Tưởng chừng như đã trôi vào quên lãng, tưởng như dòng thời gian nghiệt ngã và sự lên ngôi của thời đại tôn sùng vật chất sẽ xóa nhòa các giá trị tinh thần,… Điều đó hoàn toàn không đúng.
Người xứ Huế vẫn từ tốn và hiền hòa như dòng sông Hương. Mọi vật cứ thế trôi trong không gian yên tĩnh đến lạ kỳ. Một buổi chiều trở gió, bên bến sông xưa, một ông già đã ngoài thất tuần vẫn đơn độc, một mình bên chiếc bàn nhựa tái chế... Ông ngồi với ngọn gió nồm như để suy ngẫm một việc gì đó thật xa xăm... anh em hậu thế vẫn thường gọi ông là huynh trưởng. Rồi năm ba người bạn vong niên xuất hiện trò chuyện về văn hóa, về cuộc kháng chiến văn hóa trường kỳ mà theo huynh trưởng nhiệm vụ chính là của mỗi văn nghệ sĩ, mỗi trí thức thực thụ phải tiên phong. Trong cuộc trò chuyện ấy, người anh cả đã đề xướng làm một gala Sông Hương về âm nhạc.
Lời đề xướng đầy nhiệt tâm đó tưởng chừng đã bay theo ngọn gió chiều bên sông. Nào ngờ một thi sĩ có mặt hôm đó đã chuyển từ ý tưởng Gala Sông Hương thành Gala Tinh Hoa - Sông Hương. Sự nhiệt tình cùng với một tình yêu âm nhạc và để tham gia vào cuộc kháng chiến văn hóa, thi sĩ có dáng vẻ của một tài tử điện ảnh đã đánh thức niềm đam mê trong anh em trẻ tuổi. Vậy là sự kiện đã chính muồi khi sông Hương số đặc biệt tháng 5 ra đời để chào mừng Festival 2010 với sự góp mặt của Trần Bá Đại Dương về những thông tin của nhà xuất bản Tinh Hoa, rồi trong các cuộc nhậu ca đã tình cờ phát hiện chất giọng đặc biệt của những người Huế mê nhạc xưa.
Hòa vào chương trình Festival 2010, một chương trình gala Tinh Hoa - Sông Hương đã góp mặt tại Nam châu Hội quán cùng với sự hiện diện của những người con và bà Huỳnh Thị Cam vợ của ông Tăng Duyệt, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, con của cố nhạc sĩ Châu Kỳ,… cùng đông đảo những người yêu âm nhạc của xứ Thần kinh.
Điều đáng nói là những bộ sưu tập các bản nhạc đã trên nửa thế kỷ do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành từ những thập niên 1940, 1950 đều được những người yêu nhạc khắp mọi miền gửi về để trưng bày. Trong điều kiện in ấn khó khăn và chiến tranh hoãn loạn, vậy mà mỗi bản nhạc thuở đó được in trang trọng trên tờ giấy gấp khổ A4 và bìa được các họa sĩ Phi Hùng, Duy Liêm minh họa chỉ với hai màu nhưng thể hiện tràn đầy cảm xúc bản nhạc. Hầu hết các nhạc sĩ danh tiếng của đất Việt đều được xuất hiện với công chúng qua nhà xuất bản Tinh Hoa. Có thể kể ra một vài tác giả quen thuộc như: Nguyễn Văn Thương, Lê Thương, Văn Cao, Phan Huỳnh Điểu, Dương Thiệu Tước, Hoàng Trọng, Văn Giảng, Hoàng Giác, Cung Tiến, Đặng Thế Phong, Lê Trọng Nguyễn, Thẩm Oánh, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Hữu Ba, Ngô Ganh, Châu Kỳ, Lê Trạch Lựu, Lưu Hữu Phước, Ngọc Bích, Phạm Đình Chương, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Thiện Tơ, Văn Phụng,… cùng với các nhạc phẩm vượt thời gian: Đoàn giải phóng quân, Hòn vọng phu, Thương về miền Trung, Đêm tàn Bến Ngự, Hướng về Hà Nội, Em đến thăm anh một chiều mưa, Buồn tàn thu, Gửi người em gái, Mơ hoa, Nhớ nhung, Chiều vàng, Thuyền mơ, Cô hái mơ,…
Trở lại câu chuyện người gợi ý cho một gala Sông Hương, rồi từ ý tưởng đó đã dẫn dắt đến gala Tinh Hoa - Sông Hương. Đó là điều mà hầu như trong hơn nửa thế kỷ qua đã không ai nhắc đến. Tôi tin chắc rằng, những người trong cuộc của thời đó, hầu như ai cũng đều biết đến và thích nghe những bản nhạc của nhà xuất bản Tinh Hoa. Chỉ có một điều làm người ta quên mất cái nhà xuất bản đúng như tên gọi của nó: Tinh Hoa. Và quên mất luôn người điều hành nhà xuất bản Tinh Hoa là ông Tăng Duyệt.
Cũng như sau khi gala Tinh Hoa - Sông Hương kết thúc thì không ai biết do đâu, bắt đầu từ nơi nào để có được một buổi chiều trong ngôi phủ đệ bên dòng Hương thơ mộng, bao nhiêu ký ức cũng như niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt bà Tăng Duyệt, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những gương mặt trên lục tuần,... cùng đông đảo những gương mặt trẻ yêu nhạc. Sự thành công đã vượt ngoài dự đoán của ban tổ chức gala Tinh Hoa - Sông Hương, gồm Hội âm nhạc Thừa Thiên Huế, tạp chí Sông Hương,... dù có nhiều điều chưa hoàn hảo. Nhưng những nhà nghiên cứu, các trí thức thực thụ, các văn nghệ sĩ và công chúng đều công nhận sự thành công của gala Tinh Hoa - Sông Hương. Có ai biết rằng với kinh phí rất eo hẹp và trong khoảng thời gian rất ngắn trước buổi gala Tinh Hoa - Sông Hương là những xoay sở, mời gọi,… từ những anh em tâm huyết để có được sự hiện diện của những người trong cuộc nhằm tạo ra một không khí đầy ý nghĩa.
Trong buổi chiều nên thơ đó, ngoài những lời tâm sự của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, cô Tăng Bảo Thiều con gái của ông bà Tăng Duyệt,… là phát biểu của những nhà nghiên cứu, những văn nghệ sĩ và không thể thiếu được giọng ca trữ tình của các ca sĩ tình nguyện đã góp phần tôn vinh nhà xuất bản Tinh Hoa.
Qua câu chuyện về gala Tinh Hoa - Sông Hương, các thế hệ trẻ sau này biết thêm câu chuyện về một nhà xuất bản âm nhạc đã lặng lẽ cho ra đời dòng tân nhạc trong khoảng thời gian khắc nghiệt nhất của đất nước. Điều này đã chứng tỏ rằng cái gì thuộc về văn hóa sẽ đi vào vĩnh cửu, cho dù một khoảng thời gian nào đó nhiều người đã vô tình hay vì một lý do nào đó không muốn nhớ./.