Lang thang trên mạng, một hôm tình cờ tôi gặp truyện ngắn của Lê Thanh đăng trên trang web “Văn Chương”, một trang web quy tụ được hàng nghìn tác giả khắp Trung Nam Bắc với ngót một vạn bài viết. Lê Thanh là giảng viên đại học đã nghỉ hưu, là bạn học cùng khoá với tôi, có dáng cao cao, gầy gầy, là con người dễ tính với nụ cười trên môi khi nói chuyện với người đối thoại. Bên ấm chè xanh, chúng tôi ngồi đàm đạo về chuyện văn chương chữ nghĩa. Nhấp một ngụm nước chè, Lê Thanh tâm sự với tôi:
- Kể ra viết văn cũng là một niềm đam mê, một cái thú tiêu khiển khi quỹ thời gian của mình từ ngày về hưu bỗng dưng trở nên rộng rãi. Những bài viết của mình nếu được sử dụng ở đâu đó trên blog, trên web sẽ làm cho đời sống văn học nghệ thuật vui vẻ hơn, đa dạng hơn, dân chủ hơn bởi suy cho cùng viết lách là quyền tự do của mỗi cá nhân. Nhưng cái chuyện văn chương chữ nghĩa nó khác với các loại hình nghệ thuật khác, hầu như bất cứ người nào biết đọc biết viết cũng viết văn được, hoặc tưởng rằng mình viết được văn. Từ bậc Tiểu học người ta đã dạy môn Tập làm văn, mà từ tập làm văn đến làm văn cũng chẳng xa nhau mấy bước. Mình không có ảo tưởng được như các cụ ngày xưa “văn dĩ tải đạo”, nhưng vấn đề là viết gì, viết để làm gì, viết cho ai, viết như thế nào, văn của anh có giọng điệu riêng, bản sắc riêng và để lại một ấn tượng nào đó trong lòng người đọc hay không? Lấy cảm hứng từ đâu ? Những vấn đề ấy làm mình băn khoăn trăn trở mất một thời gian dài trước khi viết truyện ngắn đầu tiên.
- Lại còn chuyện cốt truyện nữa, anh lấy đâu ra cốt truyện để viết?
- Cốt truyện? Không thiếu. Tất cả những điều ta đã trải nghiệm trong cuộc sống hoặc đơn giản hơn, nảy sinh ra từ trí tưởng tượng đều có thể là những chất liệu ban đầu của cốt truyện, rồi sau đó thêm dấm thêm ớt, thêm mắm thêm muối vào. Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm . Cái câu chuyện cốt truyện nó dễ dàng lắm!
Nhưng chính cái sự tưởng như dễ dàng ấy lại đem tai hoạ đến cho Lê Thanh , anh ấy vướng vào đấy như gà mắc tóc. Câu chuyện trở nên rắc rối sau khi con trai bà Tám đọc truyện ngắn “ Nợ đời” của tác giả Lê Thanh trên trang web “Văn Chương”, down xuống, in ra giấy rồi đưa cho mẹ. Bà Tám ở cùng khu chung cư với Lê Thanh, bà ở nhà B3, Lê Thanh nhà B2. Chồng bà Tám cũng đã nghỉ hưu, là một đệ tử có hạng của Lưu Linh và cái sự say sưa mê đắm rượu chè đã khiến bà coi ông là một món nợ đời.
Để độc giả có thể làm quen với nghệ thuật cũng như phong cách dân dã khi những người đàn bà hát vì lý do nào đó, tôi xin trích một đoạn trong bài hát “Mất gà” làm thí dụ:
“Bố cái thằng chết đâm, cha cái con chết xỉa ! Mày day tay mặt, mày đặt tay trái, nỡ ăn cắp của bà đây con gà. Này bà bảo cho chúng mày biết: thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn… Con gà nó ở nhà bà là con gà. Nó bị bắt trộm về nhà mày thì thành con cú, con cáo, nó sẽ mổ mắt, xé xác ông, bà, cha, mẹ, vợ , chồng, con cái nhà mày đấy… ây… ấy ! Mày mà ăn con gà nhà bà thì ăn một miếng chết một đứa, ăn hai miếng chết hai đứa, và ăn cả con gà đó sẽ chết cả nhà cả ổ nhà mày…ày. Cha tiên nhân ông nội, ông ngoại, ông dại, ông khôn, đồng môn chi rễ nhà mày nhá! Mày gian tham đã ăn trộm ăn cắp con gà mái nhà bà. Rồi ra nhà chúng mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, đẻ sót nhau, chết mau, chết sớm nhá…”
Tôi có may mắn một lần tai được nghe bài hát ấy, mắt trông thấy diễn viên đứng trên con đường làng, mặt đỏ tưng bừng, tóc tai xộc xệch, tay múa chân khua, mép giải mồm loa, tiếng hát vang xa, lên bổng xuống trầm đến tận cuối làng còn nghe thấy. Cũng chẳng biết là may hay rủi cho Lê Thanh, sau khi đọc “Nợ đời” bà Tám thấy có nhu cầu phải hát, bà lồng lên, đến gõ cửa căn hộ ở tầng một nhà B2 và hát lên bài hát sau đây :
