sĩ Tài Hoa Một Thời… - Mang Viên Long
Thạch Quỳ - Người nuôi ảo mộng giữa chiêm bao - Thái Doãn Hiểu
Nhà kỹ nghệ và doanh nghiệp Việt nam - Trương Văn Bền (1884-1956) - Nguyễn Đức Hiệp
Hoàng Cầm – Thi Sĩ Kinh Bắc thuộc Dòng Mậu Hệ -tt - Thái Doãn Hiểu
Hoàng Cầm – Thi Sĩ Kinh Bắc thuộc Dòng Mậu Hệ - Thái Doãn Hiểu