- Này ông Thanh! Sao ông lại làm ăn viết lách như thế ? Có giấy trắng mực đen đây, tôi đọc vài câu xem có đúng là văn của ông không nhá! Lão thích ở trần, trời đã sang thu mà chỉ đánh độc một cái quần đùi, ngồi ờ hiên nhà hút thuốc lào vặt, ngửa mặt thả khói lên trời rồi nhìn về xa xăm suy ngẫm sự đời. Đời bây giờ đối với lão chỉ còn hai thứ có chút nghĩa lý, đó là thuốc lào và rượu…Ngày còn trẻ, lúc lão mới lấy bằng phó tiến sĩ ( bây giờ là tiến sĩ) hai người đã có một cuộc tình lãng mạn và đẹp đẽ trước khi đi đến hôn nhân. Còn bây giờ? Căn hộ của lão ở tầng hai, một hôm mụ vợ chẳng biết hấp tấp thế nào mà khi bước xuống cầu thang vấp ngã suýt nữa vẹo chân, lão chẳng những không an ủi mà còn tiện mồm thốt lên “ Chết mẹ mày đi!”… Ông viết như thế a? Sao ông không nêu đích danh đó là lão Trân nhà tôi cho nó xong, lại còn bày đặt là chuyện của ông Tấn, ông Tần nào đó. Lại còn cái đoạn ông viết xưng xưng lên rằng tôi xô lão vào cột điện. Tôi xô hồi nào? Chẳng qua là hôm ấy lão say quá, không còn biết giời đất gì nữa, tôi dìu về đến chỗ đó thì vùng vằng, tôi tuột tay để ngã . Nếu ông có lòng tốt mà quan tâm thì bảo tôi một câu: “ Này em ơi! Sao lại xô anh ấy ngã như thế? “. Nói như thế tôi còn cám ơn. Đằng này lại bày ra viết lách, truyện ngắn với truyện dài. Ông có mail ngay cho thằng quản trị cái trang “Văn Chương” phải gió, bảo nó gỡ ngay bài ấy xuống, không thì không xong với tôi đâu.
Xét về thế trận thì hôm ấy bà Tám tấn công áp đảo, còn Lê Thanh phòng ngự yếu ớt. Về phương diện nghệ thuật thì bài hát của bà nghe không có vần có điệu như bài “Mất gà” và cũng may là chưa có cái đoạn ông nội, ông ngoại, ông dại, ông khôn, đồng môn chi rễ nhưng xét về cường độ âm thanh thì thật chói tai. Ai đã từng ở chiến trường và chứng kiến C130 bay dọc theo đường mòn bắn ca-nông 14 ly dai như đỉa đói thì có thể thông cảm với Lê Thanh hôm ấy. Bà Tám nói mà không thèm nhìn người, mặt của bà vác lên nhìn vào một khoảng không vô định, chất giọng của bà cứ tằng tằng…tằng tằng nghe cũng không khác với ca-nông 14 ly là mấy.
Câu chuyện đến đấy thì xảy ra cuộc giao ban của hai người đàn bà để tiếp tục tra tấn khổ chủ. Vốn không ưa gì nhau, thoáng thấy vợ Lê Thanh đi chợ về bà Tám chốt lại một câu: “ Tôi đã bảo rồi, thằng con tôi mà còn nhìn thấy cái bài ấy trên trang web thì không xong với tôi đâu! “ rồi quay gót ra về. Là người nhạy cảm và tinh ý, con ruồi bay ngang biết ngay là ruồi đực hay ruồi cái, chỉ cần nghe loáng thoáng mấy câu cuối cùng của cuộc đối thoại chị vợ hiểu ngay ra nội dung câu chuyện. Và đay nghiến: “ Thời buổi bây giờ văn minh cho lắm vào nên sinh ra ngay cái máy tính với lại internet dở hơi, rồi bày đặt ra trang web này với lại blog nọ, hay ho gì! Khối đứa viết nhăng viết cuội, bút sa gà chết, đã bị nhà chức trách hỏi thăm ông không biết hay sao mà còn mua dây buộc vào người. Đầu đã hai thứ tóc, trẻ trung khoẻ mạnh gì mà suốt ngày chúi mũi vào màn hình máy tính, tay gõ lách ca lách cách. Cứ tưởng là gõ ra tiền ra bạc, ai dè lại gõ ngay ra con mụ ăn vạ. Đã sung sướng chưa? Bây giờ ông tính với nhà người ta thế nào cho phải thì tính, tôi không phải nói nhiều “ .
Từ khi biết Lê Thanh viết văn, tôi có ý định hay là mình cũng bắt chước thử viết xem sao. Anh ấy viết “Nợ đời” thì mình viết “Nợ tình”, kể về chuyện anh Tuyên cưa cẩm chị Mùi như thế nào; hay “Nợ duyên”, trong truyện ngắn đó cô Tuyết trả nghĩa ân nhân ra sao. Tôi lại đọc được ở đâu đó viết rằng truyện ngắn của các bậc thầy như Sekhov, Guy De Maupassant, Lỗ Tấn, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…là một dạng thức phản ảnh cái hiện thực như nó vốn có trong chức năng của văn học. Đã gọi là phản ảnh hiện thực thì sự thực như thế nào mình viết lại như thế, nói sai phải tội. Nhưng từ hôm biết Lê Thanh mắc cái vạ văn chương, tôi tỉnh cả người, cũng may là mình chưa viết và đăng ở đâu đó, nếu không thì có ngày những nhân vật trong truyện của tôi sẽ kéo đến nhà và cho tôi biết thế nào là lễ độ. Hơn nữa, về cái khoản nói dai và nói dài thì vợ Lê Thanh phải tôn vợ tôi làm sư phụ./.
Hà Nội 2010